headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Thần Tán

tsthantanSư quê ở Phước Châu, xuất gia tại chùa Đại Trung quận nhà. Sau, Sư đi hành cước gặp Bá Trượng Hoài Hải chỉ dạy được khai ngộ.

Sư trở về quê, Bổn sư hỏi:

- Ngươi rời ta đi các nơi, đã được sự nghiệp gì?

Sư thưa:

- Hoàn toàn không có sự nghiệp.

Bổn sư sai hầu hạ như trước.

Thiền sư Thần Tán xuất gia tại chùa Đại Trung Phước Châu. Sư tham vấn tổ Bá Trượng được ngộ đạo. Sau trở về thầy cũ ở bổn quận. Bổn sư hỏi đi học các nơi được sự nghiệp gì. Sư thưa hoàn toàn không có sự nghiệp. Bổn sư bảo làm thị giả tiếp.

Một hôm, nhân Bổn sư tắm, bảo Sư kỳ đất. Sư bèn vỗ vào lưng Bổn sư nói:

- Chỗ điện Phật đẹp mà Phật chẳng Thánh.

Bổn sư xoay đầu ngó lại.

Sư nói tiếp:

- Phật tuy chẳng Thánh vẫn hay phóng quang.

Chỗ điện Phật đẹp mà Phật chẳng Thánh. Ý nói điện Phật đẹp mà Phật không thiêng. Bổn sư xoay đầu ngó lại. Sư nói tiếp: Phật tuy chẳng Thánh vẫn hay phóng quang. Thật lanh lợi.

Lại một hôm, Bổn sư ngồi trong cửa sổ xem kinh, có con ong chui đầu vào tấm giấy dán ở cửa sổ tìm lối ra. Sư trông thấy nói:

- Thế giới thênh thang như thế mà chẳng chịu ra, vùi đầu vào giấy cũ biết năm nào ra được?

Sư liền nói bài kệ:

Không môn bất khẳng xuất,
Đầu song dã thái si,
Bách niên tán cố chỉ,
Hà nhật xuất đầu thì?

Dịch:

Cửa không chẳng chịu ra,
Quá ngu chui cửa sổ,
Giấy cũ trăm năm dùi,
Ngày nào dùi được phủng?

Bổn sư để kinh xuống hỏi:

- Ngươi đi hành cước gặp người nào, ta trước sau nghe ngươi nói lời dị thường?

Sư thưa:

- Con nhờ ơn Hòa thượng Bá Trượng chỉ dạy được chỗ thôi dứt, nay muốn đáp lại đức từ bi.

Bổn sư bèn bảo chúng đến giờ trai, thỉnh Sư thuyết pháp. Sư lên tòa đề cao môn phong của Bá Trượng, nói:

- Linh quang riêng chiếu vượt khỏi căn trần, bày hiện chân thường chẳng câu nệ văn tự. Tâm tánh không nhiễm vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên tức như như Phật.

Bổn sư nghe câu này liền cảm ngộ, bảo:

- Có khi nào Lão tăng nghe được việc tột thế này!

Quá ngu chui cửa sổ là sao? Hồi xưa, bên Tàu cửa sổ người ta dán giấy bít lại. Hôm đó ngài Thần Tán thấy Sư phụ ngồi xem kinh. Bấy giờ có con ong muốn bay ra ngoài, nó cứ ngay cửa sổ mà dùi, nên không thể bay ra được. Vì vậy nói nó quá ngu.

Không môn bất khẳng xuất, đầu song dã thái si cửa lớn không chịu bay, lại nhằm chỗ dán kín mà dùi. Cho nên Ngài nói dã thái si, tức là quá ngu. Bách niên tán cố chỉ. Hà nhật xuất đầu thì? Dù có dùi trăm năm cũng không thể nào thủng. “Cố chỉ” là giấy cũ, tức nói mấy quyển sách quí hồi xưa. Thần Tán mượn chuyện con ong để nói đến việc xem kinh của thầy.

Bổn sư để kinh xuống hỏi: Ngươi đi hành cước gặp người nào, ta trước sau nghe ngươi nói lời dị thường? Trước là hôm thầy tắm, ngài kỳ đất cho thầy. Bữa nay thầy đọc kinh mà dám nói vậy. Thấy cơ hội đã tới, Sư liền thưa: Con nhờ ơn Hòa thượng Bá Trượng chỉ dạy được chỗ thôi dứt. Là sao? Tức là không chạy theo vọng tưởng nữa, dứt tất cả những lăng xăng.

Bổn sư bèn bảo chúng đến giờ trai, thỉnh Sư thuyết pháp. Sư lên tòa đề cao môn phong của Bá Trượng, nói:

Linh quang riêng chiếu,
Vượt khỏi căn trần,
Bày hiện chân thường,
Chẳng nệ văn tự.
Tâm tánh không nhiễm,
Vốn tự viên thành,
Chỉ lìa vọng duyên,
Tức như như Phật.

Đây là bài kệ, mỗi câu bốn chữ. Ánh sáng này là ánh sáng trí tuệ của mỗi người. Nó riêng chiếu vượt khỏi căn trần. Chỗ bày hiện đặc biệt, chẳng kẹt văn tự. Tâm tánh vốn rỗng rang sáng suốt, nó là như vậy. Cuối cùng Ngài giải mã ra, muốn vào được chỗ đó, chỉ lìa vọng duyên. Biết trần cảnh không thiệt, đừng dính mắc nó, tức như như Phật.

Bổn sư nghe câu này liền cảm ngộ, bảo: Có khi nào Lão tăng nghe được việc tột thế này! Ông thầy cũng là bậc phi thường, chịu lắng nghe đệ tử nói đạo, nhân đó cảm ngộ. Đây là câu chân thành. Thầy là bậc lão tăng, mà từ trước tới giờ chưa được nghe điều siêu xuất như vậy. Đó là điều gì? Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật. Đừng chạy theo vọng tưởng, đừng bị nó đồng hóa, chính là trở về với ông Phật của mình.

Hằng ngày lúc nào chúng ta cũng trăn trở, tại sao mình chấp nhận vọng tưởng, chạy theo nó nên quên mất tâm chân thật của mình. Bây giờ nghe nói mình có tâm thể, nhưng không biết nó ở đâu, chung quanh toàn là vọng giả. Các bậc thầy của mình dạy “muốn thấy nó bạn đừng theo vọng tưởng”. Buông giận, buông giận.

Buông giận như thế nào? Thí dụ như đang ngồi thiền, huynh đệ nói một câu sốc, nổi giận liền. Bây giờ nhớ Phật tổ dạy lời nói không thiệt, bỏ đi. Tuy nhiên, nói không thiệt chưa phải không thiệt đâu, nó cũng còn hầm hầm trong bụng: Người nào biết thân lỡ nói một lần thôi nha. Nói thêm lần thứ hai, coi chừng cái bồ đoàn này bay qua mặt đó, chứ không phải hiền đâu. Nhưng nhờ cái thắng, mình thắng đúng lúc nên không có chuyện gì xảy ra. Ngồi thiền, tụng kinh, học Phật pháp là những phương tiện để chúng ta thắng cái sân giận, si mê của mình. Dần dần huynh đệ có sự cảm thông, đạo lý được thể hiện phổ cập trong đời sống. Đó chính là sự hiện hữu của tâm thể sẵn có nơi mình.

Sau, Sư đến trụ trì tại chùa Cổ Linh, giáo hóa đồ chúng được mấy trăm. Sắp tịch, Sư cạo tóc tắm gội bảo đánh chuông, gọi chúng dặn:

- Cả thảy các ngươi có biết chánh định không tiếng tăm chăng?

Chúng thưa:

- Chẳng biết.

Sư bảo:

- Các ngươi lắng nghe chớ có suy nghĩ riêng.

Chúng đều lắng nghe. Sư an nhiên thị tịch.

Ngài chỉ cho cách nghe chánh định không có tiếng tăm, tức là sống được với tánh nghe. Hòa thượng Trúc Lâm nói là sống với cái biết. Nghe biết là chân tâm, ngửi biết là chân tâm v.v… trước khi viên tịch, ngài dạy cho chúng bài pháp cuối cùng là nhận ra chân tâm vô niệm của mình.

Học thiền sư chúng ta phải sống hồn nhiên và sáng suốt mới thấm nhuần được. Người phân biệt nhanh, hiểu biết nhạy thì khó vào cửa, khó nhận yếu chỉ của các ngài lắm. Người xưa dạy không cho chinh nghiêng, không để sẩy chân. Quả thật qua chỗ nguy hiểm, mình phải cẩn thận. Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy sâu thì xoắn áo, cạn thì nhón gót, dùng thì phô ra, bỏ thì ẩn tàng. Ngài có mấy lời thơ thật thống khoái:

Buông tứ đại chừ đừng nắm bắt,
Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.

Tuệ Trung hiển hiện một cuộc sống đặc biệt. Thầy của vua Trần, sự nghiệp của vua phần nhiều được tiếp thu, được dạy dỗ từ vị thiền sư cư sĩ này. Thầy trò sống với nhau rất thâm tình, cùng trong một dòng tộc. Cho nên mọi việc vua Trần đều hỏi ý kiến ngài. Lúc sắp lên ngôi hoàng đế, vua hỏi lên ngôi rồi việc tu học thế nào. Ngài bảo “phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Một bậc thầy siêu xuất.
Ở đây cũng thế, ngài Thần Tán bảo chớ có suy nghĩ riêng, tức là dừng lặng hết. Đâu khác chi chỗ buông bốn đại, chỗ thôi chạy quàng của Tuệ Trung Thượng sĩ. Thôi chạy quàng để nhận lại chính mình.
 

[ Quay lại ]