headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Vô Nghiệp

tsvonghiep Thiền sư Vô Nghiệp
(760 - 821)

Sư họ Đỗ, quê ở Thượng Lạc, Thương Châu. Mẹ Sư họ Lý, một hôm bà nghe trong hư không có tiếng nói: “Cho ở nhờ được chăng?”, bà liền biết có thai. Sư lọt lòng mẹ nhằm lúc ban đêm, có hào quang sáng đầy nhà. Được bốn năm tuổi mà Sư đi thì nhìn thẳng, ngồi thì tréo kiết-già. Đến chín tuổi, Sư theo thiền sư Chí Bổn ở chùa Khai Nguyên học kinh Đại thừa.

 Sư họ Đỗ, người Thương Châu. Từ nhỏ đã có những biểu hiện khác thường, sanh ra có hào quang sáng khắp nhà, đi thì nhìn thẳng, ngồi thì tréo kiết-già. Người ta nói đi như trâu nhìn như cọp, đó là tướng trượng phu. Trâu có bước chân chắc khỏe, đầy đủ khí lực. Cọp chỉ nhìn thẳng, không bao giờ liếc ngang liếc dọc. Chín tuổi ngài đã theo thiền sư học đạo.

Năm mười hai tuổi, Sư cạo tóc xuất gia. Hai mươi tuổi, Sư thọ giới Cụ túc với Luật sư U ở Nhưỡng Châu. Sư học luật Tứ phần vừa xong, liền vì chúng diễn giảng. Sư giảng kinh Đại Niết-bàn suốt mùa hạ mùa đông chẳng dừng.

Hai mươi tuổi ngài thọ giới Tỳ-kheo, học luật Tứ phần xong là vì chúng giảng giải. Kinh Đại Niết-bàn là bộ kinh đại thừa, nghĩa lý uyên thâm mà ngài giảng thông suốt từ lúc hãy còn rất trẻ. Như vậy đủ biết thiền sư Vô Nghiệp đã thành tựu phúc trí từ trước rồi. Đời này đúng như sở nguyện, mở con mắt ra là nhớ lại trí Bát-nhã, nương Bát-nhã lực đến với đạo, tu hành không thông qua một hồ sơ nào khác.

Bốn năm tuổi đi thì nhìn thẳng, ngồi thì tréo kiết-già, chín tuổi theo thầy học kinh điển Đại thừa, mười hai tuổi xuất gia, hai mươi tuổi thọ giới Cụ túc. Thọ giới Cụ túc xong học luật Tứ phần, rồi giảng giải kinh Niết-bàn suốt mùa hạ mùa đông… Con người quá đặc biệt.

Chúng ta căn cơ chậm lụt học đạo phải qua nhiều ngõ ngách cho nên thường bị trễ. Có huynh đệ 60, 70 tuổi mà chưa nhập hồ sơ được.

Nghe danh Mã Tổ, Sư tìm đến yết kiến. Mã Tổ thấy tướng mạo Sư kỳ đặc, tiếng nói thanh như chuông, bèn bảo:

- Cao lớn nghiêm chỉnh mà trong ấy không Phật.

Sư lễ bái, quỳ thưa:

- Về kinh điển con hiểu biết đơn sơ, thường nghe thiền môn “Tức tâm là Phật” thật chưa hiểu thấu.

- Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác.

Cách dẫn đạo này từ thiền sư Hoài Nhượng cho tới Mã Tổ, không có hai đường. Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác.

- Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Độ sang?

- Đại đức chính đang ồn. Hãy đi! Khi khác lại.

Sư vừa đi, Mã Tổ gọi:

- Đại đức!

Sư xoay đầu lại.

Mã Tổ hỏi:

- Là cái gì?

Sư liền lãnh hội, lễ bái.

Mã Tổ bảo:

- Kẻ độn, lễ bái làm gì?

Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Độ sang? Đây là câu mà hầu hết các vị đi hành cước đều hỏi thầy mình. Ngài Vô Nghiệp rất lanh lợi nên chỉ cần Mã Tổ gọi, ngài xoay đầu lại, Tổ hỏi: Là cái gì? Liền lễ bái. - “Kẻ độn, lễ bái làm gì?” là câu xác định của Mã Tổ. Ông được đó.

Sau khi nhận được ý chỉ, Sư tìm đến Tào Khê lễ tháp Lục Tổ và đi viếng Lô Sơn, Thiên Thai... các thánh tích. Sư lại đến Thanh Lương, dừng ở chùa Kim Các tám năm để xem Đại tạng kinh.

Sau khi xong việc, ngài đi viếng các thánh tích đặc biệt. Thanh Lương có thời là trung tâm lớn của tông phái Hoa Nghiêm. Quốc sư Thanh Lương là ngài Trừng Khoán, có Trụ trì nơi này. Thiền sư Khuê Phong từng ở Thanh Lương, là tác giả của bộ Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự, gồm 100 quyển rất nổi tiếng trong tùng lâm, nhưng đến nay đã thất truyền, chỉ còn lại lời tựa. Hòa thượng Trúc Lâm dịch lời tựa này, dạy cho Tăng Ni khóa I tại thiền viện Chân Không, lấy tên là Nguồn thiền.

Tám năm ngài Vô Nghiệp ở tàng kinh các để duyệt tạng. Hồi xưa các bậc cao tăng tự thành tựu cho mình một nền tảng Phật học thật vững chắc, cho nên khi giảng dạy nói có chứng cứ rõ ràng, chứ không qua loa như chúng ta ngày nay.

Trên thiền viện Chân không, Hòa thượng tôn trí tạng kinh trong tủ thờ Phật, chính giữa phương trượng. Thầy đi đâu, tạng kinh theo đó. Sau khi đất nước thống nhất, tạng kinh được đưa về Thường Chiếu. Hòa thượng nói với tôi: “Tạng kinh là linh hồn của thầy, tạng kinh ở đâu là thầy ở đó.” Bây giờ linh hồn của thầy được đặt tại tổ đình thiền viện Thường Chiếu.

Anh em ngày nay phước duyên thật nhiều, thiền viện có tới mấy tạng kinh: tạng thời Càn Long gọi là tạng Càn Long, Đại Chính Tân Tu, Tục Tạng Tân Toản, Thiền tạng … Trong đó Đại Chính Tân Tu có thể nói là tạng kinh thông dụng nhất, nhưng người duyệt tạng hiếm quá. Chúng tôi ngày trước muốn duyệt tạng mà tìm một cuốn không ra. Các hành trạng của chư vị thiền sư trong đó rất nhiều. Hòa thượng soạn ra, dẫn giải tượng trưng một ít thôi. Ngài bảo phần còn lại là công việc và trách nhiệm của người sau. Chúng ta tu thiền, học thiền, hành thiền mà không rành rõ tông tổ của mình thì rất dở. Cho nên chư huynh đệ cần phải cố gắng lên.

Chúng ta học hiểu như vậy, có thể giảng dạy được nhưng đó chỉ là trí hữu sư; nhớ, nghe, ghi, học của người khác. Chư huynh đệ phải có thời gian thiền định, có thời gian duyệt tạng thì điều mình nói và hiểu, có công phu tu luyện trong đó, giảng dạy mới chắc thực. Tóm lại chúng ta phải tập trung vào việc chính, phát tâm dũng mãnh xoay lại quán chiếu nơi mình, đừng để những chuyện bên ngoài xen vào, uổng phí một đời tu. Nên nhớ chúng ta còn phải cống hiến rất nhiều cho đạo pháp.

Sau đó, Sư sang phương Nam đến Tây Hà gặp Thích sử Đổng Thúc Triền thỉnh Sư ở lại tinh xá Khai Nguyên.

Sư nói:

- Duyên của ta ở đây vậy.

Ở đây hơn hai mươi năm, Sư xiển dương thiền học, các nơi đều nghe tiếng, người học đạo tìm đến càng ngày càng đông. Đáp những câu hỏi của người, Sư thường nói câu:

- Chớ vọng tưởng.

Sư dạy chúng:

- Chư Phật chưa từng ra đời, cũng không có một pháp dạy người, chỉ tùy bệnh cho thuốc nên có mười hai phần giáo, như lấy chuối ngọt nhét thuốc đắng vào, cốt gột sạch gốc nghiệp cho các ngươi.

Ngài nói chư Phật chưa từng ra đời, cũng không có một pháp dạy người, tức cái gốc là tâm thể rỗng rang sáng suốt. Chỉ tùy bệnh cho thuốc nên có mười hai phần giáo, nói không thuyết pháp nhưng có mười hai phần giáo, là vì tùy bệnh của chúng sanh mà chỉ bày. Việc này cũng như lấy chuối ngọt nhét thuốc đắng vào, cốt gột sạch gốc nghiệp cho người. Mười hai phần giáo là toàn bộ giáo lý đức Phật thuyết giảng trong suốt bốn mươi chín năm, được liệt kê dưới dạng bài kệ tụng, phân loại như sau:

Trường Hàng, Trùng tụng cùng Cô khởi,

Thí dụ, Nhơn duyên với Tự Thuyết.

Bổn sanh, Bổn sự, Vị tằng hữu,

Phương quảng, Luận nghị và Ký biệt.

Thuốc đắng nhét trong khúc chuối để lừa vị giác của mình. Ta uống vào thì cái đắng nằm trong vị ngọt của chuối nên không thấy ngán. Ở đây các ngài mượn phương tiện dẫn dụ chúng ta tu. Mỗi người tùy theo nhân duyên, căn cơ của mình mà chọn pháp tu thích hợp, miễn sao tu được, không ngán, không sợ, không thối lui là tốt. Đó là tấm lòng từ bi của Phật Tổ từ trước đến nay.

Những vị cổ đức xưa, sau khi hội được ý chỉ, bèn cất am tranh hoặc ở thất đá, nấu cơm bằng lò bể. Như vậy trải hơn hai, ba mươi năm, danh lợi không bận lòng, tiền của chẳng phiền nghĩ, quên cả người đời, ở ẩn chốn núi rừng, vua chúa mời chẳng đến, chư hầu thỉnh cũng chẳng đi. Đâu như chúng ta ngày nay, tham danh mến lợi, chìm đắm trong bụi đời, như bọn con buôn.

Ngài đưa hình ảnh của người xưa để quở trách chúng ta, đồng thời cũng để khích lệ mình cố gắng nỗ lực. Người xưa cất am tranh, ở hang đá, nấu cơm bằng lò bể. Người xưa tôi không được thấy, nhưng cảnh này của người nay thì tôi có cảm khái.

Một thầy đệ tử lớn của Hòa thượng Vạn Đức, ra cất thất trên vùng Long Bình. Thất lá lù xù nằm ở bìa rừng, bên ngoài che một cái mái nhỏ, phía dưới kê ba cục đá, cạnh bên là vài que củi và mấy cái hủ nhỏ. Hôm đó thầy bệnh nói không ra tiếng, hộ thất đưa thuốc thầy không uống, bảo: “Cái duyên của thầy vậy rồi.” Trong lúc quý thầy lớn hỏi thăm, tôi đi vòng vòng xem. Trên nền đất in đầy dấu chân thầy đi kinh hành. Bên ngoài cái xoong nhỏ được bắc lên ba cục gạch, trong đó có gạo, bún tàu… hai ba thứ nấu chung. Lửa tắt hồi nào không biết, mấy cọng bún dường như chưa chín. Có lẽ thầy bắc lên nấu rồi bỏ đó, lo niệm Phật.

Huynh đệ thuyết phục thầy uống thuốc, thầy nói: “Huynh đệ thương tôi như vậy đủ rồi, xá gì thân nhơ nhớp giả tạm này mà phải giữ cho cực.” Quý thầy về rồi, bất thần Hòa thượng Vạn Đức đến thăm. Thầy đảnh lễ ngài, Hòa thượng im lặng giây lâu, nói: “Chỉ có nhớ Phật, niệm Phật thì Phật mới rước. Để cái khác xen vô thì Phật không rước.” Đúng như vậy, có cái khác xen vào là Phật không rước.

Thiền sư nói chúng ta ngày nay dính mắc danh lợi, chìm đắm trong bụi đời, như bọn con buôn. Chỉ những người đi buôn mới thích chốn đông người, ăn uống, dạo chơi… tạp niệm.

Bồ-tát học Bát-nhã không được khinh mạn, như đi trên băng mỏng, như chạy trên kiếm bén. Khi lâm chung một mảy tình phàm lượng thánh chưa sạch, chút bụi tư niệm chưa quên liền tùy niệm thọ sanh, thọ thân năm ấm nặng hay nhẹ, đến trong thai lừa bụng ngựa, hoặc gá sanh trong địa ngục chịu vạc dầu sôi, đồng cháy quấn mình. Từ trước những ghi nhớ nghĩ tưởng, hiểu biết trí tuệ thảy đều một thời mất hết. Sau đó lại sanh làm trùng, kiến, làm muỗi mòng. Tuy là nhân lành mà mắc quả dữ, lại mong điều gì?

Chúng ta tuy có học Bát-nhã nhưng trong lòng vẫn còn chấp ngã, khởi tâm khinh trọng đối đãi. Người đặc biệt chuyên nhất như đi trên băng mỏng, chạy trên kiếm bén. Băng mỏng dễ tan nên phải đi thật nhẹ thật nhanh, bước mạnh một chút là sụp. Đi trên kiếm bén thì phải luyện tập bước như thế nào, chớ kiểu mình mà kê vào chắc dính luôn trên kiếm, hết đi.

Khi lâm chung một mảy tình phàm lượng thánh chưa sạch, chút bụi tư niệm chưa quên liền tùy niệm thọ sanh, còn niệm thì còn thọ sanh. Tư niệm tức là vọng tưởng. Có người hỏi: “Thưa thầy, mình tu chừng nào hết luân hồi?” Thầy nói: “Chừng nào hết vọng tưởng thì hết luân hồi.” Qua lời dạy đó, chúng ta cũng biết chừng nào mình hết luân hồi. Bao giờ ta ngồi yên, nằm yên, đi yên, đứng yên, ăn yên, ngủ yên… không bị một chút tư niệm nào vương vấn thì thành tựu. Sở dĩ chúng ta còn trôi giạt là vì vọng động nhiều quá. Thiền sư nói con khỉ ý thức của mình còn khôn ngoan, bén nhạy thì không bao giờ hết vướng mắc.

Thọ thân năm ấm nặng hay nhẹ, đến trong thai lừa bụng ngựa. Thọ sanh có bốn loài: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh. Trong mỗi loài có nặng nhẹ khác nhau. Phước duyên nhiều thì sanh ra duyên dáng dễ nhìn, trong nhà hào phú, có trí tuệ. Duyên phước kém thì rơi vào chỗ trì trệ, ít học… Mỗi người tự nghiệm lại thì biết thân phận của mình.

Chúng sanh nào nghiệp tập quá dày, quá đen tối thì thác sanh vào trong địa ngục chịu vạc dầu sôi, đồng cháy quấn mình để đền trả nợ nần. Từ trước những ghi nhớ nghĩ tưởng, hiểu biết trí tuệ thảy đều một thời mất hết. Sau đó lại sanh làm trùng, kiến, làm muỗi mòng.

Tuy là nhân lành mà mắc quả dữ, lại mong điều gì? Tuy có nhân lành là học Bát-nhã, nhưng tư niệm tăm tối chưa hết, nên rơi vào quả ác. Điều này chúng ta nên nhớ.

Huynh đệ! Chỉ vì tham dục thành tánh nên hai mươi lăm cõi ràng buộc chân mình, không biết chừng nào xong xuôi.

Tổ sư xem chúng sanh cõi này (Trung Hoa) có căn tánh Đại thừa nên chỉ truyền tâm ấn để dạy mê tình.

Gốc từ tham dục cho nên chúng sanh bị trôi giạt, sanh đây thác kia trong vòng hai mươi lăm thú. Bị ràng buộc trong đó không biết chừng nào mới xong. Tuy nhiên chúng sanh ở cõi này có được khí lượng đại thừa, có thể truyền bá tâm tông. Do vậy các ngài đến để truyền bá tâm tông.

Người được đó chẳng chọn phàm thánh, ngu hay trí, vả lại nhiều rỗng không bằng ít thật.

Những người được truyền tâm ấn thường phải qua những lọc lừa. Như giữa đêm lạnh lẽo, tuyết rơi ngập thấu gối, Thần Quang đứng trên Tung Sơn cầu pháp an tâm. Vô lượng các vị khác phải chịu đủ mọi khó khổ, để được vào chốn Tổ nhận tâm ấn, nhận lại chính mình.

Nhiều rỗng không bằng ít thật, tổ Bồ-đề-đạt-ma ngồi trên Thiếu Thất chín năm, trong chùa chắc cũng đông người, nhưng chỉ chọn được một đại sư Huệ Khả.

Kẻ đại trượng phu hiện nay thẳng đó liền hết sạch, chóng dứt muôn duyên, vượt khỏi dòng sanh tử, ra ngoài tính cách tầm thường. Linh quang riêng chiếu, vật không thể buộc, vòi vọi rỡ rỡ riêng đi trong tam giới. Đâu chỉ thân cao trượng sáu vàng ròng chói sáng, cổ đeo vòng bóng, tướng lưỡi rộng dài. “Nếu lấy sắc thấy ta là hành đạo tà.” Dù có quyến thuộc, chẳng cầu mà tự được, quả đất núi sông chẳng ngại mắt sáng, được đại tổng trì, một nghe ngàn ngộ, trọn chẳng cần giá trị bằng bữa ăn.

Tất cả những hình danh sắc tướng, âm thanh bóng loáng bên ngoài đều giả tạm, thiền sư không quan tâm. Kinh Kim Cang, Phật nói: Nếu lấy sắc thấy ta là hành đạo tà. Tu để được những thứ đó đều chưa phải là tâm tông.

Các ngươi nếu chẳng như thế, Tổ sư đến cõi này chẳng phải thường, có tổn mà có ích. Có ích là trong ngàn người chọn lọc được một người, nửa người là pháp khí. Có tổn, như đoạn trước đã nói. Theo kinh điển ba thừa tu hành chẳng ngại được Tứ quả Tam hiền, có phần tiến tu. Cho nên tiên đức nói: “Liễu tức nghiệp chướng xưa nay không, chưa liễu trở lại đền nợ trước.”

Ở đây đặt vấn đề liễu hay không liễu. Nếu chưa liễu thì trở lại đền nợ trước, liễu rồi thì nghiệp chướng xưa nay không. Trong kinh cũng nói người sống được chỗ chân thật thì ngày tiêu muôn lượng vàng ròng cũng không sao, chưa được như vậy thì một giọt nước cũng không xong. Chưa liễu là chưa sống được với tâm thể.

Vua Hiến Tông nhà Đường nhiều phen thỉnh Sư, Sư đều lấy lý do bệnh từ chối không đến. Đến Mục Tông lên ngôi lại sai Lưỡng Nhai Tăng Lục là Linh Phụ v.v... đến thỉnh Sư. Những vị này đến làm lễ thưa:

- Hoàng thượng ân chỉ phen này chẳng giống lúc thường, xin Hòa thượng hãy thuận thiên tâm, không nên nói bệnh.

Sư cười chúm chím nói:

- Bần đạo có đức gì làm phiền Thế chủ. Mời các ngài đi trước, tôi sẽ đi đường riêng.

Cuối đời ngài được các vua chúa mời về kinh đô. Trước là vua Hiến Tông đời Đường, sau là vua Mục Tông sai Lưỡng Nhai Tăng Lục là Linh Phụ đến thỉnh về kinh. Ngài đều từ chối với lý do bệnh.

Lục tổ Huệ Năng cũng nhiều lần được vua Đường cho sứ thần đến thỉnh về kinh. Thiền pháp của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã truyền bá ở kinh sư, ngài Thần Tú làm quốc sư hai đời vua. Trong khi đó ngài Huệ Năng vẫn ở Tào Khê, Hoa Nam. Nhiều lần nhà vua được quốc sư giới thiệu, ngài Huệ Năng là người được tâm ấn của Ngũ Tổ, tôi không phải là người được tâm ấn. Hai ngài không có gì hiềm khích nhau, sở dĩ có là do hàng đệ tử về sau. Nhà vua cho sứ đi mời nhiều lần nhưng ngài Huệ Năng đều từ chối: “Tôi già quê, xin được ở núi rừng tu hành, đền ân quốc vương.” Vua mời mãi không được mới đưa y bát tới cúng dường.

Sư bèn tắm gội, đến nửa đêm bảo đệ tử Huệ Âm v.v...

- Các ngươi! Tánh thấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sanh chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi lăn không cùng.

Người mê là người vọng tưởng, không nhận được tâm thể, sống chạy theo vật, theo vọng tưởng nên tạo nghiệp rồi bị trôi lăn trong sanh tử. Giữa mê và ngộ không có biên cương. Mê thì chạy theo cảnh tạo nghiệp, lẩn quẩn trong luân hồi sanh tử. Ngộ thì sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt, tự tại giải thoát. Thiền tông luôn chỉ thẳng, không nói lòng vòng quanh co.

Các ngươi phải biết, tâm tánh vốn tự có, chẳng phải do tạo tác, ví như kim cương không thể phá hoại.

Tâm thể của mình xưa nay rỗng lặng, bản nhiên nó như vậy, không phải do tạo tác. Kim cương là một chất báu cứng, nó có thể phá được các thứ khác mà không có gì phá nổi nó. Các ngài mượn kim cương để ví cho tâm thể.

Tất cả pháp như bóng như vang không có thật. Cho nên kinh nói: “Chỉ đây một việc thật, ngoài hai thì chẳng chân.”

Kinh Pháp Hoa nói, sau khi đức Phật chỉ dạy về Phật tri kiến rồi, ngài xác định: Chỉ đây một việc thật, ngoài hai thì chẳng chân. Chỉ một tri kiến Phật thôi, có cái thứ hai thì chẳng phải chân. Phật nói sở dĩ Ngài ra đời là vì chỉ dạy cho chúng sanh nhận hiểu Phật tri kiến, tu chứng Phật tri kiến. Phật tri kiến chính là tâm thể rỗng rang sáng suốt của chúng ta.

Thường hiểu tất cả không, không một vật hợp tình, là chỗ chư Phật dụng tâm. Các ngươi cố gắng thực hành!

Sống được với trí tuệ vô sư là chỗ chư Phật dụng tâm. Đức Phật sau khi giác ngộ đã nói: “Ta chứng được đạo vô sư, thành tựu được trí tuệ vô sư.” Rõ ràng trong thời gian ngài học đạo với các vị đại tiên, chứng được chỗ vi diệu của họ rồi, ngài thấy vẫn chưa thỏa mãn. Cuối cùng Thế Tôn rời bỏ các vị này, một mình đến sông Ni-liên, nhận bát sữa của nàng mục nữ, tắm rửa sạch sẽ, trải tòa cỏ dưới cội Tất-bát-la. Trước khi ngồi, ngài tuyên thệ một lời: “Nếu không chứng được đạo quả vô thượng Bồ-đề, dù thịt nát xương tan quyết không rời khỏi chỗ này”. Khẳng định như vậy. Thệ xong, ngài ngồi thiền định suốt 49 ngày đêm tại đây. Khi sao mai vừa mọc, giây phút huy hoàng bừng sáng, Thế Tôn chứng được đạo quả, trí tuệ viên mãn. Ngài tuyên bố: “Ta chứng đạo không thầy, được trí tuệ vô sư”. Thiền tông chỉ thẳng trí đó.

Một đoạn nhân duyên này thôi, đủ để cho huynh đệ chúng ta cố gắng tu hành. Học hành trạng của chư vị thiền sư, mỗi vị đều có những điểm đặc biệt. Ở đây ngài dạy: Thường hiểu tất cả không, không một vật hợp tình, là chỗ chư Phật dụng tâm, các ngươi cố gắng thực hành. Chúng ta có thể căn cứ theo đó mà tu, chắc chắn sẽ thành tựu.

Nói xong, Sư ngồi kiết-già thị tịch. Ngày thiêu Sư, có mây lành năm sắc, mùi hương lạ khắp bốn phương, được xá-lợi như ngọc sáng. Sư thọ 62 tuổi, 42 tuổi hạ. Vua sắc ban hiệu là Đại Đạt quốc sư, tháp hiệu Trừng Nguyên.

Chữ Trừng có nghĩa là lóng lặng. Vua cầu thỉnh mãi ngài không đi, vậy mà khi viên tịch vua đã phong cho ngài là quốc sư. Đủ biết đạo phong và công đức của ngài được quốc vương trọng vọng, quý kính đến chừng nào. Thiền sư Vô Nghiệp quả thật là tấm gương sáng cho tất cả chúng ta noi theo tu tập cho đến ngày viên mãn.

 

[ Quay lại ]