PHÁP VỊ CỦA NGƯỜI TU

 Tất cả chúng ta sau một thời gian nỗ lực tu hành, ít nhiều cũng có kết quả nào đó, như vậy mới có thể tiếp tục đi hết con đường Phật đạo. Cho nên hôm nay chúng tôi sẽ nói về Pháp Vị Của Người Tu.

Chữ “Vị” là mùi vị, “Pháp” là Phật pháp. Chúng ta hưởng được mùi vị Phật pháp chân chính sau khi trải qua một thời gian tu, đó gọi là pháp vị. Nói thế không có nghĩa là ta cầu chứng đắc hay mong mỏi chứng đắc. Đây là một hiện thực, nếu người quyết tâm, nắm vững phương pháp, khẳng định công phu tu hành tăng tiến thì sẽ được pháp vị.

Pháp vị trong nhà Phật không phải dễ dàng thưởng thức. Muốn thưởng thức được pháp vị, người xưa đã phải khắc chữ “Tử” lên trán hoặc “coi như mình đã chết”. Kiểm lại chúng ta ngày nay chưa thể coi như mình đã chết, mà còn ham sống sợ chết nữa là khác. Bởi ham sống nên đối duyên xúc cảnh, ta không thể tha thứ bất cứ một việc lớn nhỏ nào, hiện tượng nào mình cũng chiếu cố. Bởi chiếu cố nên vui thì cười, buồn thì mặt mày méo xẹo.

Thiền sư đã dạy đệ tử như thế này: “Ông hãy giữ cái miệng của ông như cây quạt mùa đông ở cao nguyên”. Ông thầy không cho đệ tử nói chuyện, nhất là những chuyện không thích hợp với việc tu hành, với đời sống sinh hoạt của người xuất gia. Lời dạy ấy rất giản dị, nhưng cũng không phải dễ dàng thực hiện. Bởi chúng ta có bệnh hay nói, chuyện của mình nói đã đành, chuyện của người ta không can dự gì đến mình cũng nói, để chứng tỏ ta là người biết nói. Bởi nói chuyện tào lao nên mất lòng, sanh sự rồi phiền não dẫy đầy. Người như vậy dù tu bao lâu cũng không hưởng được pháp vị.

Vậy thì người nào được hưởng pháp vị? Như tôi vừa giới thiệu, người chịu tu, quyết tâm tu, coi như mình đã chết, người gắn được chữ “Tử” lên trán, hoan hỷ tha thứ, buông bỏ hết là người hưởng được pháp vị. Tuy nhiên, không thể nhất thời chúng ta hoàn chỉnh một loạt những điều như vậy. Bây giờ tuần tự từng phần, từng giai đoạn chúng ta hoàn chỉnh. Nếu phần nào khó khăn, chúng ta vận dụng dũng lực công phu tu hành nhiều hơn nữa, nhất định tiến chớ không lùi.

Vận dụng công phu tu hành nghĩa là vận dụng năng lực của sự dũng mãnh ở bên trong chúng ta. Như khi ta có một việc gì không yên trong lòng, cảm thấy bức xúc thì lúc bấy giờ mình nghe mà như không nghe, nhìn mà như không nhìn, tức là không để ý gì hết, tự nhiên sẽ được yên. Điều này tuy đơn giản nhưng phải vận dụng năng lực, sức mạnh bên trong mới làm được.

Thường khi muốn giấu những nỗi buồn bực, người ta hay nói đông nói tây, giận chuyện này mà đánh trống lảng chuyện kia. Như thế chỉ có sức mạnh khắc phục được những gì bên ngoài, nhưng chưa khắc phục được chính mình. Bởi vậy những thành công đó thực chất của nó là sự thất bại. Chỉ có người nào làm chủ được mình, tự khắc phục chính mình, có thể tha thứ, khoan dung, từ ái, nhẫn nhịn và bình an với mọi người, đây mới đích thực là người có sức mạnh. Sức mạnh này không phải từ bên ngoài đem vô, cũng không do năng lực của thần thánh nào ban cho, mà đây là sức mạnh do ý chí và năng lực của chính mình.

Ví dụ chúng ta đang tu theo đạo Phật, nhưng có người bạn nói: “Tu hành như anh biết bao giờ mới thành Phật, bỏ quách đi theo tôi nè, chỉ ba tháng là được thần thông quảng đại”. Nếu chúng ta không có sức mạnh thì dễ nghe lắm. Cho nên người tu Phật phải có lập trường vững vàng, bất động trước mọi cám dỗ bên ngoài. Thiền sư khi đã được bất động rồi, các Ngài khẳng định thế này: “Nếu  như ngay bây giờ, con bị những nghiệp báo oan khiên nhiều đời hành hạ cùng cực, giả như phải chết đi, bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô vàn, nhưng đối với tâm đạo, đối với trí tuệ Bát-nhã, con xin khẳng nguyện sau khi trả hết những oan báo nợ nần đó, con quày đầu trở lại với trí Bát-nhã, tiếp tục tu hành cho tới ngày thành Phật. Trong quãng đó, ai nói gì về pháp tu của con, con cũng bình thường”.

Kiên tâm và lời khẳng định của người tu hành là như vậy. Chỉ khi nào được như thế ta mới hưởng được pháp vị. Vậy những cách thức cụ thể để hưởng pháp vị như sau:

Thứ nhất là đừng dính mắc. Có dính là có mắc, do đó hai từ này thường đi chung, chỉ cho sự ràng buộc, mắc mứu, gỡ không ra. Bây giờ đối với tất cả hiện tượng trước mắt, chúng ta đừng dính mắc. Những hiện tượng đó là gì? Hoàn cảnh chung quanh ta như ăn mặc, ngủ nghỉ, tiếp xúc, đi lại, địa vị, tiền bạc, tình cảm… mọi thứ trên đời. Ta gỡ từ từ, giống như trước mắt mình có một mớ dây rối bời, bây giờ ta bình thản, ngồi gỡ lần lần thì nó sẽ hết rối. Thời gian chậm mau không đặt thành vấn đề, mà với tâm cương quyết sáng suốt, bình tĩnh, nhất định ta sẽ gỡ ra hết.

Sợi dây đó ví cho dây tiền bạc, địa vị, tài sắc, quyền lợi, quyến thuộc… tất cả các thứ. Nghĩa là mọi thứ trong cuộc đời này như mớ bòng bong, cuộn chúng ta lại không biết đường chui ra. Thử kiểm lại xem có phải mình ham tiền không? Phật dạy, người tu đừng ham tiền, ta mở thảy ra. Mình có ham ăn không? Tu mà ham ăn coi sao được, ta mở thảy ra. Mình có ham chơi không? Tu mà ham chơi làm sao định được, ta mở thảy ra. Nhớ thảy cái nào cho gọn cái nấy, chứ đừng để gần rồi nó quến trở lại. Làm sao trong tay nải của mình chỉ có pháp ấn thôi. Pháp ấn là gì? Là Phật pháp để mở tất cả những sợi dây ở trên đó. Mở thảy ra chừng nào thì nhẹ nhàng chừng ấy, chừng nào trong tay nải sạch sẽ, không còn gì nữa thì ta tự tại giải thoát.

Người sáng suốt không dại gì giữa trời trưa nắng gắt, đường xa gánh nặng mà cứ chất đồ lên hoài. Không có ông Thượng đế nào tới gỡ cho mình được đâu. Chỉ có ta khôn thì thảy bớt đồ trong gánh ra là nhẹ thôi. Đường dài sanh tử vô cùng vô tận, đối với các vị thánh thì đó là chuyện không thật nhưng nếu chúng ta mở không ra, dứt không được, buông không xong, thì nó cứ lầy nhầy hoài từ đời này sang kiếp nọ, không có ngày dứt.

Có nhiều cụ già cả trăm tuổi lụm cụm đi không nổi, mà vẫn cứ chăm lo con cháu, chút chít, không buông bỏ được. Trong gia đình giải quyết chuyện thằng hai chưa xong, chuyện thằng ba rối tới, mấy đứa cháu nội, cháu ngoại… đủ thứ hết. Tới lúc mình không còn thở nổi nữa nó cũng lại hỏi bên tai, mấy thẻ vàng để đâu, chia cho đứa nào, mỗi đứa bao nhiêu, hỏi kỹ lắm. Tính không xong, lát nữa mình nằm xuống nó quật lên xem có cất đâu trong người không. Con cháu nó thương mình lắm, sợ chết chưa lãnh phần nên dựng dậy coi cho kỹ. Cuộc đời này là như vậy.

Cho nên người khôn ngoan phải giải quyết cho xong trong đời mình, làm sao hưởng được pháp vị trước khi nhắm mắt ra đi. Pháp vị chỉ có ở sự bố thí, buông đi, giống như gánh nặng thảy xuống thì nhẹ. Đừng nói bánh ít bánh tét tôi thảy được, còn ngọc ngà châu báu làm sao thảy? Thưa, món nào trong gánh cũng nặng hết, không lựa là bánh ít bánh tét nặng còn vàng ngọc không nặng. Chúng ta hay lựa chọn, bởi lựa chọn nên cứ gánh hoài. Gánh từ hồi mới mười lăm mười bảy tuổi cho tới sáu bảy mươi tuổi, đi còm lưng gánh hết nổi mà vẫn cứ gánh.

Muốn hưởng thụ pháp vị, chúng ta phải nỗ lực bằng chính sức mạnh của mình, phần nội tại phải vững mới không bị lay chuyển bởi mọi thứ chung quanh. Tránh tình trạng một nắng mười mưa, tức là bước tới một bước, bước lùi hai ba bước, như vậy làm sao tới nơi tới chốn được. Người buông được không dính mắc là người làm chủ được tất cả, là người biết thương mình. Người như thế luôn sống trong thế bình an, giống như kẻ đang ngồi yên ở chỗ gò cao, nhìn mọi thứ qua lại trước mắt mà vẫn bất động.

Trong huynh đệ chúng ta, ít nhiều cũng hưởng được đôi chút pháp vị rồi. Nhưng làm sao bồi dưỡng, phát triển cho nó được rộng rãi, lớn lao hơn nữa mới tốt. Điều đó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, sự tu tập của từng người. Ở đây điều thứ nhất là không dính mắc mà thường biết, chớ không phải không ngơ, không biết gì. Như Hòa thượng dạy, người tu thiền các giác quan rất sáng suốt bén nhạy, không một trở ngại nào làm mờ tối các giác quan. Nghĩa là đối duyên xúc cảnh, chúng ta không bị bất cứ một cảnh duyên nào kéo lôi. Mắt vẫn thấy các sắc tượng mà không chạy theo bất cứ một sắc tượng nào. Và ngược lại không một sắc tượng nào làm lầm, kéo lôi được sự tỉnh giác của chúng ta. Đó là hiện tướng của người hưởng được pháp vị.

Thực sự khi chúng ta có công phu tu hành sâu sắc, những dấy niệm lăng xăng giảm thiểu, chắc chắn mùi vị an lạc hiện tiền. Những giây phút ấy thống khoái đặc biệt và thời gian đó chúng ta không thể nào nói ra hoặc tính được. Như buổi sáng ta ngồi thiền một tiếng đồng hồ không ngủ gục, không đói bụng, không có gì bức xúc, chúng ta thấy rất khinh an. Còn ngồi thiền mà mọi việc từ sáng tới chiều giải quyết chưa rồi, bây giờ ngồi đó nhớ lại, thân thể giống như đang ngồi trên sóng biển, hoặc trên lưng tuấn mã vậy. Nó nhồi mình hết cái này tới cái kia, hớ một chút nó dẫn mình đi mất. Quả thực pháp vị mình không nếm được. Cho nên một tiếng đồng hồ với công phu sâu sắc sẽ nếm được pháp vị không thể tính kể.

Dù cho chúng ta xuất gia mấy mươi năm mà trong công phu tu hành, kiểm điểm lại thấy bị mất mình thì biết chưa hưởng được một chút pháp vị nào hết. Đó là những dẫn dắt bình thường trong tư tưởng dấy niệm, không có gì hiện thực cả, huống là những cảnh vức, những sự kiện hiện thực trước mắt, liệu xem mình có làm chủ được không? Do đó chúng ta có thể trả lời một cách dứt khoát về việc sanh tử của chính mình, bằng cách nhìn vào hiện tại ngay bây giờ mình có làm chủ được hay không? Mọi dấy niệm chúng ta có làm chủ được không? Những vọng tưởng điên đảo có dừng được không? Nếu ta có năng lực, có công phu dừng được nó thì con đường luân hồi sanh tử có thể dừng được. Còn kiểm lại hiện tại nếu chúng ta buông lỏng, cứ bị kéo lôi thì không có gì bảo đảm cả.

Khi chới với không còn đủ hơi thở để sống, ta mới thấy không có phép mầu nào, thần dụng nào cứu gỡ được mình bằng pháp vị. Cho nên pháp vị là sức mạnh, là nội lực, là công phu tu hành thông qua định tuệ của chúng ta, chớ không có gì khác. Hiểu thế rồi chúng ta khỏi đợi chờ, khỏi mong cầu. Nếu làm điều tốt thì sẽ có những người tốt hỗ trợ cho ta, nếu làm điều tăm tối thì ma mị sẽ đến thúc bách sau lưng ta.

Là những người con Phật, nắm chắc luật nhân quả và có công phu tu hành, chúng ta kiểm lại thấy rõ ràng, nếu tâm ta chân chính, công phu tu học đúng phương pháp thì nhất định sẽ không bị rơi lạc vào ma mị nên ta không sợ hãi chúng. Điều mà ta sợ là những dấy niệm ta không làm chủ được. Bởi khi ta lên sáu bảy mươi tuổi thì mạng sống không có gì bảo đảm, có thể duyên kết thúc bất cứ lúc nào, không biết được. Do đó nếu không chuẩn bị, không có pháp vị thì thật đáng sợ. Hưởng được pháp vị cũng như có pháp ấn trong tay nải, không còn gì để sợ nữa.

Nói tới đây, tôi nhớ hồi còn nhỏ, các cụ lớn tuổi kể cho tôi nghe về tấm giấy bạc có hình bộ lư. Chỉ gia đình ai giàu mới có tiền này, cậu nào cuỗm được chừng năm chục một trăm, mang ra đổi cũng không ai có tiền đổi hết. Giá trị của nó lớn lao như vậy. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy tờ giấy bạc ấy cũng như pháp ấn vậy. Chúng ta đi đâu mà có pháp ấn trong tay nải thì không sợ gì hết. Không sợ ma, không sợ quỷ, không sợ địa ngục, cũng không khoái thiên đường. Bởi pháp ấn trùm khắp ba cõi, thống lãnh ba cõi, làm chủ ba cõi thì còn gì để sợ chứ!

Đạo lý nhà Phật chỉ thẳng chỗ chính yếu đó cho chúng ta tu, nếu chưa yên là tại ta thôi. Có thể nói năng lực chủ động trong mọi thứ bất an bất ổn là si mê. Bởi si mê nên mình chấp cái này, dính cái kia, chạy theo cái nọ, mất đi sự thăng bằng nên pháp vị không còn nữa. Bây giờ chúng ta giữ thế chủ trì trở lại, lập cước trên việc tu hành của mình, loại bỏ những gì si mê mờ tối ra, tự nhiên tâm trong sáng hiện tiền, pháp vị phát sinh.

Si mê là gì? Là những vọng tưởng điên đảo lăng xăng. Chúng ta ngồi lại cứ tơ tưởng không dừng được, hết bà con dòng họ tới công ăn việc làm đua nhau tấn công mình. Cái mà chúng ta thường cho là tâm mình đó, Phật nói không phải là tâm. Nó là bốn loại quyến thuộc của si mê, đó là tưởng tượng, cảm thụ, phân biệt và suy nghĩ. Nó là bà con gốc gác của si mê. Chúng ta cứ tưởng suy nghĩ của mình là ngon, thưa không phải đâu. Có những việc không nên suy nghĩ hoặc suy nghĩ không ra, ta tưởng cố suy nghĩ, phân tích là giỏi. Nhưng không phải, càng phân tích là càng điên đảo.

Chỉ một pháp ấn thôi, ấn xuống thì tự nhiên gốc gác họ hàng của si mê điên đảo không còn ngóc đầu dậy nổi. Nó không sống dậy thì xem như chúng ta đã cắt đứt những dây mơ rễ má của si mê, tự ổn định dần. Khi ngồi thiền, có những kinh nghiệm chúng ta cần lưu ý, như vừa có một suy nghĩ chạm đến nó liền dội ra. Nhưng ta đừng tưởng nó dội ra rồi thôi. Nó dội ra để chuẩn bị tấn công mạnh hơn. Nếu mình sơ hở lần thứ hai nó sẽ nhập vào đột phá thành trì của tâm. Vọng tưởng lì lợm dữ lắm, nó văng ra té ngửa té nghiêng như thế, nhưng rồi cũng bu tới, đợi mình sơ hở là xâm nhập liền. Nếu không cầm chắc pháp ấn trong tay, ta sẽ bị gạt dài dài.

Hòa thượng thường nhắc nhở Tăng Ni: “Phải làm chủ cho được”. Đây là một pháp ấn. Bởi không làm chủ được xem như công phu của chúng ta trôi mất hết. Thành ra đối với việc tu hành, chúng ta cần phải lập chí vững chắc, kiên trì. Quan trọng đừng để lọt vào vọng tưởng hoặc không ngơ. Có người nói cứ buông hoài riết thành ngu, không nhớ gì hết. Không phải đâu. Ta không nhớ vì rối nhiều chớ không phải vì buông. Nếu gỡ được mọi suy nghĩ, tưởng tượng, phân biệt và cảm thụ, thì tuệ giác sáng suốt chiếu soi, ta nhớ và giải quyết mọi việc thật tỉnh táo chính xác. Điều này chỉ khi nào cảm nhận được ta mới thấy thích thú.

Bây giờ tôi mới cảm thông được lời của một Thiền sư nói: “Trên đường không gặp kiếm khách thì đừng trình kiếm, không phải nhà thơ chớ nói thơ”. Bởi có ai cảm thông đâu mà nói. Ví dụ như tôi mất ngủ, sáng mai tôi nói với mấy thầy chung quanh. Họ bảo kiếm thuốc ngủ cho tôi uống, điều này không giải quyết được. Phải biết nguyên nhân của sự mất ngủ đó là do đâu, thuộc sinh lý hay tâm lý. Nếu có nội kết bên trong chưa tháo gỡ được, dù uống cả vỉ thuốc ngủ vẫn không chợp mắt như thường. Cho nên chủ yếu là tự mình giải quyết. Người chung quanh chỉ hỗ trợ phần nào thôi.

Thiền sư Tuyết Phong, được sư huynh là ngài Toàn Khoát nhấn cho một pháp ấn rằng: “Ông phải biết, những của báu gì từ bên ngoài đem vô, không phải thật”. Bởi do vọng tưởng ta nhìn lại, nhớ lại mà thấy thì không phải chân thật, làm sao thuộc về mình được. Từ sự định tỉnh an lạc trong tánh giác phát sinh mới là chân thật, đây chính là pháp vị của mình. Chúng ta biết, trong tính giác, trong trí tuệ sáng suốt của chúng ta không có phiền não, không có gia đình, không có nhà cửa, không có địa vị tiền tài gì cả. Nó rỗng rang sáng suốt nên không do vọng tưởng mà biết được.

Điều thứ hai là không trụ vào chỗ an lạc. Bởi vì còn trụ là còn đối đãi với dao động. Mà giao động thì pháp vị mất, từ đó ta không tiến được. Cho nên phải nhớ, an lạc cũng vượt qua, mà không an lạc cũng không chấp nhận. Tổ Lâm Tế dạy “Phùng Phật sát Phật, phùng ma sát ma”. Nghĩa là chỗ an ổn hay là không an ổn gì, chúng ta biết đều là không thậät. Trên lộ trình chúng ta còn phải tiến nữa, chứ không phải ngang đó là rồi. Nên thay vì được pháp vị mà do trụ pháp vị nên bị loạn tưởng cột chặt, không tiến lên được nữa. Những loại vọng tưởng này gỡ không ra, phải nhờ bậc thầy cao tay ấn đả thông mới mong thoát khỏi. Nếu không ta cứ bị loay hoay lẩn quẩn trong đó, công phu không tiến được nữa, rất nguy hiểm.

Cho nên chớ trụ pháp, chớ vướng mắc các trạng thái trong quá trình tu tập. Trong giai đoạn chúng ta rất bén nhạy với cảnh duyên. Bởi do công phu tu hành, chúng ta có chút đạo lực nên tuệ giác hơi lóe sáng, chớ chưa phải thật. Vì thế nếu không khéo ta bị chính cái tuệ giác tưởng như thật này, làm cho mình dễ duyên theo cảnh. Cái nhìn, cái thấy, cái nghe, cái hiểu biết của chúng ta bây giờ bén nhạy lắm.

Người tu đến giai đoạn này dễ bị vướng, không vượt qua được. Mà không vượt qua được những giai đoạn này, vô tình chúng ta trở thành thầy bói. Thầy bói lúc này ăn tiền ngon lắm. Bởi vì ta nói những điều thuộc về tâm lý bên trong khá sâu sắc. Nhìn trên sắc diện, ánh mắt, dáng đi, giọng nói là mình biết người đó đang bị cái gì, ra sao, nên nói trúng phóc. Nói đến mức độ mà đồng tiền cất kỹ trong tủ sắt cũng phải nhảy ra. Thầy bói như vậy mới ngon chứ. Người tu có công phu mà trở thành thầy bói, phục vụ chúng sanh kiểu này thì uổng lắm, phải không?

Thành ra tới chỗ này, các Tổ, các thiện hữu tri thức đi trước dặn chúng ta phải bước qua, mới tiến thẳng được, mới thật sự đơn đao đột nhập Vô thượng giác. Nếu không chúng ta bị những cảnh trí do chính công phu của mình chắn lối, làm trở ngại lớn lao đến việc tiến đạo.

Điều thứ ba, chúng ta nỗ lực tu tập đừng để bị vướng vào đâu cả. Điều này phải tế nhị lắm mới được. Bình thường ta có đủ thứ công việc, không vướng cái này cũng mắc cái kia. Ví dụ các vị học giỏi thì làm giáo thọ, các vị sẽ vướng vào việc diễn giảng, phải nghiên cứu. Các vị có bản đạo, có đệ tử đông thì vướng vào việc chăm sóc bản đạo, đệ tử. Các vị viết lách, làm thơ làm văn hay thì vướng vào những việc này. Thế nên chúng ta phải nhớ lại pháp ấn của Phật dạy “Tất cả đều là huyễn”, nếu không ta sẽ bị vướng.

Trong hành trạng của ngài Hám Sơn, có đoạn nói rằng khi công phu đã thuần, Ngài có một cảm xúc lạ lùng, nếu lúc đó cầm bút, Ngài ghi tới đâu thì thơ văn trào ra tới đó. Nhưng Ngài bảo đó là một loại bệnh thiền. Hồi xưa khi đọc tới đây, tôi ngạc nhiên “Ủa! Sao được như vậy mà Ngài nói là bệnh thiền, huống là mình ngồi nắn nót một bài báo cả tuần lễ!” Ngài nói bệnh này nếu không trị thì trở thành điên, điên chữ đó. Nghe cũng ngán. Nhưng quả thật là bệnh.

Người mắc bệnh này không làm chủ được mình. Cầm bút ghi một hồi, cây bút này hết mực, lấy cây bút khác ghi tiếp, ghi hoài. Ở đâu cũng ghi được hết. Có khi đang tụng kinh, ý tưởng nhảy ra phải dừng tụng, ghi. Đang ăn cơm, mới vừa bưng chén lên lại phải ghi. Đang ngủ, giựt mình thức dậy, mở đèn lên ghi. Như vậy rõ ràng là bệnh rồi. Buồn quá, vui quá, ăn quá, ngủ quá đều là tình trạng bất thường, không phải là người tỉnh. Cái gì mà có chữ “quá” là bệnh.

Tu hành tới mức này nếu không buông được những trạng thái như vừa kể trên là thành bệnh. Điều này đáng sợ chứ. Cho nên tôi nêu lên đây để cảnh giác huynh đệ, vì biết rằng sẽ có huynh đệ tu tới giai đoạn này.

Chúng ta nhớ không phải đợi đưa vô nhà thương Biên Hòa, nói sàm nói nhảm mới gọi là điên, mà mê bất cứ cái gì cũng là điên, mất bình thường là điên. Cho nên chỗ này rất tế nhị, người tu phải giữ ở mức bình thường mà tiến, chớ không phải tiến trong cái bất thường. Hồi xưa còn ở Chân Không, Hòa thượng thường nói với chúng tôi: “Mấy chú thấy mình như người leo núi, đi lên ngược dốc, không được quyền đứng lại liếc ngó gì trong lúc đang leo. Ráng lên, ai té phải ngồi dậy, đi không nổi thì bò lết sao cho lên tới đỉnh mới được ngồi yên. Dù khoảng giữa này có gió mát, có hát bội, múa lân gì cũng đừng chiếu cố. Phải đi, trèo lên như vậy mới tiến tới đỉnh được”. Những lời dạy này thật giản dị mà sâu sắc làm sao, ai có công phu tu hành mới thâm cảm được.

Có một lần Hòa thượng nhắc tổ Khánh Anh với những câu chuyện mà Tổ đã kể tràn đầy pháp vị. Ngày xưa có một Hòa thượng sống ngây ngô như không biết gì. Tới giờ ăn, thị giả thưa: “Bạch Hòa thượng dùng cơm”. Ngài nói: “Ờ, dùng cơm”. Tới giờ tắm: “Bạch Hòa thượng đi tắm”. “Ờ, đi tắm”. Tới giờ nghỉ: “Bạch Hòa thượng đi nghỉ”. “Ờ, đi nghỉ”. Năm đó, một ngôi chùa lớn mở trường hạ và thỉnh Ngài chứng minh. Trên đường đi, ngang qua khe suối, thầy trò phải lột hết đồ lội qua. Qua rồi Hòa thượng đi tỉnh bơ. Thầy thị giả nói: “Thưa Thầy, mặc đồ lại”. Hòa thượng nói: “Mặc đồ lại”.

Người thế gian cho vậy là ngơ ngáo. Nhưng trong đạo, những bậc như thế là đã thể nhập pháp vị.

Đến nơi, sau khi làm lễ an cư rồi, trong lời nhắc nhở Hòa thượng căn dặn đại chúng phải đắp bờ lên cao năm tấc, chứ không nước sẽ tràn vào. Miền trung giữa mùa nắng hạn, chùa lại ở núi non mà cụ dạy đắp bờ bao vùng giới tràng. Mấy thầy lớn nghe nói không dám cười nhưng cũng không tin hẳn. Nào ngờ độ chừng nửa tháng sau, một trận mưa lũ tràn về, nước ngập vô tràn lan. Lúc đó mọi người mới biết Hòa thượng là hiện thân của Bồ-tát. Nào ngờ bề ngoài ngơ ngơ ngáo ngáo ấy lại chứa Thánh hiền bên trong.

Người thật tu không chú trọng hình thức bên ngoài. Quan trọng là phải được pháp vị, phải làm chủ. Đối với tất cả những hiện tượng chung quanh biết hết mà không dính mắc bất cứ hiện tượng nào. Đó là nhờ định tuệ đầy đủ, khi tuệ phát thì vô minh tan biến. Muốn thế chỉ có công phu tu hành mà thôi.

Trong kinh kể lại, lần đó đức Phật nhập định trong cái chòi rẫy của một Bà-la-môn, bất ngờ nửa đêm có một trận mưa lớn, sấm sét dữ dội. Đức Phật vẫn an nhiên nhập định, không nghe thấy gì hết. Sáng Ngài đi khất thực, thấy người ta đang mổ những con bò con trâu bị sét đánh chết. Ngài hỏi nguyên do. Mọi người ngạc nhiên nói:

- Vậy chứ khi hôm Ngài ở đâu?

- Ta ở đó.

- Trời mưa bão sấm sét như vậy mà không biết, lúc đó Ngài ngủ hay thức?

- Như Lai không từng ngủ.

Không từng ngủ là thức, tại sao Phật không nghe sấm sét, không thấy trời mưa đến đỗi bò trâu bị sấm sét đánh chết cũng không hay biết. Thật ra lúc đó Ngài đang nhập đại định, nên mọi thứ bên ngoài không chi phối nổi định lực của Phật.

Hy vọng trong huynh đệ chúng ta một lúc nào đó, cũng sẽ được ở trong chánh định như đức Phật, thì mọi tiếng động, mọi ồn ào chung quanh không còn tác động đến mình nữa. Có thể trong khi tu hành, chúng ta áp dụng công phu của mình và sẽ gặt hái được những lợi lạc như vậy.

Tuy rằng hiện tại chúng ta còn là phàm phu, nhưng với quyết tâm tu hành, thì pháp lạc có thể nếm được. Song đòi hỏi ở công phu tu hành rất nhiều. Nên nhớ trên bước đường ta phải độc hành độc bộ. Việc của mình tự mình đảm đang, cô đơn thôi. Nhưng xin nhớ cho rằng cô đơn là sức mạnh, là thước đo của tâm hồn để ta đốt lên ánh sáng trí tuệ, soi đường đi tới Phật đạo.

Vậy thì xin chúc quí vị cô đơn triệt để và thành công trên con đường Phật đạo, tận hưởng trọn vẹn pháp vị.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]