TẮC 39: VÂN MÔN HOA THƯỢC LAN

LỜI DẪN: Giữa đường thọ dụng dường cọp tựa núi, thế đế lưu bố như vượn tại vườn. Muốn biết nghĩa Phật tánh, phải quán thời tiết nhân duyên, muốn luyện lọc vàng ròng, phải là lò luyện của bậc tác gia. Hãy nói người đại dụng hiện tiền lấy cái gì thí nghiệm ?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Thế nào là Pháp thân thanh tịnh ? Vân Môn đáp: Hoa thược lan. Tăng hỏi: Khi thế ấy đi thì sao ? Vân Môn đáp: Sư tử lông vàng.

GIẢI THÍCH: Các ông biết chỗ nói của vị Tăng và chỗ đáp của Vân Môn chăng ? Nếu hiểu được thì hai miệng đồng không có một cái lưỡi. Nếu chẳng biết chưa khỏi lầm lẫn. Có vị Tăng hỏi Huyền Sa: Thế nào là Pháp thân thanh tịnh ? Huyền Sa đáp: Mủ giọt giọt. Người đủ con mắt Kim Cang mời thử biện xem ? Vân Môn không đồng người khác, có khi nắm đứng vách cao ngàn trượng, không có chỗ cho ông nghĩ suy, có khi vì ông mở một con đường đồng chết đồng sống. Ba tấc lưỡi của Vân Môn rất sâu kín. Có người nói đó là lối đáp tín thái (tin màu sắc). Nếu hiểu thế ấy, thử nói Vân Môn rơi tại chỗ nào ? Cái này là việc ở trong thất, chớ nhằm ra ngoài suy tính. Vì thế, Bá Trượng nói: Sum la vạn tượng, tất cả ngữ ngôn, đều xoay về nơi mình, khiến lăn trùng trục, nhằm chỗ sống linh động. Lại nói: Nếu nghĩ nghị suy tìm, liền rơi vào câu thứ hai. Vĩnh Gia nói: “Pháp thân ngộ rồi không một vật, bản nguyên tự tánh thiên chân Phật.” Vân Môn nghiệm vị Tăng này, vị Tăng này cũng là người ở trong thất của Sư, là người tham cứu đã lâu, biết được việc trong thất Sư, nên tiến ngữ: Khi thế ấy đi thì sao ? Vân Môn bảo: Sư tử lông vàng. Hãy nói là chấp nhận y hay chẳng chấp nhận y, là bao y hay biếm y ? Nham Đầu nói: Nếu luận chiến thì mỗi người ở chỗ chuyển. Lại nói: Kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Câu sống tiến được thì vĩnh kiếp chẳng quên, câu chết tiến được thì tự cứu chưa xong. Lại có vị Tăng hỏi Vân Môn: Phật pháp như trăng trong nước phải chăng ? Vân Môn đáp: Sóng trong không đường thông. Tăng thưa: Hòa thượng từ đâu mà được ? Vân Môn đáp: Hỏi lại thì đâu đến. Tăng thưa: Chính khi thế ấy đi là sao ? Vân Môn đáp: Đường quan san trùng điệp. Phải biết việc này chẳng ở trên ngôn cú, như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, nắm được nắm chẳng được chưa khỏi tan thân mất mạng. Tuyết Đậu là người ở trong đó, liền ngay đầu tụng ra:

TỤNG:              Hoa thược lan

                        Mạc man han

                        Tinh tại xứng hề bất tại bàn

                        Tiện nhậm ma, thái vô đoan

                        Kim mao sư tử đại gia khan.

DỊCH:               Hoa thược lan

                        Chớ hoang mang

                        Hoa ở cân chừ  chẳng ở bàn

                        Liền thế ấy, không mối mang

                        Sư tử lông vàng cả nhà xem.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu đồng hội, đánh một điệu rung dây phát ra những bản kỳ diệu, mỗi câu phán xét ra đây. Một bài tụng chẳng khác cách niêm cổ. “Hoa thược lan”, liền nói “Chớ hoang mang”. Nhiều người nói: Vân Môn dùng tín thái đáp, thảy đều khởi tình giải hiểu Vân Môn. Vì thế Tuyết Đậu có bổn phận giản trạch, nên nói “Chớ hoang mang”. Bởi vì ý của Vân Môn chẳng phải ở chỗ hoa thược lan. Vì thế, Tuyết Đậu nói “hoa ở cân chừ chẳng ở bàn”. Một câu này rất mực rõ ràng, trong nước vốn không trăng, trăng ở trời xanh. Như hoa cân ở cân chớ chẳng phải ở bàn. Thử nói cái gì là cân, nếu biện rõ được chẳng cô phụ Tuyết Đậu. Cổ nhân đến trong đây quả thật từ bi phân minh nói với ông. “Chẳng ở trong này ở bên kia.” Hãy nói bên kia là chỗ nào ? Tại một câu đầu, bài tụng này tụng xong. Phần sau bài tụng là vị Tăng nói “khi thế ấy đi thì sao”. Tuyết Đậu nói: Vị Tăng này “không mối mang”. Hãy nói là đầu sáng hợp hay đầu tối hợp ? Hội rồi nói thế ấy, chẳng hội nói thế ấy ? “Sư tử lông vàng cả nhà xem”, lại thấy sư tử lông vàng chăng ? Mù !

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]