Bài 109 — Bách Hội mà chẳng hội

百 會 不 會

Bách Hội bất hội

法 達 不 達

Pháp Ðạt bất đạt

楊 岐 八 棒

Dương Kì bát bổng

臨 濟 四 喝

Lâm Tế tứ hát

435. — Bách Hội mà chẳng hội

Khi Hòa thượng Nam Viện ở Lạc Kinh, có một nhà nho xem nhiều sách vở xưa nay (người đương thời gọi là Trương Bách Hội) đến yết kiến Sư. Sư hỏi:

– Có phải Bách Hội chăng?

– Chẳng dám!

Sư lấy tay vẽ lên hư không một vạch, hỏi:

– Hội chăng?

– Chẳng hội!

Sư nói: Một còn chẳng hội, chỗ nào được bách hội?

(Theo: Hội Nguyên, quyển 7.)

436. — Pháp Ðạt lại chẳng đạt

Thiền sư Pháp Ðạt là người Phong Thành ở Hàng Châu (nối pháp Lục Tổ). Xuất gia lúc lên bảy, chuyên tụng kinh Pháp Hoa. Sau khi thụ giới Cụ túc, Sư đến tham lễ Lục Tổ mà đầu Sư không chấm đất. Tổ quở:

– Lạy chẳng chấm đất thì đừng lạy còn hơn. Trong tâm ông ắt có một vật gì, ngày thường tu hạnh gì?

Sư nói:

– Niệm kinh Pháp Hoa đã được ba ngàn bộ.

– Tuy ông niệm được muôn bộ mà chẳng đạt ý kinh. Nếu chẳng cho đó là hay thì cùng với ta sánh bước. Nếu ông chấp trước việc đó thì không có công đức gì cả.

Tổ nói:

– Ông tên là gì?

– Pháp Ðạt.

– Ông là Pháp Ðạt mà chưa từng đạt pháp.

Tổ lại nói kệ:

               Nay ông tên Pháp Ðạt

              Tụng niệm chẳng biếng nhác

              Tụng rỗng theo âm thanh

              Minh tâm gọi Bồ tát

              Nay ông có duyên do,

              Ta nói ông nghe nha!

             Chỉ tin Phật không lời

             Từ miệng mọc Liên Hoa!

Sư nghe xong bài kệ ăn năn lỗi mình nói:

– Từ đây về sau con sẽ khiêm cung với tất cả mọi người, cúi mong Hòa thượng từ bi lược nói nghĩa lí trong kinh.

– Tôn chỉ của kinh này là gì?

– Học nhân ngu độn từ trước đến nay chỉ y văn tự tụng niệm đâu biết tôn chỉ là gì!

– Ông hãy tụng một lần cho ta nghe, ta sẽ vì ông giải nói.

Sư liền lớn tiếng tụng kinh, đến phẩm Phương Tiện, Tổ nói:

– Dừng lại! Kinh ấy vốn lấy nhân duyên xuất thế làm tôn chỉ, dù nói nhiều thứ thí dụ chẳng qua cũng như thế, chỉ vì một Ðại sự nhân duyên mà thôi. Ðại sự ấy chính là Phật tri kiến. Ông cẩn thận chớ hiểu lầm ý Kinh, đừng thấy ý Kinh nói “khai, thị, ngộ, nhập” mà cho là Tri kiến của Phật còn mình vô phần. Nếu hiểu như thế là báng kinh hủy Phật. Kia đã là Phật, đầy đủ tri kiến cần gì phải khai mở? Ông nay phải tin rằng Phật tri kiến chỉ là tự tâm của ông, không có cái nào khác. Bởi vì tất cả chúng sinh tự quên ánh sáng của mình mà tham đắm trần cảnh, ngoài thì duyên theo cảnh, trong thì lăng xăng cam chịu bôn ba, khiến cho chư Phật phải nhọc nhằn từ Tam-muội dậy, đắng miệng khuyên răn khiến cho chúng sinh thôi dứt! Chớ hướng ngoại tìm cầu thì cùng Phật không khác, cho nên nói “khai Phật tri kiến”. Cho nên nếu ông chấp lấy sự niệm tụng khổ nhọc cho đó là công khóa thì khác nào con trâu Ly tự mến cái đuôi.

Sư nói:

– Nếu hiểu được nghĩa thì chẳng cần tụng kinh, phải chăng?

– Kinh có lỗi gì mà ông lại không tụng? Chỉ vì mê ngộ tại người, tổn ích do ông. Hãy nghe ta nói kệ:

             Tâm mê, Pháp Hoa chuyển.

             Tâm ngộ, chuyển Pháp Hoa

             Tụng lâu không sáng tỏ

             Nghĩa chính trở nên tà.

             Vô niệm, tụng tức chính.

             Hữu niệm tụng thành tà,

            Có, không đều chẳng chấp,

            Cưỡi mãi bạch ngưu xa.

Sư nghe bài kệ lại càng thêm mở mang trí tuệ, nói:

– Kinh nói: “Các bậc đại Thanh văn cho đến hàng Bồ tát đều hết sức suy lường còn chưa đo được trí Phật”. Nay nói rằng phàm phu chỉ ngộ tự tâm là Phật tri kiến và con tự biết mình chẳng phải là thượng căn thì làm sao khỏi nghi được? Lại, kinh nói có ba xe, làm sao phân biệt được xe trâu trắng? Cúi mong Hòa thượng rũ lòng tuyên nói.

Tổ nói:

– Ý kinh rõ ràng, tại ông mê muội. Các hàng Tam thừa chẳng đo được trí Phật, lỗi tại suy lường. Dù cho họ có hết sức suy tư lại càng cách xa. Phật vốn vì phàm phu mà nói. Nếu chẳng chịu tin lí này thì giống như họ lui khỏi pháp hội. Họ chẳng biết chính họ đang ngồi trên xe trâu trắng mà lại tìm ba xe ở ngoài cửa. Huống là văn kinh nói rõ không hai cũng không ba, ông sao chẳng tỉnh ba xe là giả? Vì nhiều chấp trước nên nói Nhất thừa là thật. Vì ngày nay đã bớt chấp trước nên chỉ dạy ông bỏ giả về thật. Sau khi về thật, cái thật cũng không có tên. Nếu biết chỗ có trân bảo ấy hoàn toàn thuộc về ông, do ông thọ dụng, lại chẳng nghĩ là cha, chẳng nghĩ là con, chẳng nghĩ là thọ dụng, ấy gọi là trì kinh Pháp Hoa. Kiếp kiếp đời đời tay chẳng rời quyển, ngày đêm tụng niệm.

Nhờ Tổ chỉ dạy nên Sư được thấu suốt, Sư vui mừng hớn hở, nói kệ tán thán:

            Tụng kinh ba ngàn bộ

            Tào Khê một câu quên

            Chưa rõ ý xuất thế

            Ðâu hết nhiều đời cuồng!

            Dê, nai, trâu tạm đặt

            Ba đoạn thiện quét luôn

            Ai biết trong nhà lửa

           Vốn là Pháp Trung Vương.

Tổ nói: Từ nay về sau, ông mới đáng gọi là ông tăng tụng kinh!

Sau khi sư lãnh hội được ý chỉ của Tổ, Sư cũng không xao nhãng việc tụng niệm.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 5.)

437. — Dương Kì tám loại gậy

Không có chú giải (DG)

438. — Lâm Tế bốn thứ hét

(Nối pháp Hoàng Bá). Xin xem tắc 232: “Lâm Tế hạ hát”.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]