HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Pháp Thường
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 23 Tháng bẩy 2019 14:50
Thiền sư Pháp Thường
(Đại Mai) (752 - 839)
Sư họ Trịnh, quê ở Tương Dương, lúc nhỏ xuất gia theo thầy ở chùa Ngọc Tuyền, Kinh Châu.
Ban sơ đến tham vấn Mã Tổ, Sư hỏi:
- Thế nào là Phật?
Mã Tổ đáp:
- Tức tâm là Phật.
Sư liền đại ngộ.
Sư họ Trịnh, quê ở Tương Dương. Lúc nhỏ xuất gia với thầy ở chùa Ngọc Tuyền, Kinh Châu. Khi tham vấn Mã Tổ, ngay câu đáp đầu tiên của Tổ “tức tâm là Phật”, Sư liền đại ngộ. Điều này cho thấy Sư rất có túc duyên với thiền.
Đời Đường khoảng niên hiệu Trinh Nguyên (785 - 805 TL), Sư đến núi Đại Mai cách xa huyện Ngân bảy mươi dặm, kết cỏ làm am, ở ẩn trong rừng mai.
Trong hội Diêm Quang (chỗ giáo hóa của thiền sư Tề An) có vị tăng vào núi tìm cây gậy, lạc đường đến am Sư. Vị tăng hỏi:
- Hòa thượng ở núi này được bao lâu?
Sư đáp:
- Chỉ thấy bốn núi xanh lại vàng.
- Ra núi đi đường nào?
- Đi theo dòng suối.
Vị tăng về thuật lại cho thiền sư Tề An nghe, Tề An nói:
- Ta hồi ở chỗ Mã Tổ từng thấy một vị tăng, sau này không biết tin tức gì, có phải là vị tăng này chăng?
Tề An bèn sai vị tăng ấy đi thỉnh Sư xuống núi.
Ngài nép mình ở ẩn trong rừng mai, sau khi nhận được yếu chỉ của thầy. Người xưa có nhiều cấp ở ẩn: cao ẩn, tiểu ẩn, hoặc ẩn thường. Các thiền sư trước khi lãnh chúng hoặc thực hiện sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, thường ở ẩn một thời gian để tu luyện thật chính chắn cái mình đã nhận ra. Đây là điều rất cần thiết. Bởi vì khi giáo hóa đồ chúng, nếu việc mình chưa xong thì đâu thể làm thiện hữu tri thức cho người.
Chỗ này cho chúng ta một bài học vô cùng quan trọng. Mồi đèn tiếp lửa là sự nghiệp của tông tổ giao lại cho mình, ta phải thực hiện, không thể chạy trốn. Nhưng trước khi bắt đầu vào việc, ta phải xem lại mình thế nào, biết mình biết người trăm trận trăm thắng. Thật ra, cũng không cần trăm trận trăm thắng, chỉ biết mình để giữ vững vị trí và làm tròn sứ mệnh, bổn phận của mình đối với tông tổ, với chúng sanh. Đây là bài học quý báu, chúng ta cần ghi nhớ.
Ngài Pháp Thường ở xa huyện Ngân 70 dặm. Tại đây, thiền sư kết cỏ làm am, ở ẩn trong rừng mai, chuyên tâm tu hành. Nơi này là vùng đất linh, lâu lâu cũng có người tìm đến. Một hôm có vị tăng trong hội ngài Tề An, tức huynh đệ với thiền sư Pháp Thường, lên núi tìm gậy, lạc đến am của ngài. Thấy một Hòa thượng già, tăng hỏi:
- Hòa thượng ở núi này được bao lâu?
- Chỉ thấy bốn núi xanh lại vàng.
Ngài ở ẩn tại đây từ lúc còn trẻ, bây giờ tóc đã điểm màu. Người cũng không nhớ năm tháng bao nhiêu, chỉ thấy sắc núi cứ thay đổi hết xanh lại vàng. Tăng hỏi tiếp:
- Ra núi đi đường nào?
- Đi theo dòng suối.
Vị tăng này về trình lại với ngài Tề An. Thiền sư Tề An nghi: Ta hồi ở chỗ Mã Tổ từng thấy một vị tăng, sau này không biết tin tức gì, có phải là vị tăng này chăng? Ngài Tề An liền nhờ vị tăng vào núi trở lại, thỉnh ngài xuống núi.
Nhân duyên thật kỳ lạ! Cho nên chúng ta đừng sợ ai quên mình. Chỉ sợ mình không có tài đức, không có hạnh nghi, đừng sợ người không biết đến. Nhiều vị lo xa, bây giờ không lãnh đệ tử, già bệnh không ai chăm sóc. Nhiều người hay lo tào lao vậy. Đừng lo thế. Người tu phải nhớ lấy trăng sao làm nhà cửa, lấy đất trời làm quan quách. Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ. Vui vẻ, nhẹ nhàng trong mọi hoàn cảnh. Thiền sư thong dong tự tại, không vướng mắc gì, nên các ngài nói: Sanh không thích thiên đường, chết không sợ địa ngục. Chỗ này phải có sức huân tập, không thể nói suông mà được.
Tôi nghiệm lại thấy những bạn đồng trang lứa hoặc lớn hơn hay nhỏ hơn tôi, đều lo lắng cho tương lai của mình. Khi anh em còn ở học viện, rất nhiều người nghĩ nếu mình không có sự nghiệp, không có đệ tử, lớn lên bệnh không ai lo. Bây giờ không giảng diễn, không tổ chức sự kiện này sự kiện nọ, Phật tử nào mà biết mình. Mai này ở đâu thì nằm queo ở đó, buồn lắm. Đó là tâm bệnh của một số tăng sĩ thời nay. Điều này không phải như thế. Tất cả đều do phước duyên của mỗi người. Lo tu là bổn phận chánh của người tu.
Như chỗ này không phải phố thị, nhưng thầy trò chúng ta thiết lập thiền viện tu học. Hội chúng tương đối đông đảo, Phật tử quy tụ về tu học cả ngàn người. Mừng cho đạo tràng có duyên với Phật pháp. Ai biết trước được chuyện đó. Cho nên chúng ta chỉ lo tập trung tu hành, chánh báo thế nào, y báo sẽ thế đó.
Gần đây thiền viện thực hiện được khu vực thiền thất. Năm cái thất nhỏ xinh xắn, để cho huynh đệ thay nhau sạc pin, rất hay. Phải có thời gian sạc pin. Không có thời gian này thì cái bình của mình sau một thời gian làm việc sẽ chỉ còn cái xác. Sạc cho đúng mức, sạc tầm bậy pin cũng bị chai, sượng lắc. Chương trình nhập thất của huynh đệ cũng vừa phải, nhịp nhàng trong giai đoạn ban đầu. Ban lãnh đạo phát tâm nhập thất trước, dẫn đầu cho huynh đệ nhập theo. Tinh thần này rất đáng tán dương. Mỗi người biết bệnh của mình, cố gắng tu sửa.
Thật ra, vào thất sẽ thấy hay lắm. Tuy có một mình, nhưng tới giờ ăn là phải ăn. Nếu không ăn, hộ thất sẽ hỏi thăm sức khỏe “Có bệnh gì không?”. Thành ra mình phải tự lo, không chờ đợi ai nhắc nhở. Hòa thượng Trúc Lâm nói phải biết làm thuyền trưởng. Lâu nay chúng ta là lính, sai đâu đánh đó, không cần biết chuyện gì khác. Bây giờ là thuyền trưởng phải tự điều động con thuyền của mình. Nếu không nó sẽ chìm. Chìm thì mình chết, chớ có ai chết thay cho.
Có vị tăng từ đạo tràng của ngài Tề An lên núi tìm gậy. Do đó mới phát hiện ra tung tích của thiền sư Đại Mai. Nói tới đây, tôi nhớ hồi xưa ở Chơn Không, buổi trưa chúng tôi hay bỏ ngủ lên núi tìm gậy, vui lắm. Hòa thượng biết nhưng không rầy, bởi mình lên núi chứ đâu phải xuống núi. Trên núi, mấy thầy trò chúng tôi, người nào cũng có một hai cây gậy. Lâu lâu đi tìm, đào lấy lên, đem về bào, làm cho vừa cầm. Thường thường dùng cơm xong là 12 giờ, dọn dẹp nhanh, anh em rủ nhau mang giày, đem túi ni-lông… trên đó muỗi dữ lắm, chúng bu đen. Đi làm sao 1 giờ là phải tuột xuống. Tại vì 1 giờ rưỡi hoặc 2 giờ phải học, phải ngồi thiền.
Chúng tôi lủi vào những bụi tre lồ ô, lựa cây nào đẹp, thẳng, mắt đừng thưa quá. Thế là phăng tới đào, tìm củ của nó. Cây nào cũng có củ, nhưng nhiều củ ngộ lắm. Bụi tre thuở nào không biết, cắm xuống đất đụng một đám bà con dòng họ, nó quéo lại, củ chả ra củ. Đào trần ai, lấy lên cái củ xấu hoắc, lại đi kiếm nữa. Nhiều bữa đào được một củ đẹp, mừng quá chừng. Có bữa chẳng được củ nào, nhưng anh em rất vui.
Sư có bài kệ đáp:
Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm,
Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm.
Tiều khách ngộ chi du bất cố,
Dĩnh nhân na đắc khổ truy tầm.
Dịch:
Cây khô gãy mục tựa rừng xanh,
Mấy độ xuân về chẳng đổi lòng.
Tiều phu trông thấy nào đoái nghĩ,
Dĩnh khách thôi thì chớ kiếm tìm.
Thiền sư Đại Mai mượn bài thơ để từ chối không xuống núi. Ngài nói mình như cây khô gãy mục, chỉ tựa trong núi, trong rừng mai mà tu thôi. Mấy độ xuân về chẳng đổi lòng, tức là bao nhiêu thời gian, bao nhiêu nhân duyên đến rồi đi, nhưng ngài không thay đổi ý chí ở ẩn của mình.
Tiều phu trông thấy nào đoái nghĩ, cũng có những người thợ rừng gặp nhưng ngài không quan tâm. Cho nên sự thỉnh cầu này, cũng xin được từ chối.
Mã Tổ nghe Sư ở núi bèn sai một vị tăng đến thăm dò.
Tăng đến hỏi Sư:
- Hòa thượng gặp Mã Tổ đã được cái gì, về ở núi này?
Sư đáp:
- Mã Tổ nói với tôi: “Tức tâm là Phật”, tôi bèn đến ở núi này.
- Gần đây Mã Tổ lại nói “Phi tâm phi Phật”.
- Ông già mê hoặc người chưa có ngày xong, mặc ông “Phi tâm phi Phật”, tôi chỉ biết “Tức tâm là Phật”.
Vị tăng trở về thưa lại Mã Tổ những lời Sư nói.
Mã Tổ nói với đại chúng:
- Đại chúng! Trái Mai đã chín.
Từ đây nhiều vị thiền khách đến tham vấn Sư.
Sau khi biết được tung tích của Sư, Mã Tổ sai một vị tăng đến thăm dò. Đây là đạo tình thầy trò và cũng là tinh thần truyền đăng tục diệm trong nhà thiền. Nghe đệ tử tu hành lâu năm trên núi vắng, thầy muốn thử coi có được việc hay không?
Vị tăng theo sự chỉ dạy của Mã đại sư vào núi gặp ngài. Gặp rồi hỏi:
- Hòa thượng gặp Mã Tổ đã được cái gì, về ở núi này?
- Mã Tổ nói với tôi: “Tức tâm là Phật”, tôi bèn đến ở núi này.
- Gần đây Mã Tổ lại nói “Phi tâm phi Phật”.
- Ông già mê hoặc người chưa có ngày xong, mặc ông “Phi tâm phi Phật”, tôi chỉ biết “Tức tâm là Phật”.
Chúng ta nghe ngài nói dường như vô lễ, nhưng thực sự câu đó khẳng định chỗ đến, chỗ đang sống của ngài. Ngài quả quyết như vậy, mặc ông già nói gì nói, làm gì thì làm, tôi chỉ biết “tức tâm tức Phật”. Do vậy Mã Tổ liền họp chúng, tuyên bố: Trái Mai đã chín, tức ấn chứng cho ngài. Các nơi được tin, đua nhau đến học đạo với ngài rất đông.
Cư sĩ Bàng Uẩn muốn thí nghiệm Sư, tìm đến phỏng vấn, vừa gặp Sư, ông liền hỏi:
- Nghe danh Đại Mai đã lâu, chẳng biết trái Mai chín chưa?
Sư đáp:
- Chín! Ông nhằm chỗ nào cắn?
- Trăm mảnh vụn vặt.
Sư duỗi tay bảo:
- Trả hạt trái cho ta.
Cư sĩ im lặng.
Cư sĩ Bàng Uẩn cùng thầy với ngài, nên đến thử nghiệm. Hai vị này đều là những vị đã xong việc.
Sư thượng đường dạy chúng:
- Tất cả các ngươi mỗi người tự xoay tâm lại tận nơi gốc, chớ theo ngọn của nó. Chỉ được gốc thì ngọn tự đến. Nếu muốn biết gốc cần rõ tâm mình. Tâm này nguyên là cội gốc tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt. Tâm chẳng tựa tất cả thiện ác, mà sanh muôn pháp, vốn tự như như.
Tất cả các ngươi mỗi người tự xoay tâm lại tận nơi gốc, chớ theo ngọn của nó. Hòa thượng Trúc Lâm dạy biết nó là vọng tưởng nên không theo. Phật bảo khi nào chứng được La-hán mới tin tâm này, vì nó là vọng tưởng, là bóng dáng của tiền trần. Ngài Đại Mai dạy xoay lại tận gốc đừng theo ngọn, Hòa thượng Trúc Lâm nói ngắn hơn nữa, vừa khởi vọng tưởng liền không theo. Do đó nó không đủ sức kéo lôi mình, mình không lầm chạy theo nó. Người xưa người nay đều dạy như thế. Tin và nhận được điều này, chắc chắn chúng ta tu tiến không khó.
Chỉ được gốc thì ngọn tự đến. Chúng ta làm chủ được rồi thì vọng tưởng làm gì được mình? Vọng tưởng nào có sức mạnh kéo lôi người đã sống được với ông chủ. Ông chủ ở đây, Hòa thượng dạy là cái biết. Vừa đối duyên xúc cảnh, biết. Biết gì? Biết nó là vọng tưởng. Cái biết luôn hiện tiền.
Nếu muốn biết gốc cần rõ tâm mình. Tâm này nguyên là cội gốc tất cả pháp thế gian và xuất thế, tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt. Tâm chẳng tựa tất cả thiện ác, mà sanh muôn pháp, vốn tự như như. Tín tâm minh của Tam tổ Tăng Xán, tín tâm minh là tin tâm mình. Tâm nếu không bị kéo lôi, bị cuốn hút theo pháp trần, tự nó rỗng rang sáng suốt, ở đây nói là vốn tự như như.
Lời dạy của ngài Đại Mai rất trong sáng dễ hiểu.
Giáp Sơn cùng Định Sơn đồng đi đường, cùng nói chuyện với nhau.
Định Sơn nói:
- Trong sanh tử, không Phật tức phi sanh tử.
Giáp Sơn nói:
- Trong sanh tử, có Phật tức chẳng mê sanh tử.
Hai người lên núi lễ vấn Sư. Giáp Sơn đem câu nói của hai người thuật lại Sư nghe và hỏi Sư:
- Chưa biết chỗ thấy của hai người ai được thân (gần gũi)?
Sư bảo:
- Một thân một sơ.
- Ai được thân?
- Hãy đi, sáng mai lại.
Sáng hôm sau Giáp Sơn lại đến hỏi Sư.
Sư bảo:
- Người thân thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng thân.
Nhân vật này tính đến sớm, hỏi trước sự việc hôm qua ra sao, đó là thể hiện tâm vướng mắc rõ ràng, nên Ngài hạ cho một cú đáng đích: “Người thân thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng thân”. Người đã xong rồi thì đâu cần hỏi. Rất hay.
Bên núi Đại Mai có một pho đá, tương truyền là chỗ để thuốc của thần tiên. Một đêm, Sư nằm mộng thấy có thần nhân đến bảo:
- Thầy không phải phàm phu, trong pho đá có quyển sách thánh, người nhận được là chủ cõi này, chẳng thế cũng là bậc đế vương.
Ngay trong mộng Sư đáp:
- Xưa Tăng Trù không màng đến kinh tiên thì quyển kinh ấy tự mất. Tôi lấy Niết-bàn tự vui, tuổi thọ kia đâu thể cùng trời đồng ư?
Thần nói:
- Đất này là linh phủ, người thế tục ở đây liền sanh tai biến.Sư bảo:
- Tôi tạm ẩn nơi làng Mai Úy, chẳng phải chiếm lâu.
Ngài chiêm bao thấy thần nhân đến mách, khu này có một pho đá, trong đó có một quyển sách an bang tế thế. Người nào nắm được sẽ làm đế vương. Ngài liền đáp: Xưa Tăng Trù không màng đến kinh tiên thì quyển kinh ấy tự mất. Tôi lấy Niết-bàn tự vui, tuổi thọ kia đâu thể cùng trời đồng ư?
Thiền sư Đại Mai dẫn chuyện hồi xưa ngài Tăng Trù gặp kinh tiên nhưng không nhận, kinh đó tự mất. Ở đây ngài nói: Tôi lấy Niết-bàn tự vui, tuổi thọ kia đâu thể cùng trời đồng ư? Ngài sống với tâm thể an nhiên tự tại, tuổi thọ hơn cả trời đất, đâu màng tới ngôi vị ấy.
Thần nhân nói như dọa: Đất này là linh phủ, người thế tục ở đây liền sanh tai biến. Nếu ngài chiếm được pho kinh đó thì trở thành bậc đế vương an bang tế thế, nếu ngài là dân dã mà ở đây thì có tai biến. Ngài đáp: Tôi tạm ẩn nơi làng Mai Úy, chẳng phải chiếm lâu. Chỉ ở tạm thôi, chứ chiếm chỗ này làm gì.
Chợt một hôm, Sư gọi đồ chúng đến bảo:
- Đến không thể kềm, đi không thể tìm.
Sư thản nhiên lặng lẽ, nghe tiếng chuột kêu, Sư lại nói:
- Tức vật này không phải vật khác, các ngươi phải khéo gìn giữ. Nay ta đi đây.
Câu nói này là thế nào? Tức chỉ tánh nghe, tánh này bất sanh bất diệt. Chuột kêu hay là bất cứ cái gì kêu, tánh nghe rõ ràng không mất. Tánh nghe của chúng ta không bao giờ thiếu. Mình nghe tiếng người, tiếng chim, tiếng gió… nghe hết. Tánh nghe thường tại, còn tất cả âm thanh đều sanh diệt. Nếu theo âm thanh là theo sanh diệt, đi trong trần lao sanh tử. Nghe vẫn nghe, không chạy theo âm thanh, tự tại sống với tánh nghe, chính là: Tức vật này không phải vật khác, các ngươi phải khéo gìn giữ.
Cách truyền tâm yếu của người xưa và cách dạy dỗ bây giờ của các bậc thầy không khác. Thời gian, hoàn cảnh, điều kiện, ngôn ngữ có khác nhưng chỗ tâm yếu đó không khác.
Nói xong, Sư thị tịch, thọ 88 tuổi.
PHỤ.- Sau này thiền sư Trí Giác có làm bài thơ Diên Thọ rằng:
Sư sơ đắc đạo,
Tức tâm thị Phật,
Tối hậu thị đồ,
Vật phi tha vật.
Cùng vạn pháp nguyên,
Triệt thiên thánh cốt,
Chân hóa bất di,
Hà phòng xuất một.
Dịch:
Sư mới được đạo,
Tức tâm là Phật,
Rốt sau dạy chúng,
Vật chẳng vật khác.
Tột nguồn muôn pháp,
Thấu xương muôn thánh,
Hóa thật chẳng dời,
Ngại gì còn mất.
Diên thọ tức là sống hoài. Bài thơ này là bài thơ sống mãi, không tính năm tháng tuổi tác.
Rốt sau dạy chúng,
Vật chẳng vật khác.Câu ban đầu cho tới câu rốt sau không khác.
Tột nguồn muôn pháp,
Thấu xương muôn thánh,
Hóa thật chẳng dời,
Ngại gì còn mất.
Chỗ ngài đến và dạy lại cho chúng ta là chỗ tột cùng của muôn pháp, thấu xương thấu tủy, xưa nay như vậy, bất sanh bất diệt, không ngại gì còn mất.
Vị thần nhân bảo nếu không phải là bậc đế vương an bang tế thế thì ở đây không yên. Ngài trả lời dứt khoát là chỉ tạm ẩn thôi. Phật đã nói cõi này là cõi ngũ thú tạp cư địa, tức năm loài ở chung. Vì vậy đâu có gì của riêng mình mà chiếm. Nói xong ngài viên tịch, đó cũng chính là lời từ biệt của thiền sư Đại Mai. Thống khoái, tự tại vô ngại.
Tin mới
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Như Hội - 17/09/2019 14:19
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Duy Khoan - 07/09/2019 13:27
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Linh Mặc - 25/08/2019 10:45
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đạo Ngộ - 13/08/2019 13:57
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Vô Nghiệp - 02/08/2019 14:04
Các tin khác
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Trí Thường - 12/07/2019 14:11
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Trí Tạng - 30/06/2019 13:19
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Huệ Tạng - 21/06/2019 13:44
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Ẩn Phong - 09/06/2019 12:50
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Huệ Hải - 26/05/2019 13:40