headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Nghĩa Trung

tsnghiatrungThiền sư Nghĩa Trung - (Tam Bình)

Sư họ Dương, quê ở Phước Châu. Ban sơ, Sư đến tham vấn Thạch Củng Huệ Tạng.

Ngài Nghĩa Trung Tam Bình họ Dương quê ở Phước Châu, có duyên đến với đạo tràng, ngộ đạo nơi thiền sư Thạch Củng.

Thạch Củng chuyên giương cung lắp tên để giáo hóa đồ chúng. Sư vào pháp hội, Thạch Củng bảo:

- Xem mũi tên đây!

 Sư bèn vạch ngực thưa:

- Đây là mũi tên giết người, mũi tên cứu người lại làm sao?

Thạch Củng gảy dây cung ba cái.

Sư liền làm lễ.

Thạch Củng bảo:

- Ba mươi năm một phen giương cung, một hai mũi tên chỉ bắn được nửa người thánh.

Thạch Củng là vị thiền sư chuyên giương cung lắp tên để giáo hóa đồ chúng. Thiền khách từ các nơi về học pháp, bất cứ vị nào ngài cũng giương cung lắp tên. Khi gặp Nghĩa Trung, ngài nói: Ba mươi năm một phen giương cung, một hai mũi tên chỉ bắn được nửa người thánh, nghĩa là lâu lắm rồi, hôm nay giương cung bắn được nửa người thánh. Có gì đặc biệt trong câu nói này?

Thứ nhất là ông thầy lạ thường. Các vị thiền sư, từ thượng tổ Ca-diếp cho tới hôm nay, mới có một vị quá ư đặc biệt. Dạy người ta tu hành thành Phật mà giương cung lắp tên. Giương cung thế nào? Khi giương cung phải lắp đầu mũi tên vào giữa sợi dây, rồi nhắm bắn. Giương cung là đã thấy sợ mà còn lắp tên nữa thì ghê quá. Rủi như tay Sư phụ yếu trợt một phát, mũi tên bay vèo ghim vào lỗ tai hay mí mắt của mình thì tiêu đời.

Ngoài chiến trường người ta đánh nhau, thường dùng tên có tẩm các loại thuốc kịch độc. Nói tới đây, tôi nhớ mũi tên ghim vào tay Quan Vân Trường trong chiến trận. Chỉ một thời gian ngắn nó sưng tấy lên, vữa thịt ra. Thời này Trung Hoa có một thầy thuốc đại tài là Hoa Đà. Người đời gọi ông là thần y, chuyên trị những bệnh coi như chết rồi, hoặc các thầy thuốc khác không thể cứu được.

Gặp Quan Vân Trường, ông biết đây không phải con người tầm thường nên xin phép: “Tướng quân cho tôi được mổ vết thương của ngài.” Quan Vân Trường không nói gì, chỉ gật đầu và bày ra một bàn cờ. Bàn cờ đó chính là thuốc gây mê trong suốt thời gian phẩu thuật. Quan Vân Trường bình thản đánh cờ khi Hoa Đà mổ, cạo, cắt, xẻo, rửa… sắc mặt không đổi. Đến chừng cạo tới lớp xương, thầy thuốc Hoa Đà nhìn gương mặt Quan Vân Trường xem có thay đổi gì không, thấy vẫn bình thường, thần y kính nể vô cùng.

Như vậy có đau không? Đau chứ, mổ xẻ da thịt làm sao không đau được! Nhưng bậc trượng phu, nghĩa khí cao vời thì xem cái đau tợ lông hồng, không đáng gì. Chỗ này gần gũi với câu nói của Hòa thượng Trúc Lâm: “Chết không sợ, sợ đau cái gì?” Tiêu chí ngài dạy chúng ta là chết bỏ, thân này giả tạm, những thiếu thốn, mất mát, va chạm linh tinh trong cuộc sống mà lại vướng mắc thì không phải là thiền sinh.

Thiền sư Thạch Củng chuyên dùng cách giương cung lắp tên để giáo hóa người. Chỉ hôm nay mới gặp được một người, khi thầy giương cung lắp tên thì đệ tử cởi áo vạch ngực. Thầy trò gặp nhau rồi.
Nghĩa Trung hỏi: Đây là mũi tên giết người, mũi tên cứu người lại làm sao? Ông thầy gảy dây cung ba cái. Gảy dây cung là một phương thức đặc biệt. Để làm gì? Để đánh thức, nhổ sạch hết những cố chấp từ lâu nay. Lấy trí tuệ phá tan vô minh, mới có thể cứu người được. Nghĩa Trung lễ tạ xong việc, thiền sư Thạch Củng nói: Ba mươi năm một phen giương cung, một hai mũi tên chỉ bắn được nửa người thánh. Đã là thánh làm sao bắn?

Sư đến tham vấn Đại Điên thuật lại việc trên. Đại Điên bảo:

- Đã là mũi tên cứu người, vì sao nhằm trên dây cung mà biện?

Sư đáp không được.

Đại Điên bảo:

- Ba mươi năm sau cần người nhắc câu này cũng khó được.

Đã là mũi tên cứu người, sao lại biện trên dây cung? Sư không đáp được. Cho nên thiền sư Đại Điên nói ba mươi năm sau, cần có một người nhắc lại câu này, hiểu được việc này cũng không phải dễ. Tức là hiếm người vào được chỗ đó.

Sư hỏi:

- Chẳng cần chỉ đông vẽ tây, thỉnh Thầy chỉ thẳng.

- Cửa sông U Châu người đá ngồi xổm.

- Vẫn là chỉ đông vẽ tây.

- Nếu phụng hoàng con không đến bên này bàn.

Sư làm lễ.

Nói “cửa sông U Châu người đá ngồi xổm”, ngài Nghĩa Trung không chịu. Vị đệ tử này cũng cừ khôi, chứ không phải hạng thường. Đại Điên liền hạ ngữ “nếu phụng hoàng con không đến bên này bàn”, nghĩa là nếu thực sự ông đã siêu xuất thì không cần bàn nói như nãy giờ.

Ngay câu này ngài nhận được nên lễ bái.

Đại Điên bảo:

- Nếu chẳng đặng câu sau thì lời trước cũng khó tròn.

Về sau, Sư đến Chương Châu ở núi Tam Bình tiếp độ hậu lai.

Nhờ một câu rốt sau này, ngài Nghĩa Trung vào được, những lời trước là chỉ đông vẽ tây. Có những vị thầy nhướng mày chớp mắt thì đệ tử xong việc, hoặc thầy cầm gậy đưa lên chưa đánh, người đó đã đảnh lễ rồi… Tóm lại, những người siêu xuất thì một nghe ngàn ngộ, một nhảy nhảy thẳng vào đất Như Lai.

Chỗ này, càng lý luận bàn bạc càng không dính dáng. Cho nên chúng ta không dám buông ý lạm bàn những chuyện quá tầm của mình. Người tu thiền thời nay thường rơi vào tình trạng bắn bổng. Không biết, không hiểu mà cứ nói tướng lên là phải tội. Chỗ chưa hiểu, chưa nhận không nên nói. Thực sự chỗ này cũng không phải chuyện bên ngoài, tất cả thảy đều trước mắt chúng ta thôi. Nhưng vì mây mù che đậy nhiều lớp nên mình chưa nhận ra. Chưa nhận chứ không phải không nhận.

Sau khi nhận được yếu chỉ, ngài đến Dương Châu ở núi Tam Bình tiếp độ hậu lai. Tam Bình là tên núi.

Sư dạy chúng:

- Thời nay người học chỉ biết rong ruổi tìm kiếm, tương đương nhãn mục chính mình có chăng? Các ngươi muốn học cái tương đương ấy chăng? Chẳng cầu các thứ khác, các ngươi mỗi người có việc bổn phận sao chẳng nhận ngay? Tại sao tâm bực tức, miệng lẩm bẩm có lợi ích gì? Nói thẳng rằng: Nếu cần con đường tu hành và hóa môn do chư thánh dựng lập thì có ba tạng kinh điển. Nếu là việc trong tông môn, ngươi cốt không lầm dụng tâm.

Đây là lời ngài dạy trong một buổi thăng đường. Tại các đạo tràng của chư thiền sư từ xưa tới nay, nơi nào cũng có những buổi thăng đường. Hoặc sáng hoặc chiều, có khi luôn cả buổi tối.

Như tại thiền viện Thường Chiếu, Hòa thượng cũng có những buổi thuyết pháp về đêm. Năm xưa khoảng thập niên 75, Hòa thượng còn ở Chân Không, một tháng ngài về Thường Chiếu hai lần, tháng nào bận việc thì một lần. Thầy xuống chỉ dạy tăng ni tu học, dạy làm rẫy, nhắc nhở và kiểm soát mọi sinh hoạt. Ngài đi hết sức giản dị. Mặc bộ đồ đà cũ, đội nón lá, trong tay luôn có cây gậy trúc bằng tre lồ ô.

Hồi này có chiếc xe Honda 67 câu thêm cái lôi. Hòa thượng ngồi trên đó với mấy bao gạo, một ít đồ khô, có khi là tương, có khi thuốc men. Mỗi lần thầy xuống núi là đèo theo như vậy. Phật tử thương thầy, họ tải lên núi cúng dường cho thầy. Thầy dành dụm kéo từ trên núi xuống đồng bằng, nuôi tăng ni đệ tử. Thầy đi sớm, có hôm dưới này vừa ăn sáng xong thì thầy tới. Thầy tới là có một thời tham vấn liền, hình thành ngay trong bữa ăn của chư huynh đệ.

Nhà ăn của chúng tôi, trên che một mái tôn gắn liền hè sau chánh điện làm quả đường. Hai cái bàn nhỏ ráp lại, ba bốn băng ghế để hai bên. Ăn uống giản dị, nấu nướng không nhiều, anh em mỗi người có một cái tô. Tới giờ ăn sớt cơm vào tô, thức ăn để vô tô. Hết tô thứ nhất thì sang tô thứ hai, sư nào cứng cỏi thì tô thứ ba, nhưng tô thứ tư thì không bao giờ có. Tô thứ hai thì đã hết thức ăn rồi. Lúc này mẹ tôi được Hòa thượng cho phép công quả nấu cơm cho chư tăng mỗi ngày.

Thầy tới và ngồi trên cái ghế tre do chúng tôi đóng sẵn, rồi bắt đầu hỏi: Hôm nay chúng làm việc gì? Kế nữa là “Các chú có mạnh không, hôm rày yên ổn không...” Tiếp theo, thầy kể một câu chuyện hoặc dẫn một đoạn kinh, giải thích nhẹ nhàng rồi kết thúc với những lời nhắc nhở, thường là sách tấn anh em ráng tu. Giản dị như vậy, không có niệm Phật cầu gia bị, không có hồi hướng kết thúc. Nhưng những bài pháp năm xưa cho đến bây giờ, âm vang vẫn đồng vọng trong lòng chúng tôi và hình ảnh của thầy thật sự không bao giờ phai nhòa theo năm tháng. Thầy khẳng khái nói rằng: “Chú nào muốn theo thầy học thiền, tu thiền thì cứ yên lòng ở đây. Ở đây cạp đất mà ăn.” Thầy nói xong đứng dậy, anh em cũng đứng dậy dọn dẹp đi làm. Có những bữa thầy cùng đi làm với đại chúng. Đó chính là cách dạy của thiền sư, xưa cũng như nay đều sống động như vậy.

Ngài Tam Bình nói: Thời nay người học chỉ biết rong ruổi tìm kiếm, tương đương nhãn mục chính mình có chăng? Tức là tìm kiếm đạo lý thì nhiều, nhưng Phật pháp tương đương với ý muốn của mình thì chưa có. Các ngươi muốn học cái tương đương ấy chăng? Chẳng cầu các thứ khác, các ngươi mỗi người có việc bổn phận sao chẳng nhận ngay? Chúng ta luôn có cái sẵn sàng trước mắt, tại sao không dám nhận? Cứ chạy tìm những thứ vừa ý với nhãn mục, danh tướng lăng xăng.

Mấy câu này thật thấm. Hòa thượng Trúc Lâm nói là không nhận ông chủ của mình, không sống được với bản lai diện mục, cứ lang thang ngược xuôi, tìm cầu những thứ bên ngoài. Rõ ràng cách dạy của người xưa và người nay không khác.

Tại sao tâm bực tức, miệng lẩm bẩm có lợi ích gì? Có khi mình bực tức, vì nghe nói mỗi người có sẵn cái đó, tại sao mình không nhận được. Như kinh Pháp Hoa nói, tất cả chúng ta đều có hạt châu vô giá, người bạn cột trong chéo áo, nhưng vì say sưa nên mình không hay biết. Khi tỉnh lại vẫn cứ lang thang, không nhận ra hạt châu. Tới lúc gặp lại, người bạn thấy lạ hỏi: “Ngày xưa tôi đã cho anh một hạt châu quý giá vô cùng, sao không sử dụng để ra nông nổi này?” Chúng ta cũng vậy. Chư Phật, Bồ-tát có khi đồng phát tâm tu hành với chúng ta, nhưng các ngài đã ngộ đạo thành Phật từ hồi nào. Bây giờ gặp lại thấy mình vẫn là chúng sanh khổ sở, lang thang trong luân hồi sanh tử.

Nói thẳng rằng: Nếu cần con đường tu hành và hóa môn do chư thánh dựng lập thì có ba tạng kinh điển. Ba tạng kinh điển là hóa môn, tức là phương tiện do chư thánh đã lập ra. Nếu là việc trong tông môn, ngươi cốt không lầm dụng tâm. Việc trong tông môn thì không cần dụng tâm, vì nó có sẵn. Bây giờ làm sao nhận lại thôi? Đây là vấn đề khiến chúng ta mất ăn mất ngủ. Thầy nói ông chủ, chân tâm, Phật tánh, mà mình không biết nó là cái gì. Vì không biết nên chúng ta cứ sống ngược xuôi, lang thang, trôi dạt theo dòng đời.

Chư huynh đệ có thấy mình bị trôi dạt theo dòng đời không? Mỗi ngày, mỗi ngày, không có phút giây làm chủ, cứ trôi dạt theo ngoại duyên. Sáng ra nhìn trên bảng thấy tên mình quơ củi, cuốc đất, nấu cơm, tưới cây, quét chùa v.v... Nếu cứ sống như thế thì những việc đó trăm ngàn năm nữa, làm cũng không tới đâu. Chùa của mình bụi bặm bao nhiêu? Thiền sinh nào thông minh nhớ lại xem, từ khi mới vào viện tới bây giờ, mình đã lau chùa bao nhiêu lần. Không ai nhớ, rõ ràng là trôi dạt theo công việc và tháng ngày. Sáng mai thấy ghi bảng quét chùa thì quét chùa, sống không có ông chủ.

Hòa thượng Trúc Lâm dẫn những câu chuyện như vậy để chỉ cho chúng ta thấy mình sống không có chủ nên bị trôi dạt. Dù sống thêm một vài mươi năm nữa cũng vậy thôi. Tệ hại hơn là chẳng những ta không làm chủ được, mà lại còn vương thêm nghiệp tập. Do vậy đường càng xa, càng nặng nề, càng lưu đãng, càng trôi dạt. Điều này chư huynh đệ phải cẩn thận, phải biết quan tâm, biết định hướng và giải quyết việc của mình, không để chần chừ nữa.

Phật nói Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả. Chúng ta là như thế, cứ lưu đãng qua ngày, một khi quả khổ đến thì khóc than, cầu khẩn đủ điều. Không nhận định chín chắn để trị ngay cái nhân, chỉ biết kêu cứu ở cái quả, làm sao cứu được. Thực sự có hồi nhìn lại, ta chợt giật mình vì sự trôi dạt của mình. Mấy mươi năm quảy gói theo thầy đến bây giờ vẫn lang thang, vẫn mất chủ, vẫn thả trâu vào xóm làng phá hại lúa mạ của người. Không biết chừng nào mới tỉnh, mới yên đây?

Con người cứ trôi dạt theo những sự duyên phi lý. Suy tính đủ điều, mà chút nữa chuyện gì xảy ra cho mình lại không hề biết. Kể cả những người có tâm tu hành, có Phật pháp, có con đường đã chọn, cũng không biết được tương lai của mình. Bất lực như thế thì mạng sống này có giá trị gì đâu. Cho nên buông bỏ hết, bây giờ chỉ tập trung vào việc tu hành.

Ở đây ngài Nghĩa Trung nói nếu cần căn cứ trên giáo điển thì có tam tạng kinh điển. Nói đến đây, tôi nhớ ước mơ của mình khi còn là một tăng sĩ trẻ, chỉ mong có một cái thất bằng gỗ, cửa gỗ, vách gỗ, tất cả đều bằng gỗ. Thất không cần rộng, khoảng bốn thước sáu thước, gồm cả nhà vệ sinh. Chung quanh có chút ít đất trồng cây cảnh, rau xanh, ăn với muối ớt. Trong thất có một tạng kinh. Chỉ vậy thôi. Tôi thưa với Hòa thượng ước mơ ấy, Thầy rất đồng tình: “Nhật Quang biết không, với người tu hành, tạng kinh là linh hồn của mình, mà có vị chưa hề đọc tụng, nghiên cứu, lại đi học hỏi những thứ khác. Như vậy là sao? Nghe Nhật Quang mong ước điều này, thầy rất hoan hỷ.”

Có vị tăng ra thưa:

- Lại có con đường học hay không?

Sư bảo:

- Có một con đường trơn như rêu.

- Học nhân bước nhẹ theo được chăng?

- Tâm chẳng nghĩ, ngươi tự xem.

Cách dạy của ngài Nghĩa Trung là nói trắng ra, không úp mở gì hết. Tăng thưa: Con muốn bước theo con đường mà ngài nói trơn như rêu có được không? Ngài bảo: Tâm chẳng nghĩ, ngươi tự xem, nghĩa là muốn đi con đường đó thì tâm đừng có lăng xăng như khỉ vượn.

Có vị tăng hỏi:

- Đậu đen khi chưa nảy mầm là thế nào?

Sư đáp:

- Phật cũng chẳng biết.

Đậu đen khi chưa nảy mầm là gì? Là cái còn kín ở trong lòng mình. Người ta biết khi mình nói ra, nếu không nói ra thì dù Phật có ra đời cũng không biết. Cho nên ở đây ngài nói Phật cũng chẳng biết.

Có vị giảng sư đến hỏi:

- Ba thừa và mười hai phần giáo tôi không nghi, thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ đến?

Nói về kinh giáo thì tôi không nghi, chứng tỏ cũng thông kinh, luật, luận, sử, ngữ lục. Nhưng ý tổ sư từ Ấn Độ đến thì như thế nào?

Sư bảo:

- Phất tử bằng lông rùa, cây gậy bằng sừng thỏ, Đại đức núp ở chỗ nào?

- Lông rùa sừng thỏ lại là có sao?

- Thịt nặng ngàn cân, trí không cân lượng.

Sư dạy chúng:

- Các ngươi! Nếu chưa gặp tri thức thì chẳng nên, nếu từng gặp tri thức rồi, phải nhận ngay ý độ ấy, đến trên chót núi, hốc đá, ăn cây, mặc lá, thế ấy mới có ít phần tương ưng. Nếu chạy cầu hiểu biết nghĩa cú, tức là trông quê hương muôn dặm xa vậy.

Trân trọng!

Ở đây nói Phất tử bằng lông rùa, cây gậy bằng sừng thỏ, Đại đức núp ở chỗ nào? Phất tử bằng lông rùa tức là cây chổi phủi bụi bằng lông rùa. Lông rùa sừng thỏ có hay không? Vị này nói: Lông rùa sừng thỏ lại là có sao? Nói được câu này là cũng nhận ra lông rùa sừng thỏ không thiệt. Nó chỉ có trên văn tự lý luận mà thôi, trên thật địa không có.

Ngài nói tiếp: Thịt nặng ngàn cân, trí không cân lượng, cái gì có hình thức thì có trọng lượng. Cái gì không có hình thức thì không có cân lượng, như hư không không có cân lượng. Nói trí, nói tâm… không có cân lượng, bởi nó không có hình thức. Các ngài muốn chúng ta nhận ra tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình. Kinh điển đại thừa gọi là diệu tịnh minh tâm, tức diễn tả sự vi diệu, mầu nhiệm đặc biệt của tâm. Từ ngữ thì nhiều, nếu chúng ta cứ chạy theo văn tự thì ngàn đời không hề biết tâm của mình là cái quái gì.

Ở đây thiền sư Tam Bình dạy, nếu như các vị cứ chạy trên ngôn cú, tìm những cái tương đương cho nhãn mục thì không biết chừng nào mới xong việc. Quê hương xa tít mù khơi, không biết bao giờ mới quay về được. Thí dụ thấy bản kinh đó nói về tự tánh quá hay, mình cứ ôm bản kinh đọc tới đọc lui: tự tánh thanh tịnh, tự tánh Niết-bàn, tự tánh giác ngộ giải thoát v.v… cuối cùng chỉ có ngôn cú mà thôi, chứ không biết tự tánh là gì.

Chỗ này Hòa thượng Trúc Lâm nói như người làm việc ở ngân hàng. Từ sáng đếm tiền cho tới chiều mệt đừ, mà trong túi không có đồng teng nào. Chúng ta học đạo cũng thế. Từ sáng tới chiều cứ tụng tâm kinh trí tuệ rộng lớn… của ai không biết, sẵn chuông mõ cứ đánh tụng hoài. Không nhận được trí tuệ của chính mình mà chỉ tụng là chạy theo ngôn cú, chạy theo văn nghĩa, chạy theo danh xưng bên ngoài, không vào được chỗ tâm yếu.

[ Quay lại ]