headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Cảnh Sầm

tscanhsamThiền sư Cảnh Sầm
(Trường Sa)

Sau khi đắc pháp nơi Nam Tuyền, Sư đến Lộc Uyển an trụ. Về sau, Sư không ở một chỗ nhất định, chỉ tùy duyên tùy cảnh giáo hóa độ sanh. Vì thế, người đương thời gọi Sư là Hòa thượng Trường Sa.

Trường Sa nghĩa là không trụ chỗ nào, tùy duyên giáo hóa khắp nơi. Ngài là đệ tử nối pháp của thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện.

Sư thượng đường dạy chúng:

 - Nếu ta một bề nêu cao tông giáo thì trong pháp đường này cỏ mọc cao một trượng. Vì sự bất đắc dĩ, ta bảo các ngươi rằng: Tột mười phương thế giới là mắt của Sa-môn, tột mười phương thế giới là thân của Sa-môn, tột mười phương thế giới là ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới ở trong ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới không có người nào là chẳng phải chính mình. Ta thường nói với các ngươi: Chư Phật trong đời cùng chúng sanh khắp pháp giới là ánh sáng Ma-ha Bát-nhã. Khi ánh sáng này chưa phát, cả thảy các ngươi đến nương nơi đâu? Khi ánh sáng này chưa phát, còn không có tăm dạng Phật và chúng sanh, thì chỗ nào có núi sông thế giới?

Nếu ta một bề nêu cao tông giáo thì trong pháp đường này cỏ mọc cao một trượng. Nếu cứ đem việc tâm thể rỗng rang sáng suốt mà nói hoài thì không ai nhận được, không nhận được thì họ không đến, không đến thì pháp đường cỏ mọc là phải rồi. Thời nay đâu có pháp đường nào cỏ mọc tới một trượng, vì chúng ta đã lên nền bằng bê-tông cốt thép hết rồi. Có thể nói nếu chỉ một bề rao giảng việc tông thừa mà không chịu tu hành thì pháp đường bị mối xơi, bụi phủ tiêu hết, chớ cỏ thì không mọc nổi.

Tột mười phương thế giới là mắt của Sa-môn, đây là mắt trí tuệ. Tột mười phương thế giới là thân của Sa-môn, đây là thân kim cương bất hoại. Tột mười phương thế giới là ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới ở trong ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới không có người nào là chẳng phải chính mình. Ánh sáng này là ánh sáng trí tuệ. Hòa thượng Trúc Lâm nói phải nuôi dưỡng trí dụng, nghĩa là dùng trí tuệ soi xét quán chiếu điều phục phiền não. Trí tuệ Bát-nhã là kiếm bén nằm trong tay Bồ-tát Đại Trí Văn Thù, chính là trí tuệ có sẵn nơi mỗi người.

Nói tâm, nói thể, nói trí, tất cả đều vô hình vô tướng, không sao nắm bắt được. Phải có đối tác để từ đó chúng ta nhận ra vô sư trí của mình. Cách dạy của Hòa thượng Trúc Lâm thiết thực, dễ tu dễ nhận. Cách nói ở đây nghe hay nhưng với người căn cơ thấp kém khó có thể vào.

Như chúng ta nhìn hình tượng Bồ-đề tổ sư. Tại sao lại có một nhân vật hai con mắt trừng trợn, đầu tóc rối bù, râu ria dữ tợn. Thân hình to lớn như vậy mà đứng trên một cành lau nhỏ xíu, nằm trên sóng nước chập chùng. Nhìn vào ảnh tượng đó, chúng ta có cảm nhận gì? Thật ra hình ảnh chỉ là biểu tượng, chứ nó đâu có thật. Nhưng ai dám nói không thật? Bởi vậy thiên hạ xúm nhau ca tụng. Chỉ có thiền sư Thường Chiếu, trước khi viên tịch ngài nói với đệ tử về sự việc tổ Bồ-đề-đạt-ma cỡi cành lao về Tây như sau: “Một con chó lớn sủa láo, bầy chó nhỏ sủa theo.” Nói nghe dữ dằn nhưng như vậy mới lột trần được chỗ đó. Ngài muốn chúng sanh đời sau đừng lầm những biểu tượng bên ngoài, mà phải ngay nơi biểu tượng ấy, xoay lại để nhận ra cái chân thật bất sanh bất diệt nơi chính mình.

Một con người mang ý chí ngất trời “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, thời nhân còn gọi là “Hồ tăng mắt biếc”. Ngài ngồi trên Tung Sơn, nhìn vào vách đá suốt chín năm trời. Chuyện này chúng ta làm không được mà vọng tưởng được, mới rắc rối. Suốt thời gian diện bích, không ai động địa được tới con người này. Nhưng khi ngài Thần Quang đến, đứng trong tuyết tới đầu gối, chặt một cánh tay dâng lên là bứng gốc được ông già.

Lâu nay tổ sư không nói chuyện, bây giờ phải nói chuyện với ông tăng đứng tuyết này. Những sự duyên như thế cũng có thể trở thành cơ hội cho chúng ta vào đạo. Tuy nhiên người thời nay mịt mù vọng tưởng, thêu dệt quá nhiều lớp lang nên khó mở được con mắt trí tuệ. Hồi xưa lúc mới lên núi, học được hình ảnh tráng sĩ chặt tay thuở nào trên Tung đỉnh, chúng tôi ca tụng hết lời, té ra mình bị vọng tưởng dẫn.

Bây giờ có người hỏi: “Sự kiện đó có thật không?” Mình không biết trả lời làm sao, hồi ấy mình ở đâu. Nếu ở đó thì cũng quên hết rồi. Một lần chuyển sanh là một lần quên mất, do ngu mê nhận chìm trong tăm tối nên ta không nhớ được gì hết. Người xưa bảo khi chết rồi, thần thức trước khi gặp Diêm vương, sẽ đi ngang qua một cây cầu. Chỗ đó có bà già đưa cho hương linh bát cháo, ăn vào là quên ráo mọi chuyện trên đời. Vì vậy người ta gọi đó là bát cháo lú. Bởi không nhớ gì nên qua cầu rồi, mỗi người theo duyên của mình thọ sanh. Tới đâu cũng ca tụng ngô ngã, điên đảo, vọng tưởng lăng xăng. Đã thế thì dù tu một trăm kiếp cũng không thành chi.

Kinh nói về tai hại của cách ấm thế này. Thời gian từ khi gá hình vào tinh cha huyết mẹ chín tháng mười ngày, mình ở trong chỗ máu huyết hôi tanh, tối tăm không biết gì. Đó là thời gian cách ấm, Bồ-tát cũng sợ chỗ này. Giống như người bị đại phẫu. Bác sĩ đưa một lượng thuốc mê vào người là mình hết biết. Người ta mổ bụng lấy tim để riêng ra, rồi cưa, cắt, nối, vá tùm lum trong đó, mình cũng không biết. Giả như lúc đó mình nhắm mắt đi luôn thì thật tình không biết sẽ về đâu. Nguy hiểm quá. Vậy mà chúng sanh cứ lên xuống, qua lại trong đó hoài. Đấy là nói chỗ cách ấm bình thường, còn cách ấm mang lông đội sừng lại là vấn đề khác. Chư huynh đệ nghiên cứu việc này sẽ thấy đáng sợ lắm.

Chuyện cách ấm của loại chúng sanh mang lông đội sừng lạ thường lắm. Người sắp chết quơ tay quơ chân, miệng la hét rồi tắt thở. Thần thức thoát ra thấy trời đất tối tăm, sấm chớp, cọp beo… sợ mất mật nên tìm đường trốn chạy. Chạy đi đâu? Tới lúc như vậy mà vẫn còn hơi hướm của bản ngã. Biết trốn đi đâu? Cuối cùng thấy lùm bụi liền chui vào. Không ngờ vừa khởi niệm chui vào, mở con mắt thấy mình đã mang lông đội sừng. Than ôi! Đáng sợ lắm. Cho nên sự tăm tối của loài súc sanh tệ hại và sâu dày vô kể.

Phật nói có một trưởng giả, mẹ mất nhưng chưa giao được tài sản cho ông, nên trở lại dưới lớp chó. Nó luôn nằm ngay chỗ ngày xưa giấu tài sản quí, mưa nắng gì cũng nằm đó. Con cái thọ hưởng nhà lầu xe hơi, mà mẹ làm chó nằm đó giữ của. Có ai trong nhà biết mẹ mình, bà nội mình khổ sở đến thế đâu. Chỉ bậc thánh mới biết. Cho nên một hôm trên đường khất thực, đức Phật đi qua chỗ này, dừng lại trước nhà ông trưởng giả, con chó sủa rân.

Phật nhìn nó thương xót rồi nói: “Ngươi si mê điên đảo bị rơi vào loài súc sanh. Bây giờ cũng chưa tỉnh, ở đó mà sủa.” Phật nói như thế rồi đi. Sau đó con chó buồn bỏ ăn. Ông chủ tìm hiểu nguyên nhân, mới biết đức Cù-đàm khất thực ngang đây, nói gì đó mà nó bỏ ăn luôn. Trưởng giả vội vã tìm đức Phật bắt đền. Thế Tôn vui vẻ kể: “Con chó đó là hậu thân của mẹ ông. Trước khi chết bà chưa kịp chỉ cho ông tài sản bà đã chôn chỗ ấy, nên phải quay lại nằm đó giữ. Ông muốn chứng thực, hãy đào chỗ nó hay nằm lên, sẽ thấy ngay.” Trưởng giả làm theo lời Phật dạy, quả thật có mấy hủ vàng tại đó.

Con chó líu ríu với Trưởng giả một hồi rồi chết. Thật thương tâm! Chỉ có bậc thánh mới mở ra sự tăm tối đó.

Chúng ta chưa phải là thánh, làm sao giải tỏa được những nghiệp tập xấu của mình cũng như người thân. Cho nên phải cố gắng tu. Chỉ có tu mới giải quyết được tất cả nợ nần ân oán trong nhiều đời. Nhưng trên thực tế, mình tu quá ít mà nghiệp thức thì quá dày, cho nên chưa chuyển được nghiệp mà thường bị nghiệp chuyển, thành ra phiền não hoài.

Hồi xưa chúng tôi ngồi thiền trên núi, cứ than với Hòa thượng: “Đau quá thầy ơi.” Hòa thượng vẫn kiên quyết “Tôi đã sắp đặt mỗi tuần mấy chú phải tăng lên năm phút, tức là mỗi ngày lên một phút. Đau thì đau mà tăng thì cứ tăng”. Việc làm đó cho thấy cái tâm, trí tuệ và phương tiện của thầy rất sáng, dù gặp bất cứ hoàn cảnh hay nhân duyên nào cũng hướng về đạo lý giác ngộ giải thoát. Cho nên việc thành Phật của mình nhích nhích từng chút trong đau đớn, chớ không phải nhẹ nhàng dễ dãi gì đâu. Ai gan dạ chịu nghe lời thầy thì vươn lên, còn những người yếu đuối nhúc nhác thì tìm cách này cách khác xoay sở để tránh cái mũi dùi, dùi thủng sự tăm tối của mình. Do vậy cũng có người hai ba năm trời mà ngồi thiền không được một tiếng đồng hồ. Chỉ những ai cắn răng liều chết thì tiến được.

Những năm ở Chân Không, chư tăng hay xeo đá làm đường, trong một lần làm việc tôi bị cụp lưng, sai khớp đau thấu trời, nhưng nghe thầy nói “chết không sợ mà sợ đau sao?”, tôi liều mạng không thèm chữa trị gì cả. Cho nên bây giờ xương sống cong vồng như vầy. Nhưng cũng vui vì mình tập luyện được sự gan dạ và sức chịu đựng. Sự tăm tối của chúng ta quá dày nên bây giờ cần hướng thẳng, dùi thẳng thì nó mới nhút nhích từng chút. Nếu không như vậy, có lẽ con đường sanh tử không bao giờ chấm dứt. Cần phải cố gắng nhiều lắm. Có khi các thiền sinh trẻ ngồi khóc một mình, cảm thương thân phận yếu đuối kém cỏi của mình. Tuy nhiên thấy được điểm yếu là dấu hiệu đáng mừng cho bước khởi đầu của sự tiến bộ. Nhờ thấy mình yếu mới phát tâm dũng mãnh, nếu không như thế sẽ không bao giờ nỗ lực tiến tu.

Chư Phật trong đời cùng chúng sanh khắp pháp giới là ánh sáng Ma-ha Bát-nhã. Khi ánh sáng này chưa phát, cả thảy các ngươi đến nương nơi đâu? Khi ánh sáng này chưa phát, còn không có tăm dạng Phật và chúng sanh, thì chỗ nào có núi sông thế giới? Khi không có ánh sáng trí tuệ thì chúng sanh sống trong tăm tối mù mịt. Rất may chúng ta biết được mình có nguồn tuệ giác, có khả năng làm Phật, có được sự gia bị và chỉ dạy của các bậc thầy. Nhờ thế ta không buông xuôi, cố gắng chịu sự uốn nắn của thầy tổ, quay lại con đường xưa của mình. Nếu không, chúng ta cứ vùi sâu trong tăm tối hoang vu, chẳng thể ngóc đầu lên nổi.

Ở đây nói rõ chúng ta có Ma-ha Bát-nhã, nghĩa là có Phật chất. Bởi có Phật chất nên tuy còn bị vô minh vây phủ nhưng được nhắc liền nhận ra. Nhận ra rồi cũng có khi quên, có khi nguội lạnh. Tuy nhiên cứ mỗi lần nhắc lại thì nhớ và phấn phát, cứ thế nỗ lực tu hoài, cuối cùng cũng thành tựu Phật đạo. Nhân duyên đức Thế Tôn ra đời, tu hành thành đạo, mấy mươi năm thuyết pháp độ sanh, tới 80 tuổi nhập Niết-bàn là cả một hạnh nguyện rộng lớn của đấng giác ngộ. Cho tới bây giờ trải qua hơn 2500 năm, giáo pháp của ngài vẫn còn hiện hữu trên thế gian, cứu khổ ban vui, lợi lạc vô số quần sanh.

Đây chính là thần lực phi thường của ánh sáng trí tuệ và tình thương rộng lớn nơi đức Phật.

Trải dài thời gian mấy ngàn năm lịch sử, giáo pháp của đức Phật được phân chia qua nhiều thời kỳ, tuy nhiên ý chỉ mỗi người đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật là bất di bất dịch trong tất cả mọi thời mọi lúc. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, chư vị thánh đại đệ tử của ngài vẫn đang còn ở trong cuộc đời, tiếp tục tuyên dương chân lý này. Dù hoàn cảnh thay đổi thế nào, cái chân thật này vẫn sống mãi bởi vì nó không phải là pháp sanh diệt, vô thường. Chúng ta hãy tin chắc vào điều đó, yên lòng tiến tu trong mọi nhân duyên.

Tuy nhiên, trong nhà Phật có từ “Phật hóa hữu duyên nhân”, nghĩa là Phật chỉ độ những người có duyên với ngài. Mặc dù giáo pháp và thánh tăng vẫn còn hiện hữu trên đời, nhưng không phải ai cũng nghe theo và tu tập. Phải có duyên mới được. Người thầy phước báo lớn thì tầm ảnh hưởng sâu rộng, nhưng không có nghĩa là vô hạn. Chúng ta đừng nghĩ một vị La-hán có thể dụng thần thông chuyển hết, ai cũng là Phật tử, ai cũng nghe các ngài. Cho nên chúng ta vui thích tu hành là biết cũng có duyên với Phật pháp, phước báo khá chớ không tệ lắm đâu. Hãy nuôi lớn niềm tin và chí nguyện tu hành.

Có vị tăng hỏi:

- Thế nào là mắt Sa-môn?

Sư đáp:

- Dài dài ra chẳng đặng, thành Phật thành Tổ ra chẳng đặng, sáu đạo luân hồi ra chẳng đặng.

- Chẳng biết ra cái gì chẳng đặng?

- Ngày thấy mặt trời, đêm thấy sao.

- Con không hội.

- Núi Diệu Cao sắc xanh lại xanh.

Mắt Sa-môn là trí tuệ Bát-nhã. Con mắt này trùm hết tất cả muôn loài, cho nên từ phàm tới thánh thảy đều ra chẳng được. Vị tăng chưa nhận được ý chỉ của ngài nên hỏi “cái gì ra không được?” Ngài nói ngày thấy mặt trời, đêm thấy sao, nghĩa là trí dụng hiện tiền như vậy. Một khi có trí tuệ, biết được thật tánh các pháp rồi thì không mê tối nữa. Như ban ngày mặt trời sáng, về đêm có trăng, sao… tất cả những hình ảnh này đều biểu trưng cho trí tuệ gốc của mình.

Vị tăng vẫn không hội, ngài nói núi Diệu Cao sắc xanh lại xanh, nghĩa là sự tăm tối của ông dày đặc quá, nhiều lớp chồng chất quá, nên che khuất mặt trời mặt trăng.

Sư sai một vị tăng đến hỏi bạn đồng sư là Hòa thượng Hội rằng:

- Hòa thượng sau khi thấy Nam Tuyền rồi thế nào?

Hòa thượng Hội lặng thinh.

Tăng hỏi:

- Hòa thượng khi chưa thấy Nam Tuyền thì sao?

Hòa thượng Hội đáp:

- Không thể lại riêng có.

Vị tăng về thuật lại Sư nghe, Sư làm một bài kệ chỉ bày:

Bách trượng can đầu bất động nhân,

Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân.

Bách trượng can đầu tu tấn bộ,

Thập phương thế giới thị toàn thân.

    Dịch:

Trăm trượng đầu sào vẫn đứng yên,

Tuy là được nhập chẳng phải hiền.

Đầu sào trăm trượng cần vượt khỏi,

Mười phương thế giới thảy thân mình.

Hỏi: Hòa thượng khi chưa thấy Nam Tuyền thì sao? Đáp: Không thể lại riêng có. Nghĩa là không có cái gì sáng suốt khác ngoài trí tuệ Bát-nhã. Bài kệ chỉ bày:

Đến được đầu sào trăm trượng đã là đáng kể lắm rồi, nhưng nếu đứng yên đó thì chưa phải bậc hiền, chưa phải chỗ chân thật. Cần nhảy một bước nữa mới thể nhập hoàn toàn, gọi là thập phương thế giới thị toàn thân. Chỗ này ráng tu đi rồi biết, chứ đừng có nhảy ẩu. Nhảy ẩu là vô nhà thương không kịp. Cho nên phải sấn bước, phát huy trí dụng của mình mới vào được chỗ toàn thân.

Có quan khách đến yết kiến, Sư gọi:

- Thượng thơ!

Quan khách:

- Dạ!

- Chẳng phải bổn mạng Thượng thơ.

- Không thể rời người đối đáp hiện nay lại có chủ nhân thứ hai.

- Gọi Thượng thơ là chí tôn được chăng?

- Thế là khi chẳng đối, đâu không phải là chủ nhân của đệ tử?

- Chẳng những khi đối và khi không đối, mà từ vô thủy kiếp đến giờ cái ấy là cội gốc của sanh tử.

Chỗ này gọi là “nanh vuốt nhà thiền” hoặc “một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa.” Nghĩa là sao? Nhân một tiếng kêu rồi đáp “dạ”, ngay đó nhận ra. Người nào nhận ra thì nhảy qua được, người nào không nhận ra thì nằm bẹp đó luôn. Tổ sư thường dùng yếu chỉ thần tốc để chỉ thẳng cái đó, nhận thì liền nhận, không nhận thì thôi.

Ở đây thượng thơ dạ mà không biết, nên ngài nói chẳng phải bổn mạng Thượng thơ. Cái nghe, cái biết bất sanh bất diệt nhưng mình không nhận, chỉ chạy theo âm thanh bên ngoài nên mất chủ. Đây là yếu chỉ hội nhập của kinh Thủ-lăng-nghiêm. Thiền sư dùng tinh ba của kinh này để chỉ dạy chỗ chân thật ấy. Hòa thượng Trúc Lâm nói nghe biết chân tâm, thấy biết chân tâm.

Thấy mà biết mình có chân tâm là cái thấy bất sanh bất diệt, không chạy theo cảnh bên ngoài. Sáu giác quan của mình đều hội nhập nơi một cái biết. Cái biết đó không bị sanh diệt, không có hình thức, Hòa thượng Trúc Lâm gọi là chân tâm vô niệm. Ngài dạy chúng ta vận dụng trí dụng, nuôi dưỡng trí dụng, phát huy trí dụng để nhận lại cái biết ấy, tức nhận lại chân tâm vô niệm.

Vận dụng thế nào? Như chúng ta ngồi đây nghe tiếng chim, tiếng quạt, tiếng thở… nghe hết. Nhưng nơi tai mình chỉ có cái nghe hiện tiền, thủy chung với nó, không chạy theo các thứ âm thanh kia rồi sanh tâm phân biệt. Cái thấy cũng vậy, thấy cột nhà, thấy hình ảnh, thấy người thú… đủ thứ, nhưng không chạy theo thứ nào thì cái thấy của mình hiện tiền, trùm khắp, bất sanh bất diệt. Mũi ngửi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, cái nào cũng không chạy theo cảnh, cảnh không đủ sức kéo lôi, mình hằng sống với cái biết, đó là chân tâm vô niệm. Chư tổ khéo dùng các giác quan để chỉ ra cái đó cho mình. Dễ nhận, nhưng ít ai chịu để ý.

Chúng sanh có thói quen chạy theo trần cảnh bên ngoài. Thí dụ nghe tiếng quạt xè xè liền đoán cây quạt này mua ở Long Thành. Nếu mua ở Sài Gòn nó không khua như thế. Cao cấp hơn nữa thì nhập từ bên Úc về, nó chạy êm ru, chẳng những mát mà còn lạnh, vì nó phun nước. Cứ như thế mà đoán mà chạy. Phật tổ nói như vậy là quên mình theo vật, cho nên bị vật chuyển, chứ không thể chuyển được vật. Do vậy khó phát huy được trí tuệ sáng suốt của mình. Kiểu của chúng ta là sống với đèn dầu hoặc đèn côi trước gió trong đêm tối mịt mùng, chứ không phải đèn trí tuệ.

Sư làm bài kệ:

Học đạo chi nhân bất thức chân,

Chỉ vị tùng lai nhận thức thần,

Vô thủy kiếp lai sanh tử bản,

Si nhân hoán tác bản lai nhân.

    Dịch:

Học đạo mà không hiểu lẽ chân,

Bởi tại lâu rồi nhận thức thần,

Gốc nguồn sanh tử vô thủy kiếp,

Người ngu lại gọi chủ nhân ông.

Người học đạo không hiểu lẽ chân là vì quen chạy theo ý thức phân biệt. Người trí gọi đó là nguồn gốc sanh tử, người ngu lại cho là chủ nhân ông. Chỗ này kinh Viên Giác nói rất rõ ràng. Giáo pháp của Phật như ngón tay chỉ mặt trăng, người có trí tuệ nhân ngón tay nhìn lên thấy mặt trăng. Người không có trí tuệ cho ngón tay là mặt trăng, như vậy chẳng những không thấy mặt trăng mà còn làm hư ngón tay. Cũng vậy, người có trí nhân giáo pháp nhận được lẽ thật. Người không có trí chấp giáo pháp không thấy được lẽ thật và cũng làm sai luôn giáo pháp.

Tăng Hạo Nguyệt hỏi:

- Những vị thiện tri thức trong thiên hạ chứng được ba đức Niết-bàn chưa?

Sư đáp:

- Đó là Đại đức hỏi trên quả Niết-bàn hay trong nhân Niết-bàn?

- Trên quả Niết-bàn.

- Những thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng.

- Vì sao chưa chứng?

- Vì công chưa bằng chư thánh.

- Công chưa bằng chư thánh sao làm thiện tri thức.

- Thấy rõ Phật tánh cũng được gọi là thiện tri thức.

- Chẳng biết công bằng chừng nào mới được chứng Niết-bàn?

Ngài Hạo Nguyệt hỏi ngài Trường Sa: Những vị thiện tri thức trong thiên hạ chứng được ba đức Niết-bàn chưa? Ngài Trường Sa hỏi lại: Đó là Đại đức hỏi trên quả Niết-bàn hay trong nhân Niết-bàn? Quả Niết-bàn thì hiện thời chúng ta chưa được, nhân niết-bàn thì mỗi người đều có. Tuy có mà công đức chưa đủ nên chưa thể nhập được.

Trên quả niết-bàn thì thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng, vì đang trong thời kỳ tu Bồ-tát đạo để viên thành Phật đạo. Thời gian tu Bồ-tát đạo cho đến viên thành Phật đạo, công đức vô lượng vô biên không biết chừng nào mới xong. Đức Phật tu Bồ Tát đạo trải qua ba vô số kiếp mới thành tựu Phật đạo, nhưng với chúng ta có thể giãn ra dài hơn, có khi lên đến bốn năm vô kiếp số hay hơn thế nữa, không thể biết được.

Hỏi vì sao chưa chứng, đáp vì công đức không bằng chư thánh. Rõ ràng là như vậy. Công chưa bằng chư thánh sao làm thiện tri thức? Đáp: Thấy rõ Phật tánh cũng được gọi là thiện tri thức. Thấy rõ Phật tánh là thấy được Phật nhân của mình, như thế cũng có thể gọi là thiện tri thức.

Chúng ta cũng thấy nhưng chưa hoàn toàn. Như trong mười bức tranh chăn trâu, từ khi mục đồng vẹt được màn u ám, vào núi thẳm rừng sâu thấy dấu chân trâu, tức là thấy được Phật nhân của mình. Tuy nhiên thấy dấu chân trâu chưa chắc là tìm ra được trâu. Vì mình có tìm đâu mà được. Nếu thấy dấu rồi quyết tâm theo dấu đó mà tìm cho ra con trâu thì nhất định con trâu sẽ sờ sờ trước mắt thôi.
Cũng vậy, chúng ta muốn thành Phật sớm hay muộn thì tùy mình. Cứ đi bát phố với thiên hạ hết chỗ này tới chỗ kia cũng được. Cứ thế mà đi, Phật chẳng hề nói chi, chỉ sợ mình không đủ sức để đi thôi.

Nếu là người ngán sợ sanh tử thì thấy dấu chân trâu liền chạy tìm. Tìm được rồi, nắm mũi xỏ dây, quất vào mông mấy roi dẫn về. Con trâu này từ xưa nay vẫn vậy, không có gì thay đổi cả. Từ khi nắm mũi cho tới ngày mình đi đâu nó cũng theo một bên, mình ngồi nó ngồi, mình nằm nó nằm thì cũng chỉ con trâu ấy, có gì khác hơn. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta tu mà chẳng lý thú chút nào.

Rất lý thú. Nhận được như vậy rồi mới nhận ra ý chư Phật tổ nói mình nhận lại cái đã có từ lâu nay, nhưng mình bỏ quên, chứ không phải cái gì mới cả.

Chẳng biết công bằng chừng nào mới được chứng Niết-bàn? Tức là công đức bằng chư vị thánh thì chừng nào chứng niết-bàn. Câu này chúng ta đã biết rồi, muốn chừng nào thì tùy mình thôi. Có thể hỏi dễ hiểu hơn là chúng ta tu có thành Phật không? Đôi khi những vị đã tu tập nhiều năm, công phu dày cộm nhưng cũng chưa tin chắc mình có thể thành Phật, bởi vì họ quen chạy theo tập nghiệp và các cảnh duyên bên ngoài, nhận lại khó lắm.

Từ đâu chúng ta biết mình có cái bất sanh bất diệt và có khả năng tu hành thành Phật? Đây là một vấn đề quen thuộc, nhưng không ai dám đá động tới. Ngày xưa Hòa thượng Trúc Lâm khai giáo dạy thiền đã nói rất nhiều về vấn đề này. Suốt dọc dài những năm tháng ở Chân Không, ngày nào Hòa thượng cũng nhắc đến cái thể bất sanh bất diệt, bản lai diện mục, chân tâm, bản tịnh minh thể v.v… của mỗi người. Nói để làm gì? Để tất cả huynh đệ hiện diện nghe nhận và sống được chân tâm của mình.

Sư có bài kệ:

Ma-ha Bát-nhã chiếu,

Giải thoát thậm thâm pháp.

Pháp thân tịch diệt thể,

Tam nhất lý viên thường.

Dục thức công tề xứ,

Thử danh thường tịch quang.

    Dịch:

Trí tuệ lớn rộng soi,

Pháp giải thoát sâu xa.

Thể pháp thân vắng lặng,

Ba một lý thường tròn.

Muốn biết chỗ công bằng,

Đây gọi thường tịch quang.

Cuối cùng ngài nói ai muốn biết chỗ công đức bằng các vị thánh, được tam đức niết-bàn thì phải vào thường tịch quang, tức là thể nhập được bản thể chân như. Thể nhập bản thể là thế nào? Là không chạy quanh chạy quất, trốn lẽ thật mà nhận những râu rìa chung quanh. Chúng ta không còn yếu đuối dã dượi, mắc mứu bởi những thứ hư dối.

Ngày xưa Hòa thượng Trúc Lâm thường nói với huynh đệ chúng tôi “Chết không sợ, mà sợ cái gì?” Điều này thực hiện rất khó. Có người nói chết không sợ, mà sợ đủ thứ. Bị con bồ cạp cắn đau, tưởng rắn cắn. Vì ở núi toàn là rắn độc. Thế là tha hồ tưởng tượng, nào là rắn chàm quạp, rắn hổ mang, rắn hổ lửa… Rồi sao nữa? Nếu không có thuốc trị, sẽ hoại tử ngón tay, mình mất hết một ngón tay, còn cửu chỉ thần công. Càng nghĩ càng lo sợ.

Ở đây nói trí tuệ rộng lớn, pháp giải thoát sâu xa, pháp thân vắng lặng, cả ba thứ ấy một lý viên dung. Muốn biết chỗ công bằng, đây gọi là thường tịch quang, tức thể nhập Phật lý. Vào được chỗ đó thì biết. Như bây giờ huynh đệ ngồi thiền đau chân, mà ngày nào cũng hỏi giám thiền, chừng nào hết đau chân? Giám thiền cười nói “Ráng ngồi đi, chừng nào hết thì hết, chứ biết chừng nào mà nói.” Nếu cứ dã dượi, uốn éo, vừa muốn đau liền ẹo, thì nó đau ngay chỗ ẹo đó. Nói thiệt vậy. Đau thì ngồi thẳng lên, chứ ẹo thì cái đau sẽ dồn chỗ ẹo, nó đau gấp đôi. Cho nên mình phải gan dạ, tự hỏi “Đau là cái gì?”, nó sẽ qua.

Tóm lại duyên lành hội đủ, công phu thành tựu đều từ sự quyết tâm và cố gắng của chúng ta. Phật, Bồ-tát thường kề cận gia bị cho những vị cố gắng, chứ không gia bị cho những người giãi đãi. Chỗ này Hòa thượng Trúc Lâm dạy hay vô cùng. Trước kia, mình là dân phố thị lăng xăng chuyện này chuyện kia. Đùng một cái thầy nhốt vô núi đóng cửa lại, biểu bỏ vọng tưởng. Trời ơi! Đâu phải chuyện dễ.

Suốt thời gian đó những bài thuyết pháp của thầy cùng khắp núi rừng Chơn Không, không chỗ nào thầy không thuyết pháp, để hỗ trợ anh em buông bỏ vọng tưởng.

Sáng mai thầy chống gậy qua nhà bếp, gặp ba bốn huynh đệ đang ngồi lặt rau, lựa đậu. Thầy đến gần hỏi thăm, thế là có một bài pháp. Thấy thầy nấu cơm đang ngồi thổi củi thật mắc cười, thầy thuyết pháp. Thấy tủ thức ăn huynh đệ để bừa bãi, thầy kêu đem sơn đến vẽ “Đóng cửa tủ, vệ sinh, ngăn nắp.” Cũng một bài pháp. Đi đứng nằm ngồi của đại chúng, lúc nào cũng có pháp âm của thầy vang dội, bao trùm. Vui.

Tới mùa mãng cầu chín. Ăn sáng xong thầy nói “Đem thúng kéo theo thầy”. Ra tới vườn thầy chỉ cắt mãng cầu. Gặp những trái mãng cầu chín bở, thầy bẻ ra đưa cho anh em một nửa. Bài pháp được diễn giải cùng với phân nửa trái mãng cầu. Thầy giải thích mãng cầu có loại dai, loại bở. Mãng cầu bở thấy mới chín đó, vậy mà vừa hái tự nhiên trong bụng nó rụng ra. Loại này phải ăn thôi, chứ để vô rổ một lát nó đổ tanh bành, nát bét. Cho nên gặp mãng cầu bở thầy nói “Thầy trò mình phải ăn liền.”

Ra vườn chuối, gần khu mộ của ông. Vườn chuối không nhiều, chỉ ba bốn bụi chuối mật. Thầy trồng lúc mới lên núi, vậy mà nó bùm xùm trái thôi là trái. Tới đây thì luôn luôn có chuối để đốn. Thầy biểu mình đốn thầy coi. Đốn xong thầy nói “Dốt!”. Bởi vì mình không biết đốn. Thầy lại thuyết pháp. Thấy chuối chín, kéo nó xuống chặt nhẹ nhẹ. Sau khi nó cúp rồi, chặt một cái thật mạnh, lấy buồng chuối ra, rồi mới chặt thân cây, cắt lá khô để vô. Phải chặt làm sao để mình có thể nắm buồng chuối sau khi nó đứt. Anh nào không biết chặt, đứng lớ xớ, mủ chảy đầy quần áo rất dơ, không có nước để giặt. Trên núi mà, nước khan hiếm lắm. Một bài pháp lớn.

Thầy hỏi, sao gọi chuối mật? Anh em thưa không biết. Thầy nói ăn mà không biết. Nó mềm nè, ăn ngọt, vị giống như mật. Vỏ chuối dầy, có những đường gân thiệt to, vậy mà trong ruột rất mềm. Bên ngoài thấy vừa chín là bên trong ăn được rồi. Để bên ngoài chín muồi như mấy loại chuối kia thì bên trong rục rã hết, ăn dở lắm. Nguồn vui và niềm hạnh phúc trên núi đơn sơ, đầm thắm như vậy.

Sự gần gũi chỉ dạy của Hòa thượng trong mọi sinh hoạt của chư tăng là những bài pháp sống, có giá trị rất lớn và rất khó phai nhòa trong tâm trí anh em chúng tôi. Ngài nói như thế để làm gì? Để nuôi dưỡng, dụ dẫn, dạy dỗ và cuối cùng là giúp chúng tôi khống chế những con trâu điên của mình. Bọn trâu núi này thấy vậy mà cũng quậy lắm. Chúng rủ nhau ngược xuôi trong dân gian, phố thị, báng bổ, phá hại lúa mạ của người. Hòa thượng chính là bậc đạo sư lùa, nhốt, xỏ mũi, cột đầu mấy con trâu điên dẫn về. Hôm nào thấy chúng tôi ngoan ngoãn nép mình trong thanh quy, thời khóa, thầy cười nói “Ít ra tôi cũng cột được mười con trâu điên dữ dằn”. Mình trị có một con mà thấy đã mệt rồi, thầy chăn tới mười con trâu điên, thật đáng kính đáng quý biết chừng nào!

Cứ thế pháp âm của thầy trên núi Tao Phùng thuở nào vang vọng mãi cho tới hôm nay. Nó trở thành một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa, nuôi dưỡng thiền tăng lớn lên từng ngày. Chúng tôi được học hỏi liên tục, thính pháp liên tục không chỉ những ngày tu sống trên núi, mà trong suốt cuộc hành trình trở về nguồn.

- Trên quả ba đức Niết-bàn đã nhờ chỉ dạy, thế nào là trong nhân Niết-bàn?

- Đại đức ấy.

- Trong kinh nói ý huyễn là có chăng?

- Đại đức nói gì?

- Thế là ý huyễn tại không chăng?

- Đại đức nói gì?

- Thế là ý huyễn tại chẳng có chẳng không chăng?

- Đại đức nói gì?

- Con ba phen nhận định chẳng hợp ý huyễn, chưa biết Hòa thượng thế nào để rõ được ý huyễn trong kinh?

Cả ba trường hợp có, không, chẳng có chẳng không đều được lấp bằng một câu hỏi, để học nhân đừng hỏi nữa. Đã là huyễn mà hỏi cái gì.

Con ba phen nhận định chẳng hợp ý huyễn, chưa biết Hòa thượng thế nào để rõ được ý huyễn trong kinh? Vị tăng đầu hàng, mấy phen đáp không đúng ý hòa thượng. Bây giờ xin hòa thượng chỉ dạy.

- Đại đức tin tất cả pháp không thể nghĩ bàn chăng?

- Lời thành thật của Phật đâu dám không tin.

- Đại đức nói tin, trong hai thứ tin là thứ tin nào?

- Theo con hiểu, trong hai thứ tin là tin duyên (tín duyên).

Tín duyên là trên sự kiện mà tin, chứ không phải do vào được chỗ đó.

- Y giáo môn nào được sanh tin duyên?

- Theo kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ-tát lớn lấy trí tuệ không chướng không ngại tin tất cả cảnh giới thế gian là cảnh giới Như Lai.” Lại, kinh Hoa Nghiêm nói: “Chư Phật Thế Tôn thảy biết thế pháp và Phật pháp tánh không sai khác, quyết định không hai.” Cũng kinh Hoa Nghiêm nói: “Phật pháp thế gian pháp, nếu thấy chỗ chân thật của nó, tất cả không sai khác.”

Ngài hỏi vị tăng do đọc kinh hay từ đâu mà sanh tin duyên. Hạo Nguyệt dẫn kinh Hoa Nghiêm: Bồ-tát lớn lấy trí tuệ không chướng ngại tin tất cả cảnh giới trên thế gian là cảnh giới Như Lai. Trí tuệ không chướng ngại là trí tuệ Bát-nhã, trí tuệ siêu suất nhất.

Thiền sư Trường Sa muốn vị tăng dùng trí tuệ của chính mình thâm nhập vào chỗ đó. Do vậy tăng hỏi cách nào, ngài cũng đều đáp bằng một câu như gáo nước lạnh tạt vào mặt. Vị tăng bị tạt mấy lần như vậy mà cũng không nhận ra.

Chư Phật Thế Tôn thảy biết thế pháp và Phật pháp tánh không sai khác, quyết định không hai. Phật pháp thế gian pháp, nếu thấy chỗ chân thật của nó, tất cả không sai khác. Chúng ta dùng trí lượng của phàm tình thì thấy có lớn nhỏ, cái này cái khác, còn thấy bằng trí tuệ thì không hai, không sai khác.

- Đại đức nêu chỗ tin duyên trong giáo môn rất có bằng cứ. Nghe Lão tăng vì Đại đức nói rõ ý huyễn trong kinh:

Nhược nhân kiến huyễn bản lai chân,

Thị tắc danh vi kiến Phật nhân.

Viên thông pháp pháp vô sanh diệt,

Vô diệt vô sanh thị Phật thân.

        Dịch:

Nếu người thấy huyễn xưa nay chân,

Thế ấy tức là thấy Phật nhân.

Suốt tròn các pháp không sanh diệt,

Không diệt không sanh ấy Phật thân.

Đây là cách diễn tả về ý huyễn của thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm. Nói gì rồi cũng trở về Phật thân, suốt tròn viên thông. Tóm lại ngài muốn chỉ cái bất sanh bất diệt, pháp thể thanh tịnh trùm khắp của mình, chứ không gì khác.

Có vị tăng hỏi:

- Hòa thượng nối tiếp người nào?

Sư đáp:

- Tôi không có người được nối tiếp.

- Lại có tham học không?

- Tôi tự tham học.

- Ý Hòa thượng thế nào?

Sư có bài kệ:

Hư không vấn vạn tượng,

Vạn tượng đáp hư không.

Thùy nhân thân đắc văn,

Mộc xoa quán giác đồng.

        Dịch:

Hư không hỏi vạn tượng,

Vạn tượng đáp hư không.

Người nào gần được nghe,

Trẻ con đầu hai chỏm.

Hư không với vạn tượng cũng không phải hai, không phải khác. Nói hư không hỏi vạn tượng, vạn tượng đáp hư không, chỉ có người nào gần mới được nghe. Đó là trẻ con đầu hai chỏm, tức người có tâm hồn nhiên, trong sáng như anh nhi.

Có vị tăng hỏi:

- “Sắc tức là không, không tức là sắc”, lý này thế nào?

Sư có bài kệ:

Ngại xứ phi tường bích,

Thông xứ vật hư không.

Nhược nhân như thị giải,

Tâm sắc bản lai đồng.

Phật tánh đường đường hiển hiện,

Trụ tánh hữu tình nan kiến.

Nhược ngộ chúng sanh vô ngã,

Ngã diện hà thù Phật diện.

        Dịch:

Chỗ ngại chẳng tường vách,

Chỗ thông đâu hư không.

Nếu người hiểu như thế,

Tâm sắc xưa nay đồng.

Phật tánh hiển hiện rõ ràng,

Trụ tánh hữu tình khó thấy.

Nếu ngộ chúng sanh vô ngã,

Mặt ta mặt Phật khác gì.

Ở đây nói chỗ ngại chẳng tường vách, chỗ thông chẳng hư không, ngược đời như vậy. Nếu nhìn theo con mắt phàm phu của chúng ta thì chỗ ngại là tường vách, chỗ thông là hư không. Đó là một cách nói chỉ cho trí thể của chúng ta không bị thông, không bị ngại làm chướng. Thông hay ngại đều là trí thể thanh tịnh. Người hiểu như thế thì tâm và sắc xưa nay đồng.

Phật tánh hiển hiện rõ ràng, trụ tánh hữu tình khó thấy, những chỗ này không thể giải thích hay lý luận mà phải dùng công phu tu hành mới nhận ra được.

Nếu ngộ chúng sanh vô ngã, mặt ta mặt Phật khác gì. Dùng chữ vô ngã để chúng ta nhận ra ý chỉ của thiền sư phá tất cả kiến chấp, ngã chấp. Như ở trên nói tường vách không phải là chỗ ngại, hư không không phải là chỗ trống, tường vách hư không gì cũng thông suốt. Đó là nhìn bằng trí tuệ xưa nay của mình.

Hòa thượng Trúc Lâm nói có trí hữu sư và trí vô sư. Trí hữu sư là trí chúng ta đang huân tập thông qua việc học hỏi kinh điển. Trí vô sư là gì? Sau khi rời khổ hạnh lâm, Bồ-tát Sĩ-đạt-ta lần về sông Ni-liên-thiền, nhận và dùng bát sữa của nàng Mục nữ Sujata. Khỏe trở lại, Ngài xuống sông Ni-liên tắm gội sạch sẽ, đến dưới cội Tất-bát-la trải tòa cỏ ngồi. Thánh sử kể khi thấy ngài chuẩn bị như vậy, trời Đế Thích hóa nhân dâng một loại cỏ nhuyễn đặc biệt, Thế Tôn trải làm tòa, ngồi trên đó với lời kiên thệ “nếu không đạt trí tuệ vô thượng chánh đẳng chánh giác, dù thịt nát xương tan quyết không rời khỏi chỗ ngồi này”. Trí tuệ vô thượng chánh đẳng chánh giác chính là trí tuệ vô sư. Cho nên sau khi chứng đạo, ngài tuyên bố ta học đạo không có thầy và thành tựu trí tuệ vô sư.

Sư có bài kệ khuyến học:

Vạn trượng can đầu vị đắc hưu,

Đường đường hữu lộ thiểu nhân du.

Thiền sư nguyện đạt Nam Tuyền khứ,

Mãn mục thanh sơn vạn vạn thu.
 

Dịch:

Muôn trượng đầu sào chẳng được dừng,

Sờ sờ đường cái ít người đi.

Thiền sư muốn đạt Nam Tuyền lộ,

Đầy mắt núi xanh muôn muôn thu.

Vì Sư không có nơi trụ nhất định nên không biết tịch lúc nào và nơi nào.

Muôn trượng đầu sào chẳng được dừng, chúng ta bò tới đầu sào là dừng. Dù muốn dù không cũng phải dừng, vì chẳng ai dám phóng tới một phát nữa cho tan thân mất mạng. Nhưng ở đây thiền sư khuyên muôn trượng đầu sào chẳng được dừng.

Sờ sờ đường cái ít người đi, đường lớn sờ sờ đó nhưng ít ai chịu đi. Giống như câu nói “Thiên đường hữu lộ vô nhơn đáo,” tức có đường lên trời nhưng không có người đi. “Địa ngục vô môn hữu khách tầm”, địa ngục không cửa mà người ta tới gõ hoài. Gõ bằng cách nào? Tạo nghiệp địa ngục, tự nhiên vô được thôi.

Thiền sư muốn đạt Nam Tuyền lộ, muốn đạt được tôn chỉ của ngài Nam Tuyền, phải làm sao? Đầy mắt núi xanh muôn muôn thu. Mùa thu là mùa nước trong, lá rụng. Nhưng với thiền sư, mùa thu vẫn đầy mắt núi xanh. Nghĩa là mùa nào cũng xinh tươi, mát dịu. Đối với người ngộ đạo, trời thu có khác chi trời xuân.

Muốn biết yếu chỉ của ngài Nam Tuyền, cũng chính là yếu chỉ của ngài Trường Sa thì phải nhận và sống được chỗ chân thật ấy. Mỗi chúng ta tự cố gắng, tự khai mở trí tuệ vô sư nơi mình, không ai có thể thay thế chúng ta việc này. Mong chư huynh đệ nhận lại gia bảo nhà mình, để chấm dứt kiếp lang thang lữ thứ này.

[ Quay lại ]