Bài 63 — Tư Ðại bảo nuốt Phật

大 士 講 經

Ðại sĩ giảng kinh

老 盧 幡 動

Lão Lư phan động

僧 伽 鈴 鳴

Tăng già linh minh

251. — Tư Ðại bảo nuốt Phật

Ngài Bảo Chí sai người qua nói với Tư Ðại (đệ tử của Bắc Tề Huệ Văn) rằng:

– Sau chẳng xuống núi giáo hóa chúng sinh? Mắt nhìn trời rộng để làm gì?

思 大 吞 佛

Tư Ðại thôn Phật

Sư đáp:

– Ba đời chư Phật bị một miệng của tôi nuốt hết, còn có chúng nào nữa để độ.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)

252. — Phó Ðại sĩ giảng kinh

Vua Lương Võ Ðế thỉnh phó Ðại sĩ giảng kinh Kim Cang. Ðại sĩ vừa thăng tòa lấy cây thước vỗ xuống bàn một cái, rồi bước xuống tòa.

Võ Ðế ngạc nhiên. Ngài Chí Công hỏi:

– Bệ hạ có hiểu chăng?

– Chẳng hiểu!

Ngài Chí Công bảo:

– Ðại sĩ đã giảng kinh xong.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 27.)

253. — Lão Lư bàn phướn động

Sau khi được truyền y, Lục Tổ đến Nghi Phụng thuộc địa phận của Nam Hải, gặp Pháp sư Ấn Tông ở chùa Pháp Tính đang giảng Kinh Niết-bàn. Ngài ở nhờ ngoài hành lang chùa, nhân gió thổi lá phướn treo trên cột, ngài nghe hai vị tăng đàm luận với nhau, một vị nói phướn động, một vị nói gió động. Bàn cãi qua lại hồi lâu, chưa từng hợp lẽ. Ngài nói:

– Cho phép kẻ tục này dự vào cuộc bàn luận chăng?

– Ông thử nói xem!

Ngài bảo:

– Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động mà là tâm của quí vị động.

Tăng ngay lời này đại ngộ.

Ấn Tông vừa nghe lời này giật mình, lấy làm lạ.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 7.)

254. — Tăng già luận tiếng linh

Thuở ban đầu gặp Tổ thứ 17 là Nan-đề, Xá-đa cầm một cái gương báu rảo bước đến đón trước mặt Tổ-Nan-đề hỏi:

– Người cầm cái gương tròn ý muốn làm gì?

Ðồng tử Xá-đa bèn dùng kệ đáp:

                  Gương tròn lớn của chư Phật

                  Trong và ngoài không tì vết

                  Hai người cùng được thấy đó

                  Mắt và tâm đều tương tợ

Cha mẹ thấy con mình ứng đối khác thường lấy làm kì dị liền cho Xá-đa xuất gia. Nan-đề chấp nhận và dẫn về Tịnh xá. Ngày kia, gió lay cái linh đồng treo trên điện phát ra tiếng kêu leng keng. Tổ Nan-đề hỏi:

– Linh kêu ư? Gió kêu ư?

Xá-đa đáp:

– Chẳng phải gió kêu, chẳng phải linh kêu, mà là tâm của con kêu vậy.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 1.)

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]