Bài 46 — Nguyên Khuê ban truyền giới

元 珪 放 戒

Nguyên Khuê phóng giới

 墮 翻 邪

Táo Ðọa phiên tà

玄 沙 指 虎

Huyền Sa chỉ hổ

歸 宗 斬 蛇

Qui Tông trảm xà

古 德 火 抄

Cổ Ðức hỏa sao

靈 樹 風 車

Linh Thọ phong xa

181. — Nguyên Khuê ban truyền giới

Thiền sư Nguyên Khuê ở Tung Nhạc (nối pháp Huệ An Quốc sư) thưa hỏi nơi An Quốc sư, lãnh ngộ được huyền chỉ. Sư bèn tìm chỗ ở, là ngọn núi to trong dãy Ngũ Nhạc.

Một hôm có một dị nhân, đầu đội mão, thân mặc áo kép mang khố, đến chỗ Sư ở, có nhiều người đi theo rất đông. Người ấy bước nhẹ nhàng chậm rãi, đến nơi xin được yết kiến Ðại sư. Ðại sư nhìn xem người ấy dung mạo kì vĩ khác hẳn người thường, liền bảo với y rằng:

– Lành thay, nhân giả đến đây với mục đích gì?

– Thầy chẳng biết tôi ư?

– Ta xem Phật cùng chúng sinh bình đẳng. Cái thấy của ta như thế há có phân biệt ư?

– Tôi là thần núi này, có thể cứu người nhưng cũng giết người được. Thầy thấy tôi cùng với các người kia là một loài được sao?

Sư đáp:

– Ta chẳng từng sinh thì ngươi đâu thể giết được ta. Ta xem thấy thân này cùng hư không bình đẳng, ngươi cùng ta bình đẳng. Vậy ngươi có thể hoại được hư không, hủy được chính ngươi chăng? Ví như ngươi có thể hoại được hư không cùng chính ngươi đi, chứ riêng ta thì chẳng sinh chẳng diệt, ngươi còn chẳng được như thế thì đâu thể cứu ta hay giết ta được.

Thần liền cúi lạy dưới chân Sư, bạch:

– Trong các vị thần, con được xem là thông minh chính trực hơn cả, nhưng đâu ngờ Thầy còn có trí huệ, biện tài rộng lớn hơn. Ngưỡng mong Thầy truyền cho con chính giới khiến cho con độ thế.

Sư bảo:

– Ngươi cầu xin giới pháp thì đã đắc giới rồi. Vì cớ sao? Bởi vì, giới là do tâm ngươi nhận giữ, lại có giới bên ngoài ư?

– Con nghe lí này thật mờ mịt. Chỉ cầu thầy truyền giới, nhận con làm đệ tử!

Sư bèn sửa soạn tòa ngồi, đốt lửa, rồi truyền ngũ giới cho Thần gồm những lời như: Giới cấm rượu thịt, dâm, sát, trộm cắp.v.v…

Sư nói:

– Ngươi đã thụ giới pháp của Phật rồi phải nên không có tâm câu chấp cho hữu tâm là vật, và vô tâm là thân của mình. Nếu ngươi được như thế, thì trước lúc trời đất sinh chẳng làm quỉ thần, sau lúc trời đất diệt chẳng bị diệt, cho đến không có ta, không có ngươi mới trọn là giới pháp.

Thần thưa:

– Thần thông của con gần bằng Phật.

Sư bảo:

– Thần thông của ngươi có mười thứ, thì năm thứ có thể sử dụng được, còn năm thứ chẳng thể. Riêng về Phật, thì trong mười thứ có bảy thứ sử dụng được, còn ba thứ chẳng thể.

Vị thần nghe nói kinh sợ, lánh xa khỏi chiếu rồi quỳ thưa:

– Con có thể nghe được chăng?

– Ngươi hay về chầu Thượng Ðế, phía Ðông đi lên Trời và hướng Tây lại đến Thất Diệu (7 vì tinh tú) được chăng?

– Chẳng thể.

– Ngươi có thể đoạt địa thần, dung ngũ nhạc, kết tứ hải được chăng?

– Chẳng thể.

– Ấy là năm thứ mà ngươi chẳng thể làm được. Riêng Phật có ba thứ chẳng thể (tam bất năng) là:

Phật có thể không tất cả tướng, thành muôn pháp trí, mà chẳng thể diệt liền định nghiệp.

Phật có thể biết quần sinh có tính và các việc trong ức kiếp mà chẳng thể hóa đạo cho kẻ vô duyên.

Phật có thể độ vô lượng hữu tình mà chẳng thể làm thanh tịnh hết các cõi chúng sinh. Ðịnh nghiệp cũng chẳng phải ít, chẳng phải lâu. Vô duyên cũng là một ngày. Cõi chúng sinh vốn không tăng giảm. Từ xưa đến nay không có một người hay có chủ có pháp. Có pháp không chủ là nghĩa vô pháp, không pháp không chủ là nghĩa vô tâm. Như chỗ ta biết thì Phật cũng không có thần thông, chỉ là hay dùng vô tâm thông đạt tất cả pháp.

Khi ấy, vị Thần liền thưa với Sư :

– Con thực còn cạn cợt, mờ tối, chưa nghe nổi nghĩa Không. Các giới pháp mà Thầy đã truyền dạy cho con, con sẽ vâng làm. Nay nguyện báo đáp ân đức bằng cách con thi triển chút ít thần thông để cho những người đã phát tâm, sẽ nhân nơi thần thông của con lưu dấu lại mà biết có Phật, có Thần, có năng, có bất năng, có tự nhiên, có phi tự nhiên.

Sư bảo:

– Không nên làm! Không nên làm!

Thần thưa:

– Phật cũng khiến chư Thần hộ pháp. Thầy không noi theo Phật ư? Con nguyện như ý Thầy dạy bảo!

Sư bất đắc dĩ mở lời:

– Miếng đất ở phía Ðông của chùa có đều chướng là quá trơ trọi, gộp phía Bắc lại có nhiều cây mà chẳng che mát được ai. Ngươi có thể dời các cội cây phía Bắc sang ngọn phía Ðông được chăng?

Thần thưa:

– Con xin vâng lời dạy. Ðêm nay ắt có nhiều tiếng động ồn ào, xin thầy đừng lấy làm lạ.

Thần nói xong lễ bái rồi lui.

Sư tiễn Thần ra đến cửa, nhìn thấy khí lạnh trên đỉnh núi nghi ngút, sa mù và khói ráng xen nhau lộn xộn. Ở khoảng giữa cờ phướn lẫn với vòng ngọc bám đầy băng giá khi ẩn khi hiện trên không trung.

Tối hôm ấy, quả nhiên có gió mạnh, điện chớp, mây giăng, sấm nổ. Nóc chùa, mái hiên đều bị dao động. Tiếng chim khuya kêu nhốn nháo. Sư bảo với đồ chúng:

– Không có gì lạ! Ta đã cùng thần núi giao ước.

Ðến sáng, mưa gió đã yên, thì cây cối ở gộp phía Bắc đã được dời sang ngọn phía Ðông rất xanh tươi rậm rạp.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)

182. — Táo Ðọa lật tà xong

Hòa thượng Phá Táo Ðọa ở Tung Nhạc, chẳng cho ai biết tên họ của mình, lời nói và hành động của Sư không thể lường được. Sư ở ẩn trong núi Tung Nhạc. Trong núi ấy có một cái miếu rất linh. Bên trong miếu chỉ đặt một cái bếp, dân chúng xa gần mang tài vật và giết hại sinh mạng rất nhiều để cúng tế cho bếp này. Một hôm, Sư dẫn thị giả vào miếu, lấy cây gậy gõ lên bếp ba cái và quở:

– Ngươi vốn là bùn đất hợp thành, linh từ đâu đến, thiêng từ chỗ nào lại.

Nói xong, Sư đập cho ba gậy, cái bếp liền lật đổ. Trong chốc lát, có một người mặc áo xanh, đầu đội mão đến làm lễ trước mặt Sư. Sư hỏi:

– Ngươi là ai?

– Con vốn là thần miếu ở đây. Từ lâu chịu nghiệp báo, hôm nay nhờ Thầy nói pháp vô sinh nên con được thoát kiếp. Con riêng đến nơi này để tạ ơn Thầy.

Sư nói:

– Ấy là tính sẵn có của ngươi, chẳng phải ta cưỡng nói.

Táo Thần làm lễ một lần nữa rồi biến mất.

Thị giả thưa:

– Từ lâu con ở bên cạnh Hòa thượng, chưa từng được chỉ dạy. Táo Thần có sở đắc gì mà được thoát kiếp?

Sư bảo:

– Ta không có đạo lí gì khác để dạy y, chỉ nói với y rằng: “Ngươi vốn là bùn đất hợp thành, linh từ đâu đến, thiêng từ chỗ nào lại?”

Thị giả đứng lặng yên, Sư hỏi:

– Hội chăng?

Thị giả đáp:

– Chẳng hội.

– Tính sẵn có vì sao chẳng hội?

Thị giả liền lễ bái Sư. Sư nói:

– Bể rồi! Ðổ rồi!

An Quốc sư gọi Sư là Phá Táo Ðọa.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)

183. — Huyền Sa chỉ con cọp

Một hôm, nhân ngày phổ thỉnh (làm việc công cộng), Huyền Sa đi qua làng Hải Khanh để đốn củi, chợt ngài thấy một con cọp.

Tăng nói:

– Hòa thượng cọp.

Ngài bảo:

– Là ngươi cọp!

Sau khi trở về viện, tăng hỏi:

– Vừa rồi thấy cọp, bảo là ngươi cọp, chưa biết tôn ý thế nào?

Ngài bảo:

– Thế giới Ta-bà có bốn thứ chướng. Nếu ngươi thấu được thì cho phép ngươi ra khỏi ấm giới.

Ðông Thiền Tề nói:

– Thượng tọa! Người xưa khi kiến tính xong, nói: “Thân tâm tôi như hư không đất đai”. Hôm nay, các vị có thấu thoát được chăng?

184. — Chém rắn chính Qui Tông

Thiền sư Trí Thường ở chùa Qui Tông Lư Sơn (nối pháp Mã Tổ). Lúc Sư đang cuốc cỏ, có một vị Tọa chủ đến tham vấn, chợt thấy một con rắn bò qua. Sư lấy cuốc chặt đứt. Tọa chủ bảo:

– Từ lâu nghe danh Qui Tông, đến đây chỉ thấy một ông Sa-môn hạnh thô!

– Ông thô hay tôi thô?

– Thế nào là tế?

Sư làm thế chặt rắn. Tọa chủ bảo:

– Thế ấy như hành động cũ.

– Y như hành động cũ thì gác qua một bên. Còn ông ở chỗ nào thấy tôi chặt con rắn?

Tọa chủ không đáp được.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 7.)

185. — Cổ Ðức sao năm lửa

Thiền sư Bảo Vân núi Lỗ Tổ ở Ba Châu. Lúc bình thường thấy tăng đến, Sư liền xoay mặt vào vách.

Nam Tuyền nghe được liền nói:

– Bình thường ta nói với tăng: “Nhằm lúc Phật chưa ra đời, một người ưu tú như thế, hiểu họ còn chẳng được. Năm lửa đi!”

Huyền Giác nói:

– Vì trừ dẹp lời đối đáp qua lại nên ngài chẳng chịu nói.

***

Bảo Phúc hỏi Trường Khánh:

– Chỉ như Lỗ Tổ tiết kiệm lời nói, do đâu mà bị Nam Tuyền nói thế ấy?

Trường khánh đáp:

– Thấp mình nhường người khác, trong muôn người chẳng có một.

La Sơn nói:

– Chính khi ấy Thầy Trần nếu thấy Lỗ Tổ xoay lưng thì sẽ cùng với tôi sao năm lửa. Vì sao như thế? Vì muốn ông ta bỏ cái tật xoay mặt vào vách đi.

***

Huyền Sa nói:

– Ngay lúc đó nếu tôi thấy thì tôi sẽ cùng sao năm lửa.

***

Vân Cư Tích nói:

– La Sơn và Huyền Sa đều nói thế ấy vì trừ dẹp một thứ mà riêng có đạo lí. Nếu ông chọn lựa được, chịu cho Phật pháp của Thượng tọa có chỗ đi.

***

Huyền Giác nói:

– Hãy nói: Huyền Sa sao năm lửa đánh ông ta được hay chẳng được?

(Theo: Hội Nguyên, quyển 9)

186. — Linh Thụ chiếc chong chóng

Tăng hỏi Thiền sư Linh Thụ ở Thiều Châu:

– Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?

Sư đáp:

– Ðồng tử chẳng phải là đứa bé quê.

– Xin thầy chỉ dạy?

– Ông từ Kiền Châu đến, hỏi cái gì mà được như thế?

– Thật khó hiểu quá!

 Sư bảo:

– Ông Táo trên chiếc “chong chóng”.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 11.)

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]