HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đạo Ngộ

tsdaongo11. Thiền sư Đạo Ngộ  (Thiên Hoàng Tự)([1])
(747 - 806)

Sư họ Trương, quê ở Đông Dương, Vụ Châu. Lúc còn nhỏ, Sư dung nghi thù đặc, không học mà biết.

Ngài Đạo Ngộ lúc còn nhỏ không học mà biết, thường những vị thánh tăng hay Bồ-tát tái lai hoặc thần đồng mới có khả năng như vậy. Đời trước công phu đã đầy đủ nên đời này vừa gợi đến liền thành tựu. Cho nên người tu thường nguyện đời đời sanh ra gặp Phật pháp, nương nơi trí tuệ Bát-nhã của mình tu hành cho đến ngày thành Phật.

 Năm 14 tuổi, Sư xin cha mẹ xuất gia, cha mẹ không cho, Sư thệ bớt ăn bớt uống, mỗi ngày ăn một bữa, dần dần thân thể tiều tụy. Cha mẹ bất đắc dĩ hứa cho Sư xuất gia.

Ngài chỉ mới 14 tuổi nhưng đã có ý chí hơn người, vì bảo vệ chí nguyện xuất gia của mình nên ngài bớt ăn bớt uống, mỗi ngày ăn một bữa, thân thể tiều tụy, cuối cùng cha mẹ phải đồng ý cho xuất gia. Ở độ tuổi như Ngài ít ai nghĩ đến việc xuất gia tu hành, sống vô tư vui chơi học tập trong sự bảo bọc của cha mẹ.

Sư xuất gia với Đạo Đức ở Minh Châu. Năm 25 tuổi, Sư đến chùa Trúc Lâm ở Hoàng Châu thọ giới Cụ túc. Sư tinh tấn tu hành giới luật trang nghiêm. Ban đêm, Sư thường ra gò mả ngồi thiền, không kể gió mưa, chẳng chút sợ sệt.

Sau khi được xuất gia, Ngài tu hành rất tinh tấn, nghiêm trì giới luật. Với nghị lực phi thường, Sư ra gò mả ngồi thiền vào ban đêm, không kể gió mưa, chẳng chút sợ sệt, nỗ lực công phu miên mật không ngơi nghỉ. Chỗ này ngày nay chúng ta thua kém người xưa rất xa nên luôn phải noi theo gương hạnh tinh tấn của các bậc thánh tăng.

Sau, Sư đến Kính Sơn yết kiến Thiền sư Quốc Nhất, nhận được tâm pháp, ở lại đây hầu năm năm. Niên hiệu Đại Lịch (766 TL), Sư đến Chung Lăng yết kiến Mã Tổ, chỉ được ấn định lại những chỗ hiểu trước, không có pháp gì khác. Sư dừng lại đây hai năm.

Thiền sư Quốc Nhất là vị thiền sư nổi tiếng đương thời. Ngài Đạo Ngộ yết kiến ngài đầu tiên, nhận được tâm pháp, tức là đã vào được cửa và ở lại học đạo năm năm. Sau đến pháp hội của Mã đại sư dừng lại hai năm. Nơi này Ngài được tập luyện, kiểm điểm lại những gì đã hành trì trong giai đoạn trước.

Sư lại đến yết kiến Thạch Đầu. Đến Thạch Đầu, Sư hỏi:

- Lìa định tuệ lấy pháp gì dạy người?

Thạch Đầu đáp:

- Ta trong ấy không có nô tì, lìa cái gì?

- Thế nào rõ được?

- Ngươi chụp được hư không chăng?

- Thế ấy tức chẳng từ ngày nay đi.

- Chưa biết bao giờ ngươi từ bên này đến?

- Đạo Ngộ chẳng phải người bên này.

- Ta đã biết trước chỗ ngươi đến.

- Sao Thầy lấy tang vật vu khống người?

- Thân ngươi hiện tại.

- Tuy nhiên như thế, cứu cánh làm sao chỉ dạy người sau?

- Ngươi nói ai là người sau?

Sư nhân đây đốn ngộ, đối với lời dạy của hai vị thầy trước tâm còn sở đắc, nơi đây sạch hết dấu vết.

Ngài Đạo Ngộ hỏi ngài Thạch Đầu: Lìa định tuệ lấy pháp gì dạy người? Thạch Đầu đáp: Ta trong ấy không có nô tì, lìa cái gì? Nô tì là tôi tớ. Cái gì là tôi tớ? Là ngôn ngữ văn tự. Những người đạt đạo sống với tâm chân thật nên không còn mắc kẹt danh tư,ø ngôn ngữ. Danh từ, ngôn ngữ là giả danh, không thật, tạm bợ nên các ngài gọi là nô tì. Nói định, nói tuệ cũng là những tên bên ngoài, cái thật là chủ nhân thoát ra ngoài những tên ấy.

Đạo tràng của ngài Thạch Đầu được coi là trường thi Phật sánh ngang với đạo tràng của ngài Mã Tổ. Các ngài là những bậc tông sư nên trả lời xuất cách. Chúng ta bây giờ phải dẫn giải cặn kẽ để người ta hiểu. Mình còn là phàm phu, vướng phải nhiều sai phạm nên phải có thanh quy rồi thọ giới, giữ giới, từ đó mới sanh định, nhân định phát tuệ, dần dần theo lối tiệm tu như vậy.

Ở đây ngài Thạch Đầu đáp một cách đặc biệt Ta trong ấy không có nô tì, nói gì là định tuệ. Thiền là ở ngay hiện thực. Đối đáp cũng là để chỉ thẳng chỗ đó.

Đầu tiên Ngài ngộ nơi thiền sư Quốc Nhất, vào cửa được nhưng chưa hoàn toàn. Nay được nghe thiền sư Thạch Đầu hạ cú, Ngài liền đốn ngộ, những gì còn đọng lại ở giai đoạn trước tiêu tan hết, nên nói nơi đây sạch hết dấu vết.

Ngài hỏi: Thế nào rõ được?, tức làm sao rõ được cái ấy. Thạch Đầu nói: Ngươi chụp được hư không chăng?, tức là muốn rõ cái đó chẳng khác nào muốn chụp hư không. Cái đó tự ngộ chứ không thể thấy được, nắm được, bắt được cũng như hư không làm sao nắm bắt được. Chỗ chân thật ấy không hình tướng, mỗi người tự nhận lấy.

Thế ấy tức chẳng từ ngày nay đi, nếu như vậy tức không phải từ ngày nay đi rồi. Ngài Thạch Đầu trả lời: Chưa biết bao giờ ngươi từ bên này đến? Khi nói ngày nay đi hay bên này đến là muốn nói bên này là bờ mê của phàm phu, bên kia là bờ giác. Còn bên này, bên kia là chưa đến chỗ cứu cánh. Vì vậy, ngài Đạo Ngộ đáp: Đạo Ngộ chẳng phải người bên này, nếu nói bên này thì Đạo Ngộ không phải người bên này. Ngài Thạch Đầu liền trả lời: Ta đã biết trước chỗ ngươi đến, nếu ngươi không phải người bên này, ta biết ngươi đến chỗ nào.

Sao Thầy lấy tang vật vu khống người? Nghĩa là con chưa đến sao thầy quả quyết là biết chỗ con đến. Như vậy thầy đã lấy tang vật vu khống cho con. Ngài Thạch Đầu đáp: Thân ngươi hiện tại, ta biết chỗ ông đến chỉ là ông không chấp nhận. Đến là từ bên này đến bên kia. Có bên này, bên kia là còn mắc kẹt trong đối đãi, hình thức. Vì thế ngài Đạo Ngộ nói: Sao Thầy lấy tang vật vu khống người ?, con không phải bên này, cũng không phải bên kia. Đáp: Thân ngươi hiện tại, tức là ngươi hiện đang sống. Ngài Đạo Ngộ nghe vậy mới chịu, nên nói: Tuy nhiên như thế, cứu cánh làm sao chỉ dạy người sau ? Nghĩa là con đã sống được với cái đó, nhưng làm thế nào dạy cho người sau.

Ngài Thạch Đầu gạn lại: Ngươi nói ai là người sau? Vì còn nghĩ đến người sau là còn nghĩ đến mình hiện tại, tức còn ngã chấp. Bị ngài Thạch Đầu nạt, Đạo Ngộ bừng tỉnh, khi đó mới sạch hết dấu vết. Chúng ta bây giờ sống lo cho mình, cho người sau, đủ chuyện hết nên cái ngã còn rất lớn.

Về sau Sư đến Kinh Châu ở núi Sài Tử - Tương Dương, học chúng theo học rất đông. Dân chúng trong đô thành nghe danh lũ lượt kéo đến tham vấn. Trong đô thành có chùa Thiên Hoàng là nơi danh lam, bị hỏa hoạn hư sập, thầy Trụ trì là Linh Giám tìm cách xây cất lại. Linh Giám ước rằng: “Nếu được thiền sư Đạo Ngộ về làm Hóa chủ ở đây là phước lớn của ta.” Lúc nửa đêm, Linh Giám đến cầu thỉnh Sư, Sư hoan hỷ nhận lời. Từ đây về sau, Sư dừng trụ ở chùa Thiên Hoàng.

Vị trụ trì chùa Thiên Hoàng đang dốc lòng trùng tu nhưng biết phước lực, nhân duyên của mình làm được cũng gian nan, cực khổ. Nếu có được bậc hóa chủ đặc biệt như ngài Đạo Ngộ về trụ, việc xây dựng lại ngôi chùa cổ đổ nát này sẽ không có gì khó khăn, là phước lớn cho đạo tràng.

Có Bùi Công đến cúi đầu hỏi pháp, Sư trọn không đưa đón. Bùi Công càng kính trọng. Đối với khách, Sư không phân biệt sang hèn đều ngồi chào họ.

Ngài Đạo Ngộ không phân biệt khinh trọng sang hèn, đối với ai cũng bình đẳng, đều ngồi chào họ. Bùi Công là tướng quốc đời Đường tới thăm, đến Ngài không đón, đi cũng chẳng đưa. Bùi Công càng thêm kính trọng. Bùi Công hay Bùi Hưu là một cư sĩ ngộ đạo, sau này là đệ tử của thiền sư Hoàng Bá. Bùi Hưu tham vấn thiền ở rất nhiều nơi.
Nhân duyên đến chùa Tướng Quốc thăm viếng, xem qua hình tượng các vị thánh tăng, Bùi Hưu hỏi thầy tri khách:

- Hình ở đây mà thánh tăng ở đâu?

Thầy tri khách không đáp được. Cư sĩ lại hỏi:

- Vậy trong chùa có thiền sư không?

Tri khách đáp:

- Hồi sáng có một vị tăng mới đến, có vẻ là một vị thiền sư.

Ngài Hoàng Bá đã đến chùa lúc sáng. Bùi Hưu xin được gặp. Ông lặp lại câu hỏi trước. Ngài Hoàng Bá nghiêm giọng gọi lớn:

- Bùi Hưu!

- Dạ.

- Ở đâu?

Bùi Hưu sụp lạy. Từ đó về sau ông nhận ngài Hoàng Bá làm thầy.

Người xưa học đạo khi thấy duyên của mình đầy đủ rồi, bằng mọi cách làm sao để tâm đạo được tròn đầy. Tâm đạo tròn thì trí tuệ mới sáng, tu hành mới viên mãn.

Có vị tăng hỏi:

- Thế nào là nói huyền diệu?

Sư đáp:

- Chớ bảo ta hiểu Phật pháp.

- Nỡ để học nhân đeo nghi mãi sao?

- Sao chẳng hỏi lão tăng?

- Hỏi rồi.

- Đi! Không phải chỗ ngươi ngụ.

Có vị tăng hỏi: Thế nào là nói huyền diệu? Sư đáp: Chớ bảo ta hiểu Phật pháp. Vì chỗ huyền diệu là chỗ không thể hiểu, vừa hiểu thì không phải huyền diệu. Cho nên ngài Đạo Ngộ nói: Chớ bảo ta hiểu Phật pháp, tức là nói huyền diệu.

Ngài đã chỉ huyền diệu rồi nhưng vị tăng không hiểu: Nỡ để học nhân đeo nghi mãi sao? Vị này không vào cửa nổi nên Ngài đặt câu hỏi: Sao chẳng hỏi lão tăng? Ngài đã nói rồi, mà vị tăng còn nghi, nên bảo cứ hỏi đi. Vị tăng nói: Hỏi rồi. Hỏi rồi thì Ngài cũng đã nói rồi mà không hiểu nên Ngài nói: Đi! Không phải chỗ ngươi ngụ. Vị tăng này bị rơi.

Các thiền sư không nói đạo lý, nhưng những lời nói của các ngài lại chứa đựng đạo lý sâu xa.

Đời Đường niên hiệu Nguyên Hòa (806 TL) tháng 4, Sư có chút bệnh bảo đệ tử báo trước ngày tịch. Đến ngày cuối tháng, chúng họp nhau đến thăm bệnh Sư. Bỗng nhiên, Sư gọi:

- Điển tọa!

Điển tọa lại gần, Sư bảo:

- Hội chăng?

Điển tọa thưa:

- Chẳng hội.

Sư cầm chiếc gối ném xuống đất, rồi từ biệt chúng thị tịch. Sư thọ 60 tuổi, 35 tuổi hạ.

Ngài Đạo Ngộ từ nhỏ đã có khả năng đặc biệt không học mà thông, đồng thời là người có ý chí, nghị lực phi thường. Do quyết chí xuất gia nên ngài bớt ăn bớt uống, khiến thân thể gầy mòn để thuyết phục cha mẹ cho phép đi xuất gia. Sau khi được xuất gia, Ngài luôn tinh tấn tu hành, trì giới, nỗ lực công phu không kể ngày đêm, mưa gió… Hành cước hỏi đạo nhiều nơi trong khoảng bảy năm.
Sau đó đủ duyên được mời về chùa Thiên Hoàng, từ đây Ngài dừng trụ để giáo hóa, tông phong hưng thịnh. Người đời sau gọi Ngài là Thiên Hoàng Đạo Ngộ.
------------------------------------------------------------------------------------------------
([1]) Đạo Ngộ có hai vị đồng thời đồng xứ, một vị ở chùa Thiên Hoàng đệ tử Thạch Đầu, một vị ở chùa Thiên Vương đệ tử Mã Tổ. Truyền Đăng Lục chép một vị là sai.
 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]