Trung Luận - PHÁ BỔN TRỤ.

          Nếu không có bổn trụ.
          Cái gì có pháp mắt v.v…
          Do đó nên phải biết,
          Trước đã có bổn trụ.

 

Hỏi : - Có người nói :
           Các căn mắt, tai v.v…
           Các pháp khổ, vui v.v…
           Cái gì có việc đó.

        - Ắt gọi là Bổn trụ.
        - Nếu không có bổn trụ.
          Cái gì có pháp mắt v.v…
          Do đó nên phải biết,
          Trước đã có bổn trụ.

“Các căn mắt tai v.v…”, nghĩa là các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mạng …

“Các pháp khổ vui v.v…”, nghĩa là tâm, tâm sở thọ khổ, thọ vui, thọ chẳng khổ chẳng vui, tưởng, tư, nhớ, niệm v.v…

Có Luận sư nói : -Trước khi chưa có những pháp mắt, tai v.v…, lý đáng đã có bổn trụ. Nhân bổn trụ ấy mà các căn mắt, tai v.v… mới được phát khởi tác dụng. Nếu không có bổn trụ thì thân và các căn mắt, tai nhân cái gì sanh mà có phát khởi tác dụng?

Đáp : Nếu lìa các căn mắt …
         Và các pháp khổ, vui …
         Trước đã có bổn trụ.
         Thì lấy gì biết được?

Nếu lìa các căn mắt, tai v.v…, và các pháp khổ, vui… trước đã có bổn trụ thì, lấy gì có thể nói, lấy gì có thể biết? Như những pháp bên ngoài là bình, y…, do các căn mắt … mà biết được. Pháp bên trong thì do các căn khổ, vui … mà biết được. Cũng như trong Kinh nói: Cái có thể hoại là tướng của sắc, cái hay cảm nhân là tướng của thọ, cái hay nhân biết là tướng của thức, còn ông nói lìa mắt, tai, khổ, vui … trước có bổn trụ thì, lấy gì có thể biết mà nói là có pháp đó?

Hỏi: - Có Luận sư nói: -Hơi thở ra vào, nhìn, nháy mắt, thọ mạng, suy nghĩ, khổ vui, yêu ghét, phát động… đó là tướng của thần. Nếu không có thần. Nế u không có thần, làm sao có những tướng hơi thở ra vào… Thế nên phải biết, lìa các căn mắt, tai … và các pháp khổ, vui… trước có bổn trụ?

Đáp: - Nếu thần đó là có, lý đáng nó ở trong thân, như cây cột bên trong vách nhà; hoặc ở ngoài thân như người mặc áo giáp. Nếu thần ở trong thân, thì thân ắt chẳng thể bị hoại, vì thần thường ở bên trong. Thế nên nói, thần ở trong thân chỉ có lời nói, hư dối không thật. Nếu thần ở ngoài thân, che phủ thân như áo giáp, lý đáng chẳng thể thấy thân, vì thần đã che kín hết rồi, và cũng nên chẳng thể bị hoại. Nhưng hiện nay thật thấy thân bị hoại, vì vậy phải biết, lìa khổ, vui… trước không có pháp nào khác.

Nếu cho rằng khi chặt đứt cánh tay, thần rút vào bên trong chẳng bị đứt, vậy khi chặt đầu, thần cũng nên rút vào bên trong chẳng nên chết. Nhưng thật có chết, thế nên biết lìa, khổ, vui.. trước có thần, chỉ có lời nói, hư dối không thật.

Lại nữa, nếu nói thân lớn thì thần lớn, thân nhỏ thì thần nhỏ; như ngọn đèn to thì ánh sáng to, ngọn đèn nhỏ thì ánh sáng nhỏ; như vậy thì thần ắt tuỳ nơi thân, chẳng nên là thường. Nếu tùy theo thân, thân không ắt thần cũng không, như ngọn đèn tắt thì ánh sáng cũng mất. Nếu thần là vô thường ắt đồng với mắt, tai, khổ, vui…Thế nên phải biết, lìa mắt, tai… trước không riêng có thần.

Lại nữa, như người bịnh điên, chẳng được tự tại, việc chẳng nên làm lại làm. Nếu có thần là chủ mọi tạo tác, tại sao nói chẳng được tự tại? Nếu bịnh điên chẳng làm não hại đến thần, lý đáng lìa thần riêng có việc tao tác. Như thế đủ thứ suy tìm, lìa các căn mắt, tai… và các pháp khổ, vui…, trước không có bổn trụ. Nếu quyết cho rằng lìa các căn mắt, tai… và các pháp khổ, vui… trước có bổn trụ, không có việc đó. Tại sao?

Nếu điều này là phải thì:
                Nếu lìa mắt, tai…
                Mà trước có bổn trụ.
                Cũng nên lìa bổn trụ,
                Mà trước có mắt, tai…

Nếu bổn trụ là các căn mắt, tai.. và các pháp khổ, vui…,trước đã có thì hiện nay cũng nên lìa bổn trụ mà có các căn mắt, tai..và các pháp khổ, vui …

Hỏi: - Hai việc lìa nhau có thể là vậy, nhưng khiến có bổn trụ?
Đáp:    - Do pháp biết có người,
              Do người biết có pháp.
              Lìa pháp đâu có người,
              Lìa người đâu có pháp.

Pháp là mắt, tai, khổ, vui… người là bổn trụ. Ông cho rằng, do có pháp nên biết có người, do có người nên biết có pháp; nay lìa các pháp mắt, tai… đâu có người? Lìa người đâu có các pháp mắt, tai…?

    Lại nữa,
                    Tất cả các căn mắt…
                    Thật không có bổn trụ.
                    Các căn mắt, tai…
                    Tướng khác mà phân biệt.

Các căn mắt, tai… và các pháp khổ, vui… thật không có bổn trụ. Nhân mắt duyên với sắc mà sanh nhãn thức, do nhân duyên hoà hợp mà biết có các căn mắt, tai… chẳng do bổn trụ nên biết. Thế nên trong bài kệ nói: “Tất cả các căn mắt, tai… Thật không có bổn trụ. Các căn mắt, tai…Mỗi tự hay phân biệt”.

Hỏi:   - Nếu các căn mắt, tai..
            Không thật có bổn trụ.
            Từng mỗi căn mắt,
            Làm sao hay biết trần?
Nếu tất cả các căn mắt, tai… và các pháp khổ, vui… không có bổn trụ, nay từng mỗi căn làm sao hay biết được trần? Các căn mắt, tai…, không có suy nghĩ, chẳng nên có biết, mà thật biết trần, nên biết lìa các căn mắt, tai…, lại có người biết trần?

Đáp: - Nếu vậy, là trong từng mỗi căn đều có người biết, hay một người biết ở trong các căn? Cả hai đều có lỗi. Tại sao?

                Người thấy tức người nghe,
                Người nghe tức người thọ.
                Các căn như thế …
                Ắt nên có bổn trụ.

Nếu người thấy tức người nghe, người thấy và nghe tức người thọ, ắt là một thần. Các căn mắt, tai … như thế, mới nên trước có bổn trụ. Sắc thanh hương…, không có người biết cố định. Hoặc có thể dùng mắt nghe tiếng. Như người ở sáu hướng, tùy ý thấy nghe. Nếu người nghe, người thấy là một, đối với các căn mắt, tai… tùy ý thấy nghe. Nhưng việc đó chẳng đúng.

                    Nếu thấy, nghe đều khác,
                    Người thọ cũng đều khác.
                    Khi thấy cũng nên nghe,
                    Như thế ắt nhiều thần.
Nếu người thấy, người nghe, người thọ đều khác, hoặc khi người thấy cũng nên nghe. Tại sao? Vì lìa người thấy có người nghe. Như thế, thần ở trong mũi, lưỡi, thân lý đáng cùng một lúc tác dụng. Nếu vậy, người một mà thần nhiều, do vì tất cả các căn cùng một lúc biết các trần. Mà thật chẳng phải vậy, thế nên người thấy, người nghe, người thọ chẳng nên cùng một lúc tác dụng.
            Lại nữa,
                        Các căn mắt, tai…
                        Các pháp khổ, vui…
                        Được sanh từ các đại,
                        Đại kia cũng không thần.

Nếu người nói lìa các căn mắt, tai… và các pháp khổ, vui…, riêng có bổn trụ, việc đó trước đã phá. Nay đối với chỗ nhân của mắt, tai… là bốn đại, trong các đại đó cũng không có bổn trụ.

Hỏi: - Nếu các căn mắt, tai và các pháp khổ, vui…,không có bổn trụ có thể là vậy, nhưng các căn mắt, tai… và các pháp khổ vui… lý đáng là có?

Đáp:     - Nếu các căn mắt, tai…
               Và các pháp khổ, vui…
               Vốn không có bổn trụ,
               Thì mắt… cũng nên không.

Nếu các pháp mắt, tai, khổ, vui… không có bổn trụ, cái gì có mắt, tai…? Duyên đâu mà có? Thế nên mắt… cũng không.
        Lại nữa,
                        Mắt, tai… không có bổn trụ,
                        Nay, về sau cũng không.
                        Do ba đời đều không.
                        (Nên ) Không có, không phân biệt.

Xét nghĩ suy tìm bổn trụ ở mắt, tai…, trước không có, nay, về sau cũng không. Nếu cả ba đời đều không, tức là không sanh, lặng lẽ, chẳng nên gạn hỏi. Nếu không có bổn trụ, làm sao có mắt, tai… Như thế ắt dứt hỏi đáp, hý luận. Vì đứt hý luận nên các pháp ắt là không.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]