NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của thiền sư Hoàng Long Huệ Nam

hoathuonghuenam1. Buông bỏ vạn duyên

Ngài Hoàng Long Huệ Nam nói: “Ta trước kia cùng Văn Duyệt vân du ở Hồ Nam, thấy một kẻ nột tử mang gánh đi hành cước. Duyệt kinh dị, nhăn mặt chau mày mà mắng rằng: “Vật nơi khuê các ở chính trong nhà mình mà chẳng chịu bỏ đi, lại phiền luỵ đến phần gánh của người khác, thật quả là quá mệt nhọc”.

 Một hôm thiền sư Huệ Nam và thiền sư Văn Duyệt cùng đi hành cước, ngang vùng đó thấy một tăng sĩ cũng đi hành cước. Vị ấy mang gánh đồ đạc quá nhiều, chẳng những mang gánh mà còn thuê người mang gánh phụ nữa. Thấy thế ngài Văn Duyệt quở, kẻ hành cước cần phải buông bỏ càng nhiều càng tốt, tại sao phải cưu mang cực khổ đến như vậy, làm sao học đạo?

Đây là một bài học cho chúng ta. Mình cũng thế, đã không chịu buông xả lại còn mang gánh thêm. Những vật dụng tầm thường, có cũng được không có cũng được thì buông bỏ bớt cho nhẹ gánh. Người ham thích chất chứa, sẽ nặng nề cho cái gánh của mình, cho bước du phương của mình. Càng chất nhiều càng nặng, không ích lợi chi hết. Người xưa dạy cái gì thực sự cần thiết thì dùng, cái gì không cần thiết thì ném quách cho xong. Nghĩ đến chuyện tu hành thì mạnh dạn bỏ đi, bố thí chia sớt cho người khác. Từ đó mình mới nhẹ nhàng, đúng như đạo lý đã học.

Đây là điểm nhỏ nhưng rất bổ ích cho cuộc sống chúng ta hiện nay. Thực sự mình giữ quá nhiều vật dụng không cần thiết. Nếu tâm vọng động dấy lên thì càng chồng chất những nhu cầu ấy. Người tu cần kiểm điểm lại cuộc sống của mình, dứt khoát buông bỏ những vật dụng không cần thiết. Giả dụ bây giờ mình có một bộ trà thời Càn Long, nghe nói tới năm bảy cây vàng. Phật tử thương mua cúng dường cho mình, nên ta quí bộ trà này. Chưng bày nó cũng thêm duyên dáng, rồi khuya khuya, trưa trưa chăm trà uống gật gù như mấy ông tiên.

Song nếu ai chịu khó suy xét lại một chút xem thử bộ trà như thế có cần thiết đối với mình không? Chúng ta tu Phật chứ không phải tu tiên. Có một bộ trà quí, thích khoe với bạn hữu, cho nên ai đến thăm ngồi nhâm nhi một hai tiếng đồng hồ, thiệt là mất thì giờ. Chưa kể tới chuyện dặn dò đệ tử: “Tụi con nhớ nghe, bộ trà này quí lắm đó, năm bảy cây vàng lận. Cho nên phải giữ gìn cẩn thận, bể một cái là hết giá trị”. Hôm nào lỡ có đứa đệ tử vụt chạc, quăng bể cái chung thì tam bành lục tặc nổi lên. Chỉ là bộ trà thôi, mà dần dần dính mắc, xông ướp trong lòng mình, để cuối cùng bị đồng hoá với nó, thiêu rụi công phu tu hành bao nhiêu năm trời. Một bộ trà quỷ quái như thế thì giữ làm gì. Dẹp quách cho xong!

Cho nên chúng ta phải biết sử dụng phương tiện trong giới hạn cho phép, nó không phải là cơm ăn áo mặc thì dù là gì chăng nữa cũng không quan trọng. Có cũng tốt, không có cũng tốt. Ai có nhiều phải chia sớt, buông bỏ, tự xả đi cho cái gánh của mình nhẹ. Quí vị thấy, từ khi chúng ta phát tâm học đạo cho tới khi thành Hoà thượng, mình chất chứa đủ loại, chẳng khác nào một tiệm tạp hóa. Trong phòng đồ kỷ niệm kỹ nghệ biết bao nhiêu mà kể, rồi mấy đứa đệ tử vô lau quét, nó đụng đổ mình sanh phiền phức. Thôi món nào nhắm giải toả mà có cơm gạo nuôi chúng thì cứ cho đi. Đừng để khi nhắm mắt bất tử, đệ tử không biết cái nào để lại cho ai, nó giành nhau thì nguy lắm.

2. Nhân tình

Ngài Hoàng Long nói: “Trụ trì cần được chúng nhân và được chúng nhân thì cần phải có tình. Tiên Phật thường nói: Nhân tình là ruộng phúc của thế gian, vì vậy đạo cũng do đó mà sinh. Thời có bĩ thái, tức là thịnh suy, sự có tổn ích, tức là kém hơn, tất nhiên cũng bởi nhân tình mà có. Tình có thông tắc nên bĩ thái sinh, sự có hậu bạc nên tổn ích tới, và chỉ có bậc thánh nhân mới suốt được tình thiên hạ. Do đó trong kinh Dịch có những quẻ như Càn dưới Khôn trên là quẻ Thái; Càn trên Khôn dưới là quẻ Bĩ. Nay lấy Tượng Hình mà nói thì Tốn trên Chấn dưới là quẻ Ích, Tốn dưới Ích trên, Cấn trên Đoài dưới là quẻ Tổn. Càn là trời, khôn là đất, trời ở dưới, đất ở trên, ngôi vị có trái, nhưng ngược lại là Thái là thịnh. Vì trên dưới giao cảm nhau, chủ ở trên, khách ở dưới, nghĩa coi là thuận, nhưng ngược lại, lại là bĩ, tức là suy. Vì trên dưới không giao cảm nhau cho nên trời đất không giao cảm thì mọi vật không sinh dục, nhân tình không giao cảm, muôn việc không hoà hảo. Ý nghĩa của tổn ích cũng do nơi đây vậy. Là người trên đối với mình thì kiệm ước, mà rộng rãi với người dưới, người dưới hẳn vui lòng mà phụng sự người trên, như thế há không phải là ích ư? Trái lại, người trên khinh miệt người dưới mà buông thả cho sở thích của mình, thì người dưới quyết định oán hận mà phản bội người trên. Như thế há không phải là tổn ư? Vì vậy trên dưới giao cảm thì thái, không giao cảm thì bĩ. Mình kém thì người hơn, mình hơn thì người kém, tình người được mất há dễ dàng ư.

Tiên thánh thường dụ, người là thuyền, tình là nước, nước chở thuyền và cũng có thể lật úp thuyền. Nước thuận thuyền nổi, nước trái thuyền chìm. Cho nên trụ trì được nhân tình thì hưng thịnh, mất nhân tình thì phế huỷ. Được hoàn toàn thì hưng thịnh hoàn toàn, mất hoàn toàn thì phế huỷ hoàn toàn. Cũng như cùng làm việc thiện thì phúc nhiều, cùng làm việc ác thì hoạ lắm. Thiện ác đồng loại suốt như xâu chuỗi ngọc, hưng phế tượng thành rõ như xem mặt trời, đó là sự chứng nghiệm của nhiều đời vậy”.

Ngài Hoàng Long dẫn những quẻ trong kinh Dịch để nói về nhân tình. Càn là trời, Khôn là đất. Lẽ ra trời trên đất dưới thì thuận, nhưng trái lại trời dưới đất trên thì quẻ Thái. Đó là nói lên gì? Đó là nói người trên có sự giao cảm với người dưới, luôn luôn kiệm ước chính mình, mở rộng lòng nâng đỡ kẻ dưới, thương kẻ dưới, giúp cho kẻ dưới thì thịnh thái. Ngược lại nếu người ở trên giữ vị trí làm chủ, ít chịu cảm thông, ít nghe nhận ý kiến của đệ tử, của người dưới, cứ ngồi trên cao phán xuống, ra lệnh thế này thế nọ… Lâu ngày đệ tử nó mệt, nó chán, nó bỏ thầy luôn. Thầy trò không cảm thông thì làm sao có được đời sống an hoà vui vẻ, dạy bảo nương tựa nhau tu hành.

Cho nên càng làm lớn, càng có trách nhiệm với chúng nhân chừng nào, chúng ta càng sống giản dị, kiệm ước, khiêm hạ mới có thể gần gũi chúng nhân, tạo được sự cảm thông với mọi người. Như vậy chúng ta mới làm việc được. Sống trong đạo, thầy trò cảm thông nhau, bạn hữu cảm thông nhau thì mới an vui. Trong gia đình cũng vậy, cha mẹ cảm thông với con cái, mọi người cảm thông nhau thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Vì vậy thiền sư mới dẫn kinh Dịch dài dòng cho chúng ta thấy được chủ ý ngài muốn dạy.

Người thực sự có đạo đức mới thành công việc lớn. Ngược lại, người tự ỷ lại, khinh thị mọi người, kiêu căng ngã mạn… là bệnh, là gió độc. Người sáng suốt sợ bệnh, biết ngừa bệnh nên luôn xét nét tự sửa mình, không nuôi dưỡng lòng tự tôn, tự đại, kiêu căng ngã mạn. Nhờ thế mới có sự cảm thông dung hoà, gần gũi chúng nhân, hoàn thành trách nhiệm của mình, đồng thời đem lại lợi ích cho nhiều người. Đó chính là con đường để đi đến Phật đạo.

Trong phần cuối, ngài Huệ Nam có nhắc thế này: “Cho nên trụ trì được nhân tình thì hưng thịnh, mất nhân tình thì phế huỷ. Được hoàn toàn thì hưng thịnh hoàn toàn, mất hoàn toàn thì phế huỷ hoàn toàn”. Chúng ta chịu trách nhiệm ở một tự viện nào đó, nếu hướng dẫn được quần chúng quy y Tam bảo, tin kính Tam bảo, đó là được nhân tình. Giữa chúng ta và họ có sự cảm thông, thầy trò hoà hợp tu hành rất tốt đẹp. Như vậy việc giáo hóa của chúng ta thành công. Do đó các bậc tiền bối đều nhắm vào việc chuyển hóa mình trước, chuyển hóa người sau. Chính thời Phật cũng vậy, các vị đệ tử của Ngài đều chứng thánh quả rồi mới đi giáo hóa chúng sanh.

Người xưa đã thế, chúng ta ngày nay cũng phải noi theo gương hạnh ấy, tự lo lắng cho chính mình. Lo cái gì? Lo đạo hạnh viên mãn chưa? Có thể làm chủ được những tập nghiệp, có buông bỏ nó chưa? Lời nói và hành động của mình có đi đôi không v.v…? Những câu hỏi ấy, lúc nào cũng sẵn bên mình. Nếu việc nào chưa được, thì cố gắng tự khắc phục. Mỗi người ý thức việc làm, trách nhiệm của mình thì mạng mạch Phật pháp được trường tồn dài lâu.

Phật tử luôn luôn nhìn vào gương hạnh của quý thầy cô. Thành thử nhiều thầy tu đâu trên núi trên non, nghe nói đắc đạo thì thôi mười phương Phật tử đổ về. Thực hư chưa biết, mà luôn nghe ngóng trông đợi có chuyện gì kỳ lạ là kéo đến. Như một vùng quê đó trải qua thời kỳ chiến tranh, hoá chất làm hư cây cối và đất đai hết. Trong vườn chuối nọ, bắp chuối trổ ra không được, nó cứ đùn lại tạo hình giống như đức Phật Di Lặc ngồi vậy. Thế là thiên hạ đồn đại nói Phật Di Lặc xuất hiện tại vườn chuối đó. Nghe nói, tôi cũng nhẹ dạ nên bị cuốn theo, rủ một số huynh đệ chạy lên coi. Tới nơi thấy người ta kéo nhau đi lũ lượt, cỏ lau gì mòn hết. Còn hầm chuối, phải đem kẻm gai quấn lại. Đứng nhìn thật kỹ tôi thấy có gì đâu, Phật nào mà xuất hiện kỳ vậy. Đó là quày chuối mọc ra mà không nở được, các nãi chuối đun lại như toà sen. Cái chóp ở trên người ta tưởng tượng giống như Phật Di Lặc ngồi, chứ Phật đâu có xuất hiện như vậy. Đến tận nơi thấy rồi, mới tội nghiệp cho Phật tử của mình quá. Từ đâu miền đông miền tây mướn xe cộ ì ì kéo lên coi. Phật đâu không thấy, chỉ làm phiền lòng chủ vườn chuối đó. Chính quyền thấy hiện tượng mê tín không tốt nên đề nghị chủ vườn dẹp luôn mấy cây chuối. Thế là im chuyện.

Phật tử xứ mình còn kém hiểu biết lắm, đặc biệt là hiểu biết chân chánh. Bây giờ nhiệm vụ của người tu chúng ta là hướng dẫn cho họ đi đúng chánh đạo. Đứng trước những hiện tượng mê tín, ta không thể đổ thừa tại Phật tử tin càn tin nhảm. Đó là tại vì mình không chỉ dẫn họ. Phật tử đã có nhân duyên với Phật pháp mới phát tâm quy y Tam bảo, hướng về đường lành. Chúng ta là người đi trước phải có bổn phận dẫn dắt người đi sau. Đem những kinh nghiệm, sự hiểu biết, đạo lý nhắc nhở người đi sau lấy đạo lý chân chính làm cương lĩnh, đi cho đúng đường, đúng phương pháp chỉ dạy của Phật tổ. Có thế mới đi tới nơi tới chốn được. Trách nhiệm của chúng ta là như vậy. Việc làm của mình là việc làm ích lợi cho đạo, ích lợi cho đời, góp phần xây dựng xã hội và đất nước, con người ngày càng tốt đẹp.

 

Bởi vì đạo Phật nhắm vào con người mà xây dựng. Trước nhất mình xây dựng mình, kế nữa là xây dựng những người có liên hệ với chúng ta. Trách nhiệm của người con Phật làm thế nào hướng dẫn mọi người tu tập, chuyển hóa khổ đau. Chúng ta làm hết bổn phận, trách nhiệm của mình, như vậy mới không hổ thẹn với bản thân, mới phần nào đền đáp thâm ân Phật tổ, công ân giáo dưỡng của các bậc thầy, đồng thời cũng trả được ân nặng của đàn na thí chủ, hàng ngày nhịn ăn nhịn mặc ủng hộ cho mình.

Trên tinh thần ấy, mong rằng chúng ta phát tâm dũng mãnh thực hiện cho kỳ được những điều chư Tổ dạy. Có thế bản thân chúng ta mới xứng đáng là đệ tử của Phật, của đấng giác ngộ vì thương tưởng chúng sanh mà hiện ra nơi đời.

3. Trưởng lão

Ngài Hoàng Long nói: “Chức trưởng lão là đồ đựng đạo đức. Tiên thánh dựng tùng lâm, bày kỷ cương, đặt danh vị, lựa chọn các tăng sĩ có đạo đức gọi là trưởng lão. Trưởng lão sẽ thực hành đạo đức chứ không phải là tạm trộm cái tên ấy mà thôi. Tiên sư Từ Minh thường nói: “Cùng với những vị giữ đạo chết già nơi gò nỗng hang hóc, chẳng bằng hành đạo lãnh chúng ở nơi tùng lâm”. Như thế há chẳng phải khéo giữ chức trưởng lão thì đạo đức của Phật tổ còn vậy ư”.

Ngài Hoàng Long nói chức Trưởng lão là do lòng tin kính ngưỡng mộ của Phật tử từ mười phương tôn xưng. Cho nên chức vị mà không có chức vị gì hết. Chức vị này có giá trị hay không là do đạo đức ở bên trong. Đạo đức nhiều chừng nào thì giá trị nhiều chừng nấy. Thành thử khi nghe ai gọi mình là Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni sư, Sư cô, chúng ta luôn luôn tự xét nét lại bản thân. Xét nét cái gì? Xét nét xem đạo đức, phần nội tại của mình có vững chưa. Nếu chưa vững thì phải tự lo lắng, bồi dưỡng cho vững. Như vậy mới xứng với danh vị mọi người tôn xưng.

Phật tử mỗi khi thấy thầy cô sai phạm lỗi lầm, mất tư cách, họ hay than phiền, bởi vì họ nghĩ rằng chúng ta là người có đạo đức, hay chí ít cũng là người đại diện cho đạo đức, cho Phật pháp. Đã là người đại diện cho đạo đức, đại diện cho Phật pháp thì không thể thiếu đạo đức được. Do đó thấy chúng ta thiếu phần này họ chỉnh liền. Đây là điều hân hạnh, bởi chung quanh ta có nhiều người thương tưởng, nghĩ đến mình, mà bổ khuyết mặt này mặt nọ cho được hoàn mỹ. Có Phật tử lo cho chúng ta phần vật chất như cơm ăn, áo mặc. Có Phật tử lo phần tinh thần như phẩm hạnh, đạo đức, tâm linh… Một khi thấy thiếu phần nào, họ liền hỗ trợ phần ấy, cho chúng ta yên tâm tu hành, nhất là những vị tu sĩ trẻ.

Tôi biết có nhiều Phật tử đạo tâm, thể hiện cử chỉ hành động hết sức thân thương, ủng hộ cho các thầy cô còn trẻ, họ lo rất nhiều mặt. Lo thiếu ăn thiếu mặc và luôn cả việc sợ thầy cô không vững tâm tu hành, sợ bị vấp ngã bởi những cạm bẫy cuộc đời. Trên đường đi, chúng ta được sự ủng hộ của rất nhiều người đồng chí hướng. Vì thế chúng ta càng sống gần gũi với quần chúng chừng nào, càng thấy được tâm thành của Phật tử chừng ấy. Họ đối với đạo, với người tu rất tốt. Đôi khi bận rộn với đời sống gia đình, xã hội mà họ còn phải cán đán thêm những nhiệm vụ trong đạo. Nhiệm vụ gì? Nhiệm vụ giúp đỡ Tăng Ni tu hành, hộ trì Tam bảo, làm sao cho ngọn đèn Phật pháp còn mãi trên đời.

Thời Phật còn tại thế, hàng đệ tử xuất gia ngoài công phu thiền định và buổi sáng đi khất thực một chút, các thầy không phải làm gì cả. Mục đích duy nhất đức Phật mong muốn nơi tăng đoàn là thiền định để phát sinh trí tuệ. Khi trí tuệ đã viên mãn thì đi giáo hóa chúng sanh. Tất cả các việc khác như cơ sở, phương tiện sống, là trách nhiệm của hàng Phật tử cư sĩ. Họ tuỳ duyên mà trợ giúp tăng đoàn có đủ điều kiện phát huy việc tu tập. Sau khi Phật nhập diệt khoảng ba bốn trăm năm, tinh thần ấy vẫn duy trì. Nhưng kể từ khi Phật giáo Đại thừa thạnh hành, khoảng sáu trăm năm sau Phật niết-bàn, Phật giáo phát triển theo chiều rộng, gần gũi với xã hội nhiều. Chư tăng ni ngoài việc tu tập ra còn phải đóng góp với xã hội mặt này mặt khác. Từ đó hàng tăng sĩ bắt đầu tham gia các công tác xây dựng cơ sở và lo phương tiện đời sống. Đây chính là lý do khiến cho thời gian tu tập của tăng sĩ giảm sút dần và dẫn theo kết quả cũng không được như xưa.

Nêu lên vấn đề này cho chúng ta đừng quên bổn phận chính của mình. Đạo Phật phát triển theo chiều rộng là mang tính khế thời khế cơ, tuy nhiên chúng ta phải giữ gìn cho được tinh thần nguyên thuỷ, cốt cán nhất của đạo Phật. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được quên phần nội tại bên trong, nghĩa là phát triển chiều sâu, tức khế lý vậy. Dù phải hy sinh cả thân mệnh, chúng ta không bao giờ đi sai mục đích duy nhất của người con Phật là giác ngộ giải thoát. Nếu bỏ mất mục đích ấy thì việc tu hành của chúng ta có ý nghĩa gì đâu? Ý thức như vậy rồi, khi đối duyên xúc cảnh, ngoài việc đóng góp với xã hội theo chiều rộng, phần kiện toàn đạo đức, tức cốt lõi bên trong không thể thiếu được. Một khi đạo đức đã viên mãn, Phật tử mười phương hướng về nương tựa, tán thán cúng dường, chúng ta không thấy hỗ thẹn. Ngược lại, chúng ta sẽ không yên lòng đón nhận sự quý kính, tin tưởng của Phật tử gởi gắm, hướng về chúng ta.

Khi lãnh trách nhiệm trụ trì, quý thầy nhiều việc lắm. Đi họp đi hành, rồi tổ chức, chỉ đạo công việc trong nội tự, giảng dạy, hướng dẫn cho Tăng Ni và Phật tử tu hành, đối nội, đối ngoại v.v… mất hết thì giờ. Nhưng không vì mất thì giờ mà chúng ta không chu toàn được việc chính của mình. Đó là gì? Là làm sao cho ngọn đèn Phật, cho mạng mạch Phật pháp ngày càng sáng tỏ. Sự hiện hiện của mình trong tập thể sẽ không uổng phí mà còn rất cần thiết, là chất keo sơn để gắn bò tình thầy trò huynh đệ, giúp tập thể tiến lên trên con đường đạo đức. Được như vậy chúng ta mới xứng đáng là Thích tử Như Lai, thực hiện hạnh nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh”.

Chúng ta thấy nhiều vị Hòa thượng hay Ni trưởng đã già lắm, nhưng đâu có nghỉ ngơi. Các ngài cũng phải đôn đốc chỉ đạo, chứng minh chủ toạ, ban pháp nhũ… bận rộn lắm. Đáng lẽ tuổi ấy phải được nghỉ ngơi, tất cả việc nặng nhẹ trong tùng lâm có người thay thế. Nhưng các ngài không yên lòng, bởi thấy trách nhiệm còn nhiều, đàn con của mình chưa vững, do đó phải đương đầu. Những bậc tôn túc như thế, nhận được niềm quí kính yêu thương của mười phương Phật tử, lòng tin tưởng của các nhà lãnh đạo đất nước, nhận được sự yểm trợ, ủng hộ của thiện tín thật là xứng đáng. Thấy thế rồi chúng ta nghĩ về bổn phận của mình nhiều hơn, làm thế nào trôi tròn được trách nhiệm của mình đối với đạo pháp, xã hội trong hoàn cảnh hiện nay.

Tuy nhiên không phải nói đến trách nhiệm nặng nề khó khăn như vậy để chúng ta sợ, ai nấy lo rút vô hang vô cốc tu rục hết. Ở đây ngài Từ Minh nói “Cùng với những vị giữ đạo chết già nơi gò nỗng hang hóc, chẳng bằng hành đạo lãnh chúng ở nơi tùng lâm”. Nghe nói việc lãnh chúng như vậy mình ngán quá, liền kiếm chỗ nào đó tu cho nó khỏe, chứ lấn cấn cuộc đời này e vướng mắc dài dài. Nghĩ như vậy cũng không được. Tổ sư nói việc lãnh chúng, trách nhiệm ở trong tùng lâm mới giúp cho việc chính của chúng ta mau thành tựu. Đó là môi trường để trui rèn nhẫn lực, trí lực, từ lực, dũng lực cho một tăng sĩ. Đầy đủ các lực dụng này mới viên mãn đạo Bồ-đề. Tu hành là việc tự nguyện thì đâu thể sợ khó, sợ khổ, phải trôi tròn tất cả. Tu sao đừng mất mình, tu sao trí tuệ phát triển đều đều, tu sao đạo đức tăng trưởng v.v… Phần đó mình phải tự lo, tự khắc tự nhớ trên đầu giường, trong tay nãi, lúc nào cũng sẵn sàng tỉnh giác.

Trách nhiệm chung đối với tùng lâm, với tập thể, với đại chúng không thể thiếu. Tại sao? Vì nếu mình bỏ đi những trách nhiệm này thì đàn con sau này ai hướng dẫn? Gánh nặng của đạo pháp ai gánh đây? Vì vậy mỗi tăng sĩ phải ý thức trách nhiệm của mình, vừa lo tu tập cho mình, vừa dẫn dắt đại chúng cùng chung tu. Giáo hội có đề ra việc gì, chúng ta không nên từ chối mà chung vai gánh vác, để giữ gìn đạo pháp trường cửu sâu rộng nơi đời. Đây mới đi đúng với tinh thần vô ngã vị tha của Bồ-tát, của đạo Phật. Vì lợi ích của số đông mà phụng sự.

4. Chuyên cần

Ngài Hoàng Long nói với ẩn sĩ Phan Diên Chi: “Đạo học của thánh hiền không phải thành được ở chỗ vội vàng cẩu thả, mà phải ở chỗ tích luỹ. Điều cốt yếu của sự tích luỹ chỉ là chuyên và cần, bỏ hết ham muốn, thực hành không mệt, nhiên hậu đạo lý mở rộng, tâm lượng đầy đủ, có thể thông suốt hết sự lý vi diệu ở trong thiên hạ”.

Công đức tu tập không thể một sớm một chiều mà thành tựu viên mãn. Nó do sự tích luỹ, gan dạ chịu đựng trải qua một thời gian dài mới viên mãn. Nói đến điểm này là nói đến ý chí. Chúng ta phải có ý chí, nhất là người tu phải gan dạ. Gan dạ, có ý chí thì không nói lâu nói mau, không nói dài nói ngắn, không nói hay nói dở, không nói được nói mất, ta cứ kiên gan, giữ vững ý chí kiên định, thực hiện đúng tinh thần Phật dạy, cứ thế tuần tự mà làm, không cầu kết quả hiện tiền, cũng không sợ thất bại. Bởi vì thất bại là những bước chuẩn bị để chúng ta nhảy vọt lên. Thành ra người xưa dạy chúng ta phải chuyên cần.

“Chuyên” là chuyên môn, chuyên chú. Thường thường người ta nói chuyên tâm nhất ý, ở đây nói chuyên cần. “Cần” là siêng năng, cần mẫn. Chuyên chú, cần mẫn làm một việc, không thể hai việc cùng làm một lúc. Hoàn cảnh bây giờ đòi hỏi con người thực hiện hai ba việc một lúc, do đó chúng ta lại càng phải trui rèn ý chí. Nghĩa là hồi xưa tu khỏi phải lo lắng chi hết, ý chí khoảng năm sáu mươi phần trăm có thể thành công rồi, bây giờ chúng ta còn phải đương đầu lo ăn lo mặc, việc nọ việc kia… nên ý chí phải tăng lên tám chín mươi hoặc một trăm phần trăm, đừng quá một trăm phần trăm coi chừng sảng.

Những vấp váp, thất bại là bước chuẩn bị cho chúng ta vững hơn. Cho nên cả hai mặt thất bại và thành công đều giúp chúng ta tiến. Không vì thành công mà tự kiêu tự đại, không vì thất bại mà rầu rĩ, bi quan. Càng thất bại chừng nào chúng ta càng vững vàng vươn lên chừng đó. Quan niệm như vậy chúng ta sẽ thành công. Hoài bão chúng ta đã có, nguyện cả đã sẵn, gương người xưa đã đủ, đồng thời chính bản thân cũng có kinh nghiệm, thì không vì lý do gì mà chúng ta lại chùng chình bản nguyện của mình. Nhất định phải thực hiện cho đến cùng, phải là người chiến thắng được thói hư tật xấu, những nghiệp trầm kha, bệnh tật muôn đời, phải là người anh hùng chiến thắng được chính mình.

5. Mô phạm

Ông Phan Diên Chi nghe sự trì pháp và hoằng đạo của ngài Hoàng Long rất nghiêm mật, nhân đó ông hỏi ngài về sự quan yếu của pháp đạo ấy. Ngài Hoàng Long nói: “Cha nghiêm thì con kính. Qui huấn ngày nay là mô phạm ngày sau. Như người sửa đất, chỗ cao làm cho thấp xuống, chỗ trũng làm cho bằng lên. Người kia leo lên núi ngàn tầm, ta cũng leo lên bằng họ. Người kia chịu khốn cực để xuống dưới vực sâu chín tầng, ta cũng xuống dưới ấy bằng họ. Tài khéo muốn lên cao của họ đã cùng, vọng tưởng muốn xuống thấp của họ đã hết, tự nhiên họ tự phải nghỉ”. Ngài Hoàng Long lại nói: “Khí ấm áp của mùa xuân, mùa hạ là đem lại sự sinh dục cho vạn vật. Giọt sương tuyết của mùa thu, mùa đông là đem lại sự thành thục cho vạn vật. Như thế tôi không muốn nói được ư”.

Phan Diên Chi là một ẩn sĩ, lấy hiệu Thanh Dật cư sĩ. Ông này học đạo với thiền sư Hoàng Long, là người đệ tử thân cận của ngài nên mới có những lời thưa hỏi và góp ý. Thấy sư phụ nghiêm trì giới luật, nên ông hỏi sự quan yếu của pháp đạo, nghĩa là hỏi yếu chỉ, cách thức áp dụng Phật pháp. Ngài Hoàng Long nói “Cha nghiêm thì con kính” người thế gian đều biết, đã làm cha làm mẹ phải nghiêm trang đàng hoàng thì con mới quí kính, nép phục. Trong gia đình, hễ cha nghiêm thì con mới sợ, mới vâng lời; còn cưng chìu như mẹ thì không dạy được mấy đứa cứng đầu cứng cổ. “Qui huấn ngày nay là mô phạm ngày sau”, nghĩa là những điều mình áp dụng hôm nay sẽ là tấm gương, là bài học cho đời sau. Như người cha sống mẫu mực, hướng dẫn con cái phép tắc rõ ràng. Từ đó về sau chúng thấy cha mình, ông nội mình, ông cố mình có những phương pháp gia giáo tốt đẹp như thế, cần phải giữ gìn noi theo.

Hồi xưa Âu Dương Tu là một quan lớn của nhà Tống. Ông đóng cửa miệt mài học hành, chịu cực chịu khổ, thiếu thốn trăm bề, kết quả được đỗ đạt cao. Sau ông được bổ nhiệm chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Tống. Gia đình ông có đặc điểm gia giáo thế này. Có lần ông được nghỉ thời gian ngắn, mới về quê thăm mẹ. Hồi xưa đỗ đạt rồi có khi làm quan tại kinh đô năm mười năm chưa về quê một lần. Lần đó Âu Dương Tu về, mẹ ông mừng quá không ngủ được, ông cũng xúc động chẳng kém. Đêm đó được gần gũi mẹ, ông chăm chú nhìn từng cử chỉ của mẹ, nghe từng lời nói của mẹ. Bà kể lại chuyện ông già của ông ngày xưa. Cha ông lãnh nhiệm vụ tư pháp, về đêm ông luôn đốt đèn nghiên cứu giấy tờ đến một hai giờ khuya. Thỉnh thoảng ông chắc lưỡi, lắc đầu, nói nho nhỏ “Muốn cứu cho sống mà không sống được”. Đau xót khi thấy ông quá nhọc nhằn lại gặp những chuyện khó xử, bà bước ra thưa: “Khuya rồi sao ngài không nghỉ, lại còn than thở điều gì, dường như có việc bất như ý, tôi có thể chia sẻ được không?” Ông nói: “Không được”. Cả đời ông làm quan thanh liêm nên dạy dỗ con cái trong nhà rất nghiêm minh. Nhờ thế hầu hết các con của ông học hành đàng hoàng, thi cử đỗ đạt, nên mới có được Âu Dương Tu hôm nay.

Bà nói: “Hiện nay con là vị quan đứng đầu trăm quan, sinh mệnh của mọi người nằm trong tay con. Một lời nói của con, một nét bút của con ảnh hưởng đến sinh mạng của mọi người. Cho nên mẹ nhắc lại chuyện của cha con hồi xưa, truyền thống gia đình mình làm việc thanh liêm như vậy. Bây giờ con muốn xứng đáng là một người con hiếu thảo, làm rạng rỡ gia phong, giữ gìn mô phạm cho dòng họ thì phải nhớ noi theo hạnh đức của cha”. Đó là lần Âu Dương Tu học được bài học vô cùng quí báu của mẹ. Ông đã ghi lại công đức và phẩm chất cao đẹp của cha trên văn bia để con cháu muôn đời sau ghi nhớ và noi theo.

Chúng ta tu hành cốt phải thanh tịnh giải thoát. Đó là điều cao cả quí báu, không phải việc tầm thường. Dù muốn dù không, người Phật tử cũng hướng về chúng ta, nương tựa tu hành. Họ thương kính chúng ta, nên mới tôn sùng, lo lắng từng chút. Do đó ta không thể nào xem thường và có những sơ suất trong công việc của mình. Cho nên lúc nào mình cũng sáng suốt, gan dạ, thường xuyên trui luyện trí tuệ đạo đức, làm thế nào để xứng đáng là trưởng tử của Như Lai, là người chịu trách nhiệm duy trì ngọn đèn Phật giữa cuộc đời này. Chúng ta cần phải thành khẩn, học hỏi gương xưa, xét nét lại chính mình để từng bước khắc phục những xấu dở, từng bước cố gắng thực hiện di huấn của các bậc cổ đức. Đó là nói về mô phạm.

Ngài Hoàng Long lại nói: “Khí ấm áp của mùa xuân, mùa hạ là đem lại sự sinh dục cho vạn vật. Giọt sương tuyết của mùa thu, mùa đông là đem lại sự thành thục cho vạn vật”. Các điều kiện thuận lợi tốt đẹp thường giúp cho chúng ta dễ thành công. Tuy nhiên, các nghịch duyên bất như ý giống như mùa thu mùa đông cũng rất cần thiết để thành thục cho chúng ta. Cổ nhân nói: “Người sở dĩ thành công không phải ở trong sự vi diệu dễ dàng, mà ở từ khó khăn, rắn rỏi, cực nhọc. Và cái thành công có giá trị nhất là thành công từ sự khó khăn”. Cây sống trên gò cao, chỗ đất xấu cằn cõi thì gỗ của nó cứng chắc, rất có giá trị. Cây mọc ở những chỗ đất mùn tốt, đầy đủ điều kiện phát triển nhanh, thì gỗ của nó bộp, không phải gỗ quí. Giá trị của sự thành công từ chỗ khó khăn. Càng khó khăn chừng nào sự thành công càng có giá trị cao chừng nấy. Những thành công dễ dàng quá, e rằng đó là những cái bẫy. Chúng ta hớ một chút, sự thành công ấy sẽ đẩy sụp xuống hầm xuống hố, khó lường được. Cho nên sự thành công có được từ những điều kiện thuận lợi dễ dàng đáng cho chúng ta lo sợ, không biết nó sẽ đổ vỡ lúc nào. Người tu cần phải có cái nhìn thấu tột, vững vàng như vậy.

6. Đạt đạo

Ngài Hoàng Long nói: “ Đạo như núi, càng lên càng cao; đạo như đất, càng đi càng xa. Người học đạo nếu kiến thức ti tiểu, lập chí thiển cận, chỉ làm gọi là tận lực rồi thôi. Duy chỉ những người có chí tìm đạo mới đạt tới chỗ cùng cực trong lẽ cao xa của đạo. Những người kiến thức và năng lực ti thiển kia sao có thể sánh được với người có chí tìm đạo”.

Đạo giống như núi, càng đi lên càng thấy cao, đồng thời cũng giống như đất, càng đi càng thấy xa. Người xưa thường nói đạo trước mắt, đạo hiện tiền, nhưng các bậc đạo cao đức trọng ít ai dám vỗ ngực bảo rằng mình đã đạt đạo. Như vậy chứng tỏ càng sống càng gần, càng học càng tu, càng thực hiện đạo chừng nào thì càng thấy đạo ấy càng cao càng xa. Nói một cách khác, nếu chúng ta biết ứng dụng sống đạo thì đạo ở trước mắt, nếu chúng ta không biết ứng dụng thì đạo thật là xa vời, không có cách gì với tới được.

Phần mở đầu của Tín Tâm Minh, Tam tổ Tăng Xán dạy “Đại đạo không khó, chỉ hiềm người lựa chọn”. Theo Tổ đạo cả không xa với chúng ta. Sở dĩ xa là vì mình hay phân biệt, so đo, nghĩ thế này thế nọ. Ngài dạy chúng ta muốn sống được với đạo, hay thực sự hưởng được đạo lý cao xa ấy thì phải bỏ tâm phân biệt so đo tính toán, thì đạo thể hiện tiền. Tuy nhiên, trong đời sống của chúng ta bây giờ thì đạo xa. Bởi lẽ con người luôn hướng vọng ra ngoài, tâm lăng xăng với bao nhiêu thứ vọng tưởng đảo điên. Chỉ khi nào chúng ta sống được cái chân thật, đừng ngược xuôi nữa, dám buông bỏ tất cả thì may ra gần được đạo. Chứ nếu chúng ta cứ suy nghĩ, tính toán, ngược xuôi theo trần cảnh thì chắc chắn không bao giờ với tới đạo.

7. Chuyên nhất

Ngài Hoàng Long dạy: “Trời đất, mặt trời, mặt trăng ngày xưa cũng như trời đất, mặt trời, mặt trăng ngày nay. Tính tình vạn vật ngày xưa cũng như tính tình vạn vật ngày nay. Trời đất, mặt trời, mặt trăng vẫn không thay đổi và tính tình vạn vật cũng không thay đổi, tại sao chỉ có riêng đạo là thay đổi? Ôi vì người học đạo, hiểu đạo chưa đến nơi, họ chán cũ vui mới, bỏ đây lấy kia. Như người muốn đến đất Việt, họ không đi xuống phương nam mà lại đi lên phương bắc, thật là khác người vậy. Song như thế họ chỉ làm mệt tâm khổ thân và dù rằng coi như chí của họ càng siêng mà đạo càng xa vậy”.

Hồi xưa cũng quả đất, con người, mặt trời, mặt trăng… tất cả mọi thứ không có gì khác với ngày nay. Đức Phật trốn khỏi hoàng thành đi xuất gia, ngài cũng là một con người như chúng ta. Ngài cũng dùng thức ăn của những người chung quanh ủng hộ nhưng không tham đắm như chúng ta ngày nay. Vì vậy ngài tu mau đạt đạo. Chúng ta bây giờ hưởng thụ nhiều quá, tâm sanh tham đắm nên không đạt đạo. Lại, người xưa tu hành rất chuyên nhất, chúng ta tu không chuyên nhất. Chúng ta tu hành theo kiểu một nắng mười mưa, một bước tới mà hai ba bước lùi. Tu như vậy làm sao tới đích được. Hoàn cảnh ngày nay thuận lợi hơn, con người hôm nay thông minh hiểu biết nhiều hơn, lẽ ra đạt đạo sớm hơn, cao hơn chứ, trái lại không phải như vậy. Khuyết điểm này là của chúng ta chứ không phải từ đạo.

Chúng ta áp dụng chưa tới nơi tới chốn, chưa chuyên nhất, nên không sống được với đạo là điều tất nhiên thôi. Hoàn cảnh xã hội bây giờ thuận lợi hơn hồi xưa nhiều. Như lúc trước muốn đi từ tỉnh này qua tỉnh khác để học đạo, đâu có xe chạy ào ào trong vòng một tiếng, nửa tiếng đồng hồ là tới. Phải đi lang thang trong rừng, trải qua thời gian năm mười ngày, hoặc đôi khi hai ba tháng. Băng rừng lội suối, chịu cực chịu khổ mới tìm được vị thầy để thưa hỏi. Khó khăn lắm. Nhưng chính từ sự khó khăn này mà người xưa đã thành công tốt đẹp.

Bồ-tát Sĩ Đạt Đa trong khoảng sáu năm tu khổ hạnh, ngài học đạo trải qua ba bốn vị thầy. Có thầy đạt đến đệ tứ thiền, có thầy đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tất cả những tôn sư này đều đem hết kinh nghiệm, sở trường của mình để hướng dẫn Bồ-tát. Và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thôi, Bồ-tát đạt đến chỗ viên mãn của các vị ấy. Cho đến cuối cùng không vị thầy nào đặc biệt hơn giúp cho Bồ-tát toại nguyện, ngài mới nghĩ cách tiến thêm một bước nữa. Đó là ngài tự trải cỏ dưới cội Bồ-đề, ngồi xuống và phát nguyện thế này: “Đây là giai đoạn cuối cùng, nếu không đạt được đạo, dù thịt nát xương tan, ta quyết không rời khỏi chỗ ngồi này”. Đấng giáo chủ ngày xưa đã tu đạo như vậy, quyết tâm như vậy.

Bây giờ phương tiện nhiều hơn, tại sao chúng ta chưa có được quyết tâm chuyên nhất để thực hiện đạo cả ấy? Đây là vấn đề mà tự mỗi người phải hỏi lại chính mình. Chắc rằng không ai đổ thừa cho ai, mà tại chúng ta chưa chuyên nhất, chưa cương quyết, chưa cần mẫn. Thực sự nếu tình huống ấy kéo dài, phải nói rằng cuộc đời chúng ta đã trôi suông.

8. Nhất ý

Ngài Hoàng Long nói với ngài Anh Thiệu Vũ: “Người học đạo chí cần hướng về một chỗ, lâu không thoái chuyển, tất nhiên ngày kia diệu đạo sẽ quay về. Nếu người học đạo tâm còn yêu ghét, tình thả theo tà, thì tuy có chí khí như người xưa, tôi sợ rằng cứu cánh họ cũng chẳng thấy được đạo”.

Nhất ý là làm chủ được ý nghĩ, tập trung vào một việc. Tổ dạy người học đạo chí cần hướng về một chỗ, lâu không thoái chuyển, tất nhiên ngày kia diệu đạo sẽ đến. Điều này qua kinh nghiệm ngồi thiền chúng tôi thấy thế này, thường thường buổi ngồi thiền đầu đêm, từ bảy giờ rưởi đến chín giờ nhọc nhằn lắm, trong khi buổi khuya ngồi hai tiếng thấy khoẻ hơn. Đó là do buổi khuya trời mát, sau một giấc ngủ đầy, tâm ý chúng ta chuyên nhất, còn buổi tối sau một ngày làm việc mệt nhọc, lại thêm khí hậu nóng nực, khiến cho tâm ý không chuyên nhất, vì vậy ngồi thiền thấy nhọc. Ngồi thiền mà ý không chuyên nhất, để cho vọng tưởng kéo đi lung tung đầu này đầu kia, thì khoảng chừng mười lăm phút sau là bắt đầu gục. Từ những sợi tơ nhẹ nhàng của vọng tưởng dẫn mình tới chỗ u ám, không làm chủ được, trước sau gì cũng ngủ gục. Gục được một cái rồi thì bắt đầu gục liên miên không gượng nổi. Mở mắt lớn lên cũng không gượng được, nhìn tới nhìn lui, lắc đầu qua lại, nhướn thẳng người lên… đều không gượng được. Cho đến khi nào mình bật ngửa ra nó mới chịu tỉnh. Chừng đó thì quê quá rồi!

Đó là một kinh nghiệm trong đời tu hành của chúng ta. Nếu mình chưa chuyên nhất, không siêng năng trong công phu, sống lơ mơ lang mang giống như người không có chủ định, ngồi thiền dễ dẫn đến ngủ gục. Người xưa nói “Việc lớn chưa sáng, không có lòng nào nằm đó ngủ”. Việc lớn chưa sáng giống như người tử tội sắp bị hành hình, không còn lòng dạ nào mà vui vẻ, thích thú đi đây đi đó. Nếu chúng ta có đi đây đi đó là vì công việc bất đắc dĩ phải làm, chứ thật sự trong lòng lúc nào cũng áy náy, đắn đo, lo sợ. Mỗi lần đi như vậy là mỗi lần tan loãng ý chí, công phu, đạo lực. Rõ ràng công việc nhiều thì công phu loãng, nên ai rủ làm gì cũng làm, kêu đi đâu cũng đi.

Trong kinh có câu “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, nghĩa là người trụ tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong. Câu này na ná như câu tục ngữ trong dân gian “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Muốn một nghề tinh thông thì phải chuyên một nghề đó thôi, chứ bá nghệ lấp vô thì không có cơm ăn. Việc tu hành của chúng ta cũng thế. Phật nói vô lượng pháp môn tuỳ theo căn cơ của chúng sanh. Chúng ta xét kỹ thấy pháp môn nào thích hợp với mình thì tu theo pháp môn đó. Như vậy mới chuyên tâm nhất ý tu hành, không bị vọng tưởng dẫn đi lơ mơ lan man. Người làm chủ được mình thì ngày và đêm đều làm chủ. Người không làm chủ được mình, ban ngày có thể dấu kín những vọng tưởng lăng xăng, nhưng đến tối nằm ngủ nói mớ, tự động khai ra hết.

Hồi đó tôi có một người huynh đệ, ban ngày làm gì nghĩ gì tối ổng nói ra hết. Sáng ra tôi kể lại, ông chối phắt. Cho nên tối tôi để máy thâu, sáng phát ra cho ông nghe mới chịu im. Lần đó đang học, mấy người bạn rủ đi Cần Thơ chơi, trong đoàn có Phật tử nữ nữa. Anh đi không xin phép nhà trường, huynh đệ không ai hay biết gì, đi như vậy cả tuần lễ. Tới hồi về hỏi không nói. Bữa đó ngủ, ông khui chuyện Cần Thơ, tôi mở máy thâu. Ông kể vô vườn ăn trái cây vui quá, đi chơi đầu này đầu nọ, thăm viếng những chỗ hồi nào tới giờ chưa từng đến, thích thú biết bao nhiêu. Nói xong tôi kêu dậy, mở băng ra. Hết chối rồi nghe!

Đó là gì? Do ý thức đưa các hình ảnh bên ngoài vào dự trữ trong tàng thức. Tối đến trong kho nó tuôn ra, tuôn không có trật tự gì hết. Do đó có những điều đương sự không muốn nó ra mà nó vẫn ra. Thực sự trong đời sống riêng tư, có những điều mình không dám nói với ai, kể cả mẹ mình. Mẹ là người gần gũi, tin cậy nhất, là nơi nương tựa vững vàng của mình, nhưng cũng có những việc mình không dám nói cho mẹ biết. Ấy thế nhưng trong lúc ngủ mê nói mớ, mình khui hết ráo, không giấu diếm điều gì. Đó là vì chúng ta chưa làm chủ được vọng tưởng, chưa chuyên nhất trong việc tu hành.

Chúng ta thả trôi một thời gian dài bởi những việc làm không cần thiết. Có ý mà không có chí, chỉ làm theo cảm hứng, theo tập nghiệp nên công phu tu hành chẳng đi đến đâu. Người từng bước khắc phục khó khăn, có đời sống tâm linh vững vàng là người có chí. Có chí cộng thêm ý nữa tức là sự sáng suốt. Hai điều này hợp lại thì sự thành công rất có giá trị. Cho nên người tu cần phải có ý chí. Làm chủ được cái ý, kết hợp được cái chí, từ đó trui luyện ý chí. Ý chí bổ sung cho trí tuệ chúng ta phát triển sáng suốt, như vậy không có việc làm nào không thành công. Cho nên người tu đòi hỏi ý chí phải mạnh, nếu ý chí yếu một chút là dễ bỏ đạo lắm.

 

Có những trường hợp rất giản dị, nhưng nếu không có ý chí thì khắc phục không được. Ví dụ hôm đó mình làm việc cả ngày, khuya lại phải ngồi thiền từ ba giờ tới năm giờ. Thời khoá này không thể bỏ được. Mọi người nghe kiểng hô thiền, ngồi ngay ngắn, vị giám thiền xách thiền trượng đi, ông nào gục là đánh thức liền. Biết như vậy nhưng bữa đó mình mệt, mắt nhắm mắt mở, ngồi lừng xừng một hồi không thắng được, nó gục. Ma ngủ tới rồi mình có trăm ngàn lý do để nghe theo nó. Hôm nay mình mệt quá, ở riêng một mình, chắc ngủ cũng không ai biết. Mấy ông trạng sư bảo vệ một hồi, mình nằm xuống ngáy pho pho. Buổi khuya nằm xuống ngáy nó nhanh ơi là nhanh, sao mới ngủ đó mà nghe kiểng xả thiền rồi. Nhưng nếu ngồi gật gù thì nó lâu lắc, nghe từng tiếng tích tắc của đồng hồ. Thành ra một khi mình dễ duôi, không có ý chí thì việc tu tập không tiến được.

Chẳng những hàng xuất gia phải nuôi dưỡng ý chí mà luôn cả hàng Phật tử tại gia cũng như thế. Các Phật tử lại càng khó khăn hơn hàng xuất gia, họ lo trăm ngàn thứ việc, đôi khi ngay giờ tu lại có việc nữa. Cho nên họ luôn đứng giữa ngã ba đường, không biết đi hướng nào, giải quyết ra sao. Như tới giờ ngồi thiền có chương trình đá banh chung kết thì chết rồi. Cả tháng nay theo dõi, bây giờ chung kết làm sao bỏ được. Chuyện tu hành cũng không thể bỏ, bây giờ phải làm sao? Thôi mở tivi ra ngồi thiền. Quí vị thấy tu như vậy được không? Cũng được, nhưng mà cái đó chưa gọi là nhất ý. Tu như vậy không thành công. Đồng ý điều kiện tiên quyết của người tu là phải có trí tuệ sáng suốt, nhưng cũng không thể thiếu ý chí. Trui luyện ý chí lúc nào cũng sáng rực, như vậy chúng ta mới vượt qua mọi khó khăn một cách vững vàng.

Tâm của chúng ta yên rồi, ý chí vững mạnh rồi, sự sáng suốt hoàn bị viên mãn, thì không có việc làm nào không thành công, vô sự bất biện. Nên nhớ mình tu để được thanh tịnh, tròn đầy trí tuệ, làm tất cả Phật sự “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh”. Nếu không đầy đủ ý chí, đầy đủ trí tuệ thì làm sao thực hiện nổi.

 

- HT Thích Nhật Quang -

 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]