KINH DUY MA CẬT: III- PHẨM ĐỆ TỬ: MỤC-KIỀN-LIÊN

GalyayanaHT. Thích Thanh Từ - giảng

Chánh văn:

Phật bảo ngài Đại Mục-kiền-liên:

- Ông đi đến thăm bệnh Duy-ma-cật.

Ngài Mục-kiền-liên bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa vào đại thành Tỳ-da-ly, ở trong đường hẻm, vì các người cư sĩ nói pháp. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con:

“Thưa ngài Đại Mục-kiền-liên, vì bạch y cư sĩ nói pháp, không phải như nhân giả đã nói. Phàm nói pháp phải như pháp mà nói. Pháp không có chúng sanh vì lìa chúng sanh cấu. Pháp không có ngã vì lìa ngã cấu. Pháp không thọ mạng vì lìa sanh tử. Pháp không có người vì mé trước mé sau dứt. Pháp thường lặng lẽ vì diệt các tướng. Pháp lìa nơi tướng vì không có sở duyên. Pháp không có danh tự vì ngôn ngữ đoạn. Pháp không có thuyết vì lìa giác quán. Pháp không hình tướng vì như hư không. Pháp không hý luận vì cứu cánh không. Pháp không ngã sở vì lìa ngã sở. Pháp không phân biệt vì lìa các thức. Pháp không so sánh vì lìa đối đãi. Pháp chẳng thuộc nhân vì không thuộc duyên. Pháp đồng pháp tánh vì vào các pháp. Pháp tùy nơi như vì không chỗ tùy. Pháp trụ thật tế vì các bên không động. Pháp không dao động vì chẳng nương nơi sáu trần. Pháp không đến đi vì thường không trụ. Pháp thuận không, tùy vô tướng, ứng vô tác. Pháp lìa đẹp xấu, pháp không tăng giảm, pháp không sanh diệt, pháp không chỗ trở về. Pháp vượt ra ngoài mắt tai mũi lưỡi thân tâm. Pháp không cao thấp, pháp thường trụ chẳng động, pháp lìa tất cả quán hạnh. Thưa ngài Đại Mục-kiền-liên, pháp tướng như thế, há có thể nói ư ?

Phàm người thuyết pháp không nói không chỉ. Người nghe pháp kia không nghe không được. Ví như thầy huyễn vì người huyễn nói pháp. Phải dựng lập ý này mà vì người nói pháp. Phải biết rõ căn cơ chúng sanh có lợi độn, khéo nơi tri kiến không bị chướng ngại, dùng tâm đại bi mà tán thán Đại thừa, nhớ đền ơn Phật, không rời bỏ Tam bảo, sau đó mới nói pháp.”

Khi ông Duy-ma-cật nói lời ấy, tám trăm cư sĩ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con không có biện tài này, thế nên không thể đến thăm bệnh ông được.

Giảng:

Tôn giả Xá-lợi-phất và tôn giả Mục-kiền-liên là hai vị thượng thủ trong giáo đoàn của Phật. Đầu tiên là tôn giả Xá-lợi-phất đã xin rút lui, bây giờ đến tôn giả Mục-kiền-liên. Ngài kể lại, có lần trong đường hẻm đang thuyết pháp cho cư sĩ nghe, cư sĩ Duy-ma-cật đến bảo rằng, nói pháp không phải như tôn giả nói,  phải như pháp mà nói. Thường các vị đệ tử của Phật cũng như chúng ta bây giờ, nói pháp là đứng trên tướng của các pháp mà phân biệt giảng nói, đó là nói theo pháp tướng. Còn cư sĩ Duy-ma-cật bảo như pháp mà nói, là đi thẳng vào pháp tánh chứ không theo pháp tướng.

Như chúng ta nói pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tứ đế, thập nhị nhân duyên... là nói trên tướng. Còn pháp tánh là pháp không có chúng sanh, vì lìa chúng sanh, vì không còn cấu nhơ của chúng sanh. Pháp tánh đó không có ngã vì lìa ngã cấu... Như vậy, đứng về mặt pháp tánh thì không có tất cả.

Pháp tùy nơi như vì không chỗ tùy. Pháp trụ thật tế vì các bên không động. Pháp là pháp tánh, như là như như. Pháp tánh không sanh không diệt, không dao động nên nó là như. Bởi như nên không có chỗ tùy, nói tùy mà không có chỗ tùy. Pháp tánh trụ mé chân thật, vì không bên này bên kia nên không động.

Pháp thuận không, tùy vô tướng, ứng vô tác. Pháp tánh không tướng nên nói thuận không, không tướng nên gọi là tùy vô tướng, bởi vô tướng nên không tạo tác gọi là ứng vô tác.

Pháp lìa đẹp xấu, pháp không tăng giảm, pháp không sanh diệt, pháp không chỗ trở về. Pháp vượt ra ngoài mắt tai mũi lưỡi thân tâm. Nếu thấy có đẹp xấu, thêm bớt, sanh diệt là còn đứng trên pháp tướng. Pháp tánh không có tất cả thứ đó nên nói vượt ra ngoài cả mắt tai mũi lưỡi thân tâm.

Phàm người thuyết pháp không nói không chỉ. Người nghe pháp kia không nghe không được. Pháp tánh không thể nói, không chỉ bày được. Vừa mở miệng nói là đối đãi, là tướng chứ không phải tánh. Pháp tánh thì lấy gì nghe? Nếu nghe ngôn ngữ thì ngôn ngữ thuộc về đối đãi, nên nói người nghe pháp không nghe, không được. Như vậy pháp tánh là tự khế hợp, nghe pháp tánh cũng tự nhận ra, còn có nói có nghe là không thật.

Ví như thầy huyễn vì người huyễn nói pháp. Phải dựng lập ý này mà vì người nói pháp. Người nói pháp phải thấy mình là huyễn, người nghe cũng huyễn, là không chấp có ngã có nhân, như vậy mới đúng tinh thần nói pháp. Nếu thấy người nói người nghe là thật, là còn đối đãi. Khi nói pháp, chúng ta thường chỉ dạy, đây là pháp thiện nên tu pháp ác nên bỏ. Nhưng phải thấy thiện ác đều không thật, vì còn trong sanh diệt, thuộc về pháp tướng.

Phải biết rõ căn cơ chúng sanh có lợi độn, khéo nơi tri kiến không bị chướng ngại, dùng tâm đại bi mà tán thán Đại thừa, nhớ đền ơn Phật, không rời bỏ Tam bảo, sau đó mới nói pháp. Nói pháp phải biết căn cơ chúng sanh, khéo đối với thấy biết không bị chướng ngại, dùng tâm đại bi tán thán pháp Đại thừa để đền ơn Phật, không rời bỏ Tam bảo, mới nên nói pháp.

Chúng ta chưa có tha tâm thông làm sao biết được căn cơ chúng sanh. Như có người đến tha thiết học đạo, trước phải hỏi họ đã xem qua những kinh sách gì, ứng dụng pháp tu nào... Nhờ trình bày mới biết sự tu học của họ tới đâu. Do đó dễ gần và hiểu được tâm ý của người. Có nhiều sư trẻ, thấy đạo lý hay quá, gặp ai cũng muốn thuyết giảng mà không cần biết họ có hiểu không, đó là chưa kinh nghiệm. Ở đây dạy, phải biết căn cơ lợi độn của chúng sanh, khéo đối với sự thấy biết không bị chướng ngại và khởi tâm đại bi, đề cao pháp Đại thừa. Như vậy nói pháp là đền ơn Phật, chứ không phải để chứng tỏ mình thông hiểu Phật pháp. Đó mới xứng đáng là người nói pháp.

Tóm lại, tôn giả Mục-kiền-liên nói pháp cho cư sĩ là đứng về mặt pháp tướng, chia chẻ phân tích cho họ hiểu. Còn cư sĩ Duy-ma-cật cho rằng nói pháp như vậy là không hợp, phải nói thẳng nơi pháp tánh. Nhưng rốt ráo của pháp tánh là không có người hay nói và cũng không có người nghe. Đó là tinh thần nói pháp cứu cánh chân thật của cư sĩ Duy-ma-cật.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]