headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đại An

tsdaianThiền sư Đại An

(? - 883)

Sư họ Trần, quê ở Phước Châu, xuất gia lúc còn bé, ở núi Hoàng Bá chuyên học kinh luật. Sư thường tự nghĩ: “Ta tuy cố gắng nhọc nhằn mà chưa nghe được lý huyền cực”. Do đó, Sư bèn một mình du phương, định sang Hồng Châu, đi Thượng Nguyên gặp một ông già bảo Sư: “Thầy nên đến Nam Xương sẽ có sở đắc”. Sư liền đi đến ra mắt Bá Trượng.

Ngài Đại An quê ở Phước Châu, xuất gia lúc còn bé ở núi Hoàng Bá. Sư chuyên học kinh luật và thường tự nghĩ mình chưa nghe được lý huyền cực. Lý huyền cực là gì? Là chỗ tột cùng của đạo. Do nghĩ như vậy nên Ngài muốn đi du phương sang Hồng Châu. Trên đường đi, tới Thượng Nguyên gặp một ông già bảo: Thầy nên đi xuống Nam Xương thì sẽ có sở đắc. Theo sự điềm chỉ của vị trưởng lão này, Ngài đi về Nam Xương, ra mắt thiền sư Bá Trượng.

Lễ bái xong, Sư thưa:

- Con muốn cầu biết Phật, thế nào là phải?

Bá Trượng bảo:

- Thật là người cỡi trâu tìm trâu.

- Sau khi biết thì thế nào?

- Như người cỡi trâu về đến nhà.

- Chẳng biết trước sau gìn giữ thế nào?

- Như người chăn trâu cầm roi dòm chừng không cho nó ăn lúa mạ của người.

Sư nhân đây lãnh hội ý chỉ, chẳng đi tìm đâu nữa.

Ngài Đại An gặp thầy thưa: Con muốn cầu biết Phật, thế nào là Phật, thế nào là phải? Câu hỏi này có ý nghĩa lắm. Tổ Bá Trượng bảo: Thật là người cỡi trâu tìm trâu. Ông đã có tâm Phật, sao lại đi tìm Phật, giống như người cỡi trâu tìm trâu.

Ngài Đại An hỏi: Sau khi biết thì thế nào? Tức là sau khi con nhận ra được viên ngọc rồi, làm sao bảo nhiệm? Đây là câu hỏi hầu hết các vị đi hành cước, sau khi nhận được yếu chỉ đều hỏi. Tổ Bá Trượng nói: Như người cỡi trâu về đến nhà. Câu này phải tu học mới nhận được thấu đáo, không phải nghe là xong. Như chư huynh đệ cả trăm vị ở đây đều biết chúng ta có Phật tánh, nhưng đâu là rồi. Đêm nào cũng ngồi thiền, ngày nào cũng cúng cơm, như thế đến trọn đời không biết xong chưa. Chỗ này phải có công phu tu hành.

Chẳng biết trước sau gìn giữ thế nào? - Như người chăn trâu cầm roi dòm chừng không cho nó ăn lúa mạ của người. Bây giờ đã nhận ra rồi, con phải gìn giữ như thế nào? Thầy dạy như người chăn trâu, cầm roi dòm chừng không cho nó ăn lúa mạ của người. Chúng ta dòm chừng cái gì? Hòa thượng Trúc Lâm dạy không chạy theo vọng tưởng, không chấp nhận vọng tưởng, không để vọng tưởng kéo lôi, vọng tưởng không đủ sức kéo lôi mình. Như thế là dòm chừng, là chăn con trâu.

Sư nhân đây lãnh hội ý chỉ, chẳng đi tìm đâu nữa.

Nhân thiền sư Linh Hựu khai sáng tại Quy Sơn, Sư đích thân đến đó phụ tá. Đến khi Linh Hựu tịch, đại chúng thỉnh Sư tiếp nối trụ trì.

Ngài Quy Sơn là tổ khai sơn núi Quy, có rất nhiều đệ tử đạt đạo, sau này lập nên tông Quy Ngưỡng, rất có uy thế trong nhà thiền. Quy Ngưỡng là tên của hai thầy trò ghép lại. Quy Sơn Linh Hựu và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngài Quy Sơn giáo hóa tại núi Quy, ngài Đại An tình nguyện đến phụ tá. Khi thiền sư Quy Sơn viên tịch, đại chúng thỉnh ngài Đại An tiếp nối trụ trì nơi đây.

Chỗ này chúng ta phải học gương hạnh của thiền sư Đại An. Khi đối diện với những người chưa thông cảm với mình từ quan điểm cho đến phong tục tập quán, ngôn ngữ, nếp sống… chúng ta phải biết làm sao để chia sẻ, trao đổi, dìu dẫn họ trên con đường tu tập. Muốn thế phải có trí tuệ. Trau dồi trí tuệ cộng với nhân duyên pháp hóa của mình nữa. Một người không thể hoàn bị, cho nên khi làm Phật sự cần hợp tác với huynh đệ, hoặc nương tựa những bậc thầy của mình, cùng học cùng tu giữa mình và mọi người.

Ngài Đại An không nghĩ cất thiền viện riêng, mà làm phụ tá cho sư huynh của mình. Tới ngày sư huynh viên tịch, mọi người quí trọng thỉnh ngài kế vị. Ngài tiếp nối sự nghiệp của tổ Quy Sơn trong tinh thần vô sở cầu, vô sở trước cho nên đạt được thành công lớn, giai đoạn của ngài đạo tràng phát triển còn đông đảo hơn trước nữa.

Người xưa luôn nhắc nhở kẻ học đạo cần phải có ý chí, sự tu tập, sau đó hoằng hóa lợi ích chúng sanh. Đức Phật cũng đã từng khuyến khích chư vị đại đệ tử sau khi chứng Thánh: Các ngươi hãy lên đường, vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Trong nhân duyên tu học, chúng ta luôn được các bậc thầy khuyến hóa, cố gắng tu tập và giúp đỡ mọi người cùng tu. Ở đây ta không dám nói thành đạo hay sáng việc sanh tử, nhưng không thể lơ là với bổn phận “Kế vãng khai lai” lợi lạc quần sanh của người con Phật. Kế vãng khai lai tức là kế thừa các bậc tôn đức, mở ra con đường cho người sau, làm lợi ích tất cả chúng sanh.

Sư thượng đường bảo chúng:

- Cả thảy các ngươi đến Đại An này tìm cầu cái gì? Nếu muốn làm Phật, các ngươi tự là Phật. Sao lại gánh Phật sang nhà bên cạnh tìm, luống tự nhọc nhằn? Ví như con nai khát nước mà chạy theo ánh nắng (ánh nắng giống như nước, con nai lầm tưởng là nước cắm đầu chạy tìm), biết bao giờ được khế hợp.

Các ngươi muốn làm Phật, chỉ cần không có những tâm: điên đảo, vin theo, vọng tưởng, nghĩ ác, cấu đục, chẳng sạch của chúng sanh, tức các ngươi là Phật chánh giác mới phát tâm, lại đến chỗ riêng nào luận bàn. Sở dĩ, Đại An này ở tại núi Quy ba mươi năm, ăn cơm núi Quy, đại tiện núi Quy, mà không học thiền núi Quy, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ, liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi.

Cả thảy các ngươi, mỗi người có hòn ngọc lớn vô giá, từ cửa con mắt phóng quang soi sáng núi sông cây cỏ, từ cửa lỗ tai phóng quang nhận lãnh phân biệt tất cả âm thanh lành dữ, sáu cửa ngày đêm thường phóng quang sáng, cũng gọi là phóng quang tam-muội. Các ngươi tự chẳng biết, lại nhận bóng trong thân tứ đại. Nó là vật do trong ngoài giúp đỡ không dám chinh nghiêng, như người gánh nặng đi qua cây cầu khỉ, không dám để sẩy chân. Hãy nói vật gì có thể gìn giữ được? Như thế, không có một mảnh tơ, một sợi tóc có thể thấy. Đâu chẳng nghe Hòa thượng Chí Công nói: “Trong ngoài tìm kiếm trọn không ra. Trên cảnh thi vi gồm tất cả.”

Trân trọng!

Cả thảy các ngươi đến Đại An này tìm cầu cái gì? Nếu muốn làm Phật, các ngươi tự là Phật. Sao lại gánh Phật sang nhà bên cạnh tìm, luống tự nhọc nhằn? Ngài nhắc nhở chúng ta, mỗi người đều có chất Phật, đừng bôn ba nữa. Càng bôn ba là càng chạy loạn, ôm vọng tưởng đi tìm Phật, bao giờ mới gặp?

Ví như con nai khát nước mà chạy theo ánh nắng biết bao giờ được khế hợp. Con nai khát nước thấy sóng nắng lấp lánh đằng trước, nó tưởng là nước, cắm đầu chạy tới. Càng chạy càng không gặp nước, cuối cùng gục bỏ xác trong cơn khát. Ý này rất hay. Cũng vậy, chúng ta biết mình có Phật tâm, mà không chịu yên, cứ lao ra ngoài tìm. Càng tìm càng ôm thêm các pháp bên ngoài, cuối cùng mình gục như con nai mà vẫn không có miếng nước nào.

Các ngươi muốn làm Phật, chỉ cần không có những tâm: điên đảo, vin theo, vọng tưởng, nghĩ ác, cấu đục, chẳng sạch của chúng sanh. Các thứ này khỏi phải giải thích, chuyện vin theo vọng tưởng điên đảo, cấu nhiễm của chúng sanh, chúng ta có thừa kinh nghiệm. Bây giờ chỉ buông bỏ được nó là thành Phật ngay tức thì. Việc này không ai thế ai được. Mỗi người tự thừa đương.

Các ngươi là Phật chánh giác mới phát tâm. Chúng ta đừng ôm đồm chạy theo những thứ đó, thì chính là Phật chánh giác nhưng mới là Phật tâm thôi, chưa phải Phật quả. Phải nhiều năm tháng dày dặn công phu mới thành tựu Phật quả.

Lại đến chỗ riêng nào luận bàn. Sở dĩ, Đại An này ở tại núi Quy ba mươi năm, ăn cơm núi Quy, đại tiện núi Quy, mà không học thiền núi Quy, chỉ coi chừng con trâu. Ngài nói không học thiền chỉ coi chừng con trâu. Nếu không làm chủ được, bị vọng tưởng dẫn thì phải mãnh tỉnh quay lại, không để vọng tưởng kéo lôi, chớ lầm chạy theo nó. Đó là cách chăn trâu.

Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ, liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Lạc đường lôi lại thì nhẹ. Ăn lúa mạ người thì phải đánh đập điều phục, tức cứng rắn mạnh mẽ hơn. Khi đang ngồi nghĩ vớ vẩn thì sao? Nhắc đừng chạy theo vọng tưởng. Nhưng nhắc hoài mà nó vẫn cứ gục gặc thì cho ăn hèo, tức là quở rầy mạnh mẽ, dứt khoát lên.

Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi. Với cách tu hành và sự quyết tâm hành trì công phu như vậy, không lâu con trâu của chúng ta sẽ trắng. Chừng đó nó đứng sờ sờ trước mặt, đuổi cũng không đi. Phải tin như vậy mới chăn trâu giỏi. Người quyết chí thì thời gian trong gang tấc, người yếu đuối lơi lỏng thì phải nuôi dưỡng ý chí. Tu hành không ngán ngại, đời này không xong đời sau tu tiếp.

Cả thảy các ngươi, mỗi người có hòn ngọc lớn vô giá, từ cửa con mắt phóng quang soi sáng núi sông cây cỏ, từ cửa lỗ tai phóng quang nhận lãnh phân biệt tất cả âm thanh lành dữ, sáu cửa ngày đêm thường phóng quang sáng, cũng gọi là phóng quang tam-muội. Mỗi người đều có hào quang phóng ra nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Phóng quang mà lao theo hào quang đó thì không bao giờ được phóng quang tam-muội. Phải nương ánh sáng đó soi lại, nhận ra bản tịnh minh thể của mình, người này mới nhập quang minh tam-muội. Được quang minh tam-muội rồi, mắt thấy sắc là sắc tam-muội, tai nghe tiếng là tiếng tam-muội, lưỡi nếm vị là vị tam-muội. Tam-muội là gì? Là chánh định. Vào được vị tam-muội là không bị ngọt, mặn, cay, đắng, ngon, dở dẫn đi.

Trong các giác quan, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm… nhưng ý mới là gian nan. Vì ý như khỉ vượn. Do vậy chư tổ dạy hãy cho con khỉ ý thức của mình chết đi hay ngủ đi, thì mới vào chánh định. Chúng ta luôn bị con khỉ ấy lừa đảo, cho nên phải tỉnh giác, canh chừng và phát hiện nó kịp thời. Hòa thượng Trúc Lâm nói khi các căn tiếp xúc với các trần, không để vọng tưởng kéo lôi, không chạy theo trần cảnh, quay lại nhận hòn ngọc sáng của mình, thường biết rõ ràng là chân tâm, ở đây nói tam-muội. Đó là khi con khỉ ý thức chết ngủm rồi.

Các ngươi tự chẳng biết, lại nhận bóng trong thân tứ đại. Nó là vật do trong ngoài giúp đỡ không dám chinh nghiêng, như người gánh nặng đi qua cây cầu khỉ, không dám để sẩy chân. Mọi thứ trong cuộc đời này đều vai mượn, do vậy không để cho nó chinh nghiêng, như người gánh nặng đi trên cây cầu khỉ. Ai ở miền sông nước mới biết cầu khỉ. Cầu khỉ chỉ là một cái cây bắt giữa hai bờ của con rạch hay con kênh nhỏ. Có chỗ người ta thêm một cây nữa ở tầm cao hơn làm tay vịnh. Đi cầu khỉ không quen rất dễ té. Trong văn chương người ta ca tụng nó, chớ đi cầu khỉ chẳng có lý thú gì hết, không khéo rớt ùm xuống sông. Nhưng nó có giá trị là người đi qua được cầu khỉ là người rất giỏi điều động bước chân và có tinh thần trầm tĩnh vững vàng.

Ở đây ngài dạy không để chinh nghiêng, không để sẩy chân, diễn tả rất hay rất đúng. Cho nên ai không quen, đi lên đó run một cái là rớt. Cứ bình thường, vừa đi vừa cười cũng được, nhưng phải nhiếp tâm, không cho chinh nghiêng, như vậy mới qua được cầu khỉ. Giá trị của nó là ở chỗ qua được, chớ không phải ở cái cây bắt giữa đôi bờ.

Giữa cuộc sống vô thường ngắn ngủi này, chúng ta phải khéo vận dụng trí tuệ dung hòa, đừng để bị chinh nghiêng, thì mới không sẩy chân té ngã trong cuộc đời. Người thiếu sự sáng suốt dễ bị té lắm. Sống tùy duyên mà bất biến là cách sống của nhà thiền. Chư huynh đệ nên nhớ như vậy.

Có vị tăng hỏi Sư:

- Tất cả thi vi là dụng của Pháp thân, thế nào là Pháp thân?

Sư đáp:

- Tất cả thi vi là dụng của Pháp thân.

- Lìa năm uẩn, thế nào là thân xưa nay?

- Đất nước gió lửa, thọ tưởng hành thức.

- Cái ấy là năm uẩn?

- Cái ấy là năm uẩn.

Ngài đáp bằng cách lặp lại câu hỏi. Đây là cách trả lời đặc biệt trong nhà thiền, đặc biệt là thiền sư Đại An. Nói thế để đốn gãy hết mọi suy nghĩ của người hỏi.

Tăng hỏi:

- Khi ấm này đã mất, ấm kia chưa sanh thì thế nào?

Sư bảo:

- Ấm này chưa mất, cái gì là Đại đức?

- Chẳng hội.

- Nếu hội ấm này liền rõ ấm kia.

Ngài không nói ấm này mất ấm kia sanh, chỉ hỏi ngay nơi thân ngũ uẩn này, cái gì là Đại đức. Tức là chỉ thẳng cái đó, không cho vọng tưởng lang mang. Tăng chẳng hội. Ngài nói nếu hội ấm này liền rõ ấm kia.

Hòa thượng Tuyết Phong nhân vào núi lượm được một nhánh cây hình giống con rắn, đề trên lưng một câu: “Vốn tự thiên nhiên chẳng nhờ bào gọt”, gởi tặng Sư.

Sư nhận, nói:

- Người bản sắc ở núi, vẫn không vết dao búa.

Người bản sắc là gì? Là người ở núi. Trong núi có những cây bị hạ xuống, nó rũ hết chỉ còn cái xương bên trong. Phần nhiều là các loại danh mộc. Ngài Tuyết Phong đi núi, lượm được một cây có hình dáng giống con rắn. Ngài đem về chùi rửa sạch sẽ rồi đề “vốn tự thiên nhiên chẳng nhờ bào gọt” gởi tặng cho ngài Đại An. Ngài Đại An nhận, phong cho nó là người bản sắc ở núi, vẫn không vết dao búa. Người này không sống bằng vọng tưởng, không bị pháp trần, vô thường, mài giũa đẽo gọt.

Có người hỏi Sư:

- Phật ở chỗ nào?

Sư đáp:

- Chẳng lìa tâm.

- Người trên hai ngọn có được cái gì?

- Pháp không có chỗ được, dù có chỗ được, được vốn không được.

Người trên hai ngọn có được cái gì? Câu hỏi này lạ quá. Tức là trong chỗ cheo leo ấy, được cái gì? Ngài đáp: Pháp không có chỗ được, dù có chỗ được, được vốn không được.
Sư giáo hóa ở thành Mân tỉnh Phước Kiến hơn hai mươi năm.

Đời Đường niên hiệu Trung Hòa năm thứ 3 (883 TL), ngày 22 tháng 10, Sư trở về chùa Hoàng Bá, có chút bệnh rồi tịch. Môn đồ xây tháp thờ Sư trên núi Lăng-già.

Vua ban hiệu là Viên Trí thiền sư, tháp hiệu Chứng Chơn.

Ngài Đại An là một vị thiền sư lớn dưới trướng của tông Quy Ngưỡng, là sư đệ của ngài Quy Sơn Linh Hựu. Ngài đã nối nắm được sự nghiệp của sư huynh để lại, thể hiện chân tinh thần tự do tự tại của một thiền sư ở núi, không gì có thể buộc ràng, xứng đáng cho chúng ta noi theo tu học.
 

[ Quay lại ]