headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 27/01/2025 - Ngày 28 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Tri Chơn

tstrichonThiền sư Trí Chơn
(782 - 865)

Sư họ Liễu, quê ở Dương Châu, xuất gia tại chùa Hoa Lâm ở bản châu. Đời Đường niên hiệu Nguyên Hòa năm đầu (806 TL), Sư đến Nhuận Châu thọ giới ở chùa Thiên Hương. Sư không thích học tập kinh luận, chỉ mộ tu Thiền.

Thiền sư Trí Chơn thời thơ ấu đã thể hiện rõ nét một con người có ý chí, có tâm ngưỡng mộ Phật pháp. Phước duyên đầy đủ, ngài xuất gia tại chùa Hoa Nam Dương Châu, thọ giới ở chùa Kim Hương Nhuận Châu, nhưng chỉ thích tu thiền, nên tìm đến thiền sư hỏi đạo.

 Sư tìm đến yết kiến thiền sư Hoài Uẩn Chương Kỉnh.

Hoài Uẩn hỏi:

- Ở đâu đến?

Sư thưa:

- Đến không chỗ đến, lại không chỗ lại.

Hoài Uẩn lặng thinh, Sư thầm khế hội.

Thiền sư thường nói, không từ đâu đến cũng không đi đâu, đó là chỗ như như, chỗ từ tâm thể của chúng ta. Ngài Trí Chơn vừa đến với thiền sư Hoài Uẩn là vị thầy đầu tiên, đã thể hiện đầy đủ tính chất độc đáo của thiền gia.

Vừa yết kiến, thầy hỏi ở đâu đến. Câu này rất giản dị, tuy nhiên nó là một cái bẫy. Thầy hỏi để dò biết trình độ học trò như thế nào? Ở đây ngài Trí Chơn thưa: Đến không chỗ đến, lại không chỗ lại. Vì đó là chỗ bất sanh bất diệt, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. Chỗ không thể nói, không phải hình thức đến đi sanh diệt. Ở đây từ đầu ngài Trí Chơn đã thể hiện đầy đủ cung cách thẳng tắt của thiền sư, chỉ thẳng chỗ đó nên thầy lặng thinh. Thể hiện điều gì? Ngươi nói như vậy, ta cũng sống như vậy. Xác nhận đệ tử thầm khế hội được yếu chỉ của thầy.

Niên hiệu Khai Thành năm đầu (836 TL), Sư sang Phước Châu đến ấp Trường Khê có Trần Lượng, Hoàng Du thỉnh Sư ở lại núi Quy giáo hóa.

Đây là nhân duyên ngài đến núi Quy ở Trường Khê, bắt đầu giai đoạn giáo hóa.

Một hôm, Sư dạy chúng:

- Nheo mày chớp mắt chẳng ngoài người này (người chân thật), một niệm tịnh tâm xưa nay là Phật.

Ngài thăng tòa nêu cao tông phong của Phật Tổ, làm nhiệm vụ của người hoằng pháp lợi sinh, cũng nói thẳng chỉ thẳng chỗ đó, chứ không nói quanh quẩn ở đâu hết. Nheo mày chớp mắt chẳng ngoài người này, tức là tất cả động dụng chi chi cũng không ngoài con người chân thật đó.

Một niệm tịnh tâm xưa nay là Phật. Câu nói này xuất phát từ cái gốc Mã đại sư xuống Bách Trượng Hoài Hải, các bậc thầy chỉ thẳng tâm tánh. Nói gì thì nói, tất cả sự kiện, hiện tượng không ngoài cái chân thật là từ tâm. Ngay nơi đây nếu chúng ta vào được, nhận ra và sống với tâm thể của mình, thì nhướng mày chớp mắt đều không ngoài tâm. Trở về con đường xưa, là con đường chân thật dành cho người chân thật bất sanh bất diệt. Nếu chúng ta sống được với con người đó thì tự tại giải thoát.

Chỗ chân thật vô cùng giản dị, nếu tâm chúng ta cũng giản dị như thế thì đã vào được rồi, nhưng vì mình quá nhiều ảo tưởng, quá đa sự nên không vào được. Khi đến với thầy ta cũng dàn bày trước một sân khấu, chuẩn bị nếu thầy hỏi thế này thì trả lời thế nào. Cho nên thầy trò gặp nhau ngỡ ngàng, vì vọng tưởng đâu có đúng. Hỏi một đường đáp một nẻo, chẳng đâu vào đâu.

Chúng ta bây giờ bị nhiều lớp vọng tưởng quá, những ảo giác mênh mang phủ lên dày đặc, cho nên cái chân thật không nhú đầu lên nổi. Thật ra ai cũng có tâm ấy đầy đủ, không thiếu thốn gì cả. Nếu ta đến với thầy, lưu lại năm mười ngày, thỉnh thoảng sẽ thấy nó lóe lên qua những câu hỏi hoặc cử chỉ của thầy. Huynh đệ nếu đủ duyên gần Hòa thượng Trúc Lâm sẽ thấy điều này. Có khi ngài nằm hoặc ngồi, các vị thị giả lúc nào cũng vây quanh, người đứng trước, kẻ đứng sau xem Hòa thượng cần gì thì làm ngay. Từ những suy nghĩ rồi phân biệt, thấy Hòa thượng nhướng mắt gật đầu cho là chịu, ngài hơi nhíu mày cho là không chịu. Ngang đó đâu phải yên, Hòa thượng vui mình cũng vui, Hòa thượng không vui mình cũng không vui.

Chúng ta luôn lăng xăng như những đợt sóng trên mặt biển. Hòa thượng dạy mình phải buông bỏ, chúng ta cố gắng làm theo, nhưng đâu phải nói là xong ngay. Cần nhiều năm tháng lắm. Buông bỏ thế nào? Muốn cho sóng yên thì đừng có gió. Giản dị như vậy, nhưng đôi khi mình làm không được. Ta cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo vọng tưởng như con nai tưởng sóng nắng là nước nên chạy tìm, đến nỗi đun đầu vô chỗ nóng mà chết. Đó là báo nghiệp gì của chúng sanh!

Thật ra vào cửa đạo không phải khó, nhưng nghiệp dẫn khiến mình cứ loay hoay hoài. Nhà thiền dùng câu “Ngã thị thùy”, ta là cái quái gì mà cứ lang thang, mới lạ chứ. Chuyện không đáng cũng để tâm. Đúng là thời vọng tưởng mở cửa, thấy cái gì cũng thắc mắc, thắc mắc rồi vướng mắc.

Thiền sư Trí Chơn là người có túc căn thâm hậu, giản dị từ ngày đầu vào cửa, đến khi thăng tòa thuyết pháp cũng vậy.

Sư nói kệ:

Tâm bản tuyệt trần hà dụng tẩy

Thân trung vô bệnh khởi cầu y

Dục tri thị Phật phi thân xử

Minh giám cao huyền vị chiếu thì.

    Dịch:

Tâm vốn bặt trần đâu cần rửa,

Trong thân không bệnh rước thầy chi,

Phật kia chẳng phải nơi thân ở,

Gương sáng treo cao chưa chiếu gì.

Dục tri thị Phật phi thân xử. Muốn biết ông Phật chẳng phải ở nơi thân, đó là tâm thể. Hòa thượng dịch: Phật kia chẳng phải nơi thân ở, quả thật là một công án nhăn mặt, tôi trộm nghĩ “muốn biết đức Phật chỗ chân thân”, nhưng chân thân là chỗ nào, trụ ở đâu? Thôi, đành để câu này lại cho người sau nhận lấy.

Tâm vốn bặt trần đâu cần rửa,

Trong thân không bệnh rước thầy chi.

Tâm không nhơ nên đâu cần rửa, thân không bệnh nên không cần thầy thuốc.

Phật kia chẳng phải nơi thân ở,

Gương sáng treo cao chưa chiếu gì.

Muốn biết chân thân của mình, thì ngay lúc gương sáng treo cao chưa chiếu gì, ta ngồi yên không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không kẹt bên này, không vướng bên kia, tự nhiên nhận ra chỗ này.

Gặp thời Võ Tôn (841 - 846 TL) hủy diệt Phật giáo, bắt tăng còn trẻ phải hoàn tục, Sư cũng phải hoàn tục. Lúc ấy, Sư có làm hai bài kệ dạy chúng:

Minh nguyệt phân hình xứ xứ tân,

Bạch y ninh trụy giải không nhân.

Thùy ngôn tại tục phòng tu đạo?

Kim Túc tằng vi trưởng giả thân.

Nhẫn Tiên lâm hạ tọa thiền thì,

Tằng bị Ca Vương cát tài chi.

Huống ngã thánh triều vô thử sự,

Chi kim hưu đạo diệc hà bi?

    Dịch:

Trăng sáng chiếu soi chốn chốn chân,

Bạch y đâu kém Giải Không nhân.

Ai bảo tịnh nhân tu hành khó?

Kim Túc( ) từng làm Trưởng giả thân.

Nhẫn tiên thiền tọa ở rừng sâu,

Từng bị Lợi vương chặt cắt đau.

Huống nay thánh chúa không việc ấy.

Chỉ bắt thôi tu đáng buồn đâu?

Chư tổ cũng bị hoàn tục trong giai đoạn này, Đường Võ Tôn là dòng tộc của Võ Tắc Thiên, ông vua con sau này rất dữ dằn, phá hoại Phật pháp.

Trăng sáng chiếu soi chốn chốn chân, trăng sáng trên cao soi rọi xuống, trải một màu trong suốt nên mọi thứ đều hiện rõ. Muốn biết hình ảnh này hiển hiện tròn đầy, vào đêm nào trăng sáng, thử mời huynh đệ bách bộ một vòng sẽ thấy ngay.

Bạch y đâu kém Giải Không nhân, Bạch y là cư sĩ, ninh trụy là đâu kém, Giải Không nhân là tôn giả giải không đệ nhất.

Trăng sáng chiếu soi chốn chốn chân,

Bạch y đâu lụy Giải Không nhân

Ai bảo tịnh nhân tu hành khó.

Kim túc từng làm Trưởng giả thân.

Thời Phật tại thế có một vị cư sĩ tên Duy-ma-cật, là một vị cổ Phật hiện thân cư sĩ thần dụng phi thường.

Nhẫn tiên thiền tọa ở rừng sâu,

Từng bị Lợi Vương chặt cắt đau.

Thời xa xưa tiền thân của đức Thế Tôn tu hạnh nhẫn nhục trong rừng. Một hôm vua Ca-lợi đi dã ngoại với rất nhiều cung nữ. Lúc nhà vua nghỉ ngơi, các cung nữ cùng nhau dạo chơi cánh rừng gần đó, vô tình gặp một vị tiên tu khổ hạnh, các tiên nữ đến đảnh lễ cúng dường. Tiên nhân nói đạo lý cho các cô nghe, thích quá các cô quên mất nhiệm vụ hiện là cung nữ đang hầu Vua.

Hoàng đế tìm đến thấy sự việc như thế, nổi giận rút gươm hỏi tiên nhân “ông ngồi đây làm gì?” Đáp “tôi tu hạnh nhẫn nhục”. Vua chặt một cánh tay, hỏi lại “ông ngồi đây làm gì?”, tiên nhân cũng trả lời y như thế. Nhà vua chặt nữa, cánh tay còn lại rớt luôn. Chặt hết tay chân, cuối cùng không còn gì cả. Tiên nhẫn vẫn bình thản nói tôi tu hạnh nhẫn nhục. Bấy giờ nhà vua thất kinh, thấy không có con người nào phi thường như thế. Lúc đó các vị trời hiện ra ca ngợi công đức nhẫn nhục của Bồ-tát đã thành tựu. Ngay khi đó vua Ca-lợi hạ gươm sám hối.

Tiên nhân bảo: “Tôi tu hạnh nhẫn nhục, sau khi thành tựu Phật đạo, ngài sẽ là đệ tử đầu tiên của tôi.” Câu nói này chứng tỏ việc làm của vua, không kết một chút phiền não nào trong tâm thể rỗng rang sáng suốt của tiên nhân. Khi ấy, chư tiên đồng thời nói: “Nếu sự việc hôm nay là chân thật, xin cho thân hình của đại tiên hoàn nguyên lại như cũ.” Liền khi đó tay chân của tiên nhân ấy trở lại như cũ. Vua Ca-lợi dập đầu sám hối, từ đó không dám chạm đến người tu hành nữa.

Huống nay thánh chúa không việc ấy.

Chỉ bắt thôi tu đáng buồn đâu?

Vua ngày xưa như vậy, huống là vua hôm nay chỉ bắt người trẻ hoàn tục thôi, chưa làm gì bức hại, có chi phải buồn. Ngài dùng trí tuệ quán sát để tâm yên ổn tu hành trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đến vua Tuyên Tông lên ngôi (847 TL) sùng phụng Phật pháp, Sư trở về chùa như xưa. Niên hiệu Hàm Thông năm thứ 6 (865 TL), Sư tịch tại núi này, thọ 84 tuổi, 60 tuổi hạ. Vua ban hiệu là Quy Tịch thiền sư, tháp hiệu Trí Chơn.

Học lại trang sử này, chúng ta cảm thấy cuộc đời tu hành của người xưa trải qua nhiều biến cố, thăng trầm vô cùng. Vậy mà các ngài vẫn giữ vững đạo tâm tu hành. Chúng ta bây giờ so với các ngài có thắm vào đâu, mà đã kêu than chán nản rồi. Hồi xưa, bên cạnh những ông vua mộ đạo lại có những ông bạo ngược, hôn quân. Phần nhiều họ tin vào pháp thuật của tiên đạo nên phá hoại Phật pháp. Dù giai đoạn trước cha ông là đấng quân vương sùng mộ Phật pháp, kính trọng các bậc tu hành. Nghe lời mấy ông tiên tác oai tác quái, nhà vua ra lệnh dẹp chùa, bắt chư tăng hoàn tục, để đạo quán của họ phát triển. Thời này là pháp nạn vậy.

Nhưng có một điều đáng mừng, đệ tử đức Phật từ khi lãnh thọ giới pháp tu hành, không hề tạo ra điều gì khổ lụy cho nhân dân. Chẳng những ở Trung Quốc mà Việt Nam cũng vậy, Phật giáo không bao giờ làm tổn hại Tổ quốc và đồng bào của mình, chỉ cùng sống cùng chịu thăng trầm với đất nước mà thôi. Đó là điểm đặc trưng đáng quí của đạo Phật.
 

[ Quay lại ]