headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đàm Thạnh (Vân Nham)

tsdamthanh Thiền sư Đàm Thạnh (Vân Nham)
 (782 - 841)

Sư họ Vương, quê ở Kiến Xương, Chung Lăng. Lúc nhỏ, Sư xuất gia tại Thạch Môn. Ban đầu, Sư đến tham học với Bá Trượng Hoài Hải ngót hai mươi năm mà chưa ngộ huyền chỉ. Bá Trượng quy tịch, Sư đến tham học với Dược Sơn Duy Nghiễm.

Thiền sư Đàm Thạnh quê ở Kiến Xương Chung Lăng, học đạo nơi tổ Bá Trượng Hoài Hải hai mươi năm mà chưa ngộ được huyền chỉ. Sau đó, ngài đến pháp hội của thiền sư Duy Nghiễm ở Dược Sơn. Đàm Thạnh là tên của Ngài, còn Vân Nham là tên núi. Người đời kính trọng gọi thiền sư Vân Nham.

Hai mươi năm là một thời gian đáng kể. Nếu đời người sống khoảng chừng sáu bảy mươi năm, mà mất hết hai mươi năm cũng là khá nhiều. Vậy mà chúng ta mất còn hơn thế nữa, có bao giờ huynh đệ thấy tiếc nuối hay đau lòng không?

Dược Sơn hỏi:

- Ở đâu đến?

Sư thưa:

- Ở Bá Trượng đến.

- Bá Trượng có ngôn cú gì để chỉ dạy đồ chúng?

- Thường ngày hay nói “ta có một câu đầy đủ trăm vị”.

- Mặn là vị mặn, lạt là vị lạt, không mặn không lạt là vị thường, thế nào là một câu đầy đủ trăm vị?

Sư không đáp được.

Sau khi Sư ở chỗ tổ Bá Trượng đến, ngài Dược Sơn hỏi: Bá Trượng có ngôn cú gì để chỉ dạy đồ chúng? Đây là một cách hỏi. Sư thưa: Thường ngày hay nói “ta có một câu đầy đủ trăm vị”. Dược Sơn gạn lại: Mặn là vị mặn, lạt là vị lạt, không mặn không lạt là vị thường, thế nào là một câu đầy đủ trăm vị? Ngài đáp không được. Câu mà đầy đủ trăm vị thì câu này không có vị nào hết. Có thể là như vậy. Bởi vì nếu vị mặn thì thành mặn, lạt thành lạt, bình thường thành bình thường, làm sao vuông tròn được trăm vị. Chỉ không có vị nào hết mới đầy đủ trăm vị. Cần mặn thì mặn, cần lạt thì lạt, không cần thì không vị.

Hôm khác, Dược Sơn hỏi:

- Bá Trượng nói pháp gì?

Sư thưa:

- Có khi Thầy thượng đường đại chúng ngồi yên, cầm gậy đồng thời đuổi tan hết, lại gọi: “Đại chúng!” Chúng xoay đầu lại, Thầy bảo: “Ấy là gì?”

Dược Sơn bảo:

- Sao không sớm nói thế đó? Hôm nay nhân ngươi thuật lại, ta được thấy Hải huynh.

Ngay câu nói ấy, Sư tỉnh ngộ, lễ bái.

Ngài Duy Nghiễm cũng gạn lại câu hỏi cũ thôi: Bá Trượng nói pháp gì? Tại sao hỏi như vậy? Vì Bá Trượng là bậc thầy lớn, danh trấn một thời, lừng lẫy khắp nơi. Ai đến đây cũng ngộ đạo, mà ngài Đàm Thạnh ở hai mươi năm không xong việc là tại làm sao. Câu hỏi này rất có ý nghĩa đối với ngài Đàm Thạnh.

Ngài Đàm Thạnh thưa: Có khi Thầy thượng đường đại chúng ngồi yên, cầm gậy đồng thời đuổi tan hết, lại gọi: “Đại chúng!” Chúng xoay đầu lại, Thầy bảo: “Ấy là gì?”

Dược Sơn bảo: Sao không sớm nói thế đó? Hôm nay nhân ngươi thuật lại, ta được thấy Hải huynh. Ngay câu nói ấy, Sư tỉnh ngộ, lễ bái. Ngài Dược Sơn là hàng sư đệ của tổ Bá Trượng, từng học đạo với Mã Tổ Đạo Nhất. Chỗ này lóe lên cho chúng ta một chút ý sáng. Nói hai mươi năm chưa xong huyền chỉ, nhưng trong khoảng thời gian đó, không phải ngài Đàm Thạnh sống như một vị tăng thường, cơm cháo qua ngày. Chỉ là thời cơ, nhân duyên chưa đủ thôi.

Hôm nay nhân ngài Dược Sơn hỏi ý chỉ của Bá Trượng, ngài lặp lại và thời cơ đã đến. Sau khi nghe thiền sư Dược Sơn xác nhận “Nhân ngươi thuật lại, ta được thấy Hải huynh.” Rõ ràng Phật pháp là như vậy, tại tâm ta vướng cái gì đó nên không nhận được. Cách sống, sự tu tập mỗi ngày quyết định cho kết quả của chúng ta. Ngay câu nói này ngài Đàm Thạnh có tỉnh.

Chư thiền tử ngày xưa đến với đạo tràng tổ sư, hầu hết đều tâm tâm niệm niệm cố gắng hạ thủ công phu. Tuy nhiên có người ngộ được huyền chỉ, có người chưa ngộ, điều này còn tùy thuộc vào cơ duyên. Người xưa quý tiếc mạng sống, quý tiếc thời gian lắm. Một khi xuất gia làm tăng, đi tham học ở các tùng lâm, lúc nào cũng tâm niệm làm sao cho xong việc.

Để làm gì? Trước nhất là tháo gỡ tất cả dây mơ rễ má vướng mắc trong lòng từ bao đời kiếp. Kế nữa là thực hiện tâm nguyện tu học chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con. Quý ngài thường nói: Các ông nở lòng nào quên đi tâm niệm tu học chân chính, tha thiết nhất của mình. Đó là tâm niệm ban đầu. Nếu chúng ta không có ý chí, không quyết tâm, không tha thiết, không biết thương mình thì chẳng biết đời nào giải quyết xong việc này. Thời gian không hẹn, mạng sống mong manh, cho nên cần phải quyết trạch nhanh.

Theo cái nhìn của đức Phật, chúng ta đang sống trong thời kiếp giảm. Danh từ “Kiếp”, tiếng Phạn gọi kiếp-ba (kalpa), Trung Hoa dịch là Trường thời hoặc Đại thời, chỉ cho thời gian rất dài, khó dùng năm tháng tính kể. Theo luận Lập-Thế-A-Tỳ-Đàm, có trường hợp một tiểu kiếp kể là một kiếp, hoặc hai mươi, bốn mươi, sáu mươi, tám mươi tiểu kiếp kể là một kiếp. Tóm lại, “kiếp” không có hạn kỳ nhất định, chỉ cho đơn vị thời gian dài vô lượng.

Tuy nhiên, theo quan niệm khác “kiếp” cũng có thời hạn nhất định như: giảm kiếp, tăng kiếp, tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp.

1. Giảm kiếp: Tuổi thọ của con người giảm dần. Đầu tiên, nhân loại ở châu Diêm-Phù đề tức châu chúng ta đang ở, tuổi thọ cao nhất là 84.000 tuổi. Từ 84.000 tuổi mỗi 100 năm giảm một tuổi, giảm đến chừng nào con người còn 10 tuổi là mức cuối cùng. Khoảng thời gian này kể là một giảm kiếp. Khi tuổi thọ 84.000 tuổi, con người cao 840 trượng. Qua trăm năm giảm một tuổi, bề cao cũng thấp xuống một tấc. Qua ngàn năm giảm 10 tuổi, bề cao thấp xuống một thước. Đến chừng nhân loại còn 10 tuổi là thượng thọ, bề cao chỉ một thước.

Trong kiếp giảm, có tiểu tam tai là: nạn cơ cẩn, nạn dịch khí, và nạn đao binh. Theo luận Du-già-sư-địa, lúc tuổi thọ của con người còn 30 tuổi, có nạn cơ cẩn tức đói khát, kéo dài bảy năm bảy tháng bảy ngày. Trong thời gian này rất lâu mới có một cơn mưa, ngũ cốc không sanh, loài người chết vô số. Bấy giờ nếu người nào tìm được một hạt lúa, họ xem như ngọc ngà, cất giấu trong rương. Qua một loạt chết chóc kinh khủng, những kẻ còn sống sót khởi lòng nhàm chán, thật tâm ăn năn sám hối, tai nạn đó mới dứt.

Lúc tuổi thọ giảm còn 20 tuổi, con người quên mất tâm nhàm chán ăn năn trước, dần dần làm ác, nên có nạn dịch khí tức bệnh truyền nhiễm nổi lên, trải qua thời gian bảy tháng bảy ngày. Thây chết ngổn ngang khắp đường sá. Khi ấy mọi người tự biết do nghiệp ác nên phải chịu quả khổ như thế, khởi lòng nhàm chán bậc trung, ăn năn sám hối, nạn dịch khí liền dứt. Rồi tháng năm trôi qua, con người lại quên bao nhiêu cảnh khổ, tạo thập ác thêm nhiều.

Đến lúc thọ mạng còn 10 tuổi, con người sanh ra ít ngày là biết đi, mới năm tháng đã có chồng vợ. Lúc ấy nhân loại lấy lúa lép làm thức ăn bậc nhất, lấy tóc kết lại làm y phục bậc nhất, lấy sắt làm đồ trang nghiêm bậc nhất. Bao nhiêu thức ăn ngon quí đều ẩn mất hoặc biến chất không còn mùi vị. Bấy giờ lại có tai nạn đao binh nổi lên. Các nước đem binh đánh giết lẫn nhau; trong thân quyến như cha con, anh em, chồng vợ luôn luôn có sự tranh cãi, huống chi đối với kẻ khác.

Đến lúc kiếp mạt, thế lực của nghiệp ác mạnh mẽ cùng cực, trong vòng bảy ngày, loài người như mê cuồng, tay cầm đến cây, gậy, ngói, đá, những thứ ấy đều hóa ra đao, kiếm không luận kẻ thân sơ, hễ gặp mặt là tàn sát nhau. Ai nấy đều nghĩ rằng: nếu mình không giết người, người cũng giết mình. Thời gian đó, thây chết cùng khắp, đường sá vắng người. Qua bảy ngày này nghiệp sát tiêu tan, còn độ một muôn người sống sót, trốn ở hang đá rừng núi lần lượt đi ra. Bấy giờ thế giới hoang sơ, trong vòng mấy muôn dặm khó thấy một bóng người, nên khi được gặp mặt họ liền ôm nhau mà khóc. Lúc này kiếp giảm đã đến mức cuối cùng, loài người khởi tâm nhàm chán bậc thượng, lần lần tu pháp lành, nên phước thọ cũng lần lần tăng thêm.

2. Tăng kiếp: Khi thế lực của giảm kiếp đã mãn, nhân loại giết nhau gần hết, lại bắt đầu chuyển sang kiếp tăng. Qua bảy ngày đao binh, loài người khi gặp mặt liền sanh lòng từ ái, xem nhau như thân thuộc, cùng bảo nhau rằng: “Do chúng ta sanh lòng si cuồng độc ác nên mới có thảm họa ấy. Từ đây về sau phải gắng sức làm lành, tu Thập Thiện mới mong khỏi cảnh khổ kia.”

Trước tiên họ giữ giới sát, nên từ 10 tuổi lần lần tăng lên 20 tuổi. Kế đến mọi người phát nguyện xa lìa trộm cắp, tuổi thọ lại tăng 40 tuổi. Tiến thêm là xa lìa những tâm hạnh xấu như: gian dâm, vọng ngữ, tham lam, ganh ghét, giận hờn, tà kiến… cùng tu tập những điều lành nên thọ mạng tăng lần lần từ 80 tới 160, 300 cho đến 84.000 tuổi. Khi tuổi thọ tăng thì sắc thân cũng lần lần cao lớn xinh đẹp. Bấy giờ mọi người đều hiền lành, hiếu thuận với cha mẹ, cung kính bậc Sa-môn, tu các phước nghiệp. Nam nữ đến 500 tuổi mới có đôi bạn, mưa gió điều hòa, thức ăn đầy đủ thượng vị, nhân dân an lạc, thế gian không có tai nạn đao binh.

3. Tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp: Cứ một kiếp tăng, kiếp giảm là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Bốn trung kiếp hợp thành một đại kiếp. Bốn trung kiếp trong đại kiếp là: thành, trụ, hoại, không. Tam thiên thế giới sanh diệt theo tuần tự thành, trụ, hoại, không của đại kiếp.

a. Kiếp thành: Khi thế-giới đã tiêu hoại, chỉ còn một khoảng hư không trống rỗng trải qua thời gian rất lâu xa. Do nghiệp lực của chúng sanh, bấy giờ từ nơi không gian bỗng nhiên biến hiện ra áng mây to rộng che khắp một vùng bằng khoảng tam thiên đại thiên thế giới. Kế đó lại có mưa to đổ xuống, mỗi giọt mưa lớn như bánh xe. Cứ mưa như thế hết trận này đến trận khác. Do nghiệp chúng sanh, có nhiều trận mưa sai biệt. Mưa như thế trải qua ngàn muôn năm, nước lần lần dâng cao đến cõi Phạm Thiên. Trong khi mưa lại có bốn thứ gió to xen lẫn. Một là Năng trì phong luân, gió này duy trì khiến cho nước không tan rã. Hai là Năng tiêu phong luân, gió này làm cho nước tiêu bớt. Ba là Kiến lập phong luân, gió này làm cho các xứ sở được thành lập. Bốn là Trang nghiêm phong luân, gió này phân bố các xứ sở một cách thiện xảo. Tóm lại, kiếp thành là giai đoạn thế giới đang thành lập. Thời gian này có 20 tiểu kiếp.

b. Kiếp trụ: Khi thế giới đã thành, chúng sanh có thể an trụ thọ dụng. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tam thiên đại thiên thế giới đã thành lập, khiến cho vô lượng chúng sanh được nhiều sự nhiêu ích”. Khi thế giới mới vừa thành lập, đất như chất sữa đặc, có đủ mùi vị thơm ngon. Lúc ấy hàng chư thiên phước mạng đã hết, từ cõi trời Quang Âm hóa sanh xuống miền đại địa. Loài hữu tình này các căn đầy đủ, thân có ánh sáng, bay đi tự tại giữa hư không, lấy sự hỷ lạc làm thức ăn, thọ mạng rất lâu dài.

Khi đó các hữu tình thấy lớp địa tô trắng nhuyễn, lấy ngón tay chấm đưa vào lưỡi nếm thử. Nếm vài ba lần cảm thấy thơm ngon, họ liền sanh lòng tham trước, tâm phân biệt tốt xấu nổi lên. Các hữu tình tham nhiễm chất địa tô thì thần thông và diệu sắc của thân thể dần suy mờ và mất hẳn, thế giới trở nên tối tăm. Lúc đó các luồng hắc phong thổi vào mặt biển, từ nơi đây phát hiện mặt trời, mặt trăng bay lên hư không soi sáng thế gian. Người thời đó thấy mặt trời mọc thì mừng, mặt trời lặn thì lo lắng sợ hãi, từ đó mới có ngày và đêm.

Khi loài người đã sanh lòng thị phi, phước đức cũng suy giảm, lần lần các thức ăn thượng vị không còn. Từ dưới đất mọc lên thứ gạo không có vỏ thóc bên ngoài, không cần gia vị mà vẫn có đủ mùi thơm ngon. Thứ gạo thơm thuở ấy dài độ bốn tấc, ban mai cắt chiều liền sanh, chiều cắt mai lại sanh, hạt nào hạt nấy đều chín mọng. Khi đó những kẻ lười biếng cắt thật nhiều, để dành ăn vài ba ngày. Các vị kia trông thấy bắt chước làm theo. Do nghiệp tham lam ấy, gạo lần lần sanh ra vỏ thóc, cắt rồi không mọc lại liền như trước. Loài người phải phân chia ranh giới ruộng nương, mỗi gia đình đều tàng trữ lúa riêng, ra sức gieo trồng để tự nuôi sống.

Thời gian sau, lại có kẻ tham lam lười biếng, không chịu gắng sức làm việc, lén cắt trộm lúa của người khác, nhân đó sanh ra sự tranh đấu lẫn nhau. Bấy giờ đại chúng họp lại lựa người có công đức cử lên làm điền chủ, xử đoán việc phải quấy, trách phạt kẻ có tội, mỗi người đều trích bớt phần ăn của mình để thù đáp công lao của vị ấy. Đây là nguyên nhân xuất phát hàng vua chúa. Bấy giờ những vị thấy con người ô nhiễm xấu xa, sanh lòng thương xót yểm ly, bỏ vào núi tu hành, giữ hạnh trong sạch, được mọi người tôn kính cúng dường. Đây là nguồn gốc của hàng xuất gia tu tịnh hạnh. Tóm lại, thời gian của kiếp trụ cũng gồm có 20 tiểu kiếp.

c. Kiếp hoại: Khi trụ kiếp đã mãn, thế giới bắt đầu hư hoại gọi là kiếp hoại. Lúc đó chúng sanh nào có phước nghiệp liền được sanh về các tầng trời không tiêu hoại, hoặc sanh về các thế giới khác tương xứng với nghiệp của mình. Những chúng sanh nghiệp nặng, sau khi chết liền sanh vào ác đạo. Về kiếp hoại lại có đại tam tai là: hỏa tai, thủy tai và phong tai.

Khi hỏa tai sắp khởi, những chúng sanh có phước đức được sanh lên cõi Nhị thiền. Do nghiệp của chúng sanh chiêu cảm, hắc phong nổi lên dữ dội, ban đầu có hai mặt trời hiện ra, làm cho nước ở các ao hồ đều khô cạn. Dần dần sáu mặt trời hiện ra, núi non đất liền bốc cháy. Bảy mặt trời hiện ra núi Tu Di sập đổ, chư thiên trời Lục dục thảy đều mạng chung. Sức lửa hủy hoại cả Dục giới và tầng Sơ thiền của Sắc giới. Lúc ấy từ cõi trời Quang Âm trở xuống, vạn vật đều thành tro bụi, chư thiên mới hóa sanh lên đây thấy cảnh tượng chưa từng có ấy, đem lòng sợ hãi.

Khi thủy tai nổi lên, những chúng sanh có phước đức sanh lên cõi Tam thiền. Do nghiệp lực của loài hữu tình, tam thiên thế giới nổi lên cơn mưa mãnh liệt. Từ cõi Tam thiền trở xuống, cung điện chư thiên, núi Tu Di, Tứ đại châu đều ẩn mình trong biển nước. Cả cõi Dục và tầng Sơ thiền, Nhị thiền của Sắc giới đều bị sức nước tung phá tiêu tan.
Khi phong tai nổi lên, những chúng sanh có phước đức đều sanh lên cõi Tứ thiền. Do nghiệp lực của loài hữu tình, cơn gió mãnh liệt tên là Đại tăng già nổi lên. Từ cõi Tứ thiền trở xuống, cung điện chư thiên, núi non, tất cả các sắc chất đều va chạm nhau tan nát như vi trần trong sức quay cuồng dữ dội của gió. Nói chung, phong tai tiêu hoại đồng thời tất cả trời Tam thiền, Nhị thiền, Sơ thiền và toàn cõi Dục của Đại thiên thế giới.

Đại tam tai không phải đồng thời khởi lên trong một đại kiếp. Đại kiếp thứ nhất bị hỏa tai tiêu hoại, đến đại kiếp thứ tám mới bị thủy tai tiêu hoại. Cứ bảy lần hỏa tai có một lần thủy tai. Bảy lần thủy tai mới có một lần phong tai. Đại tam tai tuần hoàn 64 lần trong một kiếp vận, nghĩa là đại kiếp thứ nhất bị hỏa tai tiêu hoại, đến đại kiếp thứ 64 mới có phong tai tiêu hoại thế giới. Như thế trong một kiếp vận gồm 64 đại kiếp, có 56 lần đại hỏa tai, 7 lần đại thủy tai, 1 lần đại phong tai.

Trên đây là tướng trạng chung về sự tiêu hoại của thế giới. Mỗi lần thế giới hoại diệt đều trải qua một thời gian là 20 tiểu kiếp. Tóm lại các tướng hữu vi là pháp sanh diệt, ba cõi đều vô thường, Phật dạy chúng sanh không nên tham trước. Cổ đức bảo:

Lục dục còn mang tướng ngũ suy,
Tam-thiền chưa khỏi với phong tai.
Dù cho tu đến Phi phi tưởng.
Cũng chẳng bằng lên Bát Nhã đài.

d. Kiếp không: Sau khi đã trải qua đại tai, vạn vật đều tiêu tan, chỉ còn một khoảng không gian vô hình. Trạng thái này kéo dài 20 tiểu kiếp mới qua giai đoạn thành lập của thế giới mới. Thời kỳ trống không ấy gọi là không kiếp. Không kiếp không có ngày đêm thời tiết, làm sao biết được trải qua 20 tiểu kiếp? Đây là do trí huệ vô ngại của Phật thấy suốt mười phương, nên biết rõ thời gian ấy trải qua 20 tiểu kiếp.

Đối Pháp luận nói: “Như suốt qua phương đông có vô lượng thế giới, các cõi ấy hoặc sắp thành, hoặc đang hoại, hoặc đang thành, hoặc đã thành rồi trụ, hoặc đã hoại rồi không. Cũng thế, vô biên quốc độ ở mười phương sanh diệt theo bốn giai đoạn: thành, trụ, hoại, không, liên tục không dứt. Chánh báo và y báo ở mười phương thế giới có xấu, đẹp, sạch, dơ, đều do đồng nghiệp của chúng sanh mà cảm hiện”. Đó là nói trên mặt thời gian.

Nói theo không gian thì một tiểu thế giới có một Lục Dục thiên, một nhật nguyệt, một núi Tu Di và một Tứ đại châu. Một ngàn tiểu thế giới hợp lại thành một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới hợp lại thành một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới hợp lại thành một đại thiên thế giới. Đại thiên thế giới có nơi gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Danh từ này chỉ cho Đại thiên thế giới do ba lần ngàn thế giới kết hợp, chớ không phải có ba ngàn cõi Đại thiên.

Một tiểu thế giới có núi Tu Di, còn gọi là núi Diệu Cao làm trung tâm điểm. Đó là lớp núi thứ nhất trụ nơi Kim luân. Hình thể trên dưới rộng ra, khoảng giữa eo lại, bề cao từ mặt nước trở lên 80.000 do tuần. Ngoài núi Tu Di có một vòng biển nước thơm gọi là Hương thủy hải. Kế biển này đến lớp núi thứ hai là Trì Song sơn, ngoài cũng có một vòng Hương thủy hải bao bọc. Kế biển này đến lớp núi thứ ba là Trì Trục sơn, thứ tư là Chiêm Mộc sơn, thứ năm là Thiện Kiến sơn, thứ sáu là Mã Nhĩ sơn. Cứ ngoài mỗi lớp núi có một vòng Hương thủy hải bao bọc.

Cho nên biết núi Tu Di không giống như núi Điện Bà Tây Ninh, núi Ông Cấm hay núi Hy-mã-lạp-sơn. Chung quanh núi là biển thơm, có bốn cái đảo chia đều bốn hướng. Phương Nam gọi là Nam Thiệm Bộ Châu, phương tây gọi là Tây Ngưu Hóa Châu, phương Đông gọi là Đông Thắng Thần Châu, phương Bắc gọi là Bắc Câu Lô Châu. Mỗi châu đều có chúng sanh sống ở đó. Chúng ta chỉ là dân của một đảo nhỏ ở giữa biển dưới chân núi Tu-di.

Trên đỉnh núi là trời Đế Thích, cai quản ba mươi ba ông vua trời nhỏ hơn. Lục dục thiên là sáu tầng trời ở cõi Dục:

1. Tứ Thiên Vương Thiên: Là tầng trời có bốn vị Thiên Vương cai quản bốn vùng:
- Trì Quốc Thiên Vương (phương đông)
- Quảng Mục Thiên Vương (phương tây)
- Tăng Trưởng Thiên Vương (phương nam)
- Đa Văn Thiên Vương (phương bắc)

2. Đao Lợi Thiên: Còn gọi là tam thập tam thiên. Chính giữa là Trời Đế Thích, bốn phương mỗi phương có tám tầng trời, gộp lại là ba mươi ba cõi trời, vì vậy gọi là Tam Thập Tam Thiên.

3. Dạ Ma Thiên: Hán dịch là Thời Phân. Trong cõi trời này bất cứ lúc nào cũng hát xướng, khoái lạc nên đặt tên như vậy.

4. Đâu Suất Thiên: Tiếng Hán dịch là Hỷ Túc. Đặc biệt tầng trời này có hai phần: Một phần nội viện, một phần ngoại viện. Phần nội viện bên trong là của chư vị Bồ Tát an trụ tu hành, đợi cơ duyên đến sẽ thị hiện giáo hóa chúng sanh. Trong kinh nói hiện nay Bồ-tát Di-lặc đang tu, đang thuyết pháp tại đây cho vô lượng đại Bồ-tát nghe. Ngài sẽ kế tiếp đức Thích-ca Mâu-ni thị hiện ra đời giáo hóa chúng sanh. Phần ngoại viện, chư thiên cũng tu hành. Cho nên đây là tầng trời đặc biệt, chỉ có các bậc Bồ-tát nhất sanh bổ xứ hoặc chư thiên sanh về tiếp tục công phu tu tập, chớ không vui hưởng dục lạc như các tầng trời kia.

5. Hóa Lạc Thiên: Cũng kêu là Lạc Nhạo Biến Hóa Thiên ở cảnh dục tự, thích biến hóa nên mới gọi là Hóa Lạc Thiên.

6. Tha Hóa Tự Tại Thiên: Ở cảnh dục khiến tha tự tại biến hóa, nên gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Trong đây Tứ Thiên vương ở lưng chừng núi Tu Di, Đao Lợi Thiên ở trên đỉnh núi Tu Di nên còn gọi là Địa Cư Thiên. Từ Dạ Ma Thiên trở lên, trụ ở không trung nên gọi là Không Trung Thiên. Qua khỏi sáu tầng trời này là Sắc giới, gồm có 18 tầng trời. Kế đến là Vô sắc giới, gồm 4 tầng trời nữa. Học thế giới quan của Phật cũng lý thú quá, phải không? Từ đó cho chúng ta thấy trí tuệ siêu việt của đức Phật, thấy suốt cả tam thiên đại thiên thế giới, mà mắt phàm không thể nào thấy được. Khoa học bây giờ tiến bộ vượt bậc, nhưng vẫn còn cách rất xa so với trí tuệ của Phật.

Ngài Dược Sơn nhắc lại lời dạy của tổ Bá Trượng qua hai lần gạn hỏi. Nhờ thế thiền sư Đàm Thạnh đủ cơ duyên để nhận ra ý chỉ của thầy tổ. Đó là do ngài cũng có hai mươi năm nuôi dưỡng công phu ở hội Bá Trượng, không phải tự nhiên mà được.

Chúng ta đối với việc tu phải tha thiết, nuôi dưỡng công phu liên tục. Người không nuôi dưỡng công phu, cứ nuôi dưỡng phiền não, sớm muộn gì cũng bị ung thư tâm. Ung thư là gì? Là mụt ghẻ đó. Tế bào đang trong trắng vậy, ba mớ gì ở ngoài phủ lên, mình chưa đẩy ra được thì nó vướng lại. Vướng đôi ba lần thì bị ung thư thời kỳ thứ nhất. Tụ lại thêm vài lớp nữa thành thời kỳ thứ hai. Khối u đó lớn dần thành mụt ghẻ là thời kỳ thứ ba. Mụt ghẻ ấy tấy lên rất nhanh rồi vỡ ra, chạy khắp châu thân là xong đời. Xong đời chứ không phải xong việc. Chất chứa phiền não cũng giống như chất chứa những khối ung thư. Mình không sớm tẩy trừ nó ra khỏi thân tâm thì nó sẽ tiêu diệt mình, chứ không ai khác. Muốn tẩy trừ nó chỉ có dùng thiền định và trí tuệ mà thôi. Phật đã dạy như vậy.

Dược Sơn hỏi:

- Ngoài chỗ Bá Trượng ngươi còn đến đâu chăng?

Sư thưa:

- Con từng đến Quảng Nam.

- Ta nghe nói ngoài cửa thành Đông ở Quảng Châu có một hòn đá bị Châu chủ dời đi phải chăng?

- Chẳng những Châu chủ, dù họp tất cả người toàn quốc dời cũng chẳng động.

Chẳng những Châu chủ, dù họp tất cả người toàn quốc dời cũng chẳng động. Đàm Thạnh ngộ đạo rồi mới nói được câu đó. Ngài Dược Sơn nêu ra chuyện hòn đá bị dời đi để xem chỗ đến của Đàm Thạnh cạn sâu thế nào. Châu chủ là nói những bậc thiền sư trong tông môn. Người đã xong việc rõ ràng không còn buộc ràng trong phạm vi nào.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy: “Chúng ta không chạy theo vọng tưởng, không chấp nhận vọng tưởng, vọng tưởng không kéo lôi mình được”. Chúng ta ở trong chỗ tỉnh sáng thì định tuệ sẽ tròn đầy. Tổ Huệ Năng nói định tuệ đồng đẳng, tức định và tuệ cùng một lúc bằng nhau. Người như thế thì làm chủ được vọng tưởng. Ngược lại, nếu vướng mắc pháp trần, chạy theo vọng tưởng điên đảo thì không ngộ đạo. Chúng ta chấp nhận những thứ giả, chạy theo ảo tưởng, chưa buông được những thứ đó thì mất mình. Vậy thôi.

Sáng được việc chính mình là sáng việc sanh tử, chứ đâu có gì lạ. Lâu nay chúng ta mê nên tạo nghiệp nhân không tốt, bị quả báo không tốt, loay hoay trong luân hồi sanh tử. Bây giờ dừng lại, không tạo nghiệp nhân xấu nữa thì hết luân hồi. Với người tu thiền, khi nào dừng được vọng tưởng là chấm dứt con đường sanh tử.

- Ta nghe ngươi biết làm sư tử múa phải chăng?

- Phải.

- Múa được mấy suất?

- Múa được sáu suất.

- Ta cũng múa được.

- Hòa thượng múa được mấy suất?

- Ta múa được một suất.

- Một tức sáu, sáu tức một.

Ta nghe ngươi biết làm sư tử múa phải chăng? Nghĩa là biết vị này đã xong việc, nhưng bây giờ gạn thêm xem tầm vào tới đâu.

- Múa được mấy suất?

- Múa được sáu suất.

- Ta cũng múa được.

- Hòa thượng múa được mấy suất?

- Ta múa được một suất.

 Một tức sáu, sáu tức một.

Thầy trò đã tâm đắc nhau rồi. Người xong việc là như vậy. Xong việc là xong cái gì? Không có gì hết. Nhân lặp lại cách dạy của Sư phụ liền tỉnh. Có thể nói là buông được, không dính mắc vào phương tiện nữa là xong.

Cho nên người thật học đạo, không có gì để vướng mắc. Thành đạo cũng không có gì để thành. Mình làm chủ được, không bị vướng mắc, không còn lầm chạy theo vọng tưởng, nó không kéo lôi được mình. Đó là xong việc. Vậy thôi. Đừng tưởng thành đạo rồi mọc thêm mấy lỗ tai hoặc vài ba cái chân nữa. Nghe nói mấy người thành đạo có thần thông diệu dụng, bay lên hoặc nghe suốt tam thiên đại thiên thế giới, có thể đưa tay nắm bắt hết cả vũ trụ này, người ngây thơ tưởng có chuyện thần kỳ như vậy. Học Phật rồi không nên hiểu như thế.

Chư vị chứng Thánh quả A-la-hán đều có thần thông, có thể làm được như vậy. Tuy nhiên đức Thế Tôn cấm chỉ không cho quý ngài sử dụng thần thông bừa bãi. Tại sao? Vì Phật sợ chúng ta mê thần thông mà bỏ chánh đạo. Thần thông là những diệu thuật do tu luyện mà có, nhưng thuộc tướng sanh diệt, không thật. Trừ những trường hợp đặc biệt, Phật mới cho sử dụng thần thông, ngoài ra tất cả các vị La Hán đều không được dùng.

Như tôn giả Đại Mục-kiền-liên là vị thần thông bậc nhất trong hàng đệ tử của đức Phật, nhưng cuối cùng ngài xả thân bằng cách chịu đòn cho tới chết, da thịt tan nát hết, để trả nghiệp cũ. Điều này cho thấy thần thông không đối đầu được với nghiệp lực. Vì vậy chúng ta cứ tu bình thường, đừng mong mình nhướng con mắt lên thấy được ruột gan của thiên hạ. Chúng ta chỉ cần tu có đạo hạnh, phước báu thì đạo tràng đầy đủ tốt đẹp. Chánh báo thế nào thì y báo thế ấy.

Xưa có vị thiền sư đạo cao đức trọng, ở nhằm ngọn núi quá nhiều sỏi đá, đất đai cằn cõi, ngài trồng cây gì cũng không sống. Một hôm trong giấc ngủ, ngài thấy mấy vị áo mão trang nghiêm đến đảnh lễ xin quy y, học pháp. Ngài hỏi:

- Mấy ông là ai?

Thưa:

- Chúng thần không phải người thường, là sơn thần chịu trách nhiệm bảo hộ vùng núi này. Chỗ này lẽ ra người thường không ở được, nhưng vì Hòa thượng là bậc chân tu, nên được yên ổn thế đó.

Ngài nói:

- Ta không cố thủ ở đây, tạm mượn tu hành hóa đạo một thời gian thôi.

Sơn thần thưa:

- Chúng tôi đã quy y với Ngài rồi, xin nguyện theo bảo hộ. Ngài muốn làm gì ở đây không?

Thiền sư vui vẻ nói:

- Chỗ này ta trồng cây không được, tùng bách gì chết hết, thấy trơ trụi quá, các ông có cây cảnh chi thì trồng đi.

Sơn thần nghe thế, căn dặn:

- Hòa thượng cho trong tăng chúng hay, vào giờ đó có những âm thanh rung chuyển, chấn động rất mạnh, chư tăng cứ tọa thiền bình thường, đừng sợ hãi, vì chúng thần đang di dời cảnh trí.

Ngài dặn đại chúng y như vậy. Quả thật đến giờ đó, nghe ầm ầm như sóng dậy. Đến sáng ra thì cảnh trí trước chùa thật là đẹp, nào tùng bách thông sao… cây cao bóng cả, xanh tươi khắp vùng. Đó là gì? Từ phúc duyên, từ công đức tu hành mà ra. Ngài có duyên độ mấy ông thần chủ trì núi rừng, nên các ông chuyển được. Tuy nhiên ngài nói vẫn chỉ là tạm thời, không thể vướng mắc mê muội trong bất cứ cảnh nào.

Sư đến Quy Sơn Linh Hựu, Quy Sơn hỏi:

- Nghe Trưởng lão ở Dược Sơn làm sư tử múa phải chăng?

Sư đáp:

- Phải.

- Thường múa hay có khi nghỉ?

- Cần múa thì múa, cần nghỉ thì nghỉ.

- Khi nghỉ, sư tử ở chỗ nào?

- Nghỉ, nghỉ.

Khi nghỉ, sư tử ở chỗ nào? Câu hỏi này mới gắt gao. Ngài nói: Nghỉ, nghỉ. Chúng ta không được như thế, nói nghỉ mà múa hoài. Bởi vậy trong những giấc mộng mị, mình ngủ mê nói mớ. Tại sao? Vì không buông được, ban ngày thu vô, ban đêm ló ra. Lại thêm ý thức của mình không khỏe nên nhìn lệch lạc, thấy vàng ra trắng, thấy xanh ra đỏ, gió thổi cây động cứ tưởng trời sập. Giấc ngủ mộng mị với ý thức không hoàn chỉnh là như vậy. Nó không thật nhưng cũng làm cho chúng ta mệt mỏi, sợ hãi.

Tôi nhớ mấy năm khó khăn, một số huynh đệ chê đất Thường Chiếu cằn cõi, trồng đậu không trúng, trồng lúa không xong, trồng cây ăn trái cũng chết. Thôi về quê. Một mẫu ruộng làm cực ơi là cực mà thu được chừng bốn năm chục giạ lúa. Tới chừng phơi khô, đem xay, gạo đen mà nát hết trơn. Tại sao không biết. Cho nên mấy anh em chạy về Vĩnh Long, An Giang…

Như thầy Thiện Thanh ngày xưa là Tri sự, quê ở Vĩnh Long. Thầy nói dưới đó một công ruộng gặt trên sáu chục giạ lúa, không như Thường Chiếu mấy mẫu ruộng mà không có gạo ăn. Thầy Phước Tịnh lui về An Giang, đất nhà cũng có chút đỉnh chuối. Thầy cất một cái chòi giữa rừng chuối, làm thêm ruộng, nuôi thêm bò. Trưa đang ngủ, thầy nghe cái chòi chuyển động như sắp sập, sợ thôi là sợ. Lúc đó giật mình thức dậy, ngó ba bên bốn phía thì ra con bò nó lũi vô, cái mông kê ngay gốc cột cạ tới cạ lui. Vậy mà ra cột đổ chòi xiêu. Thiệt là tưởng tượng như tưởng voi. Tai hại hết sức.

Quy Sơn gạn lại:

- Nghe Trưởng lão ở Dược Sơn làm sư tử múa phải chăng?

- Phải.

- Thường múa hay có khi nghỉ?

- Cần múa thì múa, cần nghỉ thì nghỉ.

- Nghỉ sư tử ở chỗ nào?

- Nghỉ, nghỉ.

Nói như vậy là xong việc. Chúng ta không nên rớ tới chỗ này.

Sư nấu trà, Đạo Ngô hỏi:

- Nấu trà cho ai?

Sư đáp:

- Có một người cần.

- Sao không dạy y tự nấu?

- Nay có tôi ở đây.

Những người đã xong việc, có thể chuyển được tất cả sinh hoạt, nói năng, ngủ nghỉ, ăn uống… thành công đức tu hành. Ý đoạn này rất hay.

Thạch Sương Khánh Chư đến. Sư hỏi:

- Ở đâu đến?

Thạch Sương thưa:

- Quy Sơn đến.

- Ở trong ấy bao lâu?

 Vừa trải một đông một hạ.

- Như thế tức thành núi dài?

- Tuy ở trong đó mà chẳng biết.

- Người khác cũng chẳng hiểu chẳng biết.

Thạch Sương không đáp được.

Thạch Sương Khánh Chư cũng là một thiền sư nổi tiếng sau này. Được ngài Vân Nham hỏi ở chỗ Quy Sơn bao lâu, ngài thưa trải qua một đông một hạ. Vân Nham bảo: Như thế thành núi dài. Nếu tu học mà tính thời gian, năm tháng hết xuân tới hạ… thì khó mà xong việc. Thạch Sương thưa: Tuy ở trong đó mà chẳng biết, tức là đã đến Quy Sơn nhưng chưa xong việc. Ngài Vân Nham bảo: Người khác cũng chẳng hiểu chẳng biết. Tôi ở trong đó cũng không biết, người khác cũng chẳng hiểu chẳng biết. Chỗ đó làm sao hiểu, làm sao biết.

Sau, Sư trụ trì núi Vân Nham huyện Du, Đàm Châu.

Một hôm, Sư bảo chúng:

- Có đứa trẻ nhà kia, hỏi đến không có gì nói chẳng được.

Động Sơn Lương Giới hỏi:

- Trong ấy có kinh sách nhiều ít?

- Một chữ cũng không.

- Sao được biết nhiều thế ấy?

- Ngày đêm chưa từng ngủ.

- Làm một việc được chăng?

- Nói được lại chẳng nói.

Sư trụ trì ở núi Vân Nham, nói với Động Sơn: Ngày đêm chưa từng ngủ, nghĩa là lúc nào cũng sống với tâm thể rỗng rang sáng suốt, không thức cũng không ngủ, nên biết khắp hết.

Chúng ta không ngủ là mất ngủ, chớ không phải công phu đến chỗ ấy. Do vậy, nếu bị hỏi “kinh sách nhiều ít”, mình không biết trả lời thế nào, cứ bám theo hoặc nhiều hoặc ít, hoặc có hoặc không. Như vậy là rơi vào biên thùy rồi. Có khi mất ngủ, có khi ngồi đâu ngủ đó. Ăn cũng ngủ, học cũng ngủ, làm việc một mình cũng ngủ… Đặc sệt như vậy làm sao mà tu đây? Không biết cái ngủ này sẽ dẫn mình đến chỗ mê tối nào, đâm sợ. Còn sợ là chưa có gan anh hùng. Chưa có gan thì đừng nói chuyện ngộ đạo. Người tu phải có gan. Có gan mới có sức chịu đựng, gan mà yếu đi rồi thì can đảm mất hết.

Nói như vậy không có nghĩa là chuyện gì cũng dám làm, làm càng, làm bậy. Phải dung hòa. Tại sao phải dung hòa? Vì đường dài cần dưỡng sức. Ai biết được tới năm nào mình ngộ đạo, năm nào nhập niết-bàn. Điều hòa để có được sự bình ổn trong công phu. Người khéo dung hòa cuộc sống tu hành, công phu mới tiến. Nếu một nắng mười mưa, đi mười bước đứng lại, thụt lùi hai ba bước, đi hoài không tới đâu. Thấy như tu hành dữ lắm mà trăm năm cũng còn ở trần gian, chẳng nhích lên chút nào.

Hồi trước tôi kém phước, chưa đủ duyên nên xuất gia ở vùng quê. Ông thầy cũng quê, chưa từng dạy dỗ về thiền sư, về giới đàn, về giáo lý… Qua một thời gian phúc duyên đầy đủ, tôi nghe ở thành phố có lớp học, tự nhiên cảm hứng phát khởi tâm cầu học. Hễ có phúc rồi thì chuyển, nhưng nhớ đừng để chuyển xuống. Chuyển xuống là thất bại. Chuyển cho đàng hoàng, như muốn đi Sàigòn thì ra đón xe đi, không phải chạy bang đại ra đường.

Do vô minh dẫn nên chúng ta có thân sanh diệt này. Bây giờ nhờ thầy chỉ dạy, ta biết rõ từ tăm tối dấy niệm, hình thành những cớ sự hôm nay. Muốn dứt dòng sanh tử, Phật dạy trị ngay chỗ tăm tối đó, tức là không chấp nhận vô minh. Hòa thượng Trúc Lâm nói, mặc kệ trong nhà có một trăm, hai trăm người khách, ông chủ ngồi sờ sờ đó là được. Khách đến rồi đi, chỉ ông chủ còn lại. Chúng ta biết rõ sự cố đầu tiên là từ tăm tối vô minh, dẫn tới có con người thế này. Bây giờ nhắm ngay vô minh đó mà khẻ. Thánh nhân một ngày khẻ chừng một ký vô minh, mình không phải bậc thánh thì khẻ vài trăm gram cũng được. Tu hành càng ngày phải càng sáng, chứ đâu thể càng ngày càng vô minh. Càng ngày phải đi lên, càng ngày càng thanh tịnh, càng tốt đẹp.

Sống trong đạo tràng, thầy trò huynh đệ tu hành thanh tịnh thì nhân duyên chuyển, cơ sở sẽ trang nghiêm. Nếu thầy trò huynh đệ tu hành u trệ, càng ngày càng tối thì đạo tràng suy sụp, chỉ một cơn gió nhẹ thôi cũng đủ sập. Chỗ này huynh đệ phải cẩn thận. Một cơn gió nhẹ là gì? Nếu trong lòng cứ nuôi dưỡng phiền não tăm tối thì một câu nói của huynh đệ cũng đủ để mình bỏ hết nhân duyên tu học tốt đẹp. Cái bốc này tai hại ghê gớm lắm. Nó bốc một lần rồi thì có vết, về sau bốc hoài dù không có chuyện gì đáng.

Hòa thượng dạy phải làm chủ các dấy niệm. Dù một dấy niệm thôi mà không làm chủ được, nó sẽ dẫn mình đi. Như căn nhà đã xiêu vẹo, chỉ một cơn gió nhẹ là nó sập. Cũng vậy, tâm ta chứa đầy phiền não, chỉ đợi một chút duyên bất như ý thôi là nó vỡ tung. Phiền não không là gì nhưng nó có sức mạnh. Người sống quá đà dễ sanh phiền não. Ngủ nhiều một chút cũng không yên, ăn nhiều một chút cũng không tốt, đi nhiều một chút cũng mệt mỏi. Quá đà đó. Huynh đệ khỏi cần tìm cái bất an bất ổn từ đâu, mà ngay trong những cái quá đà thấy rõ. Nó là gốc của bất an, bất ổn. Cho nên Phật dạy phải điều hòa, mọi thứ vừa thôi, quá thì không được.

Chúng ta không thể ngồi đó mơ về hạnh phúc, về một cảnh giới Niết-bàn trang nghiêm tráng lệ, trong đó có đèn trắng đèn màu. Ngay hiện tại, cố gắng vui vẻ trong mọi sinh hoạt. Cố gắng thế nào? Thí dụ thấy điều gì bất như ý, trước kia mình sẽ sấn tới, bây giờ cố gắng chậm một chút, dừng, thắng lại.

Những năm đầu lên núi, chúng tôi đầy ắp phiền não. Tại sao? Vì trong đầu mộng mơ chuyện phố thị, ngao du… đủ thứ. Lên núi mà nói còn đeo mang chuyện trần gian thì nghe không được, mà thiệt tình là buông chưa xong. Nó là trá hình của phiền não, gốc gác của bất an bất ổn, mình không biết nên cứ nuôi dưỡng. Do vậy Hòa thượng biểu phải buông, buông không được cũng phải buông.

Như ngài Quy Sơn hỏi sư tử nghỉ ở chỗ nào, thiền sư Vân Nham trả lời “Nghỉ! Nghỉ!” tức là buông hết. Buông như vậy thì lòng mới yên. Còn có cái gì trong đó thì bữa nay nó không khua, ngày mai cũng động thôi.

Sư hỏi vị tăng:

- Ở đâu đến?

Tăng thưa:

- Thêm hương rồi đến.

- Thấy Phật chăng?

- Thấy.

- Thấy ở đâu?

- Thấy ở hạ giới.

- Phật xưa! Phật xưa!

Những gì mình thấy, biểu hiện ra ngoài là đã qua rồi. Những thứ ấp ủ trong lòng lâu ngày sẽ thành bệnh. Một chút phiền não thảy ra, một chút không như ý thảy ra. Người già thảy cũng được, người trẻ thảy cũng được, ai thảy cũng được. Chỉ người không thảy, ủ lại nhiều lớp thì bệnh tật, càng sống lâu càng bệnh tật. Kinh Thập thiện nói chúng sanh do nghiệp dẫn, sanh ra trong các loài. Người tạo nhân tốt thì sanh ra trong các loài tốt, người tạo nhân không tốt thì sanh ra trong các loài không tốt. Như thân rắn, ai thấy cũng sợ. Từ nghiệp nhân thế nào, sinh ra có cái thân ai thấy cũng sợ run. Vì nó độc quá. Họ sợ nhưng họ muốn giết, chứ không phải sợ kính.

Chúng ta được phúc duyên sanh vào thân người, biết Phật pháp tu hành. Đó là quả báo rất tốt. Cho nên phải cố gắng tu hành.

Đạo Ngô hỏi:

- Đại Bi ngàn tay mắt, mắt nào là mắt chánh?

Sư bảo:

- Như người ban đêm vói tay lại sau mò chiếc gối.

- Tôi hội rồi.

- Hội thế nào?

- Khắp thân là tay mắt.

- Nói tột cùng lời nói, chỉ nói được tám phần.

- Sư huynh thế nào?

- Khắp thân là tay mắt.

Như ta ngủ, giữa đêm rớt gối xuống đất, thò tay lấy lên, vậy thì con mắt nào thấy để lấy? Ngài Đạo Ngô nói khắp thân là tai mắt. Ngài Vân Nham bảo: Nói tột cùng lời nói, chỉ nói được tám phần. Nói khắp thân rồi mà ngài bảo chỉ nói được tám phần.

Mỗi người chúng ta đều có cái đặc biệt này. Mong rằng mình hằng sống với nó để lúc nào cũng sáng suốt. Sáng suốt để làm gì? Để không còn lầm, không chạy theo, không bị vọng tưởng dẫn, chứ không làm gì hết. Từ lâu chúng sanh luân hồi sanh tử là do không nhận ra sự trói buộc của trần cảnh. Cứ mê lầm tạo nhân để rơi vào nghiệp tập trôi lăn. Bây giờ chúng ta tỉnh sáng, đừng để một chút niệm nào dẫn mình vào trong vòng lưu đãng đó nữa.

Sự thực, nếu hỏi ai trói buộc mình, ai làm cho mình luân hồi sanh tử? Câu trả lời duy nhất là mình chứ ai! Tại sao mình lại tự hại mình như vậy? Do không làm chủ được, khởi tham sân si kết hợp với thân miệng ý tạo nghiệp. Bây giờ tu là trị ngay gốc đó. Trong mọi thời mọi lúc, đối với tất cả cảnh duyên, âm thầm làm chủ. Làm chủ cái miệng, cái thân, cái ý của mình, chứ không phải của ai. Việc này không dễ đâu. Tại sao? Chúng ta có thói quen dạy người mà không có thói quen dạy mình. Cho nên phải gắng tỉnh.

Sư ngồi bện giày cỏ, Động Sơn Lương Giới đến trước thưa:

- Xin Thầy tròng mắt được chăng?

Sư bảo:

- Ngươi đi với ai?

- Lương Giới không.

- Giả sử có, ngươi nhằm để chỗ nào?

Lương Giới không đáp được.

Sư bảo:

- Xin tròng mắt là mắt chăng?

- Chẳng phải mắt.

Sư nạt đuổi ra.

Động Sơn Lương Giới là đệ tử. Chỗ này ngài Động Sơn chưa triệt nên bị nạt đuổi ra. Động Sơn xin tròng mắt nghe cũng dữ dằn, dám lên công án thượng thừa. Ngài nói nếu ta cho ngươi tròng mắt, ngươi để chỗ nào. Thực sự mà nói mình cũng không biết để chỗ nào. Cho nên Động Sơn bị thầy nạt đuổi ra. Nêu vấn đề thì lớn nhưng cách giải quyết chưa ổn. Đành phải lui.

Tăng hỏi:

- Khi một niệm chợt khởi liền rơi vào ma giới, là thế nào?

Sư bảo:

- Ngươi nhân đâu từ Phật giới đến?

Tăng không đáp được.

Biết được một niệm khởi lên mà không làm chủ liền rơi vào ma giới, là cũng khá lắm. Có người không biết, nhào theo ôm niệm đó thành của mình, là mình luôn.

Ngươi nhân đâu từ Phật giới đến? Người biết như vậy có thể từ Phật giới đến. Bởi chỉ người nào sống được với tánh giác, làm chủ được mình mới biết như thế. Nghe nói vậy mà tăng không đáp được là chưa đến chỗ đó.

Sư hỏi:

- Hội chăng?

- Chẳng hội.

- Chớ bảo hội chẳng được, giả sử hội được cũng chỉ là bên trái bên phải.

Nếu tắc này ông ngộ được cũng chỉ là việc vay mượn bên ngoài, không có gì sâu sắc. Thiền sư nói của báu trong nhà mới thiệt, còn vật từ bên ngoài đem đến không phải thiệt. Cho nên ở đây ngài khẳng định: Chớ bảo hội chẳng được, giả sử hội được cũng chỉ là việc bên phải bên trái.

Đời Đường niên hiệu Hội Xương năm đầu (841 TL), tháng 10 ngày 26, Sư có chút ít bệnh, tắm gội xong, kêu Chủ sự bảo: “Sắm sửa trai, ngày mai có Thượng tọa đi.” Đến tối đêm 27, Sư quy tịch, thọ 60 tuổi. Trà-tỳ được xá-lợi rất nhiều.

Chúng ta học ngài Vân Nham Đàm Thạnh thấy nhân duyên và cách thức dạy dỗ của ngài đối với đệ tử trong pháp hội rất bình thường. Tuy nhiên ngài bắt đầu cho những vị kế thừa, mở ra các tông phong lớn. Động Sơn Lương Giới là đệ tử đắc pháp của ngài. Động Sơn có một vị đệ tử là Tào Sơn Bổn Tịch, hai thầy trò nhà này lập ra tông Tào Động. Trong nhà thiền có năm tông bảy phái. Năm tông gồm: Tào Động, Lâm Tế, Vân Môn, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng. Hai phái là: Dương Kỳ Phương Hội, Hoàng Long Huệ Nam là hai chi của tông Lâm Tế sau này.

Ngày xưa ở Chân Không, Hòa thượng không nói nhiều khi giảng sử chư vị thiền sư. Tới lúc xuống Thường Chiếu, ngài giảng nhiều hơn vì sợ người sau hồ nghi, không dám tu thiền. Hồi xưa trên núi, thầy vừa soạn dịch vừa giảng dạy cho tăng ni tứ chúng, nên không có thì giờ. Ngài không nói nhiều, chỉ đặt vấn đề là phải tu rồi mỗi người nhận ra. Hôm nay chúng ta nói nhiều quá e rằng sai tôn chỉ. Tôi sẽ dừng lại nếu nhận thấy chỗ nào mình đi quá đà. Hy vọng khi tôi không nói nữa thì huynh đệ đọc là nhận ra yếu chỉ của chư vị thiền tổ, thiền sư.

Mong rằng chúng ta có đủ nhân duyên học hết các bậc tổ sư, tuy sự hiểu biết và kinh nghiệm tu hành của tôi sơ sài thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng việc học lại thiền sử sẽ giúp cho chúng ta vui nhận ra được một vài cơ duyên không bí mật lắm. Từ đó chư huynh đệ có chỗ vào. Còn những cơ duyên bí mật, lắt léo thì không thể nói ra, mỗi người tự nghiệm.

Sau này huynh đệ có thể đọc chữ Hán, đào xới trong các bộ lục sẽ đọc được nhiều vị thiền sư qua năm tông bảy phái. Mỗi một tông có rất nhiều vị, ở đây chúng ta chỉ học một hai vị thôi, đâu đã thấm vào đâu. Mong huynh đệ đi được vào chiều sâu, để việc tu thiền có kết quả tốt hơn.

[ Quay lại ]