headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 12/10/2024 - Ngày 10 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Tề An

tsteanThiền sư Tề An

Sư họ Lý, quê ở quận Hải Môn. Khi Sư ra đời có hào quang chiếu đầy nhà, lại có vị tăng lạ đến nói: “Sứ giả dựng cờ vô thắng, xoay mặt trời Phật soi trở lại, đâu không phải người này.” Lớn lên, Sư xuất gia với thiền sư Vân Tông tại bản quận.

Sau, Sư nghe Mã Tổ giáo hóa ở núi Cung Công, bèn tìm đến yết kiến. Mã Tổ thấy Sư có tướng lạ liền thâu nhận và cho vào thất thầm dạy chánh pháp.

Thiền sư Tề An ngay từ lúc mới sanh ra có hào quang chiếu đầy nhà, ánh sáng đó là thụy ứng đặc biệt, biểu trưng cho sự ra đời của những bậc cao quý, hoặc thánh nhân ra đời hay Bồ Tát tái lai, chứ không phải người thường như chúng ta.

Chúng ta ra đời vì nghiệp dẫn, mà nghiệp bắt nguồn từ vô minh tăm tối, làm sao có ánh sáng được. Thân miệng ý hợp tác dưới sự chỉ đạo của tham sân si, dẫn chúng sanh đi trong những đường xấu, điều này Phật đã nói rất rõ trong mười hai nhân duyên. Đây là một bất hạnh lớn, ta bị đẩy trong các đường mà không biết gì, vì vô minh đã phủ kín. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng sự tăm tối đó cũng từ chúng ta, chứ không phải ma quỷ nào đem tới. Ta tạo nghiệp nhân rồi vướng vào nhân quả dẫn đến nghiệp quả. Trong quá trình từ nghiệp nhân tới nghiệp quả, dẫn đầu là si mê tăm tối, cho nên ta ít khi được tỉnh.

Chư huynh đệ hiểu chỗ này rồi sẽ thấy, phút giây nào mình có chút tỉnh sáng, thì quả thật đây là tia chớp lóe lên trong đêm đen, giúp ta thấy được phương hướng. Thấy được phương hướng rồi, cảm nhận thân phận thấp thỏi đen tối của mình, sao không quyết tiến thẳng một đường, không đi bất cứ ngã tẽ nào khác. Cho nên đã biết được phương hướng rồi, từ đây mãi mãi nhất định gắn bó công phu, không để thối thất nữa.

Có lẽ từ nhiều đời thiền sư Tề An đã gầy dựng công phu sâu dày, nên vừa mới chào đời đã có những điềm ứng như vậy. Có vị tăng nói rằng: Sứ giả dựng cờ vô thắng, xoay mặt trời Phật soi trở lại, đâu không phải người này. Cờ vô thắng là cờ giác ngộ giải thoát, bất sanh bất diệt. Vô thắng là không thắng, vì đâu có chiến đấu với ai mà thắng hay bại. Sấm ký như vậy cho thấy sau này ngài sẽ nối nắm tông phong của Phật Tổ.

Ngài lớn lên xuất gia với một thiền sư ở vùng quê của ngài. Sau nghe Mã Tổ giáo hóa ở núi Cung Công, ngài tìm đến yết kiến. Mã Tổ thấy ngài có tướng đặc biệt, liền nhận cho vào thất chỉ dạy. Chư tổ ngày xưa có tuệ nhãn, nhìn thấy học trò biết là bậc pháp khí, là viên ngọc quý thì đặc biệt mài luyện để trở thành bậc hữu dụng.

Về sau, Sư trụ viện Hải Xướng tại Diêm Quan, Trấn Quốc ở Hàng Châu để hoằng hóa. Thời nhân gọi là hội Diêm Quan.

Hàng Châu trong thời này là nơi có hoàng cung của các đời vua chúa từ trước. Ngài giáo hóa ở vùng này nổi tiếng đến độ thời nhân gọi là hội thiền Diêm Quan.

Có vị tăng đến hỏi:

- Thế nào là bản thân Phật Lô-xá-na?

Sư bảo:

- Đem cái bình đồng kia đến cho ta.

Vị tăng liền lấy tịnh bình đem lại.

Sư bảo:

- Đem để lại chỗ cũ.

Vị tăng đem bình để lại chỗ cũ rồi, bèn hỏi lại câu trước.

Sư bảo:- Phật xưa đã quá khứ lâu rồi.

Phật Lô-xá-na là Phật quá khứ. Tỳ-lô-giá-na cũng là Phật quá khứ. Thiên bách ức hóa thân Thích-ca mâu-ni mới là vị Phật trong đời hiện tại. Phật quá khứ là Phật pháp thân, không có hình thức, không có hộ khẩu thường trú ở đâu. Vì vậy khi vị tăng hỏi, ngài bảo đem cái bình đồng lại. Vị tăng y lời, đem bình đồng lại. Ngài bảo trả bình về chỗ cũ. Vị tăng trả xong hỏi lại câu trước, ngài bảo: Phật xưa đã quá khứ lâu rồi. Tôi đã chỉ ông một vòng như vậy mà chưa nhận ra?

Lẽ ra khi bảo đem cái bình đồng lại liền nhận ra. Đằng này vị tăng không hiểu, nên ngài bảo trả lại chỗ cũ. Tăng cũng không hiểu, trả xong hỏi tiếp. Câu cuối cùng ngài nói trắng ra: Phật xưa đã quá khứ lâu rồi. Quá khứ vô số kiếp, không tính ra được.

Có vị giảng sư đến tham vấn.

Sư hỏi:

- Tọa chủ chứa chất sự nghiệp gì?

Giảng sư đáp:

- Giảng kinh Hoa Nghiêm.

- Có mấy thứ pháp giới?

- Nói rộng thì có lớp lớp không cùng, nói lược có bốn thứ pháp giới.

Sư dựng đứng cây phất tử, hỏi:

- Cái này là pháp giới thứ mấy?

Giảng sư trầm ngâm lựa lời để đáp.

Sư bảo:

- Suy mà biết, nghĩ mà hiểu là kế sống nhà quỷ, ngọn đèn côi dưới trời quả nhiên mất chiếu.

Giảng sư thường là những vị thông hiểu Phật pháp, lanh lợi mỗi khi giảng giải trước hội chúng. Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa siêu việt. Theo giáo trình Phật học từ xưa tới nay, tăng ni bắt đầu học từ giáo lý cơ bản rồi lên trung cấp, cuối cùng là cao cấp mới học các bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Lăng-nghiêm, Pháp Hoa.

Ngày xưa, Hòa thượng Vạn Đức là một học tăng miền Nam, đi học ở đế đô và là người học trò ưu tú, kết quả tốt nghiệp trường Phật học Báo Quốc đất Thần kinh. Khi về Nam, ngài mở mang, phát triển đạo pháp tại đạo tràng Vạn Đức, tăng ni tứ chúng quy tụ về học rất đông. Giáo trình của ngài bắt đầu từ câu “Pháp vương vô thượng tôn…” Ai ở chùa lâu thì biết câu này, tức lời xưng tán đức Phật khi chúng ta hành lễ: “Pháp vương vô thượng tôn, Tam giới vô luân thất…” Từ câu này học dài cho tới các kinh Di-đà yếu giải, Khởi tín luận, Tứ thập nhị chương, Bát đại nhân giác… cuối cùng học Lăng-già tâm ấn, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm. Đó là những bản kinh ở cấp đại học, kết thúc quá trình học tập giáo lý từ cơ bản tới cao cấp.

Hòa thượng Trúc Lâm là đệ tử của tổ Thiện Hoa, xuất thân từ Ấn Quang nên cũng được đào tạo và trưởng thành theo hệ thống giáo dục này. Tại pháp hội Chân Không, tuy Hòa thượng dạy tu thiền, nhưng trên phần giáo lý, ngài cũng dạy từ các bộ kinh cơ bản như Tứ thập nhị chương, Duy thức tam thập tụng lên các bộ đại thừa như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng già, Niết-bàn… Hòa thượng cũng đã hình thành một giáo trình Phật học bắt đầu từ các bộ kinh cơ bản cho đến các bộ Đại thừa ở cấp đại học.

Cái nhìn của Hòa thượng là ống kính phóng từ tư tưởng đại thừa, tư tưởng thiền. Cho nên ngài giải thích, giản lược các kinh điển… đều qua ống kính đại thừa và thiền tông. Bây giờ giáo trình thiền học mà chúng ta đang được học là do ngài tuyển trạch và biên soạn theo kinh nghiệm tu học của ngài từ trước đến nay. Tại sao chúng ta phải học sử của các thiền sư? Bởi vì mình tu thiền. Mỗi thiền sư có một cách tu, cách hành trì rất đặc biệt, không vị nào giống vị nào. Hòa thượng chịu khó tuyển chọn một giáo trình sử học về hành trạng của chư tổ, để chúng ta lần theo dấu vết người xưa mà tu tập. Tuy nhiên, chỉ học thôi thì chưa đủ, ngộ đạo, sống đạo mới là mục đích chánh của thiền sinh.

Cách thức dạy dỗ của Hòa thượng rất sáng tỏ, vì ngài xuất thân từ một vị pháp sư, nên giảng giải rất dễ hiểu. Nhưng trong nhà thiền lại không cho khởi hiểu. Vì hiểu là thức tình phân biệt, chướng ngại trên đường tu, khó ngộ đạo. Hiểu là từ thầy, từ phương tiện bên ngoài, còn ngộ là từ mình trực nhận cái sẵn có bên trong. Cho nên có khi huynh đệ học không hiểu gì hết, mà cứ thầm thầm công phu liên tục, hôm nào đó chợt nghe một câu nói hay một việc làm của thầy bạn liền ngộ. Tuy nhiên hành giả phải có công phu thầm thầm lặng lặng, nuôi dưỡng bên trong mới có được giây phút ấy.

Kinh Hoa Nghiêm nói có bốn thứ pháp giới:

1. Sự pháp giới: Thế giới của mọi hiện tượng thông thường.

2. Lý pháp giới: Thể chung của nguyên lý, của tự tính tuyệt đối.

3. Lý sự vô ngại pháp giới: Chỉ mối liên hệ giữa hiện tượng và bản thể, sinh thành lẫn nhau, đại diện cho nhau không hề chướng ngại.

4. Sự sự vô ngại pháp giới: Chỉ sự vật tuy thiên hình vạn trạng nhưng “ăn khớp” lẫn nhau, dựa lên nhau mà có.

Thiền sư Tề An dựng cây phất tử lên hỏi giảng sư: Cái này là pháp giới thứ mấy? Giảng sư đang suy nghĩ, bị thiền sư nạt liền: Suy mà biết, nghĩ mà hiểu là kế sống nhà quỷ. Chỗ này nói được thì nói, nói không được thì thôi, suy nghĩ tức không đúng. Giống như ngọn đèn côi dưới trời quả nhiên mất chiếu, ngọn đèn không có ống khói lại đặt dưới trời, gió thổi là tắt ngủm, nên ngài nói ngọn đèn côi dưới trời sẽ mất chiếu.

Tóm lại, thiền chủ trương trực chỉ, còn vận dụng đến suy nghĩ thì chưa phải là thiền chánh tông. Cho nên các ngài vận dụng cách đánh hét để luyện đệ tử. Vừa hỏi, đệ tử định trả lời là ông thầy hét một tiếng. Để làm gì? Để cắt đứt dòng tư tưởng, không cho mình vận dụng ý thức suy lường toan tính.

Kinh Bát-nhã nói tất cả cảm thụ, tưởng tượng, suy nghĩ, phân biệt… đều là vọng tưởng. Ở đây ngài nói đó là kế sống trong nhà quỷ, là ngọn đèn côi trước gió, chẳng bao lâu sẽ tắt ngủm. Vì sao tắt ngủm? Vì bị ngoại duyên và vọng tưởng chụp lên, làm sao cháy được. Các ngài dùng phương tiện biểu thị, mình cứ bám theo đó suy nghĩ nên không nhận ra. Hoặc ở giai đoạn thứ nhất trả lời được, nhưng sang giai đoạn thứ hai không biết gì để nói. Đó là vì công phu không vào sâu. Người nào chưa vào được chỗ đó thì thôi, cứ ngồi nghe bình thường, đừng suy nghĩ.

Có vị tăng hỏi Đại Mai (Pháp Thường):

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?

Đại Mai đáp:

- Tổ sư từ Ấn Độ qua không có ý.

Sư nghe câu chuyện này bèn nói: “Một cái quan tài, hai cái tử thi.”

Chúng ta nghe câu đó liền suy nghĩ, tổ có ý hay không có ý, tức đã rơi vào kế sống nhà quỷ rồi. Cho nên ngài nói Một cái quan tài, hai cái tử thi để bặt hết suy nghĩ. Ai suy nghĩ là sai, phải không? Nhưng một lúc nào đó nếu sự tu trì, công phu của chúng ta liên tục thì chỗ này sẽ vỡ ra, sẽ hiểu trùm khắp.

Sư gọi thị giả:

- Đem cái quạt tê ngưu lại đây.

Thị giả thưa:

- Rách rồi.

- Quạt đã rách, trả con tê ngưu lại cho ta!

Thị giả không đáp được.

Nói quạt tê ngưu hay bất cứ cái gì cũng đều là chỉ tâm thể của chúng ta. Hành giả nhận ra được tâm thể thì có thể trình bày rõ ràng. Ở đây ngài hỏi cây quạt tê ngưu, thị giả đáp cây quạt rách rồi. Ngài nói nếu quạt rách thì đem con tê ngưu trả đây. Thật ra, hỏi cây quạt nhưng không phải cây quạt, không phải con tê ngưu, mà hỏi chính ông thị giả. Thiền sư thường xử sự như vậy, thị giả không đáp được, tức là chưa vào cửa.

Một hôm, Sư bảo chúng:

- Hư không là trống, Tu-di là dùi, người nào đánh được?

Chúng đều không đáp được.

Hư không là mặt trống, núi Tu-di là dùi, người nào sử dụng được. Mình nghe nói là thấy không sử dụng được rồi, nhưng có cái sử dụng được. Nói theo kiểu Hòa thượng Trúc Lâm, nếu tâm thể của chúng ta rỗng rang sáng suốt thì nói gì hư không, nói gì núi Tu-di, nói gì đánh trống. Ngài mở ra một chân trời sáng tỏ, hành giả nào lanh lợi thì có cơ hội vào được chỗ chỉ giáo ấy.

Thiền sư nói cái gì cũng chỉ cho tâm của mình. Chúng ta vớ vẩn nghe nói cây cột là nghĩ cây cột, nói tấm sáo là nghĩ tấm sáo, nói cây đèn là nghĩ cây đèn… thì thành quỷ giữ mồ xưa đó. Mồ đã có từ thuở nào, mình lỡ làm thân quỷ thì ở đó mà giữ.

Có thiền sư Pháp Không đến thưa hỏi những nghĩa lý trong kinh, mỗi mỗi Sư đáp xong, Sư bèn bảo:

- Từ Thiền sư lại đến giờ, bần đạo thảy đều không được làm chủ nhân.

Pháp Không thưa:

- Thỉnh Hòa thượng làm chủ nhân lại.

Sư bảo:

- Ngày nay tối rồi hãy về chỗ cũ nghỉ ngơi, đợi sáng mai sẽ đến.

Sáng sớm hôm sau, Sư sai sa-di đi mời thiền sư Pháp Không. Pháp Không đến, Sư nhìn Sa-di bảo:

- Bậy! Ông sa-di này không hiểu việc, dạy mời thiền sư Pháp Không, lại mời cái người giữ nhà đến!

Pháp Không chẳng đáp được.

Đây cũng là một vị pháp sư, cũng thông suốt lỗi lạc, đối đáp cả ngày. Ngài nói: Từ thiền sư lại đến giờ, bần đạo thảy đều không được làm chủ nhân, vì tôi phải đối đáp với ngài. Pháp Không nghe vậy nói, bây giờ thỉnh hòa thượng là chủ nhân đi. Ngài nói: Ngày nay tối rồi hãy về chỗ cũ nghỉ ngơi, đợi sáng mai sẽ đến. Pháp sư y như vậy, về chỗ nghỉ. Hôm sau vừa sáng sớm, ngài sai một vị sa-di nhỏ tới thỉnh thiền sư Pháp Không. Thị giả y lệnh đến mời thiền sư Pháp Không.

Thiền sư vừa tới, ngài nói: Bậy! Ông Sa-di này không hiểu việc, dạy mời thiền sư Pháp Không, lại mời cái người giữ nhà đến! Nếu thiền sư Pháp Không triệt ngộ thì biểu thị tức thì ngay khi ngài nói “thôi về nghỉ”. Đằng này nói nghỉ liền nghỉ, rồi sáng đệ tử đi mời mới tới thì quả thật là thua. Một đêm dài không tỉnh để biết việc, vì vậy ngài nói chỉ là người giữ nhà.

Trong trường hợp này, nếu ngài Pháp Không biểu thị bằng một cái gì thực tại bình thường, chẳng hạn như: “Bạch Hòa thượng, bảo thị giả châm trà uống”, có thể đỡ gạc phần nào. Người vào được chỗ đó, không dính mắc đối với những chuyện chung quanh, tuy nhiên vẫn sống bình thường. Đây là điểm đặc biệt của những người đã xong việc.

Chúng ta chưa vào được chỗ đó nên không lường được ý tổ sư. Mình thật dở lắm, nói ngộ cũng không phải, nói ngu cũng không phải. Chúng ta cũng học hành, cũng hiểu biết chứ, nhưng sao cứ đứng ngoài cửa, không vào được trong nhà. Nghe quý ngài dụ về con sư tử và con chó, ta thấy đau lòng, thấy thương mình. Các ngài nói sư tử chụp người thảy mồi chứ không chụp mồi, còn con chó chụp mồi và giành nhau nên chạy lăng xăng, cái gì cũng liếm. Một thí dụ mà khi nghe, ta cảm thấy mình si mê không biết tới cỡ nào, bao giờ mới hết đây?

Viện chủ Pháp Hân đến tham vấn.

Sư hỏi:

- Ông là ai?

- Pháp Hân.

- Tôi không biết ông.

Pháp Hân không đáp được.

Cách này cũng như ở trên, ngài dùng phương tiện hỏi như vậy, hành giả không kịp thời biểu hiện, coi như thua. Như hỏi ông là ai, cần gì nói là Pháp Hân, chỉ cười một tiếng hoặc thưa: “Sáng nay trời tươi mát, kính chúc Hòa thượng sức khỏe dồi dào, thân tâm an lạc” chẳng hạn. Nói một câu gì mà biểu hiện được cái đó thì vào cửa. Nếu tưởng Hòa thượng hỏi tên rồi đáp tên, đó là lầm. Thiền sư bảo như thế là chạy theo mồi, chứ không phải đớp lại người thảy mồi. Thất bại.

Sau, Sư không bệnh ngồi an nhiên thị tịch. Vua sắc phong hiệu Ngộ Không thiền sư.

Không là cửa thiền. Ngộ Không là ngộ được cửa thiền. Ngài ra đi nhẹ nhàng tự tại, không có gì vướng bận buộc ràng. Thiền sư quả thật là người đến trong ánh sáng, đi trong ánh sáng. Ánh sáng không.
 

[ Quay lại ]