HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Tùng Thẩm

tstrieuchauThiền sư Tùng Thẩm
(Triệu Châu)
(778 - 897)

Sư họ Hác, quê ở làng Hác, thuộc Tào Châu. Thuở nhỏ Sư xuất gia ở Hỗ Thông viện tại bản châu, nhưng chưa thọ giới.

Triệu Châu là một vị thiền sư rất nổi tiếng của thiền tông Trung Quốc, các nơi từng ca tụng về diệu tích của ngài. Sư họ Hác sanh năm 778, viên tịch năm 897, hiệu Tùng Thẩm, thời nhân gọi là Triệu Châu Tùng Thẩm. Ngài xuất gia tại huyện nhà, chưa thọ giới mà đã đi tham vấn.

Sư tìm đến Trì Dương tham vấn Nam Tuyền Phổ Nguyện. Nam Tuyền nằm nghỉ mà vẫn hỏi:

- Vừa rời chỗ nào?

Sư thưa:

- Vừa rời Đoan Tượng.

- Thấy Đoan Tượng chăng?

- Chẳng thấy Đoan Tượng, chỉ thấy Như Lai nằm.

Lúc này Triệu Châu còn nhỏ nên Hòa thượng đang nghỉ mà vẫn tới. Thấy tiểu tăng như vậy, ngài Nam Tuyền ngẫng đầu lên hỏi: Vừa rời chỗ nào? Triệu Châu đáp: Rời Đoan Tượng. Hỏi: Thấy Đoan Tượng chăng? Triệu Châu đáp: Đoan Tượng thì không thấy, chỉ thấy Hòa thượng đang nằm nghỉ. Trả lời thật hay.

Mới vào đạo đi hành cước, chưa phải là sa-di mà đã vượt ngoài nghi thức, không lúng túng trước câu hỏi đầu tiên của thầy, như vậy là tin tức tốt. Ngài Nam Tuyền thấy chú này đặc biệt nên hỏi:

- Ngươi là Sa-di có chủ hay không chủ?

- Sa-di có chủ.

- Chủ ở chỗ nào?

- Giữa mùa đông rất lạnh, ngưỡng mong tôn thể Hòa thượng được muôn phước.

Nam Tuyền khen ngợi liền nhận vào chúng.

Nói một câu vừa chào hỏi thầy, vừa biểu hiện được chỗ đến của mình. Quả thật siêu xuất. Giữa mùa đông rất lạnh, ngưỡng mong tôn thể Hòa thượng được muôn phước. Điều con muốn trình bày với Hòa thượng là giữa bao nhiêu hỗn loạn, lăng xăng điên đảo, con vẫn bình yên, bởi vì con có chủ. Một thiền sinh vừa bắt đầu đi hành cước, gặp bậc lão túc đáng lẽ sợ sệt, lúng túng nói xàm, đằng này trả lời bài bản rõ ràng, con kính chúc Hòa thượng muôn phước trang nghiêm. Cho thấy đây là bậc pháp khí trong tùng lâm, chớ không phải kẻ tầm thường. Vì thế ngài Nam Tuyền khen ngợi, chấp nhận cho nhập chúng tu học.

Chúng ta thấy người xưa nhập chúng thật nhẹ nhàng, không phải làm thủ tục gì hết, khỏi cần ai giới thiệu. Tổ không hỏi đã thọ giới Tỳ-kheo chưa, giới đàn nào, mà hỏi ngay việc chính yếu. Nếu chư huynh đệ ai cũng nhắm vào việc chính yếu mà sống, mà tu học, mà nhận lại thì nhất định thành tựu không khó. Người ít tạp duyên, không bị điên đảo vọng tưởng lôi dẫn thì tiến rất nhanh, nhảy một nhảy là vào thẳng đất Như Lai.

Từ xưa đến giờ các ngài chỉ dạy chúng ta nhận lại tâm chân thật của mình, vì quên nên ta không đoái hoài tới, lăng xăng nắm bắt việc này việc khác bên ngoài. Bây giờ nhận lại có gì khó, có gì lạ đâu, nhưng ta làm không được. Tại sao? Vì vướng mắc, trì trệ, chấp cứng. Đó là nghiệp của chúng sanh. Hiểu như vậy rồi ta không còn than trời trách Phật nữa. Tại nghiệp của mình đã tạo, nhân không tốt đã gieo, con đường tăm tối đã lầm lũi nhiều kiếp, nên bây giờ quên lối về là lẽ thường tình.

Tuy nhiên, vẫn còn một chỗ an ủi, chỗ nào? Tam bảo gia hộ. Mười phương các bậc hiền thánh luôn thương tưởng và đưa tay kéo lên, mong chúng ta một phen hồi đầu thì các ngài sẽ giúp mình chuyển hóa. Chư Bồ Tát liên tục thị hiện trong các cõi, lúc nào chúng sanh cần là các ngài có mặt. Đáng tiếc cũng có khi chúng ta biết các ngài trông đợi mình quay về nhưng ta vẫn cứ làm lơ. Thiền sư Triệu Châu có một câu nói rất nổi tiếng về điều này, chúng sanh “biết mà cố phạm”.

Sư hỏi Nam Tuyền:

- Thế nào là đạo?

Nam Tuyền đáp:

- Tâm bình thường là đạo.

- Lại có thể nhằm tiến đến chăng?

- Nghĩ nhằm tiến đến là trái.

- Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?

- Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không thênh thang rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy?

Ngay câu nói này Sư ngộ lý.

Sư hỏi ngài Nam Tuyền: Thế nào là đạo? Nam Tuyền đáp: Tâm bình thường là đạo. Một câu đáp rất chính xác, không cần chút suy nghĩ nào. Nghe thầy nói tâm bình thường là đạo, thấy đơn giản làm sao, nhưng quả thật mình không biết an táng đám vọng tưởng điên đảo lăng xăng ở đâu, để cho tâm bình thường. Riêng ngài Triệu Châu khi nghe nói như vậy, ngài vào được.

Thiền sư Triệu Châu chỉ trong một buổi tham vấn, đã thấy được đường đi lối về từ thuở nào. Con người lầm một bước, tự tách bến, tự đi ngả tẻ rồi chôn vùi mình trong nhiều kiếp sanh tử. Tuy nhiên vẫn còn duyên lành nên ngày nay ta gặp lại, nhận ra. Người căn tánh thông lợi, cộng với công đức tu hành nhiều đời như ngài Triệu Châu ngay nơi một câu nói của bậc thiện tri thức liền thấu triệt, vào được, an nhiên.

Lại có thể nhằm tiến đến chăng? Tức là có cách nào để con nhận lại? Tổ giải thích rõ ràng: Nghĩ nhằm tiến đến là trái, nghĩa là khởi nghĩ bất cứ điều gì cũng không đúng, không thể tiến đến được. Hòa thượng Trúc Lâm dạy sống với trí tuệ rỗng rang sáng suốt, còn khởi nghĩ là bị vọng tưởng dẫn. Cho nên bình nhật chúng ta phải làm chủ các dấy niệm, không chạy theo dấy niệm. Sống trong thể lặng lẽ an nhiên, đó là trí tuệ, là giải thoát.

Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký, nghĩa là đạo không dính bên này mắc bên kia. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, người sống được tâm bình thường thì không còn nghi. Ví như hư không thênh thang rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy? Hư không rỗng rang thì không có phải quấy, đúng sai, đen đỏ, hư không là hư không. Ngay câu nói này sư ngộ lý. Hòa thượng Trúc Lâm gọi những bài pháp kiểu này là “một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa”. Nhân một câu nói gợi ý của Mã Tổ, Triệu Châu liền nhảy thẳng vào đất tổ, bình yên vô sự. Thật xứng đáng là người sống với tâm bình thường.

Chúng ta làm sao để được tâm bình thường? Vừa ngồi yên thì ngủ gục, nên không bình thường. Nếu không ngủ gục thì vọng tưởng lung tung. Hồi sáng ăn nước tương Nhật ngon quá, nước tương Việt Nam không bằng, do vậy tâm không bình thường. Lúc nào chúng ta cũng bị cảnh duyên bên ngoài kéo lôi. Tại sao? Vì nhiều đời kiếp ta đã vướng mắc, trôi dạt theo nó, cho nó là mình, nên bây giờ muốn không theo thật khó.

Nói tâm bình thường thấy dễ, nhưng muốn trở về sống với nó, thì không dễ chút nào. Như thấy cái bóng trước mắt thật gần, mà đưa tay bắt hoài không tới. Tới sao được, khi bóng và người luôn quay lưng. Muốn gặp nhau thì phải đối diện mới gặp, đàng này quay lưng thì thôi, người ra Long Thành, người vô Bình Sơn. Bao giờ gặp nhau! Chỉ khi nào chịu gặp thì mới gặp được, phải không?

Đức Phật A-mi-đà đã thành tựu Phật đạo và từ đại nguyện độ sanh ngài có thế giới Cực Lạc, là cõi tịnh độ trang nghiêm. Với lòng từ bi vô lượng, lúc nào ngài cũng đưa tay đón nhận chúng sanh khắp trong mười phương cầu về thế giới Cực Lạc. Như mẹ hiền trông con, chỉ mong muốn gặp lại, nhưng con quay lưng với mẹ thì chừng nào gặp nhau? Không nói chi xa, như từ nhà bếp lên điện Phật chưa tới cây số. Phật ngồi đó mà chúng ta đi ba năm vẫn không gặp. Vì đi ngược chiều, thay vì lên điện Phật ta lại xuống bếp. Tôi đi mấy chục năm rồi, từ hồi 6, 7 tuổi tới bây giờ bảy mươi mấy tuổi. Ôi! Gần bảy chục năm, mà đức Phật vẫn thấp thoáng khi xa khi gần.

Tại thiền viện Thường Chiếu, từ phương trượng của Hòa thượng qua điện Phật chưa tới 100 thước, vậy mà huynh đệ đi hoài không tới. Vì sao? Muốn đi điện Phật, nhưng lại ra đường bắt xe đi thành phố trước đã. Vô thành phố nói chuyện đi điện Phật, nhưng lại tiếp tục xuống miền Tây. Lăng xăng ở miền Tây một đỗi, quanh lên lại sang Ấn Độ một chuyến. Đi Ấn Độ rồi thấy nhớ Phật ở Tích Lan quá, thế là đi thăm Phật ở Tích Lan. Nhân tiện sang Myanmar rồi Thái Lan, Nhật Bản. Đi một vòng tào lao thiên đế, quên mất đường về. Nếu có về được lại quên mất đường vô điện Phật. Vậy đó.

Nói như vậy là ý gì? Nghĩa là từ lúc phát tâm đến khi thành Phật không có biên cương, giác và mê chỉ trong gang tấc, nhưng chúng sanh đi hoài không tới. Kinh Lăng-nghiêm nói “bối giác hiệp trần” thì làm chúng sanh lăn lóc trong ba cõi sáu đường. “Bối trần hiệp giác” thì làm Phật cười ngất cả ngày. Chúng ta dở quá, cứ hợp với trần, quay lưng với giác để chịu cảnh mê muội tăm tối hoài. Bây giờ phải xoay trở lại, quay lưng với trần, hợp với giác, nương nhau tu học, động viên nhắc nhở cho tâm trở lại bình thường. Chỉ thế thôi, chớ không mong cầu thành Phật tác tổ gì cả.

Ngang đây ngài ngộ lý, đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Vô ký là sao? Là lơ lơ lửng lửng, mờ mịt không sáng tỏ. Như trí tuệ giác ngộ, Bồ-đề, Niết-bàn trước mắt không ai giấu, cũng không ai chế biến hay thêm bớt gì, mà mình thấy Bồ-đề có gai. Thấy có gai nên sợ đâu dám sờ đến nó nữa, vì vậy Bồ-đề tuy sẵn đó mà không thể nhận biết.

Ngài Tùng Thẩm đến chỗ ngài Nam Tuyền không bao lâu, là một học trò nhỏ mới xuất gia chưa thọ giới, mà đã được thầy khen ngợi nhận vào chúng. Thật là nhân duyên đặc biệt.

Sư đến đàn Lưu-ly tại Tung Nhạc thọ giới. Thọ giới xong, Sư trở lại Nam Tuyền.

Sư hỏi Nam Tuyền:

- Biết có người ấy đến chỗ nào an nghỉ?

Nam Tuyền bảo:

- Đến nhà đàn-việt dưới núi làm con trâu đi.

- Cảm tạ Thầy chỉ dạy.

- Đêm qua canh ba trăng soi cửa.

Ngài đi thọ giới xong trở về với Nam Tuyền. Một hôm ngài hỏi thầy, con đã nhận ra cái đó rồi nhưng tới chừng nào xong việc. Đây là câu hỏi của hầu hết chư thiền tử đi hành cước. Chúng ta bây giờ chưa có ai hỏi câu này, vì mình chưa vào cửa được.

Thầy trả lời thật bất ngờ, không nói phải tu như thế nào, chân tâm Phật tánh ra sao, bao giờ thành Hòa thượng Đại đức v.v… chỉ nói đến nhà đàn-việt dưới núi làm con trâu. Nghĩa là sanh tử tự tại. Đệ tử nhận ra được ý này nên cảm ơn thầy chỉ dạy. Ngài Nam Tuyền nói đêm qua canh ba trăng soi cửa, là diễn bày tâm thể rỗng rang sáng suốt hằng chiếu soi. Chỗ này mỗi vị cần tự hiểu.

Đêm qua trăng rọi song là gì? Trăng canh ba sáng lắm. Buổi khuya từ rằm đổ lên 19, 20, càng khuya chừng nào trăng càng vàng rực chừng ấy. Người thích thưởng trăng dễ cảm nhận, dễ rung động trước ánh sáng trăng khuya. Con người như có thể cảm thông với đất trời, với mây ngàn, nhưng nhớ lúc này đừng làm thơ nha. Làm thơ không thành thiền sư mà thành thi sĩ, rồi cứ bỏ ngủ tìm trăng. Một hôm thấy trăng cũng còn riêng lẻ quá nên tìm trà. Tìm trà rồi cũng chưa đủ ấm áp, thế là tìm bạn. Bấy giờ cớ sự dẫn mình đi quá xa trong trần thế, không biết đường quay lại. Hỏng mất cả trời lẫn trăng.

Mấy năm bần đạo mới về Thường Chiếu, cực khổ giàn trời. Vậy đó. Mà có những đêm lang thang dưới trăng từ trước chùa ra tới nhà khách. Mênh mông thênh thang, một trời rỗng rang. Mọi thứ yên hết thì ta cứ đi, không sợ ma quỷ gì. Nhờ vậy có những hôm trăng sáng tận đáy lòng.

Sư đến Hoàng Bá (Hy Vận). Hoàng Bá thấy Sư đến liền đóng cửa phương trượng. Sư lấy lửa đem vào pháp đường kêu:

- Cứu lửa! Cứu lửa!

Hoàng Bá mở cửa, nắm đứng Sư lại, bảo:

- Nói! Nói!

Sư bảo:

- Cướp qua rồi mới trương cung.

Lanh lợi phi thường. Ngài Hoàng Bá biết nhân vật này rất đặc biệt khi còn ở chỗ Nam Tuyền, nên thấy sư đến liền đóng cửa phương trượng. Triệu Châu không cần kêu cửa, cũng không hỏi chìa khóa, mà lấy lửa tới pháp đường kêu Cứu lửa! Cứu lửa! Bắt buộc Hoàng Bá phải mở cửa thôi. Tuy nhiên ông thầy đâu có vừa, liền nắm đứng biểu nói nói. Ngài nói: Cướp qua rồi mới trương cung! Cơ của Hòa thượng trễ rồi, tôi đã dành thế thượng phong. Vì sao thượng phong? Chỉ một đốm lửa là Hoàng Bá phải mở cửa. Đây là tuyệt chiêu.

Người sống được với tâm thể bất sanh bất diệt là như vậy. Ai nghĩ ra cách này? Chỉ những bậc ngộ đạo, thực sự không vướng mắc mới nghĩ ra chiêu thật ấy. Hoàng Bá và Triệu Châu xổ cờ xông trận, giống như hồi mã thương của La Thành hay đao vớt bóng của Quan Vân Trường. Quan Vân Trường có thanh long đao vớt bóng thần kỳ. Vớt bóng nhưng mà đầu thật bay. Dòng họ La có chiêu thức đặc biệt khi sử dụng cây trường thương. Lúc lâm trận, hai bên đánh nhau thấy như La Thành quay ngựa chạy, nhưng thực ra là tấn công. Cây thương vớt ngang một phát, người ngựa bay thành hai khúc. Nhanh nhẹn thần tốc mà cũng độc hiểm phi thường.

Ở đây hai ngài xuất chiêu với nhau. Ngài Hoàng Bá nắm đứng bảo “Nói, nói”. Triệu Châu nhanh nhẹn đáp Cướp qua rồi mới trương cung. Nói kiểu đó là giỡn nhột, lôi vô hông Hoàng Bá một phát. Chúng ta đâu ai dám thế, tới chùa của bậc tiền bối mà giỡn mặt, nhổ râu cọp lơ mơ bị cọp nuốt chắc.

Sư đến Đạo Ngô (Viên Trí), vừa vào nhà, Đạo Ngô nói:

- Mũi tên Nam Tuyền đến!

Sư bảo:

- Xem tên!

Đạo Ngô nói:

- Trật.

Sư bảo:

- Trúng.

Triệu Châu nổi tiếng đến mức đi đâu ai cũng nể sợ. Đạo Ngô vừa thấy liền nói: Mũi tên của Nam Tuyền đến. Nhân đó Triệu Châu nói luôn “xem tên”. Ngài Đạo Ngô nói: Trật, đó giương bẫy, nhưng Triệu Châu đở lại ngay “trúng”, nghĩa là không trật. Đây là dùng đúng phá sai, dùng tối phá sáng, theo 36 pháp đối của Lục tổ Huệ Năng.

Sư đến Giáp Sơn (Thiện Hội) cầm gậy vào pháp đường.

Giáp Sơn hỏi:

- Làm gì?

Sư đáp:

- Dò nước.

Giáp Sơn bảo:

- Một nhỏ cũng không, dò cái gì?

Sư chống gậy đi ra.

Giáp Sơn Thiện Hội là đệ tử nối pháp của Hoa Đình Thuyền Tử. Thủ thuật ở đây vừa giản dị, vừa siêu xuất. Triệu Châu từ ngoài đến đáng lẽ phải bỏ gậy bỏ dép trước cửa, nhưng ngài cầm gậy vào thẳng pháp đường. Giáp Sơn hỏi làm gì? Ngài đáp: Dò nước. Giáp sơn bảo: Một giọt cũng không có, dò cái gì. Sư chống gậy đi ra. Nhờ Giáp Sơn khéo giữ cửa, ngài Triệu Châu không quậy được mới đi. Nếu người giữ cửa không kỹ thì có chuyện rồi.

Sau khi được Nam Tuyền ấn khả, Sư về Tào Châu thăm Bổn sư. Những người quen thuộc hay tin Sư về đều muốn đến thăm, Sư nghe được bèn nói:

- Lưới ái trần tục không có ngày dứt được, ta đã từ bỏ xuất gia, không muốn gặp lại.

Sư liền mang bát cầm gậy dạo khắp các nơi. Sư thường nói:

- Trẻ con bảy tuổi hơn ta thì ta hỏi nó, ông già trăm tuổi chẳng bằng ta thì ta dạy họ.

Khi được thầy ấn khả rồi, ngài về quê hương Tào Châu thăm bổn sư, là vị thầy đầu tiên xuất gia cho ngài ở viện Hỗ Thông. Mọi người hay tin đến thăm, Sư nói: Lưới ái trần tục không có ngày dứt được, ta đã từ bỏ xuất gia, không muốn gặp lại. Mặc dù đã xong việc, mà nghe bà con tính đến thăm ngài vẫn ngại, sợi dây luyến ái gia đình nhiều đời kiếp không dứt được. Vì vậy ngài đi, sợ gặp gỡ sanh luộm thuộm khó xử lắm. Chỉ con người siêu xuất mới được như thế. Chúng ta không sao bì kịp, mình còn nhiều thứ ràng buộc, phải thực hiện nhiều việc giao tế nên công phu tu chậm tiến.

Như đang ở Thường Chiếu yên ổn, có thầy lại thưa: “Bạch thầy, má con bị bệnh, xin phép thầy cho con về thăm.” Hỏi ở đâu, kể ra nào là Lào Cai, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế… những nơi xa xôi như vậy. Từ Long Thành về tới đó xa biết mấy, nhưng tôi không thể không cho đi. Thật ra quyết định là bản thân của chư huynh đệ, chứ không phải ông thầy. Tự xét xem duyên sự có quan trọng hay không, tự biết mình đã xong việc chưa… mà chọn lựa cách ứng xử hợp tình hợp lý. Bổn phận của tôi là hướng dẫn, dạy dỗ huynh đệ trong khả năng của mình, chuyện đạo nghĩa, đạo hiếu, đạo đức, dĩ nhiên tôi phải giữ. Cho nên cuối cùng kêu thầy thủ quỹ xuất tiền cho đi. Vậy thôi.

Một lần anh em về như vậy có khi nửa tháng, nhanh lắm cũng một tuần. Đó là bình thường, nếu gặp sự cố xảy ra có khi ở luôn mấy tháng trời. Ngày trở về quên hết, không còn nhớ giờ nào ăn cơm, giờ nào tụng kinh, giờ nào tọa thiền… lơ lơ lửng lửng. Một lần về quê trở lại viện, tuần lễ sau chưa lấy lại hồn vía, còn gởi ở đâu ngoài Tuyên Quang, Bắc Cạn. Những việc này huynh đệ tự biết, tự hiểu, tự thấy đâu là việc quan trọng chánh đáng thì làm, không ai có thể thay thế. Chuyện tu hành, đạt đạo là của mình, mỗi người nên tự liệu lấy.

Ngài nói lưới ái trần tục không có ngày dứt, ta đã từ bỏ xuất gia không muốn gặp lại. Nói xong liền mang bát chống gậy đi khắp nơi. Sư thường nói trẻ con bảy tuổi hơn ta thì ta hỏi nó, ông già trăm tuổi chẳng bằng ta thì ta dạy họ. Đây là một nhãn quan thông thoáng, luôn luôn nhận sự tư vấn, học hỏi cầu tiến. Những gì đúng thì học theo, không đúng thì gạt phăng. Người sống được như vậy mới có khí phách siêu xuất. Nếu tình lý lẫn lộn không phân minh rõ ràng thì bị chôn vùi chỗ tăm tối. Hoặc theo lý mà lý đó không đưa đến chỗ rỗng rang sáng suốt thì cũng không xong.

Nhân quả chằng chịt, duyên sanh như huyễn. Những lý này chư huynh đệ phải thông suốt, biện biệt rõ ràng. Sao gọi là nhân quả, duyên sanh? Phật nói tất cả các pháp là giả, nhưng nếu gây nhân thì có quả. Nói bậy thì người ta chửi lại. Rõ ràng như vậy.

Sau chúng thỉnh Sư ở viện Quan Âm tại Triệu Châu. Có vị tăng hỏi:

- Thế nào là Phật?

Sư bảo:- Ở trong điện.

- Trong điện đâu không phải bùn đất đắp thành tượng?

- Phải.

- Thế nào là Phật?

- Ở trong điện.

- Con mê muội xin Thầy chỉ dạy.

- Ăn cháo xong chưa?

- Ăn cháo xong.

- Rửa chén bát đi!

Tăng nhân đây đại ngộ.

Sống bình thường. Chỗ này cần phải thấu triệt bằng sự thực tập, chớ không phải nói suông. Vọng tưởng dấy lên, buông. Buông được là ăn cháo rồi. Nếu buông không được thì cháo đâu mà ăn. Giản dị mà quá hay.

Ăn cháo xong thì rửa chén bát, cứ tự tại mà sống. Không khởi lên bất cứ niệm nào khác, khởi lên là điên đảo. Tăng nhân đây liền ngộ.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Như minh châu trong tay, Hồ đến thì hiện Hồ, Hán đến thì hiện Hán. Lão tăng nắm một nắm cỏ dùng làm thân vàng (thân Phật) một trượng sáu, đem thân vàng một trượng sáu dùng làm nắm cỏ. Phật là phiền não, phiền não là Phật.

Có vị tăng đứng lên hỏi:

- Chưa biết Phật là phiền não của ai?

Sư đáp:

- Là phiền não của tất cả người.

- Làm sao khỏi được?

- Dùng khỏi làm gì?

Hòa thượng Trúc Lâm thường dạy như gương sáng, vật gì để trước thì nó hiện, qua rồi thôi. Gương không lưu lại bất cứ vật nào, những vật ấy cũng không có ý lưu bóng lại trong gương. Cho nên Hồ Hán đầy trời mà gương vẫn sáng. Ngài muốn nói đến chỗ tâm thể bất sanh bất diệt. Tức chỗ vô phân biệt, lúc nào cũng ảnh hiện các pháp nhưng không vướng mắc bất cứ pháp nào.

Lão tăng nắm một nắm cỏ dùng làm thân vàng một trượng sáu, đem thân vàng một trượng sáu dùng làm nắm cỏ. Phật là phiền não, phiền não là Phật. Lúc nào chúng ta không vui là Phật bị phiền não. Như trùm cái mền đen lên người, có thấy chân tay gì đâu. Cũng vậy, phiền não trùm kín thân tâm, mình đen thủi đen thui, Phật bị mây ám, có thấy ánh sáng, thấy sự thật được đâu. Tuy nhiên phiền não tức là Phật. Muốn biết rõ điều này không có gì khó khăn. Ba giờ khuya huynh đệ kế bên còn nằm trùm, đó là phiền não. Khi được nhắc, vị ấy tung mềm thức dậy đi ngồi thiền, đó là Phật.

Ở đây vị tăng hỏi: Chưa biết Phật là phiền não của ai? Ngài đáp: Là phiền não của tất cả người, những người còn mê, chưa tinh tấn, chưa nhận ra ông chủ thì thường sống trong phiền não, nó có thể tràn ra trong tất cả thời, đi đứng, nói năng, tiếp xúc… Muốn biết chỗ đó dễ lắm. Thí dụ sáng sớm thức dậy còn đang lớ ngớ, người trước dụi mắt người sau lủi tới. Thế là nhào đầu, tiếp theo là tiếng càu nhàu “Huynh này dễ giận thiệt, đường thênh thang sao không đi, đi trên chân người ta.” Phiền não bắt đầu lòi ra. Người có đạo lực thì vui vẻ “Xin lỗi huynh, em đang buồn ngủ”, không có đạo lực thì cự lại “lỡ đạp một chút, chết chóc gì mà khó chịu quá vậy”.

Chuyện đâu là yên, suốt một thời thiền mấy tiếng đồng hồ, coi lại cái chân có trầy không. Nếu trầy thì phiền não kết bè để đó. Để đó chứ không phải rồi đâu. Bữa nay chưa có cơ hội, ngày mai ngày kia có cơ hội nó lòi ra. Huynh làm trầy chân tôi thì tôi làm trầy tay huynh. Ăn miếng trả miếng, cùng nhau nuôi dưỡng phiền não đảo điên. Cứ thế cất chứa trong lòng, lâu ngày tiêu mất tâm bồ-đề. Cuối cùng nghỉ tu, cuốn gói dong.

Nhà Phật có câu “Tăng hận bất cách túc”, nghĩa là một vị tăng sĩ không được sân giận quá một đêm. Phật dạy chúng ta phải triệt tiêu vọng tưởng phiền não trong lòng, không nên nuôi dưỡng quá lâu, rất nguy hại cho công phu tu tập. Chúng ta thường bị nhiều ấm ức, hờn giận làm mình mất biết bao thì giờ cũng như nhuệ khí tu hành. Điều này chư huynh đệ cần phải nhanh chóng nhận ra và hoán chuyển.

Có người hỏi:

- Con chó có Phật tánh không?

Sư đáp:

- Không.

- Trên đến chư Phật, dưới đến loài trùng kiến đều có Phật tánh, vì sao con chó không có Phật tánh?

- Vì nó còn có nghiệp thức.

Lại, có người hỏi:

- Con chó có Phật tánh không?

Sư đáp:

- Có.

- Đã có Phật tánh vì sao còn chui vào trong đãy da?

- Vì biết mà cố phạm.

Tùy hoàn cảnh mà thiền sư có các cơ chuyển ngữ khác nhau. Nếu nói trên nghiệp thức thì con chó không có Phật tánh, bởi nghiệp thức trùm hết rồi. Do vậy ngài trả lời “vì nó còn có nghiệp thức”. Người khác hỏi con chó có Phật tánh không, ngài đáp có. Đã có Phật tánh tại sao chui vào trong đãy da đó? Vì biết mà cố phạm.

Bồ-đề, Niết-bàn, thành Phật thuyết pháp làm lợi ích vô lượng chúng sanh… tất cả chúng ta đều có thể, nhưng mình đang quờ quạng nên chưa làm được gì cả. Có mà không nhận ra thì cũng bằng không. Không nhận ra Phật tánh thì ở trong đãy da hôi thối là điều tự nhiên thôi. Chỗ này chỉ một niệm không làm chủ được thì chạy theo những dấy khởi, vọng tưởng, rồi gây tạo nghiệp nhân bất hảo. Kết quả chẳng những ở trong lớp da lông lá hôi thối của chó, trâu, bò… tệ hơn nữa là rơi vào loài côn trùng nhỏ nhít hoặc rơi vào địa ngục, không biết chừng nào mới có thể ngoi đầu lên được. Nguy hiểm vô cùng. Vì vậy chỗ này ngài dạy chí tình chí thiết để chúng ta nhận ra mà lo tu tập.

Chúng ta có Phật tánh bất sanh bất diệt, không hình không tướng, rỗng rang sáng suốt như Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy. Nhưng vì mình mê, không biết, nên bị nghiệp thức kéo lôi, quanh quẩn trôi dạt trong luân hồi sanh tử, thì nói gì rỗng rang, nói gì kiến tánh, giải thoát thành Phật. Cũng có thể những đời trước chúng ta lầm lạc trôi dạt trong các loài, tới ngày hôm nay mới ngoi lên, được làm người. Đâu phải suốt dọc dài lăn lóc trong sanh tử mình không có Phật tánh. Có chứ, nhưng không biết. Phật tổ chỉ mà chúng ta không nhận, đành phải ôm khối nghiệp thức đó, thọ khổ vô cùng.

Đức Phật sau khi giác ngộ rồi, ngài chỉ cho chúng ta cội gốc của si mê, đồng thời ngài cũng chỉ trí tuệ vô sư sẵn có nơi mỗi chúng sanh. Trí này chẳng những không gây tạo nghiệp nhân mà còn tịnh hóa mọi chủng tử thiện ác từ nhiều đời. Đức Phật thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác chính là thành tựu trí tuệ vô sư, tức trí tuệ không thầy. Tất cả chúng ta có sẵn trí này, nhưng vì bỏ quên nên không dùng được, bây giờ chỉ cần nhận lại là đầy đủ, không thiếu.

Ngày nay chúng ta học Phật pháp để hiểu và biết cách tu, đây chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh. Có thể nhiều đời mình cũng đã học rồi, nhưng thiếu tu nên chưa nhận ra Bồ-đề, Niết-bàn. Tuy nhiên nghe nói Bồ-đề, Niết-bàn mình cảm thấy gần gũi và phát tâm tu tập. Chư Phật ra đời cũng chỉ vì muốn giúp cho chúng ta nhận ra chỗ này. Nhận được rồi mình tự tu tự độ, chứ Phật không thể thay thế nghiệp lực của chúng sanh. Do vậy sau 49 năm thuyết pháp độ sinh, Thế Tôn bảo ngài chưa từng nói một lời. Nói cái gì khi chúng sanh đã tự sẵn đủ hết rồi. Tuy nhiên vì chúng sanh mê nên Phật mới dạy Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Tứ đế, Niết-bàn, giác ngộ giải thoát v.v…

Tổ nói con chó không có Phật tánh vì nó bị nghiệp thức che đậy. Chư thánh ra đời để chỉ cho chúng sanh biết do nghiệp thức mà đọa làm loài này loài kia, bây giờ phải thoát ra. Thoát bằng cách nào? Không gây nhân xấu thì không bị quả xấu. Với điều kiện chúng ta phải sáng phải tỉnh. Tu theo Phật là tu trí tuệ, tỉnh sáng mới có thể kiến tánh rồi đi đến giác ngộ giải thoát.

Hòa thượng dạy phải dùng trí dụng hiện tiền, từ đó nhận định thông suốt mọi hiện tượng, không lầm tạo nghiệp để phải bị kéo lôi trong các đường xấu. Như người mạnh khỏe, đói bụng ăn cơm với muối ớt cũng ngon ơi là ngon. Ngược lại, với người bệnh tật không muốn ăn, dù trước mặt thức ăn cao lương mỹ vị tới đâu cũng nuốt không vô. Nuốt không vô vì nghiệp thức đầy một bụng.

Mở đầu của Thập nhị nhân duyên là vô minh, tức mở màn của kiếp người là sự mê tối. Bây giờ làm sao phá được vô minh thì nghiệp thức sẽ rớt từng khúc, từng đoạn, rớt sạch hết thì chấm dứt cuộc luân hồi dài dài từ vô thủy cho tới bây giờ. Suy nghiệm như thế, chúng ta thấy rõ cái siêu xuất của Phật đạo. Phật dạy những người đệ tử đầu tiên, dứt khoát không cho tạo nghiệp để bị dẫn đi trong trầm luân sanh tử. Từ đó mới có thánh chúng giác ngộ chứng quả vô sanh, hoàn toàn tịnh lạc, an ổn thật sự. Cho nên ngài Triệu Châu mới nói câu “Giữa mùa đông rất lạnh, ngưỡng mong tôn thể Hòa thượng được muôn phước”.

Chúng ta tu thiền là tu trí tuệ. Trí tuệ là gì? Là không mê. Hồi trước mình không biết nên mấy tủ vàng giả ngoài chợ đều thích, có đồng nào mua hết đồng đó. Bây giờ biết giả rồi, người ta đem cho cũng không lấy. Cũng thế, khi chưa hiểu Phật pháp, thiên hạ đam mê ngũ dục thế gian, hiểu rồi thấy ngán sợ. Nói vậy chứ cũng không dễ dàng gì đâu, vì gốc mê của chúng sanh sâu dày quá, không dễ dàng từ bỏ các thứ đồ giả ấy.

Con người dở đến mức, chẳng những mê vàng mà còn mê cây, mê cảnh, mê nhà, mê cửa, mê bóng, mê dáng. Đến như thân này hôi thối, là cái lồng nhốt bốn con rắn độc mà cũng mê nữa, không muốn xa lìa nó, khổ ơi là khổ. Hồi nhỏ tôi học ở Huệ Nghiêm, ban bảo trợ cho mỗi thầy một cái ca nhựa có quai và nắp đậy để uống nước, một cái thùng để đựng đồ, một cái sạp để nằm. Khi chia như vậy rồi, mình bị phân ranh hồi nào không biết. Cái thùng của mình, cái sạp của mình, cái ca của mình. Quần áo, bánh trái, kinh kệ gì cũng nằm trong cái thùng đó.

Ngày mới chia ca, tôi đi học về thấy ca sắp dài dài trên sạp. Cái ca chia cho tôi để không ngay chỗ của tôi, mà lấn qua chỗ sư huynh kế bên. Mình có biết gì đâu. Vui vẻ cười nói lăng xăng, không nhớ tới cái ca. Bỗng nhiên nó bay cái vèo, tôi cũng không hiểu tại sao cái ca bay dữ vậy. Thì ra, sau cái bay đó là tiếng cằn nhằn của ông sư huynh “có cái ca mà cũng không biết để đúng chỗ nữa?” Tôi ngây thơ hỏi “Đúng chỗ là chỗ nào?” - “Thì cái thùng của ông đó.” À, ra vậy. Biết rồi, thôi đi lượm cái ca. Mình suy nghĩ cũng ngộ, cái ca nằm ngoài chợ, Phật tử mua về để lên chỗ của mình lệch một chút, mà thành ra cớ sự. Cho nên Phật nói chúng sanh chấp thủ sâu dày không biết đến mức độ nào.

Sư hỏi vị tăng mới đến:

- Từng đến đây chưa?

Tăng thưa:

- Từng đến.

- Uống trà đi!

Sư lại hỏi tăng:

- Từng đến đây chưa?

Tăng thưa:

- Chưa từng đến.

- Uống trà đi!

Sau Viện chủ hỏi Sư:

- Vì sao từng đến dạy uống trà đi, chưa từng đến cũng dạy uống trà đi?

Sư gọi:

- Viện chủ!

Viện chủ đáp:

- Dạ!

Sư bảo:

- Uống trà đi!

Giản dị vậy. Nếu là chúng ta thì sẽ được bảo “Ngồi thiền đi.” Một nhãn hiệu duy nhất.

Sư cầm chổi quét đất, có người hỏi:

- Hòa thượng là thiện tri thức vì sao có bụi?

Sư bảo:

- Bên ngoài đến.

- Già-lam thanh tịnh vì sao có bụi?

- Lại có một điểm.

Tuy già lam thanh tịnh nhưng mình còn dấy khởi thì còn bụi.

Có ông Tú tài đến hỏi Sư:

- Phật chẳng trái sở nguyện của chúng sanh phải chăng?

Sư đáp:

- Phải.

- Con muốn xin cây gậy trong tay Hòa thượng được chăng?

- Người quân tử không đoạt cái sở thích của người.

- Con không phải là quân tử.

- Ta cũng chẳng phải là Phật.

Thiệt là siêu xuất!

Có người hỏi:

- Đã lâu nghe tiếng cầu đá Triệu Châu, nay đến chỉ thấy cầu nổi.

Sư bảo:

- Ông chỉ thấy cầu nổi mà không thấy cầu đá.

- Thế nào là cầu đá?

- Độ lừa độ ngựa.

- Thế nào là cầu nổi?

- Mỗi mỗi độ người.

Tăng nói nghe danh thầy là một hòa thượng uy phong lẫm liệt, đến nơi chỉ thấy cầu nổi là chê thầy xoàng quá. Ngài Triệu Châu chỉ thẳng cái gốc bên trong, không y cứ trên hình thức bên ngoài “Ông chỉ thấy cầu nổi mà không thấy cầu đá.” Thế nào là cầu đá? Độ lừa độ ngựa, nghĩa là công đức diệu dụng phi thường, người nào vào được mới biết chỗ ấy.

Thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm chuyên dẫn và chỉ dạy những gì trước mắt. Vào đầu ngài ghi nhận từ chỗ “Tâm bình thường là đạo.” Tâm bình thường là tâm nào? Là tâm không bị quá khứ, vị lai dẫn đi. Tâm đó rỗng rang sáng suốt. Làm sao sống được, vào được, bảo hộ được tâm ấy. Đó mới là vấn đề chánh yếu.

Sư dạy chúng:

- Vừa có phải quấy thì lăng xăng mất tâm, lại có người đáp thoại hay chăng?

Có vị tăng bước ra vỗ thị giả một cái, nói:

- Sao không đáp Hòa thượng?

Sư liền vào phương trượng.

Sau, thị giả thưa:

- Vừa rồi có vị tăng làm thế ấy là hội hay chẳng hội?

Sư bảo:

- Ngồi thấy đứng, đứng thấy ngồi.

Vừa dấy niệm phải quấy, tốt xấu, được mất v.v… thì đã rơi vào gọng kìm hai bên. Có đối tác, đối tượng thì tâm thể bị mờ, không phát huy được trí tuệ. Bây giờ vừa dấy niệm liền buông, không đối tác, đối tượng, hoàn toàn chủ lực, trí tuệ phát sáng, tâm thể mới hiển lộ.

Như chúng ta đang ở đây, nghe cái “đùng” đằng kia. Nếu dấy khởi theo đằng kia thì ngồi đây lăng xăng. Không biết bánh xe nổ hay nhà bếp nổ? Tri khố, trị nhật nấu hay làm đổ bể cái gì… Suy nghĩ lung tung như vậy nên hiện tại mờ mất. Đây là cơ phong nhạy bén và gần gũi, ngài Triệu Châu đã chỉ thẳng để chúng ta có đường vào.

Nghe nói vậy, tăng vỗ thị giả hỏi “sao không đáp lời Hòa thượng”. Vị này chắc cũng đi hành cước nhiều năm mới dám như thế. Sư bỏ vào phương trượng, vì biết buổi tham thiền hôm nay có sự cố, một ngọn gió lạ thổi tới. Gió này nếu không kịp đóng cửa ma quỷ nó ập vào. Thị giả thấy lạ, theo hỏi thầy vị tăng vừa rồi xong chưa. Xong cái gì? Ngồi nói đứng, đứng thấy ngồi, chỉ là hạng lăng xăng, chơi ngông vậy thôi.

Sư dạy chúng:

- Đạo chẳng khó, chỉ hiềm lựa chọn, vừa có nói năng là lựa chọn, là minh bạch. Lão tăng chẳng ở trong minh bạch, các ngươi lại tiếc giữ chăng?

Ngài dạy chỗ chí đạo không khó khăn gì, chỉ yêu cầu chúng ta đừng lăng xăng dính bên này mắc bên kia, thì đạo thể hiện tiền. Đúng như tinh thần Tín Tâm Minh của Tam tổ Tăng Xán.

Có vị tăng đứng ra hỏi:

- Đã chẳng ở trong minh bạch thì tiếc giữ cái gì?

Sư bảo:

- Ta cũng chẳng biết.

- Hòa thượng đã chẳng biết, vì sao chẳng ở trong minh bạch?

- Hỏi việc thì được, lễ bái xong lui ra.

Vị tăng này cũng rắc rối. Hỏi: Đã chẳng ở trong minh bạch thì tiếc giữ cái gì? Sư bảo ta cũng không biết nữa. Tiếc giữ cái gì? Vừa dấy niệm liền buông đi, có ai tiếc giữ vọng tưởng. Hòa thượng Trúc Lâm chỉ dạy mình khéo làm chủ, đừng chạy theo, đừng dính mắc, đừng để vọng tưởng dẫn đi. Đó là cách dạy cho chúng ta đừng bị động bởi những lăng xăng.

Khó có thể phân định được biên thùy của bình an và không bình an. Mình đang ở trong thái bình lại chộn rộn, đang ở chỗ rộn ràng bỗng bình yên. Chợt mất chợt hiện, chợt có chợt không như vậy. Bây giờ làm sao? Chỉ khi nào trí tuệ sáng suốt, tâm thanh tịnh thì yên. Đây là kinh nghiệm tu hành. Bước vào chỗ thật sự bình yên, chừng đó mới trị được con khỉ ý thức lăng xăng.

Chư huynh đệ có vị tu ba năm, năm năm vẫn chưa thể điều phục được con khỉ này. Bước lên bồ đoàn không vọng tưởng thì ngủ gục. Buồn ngủ cứ ngủ, không làm sao tỉnh nổi. Giám thiền đập một cái rầm nhưng nó cũng ngủ. Mình có nhiều lý do. Bữa nay thức sớm nấu cơm, hôm qua đi lấy củi mệt v.v… đổ thừa thế này thế khác. Thật sự chúng ta không dùi thẳng cái gốc si mê lười biếng, làm sao mà tu được.

Tu thiền là trực chỉ, người nào trực chỉ được thì khỏe. Mỗi ngày cứ đi cuốc cỏ, làm rẫy, nấu cơm… nhậm vận tùy duyên, không việc gì cố định. Nhớ là phải dừng tâm phân biệt, lặng hết phải quấy, chết đi con khỉ ý thức lăng xăng. Mình tu là để sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt mà bây giờ lăng xăng để mất tâm thì sống với cái gì. Nói tu mà thật ra không tu thì làm sao được an lạc, làm sao giải thoát.

Đức từ phụ thương tưởng đàn con đưa tay kêu gọi mà chúng lại quay lưng. Quay lưng mà nói nhớ cha, muốn về nhà với cha, hưởng gia tài của cha. Thế thì làm sao? Chúng ta cũng vậy, muốn nhận ra tâm, sống được với tâm mà chạy theo vọng tưởng, không chịu quay về với tâm. Đã vậy thì đành chịu thôi, muốn bao nhiêu cũng không thành tựu. Người xưa nói nếu tu đúng thì một giờ tiêu muôn lượng vàng ròng cũng được, nếu chạy theo vọng tưởng thì một giọt nước cũng phải quay lại đền trả.

Chúng ta đầy đủ duyên phúc lắm mới được làm người, hiểu biết Phật pháp, phát tâm tu hành. Các vị trên trời phước báu vô lượng vô biên nhưng thật ra khó tu hơn chúng ta. Thiên tử dạo chơi, muốn đi xe một bánh thì xe một bánh liền hiện trước mặt, muốn xe ba bánh thì xe ba bánh hiện ra trước mặt, tha hồ phóng lượn, không bị công an thổi, không bị phạt vi cảnh, thu bằng lái, giam xe như cõi người. Sướng như vậy đó, nhưng mà không có Phật pháp, không biết tâm là gì. Cho nên hưởng phước một thời gian thì hết, rớt cái ầm. Đã rớt là rớt sâu, vì không nuôi chủng giác ngộ giải thoát nên rơi vào tầng hầm thứ 18, 19, 20 gì đó. Nghe nói trong ấy lửa cháy hoài hoặc nước ngập hoài… nóng lạnh ghê lắm.

Ngài thấy tăng lăng xăng quá nên bảo hỏi việc thì được, lễ bái xong lui đi. Thiền sư không thích ồn, nạp tử lại chẳng yên, cứ hỏi lung tung vì vậy không thể tương kiến.

Quan Đại phu họ Mã đến hỏi:

- Hòa thượng có tu hành chăng?

Sư đáp:

- Lão tăng nếu tu hành là việc họa.

- Hòa thượng đã chẳng tu hành thì dạy người nào tu hành?

- Đại phu là người tu hành.

- Con sao bảo là tu hành?

- Nếu không tu hành thì đâu được đánh đập người, ở trong địa vị nhân vương đói có cơm, lạnh có áo, không biết ngày ra khỏi.

Đại phu nghe cảm động rơi nước mắt, lễ tạ Sư.

Một câu khai thị thống thiết. Thật sự nếu không có phước thì làm gì được làm quan mà ông đánh đập người ta. Cậy quyền ỷ thế tạo nghiệp ác sẽ đọa ba đường dữ, không có ngày ra. Cho nên nghe Hòa thượng dạy đến câu Nếu không tu hành thì đâu được đánh đập người, ở trong địa vị nhân vương đói có cơm, lạnh có áo, không biết ngày ra khỏi, đại phu giật mình cảm động rơi nước mắt.

Khi gây nhân xấu thì quả tới cũng sít sao như vậy. Quan đại phu là Phật tử nên nghe Hòa thượng dạy thắm thiết, nguyện một lòng tu sửa. Từ đây về sau, làm việc gì cũng ráng tỉnh, dù bận rộn mấy cũng dành thời gian ngồi thiền. Dâng hương lễ Phật, học hạnh từ bi trí tuệ của Thế Tôn để được giác ngộ giải thoát như ngài.

Thật ra ở địa vị nhân vương không có gì vui thích, tất cả đều phù du, ảo hóa. Cho nên được làm người, gặp Phật pháp xuất gia tu hành mà không chịu tu thì không biết nói sao cho vừa. Cuộc đời vô thường sống chết trong gang tấc, chúng ta chẳng nỗ lực tu hành là chẳng biết thương mình. Ngài Triệu Châu phước báu nhiều đời nên sống tới 120 tuổi, chứ chúng ta mới 30 tuổi là bệnh thấp khớp khắp toàn thân rồi, công phu làm sao sánh nổi với người xưa.

Phật nói chúng sanh si mê, mình tự ái không nhận, chứ quả như vậy. Si mê là một cách nói, đúng ra là ngu si. Do ngu si nên lầm lũi gây nhân tạo nghiệp rồi chuốt quả. Cho nên bây giờ muốn nhận ra, giữ gìn, bảo vệ cái sáng suốt chân thật nhưng nó cứ lặn đâu mất. Phải dùng trí tuệ soi rọi, phá tan si mê thì tâm kia mới hiển lộ.

Phật pháp nhiệm mầu, có khả năng chuyển hóa con người rất lớn. Hồi xưa tôi biết gia đình cô Sáu, là Phật tử thuần thành của chùa Vạn Đức. Hàng tháng cô dành một khoảng chi phí cúng dường tam bảo, đều đặn tới chùa học đạo. Tại nhà cô có phòng thờ Phật, tối nào hai ông bà và các con cháu đều tụng kinh. Họ sống tương đối hạnh phúc.

Trong đó, người con rể không bao giờ đốt nhang, cũng chưa từng niệm Phật, lạy Phật. Anh lái xe đưa gia đình đi chùa nhưng không bao giờ vào chùa, chỉ đợi ngoài cổng. Anh là ký giả chiến trường. Hôm đó trên đường công tác về, máy bay đáp xuống gần sân phi trường nhưng bung chân ra không được. Tất cả mọi người trên máy bay đều run hết. Lúc ấy tự nhiên anh nhớ lại gia đình, hình ảnh thân thương của cha mẹ, vợ con hằng đêm niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ-tát “Nam mô tầm thinh cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ-tát.” Bất giác anh niệm trong lòng hồi nào không hay.

Máy bay lượn mấy vòng, tới vòng chót nhìn xuống thấy xe cứu hỏa bên dưới đủ hết, vòng này là lủi xuống đó. Xem như thí mạng, nhưng không ngờ máy bay sắp chạm xuống thì hai chân thò ra được, nó chạy một hồi rồi ngừng lại. Thiên hạ mừng quá trời quá đất. Anh em xúm nhau phỏng vấn “Hồi nãy thấy anh ngồi yên là sao?” Anh trả lời “niệm Phật”.

Anh niệm Phật trong tình huống thập tử nhất sinh, không phải nhân duyên, cũng không do tu hành, chỉ vì gặp cảnh chí nguy, khẩn cấp bỗng nhớ lại hình ảnh của gia đình mà niệm, không ngờ kết quả diệu kỳ. Từ đó anh tin Phật và bắt đầu niệm Phật luôn. Thật ra điều này cũng hãn hữu lắm, cảm ứng hay không còn tùy thuộc vào phước duyên của mỗi người, không phải lúc nào cũng như thế. Tuy nhiên đây là sự thật mà nhiều Phật tử đã trải nghiệm. Điều này cho thấy việc tu hành không có phương pháp cố định. Nhiều vị tu theo cách riêng của họ nhưng vẫn có kết quả tốt đẹp.

Năm tới tôi sẽ dạy Trúc song tùy bút của thiền sư Châu Hoằng. Đây là những đoản văn ngắn viết bên song cửa. Một lời nói, một cử chỉ, một ánh mắt, một bước đi của ngài chấn động cả quỷ thần.

Có hôm trời sấm sét nhưng ngài vẫn ngồi tự nhiên. Vận dụng thần lực thiền sư biến nước mưa thành cam lộ, rồi kêu gọi tất cả loài quỷ đói quy tụ lại uống một trận no nê, cho chúng phát tâm Bồ-đề. Đặc biệt như vậy. Bình thường ngài đi tới đi lui làm các công việc, nhưng khi trời nổi sấm sét là ngồi thiền. Đó là một công đức, một pháp tu. Có thể nói mười phương thế giới tất cả loài chúng sanh chấn động, cảm nhận công đức giáo hóa của ngài, nhất là các loài quỷ đói. Cho nên khi ngài mất đi, chúng kêu khóc thảm thiết, còn hơn cả mất cha mất mẹ. Bởi ngài là một bậc thầy, không có vị thứ hai thay thế được.

Tu giản dị như vậy, đâu phải làm gì khác. Cảm nhận như thế rồi huynh đệ vui tu, vui tiến. Tôi hy vọng sẽ không còn ai nói mình bị viêm xoang ngồi thiền không nổi, hoặc xương sống đau chắc là hết tu. Mong chư huynh đệ nhận ra được tâm tánh, thẳng tiến một đường, đừng chạy vòng vo theo bên ngoài nữa.

Qua lời dạy của ngài, quan đại phu ngộ đạo.

Có vị tăng hỏi:

- Trong mười hai giờ dụng tâm thế nào?

Sư đáp:

- Ngươi bị mười hai giờ sai khiến, ta sai khiến được mười hai giờ.

Rất là giản dị. Hoặc mình bị vọng tưởng dẫn, hoặc vọng tưởng bị mình dẫn. Nếu mình bị vọng tưởng dẫn thì tu không được. Ngược lại, mình dẫn được vọng tưởng thì làm chủ. Vậy thôi.

Sư bèn nói:

- Huynh đệ! Chớ đứng lâu. Có việc thì thương lượng, không việc thì đến nhà sau ngồi, tìm xét lý là tốt. Lão tăng lúc đi hành cước, trừ hai thời cơm cháo là tạp dụng tâm, ngoài ra không có dụng tâm khác. Nếu chẳng như thế rất là xa vậy.

Ngài nói nếu không có việc gì thì đi nghỉ, chẳng cần nhọc đứng lâu. Lão tăng ngày xưa đi hành cước, ngoài hai thời cơm cháo phải khởi niệm hồi hướng cho bá tánh, nên tạp dụng tâm, ngoài ra im phăng phắc. Nếu không như thế thì rất xa đạo vậy.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi ở trong. Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như, Phật tánh trọn là y phục đắp vào thân, cũng gọi phiền não, thật tế lý địa để ở chỗ nào? Một tâm chẳng sanh, muôn pháp không lỗi. Ngươi cứ nghiên cứu lý này, ngồi quán xét hai ba mươi năm, nếu chẳng hội thì chặt đầu Lão tăng đi! Nhọc nhằn nắm bắt mộng huyễn không hoa, tâm nếu chẳng khác thì muôn pháp nhất như. Đã chẳng từ ngoài được thì câu chấp làm gì? Giống in như con dê gặp vật gì cũng liếm cũng nhai.

Lão tăng thấy Hòa thượng Dược Sơn Duy Nghiễm có người hỏi, Ngài liền bảo: “Ngậm lấy miệng chó”. Lão tăng cũng dạy: “Ngậm miệng chó.” Chấp ngã thì nhơ, không chấp ngã thì sạch, giống như con chó săn tìm kiếm vật để ăn. Phật pháp ở chỗ nào? Ngàn người muôn người thảy đều là kẻ tìm Phật, mà ở trong đó tìm một đạo nhân không có. Nếu cùng vua Không làm đệ tử, chớ bảo tâm bệnh khó trị. Khi chưa có thế giới, trước đã có tánh này, khi thế giới hoại, tánh này chẳng hoại. Một phen được thấy Lão tăng, sau lại chẳng phải người khác, chỉ là chủ nhân này. Cái đó lại hướng ngoài tìm làm gì? Khi ấy chớ xoa đầu moi óc, nếu xoa đầu moi óc liền mất vậy.

Ngài nói Phật vàng không độ được lò đúc, vì vàng gặp lửa ở nhiệt độ cao thì chảy. Do chảy nên người ta mới chế ra vòng xuyến để trang sức. Thợ kim hoàn còn tính lợi hại nhiều hơn nữa. Vàng để nguyên chất thì hao nên trộn hỗn hợp 50 vàng 50 bạc, đưa vào lò đúc ở nhiệt độ thấp hơn là đã chảy hết rồi. Bấy giờ tha hồ làm cà rá găng tay đeo đầy mũi đầy mặt… Người ta chế ra cho vui vậy thôi, thật ra thiền sư nói “Mạt vàng tuy quý nhưng rơi vào mắt cũng thành bệnh.” Không biết sao, chứ tôi thấy đeo tòn ten như vậy nặng lỗ tai, chớ có sung sướng gì đâu.

Phật gỗ không độ được lửa. Gỗ thì đưa vô lửa là cháy. Phật đất không độ được nước. Cũng y như Phật gỗ vậy. Phật thật ngồi ở trong, Phật thật không ai làm gì được.

Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như, Phật tánh trọn là y phục đắp vào thân, tất cả những lời này chỉ là danh từ, chứ đâu phải thể chân thật. Một tâm chẳng sanh, muôn pháp không lỗi. Đó là chân lý. Nếu lặng lẽ như như thì đúng là nó, còn có tâm tìm còn chẳng biết.

Ngươi cứ nghiên cứu lý này, ngồi quán xét hai ba mươi năm, nếu chẳng hội thì chặt đầu Lão tăng đi! Hai ba mươi năm ngồi yên quán sát tu tập, một cú thoại này thôi, nếu không xong thì chặt đầu lão tăng đi. Nhưng có ai chịu như vậy đâu, nên cái đầu của ngài còn nguyên.

Nhọc nhằn nắm bắt mộng huyễn không hoa, tâm nếu chẳng khác thì muôn pháp nhất như. Chúng ta cả đời nắm bắt nhọc nhằn, chạy theo mộng huyễn không hoa. Ai thấy được hoa đốm trong hư không, làm sao thấy được? Muốn thấy hoa đốm trong hư không thì phải ấn con mắt hoặc con mắt bị nhậm. Như vậy hoa đốm không có thật, chỉ vì mắt bệnh mà thấy loạn vậy thôi.

Tâm nếu chẳng khác thì muôn pháp nhất như. Đã chẳng từ ngoài được thì câu chấp làm gì? Giống in như con dê gặp vật gì cũng liếm cũng nhai. Lão tăng thấy Hòa thượng Dược Sơn Duy Nghiễm có người hỏi, Ngài liền bảo: “Ngậm lấy miệng chó”. Lão tăng cũng dạy: “Ngậm miệng chó.” Chỗ này ngài đã bảo ngậm miệng, làm sao nói được.

Chấp ngã thì nhơ, không chấp ngã thì sạch, giống như con chó săn tìm kiếm vật để ăn. Phật pháp ở chỗ nào? Như chó săn tìm kiếm vật để ăn, gặp thứ gì cũng liếm cũng ngửi. Thật là một thí dụ rất đáng sợ.

Ngàn người muôn người thảy đều là kẻ tìm Phật, mà ở trong đó tìm một đạo nhân không có. Nếu cùng vua Không làm đệ tử, chớ bảo tâm bệnh khó trị. Nếu buông được hết thì nói gì tâm bệnh khó trị, vì không buông nên mới bị tâm bệnh.

Khi chưa có thế giới, trước đã có tánh này, khi thế giới hoại, tánh này chẳng hoại. Một phen được thấy Lão tăng, sau lại chẳng phải người khác, chỉ là chủ nhân này. Cái đó lại hướng ngoài tìm làm gì? Khi ấy chớ xoa đầu moi óc, nếu xoa đầu moi óc liền mất vậy. Người nhận ra và sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt rồi, từ đó về sau không có cái khác. Đây thật là nguồn an lạc vô biên, không gì có thể sánh nổi.

Cho nên trước phương trượng, Hòa thượng Trúc Lâm để phiến đá khắc bốn chữ hán Chân tâm vô niệm. Nghĩa là gì? Là nguyện vọng mà cũng là chỗ cứu cánh trong đời tu của ngài cũng như tất cả chúng đệ tử. Từ khi đến với đạo, tu đạo, hành đạo cho tới lúc nhận ra chân tâm vô niệm là cả một quá trình công phu lâu dài, bền bĩ, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ của chúng ta. Nhận ra được chỗ đó rồi thì đâu còn ngược xuôi nữa.

Bây giờ Hòa thượng già yếu, không nói, không nghĩ gì mà bình thản sống trong vô niệm, nhờ ngài đã trải qua quá trình tu tập dày dặn, công phu thâm hậu. Khi vọng đọng lặng dừng thì cái liễu liễu thường tri bất sanh bất diệt hiện bày. Đó chính là tâm thể vô niệm của chúng ta. Chúng ta tu học theo Hòa thượng, noi gương siêng năng hành thiền của ngài để có sự trải nghiệm chính chắn, may ra được chút phần lợi lạc. Ngài Triệu Châu cũng dạy phải tu. Ngài còn kiên quyết nếu hai ba mươi năm các ông tu tập như vậy mà không có kết quả thì chặt đầu lão tăng.

Chư huynh đệ không chịu xoay lại quán chiếu nơi mình, cứ lăng xăng chạy ra ngoài, dính cái này mắc cái kia rồi tạo nghiệp, chuốt quả khổ thì kêu trời. Nên nhớ khởi niệm là đã mất mình, vừa bước chân ra là cỏ rác. Ngài Triệu Châu dạy rất thực tế, đừng như con chó săn gặp gì cũng liếm. Nói vua Không tức không chạy theo cảnh duyên bên ngoài, sống được với bản thể thì nói gì bệnh, nói gì tu. Một ngày thiền sư sai sử 12 giờ, còn chúng ta bị 12 giờ sai sử. Cho nên cần phải cố gắng nhận ra và sống được với tâm thể của mình, mới không bị rơi vào vòng trầm luân sanh tử.

Có vị tăng hỏi:

- Theo lời Thầy dạy “khi thế giới hoại, tánh này chẳng hoại”, thế nào là tánh này?

Sư đáp:

- Tứ đại ngũ uẩn.

- Các thứ ấy vẫn là hoại, thế nào là tánh này?

- Tứ đại ngũ uẩn.

Hai lần hỏi về tánh này, ngài đều trả lời tứ đại ngũ uẩn, nghĩa là tất cả đều từ nhân duyên tứ đại ngũ uẩn mà nhận, mà tu, mà thành tựu, không thể tìm ở đâu khác. Đúng như Lục tổ Huệ Năng dạy “Bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ-đề, kháp tợ tầm thố giác” nghĩa là chẳng lìa thế gian mà giác, nếu lìa thế gian tìm bồ-đề, giống như tìm lông rùa sừng thỏ vậy. Xưa nay, chư tổ đều dạy như vậy nhưng cách lý giải minh họa của mỗi vị khác nhau. Phương tiện tuy có khác nhưng cứu cánh không hai.

Có vị tăng đến từ giã Sư. Sư hỏi:

- Đi đâu?

Tăng thưa:

- Đến Tuyết Phong.

- Tuyết Phong nếu hỏi ngươi: “Hòa thượng dạy những lời gì”, ngươi đáp thế nào?

- Con nói chẳng được, thỉnh Hòa thượng nói.

- Đông thì nói lạnh, hạ thì nói nóng.

Sư lại hỏi:

- Tuyết Phong lại hỏi ngươi: “Việc cứu cánh thế nào?”

- Con nói chẳng được.

- Chỉ nói: chính từ Triệu Châu lại, chẳng phải miệng người truyền.

Vị tăng ấy đến Tuyết Phong thuật lại cho Tuyết Phong nghe.

Tuyết Phong bảo:

- Phải là Triệu Châu mới được.

Các bậc tôn đức đã cảm thông với nhau, thường hỗ trợ cho đệ tử của huynh đệ, khi các ngài gởi tới. Thiền sư là bậc tác gia thường vận dụng phương tiện tùy theo căn cơ học nhân, giúp họ nhận được chỗ chân thật. Ở đây vị tăng muốn đi đến Tuyết Phong, là một vị thiền sư nổi tiếng đương thời.

Ngài bảo nếu Tuyết Phong hỏi “Triệu Châu dạy gì thì nói sao?” Tăng thưa không biết, thỉnh Hòa thượng chỉ dạy. Ngài nói Đông thì lạnh, Hạ thì nóng. Quá dễ phải không? Có khi nào Đông nóng Hạ lạnh đâu, trừ khi dùng máy lạnh. Chuyện này trái với hiện tượng thiên nhiên, nhà thiền không bàn tới. Mọi việc an nhiên, tự tại, không có gì vướng mắc. Thực tại hiện tiền, luôn là như thế.

Hỏi việc cứu kính thế nào? Tăng cũng không biết, thỉnh Hòa thượng chỉ dạy. Ngài bảo “chính từ Triệu Châu lại chẳng phải miệng người truyền”. Quả nhiên ngài Tuyết Phong nghe xong liền bảo “phải từ miệng của lão Triệu Châu mới được”. Vì cơ này chỉ tôi với Triệu Châu mới đảm đương nổi, chứ không phải là ông.

Thời gian trụ trì tại viện Quan Âm, có vua nước Yên, nước Triệu đồng đến ra mắt Sư. Sư vẫn ngồi tiếp, không đứng dậy. Vua Yên hỏi:

- Nhân vương đáng tôn trọng hay Pháp vương đáng tôn trọng?

Sư đáp:

- Nếu ở trong nhân vương thì nhân vương trọng, nếu ở trong pháp vương thì pháp vương trọng.

Hai vua nghe rồi đều vui vẻ kính phục và đồng cúng dường.

Một câu nói rất hiền hòa chân thật mà cũng rất cứng cỏi cương lĩnh. Tăng có việc đến vua thì vua trọng, tăng phải đủ lễ. Vua có việc đến tăng thì tăng trọng, vua phải giữ lễ. Câu nói bình thường nhưng rất chuẩn mực.

Sư học theo người xưa trụ trì rất kham khổ, trong Tăng đường trước sau trống rỗng không có bàn ghế, chỉ nằm cái giường dây gãy một góc, lấy dây ràng rịt lại. Có người xin đóng giường mới, Sư không cho. Trụ trì hơn bốn mươi năm, Sư chưa từng biên một lá thư cho thí chủ.

Bốn mươi năm không biên thư cho thí chủ, mới nghe thấy bình thường nhưng chúng ta làm không được. Bây giờ mình cũng không biên thư nhưng có điện thoại. Một ngày điện không biết bao nhiêu lần. Một tháng tốn không biết bao nhiêu tiền điện thoại.

Thiền sư trụ trì trên mấy mươi năm không biên thư cho thí chủ. Giường nằm hư một góc, đại chúng muốn đóng cái mới ngài không chịu, lấy dây ràng lại. Bàn ghế trống không, cho nên tâm ngài cũng rỗng rang sáng suốt. Thật là tấm gương sáng treo trên cao, người nay soi cũng khó thấu.

Niên hiệu Càn Ninh năm thứ tư đời Đường (897 TL), ngày mùng 2 tháng 11, Sư nằm nghiêng bên mặt an nhiên thị tịch, thọ 120 tuổi. Vua ban hiệu là Chơn Tế đại sư.

Tế là mé, Chơn Tế là mé tột cùng chân thật. Đây là hành trạng của thiền sư Triệu Châu. Ngài là đệ tử lớn của Nam Tuyền Phổ Nguyện, thuộc dòng dõi tôn tộc của Mã Tổ Đạo Nhất. Chúng ta chỉ học hành trạng được ghi lại trong sử sách của ngài, chưa thể biết hết Triệu Châu đâu. Phải tu, phải công phu mới thật sự nhận được yếu chỉ của Phật tổ.

Vào đầu hành trạng, thiền sư nói nhiều về tâm lăng xăng chạy theo bên ngoài. Chúng ta vướng mắc cảnh duyên nhiều quá, không thoát ra được. Có hồi tôi không hiểu tại sao vọng tưởng chẳng có hình tướng gì mà nó hành mình hoài, không điều phục được. Đừng nói những vị tu hai ba năm, bản thân tôi hai ba mươi năm rồi đây, từng bỏ phố lên núi, đóng cửa ngồi trơ trơ, rồi xuống núi cạp đất mà ăn từ năm 70 cho tới bây giờ, nhưng việc ấy cũng chưa xong.

Chúng ta ngồi lại chiêm nghiệm, chỉ thấy tâm lăng xăng chợt có chợt không, chợt thương chợt ghét, chợt buồn chợt vui… mình sống với những thứ đó. Luôn luôn bị chúng cuốn hút, không thoát ra được. Nhờ phúc duyên gặp Phật pháp, được chư tổ chỉ dạy cách thức phá tan tâm vọng đọng lăng xăng, chúng ta từng bước quay về. Đây là hân hạnh lớn cho mình, nên huynh đệ cố gắng nỗ lực tiến tu.

Người xưa nhìn bóng nắng ngộ đạo, vì các ngài thấy được sự đổi thay lớn lao nơi thân tâm và trần cảnh. Mặt trời lên mé này hồi sáng, mà bây giờ đã đổ qua mé kia. Vô thường nhanh chóng, chúng ta phải tranh thủ tìm đường mà đi, đừng đi vào ngõ tối, vào những con đường sai lầm, tội nghiệp cho mình lắm. Chư huynh đệ nên nhớ tu không phải là khó, nhưng do chúng ta không nhớ tu, không chịu tu thành ra khó.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]