Tịnh Hóa Thân Tâm Tu Hành

toathien4Buổi sinh hoạt hôm nay chúng tôi sẽ nói về cách thức Tịnh hóa thân tâm để việc tu hành có kết quả. Qua kinh nghiệm bản thân, dù rất nhỏ chưa có gì xứng đáng, nhưng chúng tôi nghĩ vẫn có thể chia sẻ với quý Phật tử để công phu của quí vị mỗi ngày mỗi tiến hơn. Có thế chúng ta mới thấy được lợi ích thiết thực của việc tu hành.

1- Tịnh hóa thân tâm.

Trước nhất chúng tôi nói về tinh thần tịnh hóa. Tịnh hóa là làm sao để thân tâm được lóng lặng trong sạch. Nói rõ hơn, làm sao chúng ta yên tĩnh, lóng lặng trong sạch để hóa giải được tất cả những phiền não, bất an bất ổn của mình.

Chúng ta phải nhận diện được tướng trạng phiền não xuất hiện trong tâm như thế nào mới có thể điều phục được nó. Ví dụ ta nói phiền não quấy rầy mình, nhưng chưa biết phiền não là gì, nó quấy rầy như thế nào, sự phát xuất đến đi của nó ra thì khó trị được phiền não. Cho nên tịnh hóa là làm thế nào để chúng ta tỉnh táo yên lắng bình thản, từ đó nhận thấy rõ những cù cặn nơi mình. Chỉ khi nào tỉnh chúng ta mới sáng được, mới trị được phiền não. Đó là gốc của việc tu hành.

Ở đây cách tịnh hóa có thể là thế này. Ta nương nơi Phật tượng để nhớ lại tánh giác hay nhân tụng kinh dừng bớt vọng niệm điên đảo, không chạy theo sáu trần bên ngoài. Nhân Phật tử thờ cúng Phật, tụng kinh ngồi thiền, từ các sinh hoạt tu tập hằng ngày mình có thể nhìn lại mình, gọi là tịnh hóa. Như chúng tôi thường nói, nhân thấy hình dung tượng Phật Bồ-tát, chúng ta nhớ lại gương hạnh của các ngài. Nhớ để làm gì? Để nỗ lực tu. Thấy hình tượng Phật, Bồ-tát chúng ta nhớ lại nình có Phật thật, không lầm lũi chạy theo vọng tưởng. Đó là một cách tịnh hoá thân tâm.

Phật tử đều có thờ Phật, từng đảnh lễ, cúng dường, chiêm ngưỡng, hình tượng Phật, Bồ-tát. Chúng ta làm thế không phải để thấy suông, lễ lạy suông, mà để vận dụng gương hạnh của các ngài mình tu tập. Quan trọng là chúng ta tu tập. Muốn hết khổ, nhân thấy hình tượng Phật, Bồ-tát chúng ta nỗ lực tu sẽ hết khổ. Nếu chỉ thấy thôi chưa hết khổ, chỉ thờ cúng thôi chưa hết khổ mà phải bắt chước các ngài tu mới hết khổ. Bởi vì Phật, Bồ-tát ngồi yên không nói chi hết, dù quý vị có thưa trình trăm ngàn việc, Phật cũng vẫn cười thôi, không nói gì. Cho nên nhân tượng Phật cười hoan hỷ hiền hoà, chúng ta nhớ lại gương hạnh của Ngài. Gương hạnh gì? Từ bi, nhẫn nhục, trí tuệ, giải thoát, thanh tịnh v.v... Phật có vô vàn công đức, chúng ta phải nỗ lực tu tập thật nhiều mới được như Phật.

Như bây giờ chúng ta thấy hình tượng của Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta liền nhớ lại gương hạnh của Bồ-tát. Đó là hạnh nhẫn nhục, chịu đựng. Thấy Bồ-tát như vậy, nhớ lại hành động, sự tu tập của ngài, chúng ta cũng tập chịu đựng nhẫn nhục. Biết bao nhiêu người đối diện với hoàn cảnh khó khăn, thập tử nhất sinh, họ không phải Phật tử, chỉ là người bình thường thôi, nhưng có duyên thấy được hình tượng Bồ-tát, họ kết duyên với ngài. Trong những lúc thập tử nhất sinh, họ nhớ lại hình tượng ngài với những công hạnh được biết qua sự truyền đạt của dân gian, tự dưng họ như có sự cảm thông, có sức mạnh và qua được khó khăn.

Có một ký giả kia, gia đình cha mẹ vợ anh là Phật tử thuần thành. Ông bà già vợ và cả vợ anh đều là Phật tử thọ Bồ-tát giới, thọ bát quan trai, đi chùa cúng dường, tu tập thường xuyên. Hôm nào anh rảnh, bà già vợ thường biểu lấy xe chở đi chùa. Anh chở mẹ vợ tới chùa rồi ngồi đợi bên ngoài, không hề vô chùa, không hề hỏi thầy nào, vì anh không có một khái niệm gì về đạo. Nhưng hằng đêm hình ảnh ông bà già vợ và người trong gia đình tụng kinh Phổ Môn, lạy tha thiết từng câu nguyện, từng lời kinh, đập vào trong lònh anh. Anh không hiểu tại sao gia đình lại có niềm tin kính như vậy? Tuy nhiên cuộc sống cứ như thế trôi qua.

Cho tới một hôm anh đi công tác, ngồi trên phi cơ về tới phi trường, máy bay cứ lòng vòng không bung bánh ra đáp xuống được. Ở dưới sân bay báo động, xe cứu hỏa chuẩn bị sẵn sàng, nếu máy bay không bung bánh ra cũng phải đáp xuống thôi, chứ không thể bay mãi như thế được. Trong quãng đó cả phi hành đoàn coi như chết sững, riêng anh tự nhiên nhớ lại hình ảnh Phật, Bồ-tát, nhất là hình ảnh mẹ vợ niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, từng câu khẩn nguyện và tha thiết lạy ngài. Ngồi bất động trên máy bay, anh niệm “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát”, anh niệm hoài như thế. Máy bay cứ vờn vờn, cuối cùng khi đáp xuống, tự nhiên bánh nó bung ra được, nên cả đoàn xuống bình yên. Bên dưới mọi người một phen hú hồn. Sự việc qua rồi, các bạn phi hành đoàn mới đặt vấn đề với anh. - Lúc tụi tao chết đứng, mày tụng kinh gì, là Phật hay chúa, mà thấy lầm bầm rất khẩn thiết? Anh kể lại sự tình như vậy.

Đây là chủng tử thiện đã được ghi vào trong tâm, đến lúc gặp duyên, tự nhiên nó phát ra. Vấn đề tu hành của chúng ta cũng vậy. Người Phật tử tu thiền hay tu theo Đại thừa Phật giáo, thờ cúng Phật, Bồ-tát để nhớ lại gương hạnh của các ngài mà tu tập như vậy. Những gương hạnh đó chúng ta có thể thực hiện được. Chỉ khi nào chúng ta tu tập mới hóa giải hết những nỗi khổ, những bất an bất ổn nơi mình. Chứ niệm Phật Bồ-tát, để cầu các ngài hoá giải cho thì không bảo đảm. Như câu chuyện tôi vừa kể, sau tai nạn đó anh ký giả ấy đến nhờ tôi tụng kinh Phổ Môn. Từ đó về sau anh bắt đầu nghe kinh, tìm hiểu và trở thành Phật tử rất thuần thành, siêng năng tu tập. Đó cũng là một cách tịnh hóa thân tâm.

Ý nghĩa thứ hai là nhân nơi tượng Phật, chúng ta nhớ lại gốc Phật của mình, nhớ lại tánh giác của mình. Nhân nơi tụng kinh để dừng bớt vọng niệm điên đảo. Nhiều người cho rằng tu thiền không cần tụng kinh. Không phải vậy. Kinh kệ đâu có lỗi gì, tại sao mình lại không tụng? Nhưng tụng kinh để thành chướng ngại thì không nên tụng. Tu là chuyện tự nguyện của mình, kinh kệ không có gì trở ngại. Phải biết nhân tụng kinh chúng ta dừng bớt những vọng niệm điên đảo. Rõ ràng nếu chúng ta thành khẩn đọc lại lời Phật dạy về một điều gì như “Tất cả pháp đều vô thường”, đọc nhiều lần như vậy, từ tâm thành khẩn chúng ta sẽ nhận ra vô thường là gì. Phật muốn nói tất cả những hiện tượng, những gì có hình tướng đều bị đổi thay gọi là vô thường. Từ đó ta mới nhận hiểu thân này vô thường, nhà cửa vô thường, hoàn cảnh vô thường v.v... tất cả các sự kiện trên đời đều vô thường hết.

Vô thường là gì? Là sự đổi thay. Nó không dừng một chỗ. Ví dụ hôm rồi quý vị đến đây thấy chư tăng trồng cây kiểng ngay chỗ nhà tròn, cây đó mới vừa bén phân. Một hai tháng sau quý vị trở lại thấy nó sum suê phát triển. Rồi cũng có thể một hai tháng sau trở lại, quí vị thấy nó chết ngủm. Đổi thay mà! Nhận được ý đó rồi chúng ta sống hoàn toàn an ổn giữa cuộc đời đầy khổ đau, bấp bênh, bất như ý. Chúng ta bình yên vì thấy rõ không gì có thể cản trở sự đổi thay. Một sự đổi thay lớn lao, mà trong nhà Phật gọi là vô thường. Khi rõ tất cả các pháp đều vô thường, chúng ta sẽ bình yên vô cùng vì biết thân này thay đổi là đương nhiên, nhà này hư sập là tất yếu, cây này già chết là hợp lý. Các sự kiện như vậy, luôn cả cái gọi là tâm mình, cũng chỉ là bóng dáng không thật. Chỉ khi nào ta thật sự sống được với tánh giác, với thể chân thật của chính mình, chừng đó mới gọi là tâm thật. Nhiều người nói “Tôi thương anh bằng lòng chân thành của tôi”, nhưng rồi chân thành đến một mức độ nào, nếu anh xử sự với tôi bết quá, thì lòng chân thành ấy cũng đổi thay theo năm tháng. Đó là sự chi phối của vô thường.

Tịnh hóa thân tâm chúng ta sẽ bình yên. Thân bình yên. Tâm bình yên. Tâm bình yên lóe mở ra một chân trời cao rộng, không hạn hẹp chấp cứng. Trong số huynh đệ có mặt ở đây, rất nhiều người tu tiến, nhiều người đã tịnh hóa được thân tâm phần nào. Những người này thường không nói gì hết, tu được như vậy thì tự vui và cố gắng hơn, phấn đấu cho công phu càng ngày càng phát triển tăng tiến. Công phu càng tăng tiến niềm vui càng nhiều, càng nỗ lực tu.

Trước cặp mắt người có công phu, vô thường chính là thuận duyên giúp họ tu tiến hơn. Ví dụ hôm nào một người huynh đệ chúng ta, trong quãng trung niên ngã đùng ra chết. Cái chết này có sức mạnh, có năng lực cảnh tỉnh chúng ta nhiều lắm. Huynh đệ đều biết sự chết bao quanh và có thể xử lý mình bất cứ lúc nào. Một cơn gió độc, một tai hoạ chợt đến làm ta mất mạng, nín thở như chơi. Mới thấy đó rồi chết đó, nhanh như vậy. Thấy thế chúng ta không còn theo đuổi những sự việc bấp bênh vô thường nữa, mà mãnh tỉnh tu hành.

Những sự kiện vô thường xảy ra trong cuộc đời rất rõ ràng, nhưng chúng ta không muốn nghĩ tới hoặc không dám nghĩ tới. Niềm vui của cuộc đời, sự hiẹân diện giữa mình và mọi thứ, không có gì trọn vẹn, vừa ý đối với chúng ta. Ai cũng có thể xác nhận rằng: “Mong ước của tôi, sự sắp đặt của tôi, trong trăm điều được chừng dăm ba điều là mừng húm. Tôi không mong gì hơn…” Đó là những kinh nghiệm cụ thể. Vì vậy tất cả hoàn cảnh chung quanh, huynh đệ chung quanh trợ duyên cho chúng ta rất nhiều, đặc biệt trên mặt tu tập. Cho nên ta hay nghe nói ăn cơm có canh, tu hành có bạn.

Có một ngôi chùa ở vùng quê nhưng không quá quê, cách huyện mười mấy cây số, chỗ này cũng trù phú. Các Phật tử trẻ làm gì làm nhưng chiều lại họ cố gắng về chùa, tụng kinh, trao đổi kinh nhgiệm tu tập. Lễ lượt của chùa các Phật tử đều có mặt đầy đủ. Vị thầy Trụ trì cũng không nghĩ mình có phước, được một số đệ tử như vậy. Nhiều Phật tử phát tâm không lập gia đình. Họ nói: “Thưa Thầy, bây giờ con hiểu đạo rồi, con theo quý thầy tu thôi, không lập gia đình”.

Trong vùng có người qua đời, huynh đệ sắp đặt đến hộ niệm. Phật tử chùa quê vui lắm. Vừa đến tụng kinh, vừa đem khả năng của mình đóng góp lo lắng công việc, chứ không phải chỉ tụng kinh rồi lui. Từ đó những thiện cảm và sợi dây liên hệ trong làng xóm khắn khít gắn bó hơn. Sau những dịp như vậy, thầy Trụ trì họp Phật tử lại, mỗi vị nói lên sự hiểu biết Phật pháp, sự tu tập tăng tiến của mình. Có Phật tử nói “nhiều người bệnh ngặt muốn chết nhưng không chết, còn có người đang mạnh khoẻ, bất thần ngã ra chết! Điều này làm cho chúng con tỉnh lắm”. Tôi nhớ trong nhóm đó, có một vị mới mười sáu mười bảy tuổi, tụng kinh rất hay. Thiếu người này thì buổi tụng nhạt nhẽo lắm. Khi có đám, dù người đó bận rộn cách mấy, huynh đệ cũng cố gắng phụ cho xong để vị ấy đến tụng kinh được. Đùng một cái vị đó chết. Thầy Trụ trì nói: - Chú này có phước! Tu tập chẳng bao lâu mà tịnh hóa lớn, nghiệp mau hết. Nó chết để đổi đời đổi kiếp. Nhưng thật sự huynh đệ ai cũng nát lòng! Một sự mất mát lớn lao, ảnh hưởng đến công việc của huynh đệ. Có những vấn đề ngoài tầm tay của mình. Do vậy khi bàn đến điều này, anh em ai nấy đều ráng tu. Con đường luân hồi hết phiên người tới phiên ta. Tất cả chúng ta nên nhớ câu đó.

Nhân lễ Phật, thấy tượng Phật mà tịnh hóa thân tâm, nhận ra gốc của chúng ta. Cái gốc đó là tánh giác. Nhận được rồi, chúng ta bình yên, có chủ lực, không bị động bởi những sự kiện chung quanh. Mê tánh giác là chúng sinh tạo nghiệp, trôi giạt trong luân hồi sinh tử không có ngày ra. Chỉ quay lại nhận ra tánh giác của mình là biết trở về với Phật của chính mình. Muốn nhận được tánh giác thì phải làm gì? Phải tịnh hóa thân tâm, tức là phải tu. Nhận ra được tánh giác là gốc, là tâm, là thiền, là đạo, là thanh tịnh giải thoát. Đó là điểm thứ nhất

2- Nhận ra pháp thân Phật ngay nơi mình.

Chúng ta thường không dám thừa nhận mình có Pháp thân trùm khắp. Nói tánh giác như vậy, nhận ra không phải là khó, nhưng mình lại không dám nhận. Như có vị hỏi thiền sư:

- Con chó có Phật tánh không?

- Có.

- Tại sao chui vào đãy da mang lông lù xù?

- Vì biết mà cố phạm.

Biết mà cố phạm. Chúng ta cũng na ná như vậy. Không phải chúng ta không mình có Phật tánh, nhưng bảo nhận ra thì mình nói: - Trời ơi! Khó lắm, không biết tu hành tới chừng nào? Các Hòa thượng chưa chắc nhận được, hà huống gì mình! Cứ như thế. Mình tự dìm, tự ty, tự đẩy mình trở xuống, chứ không chịu vươn lên. Bây giờ nhớ lời Phật nói, ta phải mạnh dạn nhận ra chất Phật ngay nơi mình chứ. Tập trung vào việc tu hành. Tu ít tu nhiều, tu dễ tu khó, tu Thiền tu Tịnh gì, cũng làm sao nhận cho ra được tánh giác của mình. Nhận ra được là giác ngộ, giải thoát, là Phật, là Pháp thân. Nói tánh giác hay pháp thân cũng đều chỉ cho tâm thể thanh tịnh, chứ không gì khác.

Muốn nhận ra được tâm thể, thứ nhất chúng ta đừng quên mình có tánh giác. Thứ hai đừng lăng xăng theo các thứ vọng tưởng đảo điên. Thứ ba phải quyết tâm. Như vậy hy vọng nhận ra được tánh giác không khó khăn. Bởi không khó nên những bậc thầy hướng dẫn chúng ta ngồi thiền. Nhà thiền có câu “Một giờ ngồi thiền là một giờ làm Phật”, phút giây nào ngồi thiền là phút giây đó làm Phật. Ngày xưa chư Tổ đã làm được mới chỉ bảo chúng ta làm theo. Nhưng làm sao để được như vậy? Trước nhất chúng ta đừng quên mình là con Phật, đừng quên mình có tánh giác, đừng quên mình là con trai của ông Trưởng giả giàu có muôn hộ, không phải người nghèo khó đi làm thuê làm mướn, gánh phẩn như trong kinh Pháp Hoa nói.

Chúng ta là con Phật nên đều có chất Phật, đều có thể thành Phật. Nhưng từ lâu ta cam làm chúng sanh rồi, bây giờ nghe nói làm Phật ngán quá, sợ quá. Quý vị tu thiền trước nhất phải tin mình có tánh giác, tin như vậy mới nhâïn ra tánh giác. Đây là gốc của chúng ta. Anh cùng tử do quên gốc mới trở thành kẻ tha phương không nhà, nghèo đói khổ sở. Chừng được ông Trưởng giả lập bày phương tiện cho người đi tìm, đem về thì ba thứ bụi đời phong sương từ từ được gỡ dần, mới dám nhận Trưởng giả là cha mình và trở thành người kế truyền gia sản giàu có. Chúng ta cũng vậy, cứ nghĩ mình là kẻ lấm lem bụi bặm, nghiệp chướng sâu dày, làm sao ngồi thiền một giờ là làm Phật một giờ được?

Lời nói của các thiền sư không ngoa, nhưng với điều kiện chúng ta đừng quên gốc Phật của mình. Phải phát huy gốc Phật rực sáng ấy mới thành Phật. Thành ra Phật nói ở đây là cốt Phật, là khả năng thành Phật, chứ không phải đức Phật phát ra hào quang. Đừng quên mình có chất Phật mới không chạy lăng xăng bên ngoài, chỉ một bề nhận lại gốc Phật. Tin lời Phật phải tu như thế. Người tu thiền không nên tự ti mặc cảm, tự đánh giá mình thấp đi. Tổ Quy Sơn dạy: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thối khuất”, nghĩa là người ta trượng phu mình cũng vậy, không nên tự khinh mà lui sụt. Người xưa tu thành Phật mình tu cũng thành Phật, tại sao lại cho mình thiếu trí tuệ, nghiệp chướng sâu dày, không chịu ráng lên, để bị trôi giạt trong trầm luân sinh tử, uổng cả một đời!

Nói thế không có nghĩa là chúng ta tự hào tự mãn, mà để phấn đấu tích cực, nỗ lực thực hiện công phu tu tập. Đừng quên mình, lời nói nghe bình thường nhưng thực tập được quí vị sẽ thấy giá trị của nó rất to lớn. Bởi không dám thừa nhận tánh giác của mình, nên mình chạy cầu Phật bên ngoài. Càng chạy ra ngoài là càng sa lầy trong mê lầm. Phật bên ngoài chỉ là đối tượng để cảnh giác chúng ta thức tỉnh. Trái lại, chúng ta không thức tỉnh mà đi xin xỏ, ỷ lại Phật bên ngoài. Thế là đã mê lại càng mê. Chúng ta cần phải thức tỉnh, nhận lại tánh giác của mình. Đó là pháp thân Phật ngay nơi hiện đây. (TTVN p134, 135)

Có bài kệ như thế này:

                        五 蘊 山 頭 古 佛 唐
                        毘 盧 晝 夜 放 豪 光
                        若 能 於 此 非 同 異
                        即 是 華 嚴 遍 十 方 .
Âm:
                        Ngũ uẩn sơn đầu cổ Phật đường,
                        Tỳ lô trú dạ phóng hào quang,
                        Nhược năng ư thử phi đồng dị,
                        Tức thị Hoa Nghiêm biến thập phương.

Dịch:
                        Trên đầu núi năm uẩn là ngôi nhà Phật xưa,
                        Phật pháp thân ngày đêm hằng phóng quang ra sáu cửa,
                        Nếu người khéo ngay nơi đây không khởi tâm phân biệt,
                        Tức là pháp thân khắp cả mười phương.

Ý bài kệ nói pháp thân Phật ngay nơi thân ngũ uẩn của chúng ta thường phóng quang. Phóng quang ở đâu? Phóng quang ra sáu căn. Muốn được như vậy chỉ đừng có tâm phân biệt, tức đừng chạy theo sáu trần, đừng đánh mất gốc Phật thì Phật pháp thân hiện tiền. Đừng phân biệt tức là đừng tự đánh giá mình thấp hèn, làm mất đi cái vinh dự làm Phật của mình, phải phấn đấu nỗ lực vươn lên. Học lời Phật thì phải thực hiện được điều Phật dạy. Cho nên lời nguyện của những người tu theo đạo Phật là “Con tu chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con. Học chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con. Hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con”. Bằng Phật thôi, chứ không bằng ai hết.

Nói vậy không có nghĩa là tự hào đâu. Vì Phật là giác. Mình tu chừng nào toàn giác là thành tựu, chứ đâu có gì lạ. Thành thử bây giờ ở đâu, bất cứ lúc nào mình giác tức là Phật. Sống được với tánh giác thì chúng ta bằng Phật không khác. Đó là điểm chúng tôi muốn nêu lên tánh giác, để chúng ta đừng quên. Thật ra không phải chúng ta làm không được, nhưng vì hơi nhát, có khi làm được vẫn không dám nhận. Ngài Huyền Giác dạy thế này:

                        從 他 謗 。 任 他 非 。
                        把 火 燒 天 徒 自 疲 。

                    Tùng tha báng, nhậm tha phi,
                    Bả hoả thiêu thiên đồ tự bì.

Dịch:
                    Mặc ai khen, mặc ai chê,
                    Cầm lửa đốt trời nhọc xác kia.

Mặc người khen, mặc người chê, tâm mình không động, thì người khen chê đó giống như cầm lửa đốt trời. Đem lửa đốt trời, đốt được không? Không. Còn nếu người ta khen chê, mình động tâm thì giống đem lửa đốt bổi. Câu này hay lắm! Trời ở đâu mà đốt? Đưa lửa lên trời, lửa sẽ rớt xuống đầu mình, cháy đầu cháy tóc chứ không cháy ông trời. Còn người đưa lửa tới, mình đưa bổi ra thì cháy tay mình. Cháy tay sao chưa biết, nhưng chắc chắn đỏ mặt tía tai. Đỏ mặt tía tai thế này: Người ta nói một câu chê, mình nổi nóng lên liền đỏ mặt. Người ta nói một câu hủy phạm, mình tức giận cong tay rung chân, bặm môi hả họng hét là tía tai. Làm sao đối với tất cả những cảnh duyên đó chúng ta tự tại. Muốn thế, chỉ khi nào ta nhận được, sống được gốc giác ngộ của mình.

Sống được với tánh giác thì tất cả hình thức bên ngoài không có gì quan trọng, không có gì ảnh hưởng mình. Do chúng ta không nhận và sống với tánh giác, nên ngày đêm bị động. Người ta tán thán một câu không biết trúng sai, mình cũng tươi tắn lên, lỗ mũi nở phồng, mắt mở to ra. Vui! Từ bên trong có sự thay đổi mới hiện ra tướng bên ngoài như thế. Người ta mạt sát một câu, muốn dìm mình xuống, liền hiện tướng giận dữ xấu xí. Chúng ta cứ bị như thế nên cháy tay cháy chân, cháy đầu cháy trán hết. Không có lúc nào được bình yên. Trong cuộc đời này có ai được khen hoàn toàn, có ai bị chê hoàn toàn đâu? Ngay cả Phật là đấng giác ngộ, công đức vô lượng vô biên vẫn bị người ta chửi như thường. Không phải Phật đi tới đâu người ta cũng công kênh lên.

Cuộc đời tương đối mà! Thành ở đối với người tu việc khen chê “Mặc!” Chữ “Mặc” ở đây có nghĩa là thấy sự việc ấy không thật, không quan trọng, khen chê gì cũng được, không dính dáng tới việc của mình. Trong cuộc sống làm sao chúng ta phát huy sống được với tánh giác của mình, đó mới là gốc. Nếu sự khen chê đối với mình bình thường tức ta có một vùng trời tịnh hóa rộng lớn, phát huy được chất Phật của chính mình, tự tại giải thoát. Bấy giờ không ai làm gì được ta. Muốn thế đòi hỏi chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt. Cho nên trong đạo Phật nói tu hành có định có tuệ. Nếu chúng ta bôn chôn, không bình tĩnh, dễ bị cảnh duyên bên ngoài quấy rầy. Nghe nói gì thì nói, thấy cái gì thì thấy, làm gì thì làm, gốc của người tu là phải bình tĩnh.

Đừng nói những việc lớn mà ngay những việc nhỏ trong nhà của quý vị, từ đứa cháu nội, cháu ngoại hoặc người quí vị thương quí vị ghét… đối trước những sự kiện đó đều phải bình tĩnh. Có tỉnh mới nghe người ta nói hết câu, mới hiểu điều người ta muốn nói. Còn người ta nói chưa xong, mình phát biểu tạt ngang nên không đúng đâu vào đâu cả. Vì thế trong đời sống chúng ta cố gắng định tĩnh. Đó là chúng ta chuẩn bị được định tuệ. Là người Phật tử toàn diện phải đầy đủ định tuệ. Nếu tâm động gặp nhau giống như người cầm lửa, người đem bổi, cả hai cùng bị cháy tiêu. Ở đây một bên cầm lửa đốt, một bên không đưa bổi tới. Nghe nói gì mình cũng “thế à!” là xong. Chứ nghe nói trái tai nổi xung lên thì sanh chuyện. Trần lao là như thế, phiền não là như thế. Bởi vì ý kiến của tôi không giống ý kiến của anh. Do vậy nên va chạm và mãi mãi như thế. Quí vị thấy đức Phật nào cũng cười thôi im lặng, không nói gì hết. Chúng ta tu Phật phải học hạnh đó. Bình thản.

Nói đến tinh thần sống thật của người tu Phật, không quên tánh giác, tôi nhớ thiền sư Huyền Giác nói:

                        Ngã văn kháp tợ ẩm cam lộ,
                        Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì.
                        Ta nghe giống như uống nước cam lồ,
                        Tiêu dung vào chỗ không nghĩ bàn được.

Đối với tất cả âm thinh, chúng ta nghe như uống nước cam lồ vậy, uống bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Đừng để bị mắc nghẹn ụa ra, gớm lắm! Cứ từ từ, nhè nhẹ nuốt hết. Nghĩa là mình phải tỉnh giác, có sức chịu đựng như Phật, Bồ-tát thì sẽ yên thôi.

3- Hằng sống với tánh giác.

Điểm cuối cùng chúng tôi muốn nêu lên tinh thần của người Phật tử tu thiền là hằng sống với tánh giác. Ở đây tôi dẫn lại lời của một vị thiền sư:

                    Tự tâm là chân Phật.
                    Tự tánh là chân pháp.
                    Ngoài tâm không có Phật,
                    Ngoài tánh không có Pháp.

Có nghĩa tánh tức là tâm, tâm tức là Phật, Phật tức là đạo, đạo tức là thiền. Tâm chúng ta là thiền. Đừng quên, đừng chạy theo các cảnh duyên, không bị động bởi những hiện tượng lăng xăng bên ngoài là sống được với tâm, với tánh, với đạo, mà cũng là thiền. Cho nên có ai hỏi thiền là sao, chúng ta trả lời thiền là hằng sống với tâm thể của mình. Người nhận ra tánh giác hay nhận ra đạo là sao? Là người hằng sống tánh giác với đạo, không bị động bởi cảnh duyên bên ngoài.

Người tu thiền phải nhận rõ bản tâm của mình. Người không nhận bản tâm, không thấy bản tánh, tu tập khó thành tựu. Giống như chúng ta đến thăm một người bạn, nhưng không biết nhà bạn ở đâu, cũng không biết bạn tên gì, là nam hay nữ. Như vậy nói đi thăm bạn có đúng không? Cho nên nói đến tu thiền là nói đến người bình tĩnh, không quên tánh giác, không chạy theo các cảnh duyên. Có thể nói cốt tuỷ của thiền là tâm, sinh mệnh của thiền là người không quên tâm, hằng sống với tâm.

Trong thiền viện, tất cả sinh hoạt ăn uống, tiếp khách, làm việc v.v... đều có giờ giấc nhất đinh. Như tới giờ nghỉ mà làm việc là vi phạm nội qui. Giờ nghỉ là giờ chỉ tịnh (止靜). Chữ Chỉ (止) là dừng lại, chữ Tịnh (靜) là lắng hết, sạch hết. Chỉ tịnh là yên, dừng lại hết. Chúng ta tu hành cũng phải sắp đặt như vậy. Giờ này là giờ nghỉ, giờ ăn cơm, giờ làm việc, giờ tụng kinh, giờ ngồi thiền v.v... giờ nào việc nấy. Bắt đầu tu hành pảhi tập gầy dựng như thế, chứ không thì tùm lum. Giờ tụng kinh, mấy bà bạn tới rủ rê ăn trầu nói chuyện tầm phào một hồi hết giờ. Giờ ăn cơm thay vì ăn cơm, lại sần sượng rầy rà mấy đứa cháu nên ăn cũng không ngon, ăn không biết ra làm sao hết. Rồi giờ ngủ, nằm suy nghĩ chuyện gì đó một hồi không ngủ được. Cho nên bước ban đầu của người tu thiền là giờ nào việc nấy.

Như quý vị thấy, không phải quý thầy trong chùa không làm gì hết! Quý thầy từ lớn tới nhỏ đều có công việc, có phận sự. Kẻ quét sân, người tưới kiểng, kẻ bửa củi, người nấu cơm, đi chợ … đủ thứ. Nhưng ai làm việc nấy, không dẫm chân lên công việc của người khác. Nhờ đặt định rõ ràng như vậy nên các việc được trọn vẹn. Như người nấu cơm thì phải theo dõi lửa, nước, thời gian… tất cả công đoạn đâu đúng đó, không để việc khác xen vô nồi cơm. Đảm bảo như vậy nồi cơm chín đúng công thức. Giờ tụng kinh cũng vậy, sáu giờ chiều nghe tiếng trống vang lên, quí thầy hô bài kệ vô thường để cảnh tỉnh, chư tăng trong viện tập trung về điện Phật, y áo trang nghiêm thành kính. Tòan chúng bắt đầu tụng kinh Bát-nhã, lạy Tổ, lạy Phật, đọc những lời trần tình sám hối sửa đổi lỗi lầm, làm một việc đó thôi, không có việc khác. Không có kiểu giữa lúc đang tụng kinh, có ông thầy nói chuyện khác.

Một thời ngồi thiền hay tụng kinh có thể bù lại cả một dọc dài mười hai tiếng đồng hồ chúng ta sống trong tạp niệm, nó còn đảm bảo thăng hoa công đức tu hành nữa. Tu mà không tăng tiến, cứ nằm ì một chỗ thì có khác chi người thế tục. Cho nên giờ tu rất quí. Đầu đêm một tiếng rưỡi hoặc hai tiếng, khuya cũng thế. Nhớ trong một tiếng rưỡi hai tiếng đồng hồ đó phải đảm bảo, nó có thể bù đắp lại được tất cả những mất mát suốt thời gian mười hai hoặc hai mươi bốn giờ. Quý Phật tử phải sắp đặt công phu hằng ngày như vậy. Trong cuộc sống, người tu hành là người sống giữa bụi bặm, ràng buôïc, rộn rịp thế này mà biết vươn lên, chủ động để gầy dựng cái tỉnh sáng của mình. Sở dĩ chúng ta khổ đau trôi giạt, vì dễ nghe dễ lầm, dễ bỏ quên cái tỉnh sáng của mình. Bây giờ phải gầy dựng lại cái tỉnh sáng để đừng bị lầm, đừng bỏ quên, đừng chạy theo bên ngoài nữa. Đó là gốc của việc tu.

Tóm lại, người tu hành phải tịnh hóa thân tâm, sống được với tánh giác của mình. Phật tử tu thiền luôn nhớ ông Phật của mình, sống với tâm chân thật, đó là gốc. Công phu hằng ngày của mỗi người thì tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà nỗ lực. Tu ít tu nhiều gì cũng là việc của chúng ta. Nhớ tỉnh, mình là con trai con gái của Phật, mà Phật là giác thì mình cũng phải giác. Phật giác mười phần chúng ta ít nhất cũng giác sáu bảy phần, rồi từ từ giác mười phần như Phật, không có con đường nào khác.

Mong tất cả quí vị nghe nhận, cố gắng nỗ lực tịnh hoá thân tâm để đạt được niềm an vui giải thoát trong cuộc sống.


 


Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]