headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Cư sĩ Bàng Uẩn

cusibanguanCư sĩ Bàng Uẩn

Ông người huyện Hành Dương, Xung Châu, tự là Đạo Huyền, gia thế chuyên nghiệp Nho, đời sống rất thanh đạm, hiểu ngộ ít phần trần lao, quyết chí cầu giải thoát.

Cư sĩ Bàng Uẩn gia thế theo nghiệp Nho, đời sống thanh đạm. Nhận được trần lao tạm bợ không thật, nên quyết chí cầu giải thoát.

Đã không thật thì cầu giải thoát làm gì? Không thật mà tưởng là thật, dính mắc, nên mới cầu giải thoát. Từ một vật dụng hết sức nhỏ mà có tên mình trong đó là vướng mắc. Cái đơn của tôi, cái chén của tôi, cái bánh của tôi… ai đụng tới mà chưa có sự đồng ý của tôi thì rối rắm.

Chúng sanh như vậy, cấu xé nhau cả đời, kết nối nghiệp không cùng cũng từ cái tôi này. Phật nói tất cả đều không thật, ngũ dục thế gian giống như đàm dãi trong miệng đã khạc ra mà liếm lại thì thật đáng gớm. Vậy mà con người lượm lại hết, từ những thứ nhỏ nhất cho tới lớn nhất, không tha thứ nào, vướng mắc cả đời.

Hồi xưa có một vị sư tu hành rất tốt. Khi bệnh ngặt gần chết, tự dưng nhớ bức tường mình đã xây từ trước, thầy kêu thị giả dẫn đến đó, rờ từng phiến gạch trong tiếc nuối. Ghê gớm chưa! Rõ ràng dùng trí tuệ phẫu thuật thì miếng gạch là đồ bỏ, từ đất cát nung thành, vậy mà tới lúc phải chia tay, thầy quyến luyến như vậy. Những lúc ngặt nghèo, cần có trí tuệ dẫn đường thì không biết nó ở đâu, bị sóng vô minh phủ lấp hết rồi. Chúng sanh vì thế mà ra đi trong tăm tối. Thật đáng sợ.

Đời Đường niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu (785 TL), ông đến yết kiến Hòa thượng Thạch Đầu, hỏi:

- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?

Thạch Đầu lấy tay bụm miệng ông. Ông bỗng nhiên tỉnh ngộ.

Mã Tổ là đệ tử đắc pháp của Nam Nhạc Hoài Nhượng, Thạch Đầu là đệ tử đắc pháp của Thanh Nguyên Hành Tư. Hai đại sư này là cao đệ của Lục Tổ Huệ Năng. Bàng công đều đến tham vấn hai bậc đại tác gia nổi tiếng đương thời.

Ở chỗ Thạch Đầu, ông hỏi người không cùng muôn pháp làm bạn là người nào? Vừa hỏi, Thạch Đầu lấy tay bụm miệng không cho nói, bởi vì người đó cũng không thể nói. Ông liền có tỉnh.

Một hôm Thạch Đầu hỏi:

- Từ ngày thấy Lão tăng đến nay, hằng ngày ông làm việc gì?

Ông thưa:

- Nếu hỏi việc làm hằng ngày tức không có chỗ mở miệng.

Ông liền trình một bài kệ:

Nhật dụng sự vô biệt,
Duy ngô tự ngẫu hài.
Đầu đầu phi thủ xả,
Xứ xứ vật tương oai.
Châu tử thùy vi hiệu,
Khưu sơn tuyệt điểm ai.
Thần thông tịnh diệu dụng,
Vận thủy cập ban sài.

        Dịch:

Hằng ngày không việc khác,
Chỉ tôi tự biết hay.
Vật vật chẳng bỏ lấy,
Chỗ chỗ nào trái bày.
Đỏ tía gì làm hiệu,
Núi gò bặt trần ai.
Thần thông cùng diệu dụng,
Gánh nước bửa củi tài.

Chỗ thần dụng tự tại, đói thì ăn mệt thì nghỉ, không dính mắc, cho nên đỏ tía gì làm hiệu, núi gò bặt trần ai. Hòa thượng Trúc Lâm dạy buông sạch hết tất cả những nghĩ tưởng lăng xăng, làm chủ các dấy niệm. Làm chủ là sao? Là khiển được nó, chớ không để nó khiển mình. Bảo buông là buông. Nếu buông không được thì làm tôi tớ, bị nó sai khiến lôi đi, trầm luân trong sanh tử nhiều kiếp. Vậy thôi. Cho nên bắt buộc chúng ta phải cố gắng tu tập, làm sao nắm lấy chủ quyền, làm chủ các dấy niệm, mới giải quyết việc trần lao sanh tử. Nói rõ hơn, trong quá trình hạ thủ công phu, thứ nhất chúng ta không để cho vọng tưởng hút mình, thứ hai không có tâm chạy theo nó.

Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy tu như thế, chúng ta cứ như thế mà tu. Tụng kinh, ngồi thiền, nấu cơm, làm vệ sinh… đều như thế. Làm thì cứ làm, nhưng đừng để vọng tưởng dẫn, không điên đảo chạy theo nó là sống được với ông chủ của mình. Tin tưởng và sống tu như vậy, đừng nghĩ ngợi lung tung gì cả, chư huynh đệ sẽ thấy được kết quả hiện tiền.

Bài kệ Bàng Uẩn trình cho thiền sư Thạch Đầu là bài kệ tự tại, buông hết không dính mắc gì. Thần thông cùng diệu dụng, gánh nước bửa củi tài. Bửa củi, gánh nước, làm tất cả công việc, việc nào cũng tự nhiên tự tại. Như vậy có khó không? Nhiều vị nói tu thiền khó quá, tìm chỗ nào vui hơn dễ hơn mà tu. Cũng được, nhưng làm gì trong cuộc đời này có chuyện chạy theo vui buồn thế sự mà được an lạc.

Nói trong phạm vi thiền viện, bây giờ muốn toàn chúng chuyên tâm tu hành thì những vị có trách nhiệm tạm thời thu hồi điện thoại cầm tay. Một việc nhỏ thôi nhưng cũng không dễ, nhiều vị khó chịu lắm, buông không được. Nghĩ cho cùng hồi mình sinh ra có cầm trên tay thứ đó không, mà bây giờ mê tới mức độ người ta nói nó có từ trường làm ung thư não bộ… nhưng cũng cứ ôm lấy nó. Chỉ thế thôi còn không giải trừ được, vậy mà chạy theo các cảnh duyên bên ngoài nữa, làm sao tu được!

Chúng ta ra đời không có một thứ gì cả, ngay cả tiếng khóc cũng không, tại bà mụ mới có. Bà ta đánh cho mình khóc, để tống đi những độc tố mình phải ôm giữ nó trong suốt chín tháng mười ngày. Không có bà mụ đánh thì ta cũng uất độc mà chết. Cho nên tiếng nói chào đời của con người là tiếng khóc. Chỉ những vị đặc biệt sinh ra trong bọc điều như tổ Hư Vân chẳng hạn, thì thoát khỏi cái khổ tu oa ban đầu. Đó là những người cao quý có công đức, phúc duyên gieo trồng từ nhiều đời. Sự hiện diện của các ngài đem ánh sáng đến cho nhân loại, còn sự hiện diện của mình coi chừng không khéo, chỉ đem bóng tối đến cho thiên hạ mà thôi.

Hồi xưa khi chuẩn bị tới cõi này, mình không phát nguyện vì chúng sanh cần nên con đến, không nói được lời đó nên bây giờ không cứu được ai. Cứu mình còn không xong, nói gì cứu ai! Bởi do ta quờ quạng hỗn loạn khi tắt thở, bị vô minh tăm tối dẫn đi, ba chìm bảy nổi rồi mới xuất hiện ra đây. Giống như đang đi trên đường, thấy người ta tụ hợp đông quá, mình cũng xúm lại coi chuyện gì, không ngờ máng vô đây. Cuộc đời có bao nhiêu. Trên trời thiên tử đi dạo một ngày bằng mình sống dưới trần một trăm năm. Thấp thỏi, ngắn ngủi làm sao. Phật nói cuộc đời vô thường, thế gian mỏng manh, chẳng có gì vui. Cho nên bây giờ chúng ta phải ráng tu, để thoát ra cái khổ vô minh tăm tối ấy.

Thạch Đầu hứa khả, bảo:

- Ông làm cư sĩ hay làm xuất gia?

Ông thưa:

- Xin cho con theo sở nguyện không cạo tóc xuất gia.

Ông đến tham vấn Mã Tổ, hỏi:

- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?

Mã Tổ bảo:

- Đợi miệng ông hút hết nước Giang Tây, ta sẽ nói với ông.

Ngay câu nói này, ông ngộ được huyền chỉ. Ông dừng ở chỗ Mã Tổ hai năm.

Bên chỗ Thạch Đầu, bị bụm miệng Bàng Uẩn đã có tỉnh. Tới chỗ Mã Tổ nghe câu nói “đợi ông một hớp, hớp hết nước Giang Tây, ta sẽ nói với ông” thì triệt ngộ, nên ở lại đây hai năm.

Sau khi đốn ngộ, ông về nhà lấy thuyền chở của cải đem đổ xuống sông Tương. Ông chỉ cất một cái thất nhỏ ở tu hành. Có người con gái tên Linh Chiếu thường theo hầu hạ, chuyên việc chẻ tre bện sáo bán nuôi cha.

Đây cũng là một người con gái đặc biệt trong nhà thiền.

Ông có làm bài kệ:

Hữu nam bất thú,
Hữu nữ bất giá,
Đại gia đoàn biến đầu,
Cọng thuyết vô sanh thoại.

    Dịch:

Có trai không cưới,
Có gái không gả,
Cả nhà chung hội họp,
Đồng bàn lời vô sanh.

Một gia đình quá đặc biệt. Cả nhà hội họp bàn lý vô sanh, tức đời sống của họ vô nhiễm, vô úy.

Ông nói năng lanh lợi, các nơi đều nghe tiếng. Ông thường đến các chỗ giảng kinh phát tâm tùy hỷ. Có vị Sư giảng kinh Kim Cang đến chỗ “vô ngã vô nhân”, ông bèn hỏi:

- Tọa chủ đã “vô ngã vô nhân”, vậy ai giảng ai nghe?

Tọa chủ không đáp được.

Ông nói:

- Tuy tôi là người tục cũng tin biết thô thiển.

Vị tọa chủ giảng kinh Kim Cang đến chỗ “vô ngã vô nhân”, ông hỏi “không người không ta thì ai giảng ai nghe?”. Câu hỏi trớ trêu nên giảng sư không đáp được. Ông tự giới thiệu: Tuy tôi là người tục cũng tin biết thô thiển, nghĩa là cũng nhận được yếu chỉ.

Tọa chủ hỏi:

- Theo cư sĩ ý thế nào?

Ông bèn giải bằng bài kệ:

Vô ngã phục vô nhân,
Tác ma hữu sơ thân.
Khuyến quân hưu lịch tọa,
Bất tợ trực cầu chân.
Kim Cang Bát-nhã tánh,
Ngoại tuyệt nhất tim trần.
Ngã văn tịnh tín thọ,
Tổng thị giả danh trần.

    Dịch:

Không ngã lại không nhân,
Làm gì có thân sơ.
Khuyên ông đừng ngồi mãi,
Đâu bằng thẳng cầu chân.
Tánh Kim Cang Bát-nhã,
Chẳng dính một mảy trần.
Tôi nghe tin với nhận,
Thảy đều giả danh trần.

Vị thầy không thông, muốn cứu vãn chỗ này, ông khiêm nhường đáp bằng bài kệ:

Không ngã lại không nhân,
Làm gì có thân sơ.

Có mình có ta mới có thân có sơ, bây giờ không ngã không nhân thì thân sơ chỗ nào?

Khuyên ông đừng ngồi mãi,
Đâu bằng thẳng cầu chân.

Bàng công khuyên vị tăng giảng kinh Kim Cang đừng kẹt nơi kinh. Bởi vì thầy giảng biết bao nhiêu lần, nhưng khi hỏi vô ngã vô nhân thì ai giảng ai nghe, không trả lời được. Như vậy là chỉ bay lượn trên văn tự thôi, không thâm nhập được yếu chỉ. Ở đây ông nói thẳng: Khuyên ông đừng ngồi mãi, đâu bằng thẳng cầu chân, nghĩa là khuyên thầy đừng ngồi giảng mãi, mà cần phải thẳng đó nhận được tâm thể của mình. Hòa thượng Trúc Lâm dịch thật mộc mạc, ít dùng hoa từ mỹ ngữ, mà nghĩa lý rõ ràng sáng tỏ.

Tánh Kim Cang Bát-nhã,
Chẳng dính một mảy trần.

Kim Cang Bát-nhã mà giảng giải, chứng minh thế này thế nọ nhiều quá, làm sao nhận ra yếu chỉ. Người đến được chỗ ấy thì biết tánh Kim Cang Bát-nhã chẳng dính một mảy trần. Vào được trí tuệ Bát-nhã tức là vào được cửa không, nên không dính một mảy trần.

Tôi nghe tin với nhận,
Thảy đều giả danh trần.

Một khi nhận ra, phát huy được trí tuệ Bát-nhã rồi thì cuối cùng thấy tất cả mọi thứ đều là giả danh, không thật. Chúng ta sống được với trí tuệ rồi thì tất cả các pháp không làm gì được và mình cũng không dính mắc nó nữa. Tóm lại, ngay chỗ này Tổ sư dạy chúng ta phải nhận ra và sống được với trí tuệ Bát-nhã của mình. Trước đó thì làm quen với cách để nhận được của báu mà lâu nay mình bỏ quên, bị vọng tưởng che phủ nhiều lớp thành ra tăm tối. Bây giờ gạt phăng nó ra để nhận lại của báu. Mỗi người đều có trí tuệ, có của báu, chỉ tự nhận ra bằng cách không chạy theo những thứ bên ngoài. Phải biết chủ đích của người tu hành từ xưa tới nay là nhận được chỗ này.

Tọa chủ nghe kệ rồi, vui vẻ khen ngợi:

- Chỗ cư sĩ đến phần nhiều các bậc lão túc đã qua.

Vị tăng khen ngợi chỗ thâm nhận của cư sĩ cũng chính là chỗ các bậc lão túc đã qua. Bàng Uẩn im lặng không nói gì.

Ông đến viếng Đơn Hà. Đơn Hà làm thế chạy.

Ông nói:

- Vẫn là thế phóng thân, thế nào là thế tần thân?

Đơn Hà liền ngồi.

Ông lấy gậy vẽ dưới đất chữ Thất.

Đơn Hà vẽ đáp chữ Nhất.

Ông nói:

- Nhân bảy thấy một, thấy một quên bảy.

Đơn Hà đứng dậy đi.

Ông gọi:

- Hãy ngồi nán một chút, vẫn còn câu thứ hai.

Đơn Hà bảo:

- Trong ấy nói được sao?

Ông bèn khóc ra đi.

Trong ấy nói được sao? Trong chỗ bản thể ông nói được sao, cư sĩ bèn khóc mà đi. Cách biểu hiện của các vị ngộ đạo là như vậy, từ trong tâm thể rỗng rang sáng suốt chiếu ra thần dụng, Hòa thượng Trúc Lâm gọi là trí dụng của Bát-nhã.

Ngài Nham Đầu nói của báu từ bên ngoài đem vào không phải thật. Của báu thật phải từ hông ngực lưu xuất mới sử dụng được. Điều này chính xác. Quý vị lớn tuổi một chút sẽ cảm khái phút giây mình từ bỏ thân này, không phải chuyện đơn giản đâu. Bao nhiêu quá khứ dồn đến gọi là cận tử nghiệp, mình không làm chủ được thì hãi hùng. Trong đời mình, ánh sáng cũng có nhưng lóe lên một chút rồi tối sầm lại, vừa tỉnh liền mê. Huynh đệ ngồi trên lớp học thì tỉnh, nhưng vừa hồi hướng đứng dậy liền nghĩ xuống bếp kiếm cái gì ăn. Lăng xăng. Cuộc sống cứ bị dẫn lao theo những tập nhân như vậy.

Đơn Hà với cư sĩ Bàng Uẩn cùng học một thầy. Ông đến thăm, ngài Đơn Hà làm thế chạy. Đó là biểu hiện ruột rà của những người bạn đã thông cảm. Ông nói: Vẫn là thế phóng thân, thế nào là thế tần thân? Đơn Hà liền ngồi như sư tử. Sư tử ngồi gọi là sư tử tần thân, Bồ-tát cỡi trên lưng.

Ông lấy gậy vẽ dưới đất chữ “thất”, tức là bảy. Đơn Hà vẽ chữ “nhất” đáp lại. Ông nói: Nhân bảy thấy một, thấy một quên bảy. Hai bậc ngộ đạo đối đáp nhau, nhân cái này mà thấy cái kia, nhân cái kia mà quên cái này.

Đơn Hà đứng dậy đi. Ông gọi: “Hãy ngồi nán lại một chút, vẫn còn câu thứ hai.” Đơn Hà bảo: “Trong ấy nói được sao?” Ông bèn khóc ra đi. Đến chỗ đó rất thâm thúy, nói cái gì để đừng vướng mắc! Tại sao khóc ra đi? Nếu cười hả hả thì nói ngộ đạo rồi. Đằng này khóc, thiên hạ chưng hửng không biết chuyện gì xảy ra. Chỗ đó cũng không nên nói nhiều.

Một hôm, ngồi trong am, ông chợt nói:

- Khó khó mười tạ dầu mè trên cây vuốt. (Nan nan thập thạch du ma thọ thượng than.)

Long bà đáp:

- Dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư. (Dị dị bách thảo đầu thượng Tổ sư ý.)

Linh Chiếu tiếp:

- Cũng chẳng khó cũng chẳng dễ, đói đến thì ăn, mệt ngủ khò. (Dã bất nan, dã bất dị, cơ lai khiết phạn khốn lai thùy.)

Bản hòa tấu của một gia đình cùng xướng khúc tông phong. Ông nói khó, như cây cột bôi mười tạ dầu mè lên đó, làm sao trèo lên. Khó. Bà bạn nói dễ, như ý tổ sư trên đầu trăm cỏ, chân thể bày hiện đầy khắp, có gì đâu mà khó. Dễ. Đến cô con gái, cái hay của Linh Chiếu là không khó không dễ, đói thì ăn mệt thì ngủ. Vượt hai bên, tùy duyên nhậm vận, của báu trong nhà tha hồ thọ dụng.
Có thể trong ba vị đó, chúng ta giống cô Linh Chiếu nhất, nhưng mình chưa đói đã đi nấu ăn, chưa mệt đã muốn lên giường. Cứ bày ra như vậy nên chẳng bao giờ xướng nổi khúc tông phong họ Bàng. Một nhà thật là đặc biệt. Cho nên không thể xem thường người cư sĩ, nếu tu hành đắc lực họ vẫn đạt đạo như các thiền sư.

Ông ngồi hỏi Linh Chiếu:

- Cổ nhân nói: “Sáng sáng đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư” (Minh minh bách thảo đầu, minh minh Tổ sư ý) là sao?

Linh Chiếu thưa:

- Lớn lớn già già thốt ra lời nói ấy. (Lão lão đại đại tác giá cá ngữ thoại.)

Ông hỏi:

- Con thế nào?

- Sáng sáng đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư.

Ông bèn cười.

Đây là một cách gạn lại cô con gái. Người thông suốt mới đáp được, vào được chỗ đó.

Ông có làm bài kệ:

Tâm như cảnh diệc như,
Vô thật diệc vô hư.
Hữu diệc bất quản,
Vô diệc bất cư.
Bất thị hiền thánh,
Liễu sự phàm phu.
Dị phục dị,
Tức thử ngũ uẩn hữu chân trí.
Thập phương thế giới nhất thừa đồng,
Vô tướng pháp thân khởi hữu nhị.
Nhược xả phiền não nhập Bồ-đề,
Bất tri hà phương hữu Phật địa.

Dịch:

Tâm như cảnh cũng như,
Không thật cũng không hư.
Có cũng chẳng quản,
Không cũng chẳng cư.
Chẳng phải hiền thánh,
Xong việc phàm phu.
Dễ lại dễ,
Tức năm uẩn này có chân trí.
Thế giới mười phương đồng một thừa,
Pháp thân không tướng nào có nhị.
Nếu bỏ phiền não vào Bồ-đề,
Chẳng biết nơi nào có Phật địa?

Có cũng chẳng quản, không cũng chẳng cư, tức là có cũng không quản mà không cũng không giữ.

Chẳng phải hiền thánh, xong việc phàm phu. Nói hiền thánh thì không chấp nhận, nhưng phàm phu thì đã xong việc. Hồi xưa thiền sư Hoài Nhượng bảo: Nói tợ một vật tức không đúng, nhưng mà tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được. Ý này cũng đồng như trên.

Dễ lại dễ, tức năm uẩn này có chân trí, nơi thân năm uẩn này có trí tuệ Bát-nhã bất sanh bất diệt.

Thế giới mười phương đồng một thừa, Pháp thân không tướng nào có nhị. Khi thể nhập được chỗ đó thì thế giới mười phương đồng một thừa, pháp thân không tướng nào có nhị.

Nếu bỏ phiền não vào Bồ-đề, chẳng biết nơi nào có Phật địa? Người nắm đông bắt tây chạy lăng xăng tìm Bồ-đề, tìm giác ngộ thì không biết nơi nào, chừng nào mới rồi. Chúng ta tu một bài kệ này cũng đủ để tự tại giải thoát rồi.

Lại có bài kệ:

Hộ sanh tu thị sát,
Sát tận thỉ an cư,
Hội đắc cá trung ý,
Thiết thuyền thủy thượng phù.

    Dịch:

Hộ sanh cần phải giết,
Giết hết mới ở yên,
Hiểu được ý trong đó,
Thuyền sắt nổi phao phao.

Hộ sanh cần phải giết, Hòa thượng nói chúng ta phải sát phiền não, sát những vọng tưởng điên đảo. Giết bằng cách không chấp nhận, không chạy theo, không để nó kéo lôi mình. Chừng nào sạch hết những thứ đó mới nhận được chân thể rỗng rang sáng suốt của mình.

Có vị đệ tử đến khóc với sư phụ, ngài hỏi lý do liền thưa cha mẹ đồng thời chết. Ngài nói, như thế ngày mai đồng thời chôn. Nếu trị hết phiền não tham sân thì vào được chỗ tự tại rỗng rang. Cho nên nói cha là cha vô minh, mẹ là mẹ tham ái. Hai thứ này sạch rồi thì tự tại giải thoát. Trong nhà thiền nói giết cha là giết vô minh, giết mẹ là diệt tham ái. Cuối cùng nếu người vào được chỗ đó thì thuyền sắt nổi phao phao. Chiếc thuyền bằng sắt mà vẫn nổi phao phao trên mặt nước, diệu dụng hiện tiền.

Sắp tịch, ông bảo Linh Chiếu ra xem mặt trời đúng ngọ vô cho ông hay. Linh Chiếu ra xem vào thưa:

- Mặt trời đã đúng ngọ, mà có nhật thực.

Ông ra cửa xem.

Linh Chiếu lên tòa của ông ngồi kiết-già chắp tay thị tịch.

Ông vào xem thấy cười, nói:

- Con gái ta lanh lợi quá!

Ông bèn chậm lại bảy ngày sau.

Linh Chiếu là con gái của Bàng Uẩn, khoảng chừng mười tám hai mươi tuổi. Ông muốn tịch, hỏi con gái ra xem mặt trời đúng ngọ chưa, cô xem xong nói đúng ngọ nhưng có nhật thực. Gạt ông già. Nghe vậy ông bước ra, cô nhanh nhẹn lên tòa ngồi của cha an nhiên thị tịch. Ông già quay vô thấy, cười nói “con gái ta lanh lợi quá!”. Ông phải chậm lại bảy ngày. Đó là biểu hiện cuối cùng của những người đã liễu đạt thấu triệt. Sanh tử tự tại, thống khoái.

Châu mục Vu Công đến thăm bệnh ông.

Ông bảo:

- Chỉ mong các cái có đều không, dè dặt các cái không đều thật, khéo ở thế gian đều như bóng vang.

Vu công là một vị quan, cũng là bạn đến thăm cư sĩ Long Uẩn. Ông bảo: Chỉ mong các cái có đều không, tức là không chấp có. Dè dặt các cái không đều thật, nếu lìa chấp có mà lại chấp không thì cũng không được. Khéo ở thế gian đều như bóng vang, là khéo nhìn tất cả sự vật, hiện tượng trên thế gian đều như bóng như vang, là mộng huyễn. Hay quá! Cư sĩ với nhau mà sống như vậy, kết thúc như vậy. Đẹp biết chừng nào.

Nói xong, ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà thị tịch.

Tin ông tịch đưa về nhà cho bà hay.

Bà nói:

- Con gái ngu si với ông già vô tri, không báo tin mà đi, sao đành vậy?

Bà ra báo tin cho con trai đang làm ngoài đồng. Bà nói:

- Bàng công với Linh Chiếu đi rồi con!

Người con trai đang bừa đáp:

- Dạ!

Rồi lặng thinh giây lâu bèn đứng mà tịch.

Bà nói:

- Thằng này sao ngu si lắm vậy!

Lo thiêu con xong, bà đi từ biệt thân thuộc rồi biệt tích.

Sau khi trao hết tôn chỉ cho bạn rồi ông ra đi. Đó là việc sanh tử tự tại của một gia đình cư sĩ thiền sư, có một không hai trong lịch sử thiền tông Trung Hoa.

Chư huynh đệ chúng ta cố gắng. Cho tới một lúc nào đó, giả tỷ mình được 80 tuổi, đưa tay nói: “Tám mươi năm qua, những việc phải làm tôi đã làm. Hôm nay trời trong trăng sáng, chào các bạn”. Đi!

Ông Bàng Uẩn có làm thi kệ hơn ba trăm thiên còn lưu truyền ở đời.

Quả thật thiền rất đặc biệt, không dành riêng cho ai. Trong bài học này, chúng ta thấy một cô gái ngộ thiền, sống chết tự tại. Người con trai là nông dân đang cày ruộng cũng tự tại. Bà già thị hiện trong gia đình đó cũng đặc biệt lạ thường.

Muốn tự tại chúng ta phải làm sao cho cái khối đen tối si mê hết sạch mới được. Hòa thượng Trúc Lâm hỏi tăng ni đã diệt được bao nhiêu phần tham sân si rồi? Câu hỏi ấy cho tới bây giờ, huynh đệ chúng ta chưa ai dám khẳng định đã sạch được bao nhiêu phần. Đừng nói người xuất gia một hai năm, mà có những người bốn năm mươi năm, cũng chưa trả lời nổi câu này. Cho nên chúng ta cố gắng. Thấy như vậy chứ công việc đó thâm thâm diệu diệu, vô cùng vô tận.
 

[ Quay lại ]