Lời dịch giả
1. Thiền Uyển Mông Cầu của thiền sư Chí Minh.
2. Thiền Uyển Dao Lâm của thiền sư Tuyết Đường.
3. Thiền Uyển Mông Cầu của một thiền sư đời Tống.
Về quyển thứ nhất và thứ hai ở bản Hán được ghép chung và còn có các tên khác như: Thiền Uyển Dao Lâm Chú, Thiền Uyển Mông Cầu Dao Lâm gồm 562 tắc. Riêng quyển ba, do một vị khuyết danh (mà người ta đoán là một thiền sư đời Tống) ra công sưu tập các tắc còn sót lại, được 144 tắc. Như thế quyển Vườn Thiền Rừng Ngọc sẽ có 706 mẫu chuyện thiền.
Trong lần tái bản này chúng tôi có sửa đổi về hình thức và nội dung tập sách như sau:
Về hình thức: Cứ 4 câu sắp xếp vào một bài, trong đó: phần chữ Hán và phần phiên âm được xếp ngang nhau; phần dịch nghĩa và chú thích được xếp chung liền dưới đó.
Về nội dung: Chúng tôi nhận thấy có 44 tắc mà thiền sư Tuyết Đường không tìm được xuất xứ. Riêng về phần chúng tôi trong khi đọc các sách thiền khác, tình cờ tìm được phần chú thích cho 10 tắc:
1. Thiên Bát khai hoa (tắc 35)
2. Qui Tông duệ thạch (tắc 65)
3. Từ Giác dưỡng mẫu (tắc 76)
4. Tứ hiền vấn đạo (tắc 81)
5. Tam Phật hạ ngữ (tắc 82)
6. Mộc Bình thảo lũ (tắc 158)
7. Thiên Cái dục thất (tắc 161)
8. Phần Dương lục nhân (tắc 199)
9. Thứ Công điểm nhãn (tắc 377)
10. Quốc sư thủy oản (tắc 522).
Có thể nói đây là một quyển sách nhập môn thiền học cho quí vị thiền sinh mới vào cửa thiền, và cũng là tài liệu giúp cho sự tra cứu các điển tích thiền rất tiện dụng.
Mặc dù đã cố gắng chỉnh sửa, bổ sung, song chắc chắn tập sách cũng không tránh khỏi những sai sót bất cập, mong người đọc lượng thứ.
Thông Thiền kính ghi.
Lời tựa
Vào đời Ðường, Lý Hãn có trước một thiên “Mông Cầu” tiện cho kẻ sơ cơ học thuộc. Từ đó về sau, có một ít người phỏng tác loại sách Mông Cầu. Ở đây xin nêu ra một vài quyển như: Thuần Chính Mông Cầu, Tân Mông Cầu, Tục Mông Cầu v.v…
Quyển sách này có tên “Thiền Uyển Mông Cầu Dao Lâm” là do phối hợp hai phần: phần I tức quyển Thiền Uyển Mông Cầu và phần II tức quyển Thiền Uyển Dao Lâm.
Quyển Thiền Uyển Mông Cầu trên là do sư Chí Minh soạn ở chùa Thiếu Lâm, non Tung Sơn vào đời Nam Tống. Thiền sư Chí Minh bắt chước theo Lý Hãn, trích dẫn sử truyện, căn cứ vào các Tổ Lục rồi biên tập việc làm của các đời Tổ sư trong Thiền Lâm, trên từ Phật Thích Ca đến cuối là Hòa thượng Huyền Minh. Mỗi câu bốn chữ, cả thảy gồm trong 562 tắc thiền ngữ, dưới thể thơ Ngẫu đối, lời lẽ hài hòa hợp thành âm vận, giúp người học thuộc dễ dàng, từ vốn liếng này có thể soi lòng và biện đạo.
Ba mươi năm sau đó, cũng đời Nam Tống, vào niên hiệu Bảo Hựu thứ 3 (1255), tại Yên Kinh nơi chùa Ðại Vạn Thọ, Thiền sư Ðức Giản hiệu Tuyết Ðường, tham khảo trích dẫn các bộ loại như kinh Phổ Diệu, Truyền Đăng Lục, Phổ Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, Phật Tổ Thống Kỉ, Tăng Bảo Lục v.v… chú thích sách này rõ ràng, làm cho mỗi câu thêm thi vị, rồi giao cho Ngọc Khê tiến hành việc khắc bản, lấy tên là Thiền Uyển Dao Lâm, được xếp vào Tục tạng chữ tập thứ 148.
Về sự lưu hành này tại Trung Quốc, đến nay cũng chưa biết rõ ràng, các tác giả ghi chép về Thiền học có Hòa thượng Nghĩa Ðế cho rằng: “Sách được lưu hành khá lâu ở Nhật Bản, tuy nhiên ở Trung Hoa thì chẳng còn. Theo ông Viễn Môn Trụ trong Ngũ Đăng Tục Lược thì vị tăng tên Tuyết Ðường Giản này thuộc môn hạ của Vạn Tùng”.
Nhờ sự kiện trên chúng ta có thể thấy ở Trung Hoa, sách này truyền bá chẳng được rộng rãi. Về niên đại truyền sang Nhật Bản cũng chưa rõ lắm. Nhờ bản chép tay thời Túc Lợi, khoảng niên hiệu Ðại Vĩnh (1521-1527), chúng ta mới biết có sách này lưu hành trong chốn tùng lâm từ trước. Ðến thời đại Ðức Xuyên (1615-1867), nó được khắc bản trước sau hai lần, thời gần đây lại được biên vào Tục Tạng Kinh. Thế thì, sách này há lại rơi vào điều hiềm nghi về văn tự thiền ư?
Than ôi! Tông phong Vạn Tùng làm sách này cốt muốn cho người chân tham thật chứng, trái lại bọn người cạn cợt lấy đó làm vốn riêng gây thành đề tài cho các cuộc tranh luận. Ðâu phải là trống đánh xuôi mà kèn thổi ngược?
Thế nhưng, theo chỗ nhận định của cư sĩ Sư Hiên thì “Sách này gồm có 2000 lời, phát minh 500 việc, lời lẽ sáng tỏ mà đầy đủ, sở học của Sư sâu mà rộng, đáng cho là cao tột trong Thiền môn. Biển pháp được đúc kết thành tiêu đề, khiến kẻ hậu học bớt được mười năm nhọc nhằn, thành tựu trí nhớ hơn nửa tạng. Vậy thì, công lao cùng lòng từ bi của Sư cũng đủ cho chúng ta thấy”.
Ở đây, miễn bàn những lời tán dương rườm rà, chỉ biết quyển Mông Cầu này ra đời nhằm mục đích giúp cho người mới vào cửa Thiền có tài liệu học tập và các điệu trong chùa giải trí bằng cách ngâm nga các thi kệ.
Các cư sĩ: Nhàn, Sư Hiên, Long Sơn đề tựa.
Tiểu sử tác giả
Tác giả là Thiền sư Chí Minh, tự là Bá Hôn, hiệu Lạc Chân Tử, lại có hiệu là Thố Am, người đời Tống ở An Châu (nay là huyện An Tân, Hà Bắc), con nhà họ Hác. Tính tình của Sư rất mực thước, dáng bên ngoài trong quê mùa chất phác, nhưng tinh thần bên trong rất là sáng suốt.
Ban đầu Sư ở chùa Hương Lâm (nay thuộc huyện Vấn, Tứ Xuyên). Nơi đây, Sư thụ giới cụ túc với Tịnh Công và ngày đêm tham cứu chẳng chút biếng trễ, lại đến thưa hỏi nơi thất Tịnh Phổ. Sau đó, tại chùa Ðông Lâm (nay thuộc Lô Sơn tỉnh Giang Tây), Sư triệt chứng. Ít lâu sau, Sư được tuyển vào chùa Siêu Hóa. Thời Nam Tống trong những năm 1226-1227, Sư nhận lời đại chúng mời về trụ chùa Thiếu Lâm thuộc Tung Sơn, Hà Nam. Chính tác phẩm Thiền Uyển Mông Cầu được hoàn thành trong lúc này.
Về sau, Sư tự làm một thiên trường ca rồi ra đi, đại chúng giữ lại chẳng được khiến mọi người càng kính ngưỡng cao đức của Sư. Ðiểm đáng tiếc là chúng ta chẳng rõ Sư mất vào năm nào, ở đâu, cùng tuổi hạ được bao nhiêu, chỉ biết Sư thuộc pháp phái Vạn Tùng.
Sau đây là một phần trong thiên trường ca do Sư làm trước khi ra đi:
Quán cơm trước núi mở cửa rồi,
Bánh to như đấu, bánh như rây,
Lạc Dương thành ấy nhiều đàn tín,
Ðua nhau bày cúng: chuyện vua tôi.
Lão nghèo nàn, tài kém cỏi,
Do đâu lão đến múa rối tồi!
Chống gậy thẳng lên Tung Dương Lộ
Cười chỉ núi xanh, về đi thôi!