QUỐC SƯ ĐỨC THIỀU

núi Thiên Thai - (881 - 972)

Sư quê ở Long Tuyền, Xử Châu, cha họ Trần, mẹ họ Diệp. Mẹ Sư nằm mộng thấy một luồng sáng chạm vào thân, nhân đó biết có thai. Đến khi Sư ra đời có nhiều điềm lạ.   

Năm Sư mười lăm tuổi có vị Tăng lạ thấy Sư liền vỗ sau lưng nói: ?ông nên xuất gia, trong trần tục không phải là chỗ của ông?. Năm mười bảy tuổi, Sư đến chùa Long Qui ở quê nhà xuất gia. Năm mười tám tuổi, Sư đến chùa Khai Nguyên ở Tín Châu thọ giới.

*

Khoảng niên hiệu Khai Bình (907-910) nhà Lương, Sư cất bước du phương. Trước đến núi Đầu Tử, Sư ra mắt Thiền sư Đại Đồng, đó là buổi phát tâm ban đầu.

*

Kế, Sư tham vấn Hòa thượng Tuần ở Long Nha. Sư hỏi: Bậc tôn hùng hùng vì sao gần chẳng được? Long Nha đáp: Như lửa với lửa. Sư hỏi: Chợt gặp nước đến thì sao? Long Nha bảo: Ngươi chẳng hội. Sư lại hỏi: Trời chẳng che đất chẳng chở, lý này thế nào? Long Nha đáp: Nên như thế. Sư không lãnh hội được, lại cầu xin chỉ dạy. Long Nha bảo: Đạo giả! ngươi về sau tự hội.

*

Sư đến tham vấn Sơ Sơn. Sư hỏi: Trăm vòng ngàn lớp là cảnh giới gì?

Sơ Sơn đáp: Tay trái bám dây mang trói con quỉ. Sư hỏi: Chẳng rơi xưa nay thỉnh Thầy nói. Sơ Sơn bảo: Chẳng nói. Sư hỏi: Vì sao chẳng nói? Sơ Sơn đáp: Trong ấy chẳng biện có không. Sư thưa: Nay Thầy khéo nói. Sơ Sơn kinh hãi.

Như thế, Sư đi tham vấn qua năm mươi bốn vị thiện tri thức, mà pháp duyên chưa hợp. Sau cùng, Sư đến Lâm Xuyên yết kiến Pháp Nhãn (Thiền sư Văn Ích).

*

Sư do đi khắp các tùng lâm nên mỏi mệt lười thưa hỏi. Ở trong hội Pháp Nhãn, Sư chỉ theo chúng mà thôi.

Một hôm, Pháp Nhãn thượng đường, có vị Tăng hỏi: Thế nào là một giọt nước ở nguồn Tào? Pháp Nhãn đáp: Là giọt nước ở nguồn Tào. Vị Tăng ấy mờ mịt thối lui. Sư ngồi bên cạnh hoát nhiên khai ngộ, bình sanh những mối nghi ngờ dường như băng tiêu, cảm động đến rơi nước mắt ướt áo. Sư trình chỗ sở ngộ cho Pháp Nhãn. Pháp Nhãn bảo: Ngươi ngày sau sẽ làm thầy quốc vương, khiến ánh sáng đạo của Tổ sư càng rộng lớn, ta không sánh bằng.

*

Sư dạo núi Thiên Thai xem những di tích của Thiền sư Trí Khải dường như chỗ mình ở cũ. Sư lại đồng họ với Trí Khải. Thời nhân gọi Hậu thân Trí Khải.

Ban đầu, Sư trụ tại Bạch Sa. Lúc đó, Thái tử Trung Hiến Vương trấn ở Thai Châu, nghe danh Sư thỉnh đến hỏi đạo. Sư có bảo: Ngày sau làm chủ thiên hạ nên nhớ ơn Phật pháp.

Đến niên hiệu Càn Hựu năm đầu (948) Thái tử lên ngôi, sai sứ thỉnh Sư, đối xử theo tình thầy trò.

*

Sư thượng đường nói:

- Thánh xưa phương tiện nhiều như hà sa. Tổ sư nói ?không phải gió phan động mà tâm nhân giả động?, đây là pháp môn tâm ấn vô thượng. Chúng ta là khách ở trong pháp môn của Tổ sư, nên làm sao hội được ý Tổ sư. Chớ nói gió phan chẳng động mà tâm ông vọng động. Chớ nói chẳng bác gió phan, đến gió phan nhận lấy. Chớ nói chỗ gió phan động là cái gì? Có người nói gá vật sáng tâm chẳng cầu nhận vật. Có người nói sắc tức là không. Có người nói chẳng phải gió phan động nên phải khéo hội. Giải hội như thế đối với ý chỉ Tổ sư có gì giao thiệp. Đã chẳng cho hội như thế, chư Thượng tọa liền nên biết rõ. Nếu ở trong ấy ngộ được triệt để, có pháp môn nào mà chẳng rõ. Trăm ngàn phương tiện của chư Phật một lúc rỗng suốt, lại có chỗ nghi nào? Do đó, Cổ nhân nói: một liễu thì ngàn minh, một mê thì muôn lầm.    

Chư Thượng tọa! đâu phải ngày nay hội được một, ngày mai lại chẳng hội. Đâu phải có một phần việc hướng thượng khó hội, có một phần hạ liệt phàm phu chẳng hội. Kiến giải như thế dù trải qua số kiếp như bụi, chỉ tự mỏi mệt tinh thần đâu có lẽ phải.

Sư có bài kệ dạy chúng:

            Thông huyền phong đảnh

            Bất thị nhân gian

            Tâm ngoại vô pháp

            Mãn mục thanh sơn.


            Thấu huyền chót đảnh

            Chẳng phải nhân gian

            Ngoài tâm không pháp

            Đầy mắt núi xanh.

Pháp Nhãn nghe được bảo: một bài kệ này có thể làm sống dậy tông của ta.

*

Sư dời trụ tại chùa Bát-nhã mở hội thuyết pháp. Hội đầu, Sư dạy chúng:

Một sợi lông nuốt biển cả, tánh biển không thiếu, một hột cải ném trên mũi nhọn, mũi nhọn không động. Thấy cùng chẳng thấy, hội cùng chẳng hội, chỉ ta biết vậy. Có bài tụng:

            Tạm hạ cao phong dĩ hiển dương

            Bát-nhã viên thông biến thập phương

            Nhân thiên hạo hạo vô sai biệt

            Pháp giới tung hoành xứ xứ chương.

Dịch:

            Tạm xuống cao phong đã hiển dương

            Bát-nhã viên thông khắp mười phương

            Người trời bát ngát không sai khác

            Pháp giới dọc ngang chốn chốn chương.

Có vị Tăng hỏi:

- Người xưa nói: ?người thấy Bát-nhã liền bị Bát-nhã trói, người chẳng thấy Bát-nhã cũng bị Bát-nhã trói?, đã thấy Bát-nhã vì sao lại bị Bát-nhã trói?

Sư đáp:- Ngươi nói Bát-nhã thấy cái gì?

- Chẳng thấy Bát-nhã vì sao cũng bị Bát-nhã trói?     

- Ngươi nói Bát-nhã chỗ nào chẳng thấy?         

Sư lại bảo:

- Nếu thấy Bát-nhã chẳng gọi là Bát-nhã, nếu chẳng thấy Bát-nhã cũng chẳng gọi là Bát-nhã. Hãy bảo nói cái gì là thấy chẳng thấy? Sở dĩ, cổ nhân nói ?nếu thiếu một pháp chẳng thành pháp thân, nếu dư một pháp cũng chẳng thành pháp thân; nếu có một pháp chẳng thành pháp thân, nếu không một pháp cũng chẳng thành pháp thân?. Đây là chân tông Bát-nhã vậy.

*

Hội thứ tư, Sư thượng đường dạy chúng:           

- Cổ nhân nói: ?Thế nào là thiền? Tam giới miên miên. Thế nào là đạo? Thập phương hạo hạo.? Vì sao nói tam giới miên miên? Chỗ nào là đạo lý của thập phương hạo hạo? Cần hội chăng? Bít mắt lại, bít tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại không chỗ rỗng thiếu, không chỗ chuyển động. Thượng tọa hội chăng? Ngang cũng chẳng được, dọc cũng chẳng được, buông ra cũng chẳng được, đoạt đi cũng chẳng được, không có chỗ dụng tâm, cũng không có chỗ lập bày. Nếu hội được như thế mới là pháp môn bặt chọn lựa, tất cả ngôn ngữ dứt rỉ chảy.

*

Hội thứ sáu, Sư thượng đường dạy chúng:

- Phật pháp hiện hành, tất cả đầy đủ. Người xưa nói: ?tròn đồng thái hư không thiếu không dư?. Nếu như thế thì cái gì thiếu cái gì dư, cái gì phải cái gì quấy? Ai là người hội? Ai là người chẳng hội? Do đó nói, đi đông cũng là Thượng tọa, đi tây cũng là Thượng tọa, đi nam cũng là Thượng tọa, đi bắc cũng là Thượng tọa. Thượng tọa tại sao được thành đông tây nam bắc? Nếu hội được, tự nhiên con đường thấy nghe hiểu biết bặt dứt, tất cả các pháp hiện tiền. Vì sao như thế? Vì pháp thân không tướng, chạm mắt đều bày, Bát-nhã vô tri đối duyên liền chiếu, một lúc hội triệt để là tốt.

Chư Thượng tọa! kẻ xuất gia làm gì? Cái lý bản hữu này chưa phải là phần bên ngoài. ?Thức tâm đạt bản nguyên nên gọi là Sa-môn.? Nếu biết rõ ràng, không còn một mảy tơ làm chướng ngại. Thượng tọa đứng lâu, trân trọng.

*

Đến niên hiệu Khai Bảo thứ tư (972), ngày hai mươi tám tháng sáu, Sư có chút bệnh, họp chúng từ biệt xong, ngồi kiết già thị tịch. Sư tịch tại Liên Hoa Phong thọ tám mươi hai tuổi, được sáu mươi lăm tuổi hạ.         

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]