KINH DUY MA CẬT: IV- PHẨM BỒ-TÁT-BỒ-TÁT DI-LẶC

botatdilacHT Thích Thanh Từ - giảng

Chánh văn:

Khi ấy Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
- Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Di-lặc bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa con vì Thiên vương ở cung trời Đâu-suất và quyến thuộc của người, nói về hạnh bất thối chuyển. Lúc ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Ngài Di-lặc! Đức Thế Tôn thọ ký cho nhân giả, một đời sẽ được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy đời nào ngài được thọ ký? Đời quá khứ chăng? Đời vị lai chăng? Đời hiện tại chăng? Nếu đời quá khứ, thì quá khứ đã qua.

Nếu đời vị lai, thì vị lai chưa đến. Nếu đời hiện tại, thì hiện tại không dừng. Như lời Phật nói: “Này các Tỳ-kheo! Chính ông hiện nay, cũng sanh già chết.” Nếu do vô sanh được thọ ký thì vô sanh đó là chánh vị, ở trong chánh vị cũng không thọ ký, cũng không được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao ngài Di-lặc một đời được thọ ký? Là từ Như sanh được thọ ký hay từ Như diệt được thọ ký? Nếu do Như sanh được thọ ký, mà Như không có sanh. Nếu do Như diệt được thọ ký, mà Như không có diệt. Tất  cả chúng sanh đều Như, tất cả pháp cũng Như, các vị thánh hiền cũng Như, cho đến Bồ-tát Di-lặc cũng Như. Nếu ngài Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký.

Vì cớ sao? Phàm Như thì không hai không khác, nếu Di-lặc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả chúng sanh đều cũng phải được. Vì cớ sao? Tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ-đề. Nếu Di-lặc được diệt độ thì tất cả chúng sanh cũng phải diệt độ. Vì cớ sao? Vì chư Phật biết tất cả chúng sanh cứu cánh tịch diệt chẳng còn diệt nữa.

Thế nên, ngài Di-lặc chớ dùng pháp này mà dạy bảo các thiên tử, thật không có phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có thối chuyển. Này Di-lặc, phải khiến cho những vị thiên tử này bỏ kiến chấp phân biệt về Bồ-đề. Vì cớ sao? Vì Bồ-đề không thể do thân mà được, cũng không do tâm mà được. Tịch diệt là Bồ-đề, vì diệt các tướng. Chẳng quán là Bồ-đề, vì lìa các duyên. Chẳng hành là Bồ-đề, vì không có ức niệm. Đoạn là Bồ-đề, vì xả các kiến chấp. Lìa là Bồ-đề, vì lìa các vọng tưởng. Chướng là Bồ-đề, vì chướng các nguyện. Chẳng nhập là Bồ-đề, vì không tham trước. Thuận là Bồ-đề, vì thuận nơi Như. Trụ là Bồ-đề, vì trụ pháp tánh. Đến là Bồ-đề, vì đến được thật tế. Bất nhị là Bồ-đề, vì lìa ý pháp. Bình đẳng là Bồ-đề, vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề, vì không sanh trụ diệt. Tri là Bồ-đề, vì rõ biết tâm hành chúng sanh. Chẳng hội là Bồ-đề, vì các nhập không hội. Chẳng hiệp là Bồ-đề, vì lìa phiền não tập. Vô xứ là Bồ-đề, vì không có hình sắc. Giả danh là Bồ-đề, vì danh tự là không. Như hóa là Bồ-đề, vì không thủ xả. Không loạn là Bồ-đề, vì thường tự tĩnh. Thiện tịch là Bồ-đề, vì tánh thanh tịnh. Không thủ là Bồ-đề, vì lìa các phan duyên. Không khác là Bồ-đề, vì các pháp bình đẳng. Không so sánh là Bồ-đề, vì không thể thí dụ được. Vi diệu là Bồ-đề, vì các pháp khó biết.”

Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, hai trăm thiên tử được pháp Vô sanh nhẫn. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Giảng:

Phẩm trên nói về hàng Thanh văn đệ tử hiện hữu của Phật, phẩm này nói về các vị Bồ-tát, một số vị có mặt trong hội, một số từ phương khác đến.

Trước tiên Phật cử Bồ-tát Di-lặc đến thăm bệnh cư sĩ Duy-ma-cật nhưng ngài từ chối. Ngài kể lại nhân duyên thuở xưa, khi đang thuyết về hạnh bất thối chuyển cho thiên vương và quyến thuộc ở trời Đâu-suất, lúc ấy cư sĩ Duy-ma-cật đi đến nói với ngài, đức Thế Tôn thọ ký cho ngài một đời sẽ thành Phật, vậy đời nào được thọ ký, là quá khứ, vị lai hay hiện tại ?

Nếu đời quá khứ thì quá khứ đã qua. Nếu đời vị lai thì vị lai chưa đến. Nếu đời hiện tại thì hiện tại không dừng. Như lời Phật nói: Này các Tỳ-kheo, chính ông hiện nay cũng sanh già chết.

Cư sĩ Duy-ma-cật gạn hỏi, Phật nói Bồ-tát Di-lặc một đời nữa được thành Phật là đời nào? Đời quá khứ thì đã qua, đời vị lai chưa đến, đời hiện tại không dừng. Ngay con người hiện tại cũng có sanh già chết. Nghĩa là ngay trong khoảnh khắc có cả ba tướng sanh già chết, nên đâu thể nói hiện tại được. Vậy đời nào gọi là được Phật thọ ký ?

Nếu nói ngay thân hiện tại có sanh già chết thì ít ai thấy biết, nhưng xét từng tế bào trong cơ thể luôn luôn chuyển đổi, có những tế bào mới sanh, những tế bào đã già, cũng có những tế bào bị hoại. Như vậy thân này thay đổi liên tục không dừng, làm sao có thể nói cố định thời gian được.

Nếu do vô sanh được thọ ký thì vô sanh đó là chánh vị, ở trong chánh vị cũng không thọ ký, cũng không được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao ngài Di-lặc một đời được thọ ký ? Chánh vị nghĩa là ngôi vị chân chánh hay chân thật, còn gọi là chân như. Chân như là thể không sanh không diệt, nên không thọ ký cũng không thành Phật. Nếu còn sanh tức là còn trong quá khứ, hiện tại, vị lai, mà cả ba thời đều không thật. Như vậy nói được thọ ký là ở trong sanh hay trong vô sanh? Sanh cũng không thể được, vô sanh thì còn gì thọ ký, còn gì thành Phật, cả hai đều không thể được. Vậy tại sao Bồ-tát Di-lặc được thọ ký một đời sẽ thành Phật ?

Là từ Như sanh được thọ ký hay từ Như diệt được thọ ký ? Cư sĩ Duy-ma-cật chỉ thẳng thể tánh chân như không sanh không diệt, mà đã không sanh không diệt thì lấy gì để thọ ký. Nếu Như sanh thọ ký không được thì Như diệt cũng không được thọ ký. Tại sao ?

Nếu do Như sanh được thọ ký, mà Như không có sanh. Nếu do Như diệt được thọ ký, mà Như không có diệt. Tất cả chúng sanh đều Như, tất cả pháp cũng Như, các vị thánh hiền cũng Như, cho đến Bồ-tát Di-lặc cũng Như. Nếu ngài Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký.

Nói về bản thể của chân như thì tất cả chúng sanh đều Như. Tất cả pháp đều Như. Nếu từ chân như được thọ ký thì tất cả chúng sanh Như, hiền thánh Như, Di-lặc Như. Vậy Bồ-tát Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh đều được thọ ký.

Vì cớ sao? Phàm Như thì không hai không khác, nếu Di-lặc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả chúng sanh đều cũng phải được. Vì cớ sao? Tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ-đề. Nếu Di-lặc được diệt độ thì tất cả chúng sanh cũng phải diệt độ. Vì cớ sao? Vì chư Phật biết tất cả chúng sanh cứu cánh tịch diệt chẳng còn diệt nữa.

Chân như thì không hai không khác, Bồ-tát Di-lặc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả chúng sanh đều cũng phải được. Bồ-tát Di-lặc có tướng Bồ-đề thì tất cả chúng sanh cũng có tướng Bồ-đề. Niết-bàn là tịch diệt, tất cả chúng sanh đều có tướng Niết-bàn, tức là tướng tịch diệt. Như vậy chẳng lẽ lại có tịch diệt lần thứ hai.

Thế nên, ngài Di-lặc chớ dùng pháp này mà dạy bảo các thiên tử, thật không có phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có thối chuyển. Này Di-lặc, phải khiến cho những vị thiên tử này bỏ kiến chấp phân biệt về Bồ-đề. Vì cớ sao? Vì Bồ-đề không thể do thân mà được, cũng không do tâm mà được.

Cư sĩ Duy-ma-cật bảo Bồ-tát Di-lặc chớ giảng dạy về hạnh bất thối chuyển cho chư thiên và thiên tử nghe. Vì sao? Vì thể chân như không tiến không lui, không sanh không diệt, không còn đối đãi, thì làm sao có phát tâm Bồ-đề, làm sao có thối chuyển Bồ-đề, mà ngài dạy về hạnh bất thối chuyển. Phân biệt Bồ-đề là phân biệt có thối chuyển và không thối chuyển. Dạy hạnh bất thối chuyển vì có thối chuyển, mà thể Bồ-đề thì đâu có thối chuyển, cũng không có bất thối chuyển. Nên cư sĩ Duy-ma-cật nói, chớ dùng kiến chấp này mà dạy các vị thiên tử, vì Bồ-đề không phải do thân được, không phải do tâm được.

Tịch diệt là Bồ-đề vì diệt các tướng. Chẳng quán là Bồ-đề vì lìa các duyên. Chẳng hành là Bồ-đề vì không có ức niệm. Đoạn là Bồ-đề vì xả các kiến chấp. Lìa là Bồ-đề vì lìa các vọng tưởng. Chướng là Bồ-đề vì chướng các nguyện. Chẳng nhập là Bồ-đề vì không tham trước. Thuận là Bồ-đề vì thuận nơi Như. Trụ là Bồ-đề vì trụ pháp tánh. Đến là Bồ-đề vì đến được thực tế. Bất nhị là Bồ-đề vì lìa ý pháp. Bình đẳng là Bồ-đề vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề vì không sanh, trụ và diệt. Tri là Bồ-đề vì rõ biết tâm hành chúng sanh. Chẳng hội là Bồ-đề vì các nhập không hội. Chẳng hiệp là Bồ-đề vì lìa phiền não tập. Vô xứ là Bồ-đề vì không có hình sắc. Giả danh là Bồ-đề vì danh tự là không. Như hóa là Bồ-đề vì không thủ xả. Không loạn là Bồ-đề vì thường tự tĩnh. Thiện tịch là Bồ-đề vì tánh thanh tịnh. Không thủ là Bồ-đề vì lìa các phan duyên. Không khác là Bồ-đề vì các pháp bình đẳng. Không so sánh là Bồ-đề vì không thể thí dụ được. Vi diệu là Bồ-đề vì các pháp khó biết.

Thường khi chúng ta quán là phân tích các duyên. Ở đây đã lìa các duyên rồi, còn gì phân tích nữa, cho nên nói chẳng quán là Bồ-đề vì lìa các tướng. Hành tức là tâm hành, khi tâm hành dứt thì không còn nghĩ tưởng, ấy là Bồ-đề. Đoạn là Bồ-đề vì xả các kiến chấp. Buông vọng tưởng không theo là lìa, ngay khi lìa vọng tưởng đó là Bồ-đề.

Thường thường nói không có chướng mới là Bồ-đề, tại sao ở đây nói chướng là Bồ-đề, vì chướng các nguyện ? Chướng là ngăn trở, nguyện là mong muốn. Nhưng đến chỗ chân thật tịch diệt rồi thì không còn gì mong muốn, nên nói chướng các nguyện.

Chẳng nhập là Bồ-đề vì không tham trước. Nhập là sáu nhập, vì sáu căn còn tham trước còn dính mắc với sáu trần nên mới sanh ra sáu nhập. Khi căn không tham trước không dính mắc với trần thì không có nhập, ấy chính là Bồ-đề.

Tùy thuận là Bồ-đề, vì thuận chân như. Trụ là Bồ-đề vì an trụ nơi pháp tánh. Bồ-đề là chỗ thực tế không còn tướng đối đãi sanh diệt, nên nói đến là Bồ-đề vì đến được thực tế.

Bất nhị là Bồ-đề vì lìa ý pháp. Tất cả những ý niệm chúng ta dấy lên đều chạy theo pháp trần, pháp trần là đối đãi, là hai. Đến chỗ bất nhị thì ý thức và pháp trần lìa nhau, ý thức không còn duyên theo pháp trần, đó là Bồ-đề.

Bình đẳng là Bồ-đề vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề vì không sanh, trụ và diệt. Pháp còn nằm trong sanh trụ diệt thì gọi đó là hữu vi, Bồ-đề thì không còn sanh trụ diệt nên gọi là vô vi. Tri là Bồ-đề vì rõ biết tâm hành của chúng sanh. Bồ-đề là giác ngộ, nghĩa là khi đã giác ngộ thì biết rõ tâm niệm dấy khởi của chúng sanh.

Chẳng hội là Bồ-đề vì các nhập không hội. Hội là nhóm họp. Nếu các nhập nhóm họp thì có thân, còn sanh tử. Khi các nhập không chung họp lại thì gọi là Bồ-đề, tức là giải thoát sanh tử. Chẳng hiệp là Bồ-đề vì lìa phiền não tập. Phiền não nhóm họp là tập đế, khi không còn nhóm họp phiền não nữa, ấy là Bồ-đề.

Vô xứ là Bồ-đề vì không có hình sắc. Chân tâm không hình sắc, không hình sắc thì đâu có chỗ nơi. Khi có người hỏi: “Chân tâm ở chỗ nào? Ở trong ở ngoài hay chặng giữa?” Nếu nói có chỗ, là có nơi chốn, có hình sắc đều không đúng.

Giả danh là Bồ-đề vì danh tự là không. Tất cả ngôn ngữ, văn tự... đều không thật. Người nhận hiểu được như thế là hằng sống với tánh Bồ-đề.

Như hóa là Bồ-đề vì không thủ xả. Ưa thì thủ, ghét thì xả. Nếu thấy các pháp như huyễn như hóa thì lúc đó không còn nhiễm trước, không có thủ xả.

Không loạn là Bồ-đề vì thường tự tĩnh, tĩnh tức là lặng lẽ. Thiện tịch là Bồ-đề vì tánh thanh tịnh, thiện là khéo, tịch là lặng lẽ, tức là khéo lặng lẽ, đó là Bồ-đề vì tánh thường trong sạch.

Không thủ là Bồ-đề vì không chạy theo duyên. Không khác là Bồ-đề vì các pháp bình đẳng. Không so sánh là Bồ-đề vì không thể lấy gì để thí dụ được. Vi diệu là Bồ-đề vì các pháp khó biết. Thể tánh của Bồ-đề mầu nhiệm, không thể suy lường được cho nên nói các pháp khó biết.

Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, hai trăm thiên tử được pháp Vô sanh nhẫn. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Tóm lại, đoạn này cư sĩ Duy-ma-cật giải thích thêm về nghĩa nhất sanh bổ xứ của đức Phật thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc. Đức Thế Tôn thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc một đời nữa sẽ thành Phật. Cư sĩ Duy-ma-cật mới gạn lại, một đời là đời nào? Vì ông nhìn trên thể tánh chân như nên thấy ba thời không thật. Ba thời không thật thì làm sao nói có một đời được thọ ký, căn cứ trên cái gì để thọ ký? Nếu căn cứ trên chân như thì chân như là thể tánh không sanh không diệt. Không sanh diệt thì làm sao có thọ ký, có thành Phật! Bồ-tát Di-lặc nhìn trên tướng sanh diệt của kiếp người, mà tướng chỉ là giả danh, tạm nói tạm dùng, không thật, nên mới thấy có thọ ký một đời, hai đời...

Qua đó chúng ta thấy, trên lý tánh Bồ-tát Di-lặc cũng như chúng sanh đều sẵn có chân như Phật tánh, nên Bồ-tát Di-lặc thành Phật thì tất cả chúng sanh cũng sẽ thành Phật. Khi dứt hết tất cả phiền não tập khí sanh tử thì tánh giác hiện tiền, ngay đó là Niết-bàn, chứ không còn nói thọ ký thành Phật.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]