headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 31/12/2024 - Ngày 1 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Huệ Hải

tshuehai3. Thiền sư Huệ Hải
(Đại Châu)

Sư họ Châu, quê ở Kiến Châu, theo Hòa thượng Đạo Trí chùa Đạo Vân ở Việt Châu xuất gia học đạo.

Thiền sư Huệ Hải họ Châu, người tỉnh Kiên Châu - Trung Quốc. Trong sử liệu không thấy ghi chép năm sinh năm mất, cũng không biết xuất gia lúc bao nhiêu tuổi. Chỉ biết Ngài theo Hòa thượng Đạo Trí ở Việt Châu cạo tóc cầu đạo. Chắc lúc đó cũng lớn tuổi rồi, ít nhất khoảng hai mươi.

 Sư đến tham vấn Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:

- Từ đâu đến?

Sư thưa:

- Ở Việt Châu chùa Đại Vân đến.

- Đến đây tính cầu việc gì?

- Đến cầu Phật pháp.

- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?

Sư lễ bái, thưa:

- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?

- Chính nay ngươi hỏi ta là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.

Ngay câu này, Sư tự nhận bản tâm không do hiểu biết, vui mừng lễ tạ. Sư ở hầu Mã Tổ sáu năm.

Ngay buổi tham vấn đầu tiên với Mã Tổ, thiền sư Huệ Hải đã nhận được bản tâm, nghĩa là thâm ngộ, chứ không phải tiểu ngộ hay giải ngộ. Trong công phu tu hành, có khi chúng ta phải trải qua rất nhiều giai đoạn tiểu ngộ mới được một lần đại ngộ. Tuy nhiên có những vị chỉ mới gặp thầy hoặc nhờ thủ thuật đặc biệt của thầy mà triệt ngộ, tức ngộ triệt để.

Khi đến tham vấn, Mã Tổ hỏi cầu việc gì, Ngài đáp muốn cầu Phật pháp. Tổ bảo, kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì bên ngoài. Nghĩa là, Tổ chỉ thẳng kho báu của chính mình và dạy cách nhận lại. Không chịu soi thấu con người thật để nhận cái chân quý, hướng ra ngoài kiếm tìm làm chi. Tổ xác minh thêm, ta trong đó không có một vật thì cầu cái gì. Quả thật nếu là người có hơi hướm tỉnh sáng, qua cách dạy dỗ của Tổ ít nhiều cũng thầm nhận.

Ở đây, ngài Huệ Hải đã hoàn toàn sáng được bản tâm. Nghe Tổ dạy xong, ngài lễ bái. Hành động này chính là tạ ơn và nói lên ngài đã xong việc. Đồng thời thưa thêm cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải. Thầy quở không đoái hoài đến kho báu bên trong mà chạy lăng xăng cầu tìm bên ngoài, ta không có gì để cho hết. Nghe Tổ nói vậy ngài liền biết và nhận ra bản tâm của mình. Của báu, chân như, ngộ đạo, giác ngộ đều chỉ cho cái đó.

Câu nói của Tổ gần như quở trách chúng ta cứ ngược xuôi chạy theo vọng tưởng, không đoái hoài đến cái chân thật bên trong. Bởi tạo nghiệp nên mới có khổ, khổ nhiều kêu trời trời chẳng thấu, vì khổ kia đâu phải do trời bày ra. Cũng không có ông thượng đế trên cao xanh, dưới địa phủ khắc nghiệt nào gài bẫy cho mình mắc vào trong đó. Chính do ta giong ruổi ngược xuôi tìm những thứ bên ngoài nên mới chuốt quả khổ như vậy.

Tìm kiếm vật bên ngoài cũng không được, hoặc được cũng không phải là cái chân thật. Nó chỉ là những thứ của cải giả tạm, không phải của báu trong nhà. Cho nên có mà không giữ được. Nhiều người không biết dùng nên tai họa xảy đến khó tránh. Những sự duyên trong đời là kết cấu của dây mơ rễ má bao đời kiếp, bây giờ đủ duyên thì tựu thành. Tuy nhiên đa số chúng ta chỉ biết ngay khoảng đó, chứ không hề biết cách đối phó. Tu là học cách đối phó của Phật tổ, chư thiện hữu tri thức trước các sự việc cần thiết. Cho nên Hòa thượng Trúc Lâm luôn dạy chúng ta phải tu tốt để có đạo lực. Đảm bảo đêm ba mươi nói chuyện được với quỷ diêm vương. Đây là sự đối đầu ác liệt, kinh hoàng nhất trong cuộc đời chúng ta, không ai có thể chạy trốn được.

Ngay bây giờ chúng ta hãy chuẩn bị trước. Thông qua sinh hoạt cuộc sống, có những biểu hiện thiết thực, sắp đặt được mọi việc thật tốt. Như vậy mới có thể tự tại tiếp cận với diêm ma, chọn con đường sáng cho chính mình. Còn tỉnh táo là thời điểm chuẩn bị tốt nhất, tránh nhiều điều đáng lo. Hơn nữa, không bị tình trạng bất cập làm ảnh hưởng.

Có người nói với tôi: “Thưa Thầy, con định phải học hết chương trình phổ thông, hai năm thạc sĩ, làm luận án tiến sĩ xong, mới chuẩn bị tinh thần để đối diện với quỷ vương.” E rằng vị ấy không có thời gian để nói và làm được như dự định. Sự kiện gì sẽ xảy ra trong cuộc đời, mình không thể biết trước.

Tôi có người chị bà con dưới quê, hoàn cảnh đáng thương lắm. Tôi rất kính trọng và thông cảm với chị. Lúc nhỏ, tôi thường được anh chở đến nhà chị chơi, chị nấu cơm đãi ăn. Khi đó chị còn trẻ, chừng mười bảy mười tám tuổi. Mới gặp, tự nhiên tôi có cảm tình liền. Anh tôi cũng vậy, rất có duyên với chị. Quả thật chỉ mấy tháng sau, chị về làm dâu bên họ nhà tôi. Một người con gái miền quê xinh xắn, duyên dáng, giỏi giang, nhưng lập gia đình chẳng bao lâu chị thay đổi hẳn, khổ sở vô cùng. Chồng mất sớm, mấy đứa con bất hiếu. Chị bị lao, mắt mù không thấy đường, đời sống thiếu thốn mọi mặt. Chị luôn trông ngóng tôi và cô Hạnh Pháp, những đứa em hiểu, đồng cảm, có thể an ủi hỗ trợ chị phần nào.

Lần đó về quê gặp chị, tôi hỏi:

- Chị Bảy, chị sống sao?

- Chị khổ lắm em ơi.

Chị là người tôi gần gũi từ thời con gái đến lúc lập gia đình. Một loạt những khó khăn phải đối diện, phải chấp nhận. Tôi tự hỏi tại sao những người thông thái nhất trên đời này như thượng đế chẳng hạn, không bật mí trước những điều đó cho con người. Thế gian chìm trong thống khổ như vậy, mà vẫn chưa nghĩ tới con đường thoát ra. Không biết thiên hạ còn đợi tới bao giờ.

Phật pháp là chiếc phao cứu chúng sanh ra khỏi phiền não khổ đau. Chư Tổ khéo léo dùng phương tiện để ta không bị dính mắc trong các thứ giả tạm. Các ngài thường nói đông nói tây cốt dẹp hết tình chấp của con người. Ở đây, cũng may cách nói của thiền sư còn hé chút cửa cho chúng ta mò mẫm bước vào. Hòa thượng Trúc Lâm bảo đêm ba mươi tăm tối, ai rồi cũng phải đối đầu nói chuyện với quỷ Diêm vương. Thực sự đâu ai biết đêm đó là đêm nào. Nó chực sẵn trong hơi thở, thở ra rồi không lấy lại được. Khi ấy, mỗi người tự đối diện với những nghiệp thức do điên đảo, loạn tưởng gây tạo từ hồi nào đến giờ. Nghĩa là phải ngồi đó làm một bản tường trình cho bọn quỷ. Chỉ có người tu sáng đạo mới đủ can đảm, thừa sức làm tờ trình cho chính mình, thấy rõ bọn quỷ ma kia không là gì.

Sáng đạo ở đây giống với cách dạy của Hòa thượng Trúc Lâm. Trước phải hoàn toàn làm chủ bản thân, sau mới đương đầu giải quyết vấn đề sanh tử của chính mình. Những việc này chúng ta không thể thế cho nhau được. Giả tỷ trên đời này trăm ngàn người thương mình cũng không thể nào thay thế. Như miệng đau ăn không được là một chuyện dễ cảm thông nhất. Mọi người chung quanh thương, nấu cháo, đem bánh sữa đủ thứ mà mình cũng không ăn được. Họ chỉ hít hà, chảy nước mắt tội nghiệp, còn đau đớn vẫn là của ta, ta tự chịu lấy. Nhiều lúc nghĩ đến mẹ, người mình kính thương nhất, có thể giải quyết nhiều việc khó khăn cho mình, nhưng thực sự đến lúc như vậy mẹ cũng bó tay.

Vậy thì chúng ta còn đợi gì mà không lo chuyện của mình. Thời gian qua nhanh lắm, phải sáng lên kẻo không kịp. Tôi không sợ chết và biết chắc mình cũng sẽ chết. Hằng đêm nằm trong mùng vuông, tưởng tượng đây là đáy mộ, là quan tài. Bây giờ còn thở nhưng đến một lúc nào đó mình nằm yên, mọi việc rồi cũng phải buông hết. Vậy đó mà cứ đắm đuối, ôm đồm, tăm tối ngược xuôi, gom góp về cho mình để làm gì. Chư Tổ đã dạy, dù có bao nhiêu cũng chẳng thể giữ được. Làm sao mà giữ được đây!

Sống trong tập thể bình thường như vầy là an ổn nhất, đừng khác huynh đệ bất cứ thứ gì. Giả tỷ vị nào được gia đình cho năm bảy cây vàng, đem giấu không dám cho ai biết. Khổ lắm đâu có sung sướng gì. Nếu nghe điện đài thông báo ai còn giữ vàng trong người bị ở tù. Trời đất ơi! Trong đơn mình có bảy cây vàng, chết chưa! Đưa sư phụ không nở, để dưới đơn sợ bị lấy. Để đâu cũng không được, khổ thôi là khổ.

Trong khi mấy huynh đệ kia chẳng có gì hết, vui vẻ sống bình thường, thông báo mặc thông báo. Vô sản là hạnh phúc nhất đời. Huynh đệ có thấy Niết-bàn, hạnh phúc của mình chưa? Khỏi phải lo giữ gìn cái gì, cũng không ai bắt đi nghĩa vụ quân sự, thanh niên xung phong, hoặc kêu thuế kêu nợ. Chỉ cần chúng ta sống hài hòa, hỗ trợ nhau lo tu là tốt rồi. Mọi thứ khác đều có các vị lãnh đạo sắp xếp, giải quyết. Quả thật quá sung sướng.

Nhìn tới nhìn lui người tu hành đầu tuy trọc lóc, chứ thực sự khỏe lắm. Thử vọng tưởng xem, thật ra mình đang sống trong Niết-bàn mà không hay. Vọng tưởng đã rồi tự nó hết. Hòa thượng đã dạy vọng tưởng không thật thì sợ cái gì. Vậy mà còn có người hỏi:

- Thưa thầy, sao con tu năm sáu năm rồi mà không hết vọng tưởng?

Hòa thượng đáp:

- Vọng tưởng làm sao hết.

- Vọng tưởng nhiều quá, con sợ tu không được.

- Vọng tưởng mà còn sợ. Đã nói nó không thật mà sợ cái gì.

Thế mới thấy mình đang được sống trong Niết-bàn. Ở trên Mã Tổ dạy cho ngài Đại Châu quá rõ ràng. Ngay từ đầu Tổ đã dùng tâm đại từ bi chỉ thẳng, đừng chạy lăng xăng, hãy nhận lại của báu nhà mình. Quả thật ngài Đại Châu không phụ lòng Tổ. Chỉ trong phút chốc đã nhận lại được bản tâm.

Vì bổn sư tuổi già, Sư phải về phụng dưỡng. Từ đây, Sư tàng ẩn chỗ thâm ngộ của mình, chỉ hiện bề ngoài như kẻ tầm thường. Sư có soạn quyển “Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận”, bị Huyền Ấn là cháu trong pháp môn lén lấy đến trình Mã Tổ.

Mã Tổ xem xong, bảo chúng:

- Việt Châu có Đại Châu (hạt châu lớn) tròn sáng thấu suốt tự tại không ngại.

Khi ấy, ở trong chúng có người biết Sư họ Châu bèn rủ nhau lần lượt tìm đến Sư thưa hỏi và nương tựa. Từ đó người ta gọi Sư là Đại Châu Hòa thượng.

Nhân bổn sư già yếu không có người lo, ngài xin phép Tổ về để phụng dưỡng. Thời gian này coi như tàng ẩn. Trở về sống gần gũi phụng dưỡng bổn sư, không đặt vấn đề mình phải giảng dạy Phật pháp, nói đạo lý, hướng dẫn ai. Tuy nhiên, chính lúc này ngài ghi lại những chỗ tâm đắc, sống được, nuôi dưỡng và bảo vệ công phu tu tập, toát yếu thành tập sách lấy tên Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận. Yếu môn là cửa trọng yếu, đốn ngộ là ngộ viên đốn, ngộ nhanh chóng. Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận là cửa vào đạo nhanh chóng.

Người cháu của ngài hiệu là Huyền Ấn thấy bộ luận hay, lén đem trình với Mã Tổ. Tổ xem xong khen Việt Châu có Đại Châu tròn sáng thấu suốt tự tại không ngại. Tu mà được thầy ấn chứng là người tự tại vô ngại cũng xứng đáng lắm rồi. Đâu cần đợi thầy nói mai mốt ông là một đại thiền sư, mọi người đều hướng về, Phật sự thành tựu vô số. Giả tỷ thầy điểm đạo nói cho mình biết trước sự duyên như vậy cũng không bằng thầy ấn chứng là người tự tại, không gì có thể động địa.

Những lúc bệnh nặng, lo trị bệnh mà quên đi nhiều việc khác, tôi thường nhớ lời dạy giản dị của Hòa thượng Chủ tịch Phật giáo: “Mấy huynh đệ ráng giữ tâm đạo tu hành.” Có lần tôi phải vào viện giải phẫu một bệnh xoàng xĩnh, nhưng xui khiến sao sự cố ngành y chụp lấy mình. Trong thời gian đó tôi cũng rà soát đủ thứ. Giả tỷ bây giờ thở không nổi mình đi, đi đâu, làm chủ được không? Mình có hoan hỷ, yên lòng đi hay còn lấn cấn để mai mốt làm quỷ giữ mồ xưa? Thực sự buông hay còn vướng những tâm niệm đó?

Hồi xưa đại huynh Đắc Pháp hay nói vui với anh em:

- Mình ráng tu hành làm sao đến một lúc nào đó cỡi ngựa xem hoa.

Tôi nói:

- Đại huynh ơi, mình có cỡi ngựa xem hoa được không hay ngựa nó quật mình té gãy cổ.

Kiểm lại thấy tâm mình chưa hoàn toàn dứt khoát triệt để. Tuy nhiên tôi luôn tự nhủ: “Giả tỷ kỳ này mình đi xuôi thì cũng yên lòng. Giống như lâu nay không có xe đạp, bây giờ có chiếc xe ngon lành dạo đi chơi.” Tôi tưởng tượng mình đang ngồi trên một chiếc xe đạp dạo chơi thong thả. Nhớ lại hết những điều Phật pháp lâu nay đã học, đã hiểu, cốt yếu ghi nhớ mãi không bao giờ quên. Trong đó có cả những lời dạy mộc mạc đơn sơ của Hòa thượng Chủ tịch. Cứ mỗi lần huynh đệ chúng tôi về đảnh lễ, chúc nguyện, ngài thường nhắc ráng giữ tâm đạo tu hành. Giống như Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta phải tỉnh giác. Ai chưa tỉnh giác được thì bắt phải đếm hơi thở để tỉnh mà nhận lại ông Phật của chính mình. Do chuyên tâm vào hơi thở, nên vọng động móng khởi được thắng lại. Từ đó trí tuệ hiện tiền. Tu thiền là tu trí tuệ.

Lúc này ngài Huệ Hải đang phụng dưỡng bổn sư, chưa mở pháp hội giảng dạy. Sau khi xem quyển Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận, Mã Tổ khen ngợi là hạt châu tròn sáng thấu suốt tự tại không ngại. Ngài vui mừng và thấy quá đủ rồi.

Sư bảo những vị đến tham vấn:

- Thiền khách! Tôi chẳng hội thiền, trọn không một pháp có thể chỉ dạy người, không phiền các vị đứng lâu, hãy tự đi nghỉ.

Tuy vậy, mà học chúng dần dần thêm đông, ngày đêm thưa hỏi. Sư bất đắc dĩ vì hỏi giải đáp, biện tài không ngại.

Ở trên ngài đã được Mã Tổ thọ ký tròn sáng thấu suốt, tự tại không ngại. Cho nên nhiều vị ở các nơi đến thưa hỏi Phật pháp, xin theo tu hành. Ngài chân tình nói với họ rằng mình không hội thiền, không có một pháp để giảng giải, hướng dẫn. Tuy nhiên duyên lành đã tới, người tham học càng ngày càng đông.

Có vài vị pháp sư đến hỏi:

- Định hỏi một câu, thầy có vui lòng đáp lại chăng?

Sư bảo:

- Bóng trăng dưới đầm sâu, mặc ý mò bắt.

- Thế nào là Phật?

- Hồ nước trong đối diện, chẳng phải Phật là gì?

Các vị ấy còn ngơ ngác, không biết gì cả. Giây lâu có vị lại hỏi:

- Thầy nói pháp gì độ người?

- Bần đạo chưa từng có một pháp gì độ người.

- Thiền sư nhà tối như thế.

Trong pháp hội của ngài cũng có các vị pháp sư đến tham vấn. Đây là những vị có danh tiếng trong đạo, chuyên giảng dạy Phật pháp. Những vị chuyên về thiền gọi là thiền sư, chuyên về luật gọi là luật sư, chuyên về lý luận gọi là luận sư.

Các vị pháp sư hỏi với tính cách vấn nạn, thiền sư Huệ Hải bảo như bóng trăng dưới đầm sâu, mặc ý mò bắt. Bóng trăng dưới đầm sâu thật hay không thật? Không thật. Nó chỉ là cái bóng của mặt trăng thật, mấy ông cứ mặc tình hỏi.

Với câu hỏi thế nào là Phật, ngài Huệ Hải đáp hồ nước trong đối diện, chẳng phải Phật là gì. Trả lời như vậy làm sao vào được? Chưa hiểu thâm ý nên các pháp sư ngơ ngác bó tay. Ngài Huệ Hải là người đã nhận được bản tâm, do đó mỗi lời nói đều căn cứ từ bản thể chân thật. Người chưa nhận ra thì không thể nào hiểu được.

Hỏi dùng pháp gì độ người, đáp chưa từng có một pháp độ người. Tại sao nói như vậy? Bởi vì bản thể không có cái gì trong đó. Nếu có thuyết pháp, hướng dẫn người tu hành cũng từ nhân duyên, từ dụng của bản thể, không chắc thực. Các vị kia nghe không hiểu nên nói thiền sư nhà tối như thế, nghĩa là không có phương tiện độ người.

- Đại đức nói pháp gì độ người?

- Giảng kinh Kim Cang Bát-nhã.

- Giảng được bao nhiêu lần?

- Hơn hai mươi lần.

- Kinh này ai nói?

Pháp sư tằng hắng lên giọng gắt:

- Thiền sư khéo nói đùa, há không biết Phật nói sao?

- “Nếu nói Như Lai có nói pháp là chê bai Phật, người ấy không hiểu nghĩa ta nói.” (Kinh Kim Cang). Nếu nói Kinh này không phải Phật nói tức là phỉ báng Kinh. Thỉnh Đại đức nói xem?

Pháp sư im lặng không đáp được.

Thật là khó mở lời. Đây chính là chỗ miệng cha mẹ sanh không thể nói tới. Thật ra có một cách đáp được mà vị pháp sư này không dùng. Ở đây xin dẫn câu chuyện ngài Từ Minh đến thăm sư thúc là ngài Thần Đảnh đang tu trên núi. Thấy Từ Minh với điệu bộ lẩn thẩn, ăn mặc rách rưới lem luốc, ngài Thần Đảnh ngạc nhiên tự hỏi: “Trong tông môn của ta có đứa cháu như thế sao? Nghe nói là sư tử Tây Hà, giờ ngó sao giống ăn mày vậy?”. Ngài giật mình nghi ngờ. Đang phân vân, bỗng thị giả đến. Vị này cũng nhát ma, thấy điệu bộ bất thường của ngài Từ Minh, trong lòng sợ thầy bị hại.

Ngài Từ Minh thấy thế liền dùng phương tiện, lấy tay chỉ phương trượng của Hòa thượng la lên: “Cái thất ngã! Cái thất ngã!” Thị giả hốt hoảng chạy sảng. Chỉ ngài Thần Đảnh đứng sững không bị động và thầm khen “nghe danh không bằng thấy tận mắt”. Đó là những phương tiện diễn bày cái chân thật một cách tự nhiên. Cho nên không thể căn cứ hình thức bên ngoài để đánh giá cái cốt bên trong.

Cũng vậy, qua những lời đối đáp ban đầu của ngài Huệ Hải, các vị pháp sư có vẻ kiêu ngạo, nhưng tới chỗ đó thì im lặng bế tắc, không đáp được.

Sư lại hỏi:

- Kinh nói: “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.” Đại đức hãy nói cái gì là Như Lai?

- Đến chỗ này tôi mê hẳn.

- Từ trước đến giờ chưa từng ngộ, nói cái gì là mê?

- Thỉnh Thiền sư vì tôi nói!

- Đại đức giảng kinh hơn hai mươi lượt, lại chưa biết Như Lai?Pháp sư lại lễ bái, cầu xin chỉ dạy.

Sư bảo:

- Như Lai là nghĩa như của các pháp, đâu thể quên được.

Các vị pháp sư nói đã giảng kinh Kim Cang hơn hai mươi lần. Cho nên ở đây thiền sư Huệ Hải đem những câu hết sức thông thường trong kinh Kim Cang ra hỏi. Lần lượt dẫn dắt họ ra khỏi mê chấp, trở về với tánh chân thường của kinh văn.

Ngài dẫn kinh Kim Cang: “Nếu lấy sắc thấy Ta, lấy âm thanh cầu Ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai”, hãy nói cái gì là Như Lai? Đến chỗ này pháp sư tự nhận mình mê hẳn. Thiền sư Huệ Hải bảo chưa từng thấy các ngài ngộ thì nói gì là mê. Pháp sư quy phục lễ bái, cầu xin chỉ dạy.

Ngài Huệ Hải dạy, Như Lai là nghĩa như của các pháp, chỗ này đâu thể quên được. Huynh đệ có thấy cái lầm của mình không? Thường mỗi khi nghe nói Như Lai đều tưởng ra đức Phật với hào quang vô lượng vô biên. Không ngờ Như Lai chính là bản thể, pháp thể thanh tịnh của mình. Đó là chỗ các vị luận sư ngày xưa không nhận ra, huống là chúng ta ngày nay.

- Phải. Là nghĩa như của các pháp.

- Đại đức nói phải, cũng chưa phải.

- Văn kinh rõ ràng đâu thể chưa phải?

- Đại đức “Như” chăng?

- Như.

- Cây cỏ như chăng?

- Như.

- Đại đức như, đồng cây cỏ như chăng?

- Không hai.

- Đại đức cùng cây cỏ đâu khác?

Các vị pháp sư đã bị dính vào bẫy lý luận. Chỗ này giống nơi pháp hội của tổ Bách Trượng. Khi giảng pháp xong, Tổ thấy một ông già chưa chịu về, ở lại thỉnh ngài nói một chuyển ngữ để thoát kiếp chồn. Ngày xưa ông là cao tăng hóa đạo ở vùng núi này, đồ chúng rất đông. Tuy nhiên chỉ một câu hỏi của đồ chúng: “Người đại tu hành lại rơi vào nhân quả chăng?”, ông đáp “Không rơi vào nhân quả”. Câu trả lời không thích đáng nên ông bị đọa làm chồn ở sau núi năm trăm kiếp.

Nhân duyên ngày nay gặp tổ Bách Trượng về hóa đạo, mở pháp hội ở núi. Do vì công đức trước của ông vẫn còn, tuy là kiếp chồn nhưng hóa hiện thành người đi học. Nhân duyên hội đủ, ông gặp Tổ và được chỉ dạy: “Không lầm nhân quả.” Ngay câu nói đó, ông già đại ngộ, thoát kiếp chồn.

Chỗ lầm của các vị pháp sư kia cũng vậy, khi nghe ngài Huệ Hải nói nghĩa như của các pháp, liền xác định mình cũng như. Khi ấy bị ngài dẫn đến chỗ đồng như cây cỏ. Pháp sư không trả lời được. Tại sao? Vì không ngộ được tâm, còn chạy vòng ngoài, chưa vào cửa.

Các vị thiền sư dùng những phương tiện như vậy để nhắc nhở chúng ta nên dè dặt trên bước đường tu hành. Phải như con sư tử, khi thấy người ta thảy vật gì ra, đớp ngay người thảy chứ không đớp vật thảy ra. Nếu không như sư tử thì chẳng khác nào con cẩu, gặp đâu cũng ngửi cũng liếm. Hình thức của con cẩu và sư tử hoàn toàn khác nhau. Chúng ta chớ học theo con cẩu mà quên mình là sư tử.

Pháp sư không đáp được, im lặng giây lâu lại hỏi:

- Thế nào được Đại Niết-bàn?

- Chẳng tạo nghiệp sanh tử.

- Thế nào là nghiệp sanh tử?

- Cầu Đại Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ nhơ lấy sạch là nghiệp sanh tử, có đắc có chứng là nghiệp sanh tử, không vượt khỏi môn đối trị là nghiệp sanh tử.

Nếu dừng tạo nghiệp và không lầm tạo nghiệp sanh tử tức là vào được Niết-bàn. Nghĩa là không cần phải đợi đến khi xả bỏ thân tứ đại để vào một cảnh giới khác. Nhà thiền nói ngay bây giờ làm chủ được mình, không bị vọng tưởng dẫn, không lầm chạy theo vọng tưởng tức không tạo nghiệp sanh tử. Đó là Niết-bàn, là giải thoát.

Do vậy Hòa thượng Trúc Lâm luôn dạy chúng ta phải làm chủ các dấy niệm. Bởi vì dấy niệm là vọng tưởng, nó sẽ dẫn mình đi lan man từ nơi này đến nơi khác, từ kiếp này đến kiếp khác, đi mãi không cùng. Tuy nó không có hình thức nhưng lại có sức mạnh vô hình, rất ghê gớm. Nếu chúng ta không có lực kháng lại, nó sẽ dẫn mình ngược xuôi tạo nghiệp.

Dẫn như thế nào? Sống trong đời này, chúng ta mê chấp thân người. Cha mẹ sanh ra, đặt tên, nuôi dưỡng lớn khôn, cho đi học, thành đạt danh vị này nọ. Rồi thì lầm mê tạo nghiệp, mai kia mốt nọ lại rơi vào trong lớp lang khác. Hoặc là cung trời làm ông hoàng con hay một bà tiên. Hoặc ngủ mê nói mớ, rủi ro sẩy chân rơi vào trong ngạ quỷ, đói khát khổ não vô cùng. Đó là do sơ ý không giữ đạo tâm. Vậy thì ngay đây chúng ta gầy dựng, hình thành theo cách Hòa thượng đã từ bi chỉ dạy, làm chủ các dấy niệm.

Ở đây, Mã đại sư dạy các vị đệ tử đừng chạy ngược chạy xuôi, phải nhận lại của báu, nhận lại bản tâm của mình. Các vị học giả từ nhiều nơi đến vấn nạn, ngài Đại Châu trả lời cũng từ bản tâm. Bản tâm này làm sao nói? Nói mà không nói, không vướng mắc. Thí dụ bữa nay huynh đệ ăn cơm với nấm mối kho, nếu ai để dành buổi chiều ăn tiếp là vướng mắc. Cho nên buổi trưa có bao nhiêu ăn hết, buổi chiều có gì ăn nấy. Tự tại không vướng mắc.

- Thế nào chóng được giải thoát?

- Vốn tự không trói buộc, chẳng cần cầu giải thoát, dùng thẳng hành thẳng là không thứ bậc.

Pháp sư khen:

- Thiền sư như Hòa thượng thật là ít có.

Khen xong, Pháp sư lễ tạ lui ra.

Sở dĩ chúng ta bị cột trói mới cầu giải thoát. Cho nên trong sự truyền thừa của chư tổ ngày xưa, từ Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma dài đến Lục tổ Huệ Năng, đều có một cách giải mã giống nhau. Thiền sư Đạo Tín khi còn là vị sa di nhỏ tuổi đến lễ thiền sư Tăng Xán, thưa:

- Xin Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.

- Ai trói buộc ngươi?

Hoặc nhị tổ là thiền sư Huệ Khả, một tráng sĩ vì pháp quên thân, hiên ngang đứng trong tuyết ngập thấu đầu gối, không run không sợ. Ngài thưa với tổ Bồ-đề-đạt-ma:

- Tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm.

- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.

Chư tổ thời đó dùng vấn đáp làm phương cách giải mã vấn đề. Hoặc hỏi ngược lại, hỏi trắng lấy đen đối, hỏi đứng lấy ngồi đối v.v... cốt để chặt đứt mối mang trói buộc. Các ngài chỉ cần nói một câu, không còn chỗ để bám, giống như tường đồng vách sắt vậy. Thông thường chúng ta nói ra điều gì cũng có dây mơ rễ má trói buộc. Nhiều khi huynh đệ thật lòng khuyên nhưng mình lại không hiểu, dùng đối pháp ứng xử lại. Có khi nghi lời nói đó là sốc chẳng hạn. Chúng sanh phàm tình mê muội chính ở chỗ này.

Các bậc thiền sư sống tự tại cho nên có khi trả lời bằng một tiếng hét, một cái hèo. Hỏi chưa dứt lời đã cho một hèo ngay miệng học nhân. Chẳng cần lấy cây gậy làm phương tiện, dùng chính tay của mình. Có lần ngài Lâm Tế nói với đại chúng, bữa nay cúp điện không cho ai hỏi gì hết. Vừa nói xong có một vị tăng từ Triều Tiên ra đảnh lễ. Vừa cúi xuống lạy, ngài nhảy lên lưng ngồi. Vị này thắc mắc “Hòa thượng nói không cho hỏi, con chỉ mới đảnh lễ thôi, sao lại cởi trên lưng con?” Ngài đáp: “Đợi ngươi hỏi làm sao kịp.” Các ngài muốn chặn đứng tất cả những dây mơ rễ má, vọng tưởng, lý luận, ngôn ngữ cuồn cuộn nhiều đời kiếp của chúng ta.

Học thiền vui lắm, dễ nhận chứ không phải khó, nhưng không nên hiểu, hiểu là sai. Như thiền sư Huệ Hải bảo Như Lai là nghĩa như của các pháp, đâu thể quên được. Vị pháp sư vuốt thêm câu: “Phải. Là nghĩa như của các pháp.” Ngay đó ngài khẳng định: “Đại đức nói phải, cũng chẳng phải”, nghĩa là ông nói phải tức không phải rồi.

Có vị cư sĩ đến hỏi:

- Tức tâm tức Phật, cái gì là Phật?

Sư bảo:

- Ông nghi cái gì không phải Phật, chỉ ra xem!

Cư sĩ lặng thinh.

Sư nói tiếp:

- Đạt thì khắp cảnh là Phật, chẳng ngộ hằng trái xa.

Ngài đã ngộ được tâm nên khi có người hỏi tức tâm tức Phật, cái gì là Phật? Đáp, ông nghi cái gì không phải Phật chỉ ra xem. Trong kinh thường ví lực dụng của người ngộ được tâm thì có thể nắm cát biến thành vàng, nấu cát thành cơm. Nói vậy không quá lắm đâu. Bởi vì từ những người học trò phàm phu được khai đạo, giác ngộ thành Phật, không phải nấu cát thành cơm là gì. Còn mình phàm phu nghe gì cũng không ngộ, đúng là nắm cát thành bùn.

Thấy vị cư sĩ lặng thinh không đáp được, ngài nói tiếp: “Đạt thì khắp cảnh là Phật, chẳng ngộ hằng trái xa.” Nghĩa là nếu ông đạt thì khắp cảnh đều là Phật. Phật là tâm thể rỗng rang sáng suốt trùm khắp không ngăn ngại, không đạt thì trái xa.

Có Luật sư hiệu Pháp Minh đến nói:

- Các Thiền sư phần nhiều rơi vào không.

Sư bảo:

- Trái lại, các Tọa chủ phần nhiều rơi vào không.

Pháp Minh hoảng sợ hỏi:

- Tại sao rơi vào không?

- Kinh luận là giấy mực văn tự, giấy mực văn tự đều là không, dù trên tiếng dựng lập danh, cú, văn, thân, đâu chẳng phải là không, Tọa chủ bám chặt vào giáo thể, đâu chẳng rơi vào không?

Ở đây thiền sư Huệ Hải dẫn, kinh luận là chữ nghĩa in trên giấy mực. Nếu bám vào đó cho là thật thể tức là bám vào cái không thật, chấp không. Dù trên tiếng dựng lập danh, cú, văn, thân, đâu chẳng phải là không. Ví dụ, một câu nói bình thường “Chiều nay ăn cơm nguội”. Muốn nó trở thành kinh điển phải văn vẻ như sau: “Cơm nguội chiên với sả, lại có thêm dầu ô-liu, ăn rất ngon.” Nghĩa là từ một câu nói thường biến thành câu nói có ý vị. Thành lập ngữ cảnh, ngữ pháp dựa trên danh, cú, văn, thân, đầy đủ ý nghĩa. Tuy nhiên cái đó vẫn là giả.

Một bản văn viết trên giấy học trò giả đã đành rồi, thậm chí có những bản in bằng chữ vàng cũng chỉ là hình thức, văn tự, đồ giả. Rốt ráo cũng chỉ chừng ấy. Nói thế để phá cái chấp của chúng ta. Các thiền sư thường dạy, cần dùng thì dùng, không cần thì thôi, không nên lý giải thêm. Đó là chỗ chắc thật, là lối đi đúng đắn.

Bám chặt vào giáo thể là gì? Thí dụ Phật nói cái nhà này không thật. Mình không dùng được trí tuệ quán chiếu để thấy nó không thật nên cứ ngồi đánh mõ tụng: “Cái nhà này không thật, cái nhà này không thật…”. Lâu lâu lại thêm kèn, thêm trống, thêm đàn vào. Đúng là lếu láo. Thiền sư nói thẳng cho nên dễ mếch lòng, phải không?

- Thiền sư rơi vào không chăng?

- Văn tự v.v... đều từ trí tuệ mà sanh, đại dụng hiện tiền đâu thể rơi vào không.

Nói tóm lại phải nhận ra gốc tâm, phải sống bằng trí tuệ chân thật mới không bị rơi vào không.

- Cho biết một pháp không đạt, chẳng gọi là tất-đạt.

- Luật sư chẳng những rơi vào không, lại còn dùng lầm danh ngôn.

Pháp Minh đổi sắc mặt, hỏi:

- Lầm chỗ nào?

- Luật sư chưa rành âm Trung Hoa và Phạn, làm sao giảng thuyết?

Có những chữ, những từ dùng tiếng Trung Hoa nhưng âm lại là chữ Phạn mà cũng không biết.

- Thỉnh Thiền sư chỉ ra chỗ lầm của Pháp Minh?

- Đâu chẳng biết “tất-đạt” là tiếng Phạn sao?

Chữ “tất-đạt” thêm “đa” thành ra Tất-đạt-đa, là tiếng Phạn.

Pháp Minh tuy nhận thấy lỗi, mà tâm vẫn còn giận, lại hỏi:

- Phàm Kinh, Luật, Luận là lời Phật, đọc tụng y giáo phụng hành, sao chẳng thấy tánh?

- Như chó điên đuổi bóng, sư tử ăn thịt người. Kinh, Luật, Luận là tự tánh dụng, người đọc tụng là tánh pháp.

Như chó điên đuổi bóng, sư tử ăn thịt người. Ý câu này giống như thí dụ trên. Một là giống như con chó điên thấy gì cũng ngửi cũng liếm. Hai là giống như con sư tử, chỉ ăn thịt người thảy đồ vật chứ không ăn vật được thảy ra.

Kinh, Luật, Luận là tự tánh dụng, người đọc tụng là tánh pháp. Tóm lại nhận được chỗ ấy rồi thì cái nào cũng thuộc về tánh thể, tự tánh, bản tánh, không dính mắc bởi hình thức, văn tự, lý giải.

- Phật A-di-đà có cha mẹ và họ chăng?

Đến đây, các pháp sư lúng túng nên hỏi đủ thứ chuyện. Mấy điểm này nếu chúng ta không nghiên cứu thì không thể biết.

- Phật A-di-đà họ Kiều-thi-ca, cha tên Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan.

- Xuất phát từ kinh điển nào?

- Xuất phát từ tập Đà-la-ni.

Pháp Minh lễ tạ khen ngợi lui ra.

Nghe thiền sư Huệ Hải đáp có căn cứ từ kinh điển, Pháp Minh lễ tạ khen ngợi rồi lui ra. Phật A-di-đà họ Kiều-thi-ca, cha tên Nguyệt Thượng. Nguyệt Thượng là trăng sáng trên trời, tức là giác ngộ. Mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan, tức là một người có duyên sắc tuyệt vời. Dẫn chứng này xuất phát từ tập Đà-la-ni, tức là thần chú. Đến đây, pháp sư thật sự bó tay, hết hỏi được gì thêm.

Có vị pháp sư thông Tam tạng đến hỏi:

- Chân như có biến đổi chăng?

Sư đáp:

- Có biến đổi.

- Thiền sư lầm.

- Đại đức có chân như chăng?

- Có.

- Nếu không biến đổi quyết định Đại đức là phàm tăng. Đâu chẳng nghe: “Thiện tri thức hay chuyển ba độc thành ba món tịnh giới, chuyển sáu thức thành sáu thần thông, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển vô minh thành đại trí chân như.” Nếu không biến đổi, Đại đức thật là ngoại đạo chủ trương tự nhiên vậy.

Cách trả lời của thiền sư từ tánh thể cho nên rất thông suốt. Ngài nói, nếu không biến đổi thì chúng sanh làm phàm phu hoài. Cho nên phải từ tối đi dần vào sáng, từ phàm phu mà chịu học hỏi thì sẽ thông suốt, thành tựu, đạt lý, thể nhập, giác ngộ giải thoát. Không có vị Phật nào không từ chúng sanh mà thành. Không có vị tôn đức nào không từ một người bình thường mà nên.

Trong lịch sử nhân loại từ xưa đến giờ chỉ nghe một hai lần nói về cách sanh con kỳ lạ. Như Hoàng hậu Ma-da hạ sanh Thái tử Tất-đạt-đa chẳng hạn. Tất cả giếng nước trong vùng tràn ngập, thiên nhạc trỗi dậy, thiên hoa rơi đầy, vườn thượng uyển muôn ngàn sắc thắm. Hoàng hậu đưa tay nâng cành hoa Vô Ưu, Thái tử liền hạ sanh từ hông bên phải, hoa sen nâng gót, đi liền bảy bước và nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, nghĩa là trên trời dưới đất, chỉ có ta là trên hết. Vô Ưu là không có phiền não. Nghe nói khi mẹ sanh ra chúng ta, người phải chịu đau dữ lắm, vậy mà Hoàng hậu không hề đau. Mọi người chung quanh ca hát vui vẻ, chim thú mừng vui hòa điệu theo. Chà! Có ai vừa ra khỏi bụng mẹ liền đi bảy bước và nói chuyện đâu. Đây là một phúc duyên hãn hữu, xưa nay chỉ có các bậc thánh mới thị hiện như vậy.

Tuy chúng ta là người bình thường nhưng nếu biết cách hành trì, tu tập có thể chuyển từ phàm thành thánh. Phải chuyển chứ, đâu thể làm phàm phu hoài. Ở đây ngài dẫn chứng một cách rõ ràng, thiện tri thức hay chuyển ba độc thành ba món tịnh giới, chuyển sáu thức thành sáu thần thông, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển vô minh thành đại trí chân như, để chúng ta không còn nghi ngờ. Thân này chỉ là một lớp lang xuất hiện trong giai đoạn nào thôi, còn phải chuyển nhiều lần nữa.

Một vị thiền sư Việt Nam khi sắp viên tịch, đệ tử khóc than lo lắng không biết thầy sẽ về đâu. Ngài mở mắt quở, khóc lóc cái gì, thầy biết đường đi rồi. Thầy còn lên trời làm vua bao nhiêu lần, xuống cõi này tiếp tục làm vua nữa. Thầy trò còn qua lại gặp nhau nhiều lần, khóc làm chi. Nghe như chuyện tiếu lâm nhưng thực sự người hành Bồ-tát đạo thì luôn luôn như vậy. Khi đã phát nguyện vào cuộc đời, sẽ chuyển hóa nhiều lần, chừng nào viên thành Bồ-tát đạo, Phật đạo mới thôi.

Trong kinh nói các vị tu hành đã vào Bát địa tức là Bất động địa như Lục tổ Huệ Năng, chỗ này định lực, trí lực phi thường nhưng chưa phải viên mãn. Phật khuyến hóa tất cả Bồ-tát ở Bát địa phát đại nguyện đi vào các cảnh giới, làm tất cả Phật sự cho đến cuối cùng mới viên thành Phật đạo. Nghĩa là lên Pháp vân địa, Đẳng giác, Diệu giác vào Phật địa.

Tóm lại, huynh đệ bữa nay làm ban hoa, mai làm ban rẫy, mốt nấu cơm v.v... ban nào cũng tốt. Chẳng bao lâu, chúng ta muốn làm thiền sinh cũng không ai cho. Ngày xưa tôi đâu nghĩ đến lúc ngồi trước huynh đệ nói líu lo chuyện này chuyện nọ như vầy. Tôi sống vui vẻ hồn nhiên lắm. Thầy dạy gì làm đó, không suy nghĩ nhiều, không nghĩ tưởng đến tương lai. Chỉ tu thôi. Một vị thầy dạy giữ tâm đạo tu hành, một vị thầy dạy chớ để vọng tưởng dẫn. Quá đủ rồi. Cuộc chuyển hóa này nhanh lắm, không bao lâu với nhân duyên tốt như vậy chắc chắn huynh đệ sẽ là những người thành Phật, hóa độ chúng sanh.

- Nếu vậy chân như tức có biến đổi.

- Nếu chấp chân như có biến đổi cũng là ngoại đạo.

- Thiền sư vừa nói chân như có biến đổi, giờ lại nói không biến đổi, vậy thế nào thật đúng?

- Nếu người thấy tánh rõ ràng, như hạt châu ma-ni hiện sắc, nói biến đổi cũng được, nói không biến đổi cũng được. Nếu người không thấy tánh, nghe nói chân như biến đổi bèn hiểu biến đổi, nghe nói không biến đổi bèn hiểu không biến đổi.

Pháp sư khen:

- Nên biết, Nam tông (Thiền đốn ngộ miền Nam) không thể lường.

Pháp sư khen pháp môn đốn giáo phương Nam không thể lường. Lời dạy của thiền sư Huệ Hải quá rõ ràng, bởi vì ngài đã giải mã hết, không có gì ẩn khuất. Nói trắng ra là phải kiến tánh, tức ngộ được bản tâm.

Học thiền sử của các vị thiền sư, mong chư huynh đệ ráng tu để chuyển hóa hết các lớp lang chúng ta đang cưu mang. Không chấp nhận trì trệ một chỗ, không để thời điểm thuận lợi qua suông nắm không kịp. Đó là điều quan trọng. Trong bất cứ giai đoạn nào cũng nắm vững mấu chốt để tiến tu.

Đối với tôi, những chuyện tắm sông, tắm biển bị chết hụt là một nỗi kinh hoàng vô cùng. Người ta gọi đó là chỗ nước xoáy. Nếu bị rơi vào, sóng sẽ nhận mình xuống, không cách chi thoát được. Nó nhận sâu và dẫn đi thật xa, khi nổi lên chỉ còn là cái thây hết thở. Sự hãi hùng ấy ghê gớm lắm. Chỗ người chết trôi ở sông thường là đất tuột. Vừa bị tuột họ quýnh quáng lên, người muốn cứu cũng khó cứu được. Nếu nhảy xuống cứu, người kia ôm cứng ngắc, chết cả chùm. Tóm lại, do hãi hùng sợ chết nên con người dễ đi vào ma đạo, quỷ đạo. Cho nên muốn yên ổn, không sợ hãi, tỉnh táo, sáng suốt trong lúc đi thì phải tu. Chỉ có cách đi bình tĩnh sáng suốt của người tu mới tự tại.

Ngay bây giờ chúng ta có thể chuẩn bị trước điều này. Phòng khi có sự cố, bị tuột cái đùng mới tính kịp. Mấy năm trước ở Thường Chiếu có một chú nhỏ theo quý thầy đi tắm biển ở Long Hải. Mặc dù trên bờ đã bố trí người theo dõi, nhưng không may chú bị rơi vào chỗ nước xoáy. Thế là chết, không ai cứu kịp.

Tôi đã từng nói với huynh đệ, trong đời này có những nhân duyên thật lạ lùng, không ai có thể biết trước. Buổi sáng hôm đó, trước khi khởi hành mấy chú tiểu tới chào tôi. Thầy phụ trách báo có một chú đòi ở lại, nên chú nhỏ cư sĩ muốn đi được thay vào vị trí đó. Tôi liền nói: Ai muốn đi thì phải xin phép đàng hoàng. Chú bước ra chào tôi, xin phép được đi tắm biển với quý thầy. Tôi gật đầu chấp thuận.

Đoàn khởi hành khoảng bốn giờ khuya, đến chín giờ sáng nghe báo chú nhỏ bị mất tích. Hai giờ chiều hôm sau xác trồi lên, nằm chèo queo trên bờ biển Long Hải, cách đó vài cây số. Sóng đánh một vòng xa mịt mùng thì làm sao có thể kiếm. Điều này nói lên sự vô thường thật quá rõ ràng, nhưng chúng ta dường như vẫn luôn ngỡ ngàng khi đối diện với nó.

Luật sư Nguyên đến hỏi:

- Hòa thượng tu có dụng công chăng?

Sư đáp:

- Dụng công.

- Dụng công thế nào?

- Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.

- Tất cả người đều như vậy, đồng chỗ dụng công của Thầy chăng?

- Chẳng đồng.

- Tại sao chẳng đồng?

- Họ khi ăn chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng, khi ngủ chẳng chịu ngủ, tính toán ngàn chuyện, do đó chẳng đồng.

Nguyên im lặng.

Trong nhà thiền chuộng dùng cách đối đáp chân thật, nói trắng và trình bày các vấn đề hết sức bình thường. Nếu đem so sánh với cách trình bày văn hóa, học thuật, triết học thì chắc chắn cách của thiền sư đặc biệt hơn rất nhiều. Vì nó dân dã chân thật. Văn học dân gian cũng thế, dùng ngữ cú rất bình thường, như bà ngoại vừa nhai trầu vừa nói chuyện. Bình dị, dễ thương.

Vị luật sư chuyên về luật nên nói luật, ngó luật, đi luật, ngồi luật… chỗ nào cũng dính đầy luật. Vị này mang chí cả đến vấn nạn “Hoà thượng tu có dụng công chăng?” Thiền sư Huệ Hải đáp dụng công bình thường, thầy tu dụng công thì tôi tu cũng dụng công. Hỏi tiếp, dụng công thế nào? Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ. Nghe thiệt là dễ chịu làm sao, đói ăn mệt ngủ. Nhưng với chừng đó thì chúng ta chưa thể hiểu nổi vấn đề, chưa thấy rõ chân lý các ngài muốn nói.

Cho nên vị luật sư hỏi tiếp, tất cả người đều như vậy, đồng chỗ dụng công của Thầy chăng? Ngài điềm tĩnh đáp, chẳng đồng. Bởi vì khi ăn họ chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng, khi ngủ chẳng chịu ngủ, tính toán ngàn chuyện, do đó chẳng đồng. Đây cũng là loại bệnh trầm kha chung của tất cả chúng ta. Tại sao mất ngủ? Do ngủ không được. Tại sao ngủ không được? Do vọng tưởng dẫn chạy nên ngủ không được. Giản dị. Luật sư im lặng.

Đại đức Uẩn Quang đến hỏi:

- Thiền sư tự biết chỗ sanh chăng?

Sư đáp:

- Chưa từng tử đâu cần luận sanh. Biết sanh tức là pháp không sanh, chẳng lìa pháp sanh nói có không sanh. Tổ sư nói: “Chính cái sanh tức không sanh.”

Câu trả lời này có vẻ hơi lý luận một chút, chưa từng chết nói gì đến sanh. Ông Krishnamurti thường nói ở “cái đang là” thì không cần nói sanh hay không sanh. Các thiền sư luôn sống ngay cái hiện tiền trước mắt mà vẫn vô sanh. Đó là chỗ các ngài muốn chỉ thẳng cho chúng ta.

Huynh đệ đang sống đây, nếu không tỉnh thì vọng tưởng dễ dàng kéo lôi. Sợ chết không biết đi đâu, sợ thiếu gạo nấu, sợ người ta chửi, sợ thiên hạ cướp đi địa vị của mình, sợ đủ thứ. Trong khi cái gốc để chủ động trước những sự duyên đó thì bỏ quên, không nắm chắc được. Thiền sư sống được với ông chủ, tự tại không bị vọng tưởng kéo lôi, không chạy theo vọng tưởng. Cho nên các ngài không thích thiên đường, không sợ địa ngục.

- Người không thấy tánh cũng được như vậy chăng?

- Tự chẳng thấy tánh chẳng phải không tánh. Vì sao? Thấy tức là tánh, không tánh thì không thể thấy. Thức tức là tánh, nên gọi thức tánh. Liễu tức là tánh, nên gọi liễu tánh. Hay sanh muôn pháp gọi là pháp tánh, cũng gọi là Pháp thân. Tổ sư Mã Minh nói: “Nói là pháp tức là tâm chúng sanh, nếu tâm sanh nên tất cả pháp sanh, nếu tâm không sanh, pháp không nương đâu sanh, cũng không danh tự.” Người mê không biết pháp thân không hình tượng hay ứng vật hiện hình, bèn nói: “Trúc biếc xanh xanh đồng là pháp thân, hoa vàng mịt mịt thảy đều Bát-nhã.” (Thanh thanh thúy trúc tổng thị pháp thân, uất uất hoàng hoa vô phi Bát-nhã.) Hoa vàng nếu là Bát-nhã, Bát-nhã tức đồng vô tình, trúc biếc nếu là pháp thân, pháp thân tức đồng cây cỏ. Như người ăn măng tức là ăn pháp thân.

Đây là cách lý luận của các vị thiền sư. Sở dĩ có thể nói ngang nói ngược, nói tới nói lui là vì các ngài đã thể nhập được pháp tánh, căn cứ trên pháp tánh thì nói cách nào cũng đúng. Nếu chưa sống được với pháp tánh, nói pháp thân dính pháp thân, nói pháp tánh dính pháp tánh, nói trần dính trần, nói cảnh dính cảnh, nói tâm dính tâm. Chúng sanh là như vậy.

Thiền sư khi đã thấy tánh có thể vận dụng ngay trong cuộc sống, trúc biếc hoa vàng đâu chẳng khác. Nghĩa là nhìn một cách thấu triệt, không gì ngoài pháp thân. Tất cả đều từ trí tuệ, từ tâm sanh ra, không có cái khác. Phàm phu nói trúc biếc là trúc biếc, hoa vàng là hoa vàng, sanh là sanh, tử là tử. Chưa vào được chỗ này cho nên nói đâu dính đó.

Ở đây ngài lý luận một loạt cho chúng ta thấy. Thấy tức là tánh, không tánh thì không thể thấy. Nghĩa là nếu không thể nhập, không hiện bày được pháp tánh thì không thấy. Thức tức là tánh, nên gọi thức tánh. Liễu tức là tánh, nên gọi liễu tánh. Hay sanh muôn pháp gọi là pháp tánh, cũng gọi là Pháp thân. Vì đã thể nhập pháp thân, tròn đầy pháp tánh cho nên nói tánh thức, pháp thân, Bát-nhã đều từ chỗ tánh. Nghĩa là trên chỗ giác ngộ, trên tính thể mà nói chứ không phải trên hình tượng, hình thức. Kẻ phàm phu nhìn ra thấy toàn hiện tượng. Từ hiện tượng hoặc xanh vàng, dài ngắn, đen đỏ… sanh vướng mắc. Người đã thấy tánh thì không vướng mắc những cảnh duyên ấy. Chỗ này chỉ có công phu tu hành mới vào được.

Những lối nói như thế đâu thể kể chép hết. Đối diện mê Phật nhiều kiếp mong cầu, trong pháp thể mà mê lầm, chạy tìm kiếm bên ngoài. Thế nên, người hiểu đạo đi đứng ngồi nằm đều là đạo, người ngộ pháp tung hoành tự tại đều là pháp.

Đó là đoạn trình bày về pháp tánh, pháp thân. Đối diện mê Phật nhiều kiếp mong cầu, trong pháp thể mà mê lầm, chạy tìm kiếm bên ngoài, đó là chúng sanh. Nghĩa là vác Phật đi tìm Phật, đang ở dưới sông mà kêu khát nước. Thế nên, người hiểu đạo đi đứng ngồi nằm đều là đạo, người ngộ pháp tung hoành tự tại đều là pháp. Khác hoàn toàn với chúng sanh phàm phu.

- Hư không hay sanh linh tri chăng? Chân tâm duyên thiện ác chăng? Người tham dục là đạo chăng? Người chấp phải quấy về sau tâm thông chăng? Người xúc cảnh sanh tâm có định chăng? Người trụ chỗ yên lặng có tuệ chăng? Người ôm lòng khinh người có ngã chăng? Người chấp không chấp hữu có trí chăng? Người tầm văn thủ chứng, người khổ hạnh cầu Phật, người lìa tâm cầu Phật, người chấp tâm là Phật, trí này hợp đạo chăng? Thỉnh Thiền sư mỗi mỗi vì đáp.

- Hư không chẳng sanh linh tri, chân tâm chẳng duyên thiện ác, người chìm sâu trong tham dục căn cơ cạn, người phải quấy lăng xăng chưa thông, người xúc cảnh sanh tâm ít định, người yên lặng quên hết là tuệ chìm, người khinh người cao mạn là ngã mạn, người chấp không chấp có đều ngu, người tầm văn thủ chứng thêm kẹt, người khổ hạnh cầu Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo, chấp tâm là Phật là ma.

Thiền sư Huệ Hải tuần tự trả lời từng câu hỏi của đại đức Uẩn Quang. Hư không chẳng sanh linh tri, bởi vì hư không vô tình nên không có linh tri. Chân tâm chẳng duyên thiện ác, nghĩa là sống được với chân tâm thì không bị thiện ác kéo lôi. Người chìm sâu trong tham dục căn cơ cạn, người phải quấy lăng xăng chưa thông, người xúc cảnh sanh tâm ít định đều là dạng người lăng xăng chuyện này chuyện khác, chạm cảnh khởi tâm thì ít được định.

Trái lại với dạng người lăng xăng, người yên lặng quên hết là tuệ chìm, mờ mờ mịt mịt, ngủ gà ngủ gật, thiệt là tối tăm. Người khinh người cao mạn là ngã mạn, người chấp không chấp có đều ngu. Tại sao ngu? Vì các pháp không thật mà chấp có chấp không, không phải ngu là gì. Người tầm văn thủ chứng thêm kẹt, người khổ hạnh cầu Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo, chấp tâm là Phật là ma. Rõ ràng như vậy.

- Nếu như thế thì rốt ráo không thể có?

- Rốt ráo là Đại đức, chẳng phải rốt ráo không thể có.

Uẩn Quang vui mừng lễ tạ.

Tuy sự kiện như thế nhưng nếu vững tâm tu hành, đầy đủ công phu thì sẽ nhận ra đạo lý, giác ngộ, kiến tánh. Tóm lại tất cả những tính chất cao quý, đặc biệt trong đạo đều phát xuất từ trong cái hiện có, nếu chúng ta biết nhận lại và hằng sống với nó. Người tầm văn thủ chứng, người ngã mạn… sẽ không bao giờ nhận được cái chân thật của mình.

Tọa chủ giảng kinh Duy-ma-cật hỏi:

- Kinh nói: “Lục sư v.v... ngoại đạo kia là thầy của ngươi, nhân kia xuất gia, thầy kia bị đọa ngươi cũng theo đó mà đọa. Người thí cho ngươi chẳng gọi phước điền, cúng dường cho ngươi đọa trong ba đường ác. Chê Phật, hủy Pháp, chẳng vào chúng số, trọn chẳng được diệt độ. Ngươi nếu như thế mới nên nhận thức ăn.” (kinh Duy-ma) Thỉnh Thiền sư vì giải thích.

Ở đây tọa chủ đưa ra những vấn đề vướng kẹt. Thật ra đối với đoạn kinh Duy-ma này, nếu không được nghe cách lý giải về tánh thể của nó thì khi đọc sẽ thấy lạ lùng, có khi mâu thuẫn. Bởi vì tánh lý và tánh thể có sự khác biệt nhau, chỗ này khi thì các ngài nói về vật thể, khi thì nói về tánh lý. Do đó nếu không sáng, không nhạy, không có trí tuệ sẽ không nhận nổi.

Sư đáp:

- Người mê chạy theo sáu căn gọi là lục sư, ngoài tâm cầu Phật gọi là ngoại đạo, thấy có vật để thí chẳng gọi phước điền, sanh tâm nhận cúng dường đọa ba đường ác. Người nếu hay chê bai Phật là chẳng dám cầu Phật, hủy báng pháp là chẳng dám cầu pháp, chẳng vào chúng số là chẳng dám cầu tăng, trọn chẳng được diệt độ là trí dụng hiện tiền. Nếu có người hay hiểu như thế liền được thức ăn thiền duyệt pháp hỷ.

Lục sư là người mê chấp chạy theo sáu căn, chứ không phải sáu căn chuyển thành trí tuệ. Chạy theo sáu căn như thế nào? Thí dụ hồi sáng đang làm công tác, một vị đi ngang nói câu gì không tốt, dính thêm tên mình trong đó. Nghe xong vẫn làm việc, vẫn ăn, nghỉ trưa, thức dậy, đi học. Nhưng câu nói ấy còn nằm đâu đây trong người. Học xong, vị đó sơ hở một chút là nó sẽ bung ra bất cứ chỗ nào. Bằng ánh mắt thì trợn lên, bằng miệng thì hét… Sáu căn biến thành sáu giặc. Lục sư đó.

Ngoài tâm cầu Phật gọi là ngoại đạo, chỗ này đa phần chúng ta dính chắc. Thấy có vật để thí chẳng gọi phước điền, nghĩa là cúng dường mà còn thấy có vật cúng, còn chấp nên không có phước đức. Sanh tâm nhận cúng dường đọa ba đường ác, độc hại ghê chưa? Vậy phải làm sao để khi nhận mà không sanh tâm?

Có một huynh đệ thưa: “Thưa thầy, thật sự nếu con không phải là người xuất gia, không gặp Phật pháp, không cố gắng tu hành, không biết gì về Phật pháp thì không bao giờ con dám nhận một vật gì, không bao giờ dám ăn một hột cơm của đàn-na thí chủ.” Lời nói rất có lý, phải không? Tu hành là vì giác ngộ, giải thoát nên mới dám nhận vật cúng dường. Những phẩm vật này đánh đổi từ sự đầu tư của người thí chủ. Cho nên nếu còn chấp có chấp không, còn thấy tốt xấu… thì bị đọa.

Tu hành không khéo dễ bị đọa lắm. Chư huynh đệ có ngán điều này không? Chư tổ thường nói, người tu như đang đi trên bờ vực thẳm, lơi lỏng một chút là ngã đổ. Xảy chân sa xuống đó toàn là rắn độc, yêu ma, quỷ mị… Nếu ai biết sợ thì phải đi trong chánh niệm, thật vững thật chắc. Nếu không biết sợ thì cứ chân hươu chân nai mà bước. Rơi rồi ráng chịu.

Người nếu hay chê bai Phật là chẳng dám cầu Phật, hủy báng pháp là chẳng dám cầu Pháp, chẳng vào chúng số là chẳng dám cầu Tăng, tức là muốn sống ở ngoài để được tự do. Trọn chẳng được diệt độ là trí dụng hiện tiền. Nếu có người hay hiểu như thế liền được thức ăn thiền duyệt pháp hỷ. Câu này đúc kết lại ý nghĩa cả đoạn.

Tóm lại phải có trí dụng hiện tiền, khi cần thì thọ dụng, thọ dụng để cố gắng tu hành, đền đáp bốn ân. Khi đã thật sự an ổn thì không cần đặt vấn đề tu hành hay cố gắng. Đó là cái dụng hiện tiền đặc biệt, muốn dùng được phải đầy đủ trí tuệ. Nên hay không nên, dùng hay không dùng, bước tới hay bước lui cần có trí tuệ quyết đoán. Có thể sắp xếp ổn định, xoay xở một cách khéo léo ngay trong sự việc gọi là trí dụng hiện tiền, hoặc người có thời trí. Nghĩa là khi đối duyên xúc cảnh từ việc tiếp xúc, đi lại, nói năng, nghỉ ngơi… cần thì nói, không cần thì thôi. Người như vậy nếu gặp được những bậc thầy, thiện hữu tri thức chỉ dạy thì sự tu hành tiến bộ rất nhanh.

Thí dụ có một Phật tử trí thức đủ duyên học đạo với nhiều vị tôn đức. Đồng thời cũng mất rất nhiều năm tháng cho việc tìm tòi, học hiểu nhưng chưa vừa lòng. Bỗng một hôm bạn bè rủ đi Vũng Tàu chơi, trên đường về ghé ngang một ngôi chùa. Nơi đó gặp được nhân duyên. Thầy Tri khách mời uống nước, nói chuyện đạo lý bình thường. Giới thiệu đây là chánh điện, nhà khách, sư phụ, huynh đệ cùng tu học… Vừa nghe xong, họ liền cảm thấy gần gũi, thân thiết. Nhân duyên hợp thời nên hiện bày đầy đủ như vậy.

Lại có Phật tử là tay chơi đá kỳ đặc, dám bỏ tiền mua từng khối đá lớn nhỏ về sắp kiểu đứng kiều ngồi đủ thứ. Khi tới đây thấy các cục đá nằm tự nhiên quá hay. Trong bụng thầm khen đâu đó thích hợp. Bước tới vài bước thấy một khóm đá nhỏ với vài cây cảnh đơn sơ. Dường như trong ấy hiện bày hình ảnh Bát Tiên đang ngồi luận đạo, Thất tử Toàn Chân đang luyện kiếm… Anh ta khoái chí quá chừng. Chỉ là những viên đá, nhưng dường như đã tạo nên dấu ấn trong lòng, rồi thích đến chùa. Từ đó gần gũi Phật pháp, phát huy được tâm Bồ-đề. Đôi khi một vài vật lạ xưa cũ dưới sự khéo léo sắp đặt bày trí của chủ nhân, nó trở thành sáng giá vô cùng. Cho nên huynh đệ chớ xem thường những đồ vật cũ kỹ, từ con dao xắt gọt trong nhà bếp, những bộ phản xưa cũ. Thấy vậy chứ giá trị lắm.

Như bây giờ huynh đệ chưa thấy giá trị của mình đâu, đợi tới lúc một trăm hai mươi tuổi, mình đã bỏ cái lớp này rồi, quay lại lớp sau là người trưởng thượng, mới nghe người ta ca tụng về nó. Không lâu đâu, khoảng chừng năm mươi năm nữa người ta sẽ ca tụng cái bếp của quý thầy cô: “Chà, cái bếp sao mà tiện nghi, hay hết cỡ. Nấu năm bảy miệng lò vậy mà không hao củi.”
Hồi đi Trung Quốc, chúng tôi đến một đạo tràng trên Ngũ Đài Sơn, xúm lại chỗ đề bảng hiệu “Nồi nấu cháo ngày xưa của các thiền sư.” Huynh đệ tưởng tượng nổi không, một cái hố vừa to vừa sâu. Ngày đó đại chúng quá đông nên phải xây nồi như vậy, chứ khoảng chừng một trăm mấy người như bây giờ thì nấu nồi bằng inox là được rồi. Thời Bồ-tát Văn Thù thị hiện chịu trách nhiệm nấu cháo ở nhà bếp. Chà! Nấu cho cả một hai ngàn người ăn, không thể tưởng tượng được.

Có những sự việc đương thời thấy bình thường nhưng vài mươi năm sau tưởng tượng không nổi. Mỗi thời điểm có sự sắp xếp và thành tựu khác nhau, trí tuệ nào làm ra được điều ấy. Nhà Phật gọi đó là thời trí, người ta có thể sử dụng một cách hữu hiệu trong thời điểm nhất định, thông qua công phu tu hành.

Đời sống tu hành cũng thế, không nên tính toán quá, chỉ càng thêm rắc rối mà kết quả lại không như ý. Dụng công như chư Tổ đã dạy đói thì ăn mệt thì ngủ. Đơn giản như vậy. Chúng ta chưa nhận nổi chỗ đó vì tới giờ ăn chưa chịu ăn, tới giờ ngủ chưa chịu ngủ, thành ra tu hoài chẳng an ổn tự tại gì cả.

Tọa chủ hỏi:

- Kinh Bát-nhã nói: “Độ chín loài chúng sanh đều vào Vô dư Niết-bàn”, lại nói: “Thật không chúng sanh được diệt độ”. Hai đoạn văn kinh này làm sao hội thông? Người xưa nay đều nói: “Thật độ chúng sanh mà chẳng nhận tướng chúng sanh”. Tôi còn nghi chưa giải quyết, thỉnh thiền sư vì giải thích.

Thật ra dù dễ tính đến đâu mà gặp người khách cứ quanh quẩn, lấn quấn kiểu này chắc mình cũng đổ quạu trong bụng, phải không? Điều này chứng tỏ tâm hoan hỷ của ta chưa phát, đức tùy hỷ chưa đủ, công phu chưa tới nên chưa giải quyết, việc chưa tròn. Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy phước tùy hỷ rất lớn. Thí dụ ta đang ngồi nghe pháp, có người đến sau liền nhường chỗ ngồi. Hoặc nghe người khác thành tựu điều gì, mình tùy hỷ vui theo. Phước từ đó sanh, nghĩa là lợi nhuận to hơn cái gốc.

Trong quá trình tu học, chúng ta tu tuệ là đúng rồi nhưng cần phải có thêm phước đức nhân duyên. Nếu phước kém quá thì khó mà thành tựu pháp này pháp khác. Cũng vậy, đốn ngộ đặc biệt rồi nhưng phải có công phu, thời khóa.

- Chín loài chúng sanh trong một thân đầy đủ, tùy tạo tùy hành: vô minh là noãn sanh (sanh bằng trứng), ôm ấp phiền não ở trong là thai sanh (sanh bằng bào thai), nước ái thấm ướt là thấp sanh (sanh chỗ ẩm ướt), nóng nảy khởi phiền não là hóa sanh (từ loài này hóa sanh loài khác). Ngộ tức là Phật, mê gọi là chúng sanh. Bồ-tát chỉ lấy tâm sanh niệm niệm làm chúng sanh, nếu rõ tâm ở trên bản tế (nguồn tâm) của mình mà độ lúc chưa hiện bày, chưa hiện bày đều không, tức biết thật không có chúng sanh được diệt độ.

Ở đây ngài giải thích, chín loài chúng sanh trong một thân đầy đủ, tùy tạo tùy hành: vô minh là noãn sanh tức sanh bằng trứng, ôm ấp phiền não ở trong là thai sanh, tức sanh từ bào thai, loại chúng sanh này trước khi được sanh ra đã chứa chất nhiều phiền não. Nước ái thấm ướt là thấp sanh tức sanh chỗ ẩm ướt, nóng nảy khởi phiền não là hóa sanh, nghĩa là từ loài này hóa sanh thành loài khác. Trong đông y có một loại côn trùng như vậy gọi là “đông trùng hạ thảo”. Mùa đông nó là con trùng rõ ràng, nhưng tới mùa hạ nó teo lại giống như cây cỏ.

Ngày xưa ở khu vực Thường Chiếu có rất nhiều loài trùng, chủ yếu là loại nhỏ xíu màu đỏ chỉ sống dưới lớp đất ẩm. Mỗi lần cuốc đất, xắn cục đất, bẻ ra đứt không biết bao nhiêu con, cảm giác dường như đất hóa thành nó. Huynh đệ hỏi nhau đố ai biết là con gì? Tôi nói đùa, đây là loài hóa sanh, nếu mình luôn nuôi dưỡng tham sân phiền não sẽ hóa sanh như thế. Tùy mức độ nặng nhẹ mà rơi vào các hầm hố khác nhau.

Thời này chung quanh khu Thường Chiếu hay bị cháy rừng. Mỗi lần như vậy có vô số sinh vật bị chết cháy, hiếm có con thoát được. Cho nên chỉ cần chứng kiến vòng sanh tử khốc liệt ngay đây cũng có thể giác ngộ. Thí như con diều hâu với cái thân không to lắm nhưng đôi cánh thật vững vàng. Nó chỉ hơi nhẹ nhẹ phất cánh lơ lửng chút thôi là có thể bay vút lên cao. Nhưng rồi nó cũng không thể thoát được bom đạn, tên bắn, thậm chí những viên đạn nhỏ của người thợ săn.

Trong đời sống có rất nhiều nhân duyên giúp chúng ta thấy đạo. Cho nên chuyện thành đạo và truyền đạo mọi thời mọi lúc của các vị thiền sư thật phổ biến. Thấy cây bá trước sân ngộ đạo, nghe tiếng gió thổi ngộ đạo. Thật ra kiến đạo không khó, nếu chúng ta hằng sống tỉnh sáng, thầm thầm nuôi dưỡng công phu liên tục. Khi ấy cảnh bên ngoài không còn trở ngại mà thành nhân duyên thù thắng.

Sư thượng đường dạy:

- Các ngươi may mắn tự khéo giữ cái vô sự. Kẻ nhọc nhằn tạo tác là mang cùm sa ngục chớ gì? Mỗi ngày từ sáng đến tối bôn ba nói: “Ta tham thiền học đạo, hiểu thấu Phật pháp”, như thế càng không dính dáng gì, chỉ chạy theo thanh sắc, biết khi nào dứt.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy, muốn vô sự thì đừng chạy theo vọng tưởng, đừng để vọng tưởng kéo lôi. Người vô sự thì trí dụng hiện tiền. Nghe biết nghe, ngửi biết ngửi. Nghe biết là chân tâm, ngửi biết là chân tâm, nói biết là chân tâm… Trí đang dùng là trí dụng, chừng nào tròn đầy thì thể nhập trí thể sáng suốt trùm khắp. Ở đây, thiền sư Huệ Hải nói phải vận dụng mọi thứ để được vô sự.

Kẻ nhọc nhằn tạo tác là mang cùm sa ngục. Chúng ta phải cố gắng thế nào để làm mọi việc mà không vướng mắc. Thí dụ, nấu một nồi cơm là tạo tác chứ gì. Nhưng nấu bằng tâm nguyện cúng dường các tôn giả tu hành nguyện thành Phật, nên chấp nhận việc tạo tác. Từ trí dụng này quay về hằng sống với thể chất đặc biệt. Ngay khi bước chân vào đạo phải hành trì như thế. Nếu không hiểu, ai cũng sợ mang cùm sa ngục thì chẳng ai làm việc, cứ ngồi trơ ra đó, cỏ mọc đầy vườn, mà cũng chẳng thành đạo nghiệp gì.

Thiền sư Huệ Hải dạy tiếp, mỗi ngày từ sáng đến tối bôn ba nói: “Ta tham thiền học đạo, hiểu thấu Phật pháp”, như thế càng không dính dáng, chỉ chạy theo thanh sắc, biết khi nào dứt. Trong lòng chưa rỗng rang sáng suốt, càng làm càng vướng mắc nên nói tham thiền học đạo cũng là một cách. Tại sao phải tham thiền học đạo? Vì muốn sống, muốn nhận lại chân tâm thanh tịnh của mình. Đặt vấn đề như vậy mới tham thiền học đạo, chứ không phải tham thiền học đạo khơi khơi. Tóm lại, muốn ngộ đạo, muốn thành Phật mới tham thiền học đạo.

Bần đạo đến tham vấn Hòa thượng ở Giang Tây (Mã Tổ), Hòa thượng dạy: “Kho báu nhà mình đầy đủ tất cả, sử dụng tự tại chẳng nhờ cầu bên ngoài.”

Thiền sư Huệ Hải kể lại lúc đến cầu Phật pháp nơi Mã Tổ, Tổ bảo kho báu nhà mình không đoái hoài, chạy lăng xăng bên ngoài tìm cái gì. Từ đó ngài ngộ ra bản tâm chân thật của mình.

Bần đạo từ đây thảy thôi, của báu của mình tùy thân thọ dụng, có thể nói sống thích thú, không một pháp có thể thủ, không một pháp có thể xả, chẳng thấy một pháp tướng sanh diệt, chẳng thấy một vật tướng qua lại, khắp mười phương thế giới không có vật nhỏ bằng hạt bụi nào mà chẳng phải của báu nhà mình. Chỉ tự quan sát kỹ càng, tâm mình một thể Tam Bảo, thường tự hiện trước, không thể nghi ngờ. Chớ suy xét, chớ tìm kiếm, tâm tánh xưa nay thanh tịnh.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, nếu hay hiểu như thế, chư Phật thường hiện tiền.” Kinh Tịnh Danh nói: “Quán thân thật tướng, quán Phật cũng vậy.” Nếu chẳng theo thanh sắc mà động niệm, chẳng theo tướng mạo mà sanh hiểu, tự nhiên vô sự. Đi! Chớ đứng lâu. Trân trọng!

Người xưa học đạo giản dị làm sao. Khi thầy nói của báu nhà mình không đoái hoài, chạy lăng xăng tìm cái gì. Ngay đó đệ tử quay lại, nhận ra. Một cách vào đạo.

Ở đây ngài dạy chúng ta chớ vọng tưởng lăng xăng điên đảo, chớ chạy ngược chạy xuôi... Người nào luôn sống được như thế tức làm chủ các dấy niệm, nhận được của báu vô lượng vô biên của chính mình. Cho nên không có vật nhỏ bằng hạt bụi nào chẳng phải của báu nhà mình. Muốn tiến đến chỗ đó, điều kiện thiết yếu là đừng nuôi vọng tưởng, đừng chạy theo vọng tưởng, không chấp nhận vọng tưởng.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, nếu hay hiểu như thế, chư Phật thường hiện tiền.” Tất cả các pháp chỉ là các pháp, không tự nói sanh, không tự nói diệt, không tự nói đẹp xấu... Đâu bao giờ chúng ta nghe đóa hoa đang nở cười lên rồi nói: “Tôi đẹp quá chừng”, cũng không cây bông nào tự giới thiệu tôi tên chiếu thủy, bạch tùng, thủy trúc… Không hề. Có chăng là do sự tưởng tượng của chúng ta. Thấy cây đang cười khi hoa nở, thấy cây mệt mỏi khi ngả nghiêng.

Tóm lại chúng ta phải sống và tu tập làm sao cho đầy đủ tỉnh lực. Không chạy theo vọng tưởng, không bị vọng tưởng kéo lôi thì trí dụng hiện tiền. Chỗ này Lục Tổ gọi là định tuệ đồng đẳng. Nấu cơm, rửa chén, quét nhà, tưới cây, tụng kinh, ngồi thiền, thuyết pháp… tất cả sinh hoạt luôn luôn ở trong trí dụng hiện tiền.

Những lời dạy của ngài Huệ Hải đều nhắm đến việc khơi lại trí dụng hiện tiền trong mỗi người. Ở đây ngài dẫn kinh Hoa Nghiêm để nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng sống với tánh giác. Hòa thượng Trúc Lâm từng dạy: “Tăng ni, Phật tử tu thiền phải làm sao sống được với tánh giác của mình. Sống được với tánh giác thì nội tâm mới tĩnh tại, an nhiên.” Ngài không nói tánh giác là gì, chỉ giải thích đơn giản là không chạy theo vọng tưởng, không bị vọng tưởng kéo lôi… Người được như thế tức hằng sống với tánh giác.

Nếu chẳng theo thanh sắc mà động niệm, chẳng theo tướng mạo mà sanh hiểu, tự nhiên vô sự. Đây là giải thích định nghĩa vô sự ở trên. Ngài nhắc nhở và dặn dò chúng ta phải vô sự. Không vì cảnh duyên mà động niệm, không theo hình thức mà hiểu thế này thế khác... Thí dụ nhìn hoa hồng biết là hoa hồng, tự nhiên vậy thôi.

Sở dĩ tôi nói hoa hồng đẹp, biết nó được đem từ bên Mỹ về, biết người trồng hoa phải vận dụng kiến thức cao rộng. Đại khái họ tưới bằng nước mắt chẳng hạn, cho nên tôi rất quý trọng nó. Tối đến thị giả đem vào để trên chỗ đầu nằm của thầy thì quá tốt. Rõ ràng như thế là tâm không sáng, duyên theo sự vật làm mất mình.

Thật sự hoa hồng đẹp cũng chỉ là một pháp, được kết cấu từ đài hoa và nhiều cánh hoa cuộn lại. Ai bày ra nó? Thay vì cuốn ngược, nó lại cuốn tròn, nhìn cũng xinh xinh. Rồi thêm chuyện người ta tạo duyên để nó phát triển. Có khi còn bảo hoa hồng đỏ tượng trưng cho mẹ, hoa hồng vàng tượng trưng cho sư tổ, sư phụ… Chúng ta ngồi đây đâu ai nghe hoa hồng nói điều gì, phải không. Nó là loài vô tình thì làm sao có thể nói được. Tất cả đều từ con người đặt tên này tên khác. Từ đó phát sanh bao nhiêu thứ khổ, bao nhiêu chuyện tào lao.

Chỉ có người tu mới thấy thực thể của các pháp, mới thoát được những dây mơ rễ má ràng buộc. Mong rằng chư huynh đệ một nghe ngàn ngộ. Cách ngộ của chư vị thiền sư là nói cái tay hiểu cái chân, biết bản chất sự vật không thật, không chạy theo không vướng mắc, vô sự.

Trong nhà thiền có những giờ thăng đường chính gọi là đại tham, hoặc buổi sáng hoặc buổi chiều, tùy theo pháp hội. Thí dụ pháp hội của thiền sư Huệ Hải ở vùng khí hậu mát mẻ. Buổi sáng từ sáu giờ sáng tới mười một giờ trưa, đại chúng đến tham vấn lần một. Chiều lại sau giờ thiền, nghe tiếng kiền chùy tập trung đại chúng, thỉnh Hòa thượng thăng tòa lần hai, đây cũng là thời đại tham.

Giả tỷ trong giờ tham vấn chiều hôm nay có nhiều hành giả sém sém ngộ đạo mà chưa vào cửa được. Tối lại sau giờ tọa thiền, tri sự kích kiền chùy họp đại chúng, thỉnh Hòa thượng lên pháp tòa một lần nữa, đây là thời tiểu tham. Lần này thời giờ không nhiều, Hòa thượng đã mệt cho nên mọi người trình bày ngắn gọn. Nếu ai lôi những con rắn độc trong tâm ra thì Hòa thượng sẽ cho ăn hèo.

Thiền sư Lâm Tế, thiền sư Đức Sơn là những vị đại thiền sư thường sử dụng chiêu thức đặc biệt. Hỏi mà đệ tử chưa vào cửa được thì quất hèo đẩy ra, không cần nói một tiếng. Có nói cũng chỉ là một cách ứng xử, không ai theo kịp. Thí dụ đêm tham vấn hôm đó nhà nước cúp điện, ngài Lâm Tế bảo: “Hôm nay nhà tối. Các vị không được thưa hỏi.” Một vị tăng vừa quỳ xuống lạy, ngài nhảy lên lưng ngồi thộp cổ. Vị tăng hết hồn thưa: “Ngài nói không cho thưa hỏi, con mới vừa đảnh lễ thôi.” Ngài đáp: “Nếu để ông thưa hỏi làm sao kịp.” Nghĩa là dẹp sạch vọng tưởng, nghỉ ngơi, chuẩn bị sức khỏe ngày mai làm việc. Vô sự.

Tuy rằng trí của mình không phải là trí dụng hiện tiền, hiểu biết cũng chẳng phải hiểu biết thực sự. Nhưng nhân duyên chư huynh đệ được sống trong tùng lâm, thấm nhuần cách sinh hoạt của các bậc tôn đức sẽ cảm thấy thích thú vô cùng. Từ việc nằm nghỉ, ăn cơm, lao tác, tụng kinh, tọa thiền… đều tiêu sái, thấu triệt, vô sự mà chỉ đương sự mới nhận ra được.

Điều này không thể giải thích cho người khác hiểu, nếu có cũng chỉ để cười chơi. Tôn giả nào lý thuyết hay, nói chuyện duyên thì giải thích lý thú cho thiên hạ nghe. Từ đó mở ra cánh cửa cho họ vào đạo. Ngài Lâm Tế khi sử dụng những chiêu thức khác thường, chỉ muốn các hành giả hiện diện nơi pháp hội nhận ra yếu chỉ sâu sắc, quý báu mà thôi.

Sư hỏi:

- Các ngươi vì cớ sao ở đây mãi không đi? Bần đạo đã đối diện trình nhau, lại chịu thôi chăng? Có việc gì khả nghi? Chớ lầm dụng tâm uổng phí khí lực. Nếu có nghi ngờ, các ngươi tùy ý thưa hỏi.

Thấy đại chúng nhóm họp mãi không giải tán, ngài bảo còn có việc gì cứ thưa hỏi.

Có vị tăng hỏi:

- Thế nào là Phật? Thế nào là Pháp? Thế nào là Tăng? Thế nào là một thể Tam Bảo?

Một thể Tam bảo tức là đồng thể Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

Sư đáp:

- Tâm là Phật, chẳng cần đem Phật cầu Phật, tâm là Pháp, chẳng cần đem pháp cầu pháp, Phật Pháp hòa hợp không hai là Tăng, tức là một thể Tam bảo. Kinh nói: “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không khác.” Thân khẩu ý thanh tịnh gọi là Phật ra đời, ba nghiệp không thanh tịnh gọi là Phật diệt độ. Dụ như khi giận thì không vui, khi vui thì không giận. Chỉ là một tâm, thật không hai thể. Bản trí sẵn vậy, vô lậu hiện tiền, như rắn hóa thành rồng không đổi vảy, chúng sanh hồi tâm thành Phật chẳng đổi mặt. Tánh vốn thanh tịnh chẳng đợi tu hành, có chứng có tu tức đồng người tăng thượng mạn. Chân không chẳng kẹt, ứng dụng không cùng, không thủy không chung. Người lợi căn đốn ngộ dụng không thứ bậc, tức là A-nậu-bồ-đề (Vô thượng Chánh giác). Tâm không hình tướng tức là Sắc thân vi diệu.

Ở đây, thiền sư Huệ Hải đã giải thích quá rõ ràng và đầy đủ ý nghĩa Phật, Pháp, Tăng và một thể Tam bảo.

Tâm là Phật, chẳng cần đem Phật cầu Phật, tâm là Pháp, chẳng cần đem pháp cầu pháp, Phật Pháp hòa hợp không hai là Tăng, tức là một thể Tam bảo. Đây là cách học pháp số dễ hiểu và nhớ sâu nhất.

Kinh nói: “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không khác.” Thân khẩu ý thanh tịnh gọi là Phật ra đời, ba nghiệp không thanh tịnh gọi là Phật diệt độ. Dụ như khi giận thì không vui, khi vui thì không giận. Chúng sanh có khi giận mà vui, vui mà giận, vừa vui vừa giận. Cho nên người ta hay nói vui thì vui mà giận thì giận.

Chỉ là một tâm, thật không hai thể. Bản trí sẵn vậy, vô lậu hiện tiền, như rắn hóa thành rồng không đổi vảy, chúng sanh hồi tâm thành Phật chẳng đổi mặt. Thật ra khi nói về tứ linh: long, lân, quy, phụng, bốn con vật lớn này chỉ là do tưởng tượng thôi. Thí dụ con rồng, lâu nay đâu ai thấy nó. Nhưng người Trung Hoa xưa cho rằng mình thấy được con rồng. Từ đó họ vẽ rồng đen, rồng vàng, gán cho nó những biểu trưng. Giả tỷ lấy rồng biểu trưng cho vua.

Cũng vậy, Phật đã diệt độ cách đây 2.558 năm, chúng ta không thể nhận ra dáng dấp và dung nghi của ngài. Nhưng khi thấy chư vị tăng ni với lễ phục vàng thì biết đó là đệ tử của Phật. Màu áo này biểu trưng cho giáo pháp, tinh thần giác ngộ của đạo Phật. Trước khi gặp Phật, đối diện với Phật, trình bạch với Phật điều gì đó, mới đến cửa đạo tràng chúng ta đã được diện kiến hình ảnh chư tăng ni với những pháp phục đặc trưng riêng.

Hoặc chưa biết tên chùa nhưng thấy chư tăng với y vàng rực rỡ, chư ni cũng trang nghiêm thanh tịnh thì biết nơi này có mặt hàng đệ tử của đức Thế Tôn. Dĩ nhiên nơi đó cũng có cả đức Thế Tôn bên trong. Giống như nơi nào còn xá-lợi Phật thì còn Tam bảo, còn giới luật, còn Phật pháp. Đó là những biểu trưng.

Tánh vốn thanh tịnh chẳng đợi tu hành, có chứng có tu tức đồng người tăng thượng mạn. Nghĩa là nếu cố chấp vào chứng vào tu thì không đến đâu, lại rơi vào lỗi tăng thượng mạn.

Chân không chẳng kẹt, ứng dụng không cùng, không thủy không chung. Người lợi căn đốn ngộ dụng không thứ bậc, tức là A-nậu-bồ-đề (Vô thượng Chánh giác). Người đốn ngộ là người đại căn, tức đã nhận ra, đạt đến và sống được như vậy.

Tâm không hình tướng tức là Sắc thân vi diệu. Sắc đây là vô biểu sắc, tức cái không hình tượng, là sắc thân vi diệu.

Không tướng là thật tướng pháp thân. Thể tánh tướng đều không tức là thân hư không vô biên. Muôn hạnh trang nghiêm tức là công đức Pháp thân. Pháp thân này là gốc của muôn hóa, tùy chỗ đặt tên: trí dụng không hết gọi là Vô tận tạng (kho không hết), hay sanh muôn pháp gọi là Bản pháp tạng (kho gốc các pháp), đủ tất cả trí gọi là Trí tuệ tạng (kho trí tuệ), muôn pháp về như gọi là Như Lai tạng (kho Như Lai). Kinh nói: “Như Lai đó, tức nghĩa như của các pháp”, lại nói: “Tất cả pháp sanh diệt thế gian, không có một pháp nào chẳng về như.”

Đoạn chót này thiền sư Huệ Hải nói rõ về tính thể, pháp thân, thanh tịnh, chân như.

Sư thọ bao nhiêu tuổi, tịch lúc nào và nơi nào, chẳng thấy ở đâu ghi.

Ngài ra đi thật tự tại.

Phần đầu sử liệu về thiền sư Huệ Hải có giới thiệu, sau khi ngộ đạo nơi Mã Tổ, ngài ở lại hầu Tổ sáu năm. Khi hay tin bổn sư bệnh nặng phải về phụng dưỡng, từ đó ngài ghi lại những điều tâm đắc của mình thành quyển luận lấy tên “Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận”. Một người trong dòng tộc đem trình với Mã Tổ, Tổ ấn chứng. Sau này tùy duyên ngài ra giáo hóa.

Đây là chỗ chư huynh đệ nên lưu ý để sau này chúng ta chuẩn bị. Rõ ràng điều quan trọng đối với một người tu sĩ là phải đạt đạo. Trong thời gian hành đạo, điều quan trọng là công phu đắc lực. Chỗ đến là kiến đạo, kiến tánh, chỗ hoàn chỉnh nhất là giác ngộ giải thoát, không dính mắc, tự tại vô ngại đối với tất cả các pháp. Người đó đã thể nhập pháp thân, thể nhập được tâm xưa nay rỗng rang sáng suốt. Đó là một giai đoạn.

Đến giai đoạn hoằng hóa ngài cũng tùy duyên chứ không tổ chức sắp xếp trước. Người hữu duyên đến tham học, ngài làm tròn bổn phận một cách xứng đáng, thích hợp bằng trí dụng hiện tiền, không mời mọc, không kêu gọi.

Tăng sĩ từ bốn phương tùy duyên tìm đến đạo tràng tu học. Hoặc đã xong việc, hoặc chưa xong việc, đến nương thầy tổ để nuôi dưỡng, củng cố đạo tâm. Sau khi đã vào cửa được, lời thỉnh cầu đầu tiên của tất cả các hành giả là con làm sao bảo nhiệm cái đó. Điểm này chư huynh đệ cần lưu ý. Nêu lên ý đó thì được ở lại nhập chúng, tu tập. Thời gian bao lâu, một năm hai năm, không đặt vấn đề. Cho nên có vị một mùa hạ ra đi, hoặc giữa mùa hạ, một ngày, một tuần chẳng hạn. Không biết trước, tự tại.

Ngày nay chúng ta còn rất nhiều ương yếu càn dở trong lòng, cho nên cần nương nhau một thời gian nhất định. Phải có thời khóa tu tập và pháp lý để sống, từ đó có thêm những luật lệ, nội quy và phương cách xử lý. Có thể nói thiền sư Huệ Hải dạy vô sự mà chúng ta đa sự, bởi vì tổ chức của mình đa sự. Cho nên phải cố gắng tìm cách thoát khỏi.

Nếu thiền viện chỉ khoảng năm ba thầy trò thì có thể giảm bớt những quy chế rườm rà. Tuy nhiên nếu là viện cả trăm người, nay người này đến mai người kia đi thì phải có nội quy. Mỗi tháng đọc thanh quy một hoặc hai lần, sau đó đến lượt mọi người thỉnh cầu. Nghĩa là xin được trình bày những điều mình thấy không ổn, còn sơ suất để cầu thầy bạn, bậc thiện hữu tri thức hiện diện chứng minh, chỉ dạy. Kiểu của chúng ta là vậy cho nên càng ngày càng đa sự. Chính những đa sự đó làm chướng ngại việc hành đạo. Nhưng nếu không có thanh quy, những con người ngang ngược, không thích chấp hành quy củ, sau này sẽ trở thành những con người hóa vảy, hớp gió tụ mây, lượn qua lượn lại khắp trời, phá rối thiên hạ, chẳng chịu tu hành.
 

[ Quay lại ]