TẮC 89: VÂN NHAM ĐẠI BI TAY MẮT

LỜI DẪN: Khắp thân là mắt thấy chẳng đến, khắp thân là tai nghe chẳng kịp, khắp thân là miệng nói chẳng được, khắp thân là tâm soi chẳng ra. Khắp thân tạm gác lại, bỗng dưng không mắt làm sao thấy, không tai làm sao nghe, không miệng làm sao nói, không tâm làm sao soi ? Nếu nhằm trong đây vạch ra được một lối đi, liền cùng cổ Phật đồng tham. Tham thì tạm dừng, hãy nói tham cái gì ?

CÔNG ÁN: Vân Nham hỏi Đạo Ngô: Bồ-tát Đại Bi dùng tay mắt nhiều để làm gì ? Đạo Ngô nói: Như người giữa đêm vói tay lại sau mò chiếc gối. Vân Nham nói: Tôi hiểu. Đạo Ngô hỏi: Ông hiểu thế nào ? Vân Nham nói: Toàn thân là tay mắt. Đạo Ngô nói: Nói đến tột cùng chỉ nói được tám phần. Vân Nham hỏi: Sư huynh thế nào ? Đạo Ngô nói: Khắp thân là tay mắt.

GIẢI THÍCH: Vân Nham, Đạo Ngô đồng tham Dược Sơn bốn mươi năm hông không dính chiếu. Dược Sơn xuất phát một tông Tào Động có ba người khiến pháp đạo thạnh hành. Dưới Vân Nham có Động Sơn, dưới Đạo Ngô có Thạch Sương, dưới Thuyền Tử có Giáp Sơn. Bồ-tát Đại Bi có tám muôn bốn ngàn cánh tay Mẫu-đà-la. Đại Bi có lắm tay mắt, các ông lại có hay không ? Bá Trượng nói: “Tất cả ngữ ngôn văn tự thảy đều xoay về chính mình.” Vân Nham thường theo Đạo Ngô thưa hỏi giải nghi, một hôm hỏi Đạo Ngô: Bồ-tát Đại Bi dùng lắm tay mắt để làm gì ? Ngay ban đầu nên vì Sư nhằm xương sống mà đánh, về sau khỏi thấy có nhiều sắn bìm. Đạo Ngô từ bi không thể làm như thế, lại vì Sư nói đạo lý, cốt ý khiến Sư liền hiểu. Nói: Như người giữa đêm vói tay lại sau mò chiếc gối. Chính khi đêm khuya không có ánh sáng đèn, lấy tay mò chiếc gối. Hãy nói con mắt ở chỗ nào ? Sư liền nói: Tôi hiểu. Đạo Ngô hỏi: Ông hiểu thế nào ? Vân Nham nói: Toàn thân là tay mắt. Đạo Ngô bảo: Nói đến tột cùng chỉ nói được tám phần. Vân Nham hỏi: Sư huynh thế nào ? Đạo Ngô nói: Khắp thân là tay mắt. Hãy nói khắp thân là phải hay toàn thân là phải ? Tuy tợ bùn lầy mà lại thong thả. Người nay phần nhiều khởi tình giải nói: Khắp thân là chẳng phải, toàn thân là phải. Chỉ thiết nhai ngôn cú của cổ nhân, chết dưới lời nói của cổ nhân. Đâu chẳng biết ý của cổ nhân, ý chẳng ở trên ngôn cú, đây đều là việc bất đắc dĩ mà thôi. Như nay chú thích lập phương thức, nói: Nếu thấu được công án này liền hiểu bãi tham, rồi lấy tay mò khắp thân, mò ngọn đèn cây cột, trọn cho là hiểu được câu toàn thân. Nếu hiểu thế ấy, phá hoại cổ nhân chẳng ít. Vì thế nói: Kia tham câu sống không tham câu chết. Cần phải bặt tình trần ý tưởng, lột trần bày lồ lộ, mới có thể thấy được câu Đại Bi. Đâu chẳng thấy Tào Sơn hỏi Tăng: Khi ứng vật hiện hình như trăng trong nước thì thế nào ? Tăng đáp: Như lừa nhìn giếng. Tào Sơn nói: Nói đến tột cùng chỉ nói được tám phần. Tăng hỏi: Hòa thượng lại thế nào ? Tào Sơn đáp: Như giếng nhìn lừa. Thế là đồng với ý trên vậy. Nếu ông chạy trên lời nói mà thấy, hoàn toàn không thoát khỏi cái lồng bẫy của Đạo Ngô, Vân Nham. Tuyết Đậu là hàng tác gia chẳng nhằm dưới câu chết, mà nhằm trên đầu đi.

               TỤNG: Biến thân thị
                        Thông thân thị
                        Niêm lai du giảo thập vạn lý
                        Triển sí Bằng đằng lục hợp vân
                        Bác phong cổ đảng tứ minh thủy.
                        Thị hà ai ải hề hốt sanh
                        Na cá hào ly hề vị chỉ.
                        Quân bất kiến
                       Võng châu thùy phạm ảnh trùng trùng
                       Bổng đầu thủ nhãn tùng hà khởi.
                       Đốt !

           DỊCH: Khắp thân phải
                    Toàn thân phải
                    Niêm ra vẫn cách mười muôn dặm
                    Giương cánh Bằng bay lục hợp che
                    Cuộn gió dậy sóng nước bốn biển.
                    Bởi đâu bụi cuốn chừ chợt sanh
                    Cái gì mảy may chừ chưa dứt.
                    Anh chẳng thấy
                    Lưới châu rủ xuống bóng trùng trùng
                    Đầu gậy mắt tay từ đâu dấy.
                    Dốt !
GIẢI TỤNG: Hai câu “khắp thân phải, toàn thân phải”, nếu nói vói tay mò chiếc gối là phải, lấy tay mò thân cũng phải. Nếu khởi kiến giải thế ấy, trọn nhằm trong hang quỉ làm kế sống. Cứu kính khắp thân, toàn thân đều chẳng phải. Nếu cần lấy tình thức để thấy câu Đại Bi kia, hẳn là vẫn cách mười muôn dặm. Tuyết Đậu đùa được một câu sống, nói “niêm ra vẫn cách mười muôn dặm”. Hai câu tụng chỗ kỳ đặc của Vân Nham, Đạo Ngô nói: “Giương cánh Bằng bay lục hợp che, cuộn gió dậy sóng nước bốn biển.” Chim Đại Bằng ăn rồng, lấy cánh cuộn gió sóng nước rẽ ra ba ngàn dặm, liền bắt rồng ăn. Tuyết Đậu nói: Nếu ông như chim Đại Bằng cuộn gió dậy sóng rất là hùng tráng. Nếu lấy Đại Bi ngàn tay mắt để quán, chỉ là chốc lát bụi bặm chợt dấy, lại một mảy may gió chưa dừng. Tuyết Đậu nói: Nếu ông lấy tay mò thân dùng làm tay mắt, kham dùng vào việc gì ? Khi ấy trên câu Đại Bi vẫn là chưa hiểu. Vì thế nói: “Bởi đâu bụi cuốn chừ chợt sanh, cái gì mảy may chừ chưa dứt.” Tuyết Đậu chính là tác gia một lúc quét sạch rồi. Đâu ngờ phần sau, như xưa ló đuôi, nói dẫn dụ, y nguyên vẫn ở trong lồng bẫy. “Anh chẳng thấy, lưới châu rủ xuống bóng trùng trùng”, Tuyết Đậu dẫn minh châu trong lưới trời Đế Thích để làm pháp tắc, hãy nói tay mắt rơi tại chỗ nào ? Trong tông Hoa Nghiêm lập bốn pháp giới:

1) Lý Pháp giới, để rõ một vị bình đẳng.
2) Sự Pháp giới, để rõ toàn lý thành sự.
3) Lý sự vô ngại Pháp giới, để rõ lý sự dung nhau lớn nhỏ không ngại.
4) Sự sự vô ngại Pháp giới, để rõ một sự khắp nhập tất cả sự, tất cả sự khắp nhiếp tất cả sự, đồng thời xen lẫn không ngại.

Vì thế nói: “Một hạt bụi vừa dấy đại địa toàn thâu, mỗi mỗi hạt bụi gồm vô biên pháp giới, một hạt bụi đã vậy, các hạt bụi cũng vậy.” Lưới châu là trước Thiện Pháp Đường của trời Đế Thích dùng châu Ma-ni làm lưới, trong một hạt châu ảnh hiện trăm ngàn hạt châu, trăm ngàn hạt châu đều hiện trong một hạt châu, chiếu xen lớp lớp chủ bạn vô cùng, đây dùng để rõ về sự sự vô ngại pháp giới. Xưa Quốc sư Hiền Thủ lập gương, đèn để dẫn dụ, treo mười tấm gương, ở giữa thắp một ngọn đèn. Nếu nhìn gương phía Đông, thì chín tấm gương, gương đèn hiện rõ ràng. Nếu nhìn gương phía Nam, thì thấy gương gương đều như thế. Do đó, đức Thế Tôn mới thành Chánh giác chẳng rời Bồ-đề đạo tràng mà lên khắp các cõi trời, trời Đao-lợi v.v… cho đến ở tất cả chỗ, bảy chỗ chín hội nói kinh Hoa Nghiêm. Tuyết Đậu dùng lưới châu trời Đế Thích chỉ bày sự sự vô ngại pháp giới. Song nghĩa sáu tướng rất là rõ ràng: tức tổng tức biệt, tức đồng tức dị, tức thành tức hoại. Cử một tướng thì sáu tướng đều gồm, chỉ vì chúng sanh hằng dùng trong mỗi ngày mà không biết. Tuyết Đậu nêu minh châu lưới trời Đế Thích làm phương thức, để so sánh với câu Đại Bi này. Dù là như thế, nếu ông khéo nhằm trong lưới châu này, rõ được cây gậy thần thông diệu dụng ra vào không ngại, mới đáng thấy được tay mắt. Do đó, Tuyết Đậu nói: “Đầu gậy mắt tay từ đâu dấy ?” Dạy ông đầu gậy chứng lấy, ngay tiếng hét thừa đương. Như Đức Sơn vào cửa liền đánh, hãy nói tay mắt ở chỗ nào ? Lâm Tế vào cửa liền hét, hãy nói tay mắt ở chỗ nào ? Rốt sau, tại sao Tuyết Đậu lại để một chữ “Dốt” ? Tham !

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]