headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 28/01/2025 - Ngày 29 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: THIỀN SƯ HOẰNG BIỆN

tshoangbienTHIỀN SƯ HOẰNG BIỆN

Vua Đường Tuyên Tông hỏi Sư:

- Thiền tông sao có tên Nam, Bắc?

Sư đáp:

- Thiền môn vốn không có Nam, Bắc. Xưa Như Lai đem chánh pháp nhãn trao cho tổ Đại Ca-diếp, lần lượt truyền nhau đến đời thứ 28 là tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Đạt-ma sang phương này là Sơ Tổ, truyền đến vị Tổ thứ năm là Đại sư Hoằng Nhẫn. Tổ Hoằng Nhẫn mở bày chánh pháp ở Đông Sơn có hai đệ tử lỗi lạc là Huệ Năng và Thần Tú. Đại sư Huệ Năng được truyền y bát, về ở Lãnh Nam làm Tổ thứ sáu.

Đại sư Thần Tú ở phương Bắc giáo hóa. Sau này, đệ tử sư Thần Tú là Phổ Tịch lập thầy mình lên làm Tổ thứ sáu, rồi tự xưng là Tổ thứ bảy. Hai vị ấy được pháp là một, mà mở đạo khai ngộ có đốn tiệm khác nhau, cho nên gọi là Nam đốn, Bắc tiệm. Chẳng phải Thiền tông sẵn có tên Nam, Bắc vậy.

Thiền sư Hoằng Biện, ngay danh hiệu đã cho chúng ta thấy điểm đặc biệt của ngài. Chữ Hoằng là rộng lớn, chữ Biện là biện rõ. Hoằng Biện là biện biệt rõ ràng rộng khắp. Cho nên những lời giảng dạy của Ngài rất rộng rãi, thông suốt. Đoạn này ngài giải thích rất rõ nguyên nhân tại sao trong nhà thiền có Nam đốn, Bắc tiệm.

Đại sư Hoằng Nhẫn có hai vị đệ tử xuất sắc, một là đại sư Thần Tú, một là Lục tổ Huệ Năng. Khi Ngũ tổ truyền y bát cho Lục tổ Huệ Năng, ngài dạy qua phương Nam. Từ đây có dòng thiền đốn ngộ ở phương Nam do Lục tổ Huệ Năng trực tiếp hướng dẫn chỉ dạy. Đây là dòng thiền chánh thống được truyền nối từ thầy đến trò theo sự ấn chứng của chư vị tổ sư.

Ngài Thần Tú là bậc đại sư của bảy trăm chúng tại pháp hội Đông Sơn. Nói về tâm lý, đại chúng kính trọng và tin tưởng ngài sẽ kế thừa tổ vị, chớ không chấp nhận Lục tổ Huệ Năng. Ngài Thần Tú cũng biết việc này nên đã nhiều lần khuyên răn “Huệ Năng là người đắc pháp nơi thầy tôi, trí tuệ tôi không bì được với ngài.” Tuy nhiên Thần Tú là một bậc Quốc sư của cả hai đời vua, địa vị, uy tín, thanh thế rất lớn, cho nên các đệ tử của ngài tự lập ngôi vị Lục tổ cho thầy mình. Đó là nguyên do thời bấy giờ trong thiền tông có hai vị tổ, Lục tổ hành hóa ở phương Nam và Đại sư Thần Tú ở phương Bắc.

Dưới ngài Thần Tú ở phương Bắc cũng có một số vị rất đặc biệt, nhưng dòng này không lâu dài. Riêng dòng thiền phương Nam của Lục tổ Huệ Năng, các đệ tử truyền pháp của ngài toàn là những bậc siêu phàm xuất chúng, tông phong cao vót, phát triển cực kỳ mạnh mẽ và thọ mạng cũng rất lâu dài. Trong đó hai trường thi Phật của ngài Thạch Đầu Hy Thiên ở Hồ Nam và Mã Tổ Đạo Nhất ở Giang Tây là danh bất hư truyền, Phật pháp xương minh cửu trụ cho tới ngày nay vẫn còn sáng rỡ.

Thiền phương Nam được gọi là đốn giáo, xuất phát từ bài kệ của ngài Huệ Năng:

Bồ-đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài,

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

    Dịch:

Bồ-đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài,

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính bụi nhơ?

Thiền phương Bắc được gọi là tiệm giáo, xuất xứ từ bài kệ của ngài Thần Tú:

Thân thị Bồ-đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài,

Thời thời thường phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

    Dịch:

Thân như cây bồ-đề,

Tâm như đài gương sáng,

Luôn luôn phải lau chùi,

Chớ để dính bụi nhơ.

Y cứ trên tinh thần của hai bài kệ này, chúng ta thấy rõ ngài Huệ Năng chóng thấy được chỗ chân thật xưa nay không một vật, nên gọi là Nam Năng đốn giáo, ngài Thần Tú phải lau chùi bụi bặm bu bám trong tâm nên gọi là Bắc tiệm, tu từ từ.

- Thế nào gọi là giới?

- Ngừa lỗi dừng ác gọi là giới.

- Sao gọi là định?

- Sáu căn tiếp xúc với cảnh mà không chạy duyên theo là định.

- Sao là tuệ?

- Tâm cảnh đều không, chiếu soi chẳng lầm là tuệ.

- Sao là phương tiện?

- Phương tiện là ẩn che tướng thật, là cửa khéo léo tạm thời, để giáo hóa bậc trung, hạ căn chiều uốn dẫn dụ họ gọi là phương tiện. Dù là bậc thượng căn nói bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng, đây cũng là nói phương tiện. Cho đến Tổ sư dùng lời huyền diệu quên công bặt lời, cũng không vượt ngoài dấu vết phương tiện.

Thế nào gọi là giới? Ngừa lỗi dừng ác gọi là giới. Rất chính xác. Ngừa lỗi dừng ác là giới, chữ giới cũng có nghĩa là rào giậu, che chắn, giới hạn lại. Nhờ giới hạn nên tránh bớt các cảnh duyên, tâm ít bị dao động. Cho nên từ giới mà sanh định.

Sao gọi là định? Sáu căn tiếp xúc với cảnh mà không chạy duyên theo là định. Căn cảnh không dính nhau, sáng suốt là định.

Sao là tuệ? Tâm cảnh đều không, chiếu soi chẳng lầm là tuệ. Tâm không, cảnh không, chiếu roi rõ ràng thấu suốt chẳng lầm là tuệ. Điểm quan trọng ở đây chính là tâm cảnh đều không.

Phương tiện là ẩn che tướng thật, là cửa khéo léo tạm thời, để giáo hóa bậc trung, hạ căn chiều uốn dẫn dụ họ gọi là phương tiện. Phương tiện là mượn hình thức bên ngoài, để từ đó nhận ra được tướng thật ẩn bên trong. Chư tổ dùng phương tiện để dẫn hóa trung hạ căn. Thí dụ như vào đầu kinh Pháp Hoa, Phật không nói thẳng tri kiến Phật, mà dẫn dụ cảnh này, cảnh khác để phấn phát các bậc Thanh văn như trưởng lão Xá-lợi-phất… từ đó dẫn đến Phật đạo. Cho nên phương tiện là cách thức khéo léo tạm thời để hướng dẫn bậc trung hạ, về sau bỏ phương tiện để đi tới chỗ cứu cánh viên mãn.
Dù là bậc thượng căn nói bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng, đây cũng là nói phương tiện. Cho đến Tổ sư dùng lời huyền diệu quên công bặt lời, cũng không vượt ngoài dấu vết phương tiện. Tiến thêm một bước nữa, đối với bậc thượng căn dù nói bỏ phương tiện, chỉ ra đạo vô thượng thì cũng là phương tiện. Tóm lại, còn dùng bất cứ một hình thức nào để giáo hóa đều là phương tiện. Giai đoạn đầu dùng phương tiện để độ những người căn cơ thấp. Giai đoạn sau dùng phương tiện để dẫn họ vào Phật đạo. Giai đoạn nào cũng là phương tiện vì việc hoằng pháp lợi sinh, làm lợi ích chúng sanh.

Sau khi thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề, đức Thế Tôn nhìn khắp chúng sanh rồi nói “Lạ này, tất cả chúng sanh đều có đầy đủ trí tuệ, đức tướng Như Lai nhưng tại sao không chịu nhận để bị chìm đắm trong luân hồi sanh tử?”. Trên Phật đạo vô thượng, Ngài thấy tổng tướng như vậy. Tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành, nhưng bây giờ đang bị chìm trong luân hồi sanh tử. Cho nên Phật Bồ-tát phải vận dụng xe phương tiện vào đó cứu vớt.

- Sao là Phật tâm?

- Phật là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa gọi là Giác, nghĩa là người có trí tuệ giác chiếu là Phật tâm. Tâm là tên riêng của Phật. Có trăm ngàn tên khác mà nghĩa là một, vốn không có hình trạng, chẳng phải tướng xanh, vàng, đỏ, trắng, nam nữ v.v... Ở nơi trời mà chẳng phải trời, ở nơi người mà chẳng phải người, mà hay hiện trời người, hiện nam nữ, chẳng trước, chẳng sau, không sanh không diệt, cho nên gọi là tánh linh giác. Như Bệ hạ hằng ngày ứng dụng muôn việc tức là Phật tâm của Bệ hạ. Giả sử được ngàn vị Phật đồng truyền, vẫn không nghĩ mình có sở đắc.

Phật tâm là chỉ cho tâm chân thật sẵn có nơi chúng ta. Tâm ấy hằng giác, hằng sáng, hằng chiếu soi. Tất cả phương tiện đều để giúp hành giả nhận ra được tâm Phật của mình. Thiền sư biểu hiện phương tiện rất thần kỳ, hoặc đi đứng hoặc hét, hoặc chỉ… rất nhiều cách. Chính những hình thức ấy mới có thể chỉ được cái trọn vẹn đó. Nó không có ngôn ngữ, không dính bên nào hết.

Tâm là tên riêng của Phật. Có trăm ngàn tên khác mà nghĩa là một, vốn không có hình trạng, chẳng phải tướng xanh, vàng, đỏ, trắng, nam nữ v.v... Ở nơi trời mà chẳng phải trời, ở nơi người mà chẳng phải người, mà hay hiện trời người, hiện nam nữ, chẳng trước, chẳng sau, không sanh không diệt, cho nên gọi là tánh linh giác. Linh là gì? Là linh sáng. Giác là giác chiếu. Tánh linh hay tâm thể đều là những tên gọi khác nhau của cái chân thật không tên tuổi ấy.

Như Bệ hạ hằng ngày ứng dụng muôn việc tức là Phật tâm của Bệ hạ. Biết ứng dụng muôn việc, đó là Phật tâm của mình.

Giả sử được ngàn vị Phật đồng truyền, vẫn không nghĩ mình có sở đắc. Dù được ngàn vị Phật truyền cũng không phải sở đắc, vì Phật tâm vốn sẵn có, đâu phải nhờ truyền mới được. Nói được truyền là mình nhận lại cái sẵn có của mình thôi. Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có tri kiến Phật, chư Phật ra đời với mục đích là chỉ cho chúng sanh nhận ra tri kiến Phật, sống được với tri kiến Phật của mình, chớ Phật không cho chúng sanh tri kiến của Phật.

Chúng ta học đạo cũng vậy. Mình có Phật tâm, có trí tuệ, có đầy đủ đức tướng Như Lai nhưng lại bỏ quên. Bây giờ các bậc thầy dùng phương tiện, chỉ dạy hướng dẫn, để đưa chúng ta đến chỗ nhận được cái đó. Cái đó chính là tánh linh giác sẵn có nơi mình.

- Như nay có người niệm Phật là sao?

- Như Lai ra đời là bậc thầy thiện tri thức của người. Ngài tùy căn cơ nói pháp, vì bậc thượng căn mở Tối thượng thừa đốn ngộ lý cùng tột, vì bậc trung hạ căn chưa có thể chóng hiểu, ấy là Phật vì bà Vi-đề-hi tạm mở cửa “mười sáu pháp quán” dạy niệm Phật sanh về Cực Lạc. Cho nên kinh nói: “Tức tâm tức Phật, tâm ấy là Phật, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm.”

Nói Phật tâm mà lại có người niệm Phật, là sao? Ngài dẫn qua chuyện bà Vi-đề-hi, tức phu nhân của vua Tần-bà-sa-la. Vua Tần-bà-sa-la là bạn của hoàng tử Sĩ-đạt-ta. Ngày trước giữa đức Phật và nhà vua có một sự hứa hẹn rất tốt: Khi Bồ tát Sĩ-đạt-ta thành Phật sẽ độ nhà vua trước.

A-xà-thế là con của vua Tần-bà-sa-la. Do nhân duyên Tần-bà-sa-la ham tu, nên muốn có người kế thừa ngôi báu. Vì vậy nhà vua đi tìm người kế thừa. Trên đường cầu tự, Tần-bà-sa-la gặp một bậc đại tiên đang tu trên núi. Sau khi nghe nhà vua trình bày tự sự, tiên nhân bảo: Xin quốc vương nán lại cho tôi thêm mấy tháng tu luyện nữa. Khi thọ mạng hết, tôi sẽ thác sanh làm thái tử, gìn giữ ngai vàng cho vua. Tần-bà-sa-la không thể nhẫn nại chờ đợi nên đã bức tử tiên nhân.

Tiên nhân nhập thai hoàng hậu trong nỗi uất hận và đó chính là lý do thái tử A-xà-thế ra đời để trả mối thù trước. A-xà-thế là con trai duy nhất của vua Tần-bà-sa-la, từ nhỏ đã ngỗ nghịch, lớn lên lại tin theo những dị thuyết, đặc biệt là giao du thân thiện với Đề-bà-đạt-đa, là một ông hoàng của dòng họ Thích-ca. Đề-bà-đạt-đa cũng theo Phật xuất gia, nhưng lại có mộng làm giáo chủ. Có lần ông đến xin đức Thế Tôn giao tăng đoàn lại cho mình, vì đức Phật già rồi, không kham quản giáo nữa. Đức Phật không bằng lòng, ông xúi A-xà-thế giết cha là Tần-bà-sa-la, còn bản thân mình sẽ hại Phật. Hai bên hợp đồng với nhau thực hiện mưu đồ soán ngôi, một bên lên làm Phật, một bên lên làm hoàng đế.

Từ đó mà có những thảm cảnh giam cha, nhốt mẹ. Ban đầu bà Vi-đề-hy được lệnh đến thăm vua, nhưng sau đó bị cấm chỉ. Vì A-xà-thế biết mỗi lần mẹ đến thăm cha là tắm rửa sạch sẽ rồi thoa mật hoặc bột lên người, để khi vào ngục tối, vua liếm thức ăn này mà sống. Ông ra lệnh hạ ngục mẹ luôn. Ghê gớm như vậy. Phần Đề-bà-đạt-đa toa rập với A-xà-thế thả voi say, lăn đá hại Phật… đủ thứ mưu đồ, nhưng tất cả đều không thành công. Con voi dữ hết sức là dữ, nhưng tới trước đức Thế Tôn, nó cúi đầu nằm xuống, kêu dậy cũng không dám dậy. Còn tảng đá lăn trên núi xuống bị va nhằm những tảng đá khác, nó vỡ ra thành nhiều mảnh và chỉ có một mảnh nhỏ bắn vào chân Phật, làm chảy máu chút thôi. Đó cũng là nghiệp cũ với nhau.

Phu nhân Vy-đề-hy lúc bị giam trong ngục, bà đau khổ tột cùng, chỉ nhớ đức Thế Tôn. Hướng về tinh xá Kỳ Hoàn, bà đảnh lễ đức Phật cầu xin Ngài cứu độ. Thế Tôn cảm nhận được nên thị hiện đến, vì lòng từ bi Phật đưa ra các thế giới của chư Phật trong mười phương, rồi bảo bà ưng sanh thế giới nào, ngài sẽ chỉ cách tu tập để được vãng sanh về thế giới ấy. Phu nhân Vi-đề-hy chọn thế giới Cực Lạc, đức Thế Tôn liền dạy Mười sáu pháp quán để được sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà.

Một hôm A-xà-thế đang thiết triều, trong hậu cung báo hoàng hậu vừa mới sanh hoàng nam, A-xà-thế quá mừng liền chạy một mạch tới lãnh cung hỏi mẹ: Ngày xưa bố có thương con không, sao con thương con của con đến như vầy. Bà Vy-đề-hy bảo “Con hỏi gì lạ”, rồi kể lại cho A-xà-thế nghe chuyện mục ghẻ hồi nhỏ của vua. Ngày trước khi con vừa mới chào đời chưa bao lâu, trên ngón tay có mụt ghẻ rất đau nhức. Con không ăn ngủ gì được, cứ khóc thét suốt ngày đêm. Trong lúc cha đang thiết triều, thấy con đau đớn như vậy, cha vội nút ngón tay có mục ghẻ của con. Máu và mũ đầy trong miệng, nhưng cha sợ nhả ra con sẽ khóc nữa, nên đã nuốt hết những thứ nhơ nhớp ấy vào bụng. A-xà-thế nghe đến đây ăn năn hốt hoảng liền chạy đến ngục giam cha, thì cũng vừa đúng lúc vua Tần-bà-sa-la trút hơi thở sau cùng, do chính con trai của mình hạ lệnh giết mình.

Câu chuyện này chính là nguyên nhân đức Phật Thích-ca đã dạy mười sáu pháp quán cho hoàng hậu Vi-đề-hy. Từ đó mà có pháp môn niệm Phật A-di-đà. Cho nên tuy nói Phật tâm, nhưng tùy theo nhân duyên và căn cơ của chúng sanh mà đức Phật phương tiện chỉ dạy những pháp tu, giúp cho tất cả mọi người đều được lợi lạc an vui.

- Có người tụng kinh, trì chú, niệm Phật để cầu làm Phật thì sao?

- Như Lai mở bày các thứ đều vì một thừa tối thượng, như trăm sông đều chảy về biển. Các pháp sai biệt như thế đều trở về biển Bát-nhã.

Học nhân nghi nếu tụng kinh, trì chú, niệm Phật là cầu ở bên ngoài, đâu phải trở về với ông Phật của chính mình. Ngài nói tất cả đều là phương tiện để dẫn người ta về biển tâm, nhập trí tuệ Bát-nhã.

- Tổ sư đã khế hội tâm ấn, kinh Kim Cang nói: “Không có pháp sở đắc” là sao?

- Phương pháp giáo hóa của Phật thật không có một pháp cho người. Chỉ vì chỉ dạy cho mọi người, mỗi người đều có một kho Pháp bảo. Chính khi Phật Nhiên Đăng ấn chứng cho Phật Thích-ca pháp căn bản ấy, Phật Thích-ca không có sở đắc mới khế hội bản ý của Phật Nhiên Đăng. Cho nên kinh nói: “Không ngã không nhân không chúng sanh không thọ giả, pháp ấy bình đẳng, tu tất cả pháp lành mà chẳng trụ nơi tướng.”

Ngài Hoằng Biện giải thích rất rõ phương pháp giáo hóa của Phật thật không có một pháp cho người. Đức Phật không ban cho ai cái gì, chỉ cho họ biết mình có Pháp bảo, tức là Phật tâm, tự lấy ra dùng.
Ở đây dẫn kinh Pháp Hoa nói đức Phật Thích-ca được Phật Nhiên Đăng thọ ký. Phật Nhiên Đăng là một vị cổ Phật thời quá khứ. Đức Phật Thích-ca nhờ không có sở đắc nên mới khế hội bản ý của đức Phật Nhiên Đăng và được thọ ký.

Cho nên kinh nói không ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, pháp ấy bình đẳng, tu tất cả pháp lành mà chẳng trụ nơi tướng. Tóm lại, tu mà không trụ nơi tướng, không dính mắc nơi cảnh thì thể nhập được tâm Phật. Lý luận thì nhiều, nhưng chỗ chính yếu để vào cửa Bát Nhã là không trụ tướng, không dính mắc ở ngoài, tất cả đều thể nhập vào tâm.

- Thiền sư đã hội ý Tổ, lại có lễ Phật tụng kinh chăng?

- Sa-môn Thích tử lễ Phật tụng kinh là pháp thường của Trụ trì, có bốn quả báo vậy. Song y Phật giới để tu thân, tìm học với các bậc thiện tri thức để tập tu hạnh thanh bạch, bước theo dấu Như Lai đã đi.

Hỏi: Thiền sư đã hội ý Tổ, lại có lễ Phật tụng kinh chăng? Ngài trả lời: Sa-môn Thích tử lễ Phật tụng kinh là pháp thường của Trụ trì, tụng kinh lễ Phật có công đức, đâu trở ngại gì. Chúng ta học hiểu rõ ràng, nên biết kẻ xuất gia tu hành không thể không lễ Phật, cũng không thể không ngồi thiền, không thể không tụng kinh. Nhưng nếu nói lễ Phật để thành Phật, ngồi thiền để thành thiền sư thì chưa phải. Ngồi thiền để làm gì? Để làm chủ được mình, để tâm cảnh không dính nhau, để các pháp tự nó như như.
Sở dĩ chúng ta bị tâm cảnh trói buộc, bị trôi dạt theo các duyên bên ngoài là vì mình chưa làm chủ được, vì lười biếng tu. Do vậy bây giờ phải ngồi thiền, phải tụng kinh. Tụng chừng nào hết lười biếng thì thôi.

- Sao lại đốn ngộ? Sao là tiệm tu?

- Chóng thấy Tự tánh cùng Phật đồng bậc, song còn có tập nhiễm từ vô thủy nên mượn tiệm tu để đối trị, khiến theo tánh khởi dụng. Như người ăn cơm không thể một miếng được no.

Hỏi tại sao có đốn có tiệm, Ngài giải thích rất rõ: Chóng thấy tự tánh cùng Phật đồng bậc, nhưng còn có tập nhiễm từ vô thủy nên mượn tiệm tu để đối trị, khiến theo tánh khởi dụng. Như người ăn cơm không thể một miếng được no. Tuy nói chúng ta có Phật tâm, Phật nhân, có khả năng thành Phật, nhưng nhiều đời ta lỡ làm chúng sanh, còn vướng nghiệp tập, thích cảnh duyên, nên chưa thành tựu Phật quả. Bây giờ phải khởi dụng, trị cho hết tập nhiễm mới được thanh tịnh. Như nói niệm Phật để được Phật rước về thế giới Cực Lạc, nhưng Phật cũng từng nói: Nếu còn một điểm ái niệm, Phật cũng không thể rước về thế giới Cực Lạc được.

Nói tóm lại, tu thì cứ phải tu, học thì cứ phải học, hành trì Phật pháp thì cứ phải hành trì, ngồi thiền thì cứ phải ngồi thiền. Có bệnh tùy duyên mà trị bệnh, bệnh nặng thì biết đó là nghiệp báo của mình, bệnh nhẹ thì biết đó là phước duyên của mình. Tu tập tiến bộ là biết nhân duyên của mình nhiều đời có tu tập. Tu tập chưa tiến được là biết báo nghiệp nhiều đời còn che phủ.

Hiểu rõ như vậy cố gắng lên. Cố gắng làm sao? Nếu nghiệp báo dày, tu tập để phá nghiệp báo. Nếu si mê điên đảo nhiều, tu tập để trị si mê điên đảo. Lăng xăng loạn tưởng nhiều phải định tỉnh để nó lặng xuống. Khi nào trị được những thứ đó là chúng ta vào được vị. Vị đó là Phật tâm, là trí tuệ bản hữu của mình. Chỗ này huynh đệ không được hiểu lầm. Người học thiền không phải lười biếng với tất cả công việc tu hành cũng như Phật sự. Khi nào mệt mỏi mình nghỉ chút vậy thôi, ngoài ra lúc nào cũng nhớ cố gắng. Đó là những phương tiện hỗ trợ cho việc chính của mình được thành tựu.

Hôm ấy, Sư đối đáp với Vua bảy khắc. Vua ban cho Sư tử y, phương bào và ban hiệu là Viên Trí thiền sư.

Như vậy chúng ta đã học xong phần hành trạng của thiền sư Hoằng Biện.

 

[ Quay lại ]