headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Viên Trí (Đạo Ngô)

tsvientri(Đạo Ngô)1- (768 - 835)

Sư họ Trương, quê ở Hải Hôn, Dự Chương. Lúc nhỏ, Sư theo Hòa thượng Bàn xuất gia và thọ giới. Sau, Sư đến pháp hội Dược Sơn thầm được tâm ấn.

Sư họ Trương quê ở Hải Hôn, Dự Chương, xuất gia và thọ giới từ nhỏ. Sau đến pháp hội thiền tông của ngài Dược Sơn thầm được tâm ấn.

 Một hôm, Dược Sơn hỏi Sư:

- Ngươi đi đâu về?

Sư thưa:

- Đi dạo núi về.

Dược Sơn bảo:

- Chẳng rời thất này, đem gì về, nói mau!

Sư thưa:

- Trên núi chim con đầu tợ tuyết,

Đáy khe cá lội lo chẳng cùng.

(Sơn thượng điểu nhi đầu tợ tuyết,
Gián để du ngư mang bất triệt.)

Thầy hỏi bất thần đi đâu về. Thưa đi núi về. Đem được cái gì về, nói mau nói mau. Nếu người không sống với cái hiện tiền thì luýnh quýnh, không biết nói gì. Riêng ngài trả lời bằng hai câu thơ tuyệt vời, cho thấy lúc nào cũng sống được với cái hiện tiền.

Trên núi chim con đầu tợ tuyết, đáy khe cá lội lo chẳng cùng. Hai câu thơ này có gì đặc biệt. Chim con mà đầu trắng như tuyết thì không hợp lý. Như vậy là chim già, chứ không phải chim con. Thường cá lội ở khe sâu thì không lo ngại bị người ta bắt vớt. Ở đây nói cá lội dưới đáy khe mà lo chẳng cùng. Hai câu thơ này mang tính nghịch lý, để chúng ta không thể bám víu vào đó suy nghĩ, mà trở lại cái hiện tiền. Ai thấy được chỗ này thì hiểu được ý của lời đáp.

Sư cùng Đàm Thạnh đứng hầu Dược Sơn. Dược Sơn bảo:

- Chỗ trí chẳng nghĩ đến, tối kỵ nói tới, nói tới tức đầu mọc sừng, Trí đầu-đà hiểu thế nào?

Sư liền đi ra.

Đàm Thạnh hỏi Dược Sơn:

- Sư huynh Trí vì sao không đáp lời Hòa thượng?

Dược Sơn bảo:

- Hôm nay ta đau lưng, y đã hội, ngươi hỏi lấy y.

Đàm Thạnh đến hỏi Sư:

- Vừa rồi, sao sư huynh không đáp lời Hòa thượng?

Sư bảo:

- Huynh đến hỏi Hòa thượng đi.

Thầy trò chỉ qua chỉ về. Đây là một chiêu thuật đặc biệt trong nhà thiền. Sư cùng Đàm Thạnh đứng hầu thầy, Dược Sơn bảo: Chỗ trí chẳng nghĩ đến, tối kỵ nói tới, nói tới tức đầu mọc sừng, Trí đầu-đà hiểu thế nào? Chỗ không cho nói tới mà biểu hiểu thế nào, nói cái gì? Vì vậy ngài đi ra. Đàm Thạnh hỏi Dược Sơn: Sư huynh Trí vì sao không đáp lời Hòa thượng? Ngài Dược Sơn bảo: Hôm nay ta đau lưng, y đã hội, ngươi hỏi lấy y. Đàm Thạnh hỏi sư: Vừa rồi, sao sư huynh không đáp lời Hòa thượng? Sư bảo: Huynh đến hỏi Hòa thượng đi. Đó là xong một công việc.

Người xong việc thì tự tại. Khi bị hỏi bức ngặt, đáp hay không đáp gì cũng tự tại. Như đoạn trên ngài đáp, mà đáp bằng hai câu thơ. Ở đây, bỏ đi ra, không đáp. Vân Nham thắc mắc tại sao thầy không đáp lời Viên Trí, Dược Sơn cũng không chịu nói, bảo “Y đã hội, hỏi lấy y”, nghĩa là thầy cũng biểu hiện chỗ đó. Vân Nham lại một lần nữa tới hỏi sư, sư nhất định không nói “Huynh đến hỏi Hòa thượng đi.” Đôi bên đều giữ vẹn toàn ý tư của mình.

Đây là vấn đề hằng hữu nơi mỗi chúng ta. Người xưa luôn sống với cái hiện tiền này, không bao giờ vắng thiếu, do vậy đụng đến thì hiện ra. Khi cần nói thì nói bày rõ ràng, khi không cần nói thì khéo léo ẩn đi. Chúng ta cũng có thời trí hiểu biết, nhận ra ý tư của thầy, nhưng cách hồi đáp không khéo léo. Đó là vì chưa ngộ ra, chưa sống được chỗ hồn nhiên, tự tại. Cho nên đụng đến chúng ta lúng túng.

Trong 10 bức tranh chăn trâu, có bức con trâu trắng sờ sờ trước mặt, đuổi cũng không đi. Hành giả nào nơi một câu nói bình thường của người chung quanh, nhưng có công phu đầy đủ thì nhận ra, hiểu được tại sao con trâu trắng nằm sờ sờ đó. Ngay từ đầu mới khởi sự, con trâu ở đâu? Mình nghe âm thanh rồi đoán chừng nó ở trong rừng trong suối gì đó. Khi lần mò tìm, mới thấy chút xíu dấu chân của nó. Theo dấu tìm nữa thì thấy con trâu đen đúa lắm lem, mới bắt xỏ dây kéo về, chăn dưỡng thuần hóa. Trải qua biết bao công lao nó mới trắng dần và cuối cùng nằm sờ sờ đó, đuổi cũng không đi.

Nếu chịu khó mài miệt công phu, đến một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ có con trâu trắng sờ sờ. Nếu không như vậy thì chẳng bao giờ ta tự tại được với các cảnh duyên. Lúc đó người chăn thư thả, có khi ngồi uống trà, đánh cờ, thổi sáo hoặc đứng giữa trời đất mênh mông thảnh thơi. Đó là biểu trưng cho sự bình ổn trong mỗi chúng ta.

Thiền sư đã bước được những bước như vậy, các ngài biểu trưng cho chúng ta thấy. Thấy để làm gì? Để mình cùng tiến bước, cùng được như vậy. Đừng nghĩ rằng chỉ có người xưa mới chăn được con trâu, chúng ta không chăn được. Con trâu là của mình, dĩ nhiên ta có quyền chăn nó. Ai cũng làm được chuyện đó, nghĩa là ai cũng có thể tu thành Phật, có thể nhận và sống được với bản lai diện mục bất sanh bất diệt của mình. Chỉ có điều khéo hay không, quyết tâm thực hiện hay không mà thôi.

Quy Sơn Linh Hựu hỏi Vân Nham Đàm Thạnh:

- Bồ-đề lấy gì làm tòa?

Đàm Thạnh đáp:

- Lấy vô vi làm tòa.

Đàm Thạnh lại hỏi Linh Hựu câu ấy.

Linh Hựu đáp:

- Lấy các pháp không làm tòa.

Linh Hựu lại đem câu ấy hỏi Sư.

Sư đáp:

- Ngồi thì cho y ngồi, nằm thì cho y nằm. Có một người chẳng ngồi chẳng nằm, hãy nói mau nói mau!

Thuật trong nhà này thường là bắt người ta phải nói mau, nói mau, để xem đương sự có vận dụng được trí của mình hay không. Nếu còn nghi ngại, cách trở là không nói được.

Ngài Linh Hựu hỏi sư: Bồ-đề lấy gì làm tòa? Sư đáp: Ngồi thì cho y ngồi, nằm thì cho y nằm. Có một người chẳng ngồi chẳng nằm, hãy nói mau, nói mau! Người chẳng ngồi chẳng nằm là người nào? Biết được người này là biết được ý của câu trả lời.

Thật sự làm gì có lưng mà nằm. Người có lưng thì mới nằm, còn cái bất sanh bất diệt không có lưng, làm sao nằm? Hiểu ngang ngược như mình cũng là một cách phá nét. Nét phá đó nhấn vô đâu thì sự việc hiện ra đó, hiện tiền. Chỉ vậy thôi.

Ngài Quy Sơn hỏi Bồ-đề lấy gì làm tòa? Bồ-đề là âm tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là giác. Như vậy là hỏi giác lấy cái gì làm chỗ ngồi? Ngài Đàm Thạnh trả lời “lấy vô vi làm tòa”. Vô vi là gì? Là pháp mà không pháp. Hữu vi có hình thức, vô vi không hình thức. Câu hỏi mang tính vô hình thì thiền sư cũng lấy cái không hình thức trả lời.

Cùng câu ấy, ngài Đàm Thạnh hỏi lại ngài Linh Hựu. Ngài Linh Hựu đáp “lấy các pháp không làm tòa”. Các pháp không là gì? Cũng phi vật thể. Cả hai cách trả lời đều không sai. Đến ngài Viên Trí thì sao? “Ngồi thì cho y ngồi, nằm thì cho y nằm, nhưng có một người chẳng ngồi chẳng nằm, nói mau nói mau”. Người đó là ai? Hỏi là ai, lẽ nên ăn đòn. Vì người này không có lưng, cũng không có ngồi, không là gì cả, chính là cái rỗng rang sáng suốt của chúng ta. Cho nên cần ngồi thì ngồi, cần nằm thì nằm… không có gì để nói.

Linh Hựu hỏi Sư:

- Ở đâu đến?

Sư đáp:

- Khán bệnh đến.

- Có bao nhiêu người bệnh?

- Có người bệnh có người chẳng bệnh.

- Có người không bệnh đâu không phải Trí đầu-đà?

- Bệnh cùng chẳng bệnh đều không can hệ việc nó, nói mau! nói mau!

Lại cũng là cách “nói mau, nói mau”, để xem đương cơ có bối rối hay không, có thật sự sống được hay không. Thật ra chúng ta cũng cảm biết, thầm nhận mình có cái đó. Nhưng bất thần hỏi cái đó là gì, thì trả lời không được. Chỉ người hằng sống được với cái đó mới có thể đối đáp tự tại như ngài Đạo Ngô Viên Trí. Chúng ta chưa đủ công phu, khó nhảy vượt trót lọt, dù là một câu hỏi bình thường.

Cho nên chúng ta phải tập trung vào sự tu tập ngay bây giờ, để không bị lúng túng trước phút Diêm vương khảo hạch. Nói thế không có nghĩa là lo xa đâu, vì việc này bất thường lắm. Nếu không có thao lược chuẩn bị thì nhất định chúng ta sẽ lúng túng. Lúng túng thì cách trở, cách trở rồi cách xa, thu hồi trở lại khó lắm. Vị nào có đi phỏng vấn sẽ thấy điều này rõ ràng. Người được gọi tên bước vào phòng, người hỏi quan sát từng cử chỉ, ánh mắt, lời nói, luôn cả những cử động nhỏ của đối phương. Chỉ cần một thoáng ngại ngùng là rớt, phải thật sự tự tại mới đậu. Vừa hỏi liền đáp, có kết quả ngay. Nhanh lắm.

Khi cận tử nghiệp tới, mình biết lựa ai để phỏng vấn đây? Cho nên dù muốn dù không gì cũng phải chuẩn bị. Chuyện này không phải giỡn chơi. Người tu thiền nói luôn miệng “sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”, nhưng nhìn cho kỹ đi rồi thấy, quả thật không dễ dàng chút nào.

Khoảng năm tôi 17, 18 tuổi, chứng kiến cảnh một sư huynh ở Vạn Đức trước giờ phút lâm chung thật nhọc nhằn. Hay tin thầy bệnh, anh em tuy còn nhỏ nhưng cũng đến thăm, lâu lâu đem thức ăn cúng dường. Có khi thầy nằm, có khi ngồi, khi viết, khi tiếp khách… bình thường. Nhưng sáng hôm đó tôi nghe huynh đệ bảo thầy sắp chết. Tôi chạy tới trước thất, nhìn vô thấy mồ hôi thầy ướt đẫm. Hơi nóng bốc lên, mình đứng bên ngoài cũng thấy nóng theo. Quái lạ. Nhìn cảnh thầy vật lộn với cái chết thật đau đớn vô cùng. Ngồi không yên, nằm không yên, sự bức bách hiện rõ ra ngoài. Quý thầy lớn đứng chung quanh, ai cũng xót xa mà không biết phải làm sao. Như vậy tới mấy tiếng đồng hồ, thầy mới nằm yên rồi viên tịch.

Qua hình ảnh đó, chúng ta thấy không phải con người muốn chết là chết, muốn sống là sống. Nghiệp thức chồng chéo bên trong điều động hết, mình không làm gì được. Bấy giờ những người chung quanh có niệm Phật thì cũng là một cách cầu nguyện tha lực, chứ đương sự hoàn toàn bất lực. Và tha lực bên ngoài có tác dụng hay không, còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Chúng ta thấy rõ cuộc sống được bắt đầu từ sự tăm tối của nghiệp thức và kết thúc cũng trong nghiệp thức. Nếu trong đời, mình không gầy dựng nổi một sức sống sáng suốt thì nghiệp thức sẽ tiếp tục dẫn chúng ta đi trong sự tăm tối nữa. Cho nên con người thoát khỏi luân hồi sanh tử không phải là chuyện đơn giản.

Từ nhỏ tôi đã cảm nhận như vậy. Cho nên người tu dù theo pháp môn nào cũng phải đầy đủ định tuệ. Định để không bị động bởi bất cứ nhân duyên nào, tuệ để sáng suốt chọn đường đi. Chúng ta tu thiền, càng phải làm sao quan tâm tới công phu hằng ngày. Thực sự có tỉnh lực, có lực lượng đảm bảo phút nào đó cần đi thì đi, cần nghỉ thì nghỉ. Ở đây, Ngài Viên Trí nói bệnh cùng chẳng bệnh đều không can hệ việc nó, chứng tỏ ngài đã hoàn toàn xong việc.

Thấy Đàm Thạnh bệnh, Sư hỏi:

- Lìa cái vỏ lủng này đến chỗ nào thấy nhau?

- Đến chỗ chẳng sanh chẳng diệt thấy nhau.

- Sao không nói chỗ phi chẳng sanh chẳng diệt, cũng chẳng cầu thấy nhau.

Các ngài luôn luôn làm thành cho nhau, nên cách đối đáp trong cư xử là như vậy. Thấy Đàm Thạnh đang bệnh, Viên Trí hỏi “lìa cái vỏ lủng này đến chỗ nào thấy nhau?” Đáp “đến chỗ chẳng sanh chẳng diệt thấy nhau.” Chỗ chẳng sanh chẳng diệt cần thấy nhau không? Chẳng sanh chẳng diệt thấy nhau làm gì. Cho nên ngài Viên Trí nói “sao không nói chỗ phi chẳng sanh chẳng diệt cũng chẳng cầu thấy nhau”.

Đàm Thạnh vá lại đôi giày cỏ, Sư thấy hỏi:

- Làm gì?

- Đem bại hoại vá bại hoại.

- Sao không nói tức bại hoại phi bại hoại.

Đây chỉ cho các ngài thực sự tự tại, sống được với cái bất sanh bất diệt. Hòa thượng Trúc Lâm thường nói chúng ta mất quyền làm chủ. Tại sao? Vì mê theo trần cảnh, bị vọng tưởng dẫn, lưu đãng trôi dạt theo dòng sanh tử. Hòa thượng thực tâm muốn chỉ cho mình ông chủ và dặn phải cố làm chủ lấy, đừng chạy theo những sanh diệt lăng xăng bên ngoài nữa. Chúng ta nghe rồi cũng nhớ, nhưng làm thì chưa hoàn toàn.

Chỉ một việc phục hồi lại ông chủ và làm chủ lấy mình, nếu ta thực hiện được như vậy, thì sẽ tự tại đối với tất cả các cảnh duyên, không bị pháp trần kéo lôi. Nghe rất dễ dàng, chỉ một việc làm chủ thôi, nhưng mình không biết chủ là gì, làm sao làm chủ? Giống như cái nhà của mình, nhưng mình bỏ đi lâu quá, không về lần nào hết, bây giờ về không biết ngả nào vô. Đó là chuyện thực tế.

Mấy năm trước có huynh đệ ở Chợ Lách mời tôi về đó thăm. Tôi hoan hỷ. Anh em chuẩn bị chu đáo trước giờ lên đường. Hành trình sẽ đi qua Hương Mỹ, Mỏ Cày, Bến Tre. Không hiểu nhân duyên thế nào mà 9 giờ tối tôi còn giảng ở chùa Hương Mỹ. Quý Phật tử liên hệ bắc Hàm Luông, đăng ký chuyến cuối cùng để thầy trò qua được. Tôi nghĩ qua bắc Hàm Luông rồi thì tự tại đi. Ba bốn giờ sáng về tới chùa cũng được, không sao hết.

Qua cầu Mỏ Cày, khoảng nào là Hương Mỹ, vùng nào thuộc Tân Trung, tôi biết. Nhưng có chú dẫn đường nên tôi để xem chú làm sao. Đường tẻ qua Chợ Lách bên này đầu cầu Mỏ Cày, cho nên đi gần tới cầu, tôi hỏi: “Nhớ đường đi không? Chuẩn bị nghe.” Tôi thấy xe chạy qua cầu Mỏ Cày rồi, không ai nói tẻ đâu hết. Tôi nhắc: “Đi đường nào đây? Bữa nay đi Hương Mỹ hay Chợ Lách? Nếu Chợ Lách thì phải tẻ bên đây đầu cầu.” Kêu hướng đạo thì ra ông ngủ gục, cũng như không. Thế là đánh thức dậy hỏi:

- Đường tẻ qua Chợ Lách, tới chưa?

- Dạ thưa thầy, tới cầu Mỏ Cày chưa?

- Qua rồi.

- Như vậy là con không biết.

Bên đây đầu cầu ông biết, còn bên kia đầu cầu ông không biết. Sướng chưa? Xe phải quanh lại, đổi hướng dẫn viên. Bất đắc dĩ tôi trở thành người dẫn đường. Quay lại chú đệ tử, tôi hỏi tiếp:

- Nào giờ chú đi Sài Gòn - Chợ Lách bao nhiêu lần?

- Dạ thưa thầy, con đi một lần rồi lên Thường Chiếu tu luôn.

- Chú không nhớ đường, sao dám nhận lời hướng dẫn đoàn?

- Dạ, con biết trong xe này còn nhiều người biết đường.

Có khi chúng ta cũng ngớ ngẩn như vậy. Mơ mơ tỉnh tỉnh cho nên nói mớ. Thật ra trong cuộc trần lao này, ai mà không biết đường, vì tất cả đều loay hoay lẩn quẩn trong ba cõi không biết bao nhiêu lần. Kinh Báo Hiếu, Phật nói nếu lấy một mũi nhọn cắm xuống đất, không có chỗ nào không đụng đến thân mình và những người thân của chúng ta. Nhiều kiếp luân hồi, chúng sanh lên lên xuống xuống vô số lần trong sáu đường khổ.

Thực sự nếu chúng ta chỉ vướng một hai duyên nào thôi, thì tu hành thành Phật rồi. Nhưng vì mình mê muội nhiều quá, ngớ ngẩn đủ việc nên cứ loay hoay hoài, không thoát được. Có khi nào chư huynh đệ đặt nghi vấn tại sao phải tu trí tuệ không? Tu cái khác cũng được vậy, như từ bi, nhẫn nhục, trì giới… tốt lắm chứ. Bởi vì dẫn đầu là tăm tối, do vậy phải tu trí tuệ. Chỉ có trí tuệ mới phá được vòng vây si mê để thoát ra. Trong 12 nhân duyên, Phật nói dẫn đầu là vô minh, cuối cùng là sanh, lão, bệnh, tử. Do vô minh dẫn tới có thân này rồi già chết, loay hoay lẩn quẩn như thế mãi.

Các vị Duyên Giác sinh ra trong thời không có đức Phật. Khi thấy cây khô lá úa, các ngài cảm nhận được vô thường đổi thay nên giác ngộ. Trí tuệ của các ngài cũng như chư vị thánh La-hán vậy. Chúng ta sanh ra tuy không có Phật tại thế, nhưng gặp được giáo pháp của ngài. Những bài pháp, những ý chỉ của Phật tổ để lại, mình nương theo đó tu học, chiêm nghiệm hoài cũng có thể ngộ đạo, phải không? Như ngài Viên Trí đến pháp hội của ngài Dược Sơn thầm được tâm ấn. Đó là đã có nhân duyên, có chủng Phật và chắc cũng đã có tu từ những đời trước rồi.

Sau, Sư đến núi Đạo Ngô an trụ ở đây, Tăng chúng đến tham vấn rất đông.

Có vị tăng hỏi:

- Thế nào là chỗ đắc lực hiện giờ?

Sư đáp:

- Ngàn muôn người gọi mà chẳng xoay đầu, mới có ít phần tương ưng.

Đây là thời ngài mở pháp hội. Có vị tăng hỏi chỗ đắc lực tức là chỗ đang sống. Ngài trả lời thật triệt để, chuyên chú đến mức ngàn muôn người gọi mà chẳng xoay đầu, mới có ít phần tương ưng.

- Chợt gặp lửa cháy thì sao?

- Đốt cả quả đất.

Lửa cháy thì sao? Cũng mặc, chẳng ăn thua gì.

Sư lại hỏi vị tăng ấy:

- Dẹp than và lửa, cái gì là lửa?

- Chẳng phải lửa.

Trả lời hết sức rõ ràng. Cái đó không phải là lửa. Tại sao? Vì nó bất sanh bất diệt, không tên không tuổi, nên than và lửa không dính dáng tới y.

Thạch Sương Khánh Chư hỏi:

- Trăm năm sau có người hỏi việc pháp tắc cùng tột, làm sao nói với họ?

Sư gọi:

- Sa-di!

Sa-di đáp:

- Dạ!

Sư bảo:

- Thêm nước trong tịnh bình.

Thêm nước trong tịnh bình là một cách nói. Vì có khi thị giả dạ nhưng chưa nhận ra ý tổ sư, nên tổ đành phải nói một câu trớt quớt cho qua việc. Ở đây ông sa-di nghe kêu thì dạ vậy thôi, chứ chưa nhận được, nên ngài bảo thêm nước trong tịnh bình.

Giây lâu, Sư lại hỏi Khánh Chư:

- Vừa rồi hỏi gì?

Khánh Chư lặp lại câu trước. Sư đứng dậy đi.

Đúng là chẳng dính dáng gì, nên ngài đứng dậy đi. Lần đầu sa-di không hiểu, ngài bảo thêm nước trong tịnh bình. Bây giờ gạn lại một lần nữa, Khánh Chư cũng chưa thông, nên ngài đứng dậy đi. Đây là cách trả lời tuyệt vời nhất. Trả lời mà không có trả lời gì hết, nói mà không động môi lưỡi. Nói để cho người ta hoặc ngay đó sống được, hoặc giống như con muỗi dùi núi sắt.

Hôm khác, Khánh Chư hỏi:

- Một mảnh xương của Hòa thượng gõ in tiếng đồng, đi về chỗ nào?

Sư gọi:

- Thị giả!

Thị giả đáp:

- Dạ!

Sư bảo:

- Năm lừa đi.

Mảnh xương đem gõ có âm thanh như tiếng đồng, hỏi đi về chỗ nào? Ngài kêu thị giả, thị giả đáp dạ. Sư bảo: Năm lừa đi. Có năm lừa không? Trong mười hai con giáp, không có con nào là lừa hết. Nói năm lừa để người ta không còn chỗ bám. Thị giả nêu lên vấn đề, đáp án đưa ra, không nhận được nên ngài nói: Năm lừa đi. Đó là cách thức của các bậc thầy trong nhà thiền.

Sư mắc bệnh, Tăng chúng đến thăm hỏi.

Sư bảo:

- Có nhận chẳng đến, các ngươi biết nó chăng?

Chúng đều buồn thảm.

Sư bảo:

- Ta sẽ đi xa bên Tây, lý không rời bên Đông.

Sư có chút bệnh, tăng chúng đến thăm hỏi. Sư bảo: Có nhận chẳng đến, các ngươi biết nó chăng? Tức là tới lúc thân này bại hoại rồi, ta sẽ từ giã các ngươi. Tăng chúng biết việc nên nghe nói thế, ai nấy đều buồn thảm vì sắp mất thầy. Riêng ngài vẫn tự tại, đúng như tinh thần sanh như đắp chăn đông, tử như cỡi áo hạ.

Muốn tự tại như vậy, lúc khỏe mạnh phải chuẩn bị trước, nếu không chừng ấy sẽ nói năng lộn xộn đó. Có khi mở miệng muốn nói câu này mà nó ra câu khác. Hoặc vừa mở miệng liền mếu khóc, không nói được câu nào. Đứng trước một người thân mình trân quý vừa qua đời, đôi khi chúng ta không nói lời nào, nhưng nước mắt tuôn trào. Trường hợp này xảy ra khá thường xuyên, nếu đạo lực của mình yếu kém. Cho nên nói gì thì nói, chuẩn bị cho mình trước phút ra đi hoặc đối diện với người thân trong giây phút ấy, luôn là điều cần thiết, mà chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Các bậc thiền sư đồng thời với ngài Viên Trí đều là những vị đã sáng việc, nhưng hàng môn đệ của ngài ít người được như thế. Do vậy phút chót khi ngài bệnh, đại chúng đến thăm, ngài nói: Có nhận chẳng đến, các ngươi biết nó chăng? Nghĩa là có người nhận mà không có người đến. Đại chúng chỉ biết buồn thảm thôi, vì không ai có biểu hiện gì đặc biệt ngay lúc đó. Ngài từ giã: Ta sẽ đi xa bên tây, lý không rời bên đông. Nghĩa là dù thân này có hoại diệt nhưng sự sống ở đây vẫn hiện tiền.

Đến ngày mùng 10 tháng 9 niên hiệu Thái Hòa năm thứ 9 (835 TL) đời Đường, Sư quy tịch, thọ 67 tuổi.

Vua sắc ban là Tu Nhất đại sư, tháp hiệu Bảo Tướng.

Những hình ảnh, sự kiện qua cuộc đời của thiền sư Đạo Ngô Viên Trí, chúng ta học được một điều là, ngài luôn sử dụng trí tuệ hiện tiền, như bảo “Nói mau! Nói mau!”. Các ngài không cho chúng ta phút giây nào để nghĩ ngợi. Bởi vì còn suy nghĩ là còn quỷ giữ mồ xưa… Những từ này muốn nói suy nghĩ, tính toán đều không đúng. Thiền là sức sống mãnh liệt, rõ ràng như vậy.

Trong nhà thiền, cách nói để người nghe không thể bám víu gọi là hoạt cú, còn nói mà người nghe theo đó diễn dịch, nghĩ ngợi gọi là tử cú. Tử cú là câu chết, hoạt cú là câu sống. Chỉ có những người sống được với chỗ chân thật mới sử dụng được ngôn ngữ sống, người chưa sống được thì thôi đành chịu. Do vậy cũng có khi ta học thiền không hiểu gì hết. Không hiểu là tốt. Thiền sư bảo nghe một chữ thiền, phải đi rửa tai. Tại sao? Vì sợ tâm phân biệt dính lên đó. Ở đây học thiền nhưng không cho đụng tới tự điển. Một là hoạt cú thì vào được, hai là tử cú thì chết.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Trong Truyền Đăng Lục thì để Viên Trí, trong Chỉ Nguyệt Lục để Tông Trí.
 

[ Quay lại ]