Con chó có Phật tánh không

Triệu Châu Tùng Thẩm là một vị thiền sư vô cùng thú vị. Người ta tôn xưng sư là “Triệu Châu Cổ Phật”.
Có người hỏi sư :
- Thế nào là Triệu Châu ?
- Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc.

Đó là trả lời một câu mà hai ý, nghĩa là nếu người hỏi thành Triệu Châu, thành có bốn cửa, đó là cách trả lời hay nhất. Nếu hỏi về thiền sư Triệu Châu, sư đáp cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc nghĩa là đạo phong của sư hoạt bát và thông suốt, đã có cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc mỗi cửa đều có thể tiến vào.

Có vị học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư không cần suy nghĩ đáp :
- Không.
Học tăng nghe xong bất mãn, nói :
- Trên từ chư Phật, dưới đến loài côn trùng đều có Phật tánh, vì sao con chó không có Phật tánh ?
Sư giải thích :
- Vì nghiệp thức che đậy.
Lại có học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư đáp :
- Có.
Học tăng không bằng lòng cách trả lời như thế, cho nên phản đối :
- Đã có Phật tánh, tại sao chui vào đãy da hôi thúi ?
Sư giải thích :
- Vì biết mà cố phạm.

Lời bình :

Đây là một công án nổi tiếng. Hai học tăng hỏi cùng một vấn đề mà thiền sư Triệu Châu trả lời hai lối khác nhau, có khi nói không, có khi nói có. Thực ra, có và không chỉ là một nghĩa, một mà là hai, hai mà là một, dù sao cũng không thể đem có, không mà tách rời ra, không thể đem có, không phân làm hai thứ mà giải thích. Bát-nhã Tâm kinh nói : “Vì không có sở đắc, nên Bồ-tát …”. Đó là nghĩa này.

Có và không, không thể dùng ý thức mà hiểu được, như người câm nằm mộng, chỉ tự mình biết chứ không thể nói với ai được. Như nuốt hòn sắt nóng, nhả ra không được, nuốt vào không trôi, sạch hết tình phàm mới chuyển thân được.

Người đời đối với hai chữ có, không đều dùng hai cách phân biệt để giải thích, cho rằng có, không là đối đãi nhau, phải quấy chẳng đồng, phân chia thiện ác, đó là không biết được con đường về nhà, chưa nhận ra cội gốc bản lai diện mục của mình.

Con chó có Phật tánh không ? Phật tánh không thể dùng có không để nói. Thiền sư Triệu Châu bất đắc dĩ nói có nói không, chẳng hay chúng ta có nhận ra nghĩa trung đạo có, không chăng ?
 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]