headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 17/04/2024 - Ngày 9 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Hoài Hải

tshoaihai1. Thiền sư Hoài Hải
(Bách Trượng) (724 – 814)

Sư họ Vương, quê ở Trường Lạc, Phước Châu. Lúc bé theo mẹ đi chùa lễ Phật, Sư chỉ tượng Phật hỏi mẹ: - Đây là gì? Mẹ bảo: - Phật. Sư nói: - Hình dung không khác với người, con sau cũng sẽ làm Phật. Sư xuất gia vào thuở bé và hằng chuyên cần tu học giới định tuệ.

Sau, Sư đến tham học với Mã Tổ (Đạo Nhất) được làm thị giả. Mỗi khi thí chủ đem trai phạn đến, Sư vừa giở lồng bàn ra, Mã Tổ liền cầm nửa cái bánh chỉ chúng hỏi: “Đây là gì?” Như thế mãi đến ba năm.

Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải quê ở huyện Trường Lạc tỉnh Phước Châu - Trung Quốc, là người có túc duyên sâu dày với Phật pháp. Được theo mẹ đến chùa lễ Phật, trong lòng muốn làm Phật. Ngài xuất gia lúc còn rất nhỏ và thường chuyên cần tu học giới định tuệ. Sau đến tham học với Mã Tổ Đạo Nhất, được tiến cử nhiệm vụ thị giả. Mỗi khi bưng mâm thức ăn thí chủ cúng dường đến, Mã Tổ cầm nửa cái bánh lên hỏi đại chúng đây là gì. Như thế trong suốt ba năm.

Một hôm, Sư theo hầu Mã Tổ đi dạo, thấy một bầy vịt trời bay qua.

Mã Tổ hỏi:

- Đó là cái gì?

Sư thưa:

- Con vịt trời.

- Bay đi đâu?

- Bay qua.

Mã Tổ bèn nắm lỗ mũi Sư kéo mạnh, đau quá Sư la thất thanh.

Mã Tổ bảo:

- Lại nói bay qua đi.

Ngay câu ấy, Sư tỉnh ngộ.

Hòa thượng Trúc Lâm thường gọi những nhân duyên như thế là kỳ đặc, một lần đau điếng nhớ suốt đời. Hai thầy trò đi dạo, thấy vịt trời bay qua, Tổ hỏi bay đi đâu, ngài đáp một cách tự nhiên bay qua. Liền khi đó Tổ nắm lỗ mũi vặn một cái đau thấu trời, ngài thất kinh la lên. Tổ bảo “lại nói bay qua đi”, ngay đó ngài tỉnh ngộ.

Nếu đã bay qua thì làm sao biết đau, mất rồi thì làm sao biết đau, cho nên ngay chỗ đó ngộ. Cái ngộ này thật dễ nhận phải không? Mã Tổ nhéo lỗ mũi ngài Bách Trượng một cái đau thấu xương để nhắc ngài sống lại cái tánh biết của mình. Ngài đau quá la thất thanh là vì có cái biết đau. Cũng vậy thấy bay qua là vì có cái biết thấy. Cái tánh biết này luôn hiện hữu, cớ sao chạy theo hình ảnh bên ngoài mà quên mất nó. Vì thế Tổ bảo “lại nói bay qua đi”. Ngay câu nói này ngài tỉnh ngộ.

Trở về phòng thị giả, Sư khóc lóc rất thống thiết. Những người đồng liêu nghe, hỏi:

- Huynh nhớ cha mẹ phải chăng?

Sư đáp:

- Không.

- Bị người ta mắng chửi chăng?

- Không.

- Tại sao khóc?

- Lỗ mũi tôi bị Hoà thượng kéo đau thấu xương.

- Có nhân duyên gì không khế hội?

- Huynh hỏi Hoà thượng đi.

Những vị ấy đến hỏi Mã Tổ:

- Thị giả Hải có nhân duyên gì chẳng khế hội ở trong phòng khóc, xin Hoà thượng vì chúng con nói.

Mã Tổ bảo:

- Y đã khế hội, các ngươi tự hỏi lấy y.

Các vị ấy về phòng hỏi:

- Hoà thượng nói huynh đã hội, bảo chúng tôi về hỏi huynh.

Sư bèn cười: Hả! Hả!

Các vị ấy bảo:

- Vừa rồi khóc, sao bây giờ cười?

Sư đáp:

- Vừa rồi khóc, bây giờ cười.

Các vị ấy mờ mịt không hiểu.

Việc này chỉ có thị giả Hải và Mã Tổ biết. Bởi vì vào được chỗ đó chỉ thầy và trò biết thôi. Cho nên hỏi qua hỏi về, hỏi thầy thì bảo đến hỏi trò, hỏi trò thì bảo tới hỏi thầy.

Hôm sau, Mã Tổ vừa lên tòa, chúng nhóm họp xong, Sư bước ra cuốn chiếu. Mã Tổ xuống tòa, Sư theo sau đến phương trượng.

Mã Tổ hỏi:

- Ta chưa nói câu nào, tại sao ngươi cuốn chiếu?

Sư thưa:

- Hôm qua bị Hòa thượng kéo chót mũi đau.

- Hôm qua ngươi để tâm chỗ nào?

- Chót mũi ngày nay lại chẳng đau.

- Ngươi hiểu sâu việc hôm qua.

Sư làm lễ, lui ra.

Mã Tổ vừa lên tòa, chúng nhóm họp xong, ngài Bách Trượng bước ra cuốn chiếu. Mã Tổ xuống tòa đi thẳng về phương trượng, ngài theo sau đến phương trượng. Những hành động này biểu hiện rõ ràng ngài đã xong việc. Tổ gạn hỏi lại việc hôm qua, đồng thời ấn chứng một cách khéo léo ngươi hiểu sâu việc hôm qua. Vì thế ngài lễ tạ rồi lui ra.

Đứng hầu Mã Tổ, Sư thấy phất tử (đồ quét bụi) ở góc giường, Sư bèn hỏi:

- Tức đây dùng, lìa đây dùng?

Mã Tổ bảo:

- Về sau ngươi mở miệng sẽ lấy cái gì vì người?

Sư cầm phất tử dựng đứng.

Mã Tổ hỏi:

- Tức đây dùng, lìa đây dùng?

Sư để phất tử lại chỗ cũ.

Mã Tổ nghiêm chỉnh nạt một tiếng, đến ba ngày Sư còn điếc tai.

Lại một lần khác, Tổ thể hiện cơ phong bén nhạy, dẫn dắt đệ tử nhận được cái chân thật hiện tiền của sự việc. Tổ nghiêm chỉnh nạt một tiếng khiến ngài Bách Trượng điếc tai đến ba hôm sau. Chỉ có các bậc thầy như vậy mới huấn luyện và đào tạo được những người đệ tử xứng đáng.

Đó là một số nhân duyên ngộ đạo rất bình thường. Không có chuyện thầy lên pháp tòa giảng, trò ngồi dưới nghe rồi ngộ đạo. Hoặc thầy bảo làm bài luận để chấm điểm ngộ đạo. Ngộ ở đây là từ những biểu hiện trong sinh hoạt đời thường. Lúc đi dạo với thầy hoặc lúc ngay nơi sự việc hàng ngày thầy chỉ dạy được ngộ. Ở đây, cuối cùng ngài Bách Trượng được thầy soát xét lại và ấn chứng “ngươi hiểu sâu việc hôm qua”, ngài tự khẳng định “chót mũi ngày nay lại chẳng đau”.

Sau, Sư về núi Đại Hùng ở Hồng Châu. Ngọn núi này cao vót đến trăm trượng nên thời nhân gọi Sư là Bách Trượng. Bốn phương học giả đua nhau đến tham học rất đông. Trong số học chúng có Thiền sư Hy Vận và Linh Hựu là hàng đầu.

Sau này ngài về sống tại núi Đại Hùng ở Hồng Châu. Ngọn núi này cao chót vót đến trăm trượng nên người đời gọi ngài là thiền sư Bách Trượng. Nơi đây học giả khắp nơi tụ họp về rất đông, thiền sư Hy Vận tức ngài Hoàng Bá và thiền sư Linh Hựu tức ngài Qui Sơn, là hai trong những vị đệ tử nổi tiếng của thiền sư Bách Trượng.

Một hôm, Sư bảo chúng:

- Phật pháp không phải là việc nhỏ, Lão tăng xưa bị Mã Tổ một nạt đến ba ngày lỗ tai còn điếc.

Hy Vận nghe nói bất giác le lưỡi.

Sư bảo:

- Con về sau thừa kế Mã Tổ chăng?

Hy Vận thưa:

- Không. Nay nhân Hòa thượng nhắc lại, con được thấy Mã Tổ đại cơ đại dụng, nhưng vẫn không biết Mã Tổ. Nếu con thừa kế Mã Tổ, về sau mất hết con cháu của con.

Sư bảo:

- Đúng thế, đúng thế, thấy bằng với thầy là kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn thầy mới kham truyền trao. Con hẳn có cái thấy vượt hơn thầy.

Hy Vận liền lễ bái.

Đây là sự duyên ngài Bách Trượng nhắc lại chuyện bị một tiếng nạt của Mã Tổ điếc tai đến ba ngày. Ngài Hy Vận bất giác le lưỡi. Thiền sư Bách Trượng rất tinh nhạy, biết vị đệ tử này đã nhận ra đại cơ đại dụng của Tổ, xứng đáng là người đã xong việc. Cho nên gạn hỏi, ngươi nhận được ý Tổ, có thể kế thừa chăng? Ngài Hy Vận thưa không, bởi vì tuy thấy được đại cơ đại dụng nhưng Mã Tổ đã qua đời nên đâu biết ngài. Nếu thừa kế tức là sự nghiệp không tiến tới mà thụt lùi lại đời ông nội. Không còn Tổ để được ấn chứng, vì thế con cháu sau này mờ mịt không biết truyền thống lúc trước. Nên nói nếu thừa kế Mã Tổ, về sau mất hết con cháu.

Thiền sư Bách Trượng ấn khả cho ngài Hy Vận hẳn có cái thấy vượt hơn mình, thấy bằng với thầy là kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn thầy mới kham truyền trao. Ngài Hy Vận liền lễ bái. Hành động này biểu hiện sự thầm nhận lời dạy chân thiết của bậc thầy. Giả sử trong chúng đây có vị ra hoằng hóa, được Phật tử cúng đất xây dựng thiền viện, thu nhận đệ tử mấy trăm, pháp hội giảng dạy đông hơn một ngàn như hiện nay. Nhưng sự thực tính ngang chỗ đó thì đã thua thầy nửa đức, bởi trước đó thầy mình đã thành tựu giống vậy rồi. Cho nên các bậc thầy luôn luôn muốn đệ tử phải vượt hơn mình thì khả năng kế thừa mới đạt kết quả tốt.

Lại một hôm, có vị Tăng vừa đi vừa khóc, thẳng vào pháp đường. Sư hỏi:

- Làm gì?

Tăng thưa:

- Cha mẹ đồng thời chết, thỉnh Thầy chọn ngày.

Sư bảo:

- Ngày mai đồng thời chôn.

Câu chuyện của vị tăng này thật không phải bình thường, trong đó hàm chứa ý nghĩa sâu xa. Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói cha vô minh mẹ tham ái. Vị tăng vừa đi vừa khóc tiến thẳng vào pháp đường thưa cha mẹ đồng thời chết, thỉnh thầy chọn ngày. Thiền sư Bách Trượng dạy ngày mai đồng thời chôn, tức là ngu si và tham ái cả hai đều hết rồi. Tuy các ngài không nói rõ chi tiết nhưng rất thấu hiểu nhau.

Sư mỗi khi thượng đường dạy chúng có một ông già theo chúng nghe pháp. Hôm nọ, chúng ra hết chỉ còn ông già không đi. Sư hỏi:

- Ông là người gì?

Ông già thưa:

- Con chẳng phải người. Thời quá khứ thuở đức Phật Ca-diếp, con làm tăng ở núi này, nhân học trò hỏi: “Người đại tu hành lại rơi vào nhân quả chăng?” Con đáp: “Không rơi vào nhân quả”. Do đó, đến 500 đời đọa làm thân chồn. Nay thỉnh Hòa thượng chuyển một câu nói để con thoát khỏi thân chồn.

Sư bảo:

- Ông hỏi đi.

Ông già hỏi:

- Người đại tu hành có rơi vào nhân quả chăng?

Sư đáp:

- Không lầm nhân quả.

Ngay câu nói ấy, ông già đại ngộ, làm lễ thưa:

- Con đã thoát thân chồn. Con ở sau núi, dám xin Hòa thượng lấy theo lễ Tăng chết mà tống táng con.

Thường mỗi khi pháp hội giảng xong, mọi người đều ra về. Hôm đó thấy một người chưa lui, thiền sư Bách Trượng biết đây không phải là người thường, bèn hỏi ông là người gì? Ông thưa con chẳng phải là người. Thời quá khứ thuở đức Phật Ca-diếp, ông làm tăng ở núi này, nhân học trò hỏi: “Người đại tu hành lại rơi vào nhân quả chăng?”, đáp: “Không rơi vào nhân quả”. Một câu nói sai lầm đối với nhân quả, do vậy ông bị đọa làm thân chồn đến 500 đời.

Tôi không biết một đời chồn sống được bao nhiêu năm, chỉ nghe nói hồ ly sống tới mấy ngàn năm. Mấy ngàn năm mà ở trong cái lớp này quả thật quá mệt mỏi. Năm trăm đời ông đã phải đội lớp thân chồn, cho nên hôm nay thỉnh Hòa thượng vì nói phá một câu để thoát khỏi hình thức đó.

Thiền sư Bách Trượng bảo ông hỏi lại câu đó, rồi đáp Không lầm nhân quả. Hai cách trả lời khác nhau hoàn toàn, bên kia là không rơi vào nhân quả, bên đây là không lầm nhân quả. Ngay câu nói này, ông già đại ngộ, rồi xin Hòa thượng lấy theo lễ tăng chết mà tống táng một con chồn ở sau núi.

Sư vào trong kêu Duy-na đánh kiểng bảo chúng ăn cơm xong đưa đám một vị tăng, đại chúng nhóm nhau bàn tán: “Đại chúng đều mạnh, nhà dưỡng bệnh không có người nào nằm, tại sao có việc này?”

Sau khi ăn cơm xong, Sư dẫn chúng đến hang núi phía sau, lấy gậy khơi lên thấy xác một con chồn vừa chết, bèn làm lễ thiêu như vị tăng.

Tại pháp hội của thiền sư Bách Trượng trong giai đoạn này đại chúng đều khỏe mạnh, vui vẻ, không có người bệnh. Đây là phúc duyên của người lãnh đạo nói riêng và đại chúng nói chung. Giả tỷ nếu tôi là người đứng đầu trong viện, bữa nay huynh đệ có người này đi cấp cứu, nửa đêm người kia đi cấp cứu thì biết phước của mình rất kém. Chắc rằng ngày xưa sát hại sinh vật vô lượng vô biên cho nên bây giờ ảnh hưởng theo báo nghiệp. Vì thế đệ tử bệnh liên miên, cạo gió, đánh gừng, ăn cháo v.v… chẳng hạn. Phước duyên của ngài nhiều nên bản thân khỏe mạnh, đại chúng an ổn.

Hòa thượng kêu Duy-na, tức là vị đứng đầu trong chúng đánh kiểng, bảo mọi người ăn cơm xong đưa đám một vị tăng. Ngày xưa mỗi khi đi tụng kinh, vị duy na dẫn chúng tụng niệm đồng thời cũng dẫn chúng luôn trong tất cả các công việc. Hiện nay chúng ta tổ chức khoa học nên mọi việc được sắp xếp gọn và dễ dàng hơn. Ngoài vị thủ chúng còn có vị tri sự, phó tri sự. Hoặc ở trù phòng có tổng khố, phó tổng khố, tri khố chẳng hạn. Vì thế việc sinh hoạt đều đặn không bị tồn đọng.

Giả tỷ buổi sáng trị nhật ngủ quên, xuống trễ một chút thì đã có tri khố nhúm lửa giùm. Sau đó hai huynh đệ tri khố và phó tri khố cùng làm việc vui vẻ với mọi người, không có vấn đề gì. Cũng không hề có chuyện tri khố ngủ quên, phó tri khố xuống đứng chống nạnh la hét: “Giờ này mà chưa nhúm lửa!” chẳng hạn.

Ngày nay chúng ta cũng sắp đặt các chức danh để giải quyết công việc cho ổn định giống như tùng lâm ngày xưa. Nhưng rõ ràng thời đó chư tăng phải vất vả, nhọc nhằn và hy sinh nhiều hơn bây giờ. Cách tổ chức của chúng ta là chia chẻ mọi việc đều cho tất cả. Thí dụ việc nhen lửa thì hồi chiều đã có người lo củi đem vào trong bếp, cần nước đã có vị trị thủy dẫn nước tới. Cần gạo, người chịu trách nhiệm trong kho đã đong và giao cho. Mình chỉ sẵn đó mà làm. Có khi nổi lửa lên, bắt ghế ngồi thuyết pháp chẳng hạn. Một hồi lửa cháy cạn nước cũng không hay. Đối với những trường hợp vui khó tưởng này, đôi khi người chịu trách nhiệm không còn có lời để nói.

Trong tùng lâm thường hay diễn ra những tuồng tích ngoài ước tính của chúng ta. Giả tỷ tết sắp đến mà tùng lâm chiều cuối đông thiếu thốn mọi mặt. Nhưng cuối cùng cũng có vài vị thí chủ hỗ trợ cho mình ít lá và đậu nếp. Huynh đệ xúm nhau làm bánh, gói cột xong xuôi đưa vào nồi nấu. Người sắp bánh, kẻ đun lửa, đậy nắp, khóa thùng đủ thứ. Xong rồi bốc lửa lên, đồng hồ áp suất chạy đều đều, nghe mùi bánh thấy ngon. Một hồi có người đem trà tới, nhắm trà vào nói đủ thứ chuyện. Quên thời gian, cứ ngồi đó nhắm bình này cạn tới bình kia, chén thù chén tạc. Bỗng nhiên nghe nổ một cái ầm, thùng bánh tét lủng đáy, cháy hết trơn hết trụi. Thiên hạ phát đại ngộ!

Thế là huynh đệ kêu nhau: “Mau! Mau! Gom lại, đừng để Thầy biết. Kêu xe chất cái thùng lên chạy!”. Chiều hai mươi tám tết, các cơ sở sửa chữa nghỉ hết. Có một vị chợt nhớ ra chỗ của người anh nên chở thẳng đến đó năn nỉ: “Anh phải làm cho được”. Ông anh huy động mọi người cùng làm, cưa hết phần đáy nồi bị cháy rồi hàn lại cái mới đàng hoàng. Xong xuôi chở về chùa. Bánh đâu nữa mà cho vào? Xúm nhau làm lại bánh khác. Vừa làm vừa cười. Thầy xuống đâu biết chuyện gì, thấy còn đang gói hỏi:

- Ủa, sao hồi chiều xong rồi mà?

- Bạch Thầy, chuyến này mình ăn Tết lớn.

Bánh được đưa vào nấu tới bảy tám giờ sáng mai cũng rồi. Mọi người đều sợ ba ngày tết bị rầy xui xẻo nên giấu nhẹm, chờ qua mấy ngày đầu xuân mới khai thiệt. Sống tập thể tại tùng lâm có nhiều chuyện dở khóc dở cười như vậy. Nhưng mà vui. Những điều này nếu chúng ta thực sự cởi mở, không để bị che chắn, vướng mắc thì nó sẽ kéo dài từ đời mình tới đời con cháu. Những tuồng tích nổi tiếng ấy biết đâu cháu nội, cháu ngoại của mình sau này sẽ đem ra biên tập rồi diễn lại. Khả năng lắm chứ. Hậu sanh khả quý, diễn còn dữ hơn!

Sư thượng đường dạy chúng:

- Linh quang chói sáng vượt khỏi căn trần, thể bày chân thường không cuộc văn tự, tâm tánh không nhiễm vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên tức như như Phật.

Linh quang là chỉ cho tâm thể rỗng rang sáng suốt, vượt khỏi căn trần, không bị vướng mắc bởi bất cứ thứ gì. Thể của nó luôn luôn hiển hiện chân thường, không hạn cuộc trong văn tự, tức không lý giải suông. Tánh của nó vốn thanh tịnh vô nhiễm, chiếu soi mầu nhiệm, chỉ lìa vọng tưởng duyên theo sáu trần tức như như Phật. Chỗ này giống với cách dạy của Hòa thượng Trúc Lâm là đừng chạy theo vọng tưởng, không bị vọng tưởng kéo lôi, luôn làm chủ được mình thì chân như hiện tiền. Hai cách nói khác nhưng đồng một ý nghĩa.

Có vị Tăng hỏi:

- Thế nào là pháp yếu Đại thừa đốn ngộ?

Sư đáp:

- Các ngươi trước dứt sạch các duyên, thôi hết muôn việc, tất cả các pháp thiện cùng chẳng thiện, thế gian và xuất thế gian chớ ghi nhớ, chớ duyên niệm, buông bỏ hết khiến tâm tự tại. Tâm như cây đá không phân biệt, không chỗ đi. Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự hiện.

Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự hiện, nghĩa là trong lòng rỗng rang sáng suốt thì mặt trời trí tuệ hiện, giản dị vậy thôi. Nhân câu nói này thiền sư Vô Ngôn Thông hoát nhiên đại ngộ. Ngài là đệ tử của tổ Bách Trượng cũng chính là Sơ tổ phái thiền Vô Ngôn Thông ở Việt Nam.

Như mây tan thì trăng hiện. Chỉ dứt tất cả thứ vin theo, tình cảm tham sân ái thủ nhơ sạch đều dứt. Đối với ngũ dục, bát phong không bị thấy nghe hiểu biết ràng buộc, không bị các cảnh làm mê hoặc, tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, ấy là người giải thoát.

Tóm lại người giải thoát là người không dính mắc ngoại cảnh, không chạy theo ngoại cảnh, dứt hết tình chấp không còn mê hoặc, đất tâm rỗng suốt. Cho nên thần thông diệu dụng tự hiện bày đầy đủ. Vì thế chúng ta phải tu làm sao để tâm được rỗng rang sáng suốt mới là giải thoát. Ai không chịu làm như vậy, cứ để dính kẹt bên này bên kia thì quả thật rất nặng nề.

Đối với tất cả cảnh, tâm không yêu không loạn, không thu nhiếp không phân tán, thấu tất cả thanh sắc không bị dính ngại, gọi là đạo nhân.

Đạo nhân nói đủ là đạo nhân vô tâm, nghĩa là không còn tâm yêu tâm loạn, thấu tất cả pháp không bị kéo lôi, không bị mắc kẹt. Hòa thượng Trúc Lâm cũng dùng pháp tu này làm phương cách dạy thiền cho chúng ta. Ngài nói người không bị cảnh duyên kéo lôi, không lầm chạy theo cảnh duyên là người có định tuệ. Lục tổ Huệ Năng xác minh chỗ đó là định tuệ đồng đẳng, tức cùng lúc cùng thời, đầy đủ định tuệ.

Thiện ác phải quấy đều không dùng, không mến một pháp, cũng không bỏ một pháp, gọi là người Đại thừa.

Người Đại thừa tức là không mắc kẹt hai bên. Thiện ác phải quấy đều không dùng, không mến pháp cũng chẳng bỏ pháp.

Không bị tất cả pháp thiện ác, không hữu, nhơ sạch, hữu vi, vô vi, thế gian, xuất thế gian, phước đức trí tuệ ràng buộc, gọi là Phật huệ.

Phật huệ là người có trí tuệ Phật, không bị tất cả cảnh duyên ràng buộc.

Phải quấy, tốt xấu, đúng lý phi lý, các tình cảm thấy biết hết sạch, không thể trói buộc, nơi nơi đều được tự tại, gọi là Bồ-tát mới phát tâm liền lên địa vị Phật.

Người nào xả hết phải quấy, tốt xấu, đúng lý phi lý, tình cảm trói buộc, đâu đâu cũng tự tại, gọi là Bồ-tát. Tuy là Bồ-tát mới phát tâm nhưng có thể thẳng tiến lên địa vị Phật.

Tăng hỏi:

- Đối tất cả cảnh làm sao tâm được như cây đá?

Sư đáp:

- Tất cả pháp vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, chẳng nói phải quấy nhơ sạch, cũng không có tâm trói buộc người, chỉ tự người hư vọng tính chấp, tạo bao nhiêu thứ hiểu, khởi bao nhiêu thứ thấy biết, sanh bao nhiêu thứ yêu sợ. Cần phải nhận rõ các pháp không tự sanh, đều do một niệm vọng tưởng điên đảo của mình chấp tướng mà có. Biết tâm cùng cảnh vốn không đến nhau thì ngay nơi đó là giải thoát, mỗi mỗi pháp ngay nơi đó là lặng lẽ, ngay nơi đó là đạo tràng.

Thiền sư Bách Trượng dạy, tất cả các pháp vốn chẳng pháp nào tự nói nó là có không, phải quấy, nhơ sạch, cũng không tự trói buộc người. Chỉ tại chúng ta khi đối duyên xúc cảnh dấy niệm phân biệt điên đảo, khiến cho các pháp có tướng sai biệt thế này thế khác, nghĩa là tự trói mình vào các pháp. Tâm cảnh vốn không đến nhau tức tâm không dính cảnh, cảnh là cảnh, tâm là tâm. Mỗi mỗi pháp ngay nơi đó là giải thoát, lặng lẽ. Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy chúng ta rất rõ điều này, chỉ tại mình quên nên không hằng sống được với cái chân thật hiện tiền.

Lại, tánh sẵn có không thể gọi tên, xưa nay không phải phàm không phải Thánh, chẳng phải nhơ sạch, chẳng phải hữu không, cũng chẳng phải thiện ác, cùng các pháp nhiễm hợp nhau, gọi là người trời Nhị thừa. Nếu tâm nhơ sạch hết, chẳng trụ nơi ràng buộc, chẳng trụ nơi giải thoát, không tất cả tâm lượng hữu vi vô vi, phược thoát, ở nơi sanh tử tâm vẫn tự tại. Hoàn toàn không hòa hợp với uẩn, giới, sanh tử, các nhập, trần lao hư huyễn, siêu nhiên không nương tựa, tất cả không ràng buộc, đi ở không ngại, qua lại trong sanh tử như cửa mở.

Ngài dạy tiếp, bản tánh sẵn có trong mỗi chúng sanh vốn tự không tên. Từ diệu dụng khác nhau nên được gá cho các thứ tên phù hợp. Bản tánh ấy xưa nay không phải phàm thánh, nhơ sạch, thiện ác, cùng các pháp nhiễm hợp nhau nên gọi là người trời Nhị thừa. Nếu dứt hết các đối đãi nhơ sạch, không trụ nơi trói buộc hay giải thoát, lúc đó sẽ ra khỏi trần lao, qua lại trong sanh tử không ngăn ngại.

Chúng ta ráng tu nhất định sẽ nhận ra bản tánh ấy. Muốn tự tại trước sanh tử nên chuẩn bị trước, đừng để khi vô thường kéo đến thì không kịp nữa. Trong việc tu tập hàng ngày, người bình tĩnh là người tự tại đối với tất cả các việc, đâu đó nề nếp. Thường chúng ta bu bám theo giả cảnh bên ngoài rồi vướng mắc, tạo nghiệp mà quên mất thể tánh chân thật bên trong.

Vì chưa nhận chân chính chắn việc cần làm nên chúng ta để vọng duyên xen vào dẫn mình đi tạo nghiệp. Miệng tuy nói buông nhưng tâm chưa buông được. Vì thế giả cảnh, trần duyên chồng chéo kéo lôi khiến mình loay hoay không thể thoát ra. Đây là một điều khổ, giống như người đứng giữa ngã tư đường không biết nên đi theo hướng nào. Do vậy việc cốt yếu của người tu là quay về nhận lại cái bất sanh bất diệt nơi chính mình. Chân thật, chân tình, bình thường. Cần đi thì đi, không cần đi thì không đi. Nếu đi tụng kinh thì đi tụng kinh, ngủ thì giăng mùng ngủ, đừng nghĩ lăng xăng.

Chân tài của người tu chính là công phu tu hành và đạo lực vững vàng. Cái chết, sự đổi thay nhanh chóng của vô thường như những mũi nhọn đâm tới, không tha cho ai hết. Đừng nói mình trẻ, có học vị mà Diêm vương ngán sợ, chính đạo lực, công phu vững mới đủ sức giúp chúng ta đi một mình và đủ tư cách nói chuyện với quỷ sứ trong đêm ba mươi tăm tối. Thiền sư là người tự tại trong sanh tử, muốn được như thế ngay bây giờ chúng ta phải tập làm chủ bản thân.

Hôm trước tôi nghe báo cáo bên viện ni có một sư cô bị bệnh lao nhưng cô rất bình tĩnh. Tuy lớn tuổi mà hàng ngày vẫn theo đại chúng đi làm cỏ. Ni sư Trụ trì cất cho cô một cái thất nhỏ vừa có thể dưỡng bệnh lại vừa tụng kinh, ngồi thiền. Được như vậy quá đầy đủ rồi. Giả tỷ, cô không khỏi bệnh mà viên tịch ở đó thì đại chúng tới hộ niệm ấm áp vui vẻ. Người mạnh mẽ như thế vô thường ngán sợ nên cô hết bệnh, khỏe trở lại. Chư huynh đệ nên lấy đó làm tấm gương nhắc mình ráng tu.

Tôi vẫn thường nói với đại chúng Thường Chiếu, Trí Đức rằng phải ráng tu. Bởi vì nhân duyên chúng ta hội ngộ nhau đây là hạn hữu và được sức khỏe như bây giờ là điều hiếm hoi. Phải nhân cơ hội này mà quyết tiến, đừng ỷ lại hay trông chờ vào gì cả. Đừng hẹn tới đầu năm, giữa năm hay cuối năm. Lúc đang mạnh nên cố gắng công phu làm chủ được mình, chớ để tới đêm ba mươi hoảng sợ.

Giả tỷ nghe báo bệnh sư cô đó run lập cập, niệm Phật không nổi, làm cỏ không được, ăn cũng không xong thì quả thật sẽ chết vì lao. Chữ lao bên trên là hai bộ hỏa, bên dưới là bộ lực. Nghĩa là làm việc quá sức thành ra lao lực, lao tâm, lao trí, lao tổn. Làm đến mức nóng sảng, giống như cái máy quá tải thì phát nóng rồi cháy. Lao là vậy thôi, nhưng thông thường người ta đâu hiểu như vậy. Nghe nói lao lại nghĩ thổ huyết, nhiễm vi trùng này kia nên gớm sợ.

Thực sự trong cơ thể chúng ta đủ thứ vi trùng, hễ yếu bộ phận nào thì loại vi trùng độc hại từ đó phát ra. Nó kêu thêm cái đám bên ngoài vào nữa nên mới sanh chuyện. Không có bên trong làm sao ở ngoài vào được. Lao tâm là nghĩ bậy nhiều, lao lực là làm việc nhiều mà không có dinh dưỡng bồi bổ, lao trí là lao lư mất ngủ. Lao là vậy chứ không chỉ đơn thuần vi trùng xâm nhập. Thật ra nếu vi trùng hại được con người thì nó giết hết thiên hạ rồi, nhiều người bệnh lao vẫn sống bình thường thôi.

Chúng ta cố gắng, phấn đấu, quyết tâm, làm chủ được mình thì sự tu tập mới mong thành công. Bây giờ chưa thành Phật nhưng tin chắc lời Phật nói ai ai cũng sẽ thành Phật. Nghe vậy rồi chúng ta cố gắng sống với tinh túy của mình. Bỏ hết, dẹp hết tất cả những dây mơ rễ má, vọng tưởng điên đảo. Dễ dàng, đâu có gì khó.

Phàm người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý, tâm không lui sụt, chẳng để tâm đến danh dự lợi dưỡng ăn mặc, chẳng tham tất cả công đức lợi ích, không bị các pháp thế gian buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm hẩm cốt nuôi mạng sống, mặc áo vá chỉ để ngừa lạnh; ngơ ngơ như ngu như điếc, sẽ được ít phần tương ưng.

Người học đạo nếu gặp những thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý tâm vẫn an nhiên bình thản một mực tu hành, không để bị lui sụt. Nghĩa là phải buông được tâm lăng xăng điên đảo của mình. Hòa thượng Trúc Lâm thường dạy chúng ta đừng chạy theo vọng tưởng, phải làm chủ nó, làm chủ lấy mình. Không để cảnh duyên trói buộc, kéo lôi, chạy theo nó tạo nghiệp khổ sở, giải thoát không được.

Nếu trong tâm ham học rộng biết nhiều, cầu phước cầu trí, đều là ở trong sanh tử, đối với lý đạo thật vô ích, lại bị gió hiểu biết thổi trôi giạt trở lại trong biển sanh tử.

Việc cầu phước cầu trí, ham học này kia cũng không được chấp nhận. Tại sao? Bởi vì đó là những nhân duyên tạo nghiệp sanh tử. Đây là nói cho người tu đến chỗ rốt ráo, chúng ta chưa được như thế thì nhất định phải học. Huynh đệ đừng hiểu sai ý Tổ mà ngang đây buông hết. Học để mở mang trí tuệ, phá tan màn tối vô minh nhiều đời kiếp. Từ đó biết được đâu là thật giả, cái nào cần bỏ, cái nào có thể tạm dùng. Đến lúc thật giả lấy bỏ đều buông hết, chỉ còn một trí chân thật hiện tiền. Đó là lúc chúng ta sống đầy đủ, hoàn toàn, viên mãn với trí tuệ Bát-nhã của mình.

Tựu trung dù ở bất cứ giai đoạn nào, chúng ta đều phải biết rõ vị trí của mình. Huynh đệ đang trong giai đoạn mới vào đạo, do vậy phải học phải biết. Giáo thọ sư đã giới thiệu về cuộc đời và hành trạng rất nhiều vị thiền sư ở Trung Hoa, Ấn Độ, Việt Nam. Chúng ta nên cố gắng nương theo công hạnh của các ngài để tự hoàn thành đạo nghiệp cho mình.

Phật là người không cầu, có cầu tức trái lý, lý không cầu này nếu cầu liền mất. Nếu chấp không cầu, lại đồng có cầu. Nếu chấp vô vi, lại đồng hữu vi. Cho nên kinh nói: “Không thủ pháp không thủ phi pháp, không thủ phi phi pháp.” Lại nói: “Như Lai đã được pháp, pháp này không thật không hư.”

Kinh Kim Cang nói không thủ pháp không thủ phi pháp, không thủ phi phi pháp. Lại nói, Như Lai đã được pháp, pháp này không thật không hư. Ý chỉ chúng ta không nên dính bên này kẹt bên kia, phải luôn luôn thong dong vô ngại như lời Phật dạy.

Nếu người hay một lúc tâm giống như cây đá, không bị ấm, giới, ngũ dục, bát phong thổi trôi giạt, liền đoạn được nhân sanh tử, đi đứng tự do, chẳng bị tất cả hữu vi nhân quả ràng buộc, chẳng bị hữu lậu câu thúc. Khi khác, trở lại đem thân không phược làm lợi ích chúng sanh, lấy tâm không phược ứng hợp tất cả tâm, dùng tuệ không phược cởi tất cả phược, cũng nói “hợp bệnh cho thuốc”.

Phần trên là một loạt những siêu lý, đến đây ngài quay trở lại nói những việc bình thường, dung dị nhưng rất thiết yếu cho người tu chúng ta. Trước hết tâm phải như cây đá, tức không còn loạn động, không chạy theo trần cảnh, không bị ngoại duyên thổi trôi giạt thì liền đoạn được nhân sanh tử. Cho nên đi đứng tự do, không bị tất cả hữu vi nhân quả ràng buộc, chẳng bị hữu lậu câu thúc. Lúc này đã làm chủ mình một cách trọn vẹn, sau đó trở lại đem thân không phược tức cái thân không bị ngoại cảnh trói buộc, làm lợi ích chúng sanh.

Cho nên muốn hướng dẫn người khác tu thì rõ ràng mình phải tu trước. Lấy tâm không trói buộc ứng hợp tất cả tâm chúng sanh. Dùng tuệ không trói buộc cởi tất cả trói buộc cho chúng sanh mới đúng là hợp bệnh cho thuốc. Đó chính là cái tâm rỗng rang sáng suốt, là trí tuệ siêu xuất của chúng ta. Người được như thế có thể làm thầy trị bệnh cho người khác.

Tăng hỏi:

- Như nay thọ giới rồi thân khẩu được thanh tịnh, lại làm đủ các việc thiện, như thế được giải thoát chăng?

Sư đáp:

- Được ít phần giải thoát, chưa được tâm giải thoát, chưa được tất cả chỗ giải thoát.

Sau khi thọ giới, thân khẩu thanh tịnh, hay làm các việc lành cũng chỉ được ít phần giải thoát chứ chưa giải thoát hoàn toàn.

Tăng hỏi:

- Thế nào là tâm giải thoát và tất cả chỗ giải thoát?

Sư đáp:

- Chẳng cầu Phật, Pháp, Tăng, cho đến chẳng cầu phước trí tri giải, tình cảm nhơ sạch hết, chẳng chấp tâm không cầu là phải, chẳng trụ chỗ hết, cũng chẳng mến thiên đường sợ địa ngục, trói buộc cởi mở không ngại, tức thân tâm và tất cả chỗ đều gọi giải thoát.

Các vị thiền sư thường nói sanh không sợ địa ngục, tức là khi sống không gây nhân xấu địa ngục thì đâu có gì phải sợ. Cho nên chết chẳng khoái thiên đường. Không mê thiên đường cũng chẳng sợ địa ngục, đó là người tự tại giải thoát. Các ngài là những bậc đã giác ngộ cho nên nói ngang nói dọc, nói trước nói sau, nói qua nói về đều tự tại.

Ngươi chớ cho có ít phần giới thân khẩu ý tịnh là xong, đâu biết môn giới định tuệ như hà sa, mà vô lậu giải thoát toàn chưa dính một mảy.

Không thể chấp vào những hạnh nghi nhỏ cho đó là chỗ được của mình. Phải biết ba môn giới định tuệ như hà sa, đối với vô lậu giải thoát mình chưa dính một mảy.

Cố gắng! Nhằm hiện nay cố tìm xét lấy, đừng đợi mắt mờ tai điếc, tóc bạc, mặt nhăn, già khổ đến thân, buồn thảm triền miên mắt hằng rơi lệ, trong tâm hoảng sợ không một nơi y cứ, chẳng biết chỗ đi. Đến khi ấy, muốn nghiêm chỉnh tay chân cũng không thể kềm được, dù có phước trí, danh dự lợi dưỡng trọn không cứu được.

Thiền sư Bách Trượng nhắc nhở chúng ta phải cố gắng tu hành, đừng đợi đến lúc già yếu mắt mờ tai điếc, tóc bạc, mặt nhăn, già khổ đến thân âu sầu rơi lệ. Trong tâm hoảng sợ vì nhớ lại mình ra đi không có gì, tu không tới đâu mà mắc nợ đàn na tín thí quá nhiều, suy nghĩ sau này không biết sẽ ra sao. Khi sắp lâm chung không làm chủ được thân tâm, dù cho có phước trí, danh dự lợi dưỡng cũng chỉ là những thứ phù hư giả tạm, chẳng thể cứu được mình.

Cho nên ngay bây giờ chúng ta phải chuẩn bị trước, đừng đợi đến lúc thân thể suy yếu mà chưa phát huy tuệ giác ngộ thanh tịnh, giải thoát thì thật là đáng tiếc.
Vì mắt tâm chưa mở, chỉ nhớ các cảnh, không biết phản chiếu, lại chẳng thấy Phật đạo. Một đời có tạo việc thiện ác thảy hiện ở trước, hoặc vui hoặc sợ, sáu đạo năm uẩn thảy bày hiện tiền.

Vì mắt tâm chưa mở sáng cho nên chỉ nhớ các cảnh bên ngoài, không biết phản chiếu, lại không nhớ Phật đạo do đó quỷ vô thường dẫn đi là chuyện đương nhiên. Cho nên người học đạo phải mở được con mắt tâm, vào được Phật đạo. Phật đạo là giác ngộ giải thoát, con mắt tâm là con mắt rỗng rang sáng suốt.

Đến lúc sắp lâm chung, những việc thiện ác tạo trong một đời thảy đều hiện ra, hoặc vui hoặc sợ, sáu đạo năm uẩn thảy bày hiện tiền. Tất cả những việc thiện này kia cũng chỉ là phước hữu lậu. Tại sao? Giả tỷ chúng ta tu thập thiện hoàn chỉnh thì được phước sanh lên những cung điện cõi trời, nơi có nhiều điều tốt đẹp, nhiều phước báo hơn chỗ chúng ta đang ở. Nhưng vẫn còn luẩn quẩn trong vòng tam giới “du trung hỏa trạch”, tức giống như đang ở trong lò lửa.

Trong kinh Pháp Hoa diễn tả hình ảnh những đứa con nít say sưa chơi cút bắt trong ngôi nhà đang cháy sắp sập, để dụ cho những chúng sanh mê muội, khổ sở trong tam giới còn đang tạo nghiệp, còn đang chịu cảnh luân hồi sanh tử. Dù chúng ta được phước sanh lên cõi trời Hữu đảnh, nghĩa là trời Phi tưởng phi phi tưởng, vẫn còn luẩn quẩn trong tam giới chưa thể giải thoát. Phước duyên đặc biệt dù thù thắng cở nào cuối cùng cũng tan rã. Trong tác phẩm Chứng đạo ca, thiền sư Huyền Giác dạy du như xạ tiễn ngưỡng hư không… Thế lực tận, tiễn hoàn trụy… nghĩa là mũi tên bắn lên cao vót hết mức, sau cùng rớt lại chỗ người bắn.

Tam giới gồm cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục giới bao gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, người và sáu cõi trời dục. Giả tỷ chúng ta tu hành tốt, được hưởng phước lạc ở tất cả các tầng trời cõi dục. Khi hết phước lại rơi xuống cõi ta bà này, nhưng không hẳn lại sanh trong hoàn cảnh như cũ. Thí dụ, hiện nay gia đình mình là Phật tử, từ ông nội, cha mẹ, anh chị đều đi chùa, quý kính Tam bảo, thờ Phật tu hành. Nhờ nhân duyên đó mình cũng tu tập theo và tạo được phước sanh lên cõi trời. Mai mốt rớt xuống nhằm gia đình không tin Phật, cha mẹ, anh chị toàn tạo nghiệp không lành. Cho nên quả báo dính lưng không tránh khỏi, đó là điều đáng sợ.

Tuy gia đình huynh đệ không phải quyền quý, nhưng có phước duyên mọi người trong nhà đều tin Phật, đó là một thuận lợi vô cùng lớn lao. Mình đi chùa, mẹ biết rồi cho tiền cúng dường, cha biết dạy rằng: “Con đi tu đi”, anh hay được cũng khuyến khích: “Ráng tu đi em. Mai mốt anh cũng đi tu nữa”. Hạnh phúc biết là bao. Còn cái kiểu: “Mày đi chùa tao từ mày” thì trở ngại quá chừng, phải không?
Nếu rơi vào hoàn cảnh đó mà chúng ta vượt lên được, giống như cá nhảy ra khỏi lưới, chim thoát khỏi lồng. Sự siêu xuất này đòi hỏi nhiều cố gắng và có phước trí mới làm nổi. Cho nên huynh đệ cần dè dặt đối với phước hữu lậu, chớ đắm chìm trong sự hưởng thụ để tránh gây tạo những nghiệp nhân tệ. Khi hết phước rơi xuống những chỗ tối tăm thì khổ lắm. Nên nhớ dù ở hoàn cảnh nào người tu cũng phải sáng mắt. Mắt sáng thì dại gì tạo ra nhân tối. Biết vàng bán trong chợ là đồ giả, dù có người đem cho cũng không lấy.

Chúng ta nuôi dưỡng trí tuệ như thế nào để biết cái giả cái thật. Biết giả để đừng chết trong nó, nghĩa là mượn cái thân giả mà phát tâm Bồ-đề và ráng tu. Phật nói chúng ta có thân kim cương bất hoại, nên phát huy để làm chủ thân bại hoại. Quả thật có nhiều người khi phát tâm dũng mãnh kiên cố, những thứ đồ bỏ của thân tứ đại có thể trở thành bất hoại. Người để lại quả tim, người để lại cái lưỡi hoặc mấy cái răng.

Bồ-tát Quảng Đức chẳng hạn, quả tim của ngài được đốt trong lửa nóng bốn năm ngàn độ mà vẫn không bị thiêu trụi. Đó là trái tim bảo vệ Phật giáo lưu truyền đời đời. Hoặc một vị tu hành nuôi con sáo rồi dạy nó niệm Phật. Sau khi nó chết, ngay chỗ đất cằn người ta chôn xác mọc lên một bông sen. Rõ ràng, trong cái đồ bỏ lại có cái chân thật bất hoại. Chúng ta cần nên bảo vệ tánh Phật của mình. Để mai mốt chết rồi, thân thể thịt da rụi hết, còn lại tinh thần bất diệt.

Trang sức nhà cửa ghe thuyền xe cộ đẹp đẽ hiển hách, đều từ tâm tham ái của mình hiện ra, tất cả cảnh ác đều biến thành cảnh thù thắng.

Nếu tạo những cảnh đẹp đó vì tâm để độ người, làm các nhân duyên lành thì cũng có phước.

Chỉ tùy tâm tham ái chỗ nào nặng, nghiệp thức dẫn đến thọ sanh, hoàn toàn không có phần tự do, rồng súc tốt xấu trọn chưa định được.

Giai đoạn chúng ta đang hành trì gọi là tu nhân. Giả tỷ nhân đó hoàn toàn tốt một trăm phần trăm thì phước báo đúng trăm phần trăm. Nhân được tám chín mươi hay ba bốn mươi phần trăm thì phước báo theo đó hiện thành. Cũng vậy nếu chúng ta tu hoàn toàn triệt ngộ thì ngay trong đời này ngộ đạo. Nếu chỉ được chừng ba bốn mươi phần trăm thì chỉ hưởng ba bốn mươi phần trăm thành tựu.

Chủng giác ngộ giải thoát một khi đã gầy dựng thì không mất, đời sau sanh ra lại tiếp tục kết duyên với Phật đạo. Nhưng nếu phát tâm dũng mãnh một thời gian rồi sanh lười biếng, cứ lúc lắc ngó qua ngó về, để thứ này thứ kia bu bám… bu bám nhiều sẽ gãy cái đùng, bỏ đạo. Bu bám nhẹ thì bị phạt, bị quở, bị trách liền tỉnh lại. Tỉnh lại rồi bắt đầu ngồi ngay ngắn, tu tiếp. Cho nên tất cả đều từ sự phát tâm của chính mình.

Nếu chưa mở được tâm thì chí cầu đạo khó phát. Tôi còn nhớ lời nguyện của một vị thiền sư, trong khi hành đạo ngài bị bệnh tiêu chảy, ngày đêm đi không biết bao nhiêu lần, không còn hơi để thở. Cuối cùng nhờ các huynh đệ đỡ dậy, lau chùi sạch sẽ, mặc áo đắp y, dâng hương. Ngài tâm thành hướng về Tam bảo nguyện ngay bây giờ con bị báo nghiệp không tốt, chấp nhận chết đọa địa ngục. Lại nguyện thêm, khi được sanh trở lại cõi này con liền tỉnh táo. Nhờ tuệ Bát-nhã, phát huy tuệ Bát-nhã, đi theo con đường Phật đạo, được xuất gia tu hành thành Phật mới ưng. Đó là người phát tâm chân chánh, nghĩa là những báo nghiệp đã gây nguyện trả hết không trốn, không rên, không sợ.

Chúng ta cũng nên tập phát nguyện như thế. Nếu khi hấp hối mà không có huynh đệ bên cạnh nhắc nhở, liền nhớ trí tuệ Bát-nhã của mình. Nghĩa là phải phát tâm tu thành Phật, không cầu gì khác. Nguyện rằng con đã lỡ tạo những nghiệp nhân xấu, chấp nhận bị đọa. Sau này nếu được sanh trở lại làm người, liền mở sáng con mắt tuệ, nương nơi tuệ lực đó quay về với chánh pháp, xuất gia làm tăng tu hành chánh đạo, giác ngộ thành Phật. Có người đau quá cầu mai mốt sanh trở lại làm thầy thuốc giỏi. Thuốc gì cũng biết, bất cứ loại nào qua tay mình cho người khác uống cũng lành bệnh, chính mình cũng không có bệnh. Nguyện này cũng hay.

Tăng hỏi:

- Thế nào được phần tự do?

Sư đáp:

- Hiện nay đối với ngũ dục bát phong lòng không lấy bỏ, san tham tật đố tham ái ngã sở đều hết, nhơ sạch chẳng còn, như mặt trời mặt trăng trong hư không, không duyên mà chiếu. Tâm tâm như cây đá, niệm niệm như cứu lửa cháy đầu, cũng như con voi lớn qua sông vừa ùm xuống là đến bờ kia, không bị ngăn ngại. Người này không nhiếp thuộc về thiên đường hay địa ngục.

Người được phần tự do là người an nhiên giải thoát, không ham thích thiên đường, không khiếp sợ địa ngục. Muốn vậy trước nhất đối với bát phong: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc thổi không động. Bị chê bai hay khen ngợi, được thành công hay thất bại mà tâm luôn luôn bất động thì thực sự đó là người tự tại. Cho nên đối với ngũ dục bát phong lòng không lấy bỏ, san tham tật đố tham ái ngã sở đều hết, nhơ sạch chẳng còn, như mặt trời mặt trăng trong hư không, không duyên mà chiếu. Tâm niệm rỗng rang sáng suốt, cũng như con voi lớn qua sông vừa ùm xuống là đến bờ kia, không bị ngăn ngại. Người được như vậy thì không sợ địa ngục, cũng chẳng khoái thiên đường.

Phàm học kinh xem giáo lý, mỗi câu đều phải uyển chuyển xoay về nơi mình, tất cả ngôn giáo chỉ làm sáng tỏ tánh giác hiện nay của mình. Chỉ không bị tất cả cảnh có, không... lôi, là Đạo sư của người; hay chiếu phá tất cả cảnh có, không... là Tuệ Kim Cang, tức có phần tự do tự tại.

Phàm học kinh xem giáo lý, phải biết mỗi mỗi đều là pháp yếu chỉ thẳng tâm mình. Do đó tất cả ngôn giáo đều làm sáng tỏ tánh giác hiện hữu, luôn luôn xoay nhìn lại mình thì không bị mắc kẹt. Vị Đạo sư của chúng ta chính là người không bị tất cả cảnh duyên lôi cuốn. Người tự do, tự tại chính là người hay chiếu phá tất cả cảnh duyên, là Tuệ Kim Cang.

Nếu không như thế để hội đạo, dù có tụng được mười hai phần giáo cũng chỉ thành Tăng thượng mạn, lại là người chê bai Phật, không phải là người tu hành. Chỉ lìa tất cả thanh sắc, cũng chẳng trụ nơi lìa, chẳng trụ nơi tri giải, là người tu hành.

Người tu hành ở đây tức là người tu thiền. Nghĩa là lìa tất cả thanh sắc, danh văn lợi dưỡng. Chẳng trụ nơi lìa, cũng không chấp trụ nơi công đức đó. Chẳng trụ nơi tri giải, cũng không chấp vào sự hiểu biết của mình.

Đọc kinh xem giáo lý, nếu chiếu theo thế gian là việc tốt, nếu nhằm vào người minh lý thì thường đọc xem là kẻ bế tắc.

Nếu chiếu theo thế gian, việc đọc kinh xem giáo lý là tốt. Nhưng nhằm vào người minh lý, tức tâm thể đã rỗng rang sáng suốt thì lại là bế tắc. Bởi vì càng đọc xem càng thêm tri giải, không phải tâm nhất như. Người ta thường nói, cái bụng đã no thì dù dọn cơm vua cũng không thích ăn. No rồi còn ăn cái gì nữa.

Người Thập địa vượt ra, không đi vào dòng sanh tử, nhưng giáo lý Tam thừa để trị bệnh tham, sân... như hiện nay niệm niệm nếu có bệnh tham, sân... thì trước phải trị nó, chẳng cần tìm cầu câu nghĩa hiểu biết.

Còn tham sân nhiều nên phải học giáo lý Tam thừa, phải trị nó trước.

Hiểu biết thuộc về tham, tham thì trở thành bệnh. Như hiện nay chỉ lìa tất cả pháp có, không, cũng lìa cái lìa vượt ngoài ba câu (có, không, chẳng phải có chẳng phải không) tự nhiên cùng Phật không khác. Đã tự là Phật, lo gì Phật không hiểu ngôn ngữ.

Người nào thoát được hai bên có, không và vượt ngoài ba câu có, không, chẳng phải có chẳng phải không, thì tự nhiên cùng Phật không khác. Nếu đã thành tựu Phật đạo thì lo gì không hiểu biết. Nói như vậy để chúng ta cố gắng trị tham sân và bảo vệ tâm chân thật của mình.

Chỉ e không phải là Phật, bị các pháp có, không trói buộc chẳng được tự do. Bởi lý chưa vững, trước có phước trí, bị phước trí chở đi, như người nghèo ở trong cảnh sang.

Chưa sống được với tâm chân thật cho nên có phước thì bị nó dẫn. Giống người nghèo được ở trong cảnh sang thì càng ham hưởng thụ. Ham hưởng thụ tức là chỉ phục vụ cho cái thân, còn tâm không có gì sáng suốt, giải thoát. Giả tỷ bây giờ mình phát giàu lên, tiện nghi sinh hoạt tiến bộ vượt bậc. Đại khái như đi không cần bước, ăn không cần nhai, ngủ không cần giăng mùng. Tất cả cũng chỉ để phục vụ cho cái thân bệnh hư thối, chớ có làm tăng trưởng trí tuệ thêm đâu.

Chúng ta tu như thế này còn muốn tiện nghi sao nữa? Ngủ có mùng thì tự giăng, không giăng thì muỗi đốt. Nó đâu có nói ông này tu tôi không đốt. Tu hay không tu, nếu không giăng mùng nó cứ đốt. Bởi vì nó đốt da thịt của mình để tìm sự sống cho nó. Bao giờ chúng ta tu mà chuyển thân tứ đại thành kim cang như đá như sắt thì muỗi không đốt được. Đôi khi những điều tầm thường như vậy mà chúng ta hiểu không thấu.

Năm ngoài bốn mươi tuổi, tôi bị sạn thận. Đau đỏ mặt tía tai. Hồi đó bác sĩ Dậu và bác sĩ Trí là Phật tử thân tín của Hòa thượng Trúc Lâm. Họ có phòng mạch tư trên đường Tản Đà và đường Hùng Vương, Hòa thượng dạy tôi đến đây trị bệnh. Hôm đó bác Trí đi làm ở bệnh viện, dặn anh Chánh Cần chở tôi đến đưa vào bên trong ngồi chờ. Ngộ đời, bệnh sạn thận đâu có sung sướng gì mà người ta bệnh đông ghê. Người nam người nữ, người già người trẻ đều có hết.

Hôm đó tôi đến sớm mà đã thấy rất đông các bà các cô ngồi đợi. Lát sau bác sĩ Trí về tới, vừa đi vừa tươi cười. Ông không nói gì hết, kéo thẳng tôi vào phòng. Mấy bà kia chạy lại hỏi:

- Thầy chùa cũng bệnh nữa sao?

Lúc đó tôi bế tắc. Bác sĩ Trí đáp thay:

- Ai không bệnh. Có thân thì có bệnh. Bệnh này đâu để riêng cho thầy chùa hay cho bà đâu. Bà ngồi đó lát tôi trị cho.

- Sao thầy chùa mới tới mà được vào trước?

- Vì là thầy chùa nên được chữa trước. Chừng nào bà là thầy chùa tôi cũng chữa trước cho.

Nghe bác Trí nói vậy mấy bà im luôn. Có khi va chạm một điều nhỏ như thế thôi mà mình trả lời không xong. Câu nói của bác sĩ thật chính xác và cũng rất dí dỏm, cho nên mọi người đều vui vẻ thuận theo.

Ở trên nói nếu phước trí chưa có, chỉ hưởng những thứ sang trọng thì sự tu khó mà vươn lên nổi. Câu nói này an ủi cho chúng ta nhiều lắm. Mình có cơm ăn, áo mặc, tiện nghi như vầy là đủ để tu hành phát trí tuệ rồi. Nếu sang hơn nữa thì cứ loay hoay lo sửa nhà, sửa cảnh, dời cửa, trồng hoa v.v… Mấy thứ này chỉ để trang trí đẹp đẽ cho cuộc sống bên ngoài, không dính dáng gì đến giác ngộ giải thoát. Chớ đắm trong đó mà bị lụy thì khổ lắm.

Không bằng trước vững lý, sau mới có phước trí. Nếu cần phước trí thì tạm thời làm được, nắm đất biến thành vàng, nắm vàng biến thành đất, biến nước biển thành tô-lạc, đập núi Tu-di thành bụi nhỏ, hốt nước bốn biển dồn vào một lỗ chân lông, nơi một nghĩa làm vô lượng nghĩa, nơi vô lượng nghĩa làm một nghĩa.

Đó là diệu dụng của người đã sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt. Nghĩa là trước phải vững lý tức phải thấy tánh, sau làm phước đức, trau dồi trí tuệ sẽ được phần tốt đẹp. Khi đó phước trí biến thành diệu dụng không thể nghĩ bàn. Ở đây thiền sư Bách Trượng lý giải về người có lực dụng và đảm bảo nội tại thật tốt. Người mà đập núi Tu-di thành bụi nhỏ, hốt nước bốn biển dồn vào một lỗ chân lông, nơi một nghĩa làm vô lượng nghĩa, nơi vô lượng nghĩa làm một nghĩa. Đó là diệu dụng vô cùng đặc biệt.

Có vị Tăng hỏi:

- Cuốc cỏ chặt cây, khai mương đào đất, có tướng tội báo chăng?

Sư đáp:

- Không thể nói quyết định có tội, cũng không thể nói quyết định không tội, có tội không tội việc tại người đương thời. Nếu tham nhiễm tất cả pháp có, không... có tâm lấy bỏ, còn chưa vượt khỏi ba câu, người này nhất định nói có tội. Nếu vượt ngoài ba câu, tâm như hư không, cũng chẳng tưởng hư không, người này nhất định nói không tội.

Người nào tâm đã rỗng rang sáng suốt nhưng không cố chấp vào cái rỗng rang sáng suốt đó thì không có tội. Cho nên những việc làm trên có tội hay không tội đều do đương sự quyết định. Nếu còn tham nhiễm tất cả các pháp mà làm thì có tội. Nếu tự tại trước tất cả các pháp, không dấy niệm đuổi theo hơn thua, phải quấy, tâm bình đẳng nhất như, là người không có tội .

Lại nữa, nếu tạo tội rồi, nói không thấy có tội thì thật vô lý. Nếu không làm tội mà nói có tội thì cũng vô lý.

Trong câu chuyện về nhân quả ở trên, khi học trò hỏi người đại tu hành lại rơi vào nhân quả chăng, vị tăng đáp không rơi vào nhân quả. Trả lời như vậy tức là phủ nhận nhân quả, cho nên nếu tạo tội rồi mà nói không thấy có tội thì thật vô lý. Hoặc không làm tội mà nói có tội cũng phi lý. Lý giải này của Tổ thật quá vững vàng và cần thiết cho tất cả chúng ta.

Như trong Luật, do mê giết người và chuyển tướng giết, còn không phạm tội sát. Huống là Thiền tông truyền trao nhau tâm như hư không, không dừng ở một vật, cũng không có tướng hư không, thì đem tội để ở chỗ nào?

Như trong luật, do mê giết người và chuyển tướng giết, còn không phạm tội sát. Mê giết người là do tâm si mê điên đảo mà phạm tội, chứ đương sự không cố ý. Chuyển tướng giết tức muốn giết cái này mà lầm sang cái khác. Cho nên hai trường hợp đó đều không khẳng định phạm tội sát. Vô tình phạm và cố ý phạm là hai trường hợp khác, nên chuốt quả cũng không giống. Trong luật còn nói như thế huống là thiền tông truyền trao nhau cái tâm như hư không, rỗng rang vô nhiễm. Tâm thanh tịnh như vậy thì đem tội để ở chỗ nào.

Có vị Tăng hỏi:

- Thế nào là “Hữu tình không Phật tánh, vô tình có Phật tánh? ”

Sư đáp:

- Từ người đến Phật là tình chấp Thánh, từ người đến địa ngục là tình chấp phàm. Chỉ như hiện nay đối hai cảnh phàm, Thánh có tâm nhiễm ái gọi là “hữu tình không Phật tánh”. Hiện nay đối hai cảnh phàm, Thánh và tất cả pháp có, không... trọn không có tâm lấy bỏ, cũng không cái hiểu biết không lấy bỏ, ấy là “vô tình có Phật tánh”. Chỉ không có tình ràng buộc, nên gọi vô tình. Không đồng với loài vô tình như cây, đá, hư không, hoa vàng, trúc biếc, mà cho là có Phật tánh. Nếu nói loài vô tình ấy có Phật tánh, tại sao trong kinh không thấy thọ ký được thành Phật? Chỉ cái giác chiếu soi hiện nay không bị hữu tình thay đổi dụ như trúc biếc, ứng cơ biết thời tiết dụ như hoa vàng.

Lại, nếu bước lên nấc thang Phật thì vô tình có Phật tánh, chưa bước lên nấc thang Phật thì hữu tình không Phật tánh.

Những đoạn này lý giải một cách đại khái là làm sao không bị tình thức ràng buộc. Nếu ràng buộc trong tình chấp thì không thể giải thoát. Tất cả đều căn cứ từ tâm. Tâm rỗng rang sáng suốt thì mọi việc ổn, nói phàm nói thánh gì cũng tự tại. Tâm bị ràng buộc thì nói phàm nói thánh đều không đúng.

Hằng ngày làm công tác, Sư đều dẫn đầu trong chúng. Một hôm, chúng Tăng lén giấu dụng cụ không cho Sư làm, Sư tìm mãi không được, bảo: “Tôi không có đức hạnh, đâu dám làm nhọc người.” Sư nhịn ăn hôm ấy, nên có câu “Một ngày không làm, một ngày không ăn” (Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực).

Đây là thời gian thiền sư Bách Trượng đã già, trên 90 tuổi nhưng ngày nào cũng dẫn đầu trong chúng làm công tác. Các vị chức sự trong chùa thấy thương cảm chịu không nổi, vì thế giấu dụng cụ không muốn cho thầy làm nữa. Ngài tìm mãi không được nên bảo tôi không có đức hạnh, đâu dám làm nhọc người. Hôm đó Tổ không ăn cơm, vì thế mới có câu “Một ngày không làm, một ngày không ăn”.

Sư có soạn bộ quy tắc trong nhà Thiền, lấy tên là “Bách Trượng Thanh Quy.”

Bách Trượng Thanh Quy là bộ thanh quy đầu tiên trong lịch sử thiền tông. Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử Trung Quốc và quá trình lâu dài của thời gian, đến ngày hôm nay tác phẩm vẫn còn vang dội uy đức. Dù được tu chỉnh nhiều lần để thích nghi với hoàn cảnh đương thời nhưng tinh thần của Tổ hoàn toàn không bị mai một. Cho đến thời đại chúng ta, tác phẩm vẫn luôn sống động hiện thực, tác dụng và uy lực của nó vẫn mạnh mẽ và được tôn trọng như xưa, đã khuyến khích tinh thần tu tập trong tùng lâm rất tốt.

Thầy Phước Sơn và ông Lý Việt Dũng trên Học viện Phật giáo đã dịch, in ấn bộ Thanh quy này. Chúng ta nên đọc để biết thêm về thời đại cũng như con người của chư tổ ngày xưa. Từ Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma, chỉ một thầy truyền một trò, dài tới Lục tổ Huệ Năng. Từ Lục tổ Huệ Năng mới truyền thừa cho nhiều đồ đệ về sau. Hai vị đệ tử lớn của Lục tổ là ngài Hoài Nhượng và ngài Thanh Nguyên truyền bá thiền tông khắp nơi. Dưới hai vị này lại có Mã Tổ Đạo Nhất, là thầy của ngài Bách Trượng. Dưới ngài Thanh Nguyên có ngài Thạch Đầu Hy Thiên, là vị truyền bá tông phong của thầy Tổ rất mạnh mẽ. Thiền sư Dược Sơn và thiền sư Bách Trượng là hai đệ tử nổi tiếng trong pháp hội của Mã Tổ Đạo Nhất.

Thiền sư Bách Trượng là vị khai tổ nói về qui chế trong tùng lâm từ thời xưa cho tới bây giờ. Trong thanh quy ngài dạy, tùng lâm là chỗ tu hành đông đảo, mọi người đều có nhiệm vụ, chức danh để tham gia công tác Phật sự trong viện. Từ Hòa thượng Đường đầu đến các vị thủ tọa, giám tự, đại chúng, thị giả v.v… Những quy định đó tùy theo thời đại nên có tu chỉnh ít nhiều. Ví dụ thời chúng ta bây giờ, thay vì Hòa thượng Đường đầu ở trên thì có Hòa thượng Viện trưởng, dưới là Hòa thượng Trụ trì, Hòa thượng Giám tự, Hòa thượng Phó tự hoặc Điển tọa, Phó tọa v.v… Những chức danh được thay đổi chút đỉnh, cốt để phù hợp với điều kiện hành chánh hiện nay.

Bách Trượng Thanh Quy là tác phẩm có giá trị lớn, là công hạnh của tổ Bách Trượng xuất phát từ tâm đại từ đại bi. Cho nên được muôn đời sau tôn vinh và cúi đầu qui thuận, vì thế có tùng lâm ắt phải áp dụng thanh quy. Cách tổ chức của Hòa thượng Trúc Lâm là một dẫn chứng cụ thể. Sau khi sáng việc mình rồi, ngài mở thiền đường dạy chúng tu học, ngay đó có nội quy. Qua khóa đầu tiên ở Chân Không, nội quy tu chỉnh thành thanh quy. Khi đất nước thống nhất, ngài tiếp tục mở mang thiền viện như Thường Chiếu, các Chiếu và nhiều thiền viện sau này khắp ba miền đất nước, cũng áp dụng tinh thần Thanh quy Bách Trượng trong tùng lâm. Đó là những cơ duyên hình thành thanh quy bây giờ, gốc từ quy chế tùng lâm của tổ Bách Trượng. Cho nên chúng ta không thấy bị lạc loài vì mình cũng được tu học theo tinh thần của Tổ.

Đời Đường niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ 9 (814 TL) ngày 17 tháng giêng, Sư qui tịch, thọ 95 tuổi. Vua ban hiệu là Đại Trí thiền sư, tháp hiệu Đại Bảo Thắng Luân.

Năm 814 TL, thiền sư Bách Trượng thị tịch, thọ 95 tuổi. Vua ban thụy hiệu là Đại Trí thiền sư, tháp tên Đại Bảo Thắng Luân.
 

[ Quay lại ]