TẮC 43: ĐỘNG SƠN KHÔNG LẠNH NÓNG

LỜI DẪN: Câu định càn khôn muôn đời cùng tôn trọng, cơ bắt hổ hủy (hủy : tê giác cái) ngàn Thánh khó biện. Liền đó lại không mảy che ngăn, toàn cơ tùy chỗ đồng bày. Cần rõ kiền chùy hướng thượng, phải là lò rèn của bậc tác gia. Hãy nói từ trước đến nay lại có gia phong thế ấy hay không, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Động Sơn: Khi lạnh nóng đến làm sao né tránh ? Động Sơn đáp: Sao chẳng nhằm chỗ không lạnh nóng đi ? Tăng hỏi: Thế nào là chỗ không lạnh nóng ? Động Sơn đáp: Khi lạnh lạnh chết Xà-lê, khi nóng nóng chết Xà-lê.

GIẢI THÍCH: Hòa thượng Tân ở Hoàng Long niêm: Động Sơn lấy tay áo làm cổ, dưới nách khoét bâu, thế mà vị Tăng này không cam, như nay có người ra hỏi Hoàng Long, hãy nói làm sao đuổi dẹp ? Sư im lặng giây lâu, tiếp: “An thiền đâu hẳn nhờ sông núi, diệt sạch tâm sanh lửa tự lành.” Các ngươi hãy nói lồng bẩy của Động Sơn rơi vào chỗ nào ? Nếu biện được rành rõ mới biết Động Sơn ngũ vị, hồi hỗ, chánh thiên, tiếp người thật là kỳ đặc. Đến được cảnh giới hướng thượng này mới được như thế, chẳng cần an bài tự nhiên khéo hợp. Vì thế nói: CHÁNH TRUNG THIÊN - Canh ba đầu hôm trước trăng sáng, chớ lạ gặp nhau chẳng biết nhau, thầm thầm vẫn ôm hiềm ngày trước. THIÊN TRUNG CHÁNH - Mắt sáng lão bà gặp cổ kính, rõ ràng đối mặt lại không chân, thôi chớ quên đầu nhận lấy bóng. CHÁNH TRUNG LAI - Trong không có lộ thoát trần ai, chỉ hay chẳng chạm húy hiện tại, cũng hơn tiền triều cắt lưỡi tài. THIÊN TRUNG CHÍ - Hai mũi giao phong chẳng cần tránh, tay khéo lại đồng sen trong lò, quả nhiên tự có xung thiên khí. KIÊM TRUNG ĐÁO - Chẳng rơi có không ai dám hòa, mỗi người trọn muốn ra dòng thường, rốt cuộc lui về ngồi trong tro Viễn Lục Công ở Phù Sơn lấy công án này làm mẫu cho Ngũ vị. Nếu hiểu một tắc thì các tắc tự nhiên dễ hiểu. Nham Đầu nói: Giống như trái bầu để trên mặt nước, động đến liền xoay vẫn chẳng mất mảy tơ khí lực. Có vị Tăng hỏi Động Sơn: Khi Văn-thù, Phổ Hiền đến tham vấn thì thế nào ? Động Sơn đáp: Đuổi vào trong bầy trâu đi. Tăng nói: Hòa thượng vào địa ngục nhanh như tên. Động Sơn nói: Toàn nhờ tha lực. Động Sơn bảo, sao chẳng nhằm chỗ không lạnh nóng đi, đây là Thiên Trung Chánh. Tăng hỏi thế nào là chỗ không lạnh nóng ? Động Sơn nói khi lạnh lạnh chết Xà-lê, khi nóng nóng chết Xà-lê, đây là Chánh Trung Thiên. Tuy Chánh lại Thiên, tuy Thiên lại Viên. Trong tập lục của tông Tào Động chép đầy đủ kỹ lưỡng. Nếu là dưới tông Lâm Tế thì không có nhiều việc. Loại công án này thẳng đó liền hội. Có người nói “rất tốt không lạnh nóng”, có đúng sự thật chút nào ? Cổ nhân nói: Nếu nhằm trên kiếm bén chạy thì nhanh, nếu nhằm trên tình thức thì chậm. Có vị Tăng hỏi Thúy Vi: Thế nào là ý Tổ sư Tây sang ? Thúy Vi bảo: Đợi không có người sẽ nói với ông. Sư đi vào trong vườn. Tăng thưa: Chỗ này không người, thỉnh Hòa thượng nói. Thúy Vi chỉ bụi tre nói: Cây tre này được dài thế ấy, cây tre kia được ngắn thế ấy. Vị Tăng bỗng nhiên đại ngộ. Tào Sơn hỏi Tăng: Nóng thế ấy đến chỗ nào ẩn trốn ? Tăng thưa: Ẩn trốn trong chảo dầu lò lửa. Tào Sơn hỏi: Chảo dầu lò lửa làm sao ẩn trốn ? Tăng thưa: Các khổ không thể đến. Xem người trong nhà kia tự nhiên hiểu những lời nói trong nhà kia. Tuyết Đậu dùng việc trong nhà kia tụng ra:

TỤNG:      Thùy thủ hoàn đồng vạn nhẫn nhai

                Chánh thiên hà tất tại an bài

                Lưu-ly cổ điện chiếu minh nguyệt

                Nhẫn tuấn Hàn lô không thượng giai.

DỊCH:      Tay duỗi lại đồng muôn trượng bờ

                Chánh thiên nào hẳn tại an bài

                Điện cổ lưu-ly trăng sáng chiếu

                Cam chịu Hàn lô luống đến thềm.

GIẢI TỤNG: Tông Tào Động có xuất thế (giáo hóa) chẳng xuất thế (chẳng giáo hóa), có tay duỗi, chẳng tay duỗi. Nếu chẳng xuất thế thì mắt xem mây xanh. Nếu xuất thế thì đầu tro mặt đất. Mắt xem mây xanh tức là đỉnh  muôn trượng. Đầu tro mặt đất tức là việc bên tay duỗi. Có khi đầu tro mặt đất tức ở đỉnh muôn trượng. Có khi đỉnh muôn trượng tức là đầu tro mặt đất. Kỳ thật duỗi tay vào chợ cùng đứng riêng trên ngọn Cô phong một loại. Về nguồn ngộ tánh cùng sai biệt trí không khác. Tối kỵ chia hai đoạn để hiểu. Vì thế nói “tay duỗi lại đồng muôn trượng bờ”, hẳn là không có chỗ cho ông gá nghĩ. “Chánh thiên nào hẳn tại an bài”, nếu đến khi dùng tự nhiên như thế, chẳng tại an bài. Câu tụng này là chỗ đáp của Động Sơn. Phần sau nói “điện cổ lưu-ly trăng sáng chiếu, cam chịu Hàn lô luống đến thềm”, đây là tụng vị Tăng đuổi theo lời nói. Tông Tào Động có mười tám loại: gái đá, ngựa gỗ, giỏ không đáy, minh châu ban đêm, rắn chết… Đại cương chỉ rõ chánh vị như trăng chiếu điện cổ lưu-ly hình như có bóng tròn. Động Sơn đáp sao chẳng đến chỗ không lạnh nóng đi, vị Tăng kia giống như con Hàn lô đuổi bóng, chạy gấp đến thềm chụp bóng trăng - Tăng lại hỏi thế nào là chỗ không lạnh nóng, Động Sơn đáp khi lạnh lạnh chết Xà-lê, khi nóng nóng chết Xà-lê, như Hàn lô đuổi bóng đến trên thềm lại không thấy bóng mặt trăng. Hàn lô là xuất phát từ Chiến Quốc Sách, trong ấy nói: “Con lô của họ Hàn là con chó giỏi. Con thỏ trong núi là thỏ tinh lanh. Phải là con chó kia mới hay đuổi được con thỏ này.” Tuyết Đậu dẫn làm thí dụ cho vị Tăng này. Các ông lại biết chỗ Động Sơn vì người chăng ? Sư lặng thinh giây lâu, nói: Tìm con thỏ nào.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]