HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Trí Tạng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 30 Tháng sáu 2019 13:19
Thiền sư Trí Tạng (Tây Đường)
(735 - 814)
Sư họ Liệu, quê ở Kiền Hóa, xuất gia lúc tám tuổi, hai mươi lăm tuổi thọ giới Cụ túc. Thầy tướng trông thấy Sư, nói: “Thầy cốt cách phi phàm sẽ làm phụ tá cho vị Pháp vương.”
Sư tìm đến tham vấn Mã Tổ, được Mã Tổ chấp nhận chỉ dạy. Sư đồng nhập thất với thiền sư Hoài Hải v.v... cũng đồng được ấn ký.
Thiền sư Trí Tạng còn được gọi là Tây Đường Trí Tạng, quê ở Kiền Hóa. Ngài cốt cách phi phàm, xuất gia lúc tám tuổi, hai mươi lăm tuổi thọ giới Cụ túc. Như vậy có thể ngài là bậc thánh nhân xuất thế, nếu không cũng gieo chủng duyên nhiều đời với Phật pháp.
Khi đến tham học với Mã Tổ liền được chấp nhận và đồng nhập thất với thiền sư Hoài Hải v.v... trở thành một trong số những cao đệ của Mã Tổ.
Mã Tổ sai Sư đến Trường An dâng thư cho Quốc sư Huệ Trung. Quốc sư hỏi:
- Thầy ngươi nói pháp gì?
Sư từ bên Đông sang bên Tây đứng.
Quốc sư hỏi:
- Chỉ cái ấy hay còn gì khác?
Sư trở lại bên Đông đứng.
Quốc sư bảo:
- Cái đó là của Mã sư, còn ngươi thế nào?
Sư thưa:
- Đã trình tương tợ với Hòa thượng.
Quốc sư hỏi: Thầy ngươi nói pháp gì? Câu hỏi mang cốt cách của một bậc trưởng thượng, trên cơ thầy mình chứ không phải ngang thầy mình. Được hỏi như vậy, sư từ bên đông sang bên tây đứng, chưa nói gì nhưng rõ ràng là đã xuất chiêu. Quốc sư liền biết ngài là đệ tử chánh truyền của Mã Tổ, nên hỏi tiếp: Chỉ cái ấy hay còn gì khác? Sư trở lại chỗ cũ, chứng tỏ mình đích thực là sư tử con, vừa động đến liền nhảy. Thật là một bài pháp thú vị. Sàn diễn rất sinh động, không chán mắt.
- Cái đó là của Mã sư, còn ngươi thế nào?
- Đã trình tương tợ với Hòa thượng.
Bài pháp quá hay. Thật khéo. Nếu là chúng ta thì sẽ kể, thưa thầy con nhập chúng được hai năm, làm Tri khố một năm, ngồi thiền một tiếng, ngủ gục hơn nửa tiếng… Ngài không cần nói điều đó, mà thể hiện qua hành động, thầy con thế nào thì con cũng thế ấy. Như vậy đủ biết ngài miên mật, chuyên nhất, đi ngay về thẳng, chớ không lòng vòng như chúng ta, nên mới nhận ra được ý chỉ của Mã Tổ.
Mã Tổ hỏi Sư:
- Sao con chẳng xem kinh?
Sư thưa:
- Kinh đâu có khác.
Mã Tổ hỏi: Sao con chẳng xem kinh? Sư thưa: Kinh đâu có khác. Câu này nói lên chỗ ngộ của ngài. Người đã ngộ thì không thiếu gì hết. Việc ngộ đạo không cố định ở một nghi thức hay việc làm nào. Không nhất thiết phải do tụng kinh, tọa thiền, học Phật pháp, nấu cơm, lau chùa… Trong những việc ấy, chỉ cần một việc chuyên nhất, không để niệm tạp chen vào thì thành công.
Sự thực nếu biết tu hành chúng ta sẽ có niềm vui. Đi đứng nằm ngồi đều ở trong định, từ việc nấu cơm cho đến làm rẫy, đều có thể áp dụng công phu. Trong đạo tràng hàng trăm vị, quý thầy chịu trách nhiệm phân cho mỗi người một công việc và hoán chuyển khéo léo. Chỉ cần vài nét biểu hiện thầy biết mình có kham nhẫn, thành tựu việc đó hay còn vướng mắc. Các bậc thầy luôn có cặp mắt nhìn thấu đệ tử.
Như công việc hương đăng là trang nghiêm Phật điện, dâng hương, đón tiếp Phật tử lễ lạy cúng dường. Nội việc này nếu mình chu toàn, tâm an ổn, vui tươi, trong sáng, là đã xứng đáng một thiền sinh ưu tú của thiền viện, đã vào được một cửa.
Những vị chưa vào cửa thì sao? Thì phải ráng nỗ lực. Tùy nhân duyên của mỗi người, không ai biết trước mình sẽ giỏi mặt nào, sẽ thâm nhập giai đoạn nào. Cần phải có thời gian để nhận ra bệnh tật của mình. Từ đó nương theo pháp Phật dạy, từ từ làm chủ, tự giải trừ các bệnh tật. Các bậc thầy có thể chỉ cho chúng ta mặt gương tròn sáng, dạy cách sử dụng. Còn chịu soi rọi lại để thấy mặt mũi ra sao, có khuyết tật gì là tự mỗi người. Cho nên nhà thiền có câu: “Uống nước nóng lạnh tự biết”, nghĩa là hành giả vào trong chỗ đó rồi tự biết.
Hôm nào, có vị quỳ trước tượng đài Bồ-tát Quán Thế Âm khấn nguyện: “Con từ khi vào thiền việân đến bây giờ, ngồi thiền hai con mắt cứ dính lại. Nguyện Bồ-tát ban cho con hai con mắt y như ngài.” Nếu gan dạ quỳ ở đó hoài thì hai mắt sẽ y như mắt Bồ-tát. Cũng có thể được chứ, chỉ có điều chúng ta thường quên ơn Bồ-tát thành ra chưa được. Khi khổ thì kêu gọi ngài không ngớt. Hết khổ thì thôi, quên ngài và quên cả tu luôn.
Sự thật là giọt nước nhành dương của Bồ-tát Quán Thế Âm đã rất nhiều lần rưới trên đảnh đầu chúng ta. Tuy nhiên mình cứ quên hay vì không chịu cố gắng. Hôm nay công việc trôi chảy, vừa ý, thấy vui vui, ngày mai lại quên hết. Cứ như vậy giống như người bị sốt rét cách nhật. Một bước tới, năm bảy bước lùi, hai ba bước đứng tại chỗ. Cho nên tu hành năm thứ nhất đứng tại vị trí số 7, năm thứ hai tụt xuống số 5, năm thứ ba trở về số 1. Tu hoài không thấy tiến. Người xưa nói: “Nhất niên Phật tại tiền, tam niên Phật thăng thiên.”
Thật ra chúng ta tu hành được như thế này là nhờ từ lực, uy lực vô lượng vô biên của Tam bảo, của chư vị Bồ-tát, chư vị hộ giáo hộ giới thường ủng hộ. Bệnh tật của chúng ta nhiều lắm, chứ không phải ít đâu. Những biểu hiện ra ngoài là chỉ phần nào thôi, vẫn còn rất nhiều ung nhọt, dị dạng đang được giấu giếm, cất chứa, ôm giữ bên trong. Nếu thật sự là người quyết tâm tu hành, đối trước chư Phật, chư Bồ-tát chúng ta thành thật bộc lộ, nhìn nhận những bệnh trạng của mình, xin nguyện tu sửa.
Cái kho của mình làm bằng inox cổ truyền, cứng chắc vô cùng, đã vậy còn được hàn nhiều lớp nên khó mà đụng tới. Bây giờ cứ ôm giữ hoài thì chừng nào mới thải hết ra đây? Tu hành là mở cửa kho, mạnh dạn thải ra. Không phải chỉ các thứ rác rến, đến ngọc ngà cũng phải bỏ. Thiền sư thường nói mạt vàng tuy quý nhưng lọt vào tròng mắt cũng trở thành siêu vi, phải mau phẫu thuật lôi ra, không thì hư con mắt. Tâm chúng ta cũng vậy, muốn thanh tịnh, giác ngộ thành Phật cần phải lọc, rửa. Chỉ có bỏ ra như Hòa thượng Trúc Lâm nói: “Chỉ trả nợ mới hết nợ.” Phải uy dũng, mạnh mẽ, vì không có cách nào khác.
Năm đó tôi nổi khùng, nhất định xin Hòa thượng Chủ tịch Phật giáo cất cốc tu. Biết thầy không hài lòng, nhưng quãng đó cứ muốn cái gì là muốn lấy được, nên có dịp tôi lại nằng nằng chạy ra xin cất cốc.
- Thưa thầy, con không chịu nổi trần gian này nữa. Xin Thầy cho con cất cốc tu.
Thầy hỏi:
- Bây giờ cất cái cốc làm sao, nói thầy nghe coi.
- Dạ con làm cái cốc tốn vài trăm.
- Sao tốn vài trăm?
- Dạ, đất người ta cho, con chỉ chịu khó lên. Con coi rồi. Người ta dẫn đến mấy trại cưa gỗ thông. Họ lấy ruột, bốn cái bìa bỏ ra nhiều lắm. Người ở trại cưa nói cho không, cần người phụ họ cũng giúp.
Thầy hỏi:
- Mấy cái bìa đó làm sao?
- Dạ con mua đinh dày một chút đóng thành kèo, vách toàn là bìa cây thông.
- Lấy cái gì lợp mái?
- Dạ, có người hứa cho mấy miếng tôn.
Thầy nói xứ lạnh thì tôn cũng được.
- Con còn tính nước thứ hai, nếu không có tôn thì con sẽ lợp luôn bằng bìa thông.
- Để làm gì?
- Dạ, để có một miếng lửa rớt vô là nó phát cháy, chạy ra không kịp.
Nói tới đây thì lòi ra cái khùng thấy thương, nhưng lúc đó mình chỉ thấy ý chí ngùn ngụt nung nấu như lò lửa đang bốc. Thầy im lặng. Cuối cùng thầy nói:
- Sao mà dại quá vậy con? Đang sống như thế này muốn chạy đi đâu? Những lợi lạc trên đường tu, mình không thể tìm thấy ở đâu, trừ khi sống chung trong chúng, trong huynh đệ, trong đạo tràng. Rời chúng sẽ có những việc không tốt không hay cho mình. Người xưa nói “Hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn”.
Lời dạy này tôi ghi nhớ và vâng giữ suốt đời, không dám quên. Nhờ thế đến bây giờ vẫn yên ở trong đại chúng.
Đạo tình linh sơn cốt nhục không chỉ từ nơi thầy tổ, mà còn ở huynh đệ. Xưa có câu “Học thầy không tày học bạn.” Huynh đệ đồng tu sống với nhau bằng chân tình ruột thịt, là những thiện tri thức gần gũi nhất. Vì chân tình nên bạn mới chỉ lỗi cho mình. Nhưng nhiều khi chúng ta lại không vui. Phải qua quá trình sống trải nghiệm, tu tập mình mới chấp nhận sự chỉ giáo của huynh đệ.
Như mình có tật ngủ mê nói mớ, vừa ngủ vừa nói chuyện. Thầy ở riêng làm sao biết. Chỉ có huynh đệ ngủ gần biết và giúp mình sửa đổi. Cũng vậy những lúc điên đảo, nhờ có huynh đệ thường là những người biểu hiện cứng rắn, góc cạnh nhắc nhở. Nhờ vậy mình qua được những khúc truông đó. Còn những người thân thiện, hòa thuận lại không giúp được. Đây chính là đạo tình. Trong quá trình tu tập, sinh hoạt với đại chúng, chân tình này luôn đầy đủ.
Hồi ở Học viện Huệ Nghiêm, phòng của chúng tôi nằm giữa phòng chứa tạng kinh và phòng Hòa thượng Phó Viện trưởng. Tôi sợ ma dữ, cho nên ở trong chúng đông đảo nhưng không khi nào tôi dám nằm cuối phòng. Chấp nhận ồn ào, tôi luôn xin được nằm giữa phòng. Tôi nghĩ ma không le lưỡi tới đó. Ngày cũng như đêm không khi nào phòng đóng cửa, chúng tôi chiếm lĩnh rồi là chìa khóa tự nhiên không còn.
Cửa mở nên mọi người vô ra tự nhiên. Đơn cũng không bao giờ khóa. Cho nên khi có việc xuống lầu sớm, tới giờ thọ trai chỉ cần la lên: “Huynh nào làm ơn qua lấy giùm tôi cái áo với cái chén.” Hoặc đi ra ngoài muốn mặc chiếc áo sạch sẽ một chút thì hỏi mấy anh em có phương tiện: “Cho tôi mượn một bữa đi.” Dễ dàng. Anh em chúng tôi kẻ Nam người Bắc, tứ phương. Lúc đầu còn sượng sùng, ngại ngùng, nhưng một hai tháng là quen. Thời nào, ở đâu, với ai cũng vậy, bằng chân tình mình sống, nhờ vậy tôi cảm nhận lòng từ của những Bồ-tát sống quanh mình.
Từ cuộc sống chân tình, tâm luôn hướng về đạo, chúng ta ý thức nhiệm vụ của người tu hành. Hòa thượng Trúc Lâm nói đạo là chân thật, càng chân thật càng gần với đạo, đừng tìm cầu ở đâu. Ngài còn dạy: “Mấy chú phải sống với tánh giác. Phật, Bồ-tát giác ngộ tánh giác. Muốn làm Phật, làm Bồ-tát thì phải sống với tánh giác.” Phật là giác, muốn thành Phật thì phải giác, phải nhận rõ các pháp là mộng huyễn, duyên sinh. Từ đó chúng ta chấn chỉnh, yên lòng, cương quyết đi hết con đường mình đã chọn.
- Tuy nhiên như thế, song con về sau vì người cần phải xem.
- Con bệnh cần phải trị dưỡng, đâu dám nói vì người.
- Con lúc lớn tuổi sẽ làm Phật pháp hưng thịnh ở đời.
Mã Tổ thấy trước tương lai của sư nên khéo vận dụng nhắc nhở. Đây là chỗ chúng ta không bì được với chư vị tổ sư, mình không có tuệ nhãn thấy được như vậy. Cách đây mấy hôm có người nhắc nhở tôi: “Thầy làm chi mà cực hoài. Thầy phải giữ các vị lớn để người ta phụ. Nuôi họ bao lâu rồi để họ đi hết.” Tôi nói: “Người ta muốn đi làm sao giữ được?” - “Thầy phán một tiếng là họ nghe.” Tôi nhớ hoài câu phán một tiếng, nhưng không biết phán làm sao.
Biết rằng tất cả đều là duyên sinh, nhưng đau buốt ở chỗ duyên sinh sanh ra nghiệt ngã. Chúng ta cũng không biết phải làm sao cho thuận hợp, đúng với vị trí của duyên sinh. Đây là điều đắn đo của người chưa xong việc, chưa đạt đạo. Mình chưa phát huy được trí tuệ Bát-nhã, đối với các pháp duyên sinh thôi đã rối bời, chằng chịt.
Như ngồi trong lớp này, tôi thấy hàng ngang hàng dọc chằng chịt, đan lại thành một lớp học, luận bàn Phật pháp. Sự đan xen này chỉ trên hình thức còn những gắn bó vô hình chúng ta không thấy. Phật dạy thấy được duyên sinh là giác ngộ, kiến đế, A-hàm nói thấy pháp là thấy đạo. Lý thuyết rất giản dị, nhưng dàn cảnh lại vô cùng rối rắm. Gìn giữ những mắt xích duyên sinh hoàn chỉnh tốt đẹp thì đời đời là pháp lữ, xứng đáng với lời dạy của Hòa thượng Trúc Lâm, cùng nhau nguyện tu hành chừng nào thành Phật mới vừa lòng.
Trường hợp ngài Tây Đường, Mã Tổ nói sao ông không xem kinh. Thưa thầy kinh đâu có khác. Tuy nhiên như thế là người làm lợi ích cho Phật pháp, nên xem kinh. Sư thưa con tự lo giải quyết việc của con, đâu dám nghĩ đến chuyện dạy bảo người. Có những lúc chúng ta cũng như vậy. Đó là những lúc cần phải bồi dưỡng cật lực.
Sau khi Mã Tổ tịch, chúng thỉnh Sư khai đường giáo hóa, nhằm năm thứ 7 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (791 TL).
Thượng thư Lý Tường thường hỏi Tăng chúng:
- Mã Tổ có dạy pháp gì?
Tăng chúng đáp:
- Hoặc nói “tức tâm tức Phật”, hoặc nói “phi tâm phi Phật”.
Lý Tường nói:
- Đều sai, bên ấy.
Sau khi Mã Tổ tịch, sư khai đường giáo hóa, vua và quan lại cao cấp tìm đến hỏi đạo. Các vị này tham học nhiều nơi, có người cũng ngộ đạo như thừa tướng Bùi Hưu, Lý Cao, v.v... Thượng thư Lý Tường là một cư sĩ ngộ đạo, nghe tăng chúng trả lời tức tâm tức Phật, phi tâm phi Phật, ông bảo nói sai hết, chỉ bên ấy.
Lý Tường đến hỏi Sư:
- Mã Tổ có dạy pháp gì?
Sư gọi:
- Lý Tường!
Lý Tường đáp:
- Dạ.
Sư bảo:
- Gốc trống động.
Quan thượng thư hỏi Mã Tổ dạy pháp gì, các nơi thường lặp lại lời tổ, nhưng mở miệng nói ra là đã lệch. Chỗ đó không phải chỗ nói. Cho nên Lâm Tế hét, Đức Sơn cho ăn hèo để chỉ triệt để chỗ đó. Ở đây cách của ngài Tây Đường mềm mại hơn, kêu “Lý Tường!” - “Dạ.” Ngang đó không cho biết gì nữa. Câu nói “Gốc trống động” để cho Lý Tường mò không tới, nhưng thực chất cốt lõi là tiếng gọi “Lý Tường”. Đó là một bài pháp rất giản dị.
Sư thượng đường dạy chúng:
- Nhân quả rõ ràng, phải làm sao, phải làm sao?
Có vị tăng bước ra, lấy tay bươi dưới đất.
Sư hỏi:
- Làm gì?
Tăng thưa:
- Cứu nhau, cứu nhau.
Sư bảo:
- Đại chúng, vị tăng này vẫn còn chút ít so sánh.
Vị tăng ấy phủi áo chạy đi.
Sư bảo:
- Trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử.
Vị tăng bươi đất nói: Cứu nhau, cứu nhau. Sư bảo đại chúng ông này còn ít chút so sánh. Vì lòng từ bi ngài không nói vị tăng còn ở bên ngoài. Vị tăng phủi áo chạy đi, không nhận ra được lời thầy. Cho nên ngài nói: Trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử. Không cứu được.
Việc tự cứu không thể từ ngoài đem vào, nên những hình thức bên ngoài đều không dính dáng. Ngài Nham Đầu nói của báu từ ngoài đem vào không phải thứ thiệt, thứ thiệt là từ hông ngực của mình lưu xuất. Người sử dụng được cái thiệt đó, mai kia mốt nọ có thể lên núi cao tuyên dương Phật pháp. Ở đây ngài hé một chút ánh sáng để chúng ta bước vào, tuy nhiên vẫn còn mềm mại lắm.
Chúng ta không dám nghe, không dám nhận, không dám bước vào chỗ đó, vậy Phật pháp đối với mình có lợi lạc gì? Như có huynh đệ nói: “Huynh ơi, sao em thấy huynh đi có vẻ vội vàng quá vậy?” Tự kiểm lại mình có vội vàng không, nếu có thì sửa, tức là tiếp thu được bài pháp đó. Chúng ta cám ơn người huynh đệ, cám ơn đại chúng. Như vậy sự tu hành của mình trong đạo tràng sẽ tiến bộ. Nếu cứ bảo thủ, không ai dám nói đến làm sao tu tiến?
Sở dĩ Hòa thượng Trúc Lâm lập ra việc thỉnh nguyện để đại chúng cảm thông nhau. Chỗ nào còn xấu dở tự nhận thấy xin phát lồ sám hối, nhất định sửa chữa. Những điều chưa thấy hoặc chưa muốn nói thì thỉnh cầu quý thầy và huynh đệ chỉ giùm. Quá hay. Như thế để chúng ta không thể nào cất chứa những mầm bệnh gây ung nhọt. Chúng ta tu pháp môn loại ra thì không thể đem vào được.
Có người thế tục đến hỏi Sư:
- Có thiên đường, có địa ngục chăng?
Sư đáp:
- Có.
- Có Phật, Pháp, Tăng, Tam bảo chăng?
- Có.
Người ấy hỏi nhiều vấn đề nữa, Sư đều đáp có. Người ấy thưa:
- Hòa thượng nói thế e lầm chăng?
- Ông đã hỏi vị tôn túc nào rồi mới đến đây chăng?
- Con đã hỏi hòa thượng Cảnh Sơn.
- Hòa thượng Cảnh Sơn nói với ông thế nào?
- Ngài nói tất cả đều không.
- Ông có vợ chăng?
- Có.
- Hòa thượng Cảnh Sơn có vợ chăng?
- Không.
- Hòa thượng Cảnh Sơn nói không là phải.
Người ấy lễ tạ lui ra.
Nghe qua giống như thế tục nhưng không phải. Ý ở đây là nếu chúng ta chưa hoàn chỉnh, còn ủ bệnh ở trong thì nói không nói có đều dính mắc. Vị cư sĩ nhận được ý chỉ nên lễ tạ lui ra.
Niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ 9 (814 TL) ngày mùng 8 tháng 4, Sư quy tịch, thọ 80 tuổi.
Vua Hiến Tông sắc ban hiệu là Đại Tuyên Giáo thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chứng Chơn.
Tin mới
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Linh Mặc - 25/08/2019 10:45
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đạo Ngộ - 13/08/2019 13:57
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Vô Nghiệp - 02/08/2019 14:04
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Pháp Thường - 23/07/2019 14:50
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Trí Thường - 12/07/2019 14:11
Các tin khác
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Huệ Tạng - 21/06/2019 13:44
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Ẩn Phong - 09/06/2019 12:50
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Huệ Hải - 26/05/2019 13:40
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Phổ Nguyện - 10/05/2019 13:59
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Hoài Hải - 26/04/2019 14:18