headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Sa-di Cao

sadicaoKhông biết tung tích và quê quán của Sư thế nào. Chỉ biết khi Sư mới đến tham vấn Dược Sơn, Dược Sơn hỏi:

- Ở đâu đến?

Sư thưa:

- Ở Nam Nhạc đến.

- Đi lại đâu?

 - Đi Giang Lăng thọ giới.

- Thọ giới mong làm gì?

- Mong khỏi sanh tử.

- Có một người không thọ giới cũng khỏi sanh tử, ngươi biết chăng?

- Thế thì giới Phật dùng làm gì?

- Vẫn còn quải môi lưỡi.

Sư lễ bái lui ra.

Chúng ta không rõ tung tích và quê quán của sư, chỉ biết khi đi tham vấn, đến Dược Sơn qua đối đáp đầu tiên, có chút tin tức.

Thiền sư Dược Sơn hỏi ở đâu đến, ngài đáp thật thà ở Nam Nhạc đến. Hỏi đi đâu, đáp đi Giang Lăng thọ giới. Giang Lăng là vùng trung tâm của Luật tông. Tất cả những người tu Phật, trải qua quá trình học tập có hạnh kiểm tốt và đủ tuổi thì được thọ giới, trước tiên là giới Sa-di. Nếu hạnh nghi và công phu tăng tiến, hai năm sau tiếp tục thọ giới Tỳ-kheo. Thời gian đầu hành giả phải chịu nhiều thử thách trên bước đường cầu đạo. Ngoài thức khuya dậy sớm theo thời khóa tu tụng, chúng ta còn phải làm các việc nặng nhọc trong chùa để bòn phước. Đây là giai đoạn thử thách ban đầu đối với những người cầu đạo giác ngộ giải thoát.

Thật ra trong đạo hay ngoài đời gì cũng vậy, người muốn thành công đều phải có ý chí nghị lực. Huống nữa việc xuất gia không phải là việc tầm thường. Người không gan dạ không thể đi con đường này. Tại sao? Vì nó ngược dòng đời nên rất khó đi. Người đời trải qua một lần sống chết là đã ngán sợ, nhưng với người lội dốc ngược phải qua chín mươi chín lần chết, còn một lần sống mà sống được mới biết mình là gì, mới không ngán sợ ma vương, quỷ sứ nữa. Chết còn không sợ thì sợ cái gì?

Hành giả phải có một lần như vậy, mới cảm thông được câu nói của tổ Hoàng Bá “Ví chẳng một phen xương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.” Có trải qua gian truân điêu đứng cùng cực, mới chịu buông cái gánh nặng trong tâm xuống. Tuy nhiên cũng phải là người có phước duyên mới vượt qua thử thách, không phải ai gặp khó cũng vươn lên được. Kẻ thiếu phước thiếu duyên, không có ý chí nghị lực, gặp khó thì gục ngã luôn.

Vấn đề của Sa-di Cao, Tổ hỏi thọ giới mong làm gì? - Mong khỏi sanh tử. Chính đáng chứ. Nhưng thầy nói “có một người không thọ giới cũng khỏi sanh tử, ngươi biết chăng?” Sa-di hỏi lại “thế thì giới Phật dùng làm gì?” Thầy bảo “Vẫn còn quải môi lưỡi.” Sư lễ bái lui ra. Dược Sơn nghi trước khi gặp ngài, có lẽ thầy tri khách đã móm cho rồi, nên bây giờ vị tăng hơi có khẩu khí một chút. Đó là nhân duyên đầu tiên Sa-di Cao đến với thiền sư Dược Sơn.

Đạo Ngô đến đứng hầu, Dược Sơn bảo:

- Vừa rồi có một sa-di mới đến, có chút khí tức này.

Đạo Ngô thưa:

- Chưa nên toàn tin, cần phải khám phá mới được.

Khí tức nghĩa là hơi hướm. Hơi hướm xuất thế của người cầu đạo giác ngộ giải thoát. Đạo Ngô là đệ tử lớn của ngài Dược Sơn, đã có quá trình sống trải, đạt đạo, nên xin sư phụ xét nghiệm lại coi Sa-di này có phải thật là pháp khí không.

Đến chiều, Dược Sơn thượng đường gọi:

- Sa-di mới đến ở đâu?

Sư ra khỏi chúng đứng im.

Dược Sơn hỏi:

- Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng?

Sư thưa:

- Nước con an ổn.

Ngài Dược Sơn thượng đường, hỏi: Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng? Đây là một cái bẫy lớn để thử nghiệm Sa-di Cao. Sa-di thưa: Nước con an ổn. Quả thật là thứ thiệt. Cái bẫy của ngài Dược Sơn đã được sa-di nhảy qua nhẹ nhàng. Người sống với cái đó, trung thành với cái đó nên những thứ bên ngoài không dính dáng. Mặc Trường An náo loạn, nước con vẫn an ổn.

Nghe câu nói này, thầy trò ngài Dược Sơn đều im lặng, chỉ còn nhìn nhau mà thôi. Tuy nhiên, như vậy chưa phải là xong, vẫn còn cuộc cật vấn cam go hơn.

- Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?

- Chẳng do xem kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được.

- Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, sao chẳng được?

- Chẳng nói họ không được, chỉ vì không chịu thừa nhận.

Chẳng nói họ không được, chỉ vì không chịu thừa nhận. Câu này thật quá rõ. Không phải mình không có cái đó nhưng vì không chịu nhận nên không sống được với nó. Hòa thượng Trúc Lâm nói ông chủ bất sanh bất diệt là tâm chân thật của mình, ai cũng có nhưng không dám thừa nhận. Giống như đứa con cưng, cha mẹ nhiều của báu nhưng nó không quan tâm. Đến khi cha mẹ chết, nó không biết của báu để ở đâu nên không thể lấy ra dùng, thành ra có cũng như không.

Nói tới đây tôi nhớ chuyện ở nhà. Má tôi thứ năm, chị của má là dì Hai, có ông chồng xưa thiệt là xưa. Ông bới đầu tóc nhỏ phía sau, chít khăn, chỉ mặc đồ thâm, hai ống quần xăn lên, ăn trầu phun phèo phèo. Xưng hô với dì Hai là “má nó”, với má tôi là “dì Năm nó”, với bọn tôi là “mấy em”, xưng “qua”. Nhà đất đai cũng khá, năm đó làm ruộng trúng mùa, ông sắm được chiếc xe đạp. Thời đó xe đạp bảy trăm, sườn cao, sơn đen là sang lắm. Xe của ông, mấy đứa con không ai rớ được. Đi đâu ông lấy xe ra, nhưng dẫn chứ không đạp.

Thấy hai ông bà ở trong bưng Lộc Hưng đi về quá xa, lại dẫn thêm chiếc xe đạp, má tôi hỏi:

- Anh Hai, sao không đạp xe chở chị đi, mà lại dẫn vậy?

Ông trả lời:

- Qua nói cho dì Năm nó nghe, Qua không có biết cỡi. Dẫn nó đi làm bạn cho vui. Nhưng Qua có kinh nghiệm, nếu dẫn cái xe thì Qua đi nhanh hơn. Do vậy dù cỡi không được, Qua cũng dẫn nó theo, để nó dẫn lại mình đi cho nhanh. Má nó có muốn đi thì đi, còn không Qua dẫn đi rất là nhanh.” Nghe xong, má tôi im re. Ông già xưa thật là hết biết. Không đạp xe mà vẫn mua, vẫn đem theo bên mình, rồi lội bộ.

Người xưa vậy đó, có những người cả đời không ra tới chợ huyện, đừng nói chi thành phố. Cuộc sống, sự hiểu biết khung trong chỗ chôn nhau cắt rún. Nhưng có điều lạ là họ rất thông suốt những chuyện trong xóm. Ông già nào sống bao nhiêu tuổi, con cái làm gì, ở đâu… biết hết. Cha mẹ là dân bần cố nông, nghèo khó vô cùng. Nhà ở tận trong quê, tay lấm chân bùn, một chữ không biết mà nuôi con ăn học thành tài.

Cũng có người biết chút ít chữ nghĩa. Đây là mấy ông đồ thi rớt về quê dạy học, hoặc làm quan bị biếm tới những vùng xa xôi hẻo lánh. Thầy thi rớt mà dạy trò thi đậu mới là lạ. Những vị này được dân quê tôn trọng lắm. Gần chùa, có mấy ông già dạy chữ Hán, kiêm luôn dạy võ, dạy lễ nghĩa, dạy tinh thần sống… Hồi này tôi là một chú tiểu nhỏ hay đi theo mấy anh lớn, cũng học lủm bủm vài ba chữ Nho cho vui. Nhờ các cụ đồ trong quê, giới thanh niên dù chữ nghĩa không bằng ai nhưng có đời sống liêm sỉ, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn. Bây giờ nhớ lại những giai đoạn thời ấy mình cũng thích, cũng nhớ, cũng thương mấy ông già quá.

Câu nói của Sa-di Cao “chẳng do xem kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được” làm tôi liên tưởng tới mấy cụ già trên quê. Thật ra họ cũng có tánh linh, cũng có khả năng nhận ra chính mình, nhưng vì điều kiện và nhân duyên chưa đủ nên mới cam phận quê mùa vậy thôi. Tiến xa hơn nữa, ngài Dược sơn hỏi “có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, sao chẳng được?” Ngài trả lời rất hay “Không phải họ không được, mà tại không dám nhận.” Đúng là vậy.

Cho nên Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta buông đi, đừng chạy theo vọng tưởng để nhận lại tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình. Ở đây, Sa-di Cao xác định không phải họ không có, mà tại không chịu nhận.

Dược Sơn ngó Đạo Ngô, Vân Nham, nói:

- Chẳng tin ta nói.

Một hôm, Sư từ giã Dược Sơn. Dược Sơn hỏi:

- Đi ở đâu?

Sư thưa:

- Con ở trong chúng có ngại, nên đến bên đường cất một am tranh để tiếp đãi nước trà cho khách qua lại.

Đúng là ngài Dược Sơn để ý Sa-di Cao, bởi vì tuy vị này còn nhỏ tuổi nhưng tâm trí cao sâu. Đã hai lần được thầy kiểm duyệt có sự chứng nhận của các vị đại sư huynh, Sa-di Cao vẫn vượt bẫy một cách dễ dàng. Tuy nhiên, kiểu ăn nói này ở trong chúng chắc có nhiều huynh đệ không vui, nên ngài xin thầy cho ra cất quán bên đường, cúng dường trà nước cho khách mười phương.

- Sanh tử là việc lớn, sao ngươi không thọ giới đi?

- Biết thì những việc ấy liền thôi, lại bảo thọ giới làm gì?

- Như thế chẳng được lìa xa ta, có khi ta cần gặp ngươi.

Sa-di thưa: Con đã xong rồi, bây giờ thọ giới làm gì. Ngài Dược Sơn khuyên nếu sa-di đã chọn kiểu sống như vậy thì không nên xa thầy. Thật là sư môn tình thâm.

Sư dầm mưa đến thăm Dược Sơn.

Dược Sơn bảo:

- Ngươi mới đến?

- Con mới đến.

- Ướt cả rồi.

- Không đánh cái trống sáo ấy.

Vân Nham nói:

- Da cũng không đánh, cái gì là trống?

Đạo Ngô nói:

- Trống cũng không đánh, cái gì là da?

Dược Sơn bảo:

- Hôm nay rất hay, một trường hòa nhạc.

Thầy trò một trường hòa nhạc, bởi vì tất cả đều đã xong việc. Thật hay.

Đến giờ thọ trai, Dược Sơn tự đánh trống, Sư ôm bát múa đi vào trai đường.

Dược Sơn bỏ dùi trống xuống hỏi:

- Hòa thứ mấy?

- Hòa thứ hai.

- Thế nào là hòa thứ nhất?

Sư đến thùng cơm lãnh một phần cơm rồi đi ra.

Đây là cách trả lời thẳng tắt nhất. Tới giờ ăn, bụng đã trống rồi, lúc đó không có gì hơn là ôm bát đi xuống trai đường. Chẳng có việc nào chính đáng bằng. Cho nên đây là hòa thứ nhất.

Dược Sơn Duy Nghiễm là Hòa thượng đường đầu, thay vì chống gậy trúc xuống trai đường, ngài lại đánh trống, ông đệ tử nhỏ vừa đi vừa múa. Điều này mới là lạ. Thầy trò cùng nhau hòa một hội. Dược Sơn bỏ dùi trống xuống hỏi: Hòa thứ mấy? Thưa: Hòa thứ hai. Sao là hòa thứ hai? Vì có người đánh trống, có người múa. Trả lời hay. Hỏi: Thế nào là hòa thứ nhất? Hành đường dọn cơm xong rồi thì ngồi vào xơi. Rõ ràng sống bình thường, rất hồn nhiên, không vận dụng ý thức phân biệt, không động não.

Nếu hỏi thêm hòa thứ ba thì sao? Thì ngồi lại “cúng dường Phật pháp thân thanh tịnh Tỳ-lô-giá-na…” Hỏi hòa thứ tư thì sao? Cúng dường xong thì mời ăn cơm. Hòa thứ năm thế nào? Đi rửa chén. Cứ ở trong phạm vi sinh hoạt đã được đặt định mà làm, không cần động não. Sống trong thiền viện, đặc biệt nhất là chỗ này. Không cần phải suy nghĩ, động não gì cả.

Sáng mai Trụ trì, Phó trụ trì, Tri sự sắp làm gì, ở đâu, cứ chiếu theo đó làm, khỏi suy nghĩ. Như nhìn lên bảng, thấy tên mình nằm trong danh sách đi làm cỏ. Ăn cơm xong, rửa bát, mau mau mang giày, đội nón, rồi xuống kho lấy liềm đi làm cỏ. Không cần gặp Hòa thượng Trụ trì đảnh lễ: “Thưa thầy, con làm cỏ với ai? Cỏ gì? Chừng nào mới nghỉ? Trời hôm nay có nắng không?” Khỏi hỏi điên khùng như vậy. Đời sống vốn bình thường, đừng làm cho nó rối tung lên. Thế là ổn.

Nếu thấy tên mình đi làm rẫy, lãnh cuốc xong rồi mà không ra rẫy lại quanh vô nhà bếp. Làm gì? Kiếm đồ ăn. Như vậy có trật tuyến không, đáng phạt không? Phạt này giá tám trăm, triệu hai đó. Cho nên phải sinh hoạt thuận theo đại chúng, theo sự sắp xếp của các vị chịu trách nhiệm, khỏi động não. Sở dĩ thiên hạ bị nhũng não là do vận dụng trái chiều nhiều quá.

Như có vị tối lại xin bố mẹ ra rạp hát Biên Hòa. Mẹ hoan hỷ cho đủ tiền ra rạp hát Biên Hòa. Nhưng ông già không tin, sai thằng con lớn ra rạp hát coi nó có ở ngoài đó không? Ông anh kiếm vòng vòng từ trong tới ngoài rạp, không thấy. Bố ở nhà phone hỏi cảnh sát giao thông, cũng chẳng có tin tức. Khuya 1, 2 giờ đương sự bò về. Ông già hỏi:

- Đi đâu?

- Dạ con ra rạp hát Biên Hòa.

- Mày nói thật đi.

Bắt đầu mới chịu khai:

- Con tính đi rạp hát Biên Hòa, nhưng ra gặp xe đi Sài Gòn, nên con đi rạp hát Sài Gòn.

Trái cựa như thế. Chính điều này làm ảnh hưởng không tốt cho não. Mệt lắm. Từ mệt nhọc chuyển qua cau có, dễ buồn dễ tức, dễ điên đảo. Ngày nay sở dĩ bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân bệnh tật của con người là vì thế. Bệnh trái cựa thì thuốc ở đâu mà trị. Cho nên quy luật trong thiền môn là để bảo vệ an toàn cho não. Rất hay. Người nào sống đúng như vậy thì khỏe lắm. Sáng trưa chiều tối gì cũng không động não.

Vị nào đi lệch khỏi quy định này là mệt. Ăn cơm xong, tra đồ vô đi tới đám rẫy gần 8 giờ rưỡi. Sẵn đó ghé qua nhà bếp coi có giữa buổi lấy luôn. Huynh đệ ngồi nói chuyện qua loa một hồi là 9 giờ, 9 giờ rưỡi. Thôi thì quải cuốc đi vô, chứ không 10 giờ đánh kiểng, vô không kịp đăng ký nhà vệ sinh. Lo tính trước chứ, phải không? Sự thực trong thiền viện có 100 vị, mà khoảng vài vị như vậy, có thể huynh đệ chung quanh sẽ rơi vào tình trạng hụt hẫng, bức xúc. Đây là cơ sở của phiền não. Phiền não thì bất an, bất ổn. Người nào là nguyên nhân gây nên phiền não cho huynh đệ, chắc chắn vị đó không khi nào yên.

Đời sống của tăng già là hòa vui. Hòa vui mới yên ổn. Cho nên chúng ta phải giải trừ những bực bội, bất an thì sự tu hành mới thăng hoa, tiến bộ. Trong lòng cứ ấm ức chuyện này chuyện kia thì không đau bao tử cũng vỡ gan, chắc chắn như vậy. Cho nên người vui vẻ thì khỏe, lúc nào cũng cười thoải mái. Đó là nếp sống của các vị thiền sư. Cho nên các ngài mới dùng được các từ “thế à”, “vậy sao” trong bất cứ mọi trường hợp.

Sa-di Cao tuy còn là sa-di, nhưng chỗ đến là của một thiền sư đã đạt đạo. Đó là con người siêu xuất, đã xong việc. Chúng ta học ngài để tăng trưởng niềm tin, nếu mình nỗ lực tu hành cũng sẽ được như thế. Dù ở lứa tuổi nào, tánh giác cũng như nhau, chỉ xin đừng quay lưng là nhận và sống được.

[ Quay lại ]