headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Đạo Ngộ

tsdaongoThiền sư Đạo Ngộ
(Thiên Vương Đạo Ngộ) - (738 - 819)


Sư xuất gia lúc 15 tuổi, đến 23 tuổi thọ giới Cụ túc. Năm 30 tuổi, Sư yết kiến Thạch Đầu, được nhiều lần chỉ dạy mà không khế hội. Kế đó, Sư đến yết kiến Quốc sư Huệ Trung. Năm 34 tuổi, Sư cùng thị giả Ứng Chơn đến yết kiến Mã Tổ.

Trong thiền sử Trung Hoa có hai vị Thiên Vương Đạo Ngộ và Thiên Hoàng Đạo Ngộ, không biết là một hay hai người. Chúng tôi nghiên cứu trong nguyên bản, thấy hai ngài có những điểm na ná nhau. Có lẽ hai tên nhưng chỉ một vị.

Sư xuất gia lúc 15 tuổi, 23 tuổi thọ giới cụ túc, 30 tuổi tìm đến thiền sư Thạch Đầu. Tại đây không khế hội, lại đến quốc sư Huệ Trung, rồi yết kiến Mã Tổ. Như vậy ngài xuất gia khá sớm, đã tìm đến các đạo tràng lớn, yết kiến các bậc tác gia nổi tiếng đương thời. Trong đó Quốc Sư Huệ Trung là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng. Ngài ở núi Bạch Nhai suốt 40 năm không hề xuống núi, đạo phong chót vót, lừng danh một thời. Kế đến Mã Tổ Đạo Nhất, Thạch Đầu Hy Thiên là hai trường thi Phật ở Giang Tây và Hồ Nam, danh vang như sấm. Các thiền tử đi hành cước tới lui hai nơi này rất nhiều. Nếu đến Giang Tây chưa khế hợp thì được giới thiệu qua Hồ Nam. Đến Hồ Nam không xong thì qua Giang Tây.

Thời này có nhiều đại thiện tri thức ra đời, do vậy người học đạo dễ có cơ hội thâm ngộ. Chúng ta thiếu phước duyên sanh không nhằm thời, nên tới bây giờ vẫn chưa gặp Mã Đại Sư và Thạch Đầu Tổ Sư, nên cứ u trệ, chẳng ngộ chút nào. Thôi thì chịu khó đọc học lại đạo lý của các ngài chỉ dạy, cố gắng tu hành hy vọng sẽ có chỗ vào.

Ngài yết kiến thiền sư Thạch Đầu tức là đến Hồ Nam trước. Tuy được chỉ dạy nhiều lần mà không khế hội, nên đến yết kiến Quốc sư Huệ Trung. Năm 34 tuổi, cùng thị giả Ứng Chơn đến tham vấn Mã Tổ Đạo Nhất. Ứng Chơn là vị thị giả nổi tiếng ở pháp hội Quốc Sư Huệ Trung. Nổi tiếng cái gì? Có hai việc:

Một hôm có vị thiền sư đến, hỏi Quốc Sư có ở nhà không? Thị giả nói có ở nhà mà không tiếp khách. Tại sao? Quốc sư đang nghỉ trưa. Thức dậy nghe kể lại, Quốc sư đánh cho mấy mươi hèo rồi đuổi ra. Đó là việc thứ nhất. Khi Quốc Sư sắp viên tịch, vua Đại Tông hỏi họa đồ xây tháp Vô Phùng, Quốc Sư bảo “Sau khi ta đi rồi, thị giả Ứng Chơn sẽ biết việc này”. Đó là việc đặc biệt thứ hai.

Từ việc hầu thầy, ngài Ứng Chơn đã nhận được tâm yếu nơi thầy. Đây không phải là chuyện xảy ra thường xuyên trong nhà thiền. Có nhiều thị giả gần gũi, phụng sự thầy bao nhiêu năm, nhưng không nhận ra yếu chỉ của thầy, chỉ hầu hạ cúng dường vậy thôi. Đó là vì chưa phát triển được đạo tâm.

Mã Tổ bảo:

- Nhận biết tâm mình xưa nay là Phật, chẳng thuộc thứ lớp, chẳng nhờ tu hành, thể tự nó như, muôn đức tròn đầy.

Ngay câu nói này Sư đại ngộ.

Mã Tổ dặn:

- Nếu trụ trì, ngươi chớ rời chỗ cũ.

Sư nhờ chỉ dạy rồi, trở về Kinh Châu cất một am tranh ở ngoài thành không xa.

Tiết sử họ Lư đến phỏng vấn Sư, Sư không đáp lễ. Tiết sử nổi nóng bắt Sư đem ném xuống sông. Tiết sử về đến nha môn thấy khắp nhà đều phát hỏa, lại nghe trong hư không có tiếng quở trách của thần Thiên Vương. Tiết sử lễ tạ xin sám hối, phút chốc lửa tắt, nha môn vẫn còn nguyên, Tiết sử đích thân đi đến bờ sông rước Sư, thấy Sư ở trong nước mà không ướt y, ông càng thêm quý kính. Ông tạo ngôi chùa Thiên Vương ở phía tây phủ, cúng dường cho Sư.

Nhận biết tâm mình xưa nay là Phật, chẳng thuộc thứ lớp, chẳng nhờ tu hành, thể tự nó như, muôn đức tròn đầy. Câu này Mã Tổ muốn nói gì? Chỉ thẳng cái tâm. Thẳng đó mà nhận, thẳng đó mà tu, thẳng đó mà sống, thẳng đó mà tự tại. Ngay câu nói này Sư đại ngộ, trở về Kinh Châu cất một am tranh ở ngoài thành.

Kinh Châu là vùng rất trù phú, gần với Đông Ngô. Nó là địa điểm trọng yếu giữa Đông Ngô, Ba Thục, Tứ Xuyên. Ngày xưa nước Trung Hoa chia làm ba: Bắc thì có họ Tào chiếm giữ. Đông Ngô có dòng họ anh kiệt của Ngô Hầu. Ba Thục có Lưu Huyền Đức tức Lưu Bị, hậu duệ của nhà Hán, được Khổng Minh Gia Cát lượng tôn phò, lập nên nghiệp lớn.

Tiết Sử là vị quan lớn do triều đình bổ nhiệm xuống, cai quản một vùng, rất có quyền lực. Các vị này phần nhiều đỗ đại khoa, danh nho, được triều đình sủng ái, cho nên trấn nhậm vùng nào thì xem như tiểu vương vùng đó. Ai bất phục hoặc tỏ thái độ chống trái thì mang họa.

Thì đây, tiết sử họ Lư đến phỏng vấn, ngài không tiếp, có phải dễ nổi nóng không? Chức quyền trong tay mà thầy không sợ thì quan thảy thầy xuống sông. Thiền sư không hề phản đối, nhưng thiên thần phản đối. Tiết sử nghe trong hư không có tiếng quở trách, đồng thời về tới nha môn thấy lửa cháy rực hết. Ông hoảng sợ chạy đến bờ sông, lạy tạ sám hối. Rõ ràng thầy không sợ quan thì quan phải sợ thầy. Thấy Sư ở dưới nước mà y vẫn không ướt, Tiết sử càng thêm quý kính, cất chùa Thiên Vương ở phía tây phủ cúng dường, Sư vui vẻ nhận lời.

Sùng Tín hỏi:

- Từ trước việc truyền trao thế nào?

Sư đáp:

- Chẳng phải sáng, chỗ ngươi đến chẳng được.

- Con mắt ấy, mấy người được đủ?

- Cỏ úa đổi thành lâu đài.

Từ trước việc truyền trao thế nào? Chẳng phải sáng, chỗ ngươi đến chẳng được, tức chỗ này không thể nói trắng ra, cũng không phải chỗ ông đến được. Hỏi: Con mắt ấy, mấy người được đủ, nghĩa là có bao nhiêu người xong việc. Ngài nói cỏ úa đổi thành lâu đài, như vậy có bao nhiêu người, dễ dàng hay khó khăn? Cỏ úa mà đổi thành lâu đài là chuyện hiếm có. Thiền sư trả lời khéo như vậy.

Có vị Tăng hỏi:

- Thế nào là nói huyền diệu?

Sư bảo:

- Chớ bảo ta hiểu Phật pháp là tốt.

- Nỡ để học nhân ôm nghi mãi sao?

- Sao chẳng hỏi Lão tăng?

- Hiện nay đã hỏi.

- Đi! Không phải chỗ ngươi nương tựa.

Vị tăng hỏi: Thế nào là nói huyền diệu? Sư đáp: Chớ bảo ta hiểu Phật pháp là tốt, tức là không phải nói huyền diệu như vậy là xong. Tăng than, nếu thầy không tiếp độ thì con học đạo ở đâu, làm sao thành tựu được. Ngài bảo: Sao chẳng hỏi Lão tăng? Tăng thưa, con vừa hỏi đó. Ngài bảo: Đi! Không phải chỗ ngươi nương tựa. Là sao? Là vô không đúng cửa, không nhận được ý chỉ gì cả, nên bị đuổi đi.

Thường ngày, Sư hay nói: “Sống vui! Sống vui!” Đến khi sắp quy tịch, Sư kêu: “Khổ! Khổ!” Lại nói: “Diêm vương đến bắt ta.”

Viện chủ hỏi:

- Đương thời Hòa thượng bị Tiết sử ném xuống sông mà thần sắc chẳng động, hôm nay sao lại thế ấy?

Sư đưa chiếc gối lên, bảo:

- Ngươi nói đương thời phải, hôm nay phải?

Viện chủ không đáp được.

Như vậy là sao, chỗ này bí mật không? Hành tung của chư vị thiền sư rất khó lường, nhưng tất cả đều vì người sau, các ngài thị hiện như vậy. Đương thời phải hay hôm nay phải, tức là việc lúc trước phải hay việc hôm nay phải? Chỗ này tùy thời tùy lúc. Có khi Hòa thượng dạy chúng ta tụng kinh Bát Nhã, nhưng cũng có khi dạy sám hối sáu căn. Lúc phải ngồi thiền, lúc đi kinh hành thông thả tùy duyên, không có gì bó buộc. Miễn sao nhận ra, sống được với ông chủ là yên ổn.

Ngài Đạo Ngộ khi bị Tiết Sử họ Lư ném xuống sông, thần sắc không đổi, vẫn an ổn bình thường, y áo thẳng nếp và không ướt. Chỗ này thật là thấu đáo, thật là tuyệt vời. Đấy chính là thần dụng, là đạo lực của người đã xong việc. Nếu là chúng ta, bấy giờ mình sẽ như thế nào? Run, khóc hay nổi sân... đó là những biểu hiện của chúng ta, những người chưa phát huy được đạo lực.

Người liễu đạt ngồi trên bục cao thuyết pháp bình thường, bị thảy xuống sông bình thường, được khen bình thường, bị chê bình thường, đối diện trước bất cứ hiện tượng nào cũng bình thường. Đó là biểu hiện thần dụng vô lượng vô biên của những bậc đã biện đạo, vào được chỗ tự tại, giác ngộ giải thoát. Chúng ta có thể vào được chỗ đó không? Cũng được chứ, với điều kiện làm sao tự tại, bình thường, an nhiên, không vì bất cứ hiện tượng nào mà tâm xao động. Khó không? Chẳng phải dễ đâu. Tôi không dám nói khó, bởi vì chúng ta có thể làm được, nhưng nhớ không phải là dễ. Phải đánh đổi cả đời hoặc nhiều đời tu hành miên mật, mới có thể dự vào.

Hòa thượng Trúc Lâm nói phải làm chủ. Khi căn cảnh tiếp xúc với tất cả hiện tượng xung quanh, mình luôn luôn không bị động bởi nó, gọi là bình thường, là làm chủ được. Nếu bây giờ chưa được thì phải cố gắng, chúng ta học người xưa để noi theo, cố gắng thực hành cho được như các ngài. Hòa thượng dạy: Nam nhi tự hữu xung thiên chí, nghĩa là bay thẳng trời cao thủng mây xanh. Đó là ý chí, trí tuệ của người tu hành muốn ra khỏi sanh tử.

Mới nhìn vào cuộc diện ban đầu, có khi chúng ta thấy dường như mình làm không nổi. Nhưng quyết tâm cố gắng, năng lực bên trong của chúng ta sẽ được phát huy. Một khi có lực rồi thì việc gì cũng có thể làm được. Tuy nhiên việc tu tập phải từ từ, không thể vội vàng. Như các nhà tạo cây cảnh, họ uốn cây sửa cảnh, làm vội vàng thì không ra cái gì đâu. Một tác phẩm đặc biệt có thể được thành hình từ năm này sang năm khác. Cũng là cục đá đó, bữa nay để ngó bên kia thấy đẹp, nhưng ngày mai thấy vô duyên, phải cho nó ngó về bên đây. Ngó về bên đây thấy cũng không được nữa, đem khẻ bớt cái đầu cho ngó lại bên kia. Cứ như vậy mà làm, cho tới lúc nào hết ngó nghiêng ngó ngửa nữa, chừng đó mới thành tựu.

Cũng vậy, việc tu hành của chúng ta phải trải qua sự nếm trải, trui luyện rất nhiều năm tháng. Cho nên huynh đệ nào không chấp nhận sự trui luyện thì khó thành đạt được. Nếu có thành là thành cái nghiệp cứng ngắt đó thôi. Lúc tôi ở học viện Huệ Nghiêm, có một vật bé tí, không biết kêu là gì; ngộ lắm đè xuống là nó bật dậy. Nhỏ xíu vậy mà rất khỏe, không ai đè cổ được. Mấy anh em trong liêu kêu nó là ông lật đật. Có anh bảo đó là Bồ Đề Đạt Ma tổ sư, vì đè xuống hoài cũng không chịu nằm, cứ bật dậy ngồi thiền. Ngồi giỏi mới thành tổ, cho nên “mấy ông ráng ngồi thiền đi”. Chúng ta thì ngược lại, kêu dậy mấy cũng không dậy, cứ nằm lún, làm sao thành tổ được.

Hồi đó tôi thích vật này lắm, thường để trên bàn. Ngồi một hồi đè thử, thả ra ổng bật dậy. Hay thiệt! Nhờ những hình ảnh đó, mình quay lại và cuối cùng thấy rõ chúng ta phải chấp nhận sự huấn luyện để thành tựu đạo nghiệp. Bây giờ mình đã xuất gia, làm đệ tử Phật và thọ giáo với các bậc thầy thì phải làm gì? Phải tuân thủ. Chúng ta yên lòng tuân thủ qui chế của tùng lâm, nơi mình chọn tu sống. Vì đó chính là những cái dùi trui luyện cho chúng ta thành tựu. Huynh đệ tự hãnh diện mình được dùi mài, chứ không nên phiền hà nơi này luật lệ nhiều quá... Phải luôn tiếp thu để tu học, vui nhận những sự huấn luyện như vậy, mới không uổng phí một đời.

Người xuất gia phải ở chỗ yên lắng huân tu, đó mới là điều chánh yếu. Không cần tạo dáng vẻ, uy thế, kiến thức gì. Đại nguyện của chúng ta là sáng tâm, đạt lý, tu giác ngộ giải thoát thành Phật, không có cái khác. Muốn được như thế mà hòa lẫn trong nhân gian khi đạo lực chưa đủ thì nguy. Chỉ những người siêu việt mới hòa quang đồng trần cứu độ chúng sanh, hoàn thành tâm nguyện tự lợi, lợi tha viên mãn.

Ngài Đạo Ngộ dạy chúng ta phải tùy duyên. Lúc bị người ta thảy xuống sông vẫn giữ được đạo hạnh, bình thản, đó là tùy duyên mà bất biến. Từ công đức ấy mọi việc sẽ yên ổn. Đến khi sắp viên tịch, ngài nói “Khổ, khổ” để cảnh tỉnh chúng ta hãy nhớ đến cái khổ sanh tử mà lo tu hành. Phải hiểu cho thật thấm chỗ tùy duyên bất biến này mới hiểu được ngài. Chúng ta dễ bị biến lắm. Tùy duyên mà biến, chớ không phải bất biến. Cho nên cần cố gắng tu hành.

Sư nhập diệt ngày 13 tháng 10 niên hiệu Nguyên Hòa thứ 3 (819 TL), thọ 82 tuổi, 63 tuổi hạ.

Đó là hành trạng thiền sư Đạo Ngộ ở chùa Thiên Vương.
 

[ Quay lại ]