headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Như Hội

tsnhuhoiThiền sư Như Hội
(742 - 821)


Sư quê ở Thủy Hưng, Khúc Giang. Ban sơ đến tham vấn Cảnh Sơn, sau mới đến yết kiến Mã Tổ. Nơi Mã Tổ, Sư ngộ yếu chỉ Thiền tông.

Thiền sư Như Hội quê ở Khúc Giang, ban đầu tham học nơi ngài Cảnh Sơn, về sau yết kiến Mã Tổ, nhận được yếu chỉ thiền tông. Nhiều vị thiền tử đến với Mã Tổ đều được ngộ đạo, cho nên thời nhân gọi nơi đây là trường thi Phật. Thiền sư Như Hội cũng nằm trong số đó.

Về sau, Sư trụ trì Đông Tự, học chúng rất đông đến nỗi nhà Tăng giường chõng gãy vẹo, thời nhân gọi “hội giường gãy”.

Đến hội của thiền sư Như Hội thì không gọi là trường thi Phật nữa mà là hội giường gãy, vì đệ tử tu học quá đông, giường chõng không đủ cung cấp, lâu ngày gãy đổ. Cũng đặc biệt.

Mã Tổ tịch rồi, Sư thường lo môn đồ lấy câu “Tức tâm tức Phật” học thuộc lòng tụng mãi, vì thế Sư bảo: Nói Phật trụ ở đâu, mà sao “tức tâm”? Tâm như ông thợ vẽ, mà sao “tức Phật”? Sư bèn dạy chúng:

- Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo. Kiếm rơi đã lâu, ngươi mới khắc dấu thuyền.

Sau khi Mã đại sư tịch, thiền tử bốn phương vẫn tìm đến đạo tràng của ngài, do phương thức và công đức giáo hóa của Tổ rất đặc biệt. Nhiều vị chỉ đến thấy thầy đã ngộ đạo, hoặc nghe thầy nói một câu liền triệt ngộ. Thầy trò gặp nhau trong nhân duyên như vậy là biết đã gặp nhau nhiều đời rồi. Như thiền sư Đại Mai, không thể chỉ một đời này mà nghe Tổ nói câu “tức tâm tức Phật” liền đi ở núi. Có lẽ nhiều đời ngài cũng từng tu hành ở núi rừng, nên đời này chỉ nhân một câu nói của Tổ mà ngộ đạo vào núi ẩn cư.

Học qua các ngài chúng ta thấy phước báo nhân duyên của người xưa quý hóa làm sao. Chúng ta học thiền, học Phật bao năm vẫn chưa giác ngộ giải thoát, tụng kinh Bát-nhã mỗi đêm mà không thâm nhập Bát-nhã tâm. Đó là nghiệp chướng, sự tăm tối từ nhiều đời của mình. Nước tâm nhiễm sâu cù cặn nên thầy bạn, Phật pháp, giới luật… tất cả cùng hoán chuyển, làm cách gì nước cũng vẫn còn cặn hôi.
Sau khi Mã Tổ tịch rồi, Ngài Như Hội là một vị học trò lớn nên lo ngại hàng môn hạ của thầy tổ, chỉ học thuộc lòng rồi tụng lời dạy của thầy mà không triệt ngộ tôn chỉ. Do vậy Ngài nói Phật trụ ở đâu, mà sao “tức tâm”? Tâm như ông thợ vẽ, mà sao “tức Phật”? Cho nên Sư dạy chúng: Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo. Kiếm rơi đã lâu, ngươi mới khắc dấu thuyền. Đây là một cách tân, chỉ những người đệ tử ngộ đạo mới dám làm. Theo tích truyện xưa, có người đi thuyền đánh rơi cây kiếm trên dòng sông. Rớt ở đâu không biết, Cần Thơ Vĩnh Long gì đó mà đợi tới Đồng Nai mới khắc dấu trên thuyền, ngay chỗ mình ngồi và làm rớt cây kiếm. Chúng ta nghĩ coi người này thông minh cỡ nào? Vậy mà thiền sư bảo kẻ ấy chính là mình đó.

Muốn tìm cây kiếm, ngay khi ấy và tại chỗ đó phải mò, vớt lên cho được, chứ còn kiếm rớt ở bên Tây mà về tới Việt Nam mới tìm, thì đúng là mò trăng đáy nước, mò kim đáy bể. Hòa thượng Trúc Lâm có trước tác bài Anh nếu biết, trong đó có đoạn:

Hồ thu nước trong vắt,

Vầng trăng hiện sáng ngời.

Trẻ thơ đua nhau vớt,

Vớt mấy vẫn tay không.

Thôi đừng ngây thơ nữa,

Ngữa mặt nhìn trời trong.

Ô kìa! Vằng vặc trăng đêm vắng,

Đã hết khổ công nhọc vớt mò.

Ngài ví chúng ta cũng như những đứa bé dại khờ mò trăng ở dưới nước. Bây giờ phải nhìn lên trời trong, phải nhận được tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình. Ở đây, thiền sư Như Hội bảo đừng tụng tức tâm tức Phật, phi tâm phi Phật mà phải biết tâm như ông thợ vẽ, không có chỗ trụ.

Chúng ta thường nói tâm mình, mà có biết tâm mình ở đâu không? Hòa thượng Trúc Lâm chỉ, từ trí dụng ta nhận ra cái biết, nó chính là trí tuệ vô sư. Nói cái biết, nói trí dụng, nói tâm thể rỗng rang sáng suốt… cũng là một cách nói mà thôi. Những năm gần nhất, Hòa thượng ghi ngay cổng phương trượng “chân tâm vô niệm”.

Tướng quốc Thôi Công Quần bị đổi ra Hồ Nam làm Quán sát sử, đến yết kiến Sư, hỏi:

- Thầy lấy gì được?

Sư đáp:

- Thấy tánh là được.

Ít lâu sau, Sư bị bệnh con mắt. Thôi Công Quần ngạo rằng:

- Đã nói thấy tánh, tại sao con mắt như thế?

Vị cư sĩ này mới vào đầu đã thấy lầm rồi, nên mới hỏi thầy ngộ đạo rồi sao còn bị đau mắt?

Sư bảo:

- Thấy tánh không phải do mắt, con mắt bệnh có hại gì?

Thôi Công Quần lễ tạ sám hối.

Một câu khẳng định để cho học giả này nhận lại. Ông đừng chạy xuôi chạy ngược trên văn tự, chữ nghĩa nữa. Nghe xong, cư sĩ liền biết mình có lỗi liền sám hối. Kể cũng nhanh.

Sư hỏi Nam Tuyền:

- Vừa rời chỗ nào đến?

- Giang Tây.

- Đem được hình Mã đại sư đến chăng?

- Chỉ thế ấy.

- Sau lưng rồi.

Nam Tuyền không đáp.

Ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện cũng là học trò lớn của Mã đại sư, cho nên hai huynh đệ gặp nhau, thiền sư Như Hội liền hỏi: Vừa rời chỗ nào đến? – Ở Giang Tây. Tức là chung tông môn rồi. Đem được hình Mã đại sư đến chăng? Đây là câu thử nghiệm.

Ngài Nam Tuyền nói: Chỉ thế ấy. Ngài Như Hội bảo: Sau lưng rồi, tức cũ rồi. Nam Tuyền không đáp gì hết, bởi đã cảm thông nhau. Đã cảm thông nhau thì nói cái gì nữa, ít nói chừng nào tốt chừng ấy. Ngôn ngữ nhiều càng xa với đạo.

Ngưỡng Sơn (Huệ Tịch) đến tham vấn.

Sư hỏi:

- Ngươi người ở đâu?

Ngưỡng Sơn thưa:

- Người Quảng Nam.

- Ta nghe ở Quảng Nam có hạt minh châu trấn hải phải chăng?

Khi biết ngài Ngưỡng Sơn người ở Quảng Nam, Ngài hỏi tiếp: Ta nghe ở Quảng Nam có hạt minh châu trấn hải phải chăng? Hỏi câu này thì biết thầy trò đã hiểu nhau. Ngưỡng Sơn Huệ Tịch là học trò nổi tiếng nơi hội Quy Sơn, nên ngài Như Hội mới hỏi như vậy.

- Phải.

- Hạt châu ấy thế nào?

- Ba mươi thì ẩn, rằm thì hiện.

Đó là tâm châu. Ba mươi thì thiếu duyên cho nên tối, rằm thì đủ duyên cho nên hiện tròn đầy, sáng ngời. Trả lời thật hay!

- Lại đem đến được chăng?

- Đem đến được.

- Sao chẳng trình tương tợ cho Lão tăng?

Ngưỡng Sơn Huệ Tịch là đệ tử lớn của ngài Quy Sơn, Quy Sơn là đệ tử của tổ Bá Trượng, Bá Trượng là đệ tử của Mã Tổ, tức là huynh đệ với ngài Như Hội. Cho nên ngài Như Hội xem Ngưỡng Sơn như cháu trong nhà, mới hỏi: Sao chẳng trình tương tợ cho Lão tăng? Câu nói này rất nhân hậu.

Nói tương tợ là sao? Chúng ta thấy đêm ba mươi không phải là không có trăng nhưng trăng bị khuất. Đêm rằm trăng hiện sáng ngời là vì không bị che. Biết lúc nào cũng có trăng, nhưng làm sao nắm bắt trăng? Không làm sao nắm bắt được. Cho nên ngài nói ông trình tương tợ đi. Biết nó như vậy nhưng ông không thể thò tay vào đó nắm bắt. Như Hòa thượng Trúc Lâm nói, thấy mặt trăng trong nước rồi thò tay vớt, thì chỉ có các bé thơ mới làm như vậy.

Sao chẳng trình tương tợ với Lão tăng? Ông đã có cái đó, đã hằng sống với nó, tuy nhiên sao không trình tương tợ với Lão tăng?

Ngưỡng Sơn khoanh tay đến gần thưa:

- Vừa đến Quy Sơn cũng bị đòi hạt châu này, bèn được không lời có thể đáp, không lý có thể bày.

Ngài đến Quy Sơn, tức là nơi pháp hội của thầy ngài, cũng bị sư phụ bắt trình mặt trăng này. Ở đó, ngài trình như thế nào? Bèn được không lời có thể đáp, không lý có thể bày. Như vậy là trình mà không có trình gì hết. Vì sao? Vì chỗ đó không thể dùi mài, lý luận được.

Sư khen:

- Thật là sư tử con rống rất giỏi!

Ngưỡng Sơn lễ bái.

Ngài khen Ngưỡng Sơn đã được như vậy, quả thật là sư tử con. Tuy là sư tử con nhưng biết rống và rống rất giỏi. Nếu là chúng ta, hỏi tới mặt trăng, tới viên châu mình sẽ lấy giấy, lấy viết ra tả: Mặt trăng đó về đêm hiện sáng ngời… con cảm thấy lòng sảng khoái khi ánh trăng lên… Ở đây, ngài trình không lời có thể đáp, không lý có thể bày.

Có một giai thoại rất hay giữa thầy trò ngài Quy Sơn. Một hôm ngài Quy Sơn nghỉ trưa thức dậy, Hương Nghiêm là vị đệ tử lớn đến thăm. Ngài Quy Sơn nói:

- Ta vừa nằm một điềm chiêm bao, ngươi thử vì ta đem lại.

Ngài Hương Nghiêm vào trong múc nước đem khăn ra cho thầy lau mặt. Ngưỡng Sơn Huệ Tịch tới, ngài Quy Sơn nói:

- Ta vừa nằm một điềm chiêm bao, Hương Nghiêm đã vì ta đem lại, ngươi thử vì ta đem lại.

Ngài Huệ Tịch vào rót một chung trà, đem ra dâng thầy. Ngài Quy Sơn cười:

- Hai ngươi thật là người trí tuệ.

Trình tương tợ là như vậy. Thầy trò tâm hợp tâm. Thầy biết chỗ đến của trò, trò nhận được yếu chỉ của thầy.

Có người hỏi Sư:

- Con tính thỉnh Hòa thượng khai đường được chăng?

Sư đáp:

- Đợi đem vật vùi trong hòn đá mà nóng thì được.

Vị ấy không thể đáp.

Ngài nói như vậy là được hay không? Một vật vùi trong đá thì nóng hay lạnh? Nghe là biết được hay không rồi.

Niên hiệu Trường Khánh (821 TL), ngày 19 tháng 8 năm Quý Mão, Sư quy tịch, thọ 80 tuổi. Vua sắc phong hiệu là Truyền Minh đại sư, tháp hiệu Vĩnh Tế.

Chúng ta tu thiền tức là đệ tử của các ngài, được vinh dự có rất nhiều thầy. Hồi xưa các ngài cũng là thầy của mình, nhưng chúng ta mắc đi lòng vòng ngoài rừng, ngoài bụi nào đó, không chịu nghe thầy thuyết pháp, không chịu hỏi đạo, không chịu tu hành, nên bây giờ còn lận đận ở đây. Ngày nay đã biết như thế rồi thì phải cố gắng học đạo, cố gắng nghe lời thầy hành trì Phật pháp. Làm sao ngay trong đời, giải quyết cho xong việc tăm tối khổ đau của mình. Đó là việc sanh tử, mà Hòa thượng Trúc Lâm gọi là bản án tử hình đối với mỗi chúng ta.

Nếu mỗi ngày ta được sống được an vui tự tại thì thích biết mấy. Không biết tại sao thân này phải bệnh, phải bức xúc bởi những đau đớn, bất cập. Ai bày ra? Tại sao lại như vậy? Mình sống thế này an ổn quá đi. Mỗi ngày quét sân, nấu cơm, ngồi thiền, tụng kinh… vui vẻ. Cứ như thế này mà sống thích thú biết bao nhiêu. Nhưng tất cả đều không như chúng ta muốn. Bởi vì nghiệp sai sử lôi dẫn. Nghiệp thì do mình tạo ra, chớ có ai khác đâu.

Con người sanh ra rồi lớn lên theo nghiệp dẫn, mọi thứ tăm tối vây bủa, bệnh tật đau đớn, tai họa khôn lường và cuối cùng kết thúc bằng một cái chết. Quả thật là bất hạnh! Mạng sống của con người bị khoanh lại trong một cuộc đời vô thường, ngắn ngủi. Ai khoanh lại? Tại sao ta không đập vỡ nó? Các thiền sư chỉ gõ nhẹ thôi, như nói: Sao ông không trình tương tợ cho lão tăng?

Mỗi người đều có hạt châu, sao không lấy ra dùng, lại đành bỏ quên, vùi mình trong sanh tử, chịu làm thân cùng tử lang thang. Yếu chỉ này nếu chúng ta nhận ra thì trong cuộc đời toàn là tâm diệu. Người ta nói nhiều về chân lý, nhưng chân lý thế nào thì không ai biết. Cứ ngồi đó tưởng tượng tâm của mình là cái gì đó sáng chói… tất cả đều lầm. Cho nên sau khi thầy tổ qua đời, ngài Như Hội thấy huynh đệ mình cứ ngồi đó mà tụng tức tâm tức Phật, phi tâm phi Phật, Ngài không đành lòng, mới cảnh tỉnh “tâm như ông thợ vẽ”.

Học chỗ này chúng ta nhớ ngài Đại Huệ là một nhân vật kiệt liệt trong nhà thiền, thời Tống. Trong một mùa an cư, ngài khai thị cho rất nhiều người triệt ngộ. Ngài là đệ tử của thiền sư Phật Quả, ngài Phật Quả là đệ tử của Ngũ Tổ Pháp Diễn. Khi thiền sư Phật Quả viên tịch, ngài Đại Huệ về lại chùa thầy tổ, tập hợp hết tất cả những chú sớ về một trăm tắc công án của tác phẩm Bích Nham Lục do ngài Phật Quả trước tác, đem ra trước sân chánh điện đốt hết. Là trưởng tử kế thừa tông môn của thầy, tại sao lại làm như vậy? Vì Ngài cho rằng để lại những thứ này là làm lầm thiên hạ. Lúc đó huynh đệ của ngài, lớn nhỏ gì cũng xúm nhau tụng 100 tắc ấy, mà không chịu thực hành lời thầy tổ dạy. Như vậy chẳng phải tai họa sao, do đó ngài đốt bỏ.

Việc làm của ngài Đại Huệ chấn động tùng lâm. Người không biết, nói ngài Đại Huệ bất hiếu, thầy mới vừa tịch đem kinh sách pháp môn của thầy đốt hết. Nhưng hai mươi năm sau có người moi ra, nó được hình thành trở lại. Thành hình trở lại bởi những người nhận được yếu chỉ của thiền sư Phật Quả Viên Ngộ và những người nhận được tôn chỉ của ngài Đại Huệ. Do vậy 100 tắc công án đó được truyền bá trở lại.

Tăng sĩ Việt Nam chúng ta học thiền phải học ngữ lục này. Ngày xưa Phật hoàng Trần Nhân Tông đi đến vùng Nam Sách gặp ngài Pháp Loa đem về Yên Tử, gửi cho một vị Hòa thượng trong tông môn.Hòa thượng cho ngài Pháp Loa học ngữ lục của ngài Đại Huệ. Người trí tuệ nhạy bén, nhân công án của Tổ nhận ra thì ngộ đạo, còn không thì cứ nấu cơm, quét sân, làm thị giả… hết đời này sang đời khác, nguyện con đời đời nhớ Phật, tu theo Phật cũng được.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy nhận lấy cái liễu liễu thường tri bất sanh bất diệt, không bị thay đổi, nó là chân tâm vô niệm. Sống được với nó thì chấm dứt dòng sanh tử khổ đau.
 

[ Quay lại ]