Bài 52 — Pháp Hoa dự trai tăng

法 華 赴 齋

Pháp Hoa phó trai

德 普 預 祀

Ðức Phổ dự tự

長 沙 猛 虎

Trường Sa mãnh hổ

百 丈 野 狐

Bách Trượng dã hồ

207. — Pháp Hoa dự trai tăng

Pháp Hoa Chí Ngôn đại sĩ vốn là một nhân vật kì dị, chẳng ai biết ngài từ đâu đến. Ban đầu, người ta thấy ngài ở chùa Cảnh Ðức, viện Thất Câu Chi. Tướng lưỡi lạ lùng giống như của Phật, mắt nhìn thẳng không hề nháy, miệng nói lầm thầm mà chẳng ai biết ngài nói gì, tương truyền ngài tụng kinh Pháp Hoa, cho nên lấy đó mà gọi tên.

Niên hiệu Chí Hòa thứ 3 (1056), đời vua Nhân Tông, trong nước chẳng được an vui, vua chưa có con để kế vị nên cả nước đều lo lắng. Ðêm đến, vua đốt hương thầm khấn cầu:

– Ngày mai, trong điện Hóa Thành có trai tăng, kính thỉnh Pháp Hoa đại sĩ dũ lòng đến cho, đừng từ chối!

Trời vừa sáng tinh sương, vua mặc áo đạo đứng nghênh đón ngài. Vua đợi không bao lâu, bỗng có quan hầu vào tâu:

– Pháp Hoa đại sĩ từ cửa nhỏ bên hữu vào thẳng nhà nghỉ của vua, thị vệ nạt chẳng cho vào.

Nhà vua cười, bảo:

– Do trẫm thỉnh, ngài mới đến đó!

Trong khoảnh khắc, ngài đi đến liền tự bước lên ghế của nhà vua, ngồi kiết già để thọ thực. Dùng bữa xong, ngài sửa soạn đi ra, vua liền thưa:

– Trẫm vì chưa có con để kế vị, các quan đại thần đều bảo dần dần sẽ tìm được thái tử. Không biết sau này, Trẫm có con hay không?

Pháp Hoa bảo chắc chắn rằng có. Ngài đòi bút rồi trải giấy ra, viết ngay vài mươi hàng số “mười ba”, xong ném bút, không nói một lời. Mọi người đều chẳng lường được ý chỉ này.

Về sau, Anh Tông lên ngôi là một ông vua ôn hòa sáng suốt, té ra là người con thứ mười ba của Nhân Tông vậy. Khi ấy, mới nghiệm chứng được lời trước kia của Ðại sĩ.

(Theo: Tăng Bảo truyện, quyển 20.)

208. — Ðức Phổ bày tế trước

Vào ngày 25 tháng chạp năm Nguyên Hựu thứ 5 (1090), Thiền sư Hòa Sơn Ðức Phổ (nối pháp Giáp Sơn Thiện Hội) bảo kẻ tả hữu rằng:

– Bậc tôn túc các nơi thị tịch, trong tùng lâm chắc chắn là có cúng tế. Tôi làm học trò nên phải đặt bài vị để thờ. Nếu tôi chết, các ông phải bày tế trước.

Sư liền khiến mọi người, kể từ hôm ấy lo việc cúng tế. Ðại chúng cho rằng lời của Sư là lời nói đùa, lại hỏi:

– Hòa thượng bao lâu mới thiên hóa?

– Các ông cúng tế xong ta liền đi!

Lúc bấy giờ Sư ngồi trong Vi Tẩm Ðường (nhà ngủ nghỉ), đại chúng đang bày cúng, đọc văn tế, quỳ dâng thức ăn lên cho Sư. Sư ăn uống no nê một cách thản nhiên với đệ tử cùng các trai tráng trong làng. Ngày kế, Sư cũng làm giống như vậy, cho đến ngày đầu của năm mới thì lễ cúng cũng xong. Sư nói:

– Ngày mai khi mây tạnh, ta sẽ đi!

Sáng hôm sau, bầu trời có tuyết rơi. Tuyết ngừng rơi, Sư đốt hương ngồi yên mà hóa.

(Theo: Tăng Bảo truyện, quyển 29.)

209. — Trường Sa hiệu cọp dữ

Một hôm, Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm ở Hồ Nam (nối pháp Nam Tuyền) cùng với Ngưỡng Sơn đi ngắm trăng. Ngưỡng Sơn nói:

– Mọi người đều có cái ấy nhưng dùng chẳng được!

Sư nói:

– Chính là lúc mời Sư thúc dùng.

– Ông làm sao dùng?

Sư liền nhằm ngay ngực Ngưỡng Sơn cho một đạp. Sơn té xong, đứng dậy nói:

– Ôi! Thật giống như cọp!

Từ đây các nơi đặt hiệu Sư là “Cọp dữ Sầm”.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 10.)

210. — Bách Trượng với chồn hoang

Thiền sư Bách Trượng mỗi khi thượng đường có một ông già theo chúng nghe pháp. Một hôm, đại chúng lui ra hết, chỉ còn ông già chẳng chịu đi. Sư hỏi:

– Người đứng đó là ai vậy?

Ông già nói:

– Tôi chẳng phải là người. Vào thời quá khứ, thuở Phật Ca-diếp, tôi từng trụ núi này, nhân người học hỏi: “Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả hay không?”. Tôi trả lời rằng: “Chẳng rơi vào nhân quả”, liền đọa vào thân chồn năm trăm kiếp. Hôm nay, thỉnh Hòa thượng nói thay dùm tôi một chuyển ngữ để tôi thoát khỏi thân chồn hoang!

Sư nói:

– Ông hỏi đi!

– Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả hay là không?

– Chẳng lầm nhân quả!

Ông già ngay nơi lời này đại ngộ liền làm lễ, nói:

– Tôi đã thoát thân chồn hoang, bỏ xác mé sau núi, dám xin Hòa thượng y theo pháp chôn chư tăng làm lễ tống táng.

Sư sai Duy na đánh kẻng bảo chúng sau khi ăn cơm xong đưa đám một vị tăng. Ðại chúng tụ tập bàn tán: “Mọi người đều yên ổn, Niết-bàn đường không có ai bệnh, vì sao như thế?. Ăn cơm xong, Sư dẫn chúng ra mé sau núi, lấy gậy khều trong hốc núi ra một con chồn chết, liền y theo pháp mà hỏa táng. Ðến chiều, Sư thượng đường thuật lại nhân duyên trước, Hoàng Bá liền hỏi:

– Người xưa lầm hạ một chuyển ngữ bị đọa làm thân chồn hoang năm trăm kiếp, tất cả chuyển ngữ chẳng lầm thì phải làm cái gì?

Sư bảo:

– Lại gần đây ta sẽ nói cho nghe!

Hoàng Bá lại gần và tát sư một tát. Sư vỗ tay cười bảo:

– Tưởng rằng “Ðỏ râu Hồ” lại là “Hồ râu đỏ”!

Qui Sơn thuật lại chuyện này và hỏi Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn đáp:

– Hoàng Bá thường dùng cơ này.

Qui Sơn:

– Ông nói là do trời sinh mà được hay là từ người mà được?

Ngưỡng đáp:

– Cũng là bẩm thọ sự trao truyền từ Thầy, cũng là tự tính suốt thông được tông chỉ!

Qui Sơn nói:

– Ðúng thế! Ðúng thế!

Lúc ấy Qui Sơn ở hội này làm Ðiển tọa. Tư Mã Ðầu Ðà nhắc lại chuyện chồn hoang rồi hỏi Ðiển tọa:

– Thế nào?

Ðiển tọa lấy tay lay cánh cửa ba lần. Tư Mã nói:

– Thô lỗ quá!

Ðiển tọa nói:

– Phật pháp chẳng phải lí lẽ như vậy.

(Theo Hội Nguyên, quyển 3.)

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]