Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ sáu: HUYẾT MẠCH LUẬN

 

cuathu6Tổ Bồ Đề Đạt Ma HT Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

Huyết mạch luận tức là bàn về “huyết mạch”. Trong huyết mạch này là chỉ thẳng cho chúng ta thấy cái thiết yếu của người tu, sau khi ngộ tánh thì tu cái đó mới được kết quả như sở nguyện. Còn nếu không ngộ tánh mà tu, thì kết quả khó mà được như sở nguyện. Ba cõi cùng khởi đồng trở về một tâm. Phật trước Phật sau lấy tâm truyền tâm, không lập văn tự.

Tam giới cùng khởi đồng từ nhất tâm. Đức Phật trước, đức Phật sau đều lấy tâm mà truyền tâm, không có lập văn tự. Như vậy chư Phật truyền nhau là truyền tâm. Chư Phật thành Phật là thành ở tâm chớ không có gì ngoài nữa hết.

Hỏi: Nếu không lập văn tự thì lấy gì làm tâm?

Đáp: Ông hỏi ta tức là tâm của ông. Ta đáp ông tức là tâm của ta. Ta nếu không tâm, nhân đâu mà hiểu để đáp lời ông?

Ông nếu không tâm, nhân đâu mà hiểu để hỏi ta?

Hỏi ta tức là tâm ông.

Từ vô thỉ nhiều kiếp đến giờ, cho đến thi vi vận động trong tất cả thời, tất cả chỗ đều là cái bản tâm của ông, đều là cái bản Phật của ông.

Đoạn này chúng ta thấy, nếu chúng ta muốn đi tìm tâm thì hỏi tâm ở đâu? Đây đặt câu hỏi: Nếu không lập văn tự thì lấy gì làm tâm? Ngài đáp: Cái ông hỏi ta, cái đó tức là tâm rồi. Tại sao cái hỏi tức là tâm? Cái mà ta đáp ông cũng là tâm rồi. Như vậy đúng chưa? Như vậy hỏi, nói chuyện... đều là tâm phải vậy không? Chỗ đó phải cẩn thận, phải dè dặt đó. Thật tình chỗ đó chỉ khéo một chút là trúng mà xê một chút là trật, coi như là rất dễ mà cũng rất là khó. Chính chỗ đó mà ngày xưa các vị Tổ đã từng dạy nhau, như ngài Huệ Hải mà chúng ta học vừa rồi, Ngài tới Mã Tổ Ngài cũng hỏi về Phật pháp.

Mã Tổ nói: Ta không có pháp dạy người mà hỏi cái gì? Mỗi người tự có kho báu dẫy đầy không chịu trở về tìm rồi  đi hỏi chi?

- Cái gì là kho báu của Huệ Hải?

- Cái ông hỏi ta đó.

Thì ngài Huệ Hải nhận ra liền. Từ đó về sau Ngài không thiếu thốn nữa. Tại sao chúng ta lại thiếu thốn? Như vậy để thấy rằng rời cái hỏi, cái nói, vận động thi vi ra, chúng ta có tâm không? Không. Nói có là trật rồi! Rời cái vận động, thi vi, nói năng ra, chúng ta nào có tâm khác. Nhưng mà ngay cái nói năng vận động, thi vi đó, nếu chúng ta không khéo nhận thì chúng ta cũng bị lầm với vọng tưởng. Khởi nói là vọng tưởng, khởi làm là vọng tưởng, nhưng mà chúng ta khéo thì chúng ta thấy nó. Nó mới lạ chỗ đó! Cho nên ở đây là Tổ muốn chỉ thẳng ngay nơi nói, ngay nơi hành động có cái đó chớ không phải không. Nếu không có cái đó lấy gì để làm cơ sở dấy niệm? Cũng như tôi ví dụ hôm trước, nếu không có nước ở trong biển thì lấy gì làm dậy sóng. Nhưng mà nếu chúng ta cho rằng mỗi lượn sóng là mặt biển bằng phẳng thì trúng hay trật? Rồi chúng ta bỏ tất cả những lượn sóng đó để tìm mặt biển bằng phẳng trúng hay trật? Cũng trật luôn nữa. Như vậy cho nên chỗ đó tôi nói khó mà dễ, dễ mà khó. Không bao giờ nó vắng mặt mà không khéo thì nhận lầm. Cho nên có nhiều khi mình nói: cái nói ra là tâm mình bị các ngài quở thôi là quở. Còn có khi các ngài nói: cái nói năng, động tịnh, đâu có rời cái nói năng động tịnh. Thành ra mình không biết đường đâu mà mò hết.

Chỗ đó là chỗ rối rắm, có khi bị rầy, có khi lại chỉ cái đó. Rồi làm sao hiểu? Mà được cái đó là chỉ có người khéo dùng, khéo nhận. Khéo nhận ra thì thấy, còn không khéo thì không thấy. Vì cái đó, tỷ dụ mình đi, mình nói. Đi, nói, mình biết cái đi, cái nói đó đâu rời tâm. Tâm không vắng mặt lúc nào hết, nhưng mà dấy lên là niệm chớ không phải tâm. Như vậy đừng theo cái niệm đó thì tâm hằng không thiếu. Còn nếu mình theo cái niệm đó thì tức nhiên mất tâm. Không phải cái niệm nó rời tâm, nhưng mà theo niệm thì mất tâm. Cũng như mình chấp nhận những lượn sóng là mặt biển thì mất mặt biển, không bao giờ mình biết mặt biển hết. Còn mình biết rằng bao nhiêu lượn sóng đó đều nằm trên mặt biển thì trúng. Như vậy đó là chỗ khéo của mỗi người. Vì vậy mà ở đây Ngài nói: “Ngay nơi ông hỏi ta đó là tâm rồi. Rồi ta đáp lại cũng là tâm rồi.”

Vì vậy cho nên Ngài nói rằng: Từ vô thỉ nhiều kiếp tới giờ, cho đến những thi vi, vận động trong tất cả thời, tất cả chỗ, đều là bản tâm của ông, đều là bản Phật của ông, đâu có vắng mặt lúc nào. Cho nên tôi nói rằng: không có vắng mặt lúc nào hết mà tại vì mình bỏ quên chớ đâu có vắng mặt, nên nhận ra cái đó thì chúng ta sẽ cười hoài cả ngày vì thấy ông Phật của mình. Còn không nhận ra cái đó thì mình thấy sao mà phiền não không, sáng cũng phiền não, trưa cũng phiền não, chiều cũng phiền não. Ngay nơi đó chớ không xa, cho nên người nào mặt hơi nhăn thì biết chưa thấy ông Phật của mình đâu. Chưa thấy cho nên buồn bực tức tối, chớ nếu thấy ông Phật của mình rồi, Phật ngồi đó chớ đâu mà buồn, mà bực. Còn có buồn bực tức là chưa thấy ông Phật của mình, thấy toàn là phiền não, cho nên buồn bực không xa. Cho nên thường nói rằng: chúng sanh với Phật cũng như trở bàn tay vậy, úp và mở. Nó không có xa, mà không khéo thì kiếm suốt đời không thấy, suốt đời tìm cũng không ra nữa, mà khéo thì lúc nào cũng không vắng mặt hết.

Như vậy Phật không dám khi mình là phải. Thấy rõ ràng có ông Phật không vắng mặt lúc nào hết, nhưng tại vì mình không thấy thành ra mình cứ lạy Phật cầu chỉ cho mình hoài. Như vậy là mình tự khi chớ Phật không dám khi, thấy không? Mình lạy Phật để cầu Phật chỉ cho mình, đó là mình tự khi mình chớ không phải Phật dám khi mình đâu. Cho nên tôi nói: ngài Thường Bất Khinh là một hình ảnh đẹp nhất. Ai dám khi mình, tại vì mình không nhận ra cái đó thì mình tự khi mình, rồi mình lang thang kêu cứu.

Tức tâm là Phật cũng lại như thế (chính tâm là Phật cũng lại như vậy). Trừ ngoài cái tâm này trọn không có ông Phật nào khác có thể được. Lìa ngoài cái tâm này tìm Bồ-đề Niết-bàn trọn không có lẽ phải. Tự tánh chân thật chẳng phải nhân, chẳng phải quả. Pháp tức là cái nghĩa của tâm. Tự tâm là Bồ-đề. Tự tâm là Niết-bàn. Nếu nói ngoài tâm có Phật và Bồ-đề có thể được, đó là không có lẽ phải. Phật và Bồ-đề đều ở chỗ nào? Thí như có người lấy tay nắm bắt hư không được chăng? Hư không chỉ có tên cũng không có tướng mạo tức nắm cũng không được mà buông cũng không được.

Hư không mình nắm được không? Mà buông hư không ra được không? Nó như vậy, nó không có tướng mạo thì cần gì nắm, cần gì buông? Nắm không được mà buông cũng không được.

Trừ ngoài cái tâm này mà tìm Phật trọn cũng không thể nào được. Phật là tự tâm mà tạo được. Nhân nơi cái gì, lìa cái tâm này để tìm Phật ở bên ngoài? (Nhân đâu, lìa tâm này để tìm Phật ở bên ngoài ?)

Phật trước, Phật sau chỉ nói cái tâm kia. Tâm tức là Phật, Phật tức tâm. Ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm.

Mấy câu này Ngài nhấn mạnh cho chúng ta nhớ: ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, đừng có tìm Phật ở đâu.

Nếu nói ngoài tâm có Phật thì Phật ở chỗ nào? (Nói ngoài tâm có Phật thử chỉ giùm ông Phật coi?) Nếu nói ngoài tâm đã không Phật thì làm sao khởi thấy Phật? Như vậy đó là đắp đổi để mà cuồng hoặc lẫn nhau không thể nào rõ được bản tâm (nếu nói ngoài tâm có Phật thì hỏi chớ khởi cái gì để mà thấy Phật? Nếu nói ngoài tâm có Phật, đó là lường gạt lẫn nhau để mà cuồng hoặc), bị những vật vô tình khác nó nhiếp phục không có phần tự do.

Nếu mà chúng ta nói ngoài tâm có Phật, ông Phật ở bên ngoài mình, thì như vậy bị những vật vô tình nhiếp phục, mình không còn tự do nữa.

Nếu lại chẳng tin, tự cuồng, tự dối, tự vô ích. Phật không có lỗi lầm. Chúng sanh tự điên đảo, không có biết tự tâm là Phật. Nếu biết tự tâm là Phật thì không nên ngoài tâm mà tìm Phật. Phật không có độ Phật. Đem tâm mà tìm Phật, mà không biết mình có Phật thật, chỉ là tìm Phật ở bên ngoài thì trọn là không biết tự tâm là Phật.

Cũng không có được đem Phật mà lễ Phật.

Chẳng được đem tâm mà niệm Phật.

            Phật chẳng tụng kinh.
            Phật chẳng trì giới.
            Phật chẳng phạm giới.

Phật không có trì, phạm cũng không có tạo nghiệp ác. Nếu muốn tìm Phật thì phải thấy cái tánh của mình. Tánh tức là Phật. Nếu chẳng thấy tánh thì niệm Phật, tụng kinh, trì trai, giữ giới, đều vô ích cả.
Đây Ngài nói quả quyết là phải thấy được Phật của mình, Phật đó mới là Phật thật, Phật đó tức là tâm, còn nếu mà không thấy được Phật của mình, thì dù làm gì đối với chỗ đốn giác ngộ cũng đều chỉ là việc làm suông thôi. Nếu làm như vậy thì chỉ có gieo phước hữu lậu ở đời sau thôi chớ không thể nào thành Phật, đó gọi là vô ích. Vô ích đây có nghĩa là không đem đến chỗ thành Phật, như vậy để thấy rằng chính tâm mình là Phật, nhưng phải hiểu tâm mình là Phật là thế nào? Chớ còn nhiều người bây giờ vỗ ngực: Phật ở trong tâm chớ đâu. Nói Phật ở trong tâm mà không biết trong tâm là chỗ nào? Cứ nghe người ta đi chùa nghe kinh: Ôi! Phật ở trong tâm mà không chịu tìm, đi đây, đi kia chi? Nói nghe cũng hay thật. Nhưng hỏi trong tâm Phật ở chỗ nào, thì chừng đó cũng bí không biết chỗ nào, không biết cái gì là Phật. Chớ thật tình: Phật là tự tâm, nhưng mà tâm đó là chỉ cho cái tâm thể thanh tịnh, cái tâm đó là Phật thì bao nhiêu cái vọng niệm thi vi, nghĩ tưởng đều không rời tâm thể, phải vậy không? Vì vậy cho nên nói tất cả đều từ tâm mà ra.

Như vậy, chúng ta muốn trở về ông Phật của chúng ta thì bao nhiêu cái vọng niệm lặng xuống tức là Phật. Ngay nơi đó mà thấy Phật, ngay nơi đó mà tìm Phật chớ đừng tìm đâu xa. Nếu đi xa thì tức nhiên chúng ta lầm. Nếu ngoài mình có Phật thì Phật đó của người ta chớ không phải Phật của mình. Phật của mình thì không có ở ngoài mình. Như vậy, Phật của mình tức là Phật của tâm thể thanh tịnh, mà tâm thể thanh tịnh thì Phật đó có tụng kinh, có trì chú, có giữ giới, có trì trai gì đâu? Vì vậy cho nên nói Phật đó không có trì trai, giữ giới... gì hết. Rồi những câu này, những người dốt nghe vậy rồi chấp. Nói rằng Phật nói: Phật không có tụng kinh, không có trì giới... Bây giờ mấy ông bắt đầu tụng kinh, trì giới mấy cái đó là tào lao. Đó là chúng ta hiểu lầm, chớ còn ông Phật này là tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh thì đâu có tụng kinh, đâu có trì trai, đâu có giữ giới. Còn nếu cái thân ô uế của mình mà không trì trai, không giữ giới... thì nó phạm đủ thứ hết. Nên hiểu cho rõ cái ý đó cho khỏi lầm.

Cho nên ở đây Ngài mới nói lại:

            Niệm Phật thì được nhân quả.
            Tụng kinh thì được thông minh. (Được chớ sao không được.)
            Trì giới thì được sanh cõi trời.
            Bố thí thì được phước báo.

Nhưng mà tìm Phật thì trọn không thể được.

Lấy những cái đó mà tìm Phật thì trọn không thể được. Làm những cái đó nó có lợi ích rõ ràng, mà nói làm cái đó để tìm Phật thì thôi, chưa được đâu.

Nếu tự mình không có minh liễu, phải tham cầu Thiện tri thức để rõ cội gốc sanh tử. Nếu không thấy tánh tức không gọi Thiện tri thức. Nếu không như đây, dù nói được mười hai bộ kinh cũng chẳng khỏi sanh tử, luân hồi tam giới chịu khổ không có ngày ra khỏi.

Xưa có Tỳ-kheo Thiện Tinh tụng được mười hai bộ kinh vẫn tự không khỏi luân hồi vì không thấy tánh. Thiện Tinh đã như thế, người thời nay giảng được năm, ba bản kinh luận cho là Phật pháp, sẽ như vậy.

Nếu không biết được tự tâm, tụng được bao nhiêu văn thơ trọn đều không có chỗ dùng. Nên cốt yếu phải thấy Phật, phải thấy tánh. Tánh tức là Phật. Phật tức là tự tại, là người vô sự, vô tác. Nếu chẳng thấy tánh, thì trọn ngày mờ mịt, ở bên ngoài mà tìm kiếm Phật, xưa nay không thể đặng. Tuy không một vật có thể được.

Nếu cầu để được hội thì cần phải tham cứu nơi Thiện tri thức, thiết yếu phải khổ nhọc mà cầu khiến cho tâm mình được hội giải việc lớn sanh tử, không được bỏ qua một đời tự dối và cũng vô ích.

Dù có bao nhiêu trân bảo nhiều như núi, quyến thuộc đông như cát sông Hằng, mở mắt ra thì thấy, nhắm mắt lại nào có thấy gì?

Ngài chỉ cho chúng ta biết chỗ thiết yếu. Nghĩa là nếu chúng ta không nhận ra được Phật tánh, hay bản tánh của mình, thì phải ráng tìm cầu Thiện tri thức. Nếu không nhận ra được bản tánh của mình mà cố gắng dạy người, đem kinh luận dạy thì dạy, chớ không thể nào ra khỏi luân hồi. Quan trọng nhất là phải thấy được bản tánh, nhận được bản tánh rồi thì đó là trên hết. Muốn nhận được bản tánh tức là “Kiến tánh” thì phải từ nơi sáu căn mà nhận. Ngài nói rằng: nếu mình chưa giải quyết được vấn đề sanh tử thì phải thiết tha đi cầu học, học để biết được đó, đừng để cho một đời trôi qua mà không biết rõ manh mối của sanh tử. Nói rằng giả sử như người giàu, có của báu nhiều như núi, bà con đông như cát sông Hằng nhưng lúc mở mắt còn thấy đó, nhắm mắt lại còn thấy nó nữa không? Như vậy nó có, khi còn mở mắt, khi nhắm lại thì nó không còn có nữa. Như vậy nó có thật gì đâu mà mình ham?

Cho nên biết tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn (không có gì thật hết mà người đời say mê trong những pháp hữu vi ấy). Nếu chẳng gấp tìm thầy học đạo thì như vậy để bỏ trôi suông một đời vô ích.
Phật tánh vốn tự có, nếu chẳng nhân nơi thầy thì trọn không thể nào minh liễu. Người chẳng nhân nơi thầy mà ngộ thì trong muôn người ít có được một.

Nếu tự mình do cái duyên mà tự mình hội ngộ (do cái nhân duyên hội hiệp mà nhận được) ý của Phật, ý của Thánh, tức là chẳng cần tham học nơi Thiện tri thức. Đây tức là người sanh nhi tri chi (bậc thánh học sanh nhi tri chi).

Nếu chưa ngộ giải thì phải siêng năng khổ nhọc để mà tham học, nhân lời dạy mới được ngộ.

Nếu tự mình minh liễu, không học cũng được, chẳng đồng với người mê không thể phân biệt được trắng đen mà dối nói lên cái yếu chỉ của Phật dạy, đó là chê bai Phật và nói dối pháp. Những loại như vậy nói pháp như mưa mà trọn là ma nói tức không phải Phật nói. Thầy là ma vương, đệ tử là ma dân, làm mê người mặc tình kẻ khác chỉ huy bất giác rơi vào biển sanh tử. Chỉ do người thấy tánh mà dối xưng là Phật. Những chúng sanh ấy là kẻ đại tội nhân, dối gạt tất cả chúng sanh khiến vào trong cảnh giới ma.

Như chúng ta thấy đây là Ngài chỉ những lầm lỗi lớn của người hướng dẫn. Nếu người đó không có tự rõ ràng, không có thấy được trắng đen rành rẽ mà dối nói rằng: đây là tôi nói lời Phật dạy... đó là chê bai Phật, hủy báng pháp. Những người đó dầu cho họ nói pháp như mưa đi nữa cũng là ma nói. Thiếu gì người nói thao thao bất tuyệt; nói như mây, như mưa mà rốt cuộc rồi nói đâu đâu không có trúng với chỗ Phật dạy, nói toàn là những cái bên ngoài, nói theo lối khôn ngoan xảo trá của thế gian. Như vậy nếu thầy là vua ma, thì đệ tử là dân ma. Như vậy là đi tới chỗ bị kẻ khác chỉ huy mình rồi bất giác thầy trò đều rơi trong biển sanh tử. Vì vậy cho nên người mà không thấy tánh mà dối xưng là Phật, thì những người ấy đều là những chúng sanh đại tội dối người, dối tất cả chúng sanh để dẫn người ta đi trong cõi ma.

Nếu chẳng thấy tánh mà nói được mười hai bộ kinh, trọn là ma nói nhà ma và quyến thuộc của ma, không phải là nhà Phật và đệ tử của Phật. Đã chẳng biện bạch được trắng và đen thì nương vào đâu mà khỏi được sanh tử?

Nếu người thấy tánh tức là Phật. Chẳng thấy tánh tức là chúng sanh. Nếu lìa tánh chúng sanh riêng có Phật tánh thì không thể được. Phật hiện nay ở chỗ nào? Tánh chúng sanh tức là Phật vậy. Ngoài tánh không có Phật. Phật tức là tánh. Trừ ngoài cái tánh này không còn Phật có thể được. Ngoài Phật không tánh có thể được vậy.

Như vậy Phật đây là chỉ cho Phật tánh, hay là tánh đó là chỉ cho Phật, là cũng chỉ cho Phật tánh của chính mình. Như vậy thấy tánh tức là thấy Phật của chính mình. Mà thấy tánh rồi thì mình nói kinh mới hợp với ý Phật, bằng không thấy mà nói thì nói một hồi nó đi xa, càng nói càng xa ý Phật chớ không có hội ý Phật. Vì vậy cho nên ở đây Tổ dạy chúng ta phải ráng nhận ra được bản tánh thì cái tu, cái dạy người mới không lầm lẫn.

Hỏi: Nếu chẳng thấy tánh, niệm Phật, tụng kinh, bố thí, trì giới, tinh tấn, rộng làm những điều phước lợi, được thành Phật chăng?

Đáp: Chẳng được.

Nếu chẳng thấy tánh làm tất cả điều đó không thành Phật được.

Hỏi: Nhân sao chẳng được?

Đáp: Có một ít pháp có thể được, ấy là pháp hữu vi, là nhân quả, là thọ báo, là pháp luân hồi chẳng khỏi sanh tử thì khi nào mà thành được Phật đạo?

Nói như vậy mình tu không có được một tí gì hết sao? Bởi vì nếu mình thấy có một ít pháp có thể được, tức là ngay nơi đó mình đã thấy ngoài tâm có pháp, như vậy có cái năng đắc và cái sở đắc thì làm sao trở về cái tâm thanh tịnh bản nhiên. Vì tâm thanh tịnh bản nhiên nó không còn có năng có sở, nó không còn có một cái gì ngoài nó, mà nếu có một cái ngoài nó thì tức nhiên chưa trở về được cái tâm đó rồi, mà trở về cái tâm đó gọi là thành Phật đạo. Vì vậy cho nên nói còn một chút pháp có thể được là không được thành Phật đạo.       

Thành Phật phải là thấy tánh. Nếu chẳng thấy tánh thì nhân quả... nói là pháp ngoại đạo (tức là nếu mình chẳng thấy tánh mà nói nhân quả... ấy là pháp của ngoại đạo).

Nếu là Phật thì không tập theo pháp ngoại đạo. Phật là người không có nghiệp, không nhân quả, chỉ có một ít pháp có thể được trọn là phỉ báng Phật thì nương vào đâu được thành?

Đây Ngài chỉ rõ nếu chúng ta không thấy tánh mà nói nhân quả... thì đó cũng thuộc về ngoại đạo. Tại sao pháp nhân quả là pháp của Phật giáo mà nói thuộc ngoại đạo? Bởi vì nếu chúng ta không nhận ra được bản tánh của mình thì nói nhân, nói quả là nói cái pháp bên ngoài, mà pháp bên ngoài tức nhiên nó không phải chỉ thẳng tâm tánh của mình, thì tức nhiên chấp ngoài tâm có pháp. Ngoài tâm có pháp không phải ngoại đạo là gì? Vì vậy cho nên nói đó là ngoại đạo. Còn nếu nói là Phật thì không tập theo pháp ngoại đạo. Phật là gì? Là người không còn nghiệp, không còn nghiệp đâu còn bị trong nhân quả. Nếu còn bị nhân quả chi phối thì tức là còn nghiệp, mà Phật đã hết nghiệp rồi. Như vậy để chúng ta thấy Phật ở đây là chỉ cho pháp thân thanh tịnh. Pháp thân thanh tịnh nếu còn nghiệp thì làm sao hiển lộ trọn vẹn, mà nếu hiển lộ trọn vẹn thì đâu còn có nghiệp? Cho nên nói vừa có một ít pháp có thể được đó là chê bai Phật, trọn là chê bai Phật thì làm sao mà được thành Phật?
Chỉ có trụ trước một tâm, một năng, một giải, một kiến (nếu còn thấy có chỗ được tức là còn trụ trước nơi một tâm, một khả năng, hiểu biết, một cái thấy). Phật trọn không chấp nhận.

Phật không có trì phạm. Tâm tánh vốn không, cũng chẳng có cấu tịnh. Các pháp không tu, không chứng, không nhân, không quả.

Tại sao Phật không có trì phạm? Bởi vì đứng về Phật thanh tịnh pháp thân thì đâu có hình tướng mà giữ giới, mà phạm giới, mà có trì có phạm? Bởi vì đứng về tâm tánh ấy thì nó là không có hình tướng cho nên nói nó vốn “không”. Mà đã không hình tướng lấy gì có nhơ có sạch? Mà nó đã là tâm thanh tịnh sẵn có từ thuở nào đến giờ. Vì vậy cho nên nói tu, nói chứng, nói nhân, nói quả với tâm tánh ấy không thành. Bởi vì tu, chứng, nhân, quả đều ở trên hành động hữu vi, mà tâm tánh ấy xưa nay là thanh tịnh thì làm sao còn có cái hữu vi đó mà nói có tu, có chứng...

            Phật không trì giới.
            Phật không tu thiện.
            Phật không tạo ác.
            Phật không tinh tấn.
            Phật không giải đãi.
            Phật là người vô tác.

Như vậy Phật là chỉ cho cái tâm bất sanh bất diệt, không lay động. Thanh tịnh bản nhiên, không động nên gọi đó là vô tác. Cái tâm ấy vẫn là thanh tịnh cho nên không có tạo tác, không có làm thiện, không có lười biếng, không có giải đãi gì hết.

Chỉ có trụ trước tâm mà thấy Phật tức là không thể được.

Phật chẳng phải Phật. Chớ có khởi cái hiểu Phật. Nếu không thấy cái nghĩa này trong tất cả thời, tất cả chỗ, đều là chẳng hiểu được bản tâm.        

Tại sao Phật chẳng phải Phật? Nếu chúng ta nghĩ đây là Phật, kia là không phải Phật, thì vừa dấy cái nghĩ đó thì phải Phật nữa hay không? Nên Phật ở đây không có cho mình dấy niệm. Mà không có dấy niệm làm sao có Phật phải hay Phật không phải? Nghĩa là cái thanh tịnh đó là Phật rồi, chớ không có nói phải Phật, không phải Phật. Nếu mình vừa dấy cái niệm khởi nghĩ về Phật thì đó là đã trái với Phật rồi. Cho nên nói rằng: chớ khởi hiểu Phật. Dấy niệm nghĩ đây là Phật thì đã là trái với Phật rồi. Nếu người nào không biết có cái nghĩa này thì trong tất cả thời, tất cả chỗ, đều không rõ được bản tâm. Như vậy bản tâm là chỗ không cho mình dấy niệm, vừa dấy niệm hiểu thế này, hiểu thế kia, là đã mất bản tâm rồi. Mà mất bản tâm tức là mất Phật chớ gì? Vì vậy cho nên nói rằng Phật không phải Phật.

Nếu chẳng thấy tánh thì trong tất cả thời nghĩ tạo cái tưởng vô tác ấy là người đại tội, ấy là người si, rơi vào cái không vô ký, mờ mờ, mịt mịt như người say chẳng biện rõ tốt xấu.

Nếu nghĩ tu cái pháp vô tác thì trước phải thấy tánh, nhiên hậu mới dứt cái duyên lự. Nếu chẳng thấy tánh mà được thành Phật đạo thì không có lẽ phải vậy.

Ở đây Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ, nếu mà không thấy tánh tức là không thấy được bản tánh mình, ở trong tất cả thời nghĩ tạo ra cái tưởng vô tác (tức là cái tưởng không có làm, không có dấy động. Cũng như bao nhiêu người không thấy tánh mà nghĩ rằng mình dứt hết, không còn cái gì hết, không ngơ), thì nghĩ như vậy là đại tội nhân đó, ấy là người si, như vậy sẽ rơi vào cái không vô ký. Cho nên chỗ này Lục Tổ thường quở cái không vô ký. Bởi vì không nhận ra mình có bản tánh thanh tịnh như vậy, rồi bây giờ bỏ hết tâm tưởng của mình thì như vậy sẽ thành cái gì? Đó thì tức nhiên mờ mờ, mịt mịt không hiểu. Còn nếu mình nhận được bản tánh mình rồi thì hết vọng tưởng là bản tánh mình biết. Còn không nhận ra bản tánh, thì khi đó cứ nghe người ta biểu bỏ vọng tưởng cứ bắt chước bỏ, bỏ rồi không biết nó thành cái gì? Như vậy là người đại tội, đó là kẻ ngu si. Như vậy mờ mờ mịt mịt như người say, không có biện rõ cái nào tốt, cái nào xấu.

Cho nên chỗ đó mà tôi nói hoài, nghĩa là xê một chút là mình trật, còn nếu mà khéo thì trúng liền. Nên người không nhận ra được bản tánh mình thì cố tu, tu một lúc rồi không biết thành cái gì? Như bây giờ tôi nói: Chúng tôi là một nạn nhân, thuở xưa cũng tập ngồi thiền, ngồi thiền mà không bao giờ biết mình có định. Cứ mơ ước, bị mình quan niệm quen rồi. Cứ nói định là lúc đó quên hết không biết gì hết, tiếng động hay là cái gì cũng không nghe. Cho nên cứ ngồi hoài rồi sao không thấy? Có khi nó cũng yên yên mà đâu có tin nó là định. Cứ chờ khi nào quên hết bên ngoài, chờ hoài không có thì đâm ra thối chuyển, thấy chán quá. Tu như vậy có kết quả gì đâu? Đó là tại vì mình chưa biết. Mình cứ nghĩ rằng định là khi đó mình quên hết: tai, người ta nói mình cũng không nghe; mắt, người ta đi trước mình cũng không thấy mới định. Còn nếu tai còn nghe, mắt còn thấy thì lúc đó không phải định. Tu hoài, cảm thấy như không bao giờ có định. Nhưng bây giờ mình biết rồi nó không phải như vậy nữa. Không có động tức là định rồi. Cái chuyện hết sức là đơn giản, mà khi không biết thì mình lại đi tìm kiếm hoài, mà tìm không ra.

Bây giờ có một số người họ không nhận ra bản tánh là gì hết, nghe rằng người ta dạy trụ tâm chỗ này, trụ tâm chỗ kia, rồi trụ tâm để nó ngưng cái tinh thần lại, khi ngưng lại rồi nó phát ra tướng lạ, chừng đó không biết tưởng đâu đắc đạo, hay là khi trụ tâm lại rồi trụ yên riết rồi không biết nó đi tới cái gì, rồi hoảng hốt. Đó là tại vì không nhận ra được bản tánh mà đi tới những bệnh như vậy. Còn nếu mình nhận ra bản tánh rồi thì nó yên, mình biết nó là cái gì rồi, có gì nữa mà lo sợ, cho nên không sợ lạc trong cái không.

Nếu mà nghĩ tu về pháp vô tác (tức là vô vi), thì trước phải thấy bản tánh rồi sau mới dứt duyên lự. Cho nên ở đây Thiền tông chủ trương thấy tánh rồi mới khởi tu là vậy đó. Trước thấy bản tánh rồi sau mới dứt duyên lự (tức là dứt vọng tâm). Nếu không thấy tánh mà được thành Phật, không bao giờ có chuyện đó. Khi thành Phật tức là trở lại bản tánh mình, mà không biết cái đó làm sao trở lại? Như vậy cho nên cái thấy tánh là cái tối quan trọng đối với người tu Thiền.

Có người bác không nhân quả, tự nhiên làm việc ác rồi dối nói rằng vốn là không, làm ác không có lỗi, những người như thế đọa vào địa ngục vô gián hắc ám hằng không có ngày ra.

Những người bác không có nhân quả rồi mặc tình tạo ác, tạo ác đã rồi nói không có tội phước gì hết. Những người như thế là họ phải rơi vào địa ngục vô gián tối tăm, không biết có ngày nào ra khỏi.

Nếu là người trí không nên khởi cái hiểu, thấy biết như thế.

Hỏi: Đã nói thi vi vận động trong tất cả thời đều là bản tâm. Khi cái sắc thân vô thường tại sao mà chẳng thấy bản tâm?

Đáp: Bản tâm thường hiện tiền, ông tự chẳng thấy.

Ở đây là nghi, hỏi rằng: nói rằng trong tất cả những hành vi của mình lúc nào cũng có bản tâm hiện tiền, như vậy thì tại sao lúc mình chết tức là thân này rã, mình không thấy nó? Bây giờ còn thân này thì nó nương cái thân này, rồi bây giờ thân này rã thì tự nhiên phải thấy nó chứ? Tại sao không thấy? Ngài đáp: bản tâm thường hiện tiền, tại ông chẳng thấy. Không thấy là tại ông, chớ không phải nó không có.

Hỏi: Tâm đã hiện tại, cớ sao mà chẳng thấy?

Đáp: Ông từng có mộng chăng?

- Từng có mộng.

- Khi ông nằm mộng, ấy là cái bản thân của ông chăng? (Khi ông nằm mộng có phải là bản thân của ông chăng?)

- Là bản thân.

- Ông nói năng thi vi vận động, cùng với ông khác hay là chẳng khác?

- Chẳng khác.

- Nếu đã chẳng khác tức là cái thân này vốn là pháp thân của ông, tức pháp thân này là bản tâm của ông.

Cái tâm này từ vô thỉ nhiều kiếp đến giờ cùng với hiện nay nó không có khác, chưa từng có sanh tử, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng tốt, chẳng xấu, chẳng đến, chẳng đi, cũng không phải quấy, cũng không tướng nam nữ, cũng không có tăng tục, già trẻ, không phàm không Thánh, cũng không Phật không chúng sanh, cũng không tu chứng, cũng không nhân quả, cũng không tướng mạo, ví như là hư không, nắm không được, buông không được, núi, sông, vách, đá, không thể làm chướng ngại nó, ra, vào, qua, lại tự tại thần thông, thấu cả núi ngũ uẩn,  qua cả sông sanh tử, tất cả nghiệp câu thúc cái pháp thân này không được. Đây là cái tâm vi diệu khó thấy. Tâm này chẳng đồng với sắc tâm.

Cái tâm này làm mọi người đều muốn được thấy. Ở trong cái quang minh này vận thủ động túc (tức là dấy tay dở chân) như là số hằng sa, và hỏi đáp thảy đều nói cũng không thể được, dường như là người gỗ vậy. Thảy đều tự mình thọ dụng, nhân sao mà chẳng biết.

Đoạn này chúng ta nghe một đoạn dài cũng hơi khó nhận. Phần trước là Ngài dùng cái dụ để đáp lại câu hỏi. Câu hỏi người ta nói rằng: Tâm mình luôn luôn là hiện tiền, tại sao mình không thấy nó? Thì Ngài hỏi lại: Ông có nằm mộng chăng? Người kia nói: tôi có nằm mộng. Ngài hỏi rằng: Trong khi ông nằm mộng đó, cái thân mà hiện ở trong mộng cùng với cái thân sống của ông nó có khác không? Chúng ta nhớ coi có khác không? Nhớ lại cái thân trong mộng của mình thấy mình đi, mình nói chuyện, mình sống với cái thân mà hiện mình ngủ đó, hai thân đó khác không? Đâu có khác. Cái thân của mình trong mộng với cái thân của mình thức đây nó đâu có khác. Vì nó không khác nên Ngài nói: Nếu đã không khác thì tức cái thân này là cái pháp thân của ông rồi.

Như vậy qua thí dụ chúng ta nghe cảm thấy nó cũng còn tối nghĩa chớ cũng chưa rõ. Vì Ngài nói đây là thân thật và thân mộng, thì mọi hành động của thân mộng cũng không rời thân thật; nó không khác với thân thật này. Nhưng mà chỉ cái kia gọi là mộng, cái này gọi là thật thôi. Như vậy thân trong mộng là dụ cho cái gì? Cái thân thật dụ cho cái gì? Cái thân mộng là dụ cho tất cả cái thi vi động tác của vọng niệm. Còn cái thân thật dụ cho pháp thân. Bây giờ dấy niệm mới có nghĩ, nghĩ làm thì tay cử động, nghĩ đi thì chân bước. Nghĩ nói thì miệng nói, nghĩ cái gì đó thì nó phát ra những tướng trạng. Những tướng trạng đó đều do “vọng niệm” nó điều khiển. Mà vọng niệm nó có rời cái thể tâm thanh tịnh bao giờ đâu? Cũng như là bao nhiêu cái tướng trạng trong mộng do thân mình hoạt động đâu rời cái thân thật bây giờ. Nghĩa là tuy nói nó là thân ở trong mộng nhưng cũng không khác với thân trong lúc mình sống chút nào. Như vậy cái thân hiện sống đây, là dụ cho pháp thân tức là tâm thanh tịnh, còn thân mộng là dụ cho vọng tưởng. Như vậy nếu có vọng tưởng tức là có pháp thân. Cũng như có thân mộng tức là có thân thức. Vì vậy thân mộng không rời thân thức mà có. Thân thức khi nó mê, nó ngủ thì hiện ra mộng thấy thân trong mộng. Như vậy hai thân đó nó không khác nhau.

Cũng vậy, vọng tưởng và chân tâm không có khác nhau, nhưng mà chỉ có: một cái động còn một cái yên. Khi mình ngủ nằm yên, thân này nằm yên, thì thân trong mộng nó hoạt động, thì cái đó nó động, cái này nằm yên, chỉ khác một chút đó. Cũng vậy, dấy niệm thì động còn tâm thể thì lặng yên. Hiểu vậy thì chúng ta mới thấy thí dụ này nó có giá trị, chớ còn không hiểu thì đọc một hồi thấy nó mờ mịt không hiểu nói gì? Như vậy pháp thân mình tức là tâm chân như mình hằng có nhưng mà nó lặng, còn vọng niệm thì nó động. Nhưng mà vọng niệm đâu có rời pháp thân, đâu có rời chân như, trong chân như. Cũng vậy, như thân hiện tiền mình ngủ mà thân trong mộng hoạt động. Thân trong mộng hoạt động đâu có rời thân ngủ nằm im này. Đâu có khác với cái thân ngủ nằm im này. Như vậy để biết thân ngủ nằm im, khi thân trong mộng hoạt động thân ngủ có, hay là không? Vẫn nằm sờ sờ đó chớ chạy đi đâu, tại vì mình còn nằm mộng nên không thấy thân ngủ. Chừng giựt mình thức dậy thân mộng hết thì  thân ngủ nó thành thức rõ ràng chớ không có gì hết. Khi thân mộng hết thì thân ngủ nó hiện tiền. Cũng vậy, khi vọng hết thì tức nhiên lúc đó pháp thân hiện tiền. Còn khi đang sống với thân trong mộng thì quên thân ngủ. Tuy nó không khác nhau mà mình vẫn không thấy nó. Khi thân trong mộng mình hoạt động trong mộng đó, mình thấy thân ngủ không? - Không bao giờ thấy, nhưng mà tới chừng giựt mình hết mộng thì tự nhiên thân ngủ nó hiện sờ sờ đó, không có đâu hết. Trong khi mình hoạt động ở trong mộng, thân chạy đi đầu này đầu kia nhưng không khác với thân ngủ chút nào hết. Khi đó thì mê man, thấy này thấy kia mà cũng không rời thân ngủ nằm sẵn trên giường. Như vậy thì trong khi thân mộng nó hoạt động đâu có vắng mặt thân ngủ. Cũng như chúng ta trong khi vọng niệm dấy lên, đâu có vắng mặt tâm chân như. Nếu vắng mặt tâm chân như thì vọng niệm không có, cũng như vắng mặt thân ngủ thì thân mộng nó không còn. Thí dụ này hay mà nghe hơi tối, mới nghe thì thấy khó hiểu.

Biết như vậy rồi thì chính cái thường hằng không đổi thay, không sanh diệt nơi mình đó, cái đó gọi là pháp thân, mà pháp thân này từ vô thỉ nhiều kiếp đến giờ cũng như hiện nay nó không có khác, hồi đó giờ nó vậy thì bây giờ nó cũng vậy thôi, không thêm không bớt gì hết. Vì vậy cho nên không sanh, không diệt, không tăng, không giảm, không cấu, không tịnh, không hảo, không ốm... Nhớ lúc nào mà nói một mạch không hết là để chỉ cho y đó, y không phải những cái này. Như vậy thì hiểu ngay, đọc kinh Phật mà lúc nào thấy một mạch, đọc một tràng mà cứ nói không phải hết tức là chỉ cho cái đó, cái mà vô danh, vô tướng đó. Hiểu cái đó rồi thì tức nhiên đoạn sau mình hiểu liền. Vì vậy cho nên thân đó nó không bị nghiệp câu thúc. Pháp thân đó là cái vi diệu nên khó thấy.

Cái tâm này không đồng với sắc tâm. Nhớ cái tâm này chỉ cho tâm chân như hay là pháp thân, nó không đồng với sắc tâm. Sắc tâm tức là tâm nào? Sắc tâm tức là tâm mà nó góp bóng dáng sáu trần, góp bóng dáng sáu trần cho nên sáu trần là sắc, mà nó duyên theo bóng dáng sáu trần cho nên gọi là sắc tâm. Cái tâm này mọi người muốn được thấy nó. Như vậy ở trong cái quang minh này, tức là trong tâm chân như lặng lẽ, nó mới dấy lên tay động, chân đi rồi thì bao nhiêu việc hằng sa, nào hỏi, nào đáp nhưng mà thảy đều nói không được. Tuy nói vận dụng hằng sa mà hỏi nói, nói không được, muốn diễn tả nó thì diễn tả không được, cho nên nói rằng: khi mà muốn hỏi tới nó nói không được, thì ví như là người gỗ vậy. Hỏi nói không được thì thôi chịu, lắc đầu, kêu là ấm ức mà chịu chớ không nói ra lời, ví như người gỗ vậy đó. Cái đó chỉ là mình thọ dụng chớ còn không có nhân cái gì mà biết được nó hết. Cho nên nói gì nói, các Tổ nói qua nói lại, nói đông nói tây rốt cuộc biểu chỉ cái đó ra thì không ai chỉ được hết, nhưng mà mỗi người khéo thì nhận ra, biết cái đó, thấy cái đó.

***

Phật nói: Tất cả chúng sanh thảy đều là người mê nhân đây mà tạo nghiệp, đọa trong sông sanh tử. Muốn ra khỏi chỗ chìm đắm, muốn ra trở lại vào chỉ vì không thấy tánh. Chúng sanh nếu không mê thì nhân đâu mà hỏi đến cái việc trong ấy, không có một người được hội? Tự ở nhà mình: vận tay, động chân, nhân đâu mà chẳng biết? (Tức là chính ở trong nhà mình, mình ở trong cái nhà đó mà múa tay, khoa chân, tại sao mình không biết nó?) Cho nên biết, Thánh nhân nói không có lầm, người mê tự không hiểu rõ. Cho nên biết cái này là khó mà hiểu rõ được, chỉ Phật là một người hay hội được cái pháp này, ngoài ra người, trời và chúng sanh thảy đều không có thể hiểu được.

Nếu người trí tuệ minh liễu được cái tâm này thì mới gọi là pháp tánh, cũng gọi là giải thoát, sanh tử không câu thúc, tất cả pháp không câu thúc được y (hay là câu thúc y không được) ấy là Đại Tự Tại Vương Như Lai, cũng gọi là Bất Tư Nghì, cũng gọi là Thánh Thể, cũng gọi là Trường Sanh Bất Tử, cũng gọi là Đại Tiên, cái tên tuy chẳng đồng mà thể tức là “một”.

Thánh nhân bao nhiêu cách phân biệt đều không lìa tự tâm. Tâm lượng rộng lớn ứng dụng không cùng: ứng nơi mắt thì thấy sắc, ứng nơi tai thì nghe tiếng, ứng nơi mũi thì ngửi mùi, ứng nơi lưỡi thì nếm vị... cho đến thi vi vận động đều là tự tâm.

Thì như vậy tất cả cái hành động nào cũng là tự tâm mình, có rời tâm đâu? Nhưng mà chỉ không nhận được nó thì thôi, rồi thì thấy mình không có. Vì vậy cho nên chỗ đó là chỗ mà tất cả chúng ta ai nấy cũng phải học đạo là học chỗ đó. Tìm cho ra chỗ đó gọi là học đạo hay là người xưa gọi là tham thiền cũng là tìm cái đó. Tham vấn đầu này, tham vấn đầu kia để cho thấy được cái đó chớ không có gì khác hơn nữa hết. Chúng ta phải khéo léo nhận cho ra cái đó. Nhận ra được cái đó rồi thì hết sợ sanh tử nữa, nhận ra được cái đó rồi thì mới tin rằng mình tu thành Phật, chớ không nhận được cái đó thì tu không tin thành Phật, bị vì xa quá không biết thành Phật ra sao? Còn bây giờ mình nhận ra được cái đó rồi thì biết ngay nơi đời này mình có ông Phật ngồi chực đó. Chỉ có điều là mình đứng ngó ổng thôi, phải không? Chớ còn nếu mình không có ngó lơ mà ngó chăm chăm vào ổng thì mình sẽ gặp, không có xa lạ. Như vậy để thấy cái kiến tánh là cái quan trọng trong sự tu hành. Nếu không kiến tánh mà khởi tu thì cái tu ấy ở trong cái mờ mịt. Còn kiến tánh mà khởi tu thì cái tu đó mới có thể đi tới chỗ thành Phật không khó.

Ở đây Tổ cố chỉ cho chúng ta thấy rằng: tâm ấy nó không rời cái động tác thi vi hiện giờ. Ngay nơi mắt, ngay nơi tai này có tâm ấy hiện không? Có không? Y đâu có giấu giếm gì? Y lộ mày, lộ mặt hằng ngày đó mà tại mình không thấy y. Như vậy nó hiện ở mắt, nó hiện ở tai, hiện ở thân, nó hiện đủ thứ hết mà mình không chịu nhận cái đó, mà mình cứ nhận cái mà nó cộng tác thêm cái chú suy nghĩ đó, cái chú vọng tưởng, mình nhận cái đó thôi, bây giờ thấy tất cả sự vật đâu không phải là y thấy nhưng mà mình không chịu. Thấy sự vật, thấy rồi còn khởi niệm vật này tốt vật kia xấu, rồi chấp nhận cái nghĩ này tốt cái nghĩ kia xấu là “mình”. Còn cái hồi nãy “thấy tổng quát” đó không chịu “thấy” cái đó. Thành ra chỉ thấy cái cộng thêm phân biệt, mới chấp nhận cái đó thôi. Như vậy cho nên tiếc gì mà không mất y, y lồ lộ đó mà mình bỏ mất y hoài không chịu tìm thấy y. Cho nên tôi nhớ mãi cái thí dụ nhìn vào mặt gương mà vừa thấy bóng người, bóng vật trong gương là đã quên cái sáng của mặt gương rồi. Cái đó là một sự thật. Chúng ta cũng vậy, bởi vì mình chấp nhận cái cộng tác để mà suy nghĩ, phân biệt là mình thì tức nhiên mình không bao giờ thấy cái hiện rõ ràng hằng ngày, hằng giờ của y. Nên Tổ cố chỉ cho mình biết nó không vắng mặt lúc nào hết. Mọi hành động đều có nó mà tại không nhận.

Trong tất cả thời chỉ có nói năng tức là tự tâm (có nói năng là có nó hiện ra). Cho nên nói rằng Như Lai sắc vô tận, trí tuệ cũng lại như vậy.

Như Lai sắc vô tận tức là đối về Như Lai thì bao nhiêu sắc tướng không cùng, không tận, không chỗ nào không có Như Lai. Trí tuệ Ngài cũng vô tận như vậy.

Sắc vô tận ấy là tự tâm. Tâm thức khéo hay phân biệt tất cả cho đến thi vi vận dụng đều là trí tuệ.

Tâm không hình tướng, trí tuệ cũng vô tận, cho nên nói rằng Như Lai sắc vô tận, trí tuệ cũng như vậy.

Câu này giải thêm: Trí tuệ cũng vô tận, cho nên nói rằng Như Lai sắc vô tận, trí tuệ cũng như vậy.

Cái sắc thân tứ đại là phiền não. Phàm là sắc thân phải chịu sanh diệt.

Pháp thân thì thường trụ, nhưng không chỗ trụ. Như Lai pháp thân thường không có biến khác. Cho nên kinh nói: Chúng sanh nên biết, Phật tánh vốn tự có. Ngài Ca-diếp chỉ là ngộ được cái bản tánh. Bản tánh tức là tâm. Tâm tức là tánh. Tức nơi đây đồng với tâm chư Phật. Phật trước Phật sau chỉ truyền cái tâm này. Trừ ngoài cái tâm này ra không có ông Phật nào có thể được.

Chúng sanh điên đảo không biết tự tâm là Phật. Hướng ra ngoài để chạy tìm, trọn ngày mê man tâm niệm Phật, niệm Phật lễ Phật, Phật ở chỗ nào? Không nên khởi cái thấy như thế ấy.

Chỉ biết tự tâm. Ngoài tâm lại không có ông Phật khác. Kinh nói: Phàm có tướng đều là hư vọng. Lại nói: Ở cái chỗ hiện tại tức là có Phật.

Tự tâm là Phật. Không nên đem Phật lễ Phật, chỉ là có Phật và cái tướng mạo Bồ-tát bỗng dậy hiện tiền cũng không cần thiết dùng lễ kính.

Ở đây Ngài nói cho chúng ta biết: Mình phải nhận tự tâm là Phật, không nên đem Phật mà đi cầu Phật, đi lễ Phật. Chỉ giả sử có Phật và có cái tướng mạo Bồ-tát hiện tiền bỗng nhiên hiện ở trước mình cũng không cần thiết, không có cung kính lễ.

Tại sao?

Tâm ta nó vốn không có tướng mạo ấy. Nếu mà chúng ta chấp nhận tướng tức là ma, trọn rơi vào đạo tà. Nếu là huyễn thì từ nơi tâm khởi tức chẳng dùng để lễ. Lễ đó là không biết, mà biết đó là không lễ. Lễ thì bị ma nó nhiếp. E cho người học đạo không biết cho nên phải biện bạch cái lẽ này. Chư Phật Như Lai trên cái thể bản tánh trọn tự không có những tướng mạo như thế.

Chỗ này nghe thì chúng ta thấy thường, chớ thật là nó thiết yếu đối với người tu thiền. Trong khi chúng ta tu, chúng ta đã nhận ra mình có bản tâm tịch diệt lặng lẽ, mà bản tâm tịch diệt lặng lẽ đó là Phật, chấp nhận như vậy không? Ngay nơi tâm tịch diệt lặng lẽ đó là Phật tánh chớ gì? Đó là Niết-bàn, đó là Phật. Đã chấp nhận cái tâm thanh tịnh lặng lẽ đó là Phật thì bây giờ có những người hiện tướng Phật, hiện tướng Bồ-tát ở ngoài thì mình nên theo hay không? Đã nói cái tâm lặng lẽ thanh tịnh đó là Phật, thì tâm đó đâu có tướng mạo Phật, đâu có tướng mạo Bồ-tát. Mà bây giờ có tướng mạo Phật, tướng mạo Bồ-tát ở ngoài thì mình nên xử sao đây? Nếu theo tướng mạo bên ngoài thì mất cái này, còn nếu theo cái này thì phải bỏ quên cái tướng mạo bên ngoài. Như vậy tự nhiên chúng ta phải nhớ sống lại với cái trong mà đừng theo cái ngoài. Tại sao? Vì tướng mạo bên ngoài, tỷ dụ như mình đương ngồi thiền bỗng nhiên thấy ông Phật ngồi đài sen ở trước mặt mình, bỗng nhiên mà hiện thì cái đó thật hay giả? - Giả. Còn ông Phật của mình đây hồi nào cũng có hết mới là Phật thật. Quá khứ không có, hiện tại không có, vị lai không có và một bên là cái hằng có. Vậy mình phải giữ ông Phật thật mà quên ông Phật giả, nếu mà theo ông Phật giả tức là quên ông Phật thật. Chỗ đó là chỗ quan trọng. Vì hiện tại người ta không thấy ông Phật thật nơi mình cho nên bao nhiêu Phật, Bồ-tát giả hiện ra thì họ mừng quá họ lễ, họ lạy hoặc là họ chạy theo cầu pháp rồi họ bị lạc. Còn nếu chúng ta nhận rằng mình có ông Phật đương thanh tịnh lặng lẽ đó, sống với ông đó rồi thì tất cả cái bên ngoài, cái gì cũng không chấp nhận hết.

Như vậy tà ma hết cách làm nhiễu loạn được mình. Người tu thiền mà không lầm là chỗ đó. Người tu thiền mà lầm cũng tại chỗ đó. Cho nên đại đa số người tu thiền bây giờ lầm, bị ma nó gạt là tại chạy theo bên ngoài mà không nhận được bên trong. Nếu chúng ta nhận được ông Phật bên trong thì một ngàn, triệu thiên ma cũng không làm gì động chúng ta được, chỉ có cái là chúng ta nhận yếu quá rồi còn nặng về bên ngoài thì bị động. Bây giờ giả sử thử cho tưởng tượng đi, tưởng tượng sống với cái điên đảo đi. Tưởng tượng như hôm nào mình đương ngồi thiền ngoài gốc cây, bỗng nhiên có ông Phật Thích-ca Ngài xuống, Ngài ngồi trên tòa sen hào quang rực rỡ thì lúc đó mình nghĩ sao? Bây giờ phải dự bị, lúc đó mình xử sao? Nghĩ sao đây? Bây giờ phải dự bị lúc đó mình xử sao? Đứng dậy đảnh lễ Ngài hay phớt tỉnh Ngài làm gì thì làm, Ngài hiện mặc Ngài, mình cứ sống với cái của mình thôi. Bây giờ chúng ta nghĩ làm sao? Đó là cái điều hết sức là gan dạ thấy không? Hằng ngày mơ ước Phật mà tới khi Phật hiện vẫn ngó lơ. Cái đó là một cái hết sức gan dạ. Người nào mà làm được như vậy thì người đó bảo đảm là tu không sợ lạc. Còn người nào mà như vậy sợ thất lễ thì người đó có thể bị lạc. Cho nên chỗ đó là chỗ hết sức khó chớ không phải dễ. Tuy nói là dễ nhưng mà thật sự hết sức khó. Bởi vì mình cứ nơm nớp sợ. Tôi nói thật tình, chúng ta là những người nhát nhúa, sợ sệt, cái gì hô có tội thì hoảng vía lên, thấy không? Dầu cho cái đó không có tội thật, mà nghe nói có tội cũng hoảng lên. Rồi bây giờ nghe nói Phật hiện mà không lạy Ngài thì có tội, rồi sợ quá ngồi một hồi làm sao xả ra cũng đảnh lễ. Như vậy đó là nguy. Bởi vì ma có quyền hiện Phật, có quyền hiện Bồ-tát, hiện đủ thứ hết.

Mình bây giờ biết ngay nơi mình: lúc thanh tịnh đó là ông Phật của mình hiện rồi, ông Phật đó là thật một trăm phần trăm tại sao mình lại bỏ? Cho nên nói rằng chỉ sống với ông Phật thật của mình thôi, còn Phật, Bồ-tát gì ở ngoài cũng đều không theo. Kiểu như ngài Văn Kiết vậy mới được. Chớ còn nếu yếu đi thì bị gạt dễ dàng. Chỗ đó là chỗ mà chính ở đây Tổ muốn chỉ cho chúng ta thấy. Bởi vì tâm thanh tịnh mình nó không có tướng mạo, mà cái gì có tướng mạo biết là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” mà, phải vậy không? Như vậy ông Phật hiện có tướng mạo bên ngoài đó là ông Phật hư vọng, không thật, còn ông Phật của mình thật là không có tướng mạo. Nhớ như vậy thì mình cứ sống với ông Phật thật của mình, mà sống với ông Phật thật của mình, mình có động tâm không? Mình không động tâm thì ma hết phương tiện phá nổi. Phương tiện mà phá được ma là tâm mình không động. Tâm không động thì ma nào phá được? Như vậy đó là trị ma. Cái thuật trị ma hay nhất là ở chỗ đó, cho nên mình chỉ nhớ ông Phật của mình thôi, bất chấp ông Phật nào ở ngoài thì ma nào cũng không phá mình được. Đó là cái thiết yếu của sự tu. Chúng ta thấy được cái thiết yếu này, tức là chúng ta mới biết tầm quan trọng của người tu thiền. Bởi vì mình tu còn sơ sơ cho nên ma nó cũng phá sơ sơ, nó chỉ lâu lâu phá một chuyện là nổi sân lên hay chọc tức chơi vậy thôi, chớ chưa tới hiện Phật. Bây giờ mình phải dự bị trước, giả sử Phật hiện, mình phải làm sao? Nếu không dự bị rồi mai mốt mình ngồi trên thất, Phật hiện ra đó rồi đứng dậy đảnh lễ, nghe thuyết pháp một hồi thành ma... Cái đó là nguy to. Cho nên phải hiểu rõ, giả sử gặp Phật thì cũng không thèm chấp nhận như thường. Mình chỉ sống với ông Phật của mình, ông Phật chắc chắn, ông Phật đó không bao giờ gạt mình hết. Còn Phật ở ngoài có thể gạt mình. Như vậy thì chúng ta ráng gan dạ, cho nên tôi nói hoài, người tu thì phải gan dạ cùng mình. Nhát nhúa thì khó tu, bởi vì thấy Phật cũng không có quan trọng, cũng phớt tỉnh. Mình đi xuất gia đầu Phật tức là theo Phật, mà gặp Phật không mừng thì chuyện đó phải khó hay không? Vì vậy cho nên phải gan dạ, trước cảnh hết sức mừng đó cũng vẫn điềm đạm, sống ngay lại bản tánh của mình không xao động.

Bây giờ tới chuyện gặp ma.      

Giả sử lúc đó hiện ra một con ma lưỡi dài cả mười thước tây, thân to lớn, nó lại muốn chụp nhai mình, lúc đó mình phải làm sao? Hồi nãy gặp Phật thì mình không chấp nhận vì mình sống với ông Phật của mình, bây giờ hiện ra con ma to tướng như vậy thì mình phải sao? La quải quải? Đó là cái cớ thuận tiện mà nó làm cho mình mất hồn. Cho nên thường thường ở thế gian nói bị ma nó hốt hồn, nó hốt hồn của mình là vậy đó, nghĩa là vì mình hoảng kinh lên cho nên tán đởm kinh tâm, từ từ loạn trí rồi phát điên, rồi người ta đổ thừa tại ma hốt hồn chớ không có gì lạ. Tại vì quá sức sợ rồi thì loạn trí, mà loạn trí thì thành điên chớ có gì đâu. Vì vậy mà giả sử nó hiện ra ma, hồi nãy nó hiện Phật thì mình biết, mình sống với ông Phật của mình, không theo ông Phật giả, bây giờ hiện ma thì mình biết mình có ông Phật thì ma làm gì hại được mình. Như vậy ma mình càng không sợ hơn nữa, nghĩa là Phật đâu có sợ ma. Hồi nãy mình biết Phật thật nên không theo Phật giả, bây giờ nếu mình biết cái đó là ma thì Phật không sợ ma, sống với ông Phật mình thì ma không làm gì mình được. Phật nào sợ ma, mà sợ ma tức là mình bỏ Phật rồi. Như vậy tới cái thứ hai mình còn mạnh hơn nữa. Như vậy tu thiền phải đủ sức chịu trong những khi đó. Chẳng những tu thiền, tu cái gì mà muốn thành Phật thì đều như vậy hết, đều có những thử thách đó. Những thử thách đó mình phải đủ sức để mà nhận, mà muốn đủ sức nhận không gì hơn là sống với bản tánh của mình. Cái đó là cái duy nhất làm cho mình qua hết mọi chông gai, chướng ngại. Còn nếu mà không sống được với bản tánh mình thì bao nhiêu chướng ngại mình đều mắc kẹt.

Cần phải ở nơi ý, chỉ có những cảnh giới khác, cần thiết không có dùng nắm bắt thái quá (tức là mình vùa, mình dụng, mình góp).

Đây nói cần thiết là ở nơi ý mình chỉ có những cảnh khác nó hiện ra, những cảnh giới khác nó hiện ra trong lúc mình tu đó, có những cảnh hoặc là ma hoặc là Phật hiện ra thì quan trọng là không có dùng để nắm bắt nó, tức là chấp nhận nó, không chấp nhận nó.

Cũng chớ sanh kinh sợ, chẳng có cần nghi ngờ.

Mấy cái này là mấy cái quan trọng. Mấy cái này mà ông Trúc Thiên ổng lược đi, thì tôi thấy ổng còn trống cái khoảng thực hành nhiều quá. Cho nên ổng là học giả chớ không phải là người tu. Những cái này là những cái thiết yếu của người tu, mà ổng lại lược bớt. Dịch tới đó ổng lược bớt đi.

Thành ra cái này là để cho mình biết, vì đây là trong cái tu, Tổ chỉ cẩn thận, sợ e trong khi chúng ta tu rồi có những cảnh giới khác nó hiện ra: hoặc là cảnh giới đáng mừng hoặc là cảnh giới đáng sợ. Cảnh giới này tức là hiện tướng: hoặc là ma, hoặc là rắn, hoặc là beo, hoặc là người... Những cái khủng khiếp hoặc là những cái yêu thích hiện ra đều gọi là cảnh giới khác. Thiết yếu lúc đó thì mình đừng bao giờ chấp nhận, đừng bao giờ chấp nhận cũng chớ kinh sợ, đừng có sanh tâm kinh sợ. Không chấp nhận mà cũng không kinh sợ, cũng đừng có nghi ngờ, cứ sống lặng lẽ với cái tâm của mình thì thôi, như vậy đó mới là cái quan trọng.

Tâm ta xưa nay nó thanh tịnh, chỗ nào mà có những tướng mạo như thế?

Bị vì mình thấy rõ tâm mình là thanh tịnh, những tướng mạo hiện ra ngoài đó đều là giả dối. Tâm mình đâu có những cái đó, mà tướng đó hiện ra tức là tướng giả, mình không nên chấp nhận.

Cho đến hiện nào thiên long, dạ-xoa, quỉ thần, Đế Thích, Phạm vương... gặp những tướng ấy thì cũng không nên có dụng tâm sanh kính trọng, cũng chớ sợ hãi. Tâm ta xưa nay là rỗng rang lặng lẽ. Tất cả tướng mạo đều là cái tướng vọng, chỉ chớ chấp cái tướng.

Nếu khởi thấy Phật, thấy pháp và thấy tướng Phật, Bồ-tát... mà sanh kính trọng là tự đọa ở trong cái ngôi vị chúng sanh vậy.

Tức là tự rơi trong cái ngôi vị chúng sanh vậy. Nếu thấy những cảnh đó mà mình khởi cái niệm quí trọng thì tức là mình đã nằm trong cái lãnh vực chúng sanh rồi, chớ không có tiến lên được Thánh Hiền.

Nếu muốn trực hội (tức là thẳng đó mà lãnh hội) chỉ chớ chấp nhận tất cả tướng liền được (nếu người nào thẳng đó mà lãnh hội được đừng có mắc kẹt tất cả tướng, vừa mắc kẹt tướng là không được rồi). Lại không có lời nói nào khác, trọn không có quyết định là thật. Huyễn không có cái tướng nhất định, ấy là pháp vô thường. Chỉ không có chấp tướng tức là hiệp thánh ý kia vậy (nếu không chấp tướng đó là hiệp với thánh ý). Cho nên kinh nói: Lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật.

Như vậy ở đây xác định cho chúng ta thấy rằng: lúc nào mà chúng ta còn chấp tướng thì chúng ta không lãnh hội được. Mà muốn lãnh hội được thì đừng có chấp tướng. Bao nhiêu cái tướng hiện ra đó đều là cái huyễn chấp chớ không thật. Mà huyễn chấp không thật thì làm sao mà lại đeo theo; đeo theo cái không thật tức là kẹt. Vì vậy cho nên không chấp nhận các tướng đó là hợp ý với Phật. Vì vậy mới dẫn trong kinh Kim Cang nói: “Lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật.”

Hỏi: Tại sao không được lễ Phật và Bồ-tát...?

Đáp: Thiên ma-ba-tuần, a-tu-la... thị hiện thần thông đều làm ra cái tướng mạo Bồ-tát được, các thứ biến hóa đều là ngoại đạo, thảy đều không phải Phật.

Phật là tự tâm, chớ có lầm lễ bái.

Phật là lời nói của Ấn Độ, ở Trung Hoa gọi là giác tánh. Giác là cái linh giác: ứng cơ, tiếp vật, nhướng mày, chớp mắt, vận tay, khoa chân đều là tánh linh giác của chính mình. Tánh tức là tâm. Tâm tức là Phật. Phật tức là đạo. Đạo tức là thiền. Một chữ Thiền chẳng phải phàm, Thánh có thể lường được. Thẳng nơi bản tánh thấy gọi đó là Thiền.

Thiền là gì? Là chỉ thẳng bản tánh. Thấy được bản tánh gọi là thiền. Cho nên chữ thiền này không phải cắt nghĩa như các lối khác. Nói thiền là nói tới bản tánh, thấy được bản tánh là thiền. Thấy được bản tánh thì đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng thiền hết. Còn cả ngày mà không thấy bản tánh cũng chưa gọi là tu thiền. Thành ra cái thiền này là cái thiền đặc biệt. Như vậy ở đây mới đáp qua câu hỏi: Tại sao không cho chúng ta lễ Phật, lễ Bồ-tát? Bởi vì ma-ba-tuần hoặc các vị a-tu-la cũng hiện thần thông làm Phật, Bồ-tát được. Như vậy nếu mình lễ, mình lạy các vị mà hiện thân của ma, của a-tu-la, mình lễ lạy tức nhiên bị họ nhiếp phục mình, mà nhiếp phục mình tức là mình lạc về đường ma rồi. Vì vậy cho nên sống với tâm thanh tịnh của mình là sống với Phật. Biết Phật là tâm thanh tịnh của mình thì hướng ra ngoài để lễ lạy làm gì? Cho nên mình phải sống trở lại tâm thanh tịnh mình. Đó là sống với Phật. Còn chạy theo tướng mạo bên ngoài, đó là mình đã mất Phật. Vì vậy cho nên ở đây Ngài xác nhận lại một lần nữa. Phật là gì? Phật là tánh giác. Tánh giác là tánh linh giác ứng cơ, tiếp vật hằng ngày của chúng ta sẵn có. Cái tánh đó tức là tâm mình. Tâm mình tức là Phật. Mà tâm mình cũng tức là đạo, mà đạo đó tức là thiền. Như vậy: Tâm đó tức là Phật, tâm đó tức là đạo mà tâm đó cũng là thiền. Như vậy nhận được tâm đó tức là thấy được Phật, nhận được tâm đó là thấy được đạo. Nhận được tâm đó tức là biết tu Thiền. Cho nên bao nhiêu danh từ đều dồn chỉ cho cái đó hết.

Nếu chẳng thấy bản tánh tức là chẳng phải thiền vậy. Giả sử nói được ngàn kinh muôn luận, nếu chẳng thấy bản tánh thì chỉ là kẻ phàm phu, không phải Phật pháp. Chí đạo rất là u thâm không thể nào mà nói, do nói mà hội được. Kinh điển giáo lý bằng cứ vào đâu mà có thể đến. Chỉ thấy được bản tánh, một chữ chẳng biết cũng được.

Người mà thấy được bản tánh, không biết một chữ cũng được nữa, dốt nát không biết chữ nào thấy bản tánh cũng được. Như Tổ Huệ Năng không cần biết chữ nào hết, thấy bản tánh là xong; thấy bản tánh rồi thì nói gì ra cũng đạo hết rồi mình ghi lại thành kinh. Còn mình không thấy bản tánh, nói kinh một hồi không phải kinh chút nào hết. Vì vậy cho nên chính chỗ đó, khi mở lớp tu học ở đây tôi cứ do dự hoài. Học ở đây là tôi dạy những kinh cao, mà đúng thì phải lựa những người học ít nhất cũng là phải có trung học Phật giáo rồi mới học vừa. Nhưng mà ở đây thì học tu thiền, mà tu thiền không biết một chữ cũng được nữa. Cốt nhận được bản tánh. Bây giờ lựa trình độ học là trái với tu thiền rồi. Vì vậy mà tôi cứ phân vân hoài không biết phải làm sao cho đúng? Nếu người thấp quá sợ e họ nghe không hiểu, mà lựa, thi cử để cho vừa trình độ thì lại trật, không phải là tu thiền. Vì vậy cho nên nếu mình (ở đây là Thiền viện) mà bắt có một trình độ nào mới vô, thì người ta liền hỏi hồi xưa Thiền viện ở chỗ Ngũ Tổ có lựa trình độ hay không? Nếu trình độ chữ nghĩa thì tức nhiên ngài Thần Tú đã đậu rồi, mà tại sao Tổ Huệ Năng không biết một chữ mà lại được truyền y? Thì mình mới ăn sao, nói sao đây? Vì vậy cho nên tôi chịu, kệ ai biết chữ cũng được, không biết chữ cũng được, có thiện chí tu là có học được. Kết luận là vậy. Biết có thiện chí tu thì người đó có thể học được. Rồi nghe hiểu, rồi chịu tu, biết chữ cũng tốt, không biết chữ cũng tốt, miễn nhận ra được cái đó tu thì xong. Vì vậy kết luận là tôi nói: ai muốn nghe thì nghe, hiểu tu được thì tốt, chớ còn không nói trình độ nào hết. Đó là chỗ dễ mà khó.Vì tất cả kinh điển không thể nói tới cái đó. Nếu kinh điển có nói là nói ngoài da chớ không có nói tới cái đó, mà cái đó là tự mỗi người nhận ra, chớ còn học hết bao nhiêu kinh điển mà nói: tôi học quá nhiều kinh, tôi được cái đó rồi thì điều đó không có. Học bao nhiêu kinh thì học mà cái đó không thấy cũng như thường. Còn người ta thấy được thì giả sử người ta học sơ sơ, hoặc nghe một câu nói mà người ta nhận ra, người ta thấy được. Thành đó là cái khó. Vì vậy nên nói rằng không biết một chữ cũng được.

Thấy tánh tức là Phật. Thánh thể xưa nay là thanh tịnh. Có những ngôn thuyết đều là Thánh nhân từ nơi tâm khởi dụng. Dụng thể xưa nay là cái danh rỗng. Nói còn không đến thì mười hai bộ kinh bằng cứ vào đâu mà đến được?

Nói về cái thánh thể xưa nay nó vẫn thanh tịnh, nó không có tạp uế thì không có lời nói nào mà nói được hết, nhưng sở dĩ Phật nói ra đó là tại sao? Là từ tâm Ngài khởi dụng. Cái nói ra là cái dụng chớ không phải cái thể. Dụng thể xưa nay cái tên nó là rỗng. Nói còn không đến thì làm sao mười hai bộ kinh mà đến được? Như vậy kinh nói ra là cái dụng từ thánh thể phát ra. Dụng và thể khi đã thành danh rồi, cái danh đó là cái danh rỗng, không phải thật. Như vậy những ngôn ngữ từ cái dụng mà phát ra làm sao mà đến được cái thánh thể đó. Cho nên nói rằng mười hai bộ kinh nương vào đâu mà đến được?

Đạo vốn viên thành, không dụng tu chứng.

Đạo đó là chỉ cho cái gì? Ờ tức là chỉ cho thánh thể đó chớ gì.

Đạo không phải là thanh sắc, nó vi diệu khó thấy, như người uống nước lạnh, nóng tự biết thôi.

Nói tóm lại rồi cũng như người uống nước lạnh, nóng tự biết, không có ai biết thế cho mình.

Không thể hướng về người nào khác mà nói được. Chỉ có Như Lai mới hay biết, ngoài ra người, trời... các loại trọn không thể giác biết. Cái trí phàm phu không đến, sở dĩ có chấp tướng là vì không rõ được tự tâm xưa nay là không tịch.

Vọng chấp tướng và tất cả pháp tức là đọa trong ngoại đạo. Nếu biết các pháp từ tâm mà sanh thì không nên có chấp. Chấp tức là không biết.

Biết các pháp từ tâm mà sanh thì không nên chấp các pháp, mà nếu còn chấp các pháp là không biết các pháp từ tâm mà sanh.

Nếu thấy bản tánh thì mười hai bộ kinh thảy đều là cái văn tự nhàn.

Cái văn tự nhàn rỗi của người ta rảnh mà nói chơi vậy thôi, chớ không có gì quan trọng hết.   

Ngàn muôn kinh luận chỉ là làm sáng cái tâm. Vì các lời nói mà khế hội thì giáo sẽ đem dùng vào chỗ nào?

Ngay lời nói đó mà mình nhận được thì hỏi kinh dùng vào chỗ nào?

Cho nên cái chí lý là tuyệt ngôn thuyết. Giáo là ngôn từ, thật không phải là đạo. Đạo vốn là vô ngôn. Ngôn thuyết là vọng.

Đây là đoạn mà ông Trúc Thiên lược qua một đoạn quá dài. Đây đoạn này quí vị nghe cho kỹ, những đoạn mà nói về triệu chứng trong lúc tu thì ông Trúc Thiên đều lược hết.

Cái đoạn mà khuyết lược của ổng đây thì tôi giảng kỹ cho quí vị nghe để nhớ. Đoạn này là đoạn nói những triệu chứng trong khi mình tu. Mình tu có những cái điềm nó hiện hoặc là trong mộng, hoặc tướng ở chỗ tối... nó hiện ra thế nào mình biết để mình đừng lầm.

Nếu ban đêm trong mộng mà thấy lầu các, cung điện, voi ngựa, cây cối, đình ao... tức là thân tướng. Những tướng như thế không được khởi niệm ưa thích trọn là cái chỗ phát tâm, cần phải ở tại nơi ý thì khi lâm chung không được chấp tướng, tức trừ được chướng. Như tâm vừa dấy khởi tức là bị ma nhiếp.

Ngài nói rằng: khi mình tu lúc mình ngủ mộng, mình thấy nào lầu các, cung điện nguy nga, voi ngựa... thấy rừng cây, ao hồ, thấy sanh tướng... Những tướng đó thì mình đừng có khởi niệm, khởi tâm yêu thích. Tại sao? Vì đó là cái tướng để thác sanh, tướng để đầu thai, yêu thích những cái đó thì sau này chừng nhắm mắt, những cái đó hiện ra, nhào vô đó là đi đầu thai đó. Nhớ như vậy đó. Đây Ngài dặn, Ngài răn mình trước. Sở dĩ người ta đi đầu thai là những cái đó. Tỷ dụ như mình thấy như đương nóng nảy quá thấy cái hồ mát ùm xuống tắm. Nhảy ùm xuống đó là đi vô bụng mẹ đó. Hoặc là đương đi ngoài thấy cái lầu đẹp quá chun vô đó. Chun vô đó là cái tướng đi đầu thai. Cho nên những tướng đó là những tướng thác sanh, đừng thấy vậy mà mừng. Vì vậy cho nên bảo thấy những cái đó đừng có sanh yêu thích. Nếu yêu thích thì khi lâm chung bị hữu tướng. Hữu tướng thì cái đó dấy niệm lên tức là bị ma nó nhiếp, nó dẫn vô đó. Đó là những cái mình phải dè dặt chớ có xem thường.
Pháp thân xưa nay thanh tịnh không có thọ nhận, chỉ vì duyên mới mê bất giác bất tri, nhân đây cho nên vọng có thọ báo. Sở dĩ có cái yêu thích mới không được tự tại.

Vừa có yêu thích là mất tự tại. Cho nên thấy cung điện, hồ ao, thấy rừng cây, thấy cái gì mà mình thích đó là gốc mất tự tại.

Chỉ hiện thấy nếu ngộ được cái thân tâm xưa nay tức là chẳng có cái nhiễm tập. Nếu từ nơi Thánh mà vào phàm thị hiện các thứ tạp loại… đều tự vì chúng sanh cho nên Thánh nhân nghịch thuận đều được tự tại. Tất cả nghiệp câu thúc các ngài không được, cho nên thành Thánh đã lâu vậy.

Các bậc Thánh nhân các ngài không còn cái nhiễm tập nữa, nhưng mà sở dĩ các ngài có thể thị hiện trong các chủng loại, đó là vì lợi ích cho chúng sanh. Tuy ở trong cảnh nghịch cảnh thuận gì, các ngài cũng vẫn tự tại, nghiệp không có câu thúc các ngài được vì các ngài là Thánh đã lâu rồi.

Những vị có oai đức lớn trong tất cả cái nghiệp phẩm loại bị Thánh nhân ấy chuyển đi.

Những vị có oai đức lớn là chỉ cho Bồ-tát, thì dầu cho các ngài hiện thân trong những loại nghiệp nào, tôi thí dụ như Phật Thích-ca hiện thân trong cung vua, thì ai tưởng một vị Thái tử mà đi tu được? Nhưng mà do cái sức tự tại của Ngài thì bứt cái một đi tu liền.

Như vậy đó là tự tại nghiệp, không có bị câu thúc. Còn mình thì chỉ có cái gia đình xoàng xoàng mà đi tu còn khó khăn. Mà có phước là nhờ gặp những trắc trở mà dễ đi tu, chớ nếu mà gặp toàn chuyện thuận không thì chắc đi tu không được. Giả sử lâu lâu thi rớt thì muốn đi tu. Lâu lâu gặp chuyện gì buồn thì muốn đi tu. Chớ nếu mà gặp toàn chuyện vui không, thì chắc đi tu không được. Làm cái gì được cái nấy, muốn cái gì được cái nấy, chắc là chúng ta trăm người chưa đi tu được hai người nữa, thấy không? Nhờ những cái thất bại cho nên chúng ta dễ đi tu. Vì vậy cho nên chúng ta chưa phải là những bậc oai đức. Cho nên cái nghiệp của chúng ta chưa tự tại, nhờ cái duyên tốt cho nên rồi chúng ta biết nó được, bỏ nó được mà đi. Vì lẽ đó nên biết cho rõ thì mình không có lầm.

***

Thiên đường, địa ngục không có làm gì được các ngài hết.

Đó là nói chuyện của Thánh nhân rồi. Bây giờ mới nói chuyện phàm phu của mình đây:

Còn phàm phu thì thần thức hôn mê, không đồng với Thánh nhân trong ngoài đều sáng suốt.

Thánh nhân thì trong ngoài đều sáng suốt, vì các ngài phá được thức ấm rồi cho nên trong ngoài đều sáng. Mình bị nằm gọn trong cái thức ấm cho nên nó tối mù, nó hôn mê.

Nếu có nghi tức là không nên làm, nếu có làm tức là phải trôi lăn trong sanh tử.

Tại sao nói có nghi không nên làm mà làm thì trôi lăn trong sanh tử? Chúng ta biết nghi cái gì? Làm cái gì không? Đây là ý Ngài muốn chỉ cho chúng ta lúc lâm chung đó. Lúc lâm chung nếu mình thấy cái gì mà mình thích, mình nghi cái đó không biết phải là cái thật hay không, mình vừa nghi thì đừng thèm ghé, đừng theo cái đó. Mình giữ tâm thanh tịnh đừng chạy theo mấy cái đó thì không mắc kẹt trong luân hồi. Còn nếu nhào vô đó thì nó mắc kẹt. Cho nên nói:

Nghi thì không làm, mà nếu làm thì trôi lăn trong sanh tử, sau rồi hối hận không thể nào mà cứu được.

Lỡ vô đó rồi thôi! Có hối hận cũng khó mà cứu.

Bần cùng khốn khổ đều từ vọng tưởng mà sanh. Nếu không rõ cái tâm ấy thì phải thay nhau khuyến khích. Chỉ không có làm mà làm tức là vào được cái tri kiến Như Lai.

Tại sao nói rằng: bần cùng khốn khổ đều do vọng tưởng? Bởi vì tất cả vọng tưởng đều dẫn mình đi trong cảnh khổ. Vì vậy cho nên nói bần cùng khốn khổ. Còn nói rằng: vì vậy cho nên phải ráng khuyên nhau, chỉ không làm mà làm tức là vào nơi tri kiến của Như Lai. Không làm mà làm là sao? Chúng ta nhớ: “vô tác như tác”, tức là không làm mà làm. Bởi vì chúng ta thường thường tạo tác đều do cái vọng nghiệp hướng dẫn. Vọng nghiệp hướng dẫn hay vọng tưởng thúc đẩy mà làm. Còn ở đây làm mà không bị vọng tưởng thúc đẩy tức là không làm. Không làm mà hằng ngày hoạt động. Như vậy không làm mà làm mới được vào tri kiến Phật. Tức là mọi hoạt động, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng mà không bị vọng tưởng chi phối. Đó là không làm mà làm. Như vậy đó mới vào được tri kiến Phật.
Người sơ phát tâm thần thức thảy đều bất định. Nếu ở trong mộng chợt thấy cảnh lạ liền không cần phải nghi, phải biết đều là tự tâm mình khởi hết.

Người mới phát tâm tu hành thì cái thần thức mình chưa có nhất định được. Vì vậy trong khi mình tu mà trong mộng mình thấy những cảnh lạ, liền không nên nghi mà biết những cảnh đó đều từ tâm mình khởi chớ không có thật hết.

Không phải từ bên ngoài mà đến.

Nó đều là gốc từ tâm mình khởi lên chớ không phải từ bên ngoài mà đến.

Nếu trong mộng mà thấy được cái hào quang sáng xuất hiện, còn sáng hơn mặt trời nữa tức là những tập thừa của mình nó được chóng hết, thấy pháp giới tánh.

Tức là bao nhiêu cái tập thừa của mình nó chóng hết thì mình sẽ thấy được pháp giới tánh. Như vậy nếu ai trong mộng mà thấy hào quang sáng rực, sáng hơn mặt trời, đó là cái triệu chứng, cái điềm báo rằng người đó tập thừa chóng hết và sẽ thấy được pháp tánh.

Nếu có việc này tức là cái nhân thành đạo chỉ nên tự biết, không nên đến người khác mà nói.

Chỗ này là chỗ quan trọng đó. Thấy như vậy thì mình nên tự biết, không nên đến người khác mà nói. Nếu mà nói thì sao? Nói tức là khoe. Vì vậy cho nên đến chỗ đó thì nên tự biết, không nên đến người khác mà nói.

Hoặc thấy ở trong rừng vườn vắng vẻ, đi, đứng, nằm, ngồi, con mắt thấy hào quang sáng hoặc là lớn, hoặc là nhỏ thì chớ cùng người nói, cũng không được chấp nhận. Cũng là cái quang minh của tự tánh.

Như vậy thì hoặc chiêm bao trong giấc mộng mà mình thấy ở trong rừng vườn lặng lẽ vắng vẻ hoặc mình đi, đứng, nằm, ngồi tự tại, con mắt mình lại thấy hào quang sáng nữa. Hào quang đó hoặc lớn hoặc nhỏ như vậy mình không nên đến với người nói mà cũng không nên chấp nhận. Biết đó là cái quang minh tự tánh mình nó hiện.

Hoặc là ở trong chỗ tối vắng đi, đứng, nằm, ngồi con mắt mình thấy hào quang sáng cùng với ban ngày không khác, thì cũng không được lấy làm lạ, đều là do tự tâm mình nó muốn phát ra cái sáng.
Cái này không phải ngủ nữa mà thức, hoặc mình đương ở trong cái thất tối lặng lẽ, mình ngồi hoặc mình đi, mình đứng, bỗng nhiên con mắt mình thấy xán lạn như ban ngày. Khi thấy như vậy đó mình cũng đừng có lấy làm lạ gì hết, mà mình nên biết rằng đó là tâm mình nó muốn phát ánh sáng nên mới thấy vậy đó. Đừng có lấy làm lạ, cũng đừng có khoe khoang với ai. Nhớ mấy cái đó là mấy cái thiết yếu của người tu.

Hoặc ở trong ban đêm nằm mộng thấy sao, thấy trăng một cách rõ ràng cũng là tự tâm mình duyên với các duyên. Các duyên dục nó muốn hết (cũng tự tâm mình các duyên dục nó muốn hết). Cũng không được đến nơi người khác mà nói.

Giả sử như trong lúc ban đêm mà mình nằm mộng, vừa nằm mộng mà mình nhìn lên trời thấy trăng, thấy sao đúng như là ban đêm vậy. Mộng mà vẫn thấy như thật, thì như vậy đó là triệu chứng các cái duyên trong tâm mình nó muốn dứt cho nên mới được cái tướng đó thì cũng không nên nói với ai.

Trong mộng nếu nó mờ mờ mịt mịt tối tăm, ví cũng như đi trong cái nhà tối, cũng là tự tâm phiền não mình cái chướng quá nặng, cũng nên tự biết.   

Nếu ai mộng thấy mình đi trong chỗ tối đen mờ mờ mịt mịt thì biết đó là cái chướng của mình nó còn dầy lắm, ráng mà tu, ráng nỗ lực sám hối. Cái đó cũng nên tự biết. Như vậy Ngài đã chỉ cho triệu chứng của người phát tâm tu. Trong khi tu đó, hoặc là trong thất hoặc là trong mộng ban đêm... có những cái tướng hiện ra thì phải biết, đừng khoe, đừng sợ mà tự an lấy. Ở đoạn này ông Trúc Thiên lược hết không có nói.

Nếu thấy bản tánh, chẳng cần đọc kinh, niệm Phật, học rộng nhớ nhiều vô ích.

Nếu mà thấy được bản tánh thì không có thiết mấy việc kia.

Thần thức càng mê dù có dạy chỉ lấy tâm làm tiêu chuẩn. Nếu biết được tâm thì cần gì phải xem giáo. Nếu từ nơi phàm mà vào Thánh tức phải dứt nghiệp dưỡng thần tùy phần qua ngày.

Nếu người nào muốn từ phàm vào Thánh, thì trước hết phải dứt nghiệp, dưỡng thần tức là nuôi cái tâm của mình, tùy phần mà qua ngày, tức là tùy duyên mà qua ngày.

Nếu người nhiều sân hận khiến cho tánh càng cùng với đạo trái nhau (người tu thiền mà nhiều sân hận thì khiến cho tánh cùng với đạo trái nhau) tự hiềm trách vô ích. Thánh nhân ở trong sanh tử được tự tại ra vào ẩn hiện không nhất định, tất cả nghiệp câu thúc các ngài chẳng được.

Thánh nhân phá tà ma. Tất cả chúng sanh chỉ thấy được bản tánh, bao nhiêu cái tập đều chóng diệt trừ, thần thức không có mê muội, phải liền ngay nơi đó bèn hội, chỉ tại ngày hôm nay, muốn hội đạo chân chánh, chớ có chấp tất cả pháp, dứt nghiệp dưỡng thần bao nhiêu cái tập cũng đều hết, tự nhiên được minh bạch, không có nhờ dụng công.

Ngoại đạo không hội được ý của Phật cho nên dụng công tối đa mà trái với thánh ý, trọn ngày khư khư niệm Phật chuyển kinh, mà cái thần tánh hôn mê (hay là hôn mê thần tánh) không khỏi luân hồi.
Chúng ta thấy đoạn này ý Ngài nói: nếu chúng ta không khéo thì nói Ngài bác tụng kinh, bác niệm Phật, nhưng sự thật ở đây cái chỗ chánh yếu mà Ngài nhắm là phải thấy tánh. Nếu thấy tánh rồi làm cái gì cũng trúng hết. Còn không thấy tánh mà làm cái gì cố gắng mấy rồi cũng sai. Cho nên chỗ thiết yếu là thấy tánh. Bởi vì mình làm tất cả cái gì, tu tất cả pháp nào cũng đều hướng về chỗ thành Phật là cứu kính. Mà không thấy tánh làm sao thành Phật? Phật đâu có ở ngoài mà được, đâu dùng công đức mà thành. Vì vậy cho nên cốt phải thấy tánh. Thấy tánh mới thành Phật. Nếu không thấy tánh thì không thành Phật. Tôi nói có thể dùng thí dụ thế gian cho chúng ta hiểu. Tỷ dụ bây giờ nói người học có bằng tú tài hay bằng cử nhân, nếu muốn thi đậu tú tài hay cử nhân thì thiết yếu phải làm sao? Phải là có trình độ học. Chớ không phải làm nhiều tiền mà mua được bằng tú tài, cũng không phải làm nhiều tiền mà thành ông cử nhân. Cũng không phải cực nhọc làm cái gì khác mà được hết, mà được là do cố gắng học. Còn nếu có mua thì bằng giả chớ không phải thật. Cái thứ thật là cái thứ phải do trình độ học của mình mà được. Cái tu của mình cũng vậy, mình chỉ làm sao thành Phật, mà Phật là giác ngộ. Giác ngộ là gì? Giác ngộ bản tánh phải không? Bây giờ không nhận ra bản tánh làm sao giác ngộ? Do đó dầu làm cái gì, công phu tới đâu cũng đều nằm ở trong luân hồi: có phước thì sanh lên cõi trời, vô phước thì đọa những cõi thấp dưới. Đó rồi cũng không đi tới chỗ cứu kính. Mà muốn thành Phật cứu kính giải thoát là phải giác ngộ, mà giác ngộ là phải nhận ra bản tánh mới giác ngộ được. Cho nên cái đó là cái thiết yếu. Vì vậy mà coi như Ngài phủ nhận tất cả tụng kinh, niệm Phật. Còn nếu mình thấy tánh rồi tụng kinh, thấy tánh rồi niệm Phật thì đâu có lỗi gì? Cho nên ngài Pháp Đạt khi ngộ rồi hỏi Lục Tổ: bây giờ con về con nên tụng kinh Pháp Hoa nữa hay không, Ngài đáp: Kinh đâu có làm chướng ngại ông. Mình thấy rồi thì mình tụng kinh càng tốt, chỉ có cái mù mù mịt mịt, cứ tụng cầu phước nhiều thì cái đó bị kinh nó chuyển. Đó là chỗ thiết yếu.

Đây Ngài mới nói:

Phật là người nhàn.

Cho nên Phật nhàn lắm, Phật không có cực như mình đâu.

Đâu có cần khư khư rộng cầu danh lợi.

Phật là người nhàn lắm, rảnh rỗi đi tới đi lui, tự tại. Bởi vì sao? Bởi vì nhận cái tánh đó rồi sống không có theo nghiệp thì đó là trở về thành Phật, cởi bỏ nghiệp là thành Phật. Còn bây giờ mình khư khư làm cái này, khư khư làm cái kia thôi chết xác để cầu cho người ta khen: ông đó công phu nhiều quá. Như vậy đó là khư khư để cầu danh lợi chớ không phải cầu làm Phật.

Đến lúc sau thì có dụng vào đâu? Chỉ người không thấy tánh dầu đọc kinh, niệm Phật, hằng học tinh tấn, sáu thời hành đạo, ngồi mãi không nằm, học rộng hiểu nhiều, chỉ cho là Phật pháp. Những chúng sanh này trọn là những người chê bai Phật pháp vậy.

Ở đây Ngài quả quyết: nếu không nhận ra bản tánh thì dù cố gắng siêng năng tu, lục thời hành đạo, ngồi mãi không nằm, học nhiều hiểu rộng cho đó là Phật pháp, thì những cái đó Ngài nói đều là người phỉ báng Phật pháp. Nói như vậy thì đụng chạm với hiện tại quá nhiều! Hiện tại này học đó là tu, người ta cho học nhiều đó là tu, hoặc là cần mẫn ngồi hoài, hoặc là cần mẫn tụng kinh liên miên, mà ở đây Ngài nói những người đó đều là chê bai Phật pháp.

Phật trước Phật sau chỉ nói thấy tánh. Các hạnh là vô thường.

Câu này là câu quan trọng mà mình không để ý. Bao nhiêu chư Phật trước sau đều chỉ cho mình thấy tánh. Tánh là cái hằng còn, bất sanh bất diệt. Còn dầu cho: tụng kinh, niệm Phật, khổ hạnh gì cũng đều là cái hạnh bên ngoài. Hạnh bên ngoài thì sao? Chư hạnh vô thường mà, phải không? Như vậy mình tu mà cầu cái vô thường làm sao mà được cái thường. Cho nên cốt phải thấy tánh.

Nếu chẳng thấy tánh dối nói ta được A - nậu- bồ - đề, đây là người đại tội, mười vị đệ tử lớn của Phật, ngài A- nan là đa văn đệ nhất, nhưng đối với Phật cũng vẫn không biết, chỉ học cho thật nhiều (chỉ có học cho thật nhiều mà không biết Phật ra sao). Hàng Nhị thừa, ngoại đạo đều là không biết Phật. Biết số tu chứng thì rơi vào ở trong nhân quả, ấy là chúng sanh không báo, không khỏi sanh tử, trái với ý Phật.

Biết số tu chứng là sao? Tỷ dụ như Thanh văn có bốn quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na- hàm, A-la- hán. Bồ-tát có năm mươi hai quả kể thuộc lòng, như vậy là biết số tu chứng mà người ấy có phải là người đạt đạo hay không? Thành ra bây giờ thường biết số tu chứng, hỏi đâu nói ron rót hết mà rốt cuộc rồi mình là kẻ ở ngoài da, không có gì gần với Phật hết. Cho nên đây nói rằng: người mà chỉ biết số tu chứng là rơi ở trong nhân quả, ấy là cái báo chúng sanh không có khỏi sanh tử, đó là trái với ý Phật. Phật không có thuộc lòng mấy thứ đó. Phật cầu mình tu tiến đến đó chớ không cầu mình thuộc lòng. Mà bây giờ mình nhắm vào cái thuộc lòng không hà. Hỏi cái gì nói ron rót cái đó, đó là thông minh, đó là người rành Phật pháp.

Tức là chúng sanh chê bai Phật, đâu lại không có tội lỗi.

Người ấy là chúng sanh chê bai Phật, là người mắc tội lỗi. 

Kinh nói: “Những người xiển đề không có sanh tín tâm, đâu lại không tội lỗi?”

Những người xiển đề không tín tâm. Tín tâm là tin được bản tánh của mình, mà họ không tin bản tánh mình gọi là xiển đề, mà xiển đề tức là có tội rồi.

Nếu có tín tâm thì người này là người lên ngôi vị Phật. Nếu không thấy tánh tức là không có nên chấp thứ lớp mà chê bai những người lương thiện khác, tự hiềm vô ích, thiện ác nó rõ ràng, nhân quả rất phân minh, thiên đường địa ngục chỉ ở trước mắt.

Người ngu không tin hiện nơi ở trong cái địa ngục hắc ám, cũng không hiểu không biết, chỉ duyên nơi nghiệp nặng. Sở dĩ không tin ví như người không mắt không tin nói có sáng suốt (như người mù không tin người ta nói chỗ đó là sáng), dù muốn đến y mà nói y cũng không tin, chỉ nương nơi cái mù của mình mà thôi. Nương vào đâu mà biện được ánh sáng của mặt trời?

Người ngu và người không tin đó cũng giống như vậy, họ mù mù mịt mịt mà mình nói, chỉ thẳng ánh sáng cho họ, họ nào chịu tin?

Người ngu cũng lại như thế. Hiện nay đọa vào các chúng sanh tạp loại, sanh ở chỗ bần cùng hạ tiện, cầu sống cũng không được, cầu chết cũng chẳng xong. Tuy chịu khổ thế ấy mà thẳng hỏi y đến đó cũng nói: Nay tôi rất là vui.

Bây giờ chúng ta thấy có lắm người dở sống, dở chết mà hỏi họ muốn sống không, họ cũng vẫn trả lời còn thích sống. Thích sống tức là vui rồi, ưa rồi. Đó là tại vì ở trong cái cảnh mê nặng của họ đó, họ không còn biết gì khác hơn nữa. Họ nói rằng nay tôi rất vui, không khác gì ở thiên đường.

Cho nên biết tất cả chúng sanh, sanh cái chỗ sanh cho là vui.

Sanh chỗ nào cho chỗ đó là vui. Tỷ dụ như chúng ta thấy những con chó, nhất là những con chó đói nó quanh quanh trong tu viện này, chúng ta thấy nó khổ hay vui? Xà mâu ăn cùng mình hết, cái bụng tóp khô vậy đó mà rảnh là hai con cũng nhào cắn giỡn với nhau hoài thấy cũng vui vậy. Mình biết nó khổ, nó nào biết nó khổ đâu? Đói thắt tha thắt thẻo, xà mâu cùng mình mà cũng tưởng là vui. Chúng sanh như vậy đó, khi cái nghiệp trọng rồi thì ở trong cái nào cũng tưởng là vui hết. Mình cũng vậy, mang cái thân thúi òm, xấu xa cũng cho là vui, hài lòng lắm. Cái thân này nó đau lên đau xuống, nhức đầu đau bụng đủ thứ hết cũng cho là vui hà. Kỳ lạ! Ngu si đáo để là ngu si. Vậy đó, còn chỉ Phật tánh thì nói cái gì không biết, đâu đâu không biết, không tin. Còn mang cái thân nặng trĩu như vậy, đi đụi đụi tìm cái đó, tin cái đó. Si mê kỳ cục. Nói không hết cái si mê của mình.

Cũng không hiểu không biết. Những người ác như thế này chỉ vì duyên nơi cái nghiệp chướng nặng, sở dĩ họ không thể nào phát lòng tin được, không có sức cố gắng mà đều nương cậy vào ở bên ngoài hết.

Bất tự do tha tức là không có sức cố gắng mà đều do lệ thuộc vào bên ngoài hết.

Nếu thấy tự tâm mình là Phật thì không cần ở trong chùa cạo đầu, cạo râu, cạo tóc. Kẻ cư sĩ cũng là Phật như thường.

Ngài nói mạnh vậy đó, nếu thấy tâm mình là Phật thì không cần ở chùa cạo râu, cạo tóc gì hết, mặc áo trắng làm cư sĩ cũng là Phật như thường. Còn nếu không thấy tánh dù cho cạo đầu cạo tóc cũng là kẻ ngoại đạo. Ngài nói mạnh như vậy đó. Như vậy cái thiết yếu của Ngài là phải thấy tánh. Còn không thấy cái đó thì tu ngàn năm cũng là ở bên ngoài, không bao giờ đạt đạo. Quí vị thấy người thiết yếu biết đạo, hiểu đạo, thương chúng sanh mới nói mạnh như vậy, chớ còn nhiều khi chúng ta không hiểu, nghe nói mạnh như vậy, chúng ta nói sao Ngài nói mạnh quá, mà chính cái mạnh đó là vì quá thương. Cho nên người cha người mẹ mà rầy con mạnh là tại sao? Là tại thương quá, sợ nó hư, đánh rầy la mắng, còn nếu không thương, nó làm gì mặc kệ nó phải không? Có dính gì với mình mà lo.

Còn thương cho nên cố tình dùng đủ lời lẽ mà rầy la quở trách.

Hồi nãy Ngài nói thấy tánh thì kẻ cư sĩ cũng thành Phật được. Bây giờ liền hỏi:

Hỏi: Kẻ cư sĩ có vợ con, dâm dục không dứt mà làm sao được thành Phật?

Cư sĩ có vợ con, dâm dục không dứt mà làm sao được thành Phật?

Đáp: Chỉ nói thấy tánh chớ không có nói dâm dục. Chỉ thấy tánh rồi thì dâm dục xưa nay nó là không tịch, không có nhờ đoạn trừ cũng không còn ưa thích. Vì cớ sao? Vì bản tánh nó là thanh tịnh. Tuy ở trong cái thân sắc của ngũ uẩn mà tánh xưa nay là thanh tịnh, nhiễm ô không thể được. Pháp thân xưa nay không có thọ, không có đói, không khát, không lạnh, không nóng, không ân, không ái, không quyến thuộc, không khổ vui, không xấu tốt, không dài ngắn, không mạnh yếu, xưa nay không một vật có thể được. Chỉ duyên nơi chấp mà có nhân quả của sắc thân này tức liền đó có đói, khát, lạnh, nóng, bệnh, đau... các tướng. Nếu không chấp thì mặc tình làm, đối trong sanh tử được cái đại tự tại, chuyển tất cả pháp, cùng với Thánh nhân thần thông tự tại vô ngại, không có chỗ nào mà không được (hay là không chỗ nào mà chẳng an).

Như vậy ở đây Ngài cốt trả lời tại sao mà nói rằng người cư sĩ còn có gia đình, có vợ con, còn dâm dục mà nói thành Phật, thì Ngài nói rằng ở đây Ngài nói thấy tánh chớ Ngài không có nói chuyện vợ con, dâm dục gì hết. Bởi vì sao? Vì người thấy được tánh rồi thì tự nhiên cái thể thanh tịnh là thể tánh thì tự các cái bệnh ái dục... lần lần nó sạch. Như vậy bản tánh thanh tịnh đó ở trong sắc thân ngũ ấm này, nó chưa từng bị nhiễm ô. Vì vậy cho nên căn cứ vào bản tánh đó thì nó thoát ly tất cả đói, khát, lạnh, nóng... Chúng ta chấp chặt vào thân này mà không thấy được bản tánh cho nên chúng ta mới bị có những việc đói, khát, lạnh, nóng... Còn nếu mà chúng ta thấy được bản tánh nó có đói bữa nào không? Nó không có đói, lạnh, nóng... nếu sống với cái đó thì sướng vô cùng. Còn mình sống với thân này thì đói, lạnh... và đủ thứ chướng. Như vậy theo cái chướng hay không theo cái chướng là tại mình. Theo cái chướng là chúng ta chấp vào thân thì phải bị khổ với thân. Còn nếu mình nhận được bản tánh, bản tâm rồi sống với bản tâm thì xem thường cái thân, mà xem thường thân thì tự nhiên hết khổ.

Nếu tâm mà có nghi thì quyết định thấu tất cả cảnh giới không có qua.

Tức là vượt tất cả cảnh giới không khỏi. Nếu tâm mình mà còn một chút nghi ngờ thì không thể nào vượt ra khỏi tất cả cảnh giới, nói như vậy cho dễ hiểu. Tâm mình còn một chút nghi tức là không nhận ra bản tánh thật, còn nghi ngờ bản tánh thì không bao giờ vượt qua tất cả cảnh giới.

Không có làm thì rất là tốt.

Bất tác tối hảo, không có làm tức là không có nghi ngờ thì đó là điều tốt.

Nếu tác liễu (tức là làm) thì không thể nào khỏi cái sanh tử luân hồi.

Không làm này tức là không có chấp, không có tạo tác thì cái đó tối hảo. Còn nếu mà mình chấp rồi thì không thể nào ra khỏi sanh tử luân hồi.

Nếu thấy tánh thì kẻ chiên-đà-la cũng được thành Phật nữa.

Câu này để mở cái nghi vấn ở sau. Chiên-đà - la tức là chỉ cho người sát sanh, người làm hàng thịt.

Hỏi: Chiên-đà-la là kẻ làm nghiệp sát sanh, làm sao mà được thành Phật?

Đáp: Chỉ nói thấy tánh chớ không có nói tạo nghiệp. Dù cho tạo nghiệp chẳng đồng mà tất cả nghiệp nó câu thúc y không được.

Tức là nói tạo nghiệp không đồng nhưng mà tất cả nghiệp câu thúc y không được. Câu thúc y là câu thúc cái gì? Tức là câu thúc bản tánh, không bị nghiệp nào trói nó nổi hết, thì mình thấy tánh mình sống với cái đó thì không nghiệp nào mà cuốn mình đi được.

Từ vô thỉ nhiều kiếp đến nay chỉ vì không thấy tánh cho nên rơi ở trong địa ngục, tạo nghiệp sanh tử luân hồi. Từ khi ngộ được bản tánh này trọn là không tạo nghiệp nữa. Nếu không thấy tánh, niệm Phật muốn khỏi cái quả báo cũng không được, chẳng luận sát hại sanh mạng. Nếu thấy tánh thì cái nghi tâm chóng trừ, sát sanh mạng cũng không có làm gì y được. Hai mươi bảy vị Tổ ở Tây Thiên chỉ là thứ lớp truyền cái tâm ấn này. Nay ta đến cõi này chỉ truyền một cái tâm này, chẳng nói: giữ giới, bố thí, tinh tấn, khổ hạnh cho đến vào trong nước, trên lửa, hay là trong vòng đao, kiếm, ngày ăn một bữa, giữ ngọ trai (chữ mẹo tức là không ăn phi thời), ngồi mãi không nằm, trọn là ngoại đạo, là pháp hữu vi.

Như vậy, tức là Ngài muốn chỉ cho chúng ta thấy rằng tất cả những cái tu ấy, nếu không thấy tánh thì dù cho mình có tu khổ hạnh cách nào đi nữa, vào những nơi nguy hiểm thế mấy đi nữa, cũng là nằm ở trong cái pháp hữu vi chớ không thể nào đạt được đạo.

Nếu biết được thi vi vận động đều là cái tánh linh giác của ta tức là cái tâm chư Phật. Phật trước Phật sau chỉ nói truyền tâm, lại không có pháp khác. Nếu biết pháp này thì phàm phu không biết một chữ cũng là Phật (Ngài nhắc mãi cái chỗ đó).

Nếu không biết được cái tánh linh giác của chính mình, giả sử thân mình đập nát nghiền thành bụi để tìm Phật trọn cũng không được nữa. Phật cũng gọi là pháp thân, cũng gọi là bản tâm. Cái tâm này không có hình tướng, không có nhân quả, không có gân cốt, cũng như là hư không, nắm không được, không có đồng những cái có chất ngại, không đồng với ngoại đạo.

Cái tâm này trừ Như Lai một người ra (tức là trừ một người Như Lai ra) đều không có thể hội. Ngoài ra chúng sanh những người mê không có minh liễu.

Cái tâm này chẳng lìa trong cái sắc thân tứ đại. Nếu lìa cái tâm này tức là không thể nào hay vận động. Cái thân này nó là vật vô tri như cỏ cây, ngói gạch. Thân ấy nó là vô tình, nhân đâu mà vận động được? Nếu tự tâm động cho nên đến nói năng, thi vi, vận động, thấy nghe, hiểu biết đều là tâm động. Mà tâm động là dụng động. Động tức là dụng của tâm. Ngoài cái động thì không tâm. Ngoài tâm thì không có động.

Chính cái chỗ này là tôi thường thí dụ biển với sóng đó là rõ phải không? Sóng không rời mặt biển mà sóng đó là dụng, sóng là động. Động tức là cái dụng của mặt biển, mà nếu sóng lặng lại thì tức là mặt biển, Sóng không bao giờ rời mặt biển phải không? Sóng không rời mặt biển. Đó là một lẽ thật, cho nên đoạn này Ngài nói về cái động và tâm.

            Ngoài tâm không động
            Động chẳng phải tâm
            Tâm chẳng phải động
            Động vốn không tâm
            Tâm vốn không động
            Động không lìa tâm
            Tâm chẳng lìa động
            Động không lìa tâm
            Tâm không lìa động
            Động là dụng của tâm
            Dụng là cái tâm động.

Thành ra nói như vậy, lập tới lập lui chúng ta thấy: Những cái suy nghĩ, những cái phát khởi ra hành động của mình đều là cái dụng của tâm hết. Cũng như đều là sóng ở trên mặt nước, thì những cái đó có lượn sóng nào mà không mang nước theo không? Cũng vậy, có hành động nào mà không mang tâm theo không? Nếu không có tâm thì không bao giờ có hành động. Như vậy ngay trong hành động đó mà mình nhận ra thì có tâm ở trong đó. Cũng như ngay ở trong những lượn sóng mình múc lên thì có nước, chớ không tìm nước riêng ở đâu mà có. Nhưng mà nếu nói mặt nước bằng phẳng thì mặt nước đó không phải là động phải không? Khi động rồi thì nó không phải là mặt nước bằng phẳng nữa, nhưng mà rời nhau không được. Như vậy tâm mình mà khi nó dấy động thì cái động dù là động sân đi nữa, trong cái sân đó nó có cái biết phải không? Cũng có vậy, nhưng mà tại vì cái biết đó cộng với cái nóng nảy thành ra nó bậy. Cho nên lọc bỏ những cái si, tham, sân ra tức nhiên còn cái tâm không là trúng.

            Tức động tức dụng
            Chẳng động chẳng dụng
            Dụng thể vốn không (tức là cái thể của dụng vốn là không)
            Không vốn là không động.

Cho nên cái dụng nó đâu phải là thật. Cũng như sóng nó đâu phải là thật. Nếu dừng gió thì tự nhiên sóng không còn nữa. Như vậy cái dụng của sóng nó không phải là thật. Còn cái vọng khởi của mình đâu phải là thật. Nếu mà lặng xuống thì tự nhiên nó về tâm. Cũng như sóng mà lặng xuống thì trở về nước chớ không có gì hết.

Động dụng đồng là tâm. Tâm vốn không động. Cho nên kinh nói: “Động mà không có chỗ động.” Thế nên: Trọn ngày thấy mà chưa từng thấy. Trọn ngày nghe mà chưa từng nghe. Trọn ngày biết mà chưa từng biết. Trọn ngày hiểu mà chưa từng hiểu. Trọn ngày đi, ngồi mà chưa từng đi, ngồi. Trọn ngày giận, mừng mà chưa từng giận, mừng.

Nghĩa trọn ngày có tất cả cái đó mà chưa từng có là vì sao? Là bởi vì trong tất cả cái đó mình biết đều “không có tánh” hết. Mình sân lên, mình biết tánh sân là “không”. Hỉ lên mình biết hỉ là “không”. Si lên mình biết si là “không”. Như vậy trọn ngày có tất cả mà nói không có.

Cho nên kinh nói: ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt (tức là con đường ngôn ngữ dứt, cái chỗ tâm hành bặt). Thấy nghe hiểu biết vốn tự viên tịch, cho đến sân hỉ, đau nhức nào có khác chi người gỗ ?

Tại sao sân hỉ, đau nhức nào có khác chi người gỗ? Bởi vì sân hỉ, đau nhức mà mình coi những cái đó nó không thật, thì như vậy tuy có sân hỉ đau nhức mà như không có. Cho nên nói như là người gỗ.

Chỉ vì duyên nơi cái suy tầm đau nhức không thể được.

Cho nên thường hay bảo chúng ta quán: khi nó đau một chỗ nào, hỏi cái đau từ đâu mà có? Tìm một hồi cái đau nó mất tiêu. Để biết rằng cái đau nhức nó không có thật. Vì vậy cho nên biết rằng suy tầm cái đau nhức thì cái đau nhức nó không còn nữa.

Kinh nói: Nghiệp ác tức được khổ báo, nghiệp thiện tức có cái thiện báo. Không những sân đọa địa ngục mà hỉ cũng sanh lên thiên đàng.

Nói rằng sân thì đọa địa ngục phải rồi, mà hỉ thì cũng sanh lên thiên đàng. Như vậy thì có xuống có lên, thì cũng chưa phải là giải thoát. Cho nên ở đây nói như vậy để đến chỗ chí lý thì không lên không xuống, không ra không vào. Còn thấy lên xuống ra vào thì còn nằm trong sanh tử.

Nếu biết sân hỉ “tánh là không”, chỉ không chấp tức là các nghiệp được giải thoát. Nếu chẳng thấy tánh mà tụng kinh, quyết định không có chỗ tựa, nói cũng không thể hết. Lược nêu tà chánh như thế không đến một, hai phần vậy.

Nghĩa là Ngài kể nãy giờ mà nói Ngài không được một, hai phần về cái chỗ tà chánh này. Như vậy thì người thấy được tánh mới là chánh, người không thấy tánh làm sao mà chánh được?

Nói tụng rằng:

            Ta vốn đến xứ này
            Truyền pháp để cứu mê tình
            Một hoa mà sanh năm cánh
            Kết quả tự nhiên thành.

Đó là bài kệ chánh của Ngài. Còn bài kệ kế là bài kệ mà Ngài sấm ký về chuyện sanh tử của Ngài. Bài này đọc thì đọc tôi thấy cắt nghĩa không được nên tôi im luôn, không có đọc bài chót vì đọc cắt nghĩa không có hiểu, vì mình không biết Ngài ký vào ngày tháng nào. Quí vị chịu khó đọc phần của ông Trúc Thiên dịch là được rồi.

TÓM KẾT

Bây giờ tóm kết lại cho thấy ý chánh của quyển này. Như vậy là tới đây xong sáu cửa. Chúng ta có bước chân vô cửa được chưa? Đó là mở cả sáu cửa, đây là sáu cửa vào “Động Thiếu Thất”. Như vậy từ cửa thứ nhất cho đến cửa thứ sáu đã mở thì chúng ta mỗi người bước vô. Ai bước vô rồi thì được an ổn. Ai chưa bước vô thì người đó chưa có thấy Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Nếu chưa vô đó là chưa thấy Tổ. Bây giờ sáu cửa, ở đây là không phải bắt học thuộc lòng danh số, nhưng mà để nhắc sơ lại để tự biết đường hướng của Tổ dạy. Tuy Tổ là “trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” chớ Ngài không có đi thứ tự. Nhưng vì trong phương tiện đối với người tu, thành ra Ngài kết hợp sáu cửa thành một quyển sách để chúng ta bước cửa này qua cửa nọ vào tận nhà của Tổ.

CỬA THỨ NHẤT

Cửa thứ nhất là “cửa Bát-nhã”.

Cửa thứ nhất là chỉ cho chúng ta nhận rằng: có cái tâm ấy nó gồm hết tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Chư Bồ-tát, chư Phật đều nương nơi tâm ấy là thành Bồ-đề, và cái tâm ấy đầy đủ diệu dụng cũng như muôn ngàn thần chú ở Ấn Độ. Đó là toát yếu được bài “Tâm kinh” ngay trong đó.

Như vậy cửa thứ nhất là cửa giới thiệu thôi chớ chưa có đặt vấn đề để mình tu.

CỬA THỨ HAI

Cửa thứ hai tức là “Phá tướng luận”.

Tới đây mới ruồng rẫy. Hồi nãy chỉ “cái này là cái mấy ông có nè”, bây giờ muốn được cái này phải sao? Phải phá cái “vỏ chấp” chung quanh đó, tức là “phá tướng”. Những tướng nào? Thường thường chúng ta tu mà chấp tướng không phải là cái tướng đẹp, tướng xấu bên ngoài mà chấp tướng gì? - Tướng tu hành, - Tướng tụng kinh niệm Phật, -Tướng cúng Phật, - Tướng hình thức trong chùa. Bao nhiêu hình tướng đó chúng ta chấp nó là thật, rồi đem hết tâm qui ngưỡng vào hình thức đó, cho đó là cứu kính của đời tu. Nếu tu như vậy thì làm sao thành Phật? Cho nên Ngài phá rạp hết. Bao nhiêu tướng tu hành về hình thức, Ngài dẹp hết để cho chúng ta chỉ thấy một lối duy nhất là trở về tâm. Nếu mà không dẹp hết tướng thì làm sao mà thấy tâm? Như vậy tới lớp thứ hai là lớp “Phá tướng”.

Tôi nói thật ra đường lối của Tổ giống hệt những nhà cách mạng. Trước tuyên dương chủ đích của mình nhắm, đó là Bát-nhã Tâm Kinh. Kế đó thì cho dấy lên đập phá những gì cổ hủ.

CỬA THỨ BA

Cửa thứ ba là “Nhị chủng nhập” (hai thứ vào).

Tới cửa thứ ba, cửa đó mới bắt đầu bước vào. Vào từ hình thức sự mới đi tới lý. Sự lý là hai phần phải vào. Như vậy trước là “lý nhập” rồi sau là “sự nhập”.

Lý nhập: Tức là mình phải nhận ra lý pháp đó. Cái lý pháp đó là tâm. Nhận ra được cái lý đó tức là giới thiệu hồi nãy, bây giờ chỉ thẳng cho mình nhập vô đó là lý nhập.

Muốn tiến được thì phải nương nơi sự chớ còn lý không thì làm sao tiến được. Vì vậy cho nên sự thì trước phải trừ chướng, mà chướng của sự là gì? Chướng của sự là khổ và vui phải không? Chướng của sự là khổ với vui. Nếu khổ mình không màng, vui mình không mừng thì còn gì chướng nữa? Vì vậy cho nên Ngài dùng cái Báo oán hạnh và Tùy duyên hạnh, hai cái đó để dẹp khổ vui.

Rồi bước vào nữa, kế hạnh thứ ba là Vô sở cầu hạnh tức là dứt tâm mong mỏi. Hạnh thứ tư là Xứng với tự tánh. Mình dứt tâm vọng cầu và sống phù hợp với tự tánh.

Như vậy là mới bước vào ngưỡng cửa ngoài thôi, chớ chưa có đi vô trong được.

CỬA THỨ TƯ

Cửa thứ tư là “Pháp môn an tâm”.

Tới An tâm đó mới là bắt đầu chỉ thẳng cho mình là đừng có bị kẹt nữa. Mà muốn an tâm phải làm sao? Tức là đừng mắc kẹt đối đãi. Còn mắc kẹt vào pháp đối đãi là còn ở trong sanh diệt, mà còn trong sanh diệt tức là còn vọng tưởng. Vì vậy cho nên muốn an tâm là dứt cái đối đãi, vượt qua cái đối đãi thì đó là “an tâm”.

Như vậy tức là cho mình an trụ rồi, thấy không? Tới cửa thứ ba là mới xây dựng sơ sơ, đến cửa thứ tư bắt đầu kiến thiết rồi để mình an trụ lại.

CỬA THỨ NĂM

Cửa thứ năm là “Ngộ tánh luận”.

Tức là chỉ cho mình thấy thẳng cái bản tánh như vậy đó. An ở đâu? An nơi bản tánh của mình. An tâm tức là an trụ cái bản tánh của mình. Nhận ra bản tánh đó là an tâm. Như vậy đó là kiến thiết.

CỬA THỨ SÁU

Cửa thứ sáu là “Huyết mạch luận”.

Tức là luận thẳng về cái mạch máu của người tu. Cái mạch máu của người tu là cái gì? Tức là phải làm sao sống được với bản tánh đó. Mà sống được với bản tánh đó khởi dụng công tu hành thì không có lệch, không có sai. Không vào được bản tánh đó, không nhận được bản tánh đó, tất cả cái tu khác đều là trật. Như vậy tức là giản trạch tà, chánh.

Tà, chánh đó là cái “huyết mạch” để mình khỏi bị rơi vào đường tà.

Như vậy tức là vào nhà là từ An tâm. Rồi NGộ TÁNH là kiến thiết xong, rồi bây giờ giữ ăn cướp, đừng cho nó theo phá tức là kiên cố lại đừng cho ngoại xâm lăng, cho nên mới tới cái sau Huyết mạch là giản trạch tà, chánh không bị lầm.

Như vậy kiến thiết ngôi nhà của Tổ Bồ-đề - đạt-ma là vậy. Cho nên mình thấy được, học được cái đó rồi thì cứ như vậy mà bước thẳng vô, chớ đừng có nghi ngờ. Vừa có nghi ngờ là bị chướng ngại rồi.
Như vậy thì tin chắc để bước vô chưa? Ráng tin để bước vô.

 

 

Các tin khác

[ Quay lại ]