headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Vô Học

tsvohocThiền sư Vô Học - (Thúy Vi)

Sư đến hỏi Đơn Hà:

- Thế nào là thấy chư Phật?

Đơn Hà quở:

- Thật tự đáng thương, cần thiết cầm khăn lau làm gì?

Sư lùi ba bước.

Đơn Hà bảo:

- Lầm!

Sư tiến tới ba bước.

 Đơn Hà bảo:

- Lầm! Lầm!

Sư giở một chân, xoay thân một vòng, đi ra.

Đơn Hà bảo:

- Được tức được, cô phụ chư Phật khác.

Sư do đây lãnh ngộ ý chỉ, về trụ Thúy Vi tại Chung Nam sơn.

Núi Thúy Vi ở vùng Chung Nam sơn là bản sơn của luật tông. Chữ Thúy là thâm thúy, chữ Vi là vi diệu, cho nên Thúy Vi là chỗ thâm diệu sâu nhiệm bên trong.

Sư đến tham vấn Đơn Hà hỏi: Thế nào là thấy chư Phật? Đơn Hà quở: Thật đáng thương, cần thiết cầm khăn lau làm gì? Thấy chư Phật là thấy cái gì? Nếu thấy được thì Phật đó ở bên ngoài. Cho nên bị quở: Thật đáng thương, cần thiết cầm khăn lau làm gì? Nghĩa là ông chạy theo những thứ vụn vặt làm gì, đâu cần phải cầm cái khăn lau tìm Phật ở chùa nào, Phật thếp vàng hay Phật xi măng, đó là chuyện bên ngoài. Thật đáng thương.

Sư lùi ba bước, Đơn Hà bảo lầm; tiến tới ba bước, Đơn Hà bảo lầm lầm. Lùi cũng lầm, tiến cũng lầm. Nếu còn chạy ra ngoài, chưa nhận được chỗ đó thì tới lui gì cũng lầm. Sư giở một chân xoay thân một vòng đi ra, đây là cách thoát thân. Đơn Hà bảo: Được tức được, cô phụ chư Phật khác. Được thì được, nhưng là cách riêng của ông. Sư nhân đây lãnh hội ý chỉ, về trụ Thúy Vi tại Chung Nam Sơn.

Thiền sư Đại Đồng đến hỏi Sư:

- Không biết Nhị tổ mới thấy tổ Đạt-ma có sở đắc gì?

Sư bảo:

- Nay ngươi thấy ta lại có sở đắc gì?

Đại Đồng đốn ngộ huyền chỉ.

Một câu hỏi thôi mà đệ tử đốn ngộ huyền chỉ, nhờ cách dẫn giải của thầy thật sống động. Nếu là chúng ta, mình sẽ kể lại chuyện Nhị tổ đến cầu tổ Đạt-ma chỉ dạy pháp môn an tâm. Nào là Sơ tổ ngồi nhìn vách chín năm, nào là Nhị tổ đứng ngoài tuyết suốt đêm… toàn những chuyện phi thường. Tuy nhiên tới chỗ sâu kín, sở đắc làm sao nói ra? Hai con người phi thường gặp nhau, mình làm sao giảng giải theo kiểu tầm thường được đây.

Có chăng thì cũng nhắm lại chuyện cũ. Nhị tổ thưa “Bạch Thầy, tâm con không an, xin thầy ban pháp an tâm.” Sơ tổ bảo “đem tâm ra đây, ta an cho.” Nghe vậy, đệ tử rụng rời hết. Tại sao? Cái tâm đó là gì, hình tướng thế nào mà đem ra. Cho nên Nhị tổ thưa “con không cách gì đem nó ra được”, thầy bảo “ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Tại sao? Tìm không được thì biết nó không thiệt. Cái không đầu đuôi, làm sao nắm cổ đem ra. Nghe được câu nói này, Nhị tổ bừng tỉnh. Từ đây dõng dạc đứng lên, không uổng công một tráng sĩ chặt tay ở Tung Sơn thuở nào, lừng danh muôn thuở. Nhờ con người đó nên hôm nay chúng ta mới có Phật pháp để tu học. Chúng ta tha hồ kể, nhưng nhận được chỗ đó hay không lại là một việc.

Ở đây, thiền sư Đại Đồng hỏi chỗ sở đắc của Nhị tổ khi gặp Tổ sư Đạt-ma, Sư bảo “nay ngươi thấy ta có sở đắc gì?” Nói ngay chỗ thực tại hiện tiền, không lội ngược về quá khứ làm gì. Nhân đây, Đại Đồng ngộ được huyền chỉ.

Một hôm, Sư đi trong pháp đường, Đại Đồng tiến đến trước lễ, thưa:

- Mật chỉ từ Ấn Độ qua, Hòa thượng dạy người thế nào?

Sư dừng bước một chút.

Đại Đồng lại thưa:

- Xin Thầy chỉ dạy.

Sư bảo:

- Lại cần cái bầu nước nhỏ thứ hai sao?

Đại Đồng lễ tạ lui ra.Sư bảo:

- Chớ lấp gốc.

Đại Đồng thưa:

- Thời tiết đến, gốc mầm tự sanh.

Một lần khác, Sư đi trong pháp đường, Đại Đồng tiến đến trước lễ, thưa: Mật chỉ từ Ấn Độ qua, Hòa thượng dạy người thế nào? Câu này giống câu “thế nào là ý chỉ Phật pháp từ Ấn Độ sang?”, tất cả chư vị thiền tử thường hay hỏi khi đi tham vấn các bậc thiện tri thức.

Sư dừng bước một chút, Đại Đồng lại thưa “xin thầy chỉ dạy”, Sư bảo “lại cần cái bầu nước nhỏ thứ hai sao?” Như vậy cái trước là gì? Là cái không lời đó, Đại Đồng không nhận mà hỏi nữa, là bầu nước nhỏ thứ hai. Hòa thượng Trúc Lâm nói sống được với tâm sáng suốt, không bị giới hạn gì hết nên trùm khắp. Thầy trò chỉ cho nhau là chỉ tâm sáng suốt trùm khắp. Ngoài nó ra, tất cả đều là cái thứ hai. Như thầy chỉ biển Thái Bình Dương, mình không nhận được thì thầy chỉ sông Đồng Nai. Đây là dòng nước nhỏ của biển cả mà thôi.

Tóm lại, chúng ta còn chạy theo hình thức lớn nhỏ thì còn nằm trong giới hạn, không bao giờ trùm khắp được. Chỉ cái gì không có hình thức, vượt ngoài giới hạn mới bao la trùm khắp. Như nhìn vào hư không, ta thấy có hình thức gì đâu. Nó ở ngoài trời thì thênh thang, ở trong nhà thì đầy đặn, vừa vặn, tự tại trùm khắp. Ở bất cứ khung nào nó cũng như vậy, thông suốt, không ngăn ngại. Hãy sống như hư không, mới tự tại giải thoát.

Đại Đồng lễ tạ lui ra, tức là nhờ thầy chỉ nên biết được cái nào của mình, cái nào hạn hẹp trong khung hình thức. Sư bảo “Chớ lấp gốc”, Đại Đồng thưa “thời tiết đến gốc mầm tự sanh.” Chớ lấp gốc là sao? Là không bỏ căn bản. Chung quy cũng không ngoài chỉ cho tâm thể của chúng ta. Kinh Viên Giác dùng ngón tay chỉ mặt trăng, người nhận ra mặt trăng thật thì từ ngón tay mà nhìn lên kia, chớ cho ngón tay là mặt trăng. Như vậy chẳng những không thấy mặt trăng, mà cũng làm hư ngón tay. Người khéo nhận thì vào được.

Nói tâm thể rỗng suốt là nói tâm không vướng mắc. Nhưng phải nhận ra tâm đó, chứ không phải ngồi tụng “Nam-mô tâm thể rỗng rang sáng suốt”. Chỉ tại mình lăng xăng quá nên Hòa thượng dạy phải tụng “tâm kinh trí tuệ cứu cánh rộng lớn…” Tụng hoài mà không nhận được tâm kinh trí tuệ gì hết. Cho nên ở đây thiền sư Thúy Vi dạy chớ mất gốc. Tụng để nhận, nhận để sống.

Ngài Đại Đồng đã xong việc nên thưa với thầy “thời tiết đến, gốc mầm tự sanh”. Người ngộ đạo sống bình thường, thời tiết nhân duyên đến, tùy duyên làm các việc nhưng vẫn an nhiên tự tại.

Nhân Sư cúng dường La-hán, có vị tăng hỏi:

- Đơn Hà thiêu tượng Phật gỗ, Hòa thượng vì sao cúng dường La-hán?

Sư bảo:

- Thiêu cũng chẳng thiêu đến, cúng dường cũng một bề cúng dường.

Tăng lại hỏi:

- Cúng dường La-hán có đến chăng?

Sư bảo:

- Ngươi mỗi ngày có ăn cơm chăng?

Tăng không đáp được.

Sư bảo:

- Có chút lanh lợi.

Thiêu cũng chẳng thiêu đến, cúng dường cũng một bề cúng dường. Thiêu thì cứ thiêu, không làm sao cháy được ông Phật thật. Cúng dường thì cứ cúng dường, nhân duyên như vậy, tấm lòng như vậy, không có gì trở ngại sự vận hành của các pháp, của nhân quả. Người không lầm nhân quả, cúng dường rất tốt.

Tăng lại hỏi: Cúng dường La-hán có đến chăng?

Ngài bảo: Ông mỗi ngày có ăn cơm chăng?

Tăng không đáp được. Tuy không đáp được nhưng ngài khen có chút lanh lợi, hỏi chỗ đáng hỏi.

Chúng ta học thiền, phải khéo từ phương tiện mà nhận ra yếu chỉ, từ đó sống trở về với tâm thể của chính mình. Tất cả những biểu hiện chung quanh đều là thời tiết nhân duyên để mình nhận ra yếu chỉ thiền. Cứ ngồi đó mà tìm, mà chờ đợi, trông mong một lời huyền diệu của thầy tổ ban cho, không bao giờ được. Phải làm sao? Nó là như vậy, ngay đó mà nhận. Khi thời tiết nhân duyên đến, tự nhiên như thế.

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn là một vị thông minh lỗi lạc nơi pháp hội ngài Quy Sơn. Thực ra ngài không phải học trò của Quy Sơn mà cùng thầy với Quy Sơn. Khi tổ Bá Trượng viên tịch, các thiền tử nơi đó đều tập trung về pháp hội Quy Sơn. Vì thời này tổ Quy Sơn có công đức và thân thế lớn lắm. Pháp hội của ngài có đến vài nghìn người tập trung tu học. Một Hòa thượng ngồi đó, mấy nghìn người đến hỏi đạo mà vẫn có thể tiếp độ đầy đủ thì sức khỏe và đạo lực không phải thường.

Ngài Hương Nghiêm bị tổ Quy Sơn hỏi một câu “dẹp hết môi lưỡi, thử nói một câu trước khi cha mẹ sanh”. Ngài lục lọi hết sách vở từ đầu đến cuối, không tìm được câu nào để trả lời. Cuối cùng ngài Hương nghiêm đảnh lễ thầy, xin từ bi nói phá. Ngài Quy Sơn bảo, ta nói cho ông thì dễ rồi, nhưng sau này ông sẽ mắng ta. Vì vậy không nói. Ngài buồn quá dẹp hết sách vở, về lại nền thất cũ của Quốc sư Huệ Trung, cất một am nhỏ sống tu, làm tăng cơm cháo qua ngày, khỏi học đạo gì nữa.

Đến một buổi sáng ngài làm cỏ, nhân lượm miếng miểng thải vô bụi trúc vang lên một tiếng, nghe âm thanh đó ngài triệt ngộ, nhận ra câu trả lời trước khi cha mẹ sanh. Bấy giờ ngài liền hướng về tổ Quy Sơn đảnh lễ trình: “Nếu trước thầy nói cho con, thì con không có ngày hôm nay.”

Điều này cho chúng ta thấy khi nhân duyên thời tiết đến thì ngộ. Có vị thấy cây tùng cây bách ngộ đạo, nghe tiếng gió khua trên cành trúc ngộ đạo, nhìn trăng lên ngộ đạo, nghe hai vị tri khố nói chuyện với nhau về thức ăn cũng ngộ đạo. Nhân duyên đặc biệt lắm, chúng ta không thể nào đoán định, cũng không thể ngồi chờ, chỉ tu thôi. Ai chờ là có ngày phải đi bệnh viện Biên Hòa.

Không chờ đợi, không ỷ lại, không trông mong, hãy tin chắc vào khả năng của mình mà tiến tu. Nhớ như vậy.
 

[ Quay lại ]