headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NIỆM TƯỞNG CỦA NGƯỜI TU

 Khi tu tập chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi những dấy niệm. Nếu dấy niệm loạn tưởng nhiều thì bất an, dấy niệm ít thì ít bất an, không có dấy niệm vọng tưởng thì an ổn. Tùy theo mức độ dấy niệm mà có các kết quả tương xứng. Vì vậy công việc chính yếu của người tu là điều phục vọng tưởng, làm chủ các dấy niệm.

 

 

Trong khi tọa thiền hay ở bất kỳ hình thức sinh hoạt nào, vọng tưởng điên đảo lặng dần là lúc công phu tiến triển. Nói tiến mà thật ra không có tiến gì hết, chỉ là được yên thôi. Có hai trường hợp mà hành giả cần phải phân biệt rõ ràng. Thứ nhất, khi những niệm tưởng bên trong dường như giảm bớt, nhưng thực sự nó mệt mỏi, tạm nghỉ ngơi để rồi chuẩn bị công phá ta nhiều hơn nữa, trường hợp này tuy yên nhưng không phải tăng tiến. Thứ hai, do vọng tưởng dấy niệm lặng dần nên được yên, trường hợp này gọi là tăng tiến. Trong trường hợp thứ hai xem như chúng ta tạm làm chủ, tạm an ổn, gọi là pháp lạc hay thiền duyệt, tức là niềm vui trong thiền định. Được vậy thì đáng mừng. Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, cần phải chấn chỉnh công phu, không thể lơ là khinh suất sẽ ảnh hưởng xấu đến việc tu tập của chúng ta.

Trong Bát-nhã Tâm kinh, Phật dạy thân ngũ uẩn này không thiệt và tâm vọng tưởng lăng xăng cũng không thiệt. Điều này chúng ta nhận hiểu tương đối dễ dàng, nhưng sống đúng với lời Phật dạy thì không dễ dàng chút nào. Có thể trong giai đoạn nào đó mình thực tập an ổn, tuy nhiên, công phu không liên tục, do vậy sự yên ổn này cũng dễ mất đi, ta lại rơi vào tình huống không an ổn. Bởi thế tâm trạng thay đổi bất thường, có lúc bực bội, có lúc buồn bã trong lòng, tu không tiến bộ.

Đó là gì? Là niệm tưởng công phá. Chúng ta chưa đủ đạo lực để hóa giải nó, chiến thắng nó. Cho nên, sớm chầy gì cũng bị một trận công phá đột xuất không thể lường trước được. Điều này cũng giống như trong gia đình đang hòa hợp vui vẻ, mọi người sống đầm ấm, hạnh phúc, bất chợt có một thành viên khởi phiền não, thường bực bội, cau có, gây gổ thì cái tổ ấm ấy có thể đi đến tan vỡ. Nguồn hạnh phúc có được trước đó thật là mong manh. Từ chỗ này chúng ta cảm nhận lời dạy của Hòa thượng Ân sư rất quan thiết cho việc tu hành. Làm sao sống được với tánh giác thì mọi chuyện yên ổn. Bởi chưa sống với tánh giác nên chúng ta dễ rơi vào tình huống bất an bất ổn. Song đã là người tu, bằng mọi cách chúng ta phải làm chủ mình, không để vọng tưởng điên đảo sai sử đi trong mê lộ.

Các sinh hoạt bình nhật của người xuất gia không ngoài việc thọ trai, tụng kinh, ngồi thiền, làm việc trong thiền viện… nên vọng tưởng cũng hiền lành hơn người đời. Chúng ta đâu phải là quan quyền, cũng không đầu tư việc kinh doanh, không nghĩ ngợi gì ngoài phạm vi tu tập… thì các dấy niệm cũng chỉ đơn thuần trong đời sống của người tu, không có gì quan trọng, do đó dễ quán chiếu dẹp phá, không vướng mắc nặng nề như người thế gian. Tuy nhiên, nếu không quyết tâm chiến thắng nó, mình sẽ trở thành kẻ chiến bại dài dài.

Chư huynh đệ kiểm nghiệm lại xem mình có nổi nóng không? Có chứ. Tại sao như vậy? Tại vì không làm chủ được vọng tưởng. Không biết vọng tưởng là gì mà cứ đeo đẳng, quấy phá mình hoài. Chúng ta đã vỗ đầu bảo nằm yên, vậy mà nó vẫn len lén ngóc lên kiếm chuyện. Bây giờ phải tu như thế nào để cho nó chịu nằm yên? Trong kinh Bát-nhã, Phật nói vọng tưởng không thiệt mà pháp Tứ đế, Mười hai nhân duyên cũng không thiệt luôn. Thế thì chúng ta nương vào đâu mà tu? Liệu mình có gan dạ phủi bỏ hết các thứ phương tiện quí báu này không? Đây là một quá trình tu tập bắt buộc chúng ta phải phăng tới, để nhận cho ra chỗ cứu cánh Phật dạy. Pháp còn không thiệt huống là phi pháp! Nếu còn thấy có một pháp thiệt là còn vướng mắc. Cho nên, muốn điều phục được các dấy niệm, trước dùng trí tuệ thấu rõ thân tâm này không thiệt, không theo nó. Sau đó, cũng phải bỏ luôn niệm không theo vọng tưởng, trong tâm thường sáng tỏ mà hoàn toàn không có niệm nào. Chỗ này Lục tổ dạy là lấy vô niệm làm tông.

Phật pháp giống như chiếc bè, là phương tiện duy nhất đưa chúng sanh vượt qua sông mê. Chiếc bè đó có thể là Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo... Thử nghĩ người đã qua sông mà cứ mang lỉnh kỉnh thuyền bè, phao nổi thì có sáng suốt, ổn định không, hay là hệ thần kinh của họ lấn cấn rồi? Nếu chúng ta vướng phải tình huống này, thế nào cũng bị người ngoài chê cười. Cũng thế, với hành giả tu Phật, từ những niệm tưởng về lời Phật dạy, chúng ta trân quí giữ gìn và ghi nhớ ngày càng nhiều. Lấy đó làm phương tiện hun đúc tinh thần tu tập cho mình, cuối cùng bị vướng mắc vào chính phương tiện ấy, làm trở ngại quá trình tu tập.

Ví dụ buổi khuya chúng ta ngồi thiền hai tiếng, bỏ ra khoảng 15 phút chuẩn bị, còn lại 1 tiếng 45 phút. Ngồi vừa yên thì ma ngủ tới dụ dẫn một chút, nhưng sau đó cũng tỉnh. Đang yên ổn giật mình “À nãy giờ bị thứ vọng tưởng này quấy rối đây”. Đó là gì? Là nghĩ đến thân ngũ uẩn không thiệt, tâm vọng tưởng cũng giả. Thứ ma mị kế là Tứ đế, Thập nhị nhân duyên cũng không thiệt. Cứ ngồi đó mà suy tính, lẩm nhẩm tại sao Phật dạy như vậy, chỗ này hay quá, chỗ kia lạ quá... Cứ ngồi đó mà vọng tưởng chuyện Phật pháp. Chỗ này Thiền sư nói là mở mắt chiêm bao.

Những lúc như vậy, thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Gần hai tiếng đồng hồ ngồi trong thiền đường, với quy chế như vậy, mà chúng ta bị một thứ vọng tưởng siêu hơn, len lỏi dẫn đi từ thiền viện Chân Không, xuống Thường Chiếu về Trúc Lâm… Dòng thời gian quý báu đáng tiếc đã trôi suông. Tóm lại, ban đầu, khoảng giữa, rốt sau, chúng ta đều bị vọng tưởng kéo lôi. Hồi trước ở Chân Không, buổi chiều Hòa thượng nói chuyện Phật pháp rất lý thú, nhưng bị giờ tụng kinh hoặc công việc cắt ngang. Tới lúc ngồi thiền là thư thả nhất, thống khoái nhất nên vọng tưởng hiện ra nguyên dạng. Nguyên dạng là sao? Hình ảnh Hòa thượng giảng khi chiều, những lời lý giải về Phật pháp thật lý thú, những cảm nhận của mình về điều đó… hiện ra đầy đủ. Khi nó hiện ra, chúng ta không đủ lực cản lại, còn thích thú với những thâm ý, những đoạn kinh mà Thầy giảng dạy hay vô cùng, cho nên càng lao theo. Lao theo rồi thêu dệt thêm vọng tưởng cho hay. Thêu dệt thế nào? Mai kia mốt nọ nếu có Phật tử mời, mình sẽ trình bày những điều này hết sức đặc biệt, lý thú v.v… Cứ như thế.

Hòa thượng Viện trưởng đã khéo sắp đặt cho chúng ta một khóa biểu tu tập, trong đó có hai buổi tọa thiền. Hai buổi tọa thiền này rất quan trọng, đứng vào vị trí bậc nhất trong tất cả các công phu của thiền sinh. Vậy mà lúc ngồi thiền, chúng ta lại bị thứ vọng tưởng mang cái mác Phật pháp kéo lôi đến đỗi trôi dạt không dừng được, không tỉnh nổi. Thế thì bao giờ mới làm chủ được đây? Nghĩ cho cùng, có khi chúng ta hiểu biết, hành trì với một bề dày tu tập nhiều năm tháng, nhưng chỉ một chút niệm tưởng không làm chủ được thì xem như mất trắng công phu. Nếu cứ như thế thì vòng luân hồi sinh tử chưa có cơ hội dừng dứt được.

Chỉ bao giờ chúng ta đình chỉ được niệm tưởng, thì mới có lực tương đối để không bị vòng luân hồi sinh tử lưu chuyển. Mình tu học như thế này, hành trì như thế này mà để bị mất chủ lực, bị lôi dẫn vào vòng luân hồi sinh tử thì quả thật là đáng thương. Đã biết sai lầm thì phải làm sao thời thiền kế tiếp không bị vọng tưởng kéo lôi nữa. Sự thua thiệt là bài học để chúng ta đứng lên, cố gắng gầy dựng lại sự nghiệp giác ngộ vững vàng hơn, chớ đâu thể để thua hết ngày này qua ngày khác mãi.

Đây chính là chỗ chư Tổ dạy “Phùng ma sát ma, phùng Phật sát Phật”, may ra ta mới yên được. Nếu hành giả còn nhân nhượng, mềm lòng, nhất định là bị kéo lôi mãi thôi. Bữa nay vấn đề này kéo lôi, ngày mai vấn đề kia kéo lôi, không khi nào chúng ta yên được. Trong quá trình tu tập, có khi chúng ta phải đọc nhiều kinh, nhưng nhớ rằng đến lúc hạ thủ công phu tu, đặc biệt là tọa thiền thì nhất định không đọc học gì hết. Chúng ta có dám chấp nhận như vậy thì mới không bị vọng tưởng Phật pháp kéo lôi. Bởi nó thuộc loại vọng tưởng lớn, ta thường cho là chính đáng, quan trọng, nên rất khó vượt qua.

Các bậc lão tham trong nhà thiền đôi khi chỉ ôm một công phu và hành trì chuyên nhất công phu ấy, do vậy bất cứ chuyện gì đến đều bị đánh bạt ra hết. Đối với một hành giả đang sống, đang sinh hoạt trong cái lực đó thì mọi thứ bên ngoài đều không thể xâm phạm được. Chúng ta thấy những biểu hiện của các thiền sư đối với môn hạ như đánh hét, thường mang tác dụng đánh thức cho học nhân đừng bị kéo lôi bởi loại vọng tưởng chính đáng. Nếu người nào đủ công lực bén nhạy thì ngay chỗ đó nhảy thẳng vào thật địa an ổn, còn không thì cứ trôi dạt mãi thôi.

Hòa thượng Thủy Lạo đến với Mã đại sư, hỏi một câu chưa dứt lời bị Mã đại sư tống cho một đạp té lăn cù. Khi ngồi dậy được Ngài cười ha hả, ngộ đạo. Ngộ cái gì chúng ta không cần biết, bởi vì cái ngộ đó là của Ngài Thủy Lạo. Năng lực đẩy người đệ tử ngộ đạo là của Mã đại sư. Bây giờ mình ngồi đây bàn chỗ ấy hoàn toàn vô ích. Bàn để làm gì? Để thêm kiến giải, liệu xem mai mốt mình bị một đạp kiểu Mã đại sư như vậy có cười nổi hay không? Hay sau đó ngồi dậy nổi sân, mình thụi trở lại người ta… Đó là gì? Là những dây mơ rễ má, vọng tưởng siêu vi nó kéo vào trong chỗ tăm tối, không có lối thoát.

Pháp của Phật là những phương tiện giả lập để trị bệnh của chúng sanh. Người khéo nhận ra chỗ này thì ứng dụng Phật pháp có thể tiêu dung, hóa giải được tất cả bệnh tật điên đảo, si mê lầm chấp. Trái lại, không nhận được chỗ này thì càng học Phật pháp càng đầy ắp vọng chấp. Chỗ này chư huynh đệ nên hiểu và mổ xẻ thật kỹ để chúng ta có kinh nghiệm tăng tiến công phu. Rõ ràng chúng ta không thể ngừng học Phật pháp, nhưng phải học trong tinh thần nào mới đúng. Nghĩa là phải dùng được pháp đó. Giống như người tiêu thụ thức ăn biến thành máu huyết để nuôi cơ thể thì tốt, ngược lại thức ăn sẽ trở thành độc tố giết chết kẻ ấy. Phật pháp cũng vậy, là phương tiện để tiêu hóa, đẩy lui, dẹp sạch tất cả tâm bệnh của chúng ta.

Tâm bệnh gồm những gì? Mỗi người tự nghiệm lại mình thì biết. Bệnh giận, bệnh buồn, bệnh hay nói, bệnh hay đi, bệnh hay ăn, bệnh hay ngủ… đủ thứ bệnh. Cho nên khi học được Phật pháp, chúng ta cấp thời đưa vào hóa giải, trị bệnh của mình. Phật dạy người nóng nảy thì lấy từ bi để hóa giải. Nóng nảy là sao? Nghe câu gì đó chưa hết là đã nổi sùng lên, không làm chủ được tay chân miệng mồm nữa, quơ quào, hầm hét, trợn trừng thấy phát sợ. Bây giờ học Phật pháp rồi, biết nóng giận thì không đẹp, ai nhìn thấy cũng xa lánh, vì thương xót mình mà không nên nóng giận nữa. Lại nóng giận uất độc thành bệnh gan. Nếu ngũ tạng mỗi ngày cứ bị đốt bởi lửa sân hận, nhất định nó sẽ cháy khét thôi. Biết vậy rồi, dùng Phật pháp nuôi dưỡng tâm từ bi, rưới vào nước thanh lương sẽ trị được bệnh nóng giận. Đó là giá trị của Phật pháp.

Phật dạy tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật, mình cũng là Phật sẽ thành. Muốn thành Phật, phải áp dụng tu hành mới thành Phật được chứ. Bây giờ mình làm trái lời Phật dạy, đem ông Phật này xúc phạm ông Phật kia thì không được rồi. Nếu tất cả chúng ta đều nghĩ đến chuyện tu hành của mình, sẽ không bao giờ có chuyện chống đối nhau. Bởi vì chúng ta đều là những ông Phật đang cố gắng để thành tựu viên mãn Phật đạo của mình. Giả tỷ tôi cố gắng vươn lên trước được, thấy chư huynh đệ còn lặn hụp dưới bùn lầy, tôi phải thương, phải đưa dây kéo lên, chứ tại sao ghét bỏ?

Chư huynh đệ hiểu như vậy rồi, thấy vị nào nổi sùng la hét gì đó, nhớ đưa dây kéo lên. Kéo hết sức khéo, đừng để người ta kéo ngược lại mình thì nguy to. Nhìn trên bàn Phật chúng ta thấy đó, có vị bằng gỗ, vị bằng xi măng, bằng đồng, bằng đá. Mỗi vị mỗi nét, nét nào cũng đẹp và trên hết tất cả đều là Phật. Chúng ta cũng vậy, ai cũng là Phật nhưng đường nét không giống nhau. Trong giai đoạn tu hành, áp dụng công phu cố gắng đừng để mọc gai mọc góc, cho quá trình làm thành ông Phật đẹp không mất thời gian. Quá trình tu tập cần nhất là tiến đều đặn, không nhất thiết tiến nhanh. Đều đặn, bình thường là tương đối ổn nhất.

Trong khi tu hành, có lúc vọng tưởng hành hạ mình, nhưng cũng có lúc ta sử dụng được vọng tưởng để tạo cho mình một khí thế vươn lên. Trong khoảng thời gian đầu chúng tôi về đây, cỏ gai mịt trời, ban ngày làm ruộng rẫy, ban đêm đi họp hành theo dân. Hòa thượng từ núi về, thấy đàn con của mình vất vả như vậy Ngài cũng mang giày, vác cuốc ra đồng, đồng sự với Tăng Ni. Thấy quí thầy cô không có kinh nghiệm tỉa lúa, tỉa đậu, Ngài đích thân hướng dẫn chúng tôi làm. Hồi ấy những vị lãnh đạo các thiền viện Viên Chiếu, Linh Chiếu… đều được Hòa thượng dạy dỗ cách thức làm ruộng rẫy. Ngài giao phải tới đâu mới nghỉ, không được muốn nghỉ thì nghỉ. Hòa thượng vừa làm vừa kể chuyện, đồng thời nhìn xem có đứa nào bỏ cuộc không. Do vậy, không một ai dám bỏ cuộc khi có mặt thầy.

Giai đoạn đầu là như vậy. Tăng Ni phải trôi tròn mọi việc trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn. Lạ một điều, càng gian nan khốn khó chừng nào, con người càng phát tiết tinh hoa chừng ấy. Nhiều anh em ăn xong một bữa cơm dưới mái tôn nóng bức như thiêu, trong đầu nảy ra không biết bao nhiêu câu thơ. Thế là ra ngoài bóng cây làm thơ, tối lại tụng kinh xong xúm nhau ngâm thơ. Đó là một cách tiêu dung vọng tưởng điên đảo của mình. Nếu không như thế anh hào sẽ rút lui khỏi cái chỗ thiếu cơm thiếu gạo, đất đai chai cứng, toàn sỏi đá này. Thời ấy, có anh cuốc đất không nổi đã bàn ra “đất này để làm sân banh là vừa”, có anh bảo “đất này chỉ có nước trồng cao su”.

Đến khi Hòa thượng trên núi xuống bảo ai muốn tu thiền theo Ngài thì phải chịu khó làm rẫy, trồng lúa, gieo hoa màu để có phương tiện sống tu. Cứ làm như vậy, bao giờ có Phật tử ủng hộ chừng đó hẵng hay, bây giờ mình còn nghèo thiếu thì phải tự lực cánh sinh. Hòa thượng nói thế, một số anh em vui vẻ vâng lời làm theo, một số cứ than thở viển vông. Do vậy, trong khoảng ấy có rất nhiều người xách gói lên đường, việc tu hành vì thế cũng không tiến bộ. Những ai còn lại mới thấy đường lối chỉ dạy của Hòa thượng hoàn toàn đúng đắn và kết quả của một Thường Chiếu ngày hôm nay quả là không cô phụ tấm lòng đại chúng ngày xưa.

Khi chúng ta đương đầu với dấy niệm vọng tưởng mà không thể giải tỏa được, dần dần sẽ dẫn đến trường hợp thối bồ đề tâm, không giữ được công phu. Cho nên cần phải khắc phục cho được vọng tưởng. Khắc phục bằng cách nào? Bằng trí tuệ. Trí tuệ đó là trí tuệ Bát-nhã. Hòa thượng dạy mỗi chú đều có trí tuệ, hãy sử dụng trí tuệ sáng suốt ấy của mình. Ngài hỏi:

- Trong đây có chú nào chột mắt không?

- Dạ không.

- Có chú nào mắc bệnh nội thương không?

- Dạ không.

- Tất cả mấy chú đang khỏe mạnh phải không?

- Dạ chúng con đang khỏe mạnh.

Hòa thượng dạy:

- Như vậy đây là thời điểm tốt nhất để mấy chú áp dụng công phu, phải tích cực nỗ lực tu hành. Tuy công việc hằng ngày hơi khó khăn một chút nhưng chẳng thể ngăn trở quyết tâm tu hành của chúng ta.

Hồi đó Hòa thượng Thiện Phát thường nói câu: “Chả nhằm nhò gì” mỗi khi công việc gặp thất bại hay khó khăn. Thuở khai sơn lập địa, đất ở đây làm ruộng rẫy thua rồi, Hòa thượng dạy làm ruộng nước. Lệnh Hòa thượng phát ra, tất cả chư tăng đều chấp hành. Khoảnh ruộng hồi xưa nằm ở bãi đậu xe lớn bây giờ.

Mỗi ngày ăn xong, chúng tôi xuống đó cuốc đất, kéo trên cao xuống dưới sâu, mở rộng ra rồi móc đất đắp thành bờ, dọn dẹp cỏ, mấy tháng trời mới làm được một khoảng ruộng. Tôi đo từ ngoài đường tới miếng lớn nhất gần Linh Chiếu chừng hơn bốn công ruộng. Vậy mà làm tới mấy tháng trời.

Mùa lúa đầu tiên anh em phấn khởi lắm, mua phân mua giống làm. Nhưng kinh nghiệm không có cộng với đối tác là thiên nhiên không ưu đãi. Sau một trận thua mình mới cảm khái nhận ra, quả thật con người nhỏ nhoi, thấp thỏi quá. Sự hiểu biết của mình không thấm vào đâu so với trời cao đất rộng. Đại chúng dốc lực làm mấy công ruộng cực khổ hết sức, cuối cùng kết quả chẳng được bao nhiêu lúa. Đã vậy lúa này phơi xong đem xay đen thui, gạo nát nhừ như tương. Quái lạ, ai làm ruộng kiểu như mình!

Mấy ông Phật tử kỹ sư nông nghiệp tới coi nói “Thầy ơi, đất này là đất phèn lạnh, nên nắng nhiều phèn xì lên lúa chết, mưa nhiều phèn cũng xì lên lúa chết. Ở đây thầy dùng phân đạm chừng nào càng hư đất chừng nấy”. Mình nào có biết phân đạm phân gì đâu, hồi đó người ta bán phân hai màu ba màu, cứ mua thảy xuống. Cuối cùng mấy anh khuyến khích chỉ dùng phân lân thôi, nếu không có phân lân quí thầy dùng tro bếp thảy xuống mới có ăn. Thế là anh em đi ruồng mua tro bếp, tro lò than đem về. Trời nắng thảy tro xuống, quả thực lúa tốt, năm đó thu hoạch được một công trên mười giạ. Ôi da hết hơi! Bốn công đó họa hoằn lắm thu chừng bốn chục giạ thôi, mà thầy trò vui hết sức.

Trong công phu tu hành, tuy là vọng tưởng nhưng nếu biết cách điều phục nó, sắp xếp nó mang ra mới trị được nó. Nếu như mình cứ tướng lên, ngồi đó hét như hoàng đế thì nó dẫn đi hồi nào không biết, buông lung trôi dạt theo từng đợt sóng vọng tưởng. Công phu tu hành hằng ngày vì thế mà mất hết. Trở lại vấn đề phải có trí tuệ, để biết bệnh của mình là bệnh gì, loại vọng tưởng mình đang tiếp thu và hấp dẫn nhất là gì, mới trị nó được.

Hồi đó có mấy huynh đệ xuất thân là học trò, cho nên làm cực một thời gian, tự nhiên văn chương chữ nghĩa hiện ra. Đang sống theo quy chế của thiền viện như vậy, các ngài lại nghĩ bây giờ phải đi học, phải giảng dạy Phật pháp mới xứng với đại nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Không biết ma mị vọng tưởng nào giục nói thế, quả thật là hay. Các ngài lên trình với Hòa thượng: “Thưa Thầy bây giờ con muốn đi học, để mai kia hoằng pháp lợi sinh, cứu độ chúng sanh, làm lợi ích cho giáo hội”. Hòa thượng đáp: “Ờ, đi học đi”, chứ biết nói gì hơn. Thế là quý ngài lên đường.

Kinh nghiệm nhiều người cho thấy, không phải đi học là hoằng pháp lợi sinh được. Bước ra một bước, bị vọng tưởng phủ vây cuối cùng quên đường về, tóc tai phủ đầy hết. Người ta đi học thì sáng ra, đỗ đạt thành tài, còn mấy thầy tu ra thì quên đường về chùa, cũng không biết đường vào đời. Đó chẳng qua bị vọng tưởng dẫn dụ, làm tiêu tan hết đạo nghiệp mà các thầy không hay biết. Cho nên đã là tu sĩ, chúng ta cố gắng chủ động, nghĩa là phải có trí tuệ đừng để vọng tưởng kéo lôi.

Ở đây, tôi muốn nói đến những loại vọng tưởng của người tu. Đó là gì? Là kiến chấp về mình, về thân này, kiến thức này, công đức này. Những thứ ấy thật khó trị. Có hai ông thầy bỏ ngủ trưa, dạo lên dạo xuống dọc hàng dương, mỗi thầy làm một bài thơ. Bài nào cũng hay, đọc lên anh em vỗ tay quá xá. Niêm luật, ý tứ, dụng ngữ như thế quả thật là siêu. Nhưng nếu không khéo hai ông sẽ trở thành thi sĩ, chớ không phải tu sĩ nữa rồi. Nếu là thi sĩ, mấy năm trời mới làm được một tập thơ có giá trị, đem ra in ấn bán được chút tiền làm phương tiện sống. Lợi nhuận của người làm thơ hạn hẹp như thế, còn chuyện để lại cho đời thì chưa chắc người ta dùng hay không.

Nếu là tu sĩ thì khác. Tu sĩ chịu khó ngồi nhìn lại, phản quan tự kỷ, nhận được yếu chỉ, thấy được tâm thể, sống được với mình thì giá trị vô lượng vô biên, công đức cũng vô lượng vô biên. Bằng chứng chư Tổ tiền bối của chúng ta, các ngài phát minh được đại sự, công đức ấy cho tới bây giờ chúng ta còn được hưởng, không phải vô lượng vô biên là gì? Như chùa Đồng trên núi Yên Tử, người ta cứ tưởng qua các thời cuộc biến thái, nó sẽ mất mát hết, nhưng không ngờ bây giờ người ta gầy dựng lại đẹp hơn, lớn hơn thời trước nhiều. Rõ ràng công đức của người sống được với trí tuệ chân thật, sống được với tâm thể của mình vô lượng vô biên như vậy. Thế thì chúng ta không lo phát huy cho được cái kho tàng quí báu của mình, lại bỏ hết thời gian vào việc làm thi làm thơ là sao?

Chư huynh đệ nhớ rằng, những phát tiết gì sau sự tu tập đều là vọng tưởng, mà nhiều vị nhầm tưởng nó là chân lý. Đó là sai lầm lớn. Do vậy ở giai đoạn đầu chúng ta qua được, sang giai đoạn hai chúng ta bị thua. Hành giả tu thiền, tuyệt đối không để thua chỗ này, phải mở con mắt tuệ để thấy mọi thứ vọng tưởng, kể cả các phương tiện tu tập trước không thật, hiện tại không thật và về sau cũng không thật. Chúng ta cố gắng trị cho được cái chấp đằng sau ngã chấp của mình, đó là chấp về công phu, công đức của chúng ta. Một vị tu đã hai, ba mươi năm mà ai gặp kêu thằng này thằng nọ là nổi sân trong bụng liền, phải gọi là Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng mới được chứ! Như vậy là thua rồi. Những thứ đó ngủ ngầm bên trong rất khó trị, khó phát hiện. Nếu người có chỗ sống thật, dù nghe ai gọi mình thế nào cũng bình thường an vui, như gió thoảng qua tai, không có gì bận tâm.

Hai loại vọng chấp về thân và tâm của tôi cần phải phá tan chúng ta mới được an vui. Phá bằng chính trí tuệ của mình, tùy duyên tùy thời mà loại trừ. Nếu không phá tan lầm chấp này thì không bao giờ chúng ta sống gần với tâm thể chân thật. Vì sao? Vì chúng ta cứ bị dính mắc vào nó, công phu tu tập không đi tới đâu hết. Phật dạy “Pháp còn phải bỏ, hà huống phi pháp”. Cho nên, chúng ta không để cho bất cứ một kiến chấp nào len lỏi trong tâm, làm hỏng đi công đức tu tập của mình.

Quí vị thấy có khi mình ngồi một mình mà vẫn nổi sân mới ngộ chớ. Như ông đó, có bộ ván để trong góc nhà, không hiểu gấp gáp chuyện gì, ông bang bang đi ra đụng phải góc ván đau quá. Tức mình, ông ra sau vác cái búa ra bửa góc bộ ván. Bộ ván đó của ông già để lại, bình thường cưng hết sức là cưng, trong lúc nổi sân bửa tanh bành, làm mất hết giá trị bộ ván. Thử hỏi trong nhà không có ai hết, chỉ một mình, việc gì đi cho nhanh để máng vô đó rồi nổi sân lên. Nghĩ tức cười!

Chúng ta có khi cũng vậy. Nhân duyên gì đó tự sân lên, tự máng cái buồn vào mình. Cứ buồn buồn hoài, không có lý do gì cả. Tự mình gây buồn, ôm gối ôm đầu mà buồn, không thể giải tỏa, không nói với ai được, người ta gọi đó là chứng bệnh trầm cảm. Mà nói gì, có gì chính đáng đâu mà nói. Hỏi buồn gì? Cũng không biết buồn gì nữa, cứ buồn vậy đó. Nhà Phật gọi là si mê, là ngã chấp. Muốn trị được bệnh này, trước nhất đối với các giác quan phải có sự sống tỉnh giác. Chúng ta giữ gìn được cái biết, không để một giác quan nào chạy theo và dính mắc vào trần cảnh bên ngoài. Đó là chỗ chính yếu trong phương thức tu tập mà Hòa thượng Ân sư đã dạy cho chúng ta.

Người biết tu luôn giữ sự sáng suốt khi căn tiếp xúc với cảnh. Căn có sáu, cảnh tuy nhiều nhưng cũng không ngoài sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần chỉ hay biết rõ như vậy thôi, đừng để ý thức phân biệt dính mắc là yên ổn. Đây mới thực sự là chỗ dụng công tu hành. Thể nghiệm tất cả các sự kiện trong đời sống, chúng ta cố gắng gầy dựng cho được sự tỉnh sáng, không bị kéo lôi bởi bất cứ thứ nào. Bây giờ tới lúc phải kiểm lại xem con mắt có mờ không? Không, thấy rõ ràng mà. Cũng thế đối với các căn còn lại. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị và thân xúc chạm, ý tác động bên trong. Mỗi mỗi chúng ta khoanh vùng và cố gắng chủ động đừng để nó làm loạn.

Phật dạy mắt thấy sắc không chạy theo là định, từ đó có trí tuệ. Tai nghe tiếng không dính mắc là định, là tuệ. Mũi ngửi mùi không bị luỵ bởi mùi là định, là tuệ. Lưỡi nếm vị không tham đắm mùi vị, giữ cái biết bình thường là định, là tuệ. Những khoảng như vậy chúng ta cố gắng khung lại và hành trì từng phần một. Hành trì được như vậy, chúng ta có thể trả lời được đáp án lớn mà Hòa thượng giao là phải tu cho sạch hết ba nghiệp tham sân si, để làm chủ các giác quan của mình.

Cho nên có thể nói sự tu hành của mình là không chạy theo, không vướng mắc, không bị kéo lôi bởi các cảnh duyên và vọng tưởng không thật. Ứng dụng như thế, dần dần chúng ta ổn định và làm chủ được các giác quan. Bây giờ còn tỉnh sáng, chúng ta còn đủ năng lực để tu tập thì nên tranh thủ, cố gắng. Đừng để cơ hội thuận lợi mất đi, mai này già yếu, không đủ sáng suốt và nhạy bén, việc hành trì sẽ khó khăn, nặng nề hơn. Quí vị đang làm việc, tiếp khách, ăn cơm… nếu các giác quan lý sự tạp nhạp sang chuyện khác thì phải chủ động dừng, không chạy theo, không mắc mứu, không để nó kéo lôi. Áp dụng được như thế thì quí vị có thể tu trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào. Làm chủ ở đây là quán chiếu, soi rọi lại mình, không phải cái bên ngoài đem vô.

Tất cả những gì chúng ta có đây, trước sau gì cũng phải bỏ thôi. Ta không bỏ nó thì nó cũng bỏ ta. Cái tay này cố nắm vật gì, tới lúc nó chết cũng không sử dụng được. Chừng đó người ta có đem vàng ngọc để vô nó cũng không nắm lại. Cho nên bây giờ mình phải chủ động chọn đường mà đi. Đi ngay thẳng, đi tới nơi tới chốn. Tốt nhất là buông bỏ mọi thứ chung quanh, nhất định chúng ta sẽ đi tới đỉnh. Hòa thượng dạy chưa đi tới đỉnh thì chưa được nghỉ, càng không được ham vui. Ham vui là đi ngang chỗ người ta ca hát, mình dự vô rồi quên đường về.

Việc tu hành quả thực phát xuất từ trong thâm tâm của mỗi người. Một khi chúng ta kiên quyết buông là đã thành tựu mấy chục phần trăm, buông cho tới không còn gì để buông là thành tựu viên mãn. Bây giờ mình chưa phải là người trí tuệ hoàn toàn, nhưng qua lời dạy của Phật tổ, chúng ta biết mình có chủng trí tuệ. Cho nên từng bước khôi phục, nhận và sống lại với trí tuệ ấy, tới một lúc nào đó trí tuệ sẽ hiện tiền. Tin như vậy, cả quyết như vậy thì con đường Phật đạo nhất định thành tựu.

Trên những chặng đường chư vị Bồ-tát đi qua để tiến lên Phật quả có tất cả 52 bậc. Bây giờ chúng ta bước vào bậc nào, mỗi người tự biết. Người bước được lên những bậc đó quyết sẽ đi đến nơi. Tuy cũng có lúc dừng lại nghỉ ngơi, nhưng chỉ ở một giai đoạn nào thôi, rồi lại phải lên đường. Đây là niềm an ủi vô cùng lớn lao và cũng tạo nên sự hưng phấn cho mỗi chúng ta. Giả tỷ lúc nào đó chúng ta ham vui dừng lại, nhưng sau cũng tiếp tục tiến bước. Nhiều huynh đệ trước đây tu tập, giữa đường thối lui, về sau ăn năn hối cải và quày đầu trở lại. Đó là gì? Là tâm niệm hướng về con đường an vui, giải thoát. Và họ đã phát hiện ra chỉ tu tập mới có thể giải thoát, an vui vĩnh viễn mà thôi.

Rất mong chư huynh đệ cảm thông, cảm nhận được điều mình phải nhận và việc mình phải làm. Trong quá trình tu tập, chúng ta làm sao loại trừ được ngã chấp và pháp chấp, bước qua 52 bước hành đạo, đến được chỗ cứu cánh viên mãn. Chúng ta thực sự là hành giả đi trên đại lộ thênh thang ánh sáng. Và nguyện đem ánh sáng ấy đến cho muôn loài.

 

[ Quay lại ]