headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 10/11/2024 - Ngày 10 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Linh Mặc

tslinhmacThiền sư Linh Mặc

(747 - 818)

Sư họ Tuyên, quê ở Tỳ Lăng. Ban sơ Sư đến yết kiến Mã Tổ, nhân đây hiểu đạo mới cạo tóc xuất gia thọ giới Cụ túc.

Sư đến yết kiến Thạch Đầu, tự hứa nếu một câu khế hợp thì ở, chẳng hợp liền đi. Nhưng khi thưa hỏi, Sư vẫn không khế hợp. Sư bèn ra đi.

 Thiền sư Linh Mặc họ Tuyên, quê ở Tỳ Lăng, ban đầu đến yết kiến Mã Tổ được hiểu đạo. Nhân đó mới phát tâm xuất gia. Kế ngài tìm đến thiền sư Thạch Đầu, trong lòng tự hứa nếu nhân một câu nói của thầy mà khế hợp thì ở lại, không khế hợp thì đi. Thưa hỏi, thấy không khế hợp nên ngài đi.

Thạch Đầu theo sau đến cửa ngoài, liền gọi:

- Xà-lê!

Sư xoay đầu lại.

Thạch Đầu bảo:

- Từ sanh đến tử chỉ là cái ấy, xoay đầu chuyển não làm gì?

Sư nhân câu nói này liền đại ngộ, dừng lại đây hai năm.

Khi ngài Linh Mặc từ giã đi, thiền sư Thạch Đầu theo sau. Phương tiện của ông già này thật đặc biệt. Ra tới cửa, ngài Thạch Đầu gọi: Xà-lê! Sư xoay đầu lại, ngài nói: Từ sanh đến tử chỉ là cái ấy, xoay đầu chuyển não làm gì? Nhân câu nói này ngài Linh Mặc đại ngộ. Chỉ cái ấy là cái gì? Ngài Thạch Đầu kêu: Xà-lê! Sư nghe nên mới xoay đầu lại, tức là chỉ cái nghe. Từ sống đến chết chỉ cái ấy thôi, xoay đầu chuyển não làm gì, ông đi lăng xăng chi nữa. Thiền sư chỉ rất khéo, rất đặc biệt, hạ một câu thì đệ tử ngộ liền.

Đời Đường niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu (785 TL), Sư vào núi Thiên Thai ở đạo tràng Bạch Sa, lại đến Ngũ Duệ.

Có vị tăng hỏi:

- Có vật gì lớn trùm trời đất?

Sư đáp:

- Không người biết được y.

- Lại có thể đục giũa chăng?

- Ngươi thử hạ thủ xem.

- Cái này trong thiền môn, việc trước sau, thế nào?

- Ngươi nói trước mắt, từ thành đến nay bao lâu?

- Học nhân chẳng hội.

- Ta khoảng này không có người hỏi.

Ngài đã xong việc rồi nên vào núi Thiên Thai, ở đạo tràng Bạch Sa rồi đến núi Ngũ Duệ… Đây là những trung tâm dạy thiền của các vị thiền sư. Người xưa sau khi ngộ đạo vẫn đến các đạo tràng để học hỏi, mài luyện, soát xét lại chỗ nhận của mình. Nơi đạo tràng này nhận như vậy, nhưng đến nơi khác soát xét lại xem mình nhận như vậy, thực sự đúng chưa. Cho nên có khi các ngài từ Giang Tây của Mã đại sư, đến Hồ Nam của thiền sư Thạch Đầu, hoặc đi các nơi khác để được thiện tri thức mài luyện thêm hoàn chỉnh.

Tăng hỏi Sư: Có vật gì lớn trùm trời đất? Sư đáp: Không người biết được y, tức là có nhưng không người biết được. Lại có thể đục giũa chăng? Đã nói không người biết được, lại hỏi có đục giũa không. Sư bảo: Ngươi thử hạ thủ xem, nghĩa là ông thử tu đi.

Cái này trong thiền môn, việc trước sau thế nào? Vị tăng này chưa nắm được cách thức, nên hỏi phải tu tập như thế nào. Sư khai mở: Việc trước mắt từ khi được thành tựu đến bây giờ là bao lâu? Học nhân chẳng hội. - Ta khoảng này không có người hỏi. Ngài dạy như vậy nhưng tăng chẳng hội, Sư bảo ta cũng không có người hỏi đạo lý.

- Hòa thượng đâu không có chỗ tiếp người?

- Đợi người cần tiếp ta sẽ tiếp.

- Thỉnh Hòa thượng tiếp.

- Ngươi thiếu thốn chỗ nào?

- Làm sao được không tâm?

- Dời non lấp biển vẫn an nhiên lặng lẽ, động đất vẫn ngủ yên, đâu lay động được y.

Một câu nói xác định dời non lấp biển vẫn an nhiên lặng lẽ, động đất vẫn ngủ yên, đâu lay động được y. Đó là gì? Là tâm thể trùm khắp. Ở đây ngài không nói là gì hết, cho nên mình nói cái gì e cũng không đúng, chỉ tự ngầm biết thôi. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có tia hy vọng rằng mình có cái rộng lớn trùm khắp đó, nhưng chưa biết cách nhận ra, hằng sống với nó.

Thiền sư phương tiện chỉ cho chúng ta cách nhận ra và sống được với cái đó qua câu: Ngươi thiếu thốn chỗ nào? Ngài nhắc để mình biết sẵn có cái đó, nhưng chưa dám nhận hoặc là cứ quay lưng với nó. Quay lưng là sao? Tức là chạy theo trần cảnh. Hòa thượng Trúc Lâm thường nói mình là người bội bạc. Lúc nào cũng chạy ra ngoài, chấp nhận bên ngoài, còn cái thật lại bỏ quên. Rõ ràng chúng ta quên, không nhận ra cái thật bên trong nên sống với thế giới Ta-bà, với nhà lầu xe hơi, với cảnh với người… trong khi tâm thể chân thật luôn dính bên mình mà không chịu quay lại nhận.

Hòa thượng dạy chúng ta nghe biết có chân tâm, thấy biết có chân tâm, ngửi biết có chân tâm, nếm biết có chân tâm, xúc chạm biết có chân tâm… hãy quay về chân tâm của mình. Cái biết đó trùm khắp, bất sanh bất diệt, bình đẳng ai cũng có như nhau. Nếu không có, chúng ta sẽ không bén nhạy đâu, lỗ tai đặc sệt, lỗ mũi bít chịt v.v… Tuy nhiên cạnh cái biết liễu liễu thường tri đó, có con khỉ đột ngồi kề bên, nó cứ nhảy ra nhảy vô không yên. Bây giờ mình tu là làm sao cho con khỉ đó thuần lại.

Trong nhà thiền có giai thoại này. Thiền sư Ngưỡng Sơn hỏi Ngài Trung Ấp:

- Thế nào là nghĩa Phật tánh?

Ngài Trung Ấp nói:

- Ta nói cho ông một thí dụ: Như cái nhà có sáu cửa, trong có một con khỉ, ngoài có một con khỉ. Con khỉ bên ngoài kêu choé choé, con khỉ bên trong liền đáp lại chóe chóe. Sáu cửa đều kêu đều đáp như thế.

Thiền sư Ngưỡng Sơn lễ tạ thưa:

Vừa rồi Hòa thượng thí dụ, con đã biết rõ. Lại có một việc xin thưa: nếu con khỉ ở trong ngủ, con khỉ ở ngoài muốn gặp phải làm sao?

Ngài Trung Ấp bước xuống giường thiền nắm đứng Ngài Ngưỡng Sơn nói:

- Choé! Choé! Ta cùng ông thấy nhau rồi.

Muốn cho con khỉ trong nhà ngủ thì, một là con khỉ bên ngoài đừng kêu, hai là con khỉ trong nhà phải tự yên, tự ngủ. Trong hai cách này chúng ta luyện làm sao cho con khỉ ý thức chịu ngủ. Nghĩa là thấy cây cảnh chỉ là cây cảnh, nhà cửa chỉ là nhà cửa, con người chỉ là con người. Mọi việc xưa nay như vậy, ta không đặt tên, không đặt gánh gì vào đó, cứ để nó tự nhiên. Như vậy là như vậy. Đó là một cách chúng ta có thể làm cho nó yên, với điều kiện là đừng pha đèn pin ra ngoài. Mình có tật hay pha đèn ra ngoài soi cái này rọi cái kia, mà quên mất chính mình đang đứng trong bóng đêm.

Thí dụ cái chậu cảnh có khi nào nó tự nói nó là chậu cảnh, là sơn tùng hay thủy tùng… Nhưng chúng ta thì nói nhiều về nó. Nào là mua ở đâu, giá bao nhiêu, thầy cưng nó lắm v.v… Bây giờ tất cả những thứ đó làm sao cho yên, cho con khỉ ngủ đi, không chí chóe gì nữa. Như vậy là một cách đối với cảnh duyên ta yên. Cảnh duyên yên thì trong nhà tự như như.

Muốn làm cho con khỉ bên trong thuần, lắng yên, chỉ có trở về cái biết thôi. Biết cái gì? Có cái gì thì biết cái đó. Như thấy cửa biết cửa, thấy bàn biết bàn, không cần khởi phân biệt cái cửa này đẹp xấu, bàn gỗ cẩm lai, căm-xe hay gỗ tạp v.v… Không cho khởi lên niệm tạp, chỉ nuôi dưỡng cái biết nguyên sơ. Cái biết này rất tinh nhuệ, nếu không chạy ra bên ngoài thì nó tự như như. Trong như như ngoài như như, gọi là tâm cảnh như như hoặc tâm như cảnh như, tâm cảnh đều như.

Người giỏi phân biệt thì trị ngay cái giỏi phân biệt ấy. Bằng cách nào? Chỉ đừng phân biệt, vậy thôi. Nhìn cái gì thấy cái ấy. Coi vậy chứ không dễ đâu, vì con người đã quen với việc phân tích. Đi học từ lớp mầm lớp chồi cho tới đại học, tiến sĩ, bác sĩ… cũng chỉ nhằm phát triển sự lanh lợi của óc phân biệt. Càng học càng đi xa với việc trở về nhận lại chính mình. Đó là sự khác nhau giữa trí hữu sư và trí vô sư.

Tất cả những gì chúng ta được học từ thầy cô dạy ở ghế nhà trường đều là trí hữu sư. Đó là những kiến thức từ bên ngoài, học lúc biết đi lẫm đẫm cho tới ngày thân thể rã tan cũng chưa hết. Họa hoằn lắm trong chúng ta mới có được một người thạc sĩ, tiến sĩ, đâu phải tất cả đều có học vị cao. Có những bằng đó chứng tỏ là người ngồi mài trên ghế nhà trường từ hồi còn bập bẹ dài cho tới khi nói chuyện thiên văn địa lý, mây bay trên trời, nước chảy dưới sông…

Sự thành công và lý thú của người đời là như vậy, nhưng đối với các thiền sư, đó chỉ là những thứ giả tạm bên ngoài, nó không thật. Con người khổ cực vận dụng bao nhiêu chất xám để nuôi dưỡng phát huy trí hữu sư. Phật dạy nó không thiệt nhưng tùy duyên chúng ta dùng nó cũng có lợi ích tương đối. Mục đích của người tu là giác ngộ giải thoát, muốn thế phải quay về khám phá, nhận lại và hằng sống với trí vô sư bất sanh bất diệt của chính mình.

Niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ 13 (818 TL), ngày 23 tháng 3, Sư tắm gội xong, thắp hương ngồi ngay thẳng, bảo chúng:

- Pháp thân hoàn toàn lặng lẽ, thị hiện có đến đi, ngàn Thánh đồng nguồn, vạn linh về một. Nay ta bọt tan đâu bởi hưng suy, không tự nhọc thân phải giữ chánh niệm. Nếu tuân lời dạy này là đền ơn ta, bằng cố trái lời chẳng phải con ta.

Đây là lời dạy cuối cùng của Ngài. Pháp thân hoàn toàn lặng lẽ, thị hiện có đến đi, ngàn Thánh đồng nguồn, vạn linh về một là nói nguồn tâm của chúng ta. Nay ta bọt tan đâu bởi hưng suy, sự thị hiện Niết-bàn của Ngài không dính vào chỗ đó. Không tự nhọc thân phải giữ chánh niệm. Nếu tuân lời dạy này là đền ơn ta, bằng cố trái lời chẳng phải con ta, hàng đệ tử biết ân và đền ân thầy không gì hơn tu tập đúng như lời thầy dạy. Giữ tâm thanh tịnh lặng lẽ trước phút ra đi của ân sư, là cách thể hiện quý báu nhất của những người đệ tử liễu ngộ đối với thầy.

Có vị tăng hỏi:

- Hòa thượng đi về đâu?

Sư bảo:

- Không có chỗ đi.

- Sao con chẳng thấy?

- Chẳng phải chỗ mắt thấy.

Nói xong, Sư an nhiên thị tịch, thọ 72 tuổi, 41 tuổi hạ.

Tới phút sắp ra đi, các ngài cũng chỉ cho chúng ta chỗ đó. Niết-bàn, tự tại giải thoát đâu thể thấy bằng mắt.

Hành trạng của thiền sư Linh Mặc ngắn gọn, không nhiều chi tiết. Nhưng quan trọng là lời dạy của ngài luôn chỉ rõ, chỉ thẳng chỗ rỗng rang sáng suốt bất sanh bất diệt của chúng ta. Do vậy học các thiền sư chúng ta khéo nhận. Các ngài tùy duyên, tùy cơ nghi, tùy lời hỏi của các thiền tử mà chỉ rõ chỗ tâm thể an nhiên tự tại, tức là chỗ về nguồn của tất cả các vị tu hành từ xưa đến nay.

Cách hướng dẫn của từng vị và nhất là thủ thuật của các ngài, không vị nào giống vị nào. Cho nên chúng ta học nhiều thiền sư để biết. Biết để tu chứ không phải để nói. Thật ra học hành trạng của các thiền sư để nói là sai, là nguy hiểm. Vì cơ nghi các ngài dụng trong thời đó khác, bây giờ nói lại qua sự hiểu biết của mình, ai dám bảo là đúng? Trong khi sự hiểu biết của chúng ta chưa phải chắc thực. Chúng ta chỉ tạm bày vẽ nói với nhau để khích lệ sự tu hành, chứ còn việc bổn phận, mỗi người phải tự nhận tự đến mà thôi.

Học chư vị thiền sư tức là học tâm. Học tâm là học chính mình. Hòa thượng Trúc Lâm thường nhắc mỗi người tự nhận ra tâm thể nơi chính mình. Ai cũng có sẵn và bình đẳng như nhau. Mong đại chúng ghi nhớ và thực hành lời dạy của thầy tổ thật viên mãn.
 

[ Quay lại ]