HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Duy Khoan
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 07 Tháng chín 2019 13:27
Thiền sư Duy Khoan
(755 - 817)
Sư họ Chúc, quê ở Tín An, Cù Châu. Lúc 13 tuổi, Sư thấy người sát sanh, bất nhẫn không nỡ ăn thịt, cầu xin xuất gia. Xuất gia rồi, lúc đầu Sư học Luật, kế tập tu chỉ quán. Sau, Sư tìm đến yết kiến Mã Tổ, nơi đây Sư ngộ được tâm yếu.
Nhân duyên phát tâm xuất gia của ngài thật giản dị. Thấy chúng sanh bị giết hại, ngài đau xót không nở ăn thịt chúng, nên phát tâm xuất gia. Điều này chứng tỏ lòng từ bi của ngài đã có từ thuở nhỏ, túc duyên tu hành cũng sâu dày, nên nhân duyên xuất gia thật trong sáng, nhẹ nhàng.
Chúng ta cũng rất nhiều lần chứng kiến những cảnh tàn sát ghê gớm nhưng không ngộ đạo, không bất nhẫn như ngài, nên chưa phát tâm tu. Hồi nhỏ tôi ở trong quê, thấy người dân ăn tết không phải đi chợ mua thức ăn, mà hùn lại giết trâu bò. Họ trói trâu bò rồi đánh đập tới chết, chúng kêu rống thật thống thiết. Sau đó họ làm thịt rồi cùng nhau ăn uống nhậu nhẹt vui chơi. Khi ấy còn quá nhỏ tôi chẳng biết chi, nhưng trong lòng thấy nao nao, dường như có một cái gì sắp chụp lên quê hương xóm làng. Quả thực cuộc vui chóng tàn, mấy hôm sau chiến tranh ập tới. Quả báo hiện tiền. Những người giết trâu bò hôm nọ, anh thì chết, anh bị bắt… đủ thứ chuyện. Vậy mà người ta vẫn gầy dựng lại bếp lửa, gọi là bếp lửa gia đình, rồi cứ triền miên sống bằng tập tục, bằng thói quen ác tính trong vui vẻ thản nhiên.
Lúc ở Vạn Đức mỗi lần nghe tiếng trâu bò heo gà bị giết, chúng kêu khóc thảm thiết, Hòa thượng nói: “Muốn biết vì đâu cơn binh lửa. Lò thịt nửa đêm vẳng tiếng hờn.” Nghe hai câu đó là tôi muốn khóc. Con người tạo nghiệp không biết sợ, không biết nhân quả ngày mai. Những thú vui trở thành tập tục giết hại chúng sanh như vậy thật là bất nhẫn.
Ban đầu ngài học luật, kế tu chỉ quán là pháp tu của đại thừa, xuất phát từ tông Thiên Thai. Đại sư Trí Giả là một nhân vật kiệt xuất trong pháp môn chỉ quán, với các tác phẩm để đời: Tọa thiền chỉ quán, Tiểu chỉ quán, Ma-ha chỉ quán… Sau, ngài tìm đến yết kiến Mã Tổ, nơi đây ngộ được tâm yếu.
Thiền sư Duy Khoan tu sao mà nhẹ nhàng quá, vừa đến tham học với Mã Tổ liền ngộ được chỗ tâm yếu, thật dễ dàng. Còn chúng ta tu hành một đời lận đận lao đao. Thời của tôi mới xuất gia, muốn học tập tu đạo trắc trở lạ thường. Nhân duyên của mỗi người ảnh hưởng bởi nghiệp lực riêng của họ. Chúng ta chung sống đây, ngoài cộng nghiệp còn có biệt nghiệp. Cộng nghiệp là chúng ta cùng ở Việt Nam, tại thiền viện Trúc Lâm Trí Đức. Biệt nghiệp là mỗi người đều có nghiệp riêng. Phần riêng này nó lạ lùng, không ai giống ai. Dù anh em ruột trong gia đình cũng không giống nhau.
Như số anh em trang lứa với tôi, một thời đồng học đồng tu nhiều lắm, nhưng bây giờ nghiệm lại không biết ở đâu. Ngày ra trường, chúng tôi như chim sổ lồng, mạnh ai nấy bay theo nghiệp riêng của mình. Hồi xưa lớp của tôi là lớp lớn, khoảng chừng ba chục vị. Hiện nay kiểm lại theo Phật cũng nhiều, những vị còn sinh tiền đa phần bệnh yếu, một số anh em đã tan loãng nơi đâu. Cuộc đời duyên sinh tan hợp, luôn luôn như vậy. Thế thì vui ở đâu, hạnh phúc là gì mà tại sao chúng ta không giác ngộ?
Đời Đường niên hiệu Trinh Nguyên thứ 6 (790 TL), Sư đi du phương. Sau này, Sư dừng ở chùa Thiếu Lâm tại Tung Sơn.
Có vị tăng đến hỏi:
- Thế nào là đạo?
Sư đáp:
- Núi rất tốt.
- Con hỏi đạo, sao thầy nói núi tốt?
- Ngươi chỉ biết núi tốt, đâu từng đạt đạo?
Nguồn gốc trí tuệ Bát-nhã của ngài trong sáng nên khi triển khai, bắt đầu sự nghiệp hoằng hóa cũng trong sáng, giản dị. Vị tăng hỏi: Thế nào là đạo? Ngài nói: Núi rất tốt. Vị tăng lại thưa: Con hỏi đạo, sao thầy nói núi tốt? Tại vì ngươi biết núi mà không biết đạo. Đó là cách xuất ngôn rõ nét của Thiền tông. Chỉ cái này để mình nhận ra cái kia. Nếu nói núi tốt mình chạy theo núi tốt là trật lất. Do vậy ngài nói: Ngươi chỉ biết núi tốt đâu từng đạt đạo. Giản dị.
Nội chỗ này mà ta chịu dùi thì chắc cũng được chút tỉnh. Ở đây nói tỉnh chứ không nói ngộ, bởi còn dùi thì đâu thể ngộ. Ngộ thì liền ngộ, không cần dùi. Tuy nhiên, dùi lâu cũng nóng ấm, có tỉnh. Tỉnh, đối với người tu thiền quan trọng lắm. Bởi vì tỉnh thì không mê. Trong quãng tỉnh thường hay lóe lên chút ánh sáng, giúp hành giả nhảy vọt. Nếu nhân duyên tốt, chính ngay lúc lóe lên đó mình thấy được việc. Như ta đi trong đêm tối, trời chuyển mưa có chớp lòe, tuy chỉ lóe lên một chút nhưng cũng giúp mình định hướng. Thành ra tỉnh quan trọng lắm.
Vị tăng khác hỏi:
- Con chó có Phật tánh không?
Sư đáp:
- Có.
- Hòa thượng có chăng?
- Ta không.
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao riêng Hòa thượng lại không?
- Ta chẳng phải tất cả chúng sanh.
- Đã chẳng phải chúng sanh, là Phật chăng?
- Chẳng phải Phật.
- Cứu cánh là vật gì?
- Cũng chẳng phải vật.
- Có thể thấy, có thể nghĩ chăng?
- Nghĩ đó chẳng đến, bàn đó chẳng được. Cho nên nói: “Không thể nghĩ bàn”.
Nhân vị tăng hỏi, ngài liền dẫn một loạt để quy về chỗ tâm thể rỗng rang sáng suốt. Chỗ đó không có gì hết, nên nói không nói có đều là ngôn ngữ giả lập. Nếu dấy niệm, vướng mắc một hiện tượng nào đều sai hết. Tâm rỗng rang sáng suốt thì cái gì cũng tự tại.
Người tu thiền cốt nhận ra được tâm thể rỗng rang sáng suốt trùm khắp. Hòa thượng Tôn sư dạy chúng ta buông cho được tất cả những niệm tưởng lăng xăng để hiện ra ông chủ đây. Một cách nói như vậy, chứ thật ra nó sờ sờ đó, nhưng vì vọng tưởng phiền não bu bám nhiều quá nên ta không thấy. Bây giờ phủi bỏ, buông đi để nó hiện ra.
Chư tổ dùng phương tiện rất tự tại, cần nói thì nói, không cần thì thôi. Người biết đó là phương tiện, nhân phương tiện mà nhận ra bản thể, còn không biết phương tiện, chết ở trong đó thì chẳng những không nhận được bản thể mà còn làm hỏng cả phương tiện. Làm hỏng phương tiện là gây tai họa. Rất nhiều vị tu hành lâu năm, tự dưng phát sinh tư tưởng không cần tu. Trong thời của chúng ta và trước chúng ta một chút, có rất nhiều trường hợp như vậy.
Một số vị xuất gia tu hành khá lâu, cũng qua trường lớp nhưng cuối cùng lại có tư tưởng hưởng thụ. Các ngài nói đường dài mệt mỏi. Kệ, mình cứ thả rề, cuối cùng cũng giác ngộ thành Phật. Nó trùng lặp với một loại tư tưởng lớn ở thời trước khi đức Phật ra đời và sau khi ngài nhập diệt. Đó là tư tưởng âm theo tiếng Phạn là A-di-đa-xí-xá-khăm-bà-la. Tư tưởng này là gì? Hưởng thụ, cứ sống, cuối cùng Phạm Thiên cũng đón về. Đây là một tư tưởng tai hại, rất nguy hiểm.
Chúng ta đến với đạo xuất gia tu hành, gặp được bậc thầy quang minh lỗi lạc là một nhân duyên lớn. Có người cũng xuất gia nhưng không gặp thầy sáng, đó cũng do duyên không tốt của họ. Cho nên chúng ta phải trân trọng và luôn tự soát xét phước duyên của mình. Mình tin tưởng với tâm thiết tha tu hành, hy vọng sẽ gặp được minh sư.
Ngày xưa nhiều huynh đệ thời tôi, khi học xong Trung học Phật giáo muốn tiến lên chuyên khoa. Bấy giờ có hai chương trình: một là Phật học, hai là thế học. Muốn giỏi thì không thể gánh nổi hai chương trình một lượt. Bên đạo đặt nặng cổ văn Hán ngữ, bên đời đặt nặng Anh văn hoặc Pháp văn. Nội sinh ngữ với cổ ngữ thôi học cũng chết. Cho nên anh em nghĩ ra một cách: Bây giờ dừng lại bên đạo, ra ngoài chuyên về thế học. Sau khi thi tú tài, họ ghi tên vào văn khoa. Ở đây không phải thi tuyển gì hết, có bằng tú tài là ghi danh học thôi. Những vị này học rất giỏi. Phải nói con người ta ngộ thiệt, giỏi khoa này rồi thì nghĩ phải giỏi thêm khoa khác. Bấy giờ dường như quên tu, quên đường về, chỉ nghĩ học thôi.
Các thầy đã giỏi thế học, lại thêm chữ Hán chữ Nôm đầy bụng nữa nên nổi như cồn. Thiên hạ xúm nhau bu. Thế là thầy không còn thì giờ. Hết người này đến thăm, tới người kia đến hỏi, rồi tổ chức sinh viên việc này việc nọ… đủ thứ chuyện lao theo. Quên đường về. Hồi kia nói rằng chỉ học văn khoa, có được bằng cử nhân của một phân khoa là đảm bảo kiện toàn tư tưởng, văn hóa và trở về nghiên cứu Phật pháp. Sau đó làm pháp sư, giảng sư cũng vững vàng về văn hóa cũng như kiến thức. Nhưng học xong văn khoa rồi lại muốn học thêm khoa khác, tiếp tục học lên nữa, rồi muốn du học nước ngoài. Cuối cùng tóc tai tùm lum, không dám trở về. Phật tử khóc bù lu bù loa, họ dành dụm từng đồng nuôi ăn nuôi học, nhưng không ngờ đón về lại là một cư sĩ. Vỡ mộng hết.
Chúng ta không được phúc duyên vào đạo như ngài Duy Khoan, nhưng mình cũng có nhân duyên tương đối trung bình. Từ khi xuất gia tu học, thầy dạy mình chuyên tu, chứ không bảo phải có bằng tiến sĩ, bác sĩ ở ngoài rồi mới vào đây. Thầy không nói điều đó. Thầy nói “Bác sĩ cũng phải chết, từ điển cũng còn sai.” Chúng ta gặp bậc thầy như vậy thì thật là hạnh phước lắm. Phải ráng giữ cương lĩnh của thầy, tu hành tuy có vẻ hơi quê nhưng chắc thực. Bước bước nào là ở trong đạo bước đó.
Thật ra danh tăng Việt Nam đỗ đạt khoa bảng tại nước ngoài nhiều lắm. Như ôn Minh Châu, Hòa thượng Thiện Châu, thầy Thiên Ân… cùng thời với Hòa thượng Trúc Lâm. Các ngài du học ở những đại học nổi tiếng và tốt nghiệp với bằng cấp cao, vinh dự nhất của thế giới. Tuy nhiên, các ngài vẫn đặt sự tu lên trên, chớ không lấy việc học làm mục đích cứu cánh.
Có lần về Việt Nam, Hòa thượng Thiện Châu ghé thăm Thường Chiếu. Ngài vào thất của tôi, nói rất nhiều về tương lai Phật pháp. Ngài bảo: “Hỏng hết rồi. Nếu nói về bằng cấp thì bằng cấp của tôi rất có giá trị, nhưng bây giờ cũng chỉ treo đó chơi vậy thôi. Một khi già bệnh tới, mọi việc tăm tối, mình tu không kịp.” Thời gian không lâu, ngọa bệnh bất khởi, bữa nào đó đứt hơi là đi. Người ta bảo đi xa, chứ biết đi đâu mà xa! Nợ nần quyến luyến, còn thương tưởng nhau mà đi đâu được. Sự việc trong cuộc đời mình như vậy. Loay hoay lẩn quẩn hoài, không biết ngày nào ra khỏi?
Nghĩ đó chẳng đến, bàn đó chẳng được. Cho nên nói: “Không thể nghĩ bàn”. Đó là tâm thể sáng suốt, vô niệm vô hình. Có lẽ mình cũng chỉ nói đến tầm ấy thôi. Ai muốn biết nó như thế nào thì ráng mà biết, nói không thể đúng.
Niên hiệu Nguyên Hòa thứ tư (809 TL), vua Hiến Tông thỉnh Sư về kinh đô. Bạch Cư Dị thường đến thăm hỏi Sư.
Bạch Cư Dị hỏi:
- Đã nói thiền sư sao lại thuyết pháp?
Sư đáp:
- Vô thượng Bồ-đề, trùm nơi thân là Luật, nói ra miệng là Pháp, hành nơi tâm là Thiền. Ứng dụng thì có ba, chỗ tột cùng chỉ có một. Ví như sông Hồ, sông Hán, sông Hoài tùy chỗ đặt tên, tên tuy chẳng phải một, mà tánh nước không hai. Luật tức là Pháp, Pháp chẳng lìa Thiền, sao trong đó vọng khởi phân biệt?
Bạch Cư Dị là một văn hào thời Đường. Ngài trách Bạch Cư Dị đã hiểu đạo lý, sao lại vọng khởi phân biệt? Sở dĩ người khởi phân biệt là vì không biết được chỗ chân thật. Như tính của nước là ướt. Nước mặn, nước ngọt gì cũng ướt. Mặn ngọt, chỗ nơi không phải là thể tánh của nước. Chỗ lớn thì nó lớn, chỗ nhỏ thì nó nhỏ… còn chất thật của nước là ướt.
Nếu chúng ta gột sạch tất cả những phân biệt, toan tính, thì chắc rằng sẽ thấy được chất vị của các pháp. Chúng ta không sống bởi những tưởng tượng, suy nghĩ, phân biệt, không bị những thứ đó cuốn hút thì nhận ra được tâm thể. Tâm thể không phải là sắc, không phải là không, không phải là bất cứ hình ảnh gì nên Tâm kinh Bát-nhã nói mọi cảm thọ, tưởng tượng đều không phải là tâm.
Hòa thượng Trúc Lâm nói chính cái mà ta gọi là tâm tôi, nó là vọng tưởng, là bóng dáng của tiền trần rơi lại trong tâm thức. Nó không thật mà mình cho là thật nên lầm. Bởi lầm nên chạy theo, phân biệt, tạo nghiệp rồi khổ. Tuy nó không thật nhưng khi tạo nghiệp thì dính vào nhân quả. Hễ có nghiệp nhân thì có nghiệp quả. Không nên nói nó không thật rồi cứ tạo nghiệp, cho là phi nhân quả. Nguy hiểm vô cùng, cửa địa ngục sẽ mở ra. Vọng tưởng không thật nhưng ta mê lầm chạy theo nó, bị nó dẫn tạo nghiệp thì rơi vào nhân quả. Có nhân thì có quả, không quả nào mà chẳng từ nhân, cũng không nhân nào mà chẳng có quả.
Người biết tu rất ngại nhân quả, nên không để rơi vào những cái quả quá tệ. Trừ khi có những sự cố bất ngờ làm mình mất định hướng, không làm chủ được bản thân. Quả thật trong đời người, có rất nhiều sự cố dồn tới, mình không đủ tỉnh sáng chống chọi nên mất cương lĩnh, mất thăng bằng, rơi vào hố nhân quả. Cho nên cái chuẩn của người tu hành là phải tỉnh. Lấy tỉnh làm chuẩn, tỉnh giác rồi mới dẫn đến định. Có định thì có tuệ. Định tuệ hiện tiền.
Vì vậy bất cứ thiền viện nào Hòa thượng cũng dạy phải ngồi thiền. Tại thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, mọi việc được gói gọn, tăng ni dành nhiều thời gian cho việc tọa thiền. Tọa thiền buổi sáng, buổi chiều, đầu đêm, cuối đêm. Thầy trụ trì ở đây rất thích ngồi thiền. Nhân vật này kỳ lạ, từ ngày ở thiền viện cứ cười hì hì, ai nói gì thì nói, ai làm gì thì làm, thầy đi lòng vòng rồi ngồi thiền. Ngồi thiền xong đọc sách, vậy thôi. Thật xứng đáng là đệ tử gạo cội của nhà thiền.
Hòa thượng Trúc Lâm chỉ dạy thiền viện tăng, thiền viện ni nào cũng phải chấp hành thanh quy, thiền sinh lấy việc tọa thiền làm công phu chánh. Cho nên có nhiều thiền sinh ngồi thiền rất giỏi. Lúc đầu thì đau, một thời gian không lâu, tự nhiên không còn đau nữa. Chính bản thân tôi ngày xưa tôi ở Chơn Không cũng như vậy. Ngồi vào rồi chân tự kéo lên, mình sửa lại một chút thôi, không nặng nề gì. Ngồi được yên tự nhiên thích thú. Tuy nhiên, được như vậy mà Hòa thượng nói chưa phải là ngon, coi chừng cái tâm cho yên mới là chính yếu.
Trong bốn thời thiền: sáng, chiều, đầu đêm, cuối đêm. Thời thiền sáng thường rất dễ buồn ngủ, khó chịu. Thời thiền chiều thì tốt, vì trưa được nghỉ khoảng chừng nửa tiếng hay 45 phút. Thức dậy tỉnh táo, đọc sách, đi kinh hành xong ngồi thiền, mát mẻ, dễ chịu. Ngồi mà dễ chịu thì thấy thời gian qua nhanh. Ngồi mà cứ muốn kéo chân ra là thấy lâu, kim đồng hồ dường như đứng lại. Thời thiền đầu đêm cũng hành mình giống như thời thiền sáng. Ở núi mát chỉ khi nào có gió, trời đứng gió cũng nóng lắm. Những đêm ít gió, nóng bức khó chịu. Nhưng bù lại thời thiền khuya rất thú vị. Có thể nói thiền duyệt vi thực là ở khoảng này.
Huynh đệ nào có điều kiện, buông hết các duyên, hành thiền sáng, chiều, đầu đêm, cuối đêm thì quá quý. Hòa thượng khuyến khích chúng tôi nên siêng năng tọa thiền, thời gian hạ thủ công phu như thế, ngài không cho anh em đọc sách. Tại sao? Ngài nói tâm mình thường hay phan duyên, đọc đâu dính đó, rất khó buông xả. Cho nên sãi ở núi thì sống vô sự tăng, nhàn vậy thôi. Tuy nhiên không phải muốn nhàn là nhàn được đâu, mấy chú vọng tưởng quậy phá dữ lắm, mình phải phấn phát công phu liên tục, nếu không nó xỏ mũi mình lôi đi, mệt đừ luôn.
Tôi cảm nhận đường lối tu hành của Hòa thượng hướng dẫn thật là lý tưởng, con đường thiền giáo đồng hành. Tất cả mọi thứ vọng tưởng, đam mê đều không thật, không có gì tồn tại mãi, không nên chấp giữ. Ngài xưa tôi mê cây cảnh lắm, Hòa thượng dạy: “Tôi nói cho chú nghe, ba thứ đó bây giờ chú không bội bạc nó, rồi nó cũng bội bạc chú mà thôi.” Phải lo thủ phần mình trước đi, đam mê là không tốt. Bây giờ tôi tỉnh rồi, ai cho cây gì thì để chơi vậy thôi, đệ tử hỏi sao cũng được, kệ nó.
Ngồi thiền, kinh hành, làm việc lặt vặt, tưới cây cảnh, tụng kinh, đọc sách, dịch thuật… đều tỉnh sáng, không dính mắc vào việc nào. Đó chính là việc bổn phận của chúng ta. Cho nên Bạch Cư Dị hỏi: Đã nói thiền sư sao lại thuyết pháp? Ngài giải thích tuy nói thiền, giáo hay luật tựu trung đều từ tâm thể, cái gốc thanh tịnh đó không khác.
- Đã không phân biệt lấy gì tu tâm?
- Tâm vốn không tổn thương, tại sao cầu tu sửa? Không luận nhơ cùng sạch, tất cả chớ khởi niệm.
- Nhơ tức không nên niệm, sạch không niệm được sao?
- Như trong tròng con mắt người, không thể dính một vật gì, mạt vàng tuy quý báu, dính cũng thành bệnh.
- Không tu không niệm thì đâu khác phàm phu?
- Phàm phu thì vô minh, Nhị thừa thì chấp trước, lìa hai bệnh này gọi là chân tu. Người chân tu không được chăm chú, không được quên lãng, chăm chú thì gần chấp trước, quên lãng liền rơi vào vô minh. Đây là tâm yếu vậy.
Ở trên đã nói tâm thể như vậy mà Bạch Cư Dị lại hỏi thêm: Đã không phân biệt lấy gì tu tâm? Ngài đáp thật tình rằng: Tâm vốn không tổn thương, tại sao cầu tu sửa? Hòa thượng Trúc Lâm thường nói tâm thể rỗng rang sáng suốt, nó là gì mà tu sửa. Không luận nhơ cùng sạch, tất cả chớ khởi niệm, tức phải đưa nó đến chỗ vô niệm. Nói tâm là nói đến vô niệm, không vướng mắc, không hình thức, không sanh diệt.
Như trong tròng con mắt người, không thể dính một vật gì, mạt vàng tuy quý báu, dính cũng thành bệnh. Cũng vậy, tâm thể rỗng rang sáng suốt không dấy khởi, không phân biệt chấp trước, là chỗ bất tư nghì. Không tu không niệm thì đâu khác phàm phu? Học sĩ này quả thật lão luyện. Ngài đáp: Phàm phu thì vô minh, Nhị thừa thì chấp trước, lìa hai bệnh này gọi là chân tu. Người chân tu không được chăm chú, không được quên lãng, chăm chú thì gần chấp trước, quên lãng liền rơi vào vô minh. Đây là tâm yếu vậy. Người tu thì không được dính vọng tưởng, không bị vô minh dẫn. Nói gì thì nói cuối cùng rồi phải có trí tuệ thôi. Muốn có trí tuệ thì phải tỉnh giác.
Cho nên các bậc thầy luôn dạy chúng ta sống với trí tuệ, tu thiền là tu trí tuệ. Phải tỉnh giác, làm chủ được mình để đừng bị vô minh dẫn. Vô minh là gì? Vô là không, minh là sáng, vô minh là không sáng. Vì không sáng nên chúng ta bị dẫn vào chỗ tăm tối, lầm mê tạo nghiêp, rơi vào nhân quả xấu. Nếu tỉnh sáng thì không gây nhân bị vô minh dẫn, tức không bị quả báo xấu.
Cho nên trong mọi sinh hoạt, nếu thấy mình lờ mờ không sáng thì chớ tạo nghiệp. Đợi sáng hãy làm hãy nói. Chừng nào sáng? Chừng nào buông xả được, bỏ được, không chạy theo, không dính mắc, không lý sự gì với tất cả các pháp bên ngoài, khi đó sáng. Bấy giờ mới trị nổi vô minh, mới giải trừ tất cả sự tăm tối. Việc này cũng không phải quá khó đâu, chỉ chúng ta chịu làm là được. Ta cứ bình thường thôi, tâm không chạy theo, không chấp trước, không phân biệt gì hết. Buông sạch thì rỗng rang sáng suốt.
Có học giả hỏi Hòa thượng Trúc Lâm: Thầy dạy buông hết thì còn gì, mình như cây như đá sao? Hòa thượng đáp: Đừng sợ không còn gì, chỉ sợ mình buông không được thôi. Buông được hết thì cái biết hiện tiền, làm sao như cây như đá? Chính vì không nhận ra cái đó nên chúng ta mới chạy theo sự tăm tối, bị nó dẫn đi tạo nghiệp. Hòa thượng dạy mắt thấy sắc biết, tai nghe tiếng biết… Cái biết đó liễu liễu thường tri, bất sanh bất diệt. Chỗ này chỉ có tu mới nhận ra, chứ lý giải một hồi trật lất.
Tăng hỏi:
- Đạo ở chỗ nào?
Sư đáp:
- Ở trước mắt.
- Sao con không thấy?
- Vì ngươi có ngã nên không thấy.
- Con có ngã nên không thấy, Hòa thượng thấy chăng?
- Có ngươi có ta nên rồi cũng chẳng thấy.
- Không con không Ngài lại thấy chăng?
- Không ngươi không ta còn ai cần thấy?
Cách đối đáp giản dị nhưng mở ra đạo lý. Không ngươi không ta ai cần thấy? Những thứ lăng xăng dẹp hết rồi thì mình ở trong tâm thể rỗng rang sáng suốt, không nhân không ngã, còn thấy cái gì nữa. Trong kinh Lăng-nghiêm, ngài Phú-lâu-na nêu lên câu hỏi: Ở trong tâm thể rỗng rang sáng suốt như vậy, khi nào chợt khởi phong ba? Phật trả lời: Nếu thực sự thể nhập bản thể rỗng rang sáng suốt rồi thì đâu có chợt khởi phong ba. Còn chợt khởi phong ba thì chưa thể nhập. Giống như vàng đã được lọc luyện thì không tạp trở lại.
Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 11 (817 TL), ngày 30 tháng 2, Sư thăng đường thuyết pháp xong liền thị tịch, thọ 63 tuổi, 29 tuổi hạ. Vua sắc ban hiệu là Đại Triệt thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chánh Chơn.
Nhân vật này quả thật là Duy Khoan. Từ nhân duyên vào đạo đến khi thuyết pháp, nhập diệt, lúc nào cũng khoan, cũng giản dị. Ngày cuối cùng thuyết pháp cho đệ tử nghe xong liền thị tịch. Mấy ai làm được điều này?
Mã Tổ Đạo Nhất là một vị đại thiền sư, pháp hội của ngài là trường thi Phật ở Giang Tây, song song với trường thi Phật của thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên ở Hồ Nam. Dưới Mã đại sư có rất nhiều thiền sư lỗi lạc. Học qua các ngài, chúng ta nhận ra một yếu chỉ. Đó là nếu thầy có đệ tử giỏi thì tông phong của thầy mới dài mới thịnh. Cho dù thầy có là một nhân vật kiệt liệt cỡ nào mà không có học trò, không có đệ tử giỏi thì tông phong cũng không người nối nắm.
Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải làm sao? Tự luyện, tự tu, tự cố gắng, tự phấn đấu như thế nào để xứng đáng là một người học trò, một người đệ tử tương đối có thể tin cậy của Hòa thượng. Lúc trước, những ngày Hòa thượng về thăm Thường Chiếu hoặc khám bệnh, trước khi trở lên Trúc Lâm Đà Lạt, đêm đó đại chúng luôn được thầy cho phép sang phương trượng đảnh lễ. Hầu hết những lời nói của Hòa thượng trong những phút giây ấy đều nhắc nhở: “Mấy chú phải cố gắng tu hành cho xứng đáng. Mấy chú xứng đáng, mấy chú làm nên thì khi thầy theo Phật, thầy mới vui.”
Lời nói tuy nhẹ của thầy mà có khi anh em làm “mắc chết” luôn. Không biết “mắc chết” là sao? Thật ra cố gắng nhiều lắm. Chúng ta hiểu như vậy, nhận ra yếu chỉ như vậy nhưng thực hành không dễ dàng chút nào. Nếu ai không cương quyết tu hành thì không thể thực hiện nổi lời dạy này của Thầy. Thật ra, người không cương quyết tu hành thì xuất gia làm gì? Lâu lâu mình cũng còn một chút ma quái vậy, chứ thật ra ai cũng sợ địa ngục, sợ luân hồi sanh tử mới đi tu. Tôi rất thông cảm điều này, nên tôi nghĩ chư huynh đệ ai nấy đều có sự cố gắng. Mà có cố gắng là có thành công.
Thực sự tu hành đâu phải điều gì quá khó. Phật bảo mình đừng có vô minh, đừng vọng tưởng. Nếu hai thứ đó dừng được thì vào chỗ chân tâm. Còn khởi niệm thì dù là học giả như đại văn hào Bạch Cư Dị cũng chỉ giỏi phân biệt, nói tâm chấp tâm, nói không chấp không, trọn chẳng dính dáng gì tới chỗ chân thật ấy.
Có lần Hòa thượng hỏi tôi: “Chú có biết gốc từ đâu mà mình bị luân hồi sanh tử không?” Tôi ấm ớ vì trong kinh nói nhiều thứ quá, nào là vô minh, chấp trước… nên không biết trả lời thứ nào. Hòa thượng bảo: “Từ vọng tưởng.” Ngài dạy tiếp: “Nếu làm chủ được, không để vọng tưởng dẫn đi là có cơ hội dừng, dứt luân hồi sanh tử.” Cho nên nếu có ai hỏi mình, chừng nào dứt được luân hồi sanh tử, chúng ta trả lời chừng nào hết vọng tưởng. Nhưng chừng nào hết? Có ai dám nói chừng nào hết vọng tưởng không? Chúng ta vọng tưởng quá nhiều, nên không biết bao giờ mới hết. Đã thế thì cứ lang thang trong luân hồi sanh tử mà chơi vậy. Đó là do mình thôi. Hãy nhớ đệ tử Phật thì phải biết lựa đường mà đi!
Chư vị thiền sư khi sắp tịch, đệ tử khóc lóc, các ngài quở: “Ta đã biết đường đi, các ngươi khóc lóc cái gì?” Chỉ có người quờ quạng không biết đường đi mới đáng thương. Chúng ta dại gì để cho mình quờ quạng, nên phải chuẩn bị. Việc này nhanh lắm, không biết lúc nào đâu. Phải chi quỷ sứ cho biết trước ngày nào, giờ nào tới rước thì mình còn có thời gian để chuẩn bị. Rất tiếc trên con đường sanh tử, không ai có thể giúp mình. Vì vậy hãy cố lên, thắp đuốc lên mà đi, thưa chư huynh đệ!
Tin mới
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đàm Thạnh (Vân Nham) - 30/10/2019 02:24
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Cư sĩ Bàng Uẩn - 19/10/2019 14:14
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Tề An - 08/10/2019 13:42
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Bảo Triệt - 27/09/2019 14:38
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Như Hội - 17/09/2019 14:19
Các tin khác
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Linh Mặc - 25/08/2019 10:45
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đạo Ngộ - 13/08/2019 13:57
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Vô Nghiệp - 02/08/2019 14:04
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Pháp Thường - 23/07/2019 14:50
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Trí Thường - 12/07/2019 14:11