headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Ẩn Phong

tsanphong4. Thiền sư Ẩn Phong
(Đặng Ẩn Phong)

Sư họ Đặng, quê ở Thiền Võ, Phước Kiến. Trước Sư đến tham vấn Mã Tổ nhưng chưa nhận được chỗ huyền áo, Sư lại đến Thạch Đầu đôi ba phen vẫn không thấy đạo.

Thiền sư Đặng Ẩn Phong quê ở Thiền Võ - Phước Kiến. Trước ngài đã có lần đến tham vấn Mã đại sư nhưng chưa được vào cửa. Chữ “huyền” tức thâm diệu, chữ “áo” là kín đáo, sâu nhiệm. Chỗ huyền áo là chỗ đạt đạo.

 Hai pháp hội lớn Hồ Nam, Giang Tây đương thời được người đời gọi là hai trường thi Phật. Đầu tiên ngài đến Giang Tây nhưng chưa nhận được chỗ huyền áo. Sau, ngài tiếp tục đến Thạch Đầu. Khi từ giã, Mã Tổ đã khuyến cáo đường Thạch Đầu trơn, nhưng ngài tự hào mình có cây gậy trong tay, gặp trường thì đùa nên không sợ. Tự tin có bửu bối, không ngại đường trơn, mấy phen ngài tìm đến chỗ Hy Thiên, cuối cùng cũng không xong việc.

Lúc ở chỗ Thạch Đầu, Sư hỏi:

- Làm sao được hội đạo?

Thạch Đầu bảo:

- Ta cũng chẳng hội đạo.

- Cứu cánh thế nào?

- Ngươi bị cái ấy bao vây rồi!

Đặng Ẩn Phong hỏi làm sao được hội đạo? Ngài Thạch Đầu trả lời ta cũng chẳng hội đạo. Thầy trả lời rất tốt. Sư lại hỏi cứu cánh thế nào? Rõ ràng ngài đang đeo mang vọng tưởng. Chính sự đeo mang đó đã chứng minh rằng sư chưa ngộ đạo, chưa đến được chỗ triệt để. Ngài Thạch Đầu phán cho một câu ngươi bị cái ấy bao vây rồi! Tại sao? Vì ta đã nói với ngươi rằng ta cũng chẳng hội đạo. Thủy chung ngài Thạch Đầu trả lời rất sáng, rất rõ ràng, không có gì giấu giếm.

Như có vị hỏi: “Con phải tu làm sao? Thế nào để vào được chỗ đó v.v…”. Thật ra đạo là gì? Nếu chúng ta trả lời được câu hỏi này sẽ hiểu tâm lão bà của các bậc thầy. Nhiều khi ta nghe những người chung quanh học đạo, vấn đạo, hành đạo v.v… nhiều cách. Nhưng thử yên lắng nhìn cho thấu xem đạo là gì? Nếu đạo là một tòa nhà cổ kính đẹp đẽ với rất nhiều ngọc ngà châu báu thì ta có thể tìm đến tham quan ngôi nhà đó. Để làm gì? Để biết, để thấy tận mắt những trân bảo trong nhà. Nhưng đạo không phải là ngôi nhà cổ kính.

Chúng ta thường hỏi: “Vọng tưởng là cái gì? Làm sao bỏ vọng tưởng? Phải tu pháp gì để trị vọng tưởng?” Trước mắt chúng ta đầy những câu hỏi về vọng tưởng, nhưng thật sự vọng tưởng là gì mình không biết, mặc dù nó rất nhiều: vọng tưởng hiền hòa, vọng tưởng dữ dằn, vọng tưởng mặt xanh mặt đỏ… đủ thứ. Ngày xưa khi học với Hòa thượng Trúc Lâm, chúng tôi cũng có những dấy niệm và hỏi ngài: “Bạch thầy, vọng tưởng là gì?” Thầy cầm cái chuông trên bàn lên rung “Reng reng reng…” rồi cười nói: Mấy chú biết vọng tưởng là gì chưa? Chúng ta có thể khái niệm rằng vọng tưởng tuy nhiều nhưng không thiệt. Biết nó không thiệt mới có thể buông được nó.

Vọng tưởng là những tư tưởng chợt hiện ra, lóe lên vậy thôi. Chúng rất bất thường. Cho nên nuôi vọng tưởng tức là đang nuôi những bất thường trong tâm mình. Bất thường dẫn đến bất an, rồi không yên trong lòng. Đức Phật dạy: “Người nuôi vọng tưởng là người điên đảo.” Điên đảo là gì? Chữ “điên” là lạng quạng, chữ “đảo” là lộn ngược. Người bình thường nói một đường thì người điên đảo nói một ngã. Thí dụ có người nói “Hoa này được cắm thẳng vào lọ, các cành và hoa hướng lên trên”, nhưng người điên đảo nói “Không phải như vậy, phải dội cái mặt nó xuống, đưa cái chân nó lên. Quái quái như vậy mới sinh động.” Từ đó cho thấy tuy vọng tưởng không là gì nhưng lại đủ sức hấp dẫn làm cho chúng sanh điên đảo.

Cho nên đức Phật nói chúng sanh điên đảo vì vọng tưởng hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu chúng ta dám nhận mình là kẻ điên đảo thì sẽ hết vọng tưởng. Khỏi phải nói buông vọng tưởng, làm chủ các vọng tưởng, đừng để vọng tưởng kéo lôi, tự dưng vọng tưởng không làm gì được mình. Chư Phật, chư Bồ-tát, các bậc tổ sư tu trì, hành pháp từ ngay trong đời thường cho nên ba mớ vọng tưởng này không làm gì được các ngài.

Chúng ta cần phải học tập và tu trì như thế. Để chi? Để được tự tại đối với tất cả các cảnh duyên. Biết nó là vọng tưởng, không để nó kéo lôi, hoàn toàn làm chủ, đúng như lời Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy. Làm chủ với liếp rau đang trồng, với lò bếp đang nấu, với đài hương đang lau… làm chủ trong tất cả mọi công việc, mọi thời, mọi chốn. Tuy nhiên hiện giờ chúng ta chưa làm chủ được nên lại phải một phen lý luận dông dài. Để làm gì? Để hiểu biết. Hiểu biết cho tới nơi thì mình sẽ thực tập đúng, để gặt hái kết quả mỹ mãn.

Sư hỏi làm sao được hội đạo? Thầy trả lời Ta cũng chẳng hội đạo. Nghĩa là trong chỗ đó ta an ổn rồi, ba mớ vọng tưởng không làm gì được ta, ngươi hỏi nó làm gì. Nhưng ngài còn bất an bất ổn, cho nên hỏi cứu cánh thế nào. Thầy lại vì nói ngươi bị cái đó bao vây rồi. Đây là cách chỉ rất thẳng tắt, sáng tỏ.

Một hôm, Hòa thượng Thạch Đầu hớt cỏ, Sư khoanh tay đứng bên trái. Thạch Đầu xoay nhanh chiếc kéo sang trước mặt Sư hớt một gốc cỏ.

Đây là một cách chỉ dạy khéo léo của thiền sư. Thầy đang hớt cỏ, đệ tử đứng hầu thầy một bên. Thầy đưa cái kéo lên hớt một cái. Ai ngộ được thì ngộ, không ngộ thì thôi.

Sư thưa:

- Hòa thượng chỉ hớt được cái ấy, không hớt được cái này.

Tuy nhiên như thế ngài cũng là một hành giả trong tông môn mới nói được câu này.

Thạch Đầu đưa chiếc kéo lên. Sư nắm chiếc kéo, làm thế hớt.

Thầy trò trong lúc biểu dương với nhau.

Thạch Đầu bảo:

- Ngươi chỉ hớt được cái này, không hớt được cái ấy.

Sư không đáp được.

Các bậc thầy thường dạy ngoài thân cha mẹ sanh nhơ nhớp, chúng ta còn có pháp thân bất sanh bất diệt. Khi ngài Thạch Đầu nói ngươi biết cái này mà chưa biết cái kia, ý nói ngươi chỉ biết ngoại cảnh bên ngoài nhưng chưa biết cái bất sanh bất diệt kia.

Hành giả có công phu đôi khi cũng mấp mé vào được chỗ này. Ở đây tôi dùng từ “mấp mé”, giống như có những lúc chúng ta đến một ngôi nhà nổi tiếng, nhưng khi bước vào thì không gặp ai hết. Trong nhà có vật gì, để chỗ nào, chúng ta chưa biết vì chỉ đến ngoài cửa, hoặc mới vào trong một hai lần nên chưa quen thuộc.

Ở đây cũng vậy, khi Thạch Đầu gợi ý, Đặng Ẩn Phong cũng biểu hiện có công phu tương đối. Nhưng biểu diễn xong thầy kết lại, sư tuy có công phu nhưng chưa thực sự là chủ nhân trong nhà. Cuối cùng ngài trả lời không được. Công phu đến tầm đó nên chưa thể giải quyết dứt khoát bài toán thiền sư Thạch Đầu đưa ra.

Sau, nơi Mã Tổ một câu nói, Sư ngộ đạo.

Mặc dù vậy, sư vẫn bền chí tới lui tham vấn, dần dần công phu tăng tiến, chín muồi. Cho nên sau này đến chỗ Mã đại sư nghe một câu nói liền triệt ngộ.

Chỗ này phàm phu chúng ta không bì kịp. Vì mình dễ phiền não, trì trệ, chán nản bỏ tu luôn. Các thiền sư ngày xưa trong quá trình hỏi đạo, học đạo, hành đạo, đến vị thầy này chưa hoàn thành, chưa vào cửa được thì tìm thầy khác. Cứ mỗi lần gặp một bậc thầy, đến một pháp hội thì công phu được củng cố thêm. Giống như các vị tu thoại đầu, mỗi lần tham vấn khối nghi được đề khởi, nghi tình phát huy. Do nghi tình phát huy nên trong mọi thời khắc, tới lui qua lại công phu tăng tiến. Khối nghi đó ngày càng vững chắc, kiên cố. “Đại nghi đại ngộ” nghĩa là nghi lớn thì ngộ lớn.

Nuôi dưỡng phát huy nghi tình được hay không là do công phu của hành giả. Không nhất thiết phải ở tại pháp hội nào. Có thể từ pháp hội này được giới thiệu sang pháp hội khác, trong quá trình đó công phu vẫn miên mật, vẫn tăng tiến. Bởi tiến như vậy nên bất chợt nghe một câu, một lời gì đó, tự nhiên bùng vỡ.

Trong các sinh hoạt tế nhiệm, mình nhận ra chỗ chí thiết ấy. Chẳng có gì lạ, chỉ là mỗi ngày đi ăn cơm nhưng vẫn giữ công phu liên tục. Thời cơm, tụng kinh, tọa thiền, lao tác, không bỏ sót một thời tu học nào cùng đại chúng. Thầm thầm nuôi dưỡng khối nghi. Từ sự tinh tấn đều đặn với đại chúng hình thành một năng lực. Năng lực đó dồn thành khối nghi. Khối nghi đầy, cứng, có cơ hội là bùng vỡ.

Bất cứ duyên nào cũng có thể hỗ trợ cho chúng ta xong việc, với điều kiện mình luôn đầy đặn công phu. Tuy nhiên, người thời nay đa số lơi lỏng công phu. Nếu có tụng kinh cũng bỏ trống một khoảng dài trước và sau khi tụng kinh. Tọa thiền, thọ trai cũng thế. Nói điều này để huynh đệ chiêm nghiệm, cảm khái. Thời gian và cơ hội thuận lợi cho chúng ta tu hành mất đi không tìm lại được. Thế nhưng ta lại dễ dàng bỏ đi trân bảo quý báu của mình ngày qua ngày, không biết tiếc nuối.

Giả tỷ như buổi sáng có bốn việc phải làm, chúng ta thực hiện được một việc, còn lại ba việc bỏ trống. Chưa kể đến rất nhiều quãng trống giữa những công việc. Điều này cho thấy người thời nay năng lực kém. Bởi năng lực kém nên công phu chưa chắc thực, kiên cố, sâu dầy như các bậc thầy chỉ dạy.

Ngài Đặng Ẩn Phong nghe một câu nói từ Mã Tổ ngộ đạo, đó là do nuôi dưỡng công phu liên tục trong mọi thời, không bỏ trống thời nào. Cho đến cả khi đi vệ sinh cũng không rời công phu. Ngày xưa có một thiền sư không biết ngộ đạo thế nào, từ nhà xí đi ra quên mặc quần, đại chúng kinh ngạc nhưng Hòa thượng Đường đầu cười. Ngài cười cái gì? Mừng cho một hành giả đắc lực.

Ngài Hy Thiên nói ngươi bị cái đó trói buộc rồi. Cái đó là cái gì? Ăn mặc, ngủ nghỉ, đi lại, tiếp khách, tu hành v.v… trăm ngàn thứ. Mình bị cột, bị trói, bị còng, buông không được. Chúng ta chỉ sống với hình thức, giỏi chạy theo bên ngoài, phần nội tại bên trong vẫn còn thưa thớt yếu ớt lắm. Bao giờ chúng ta không bị cột trói bởi những sợi dây hình thức, phân biệt thì mới hoàn toàn làm chủ được, mới không bỏ lỗi việc chính.

Một hôm, Sư đẩy xe đất, Mã Tổ ngồi duỗi chân trên đường.

Sư thưa:

- Thỉnh thầy rút chân.

Mã Tổ bảo:

- Đã duỗi thì không rút.

- Đã tiến thì không lùi.

Sư bèn đẩy xe qua, cán chân Mã Tổ bị thương. Mã Tổ vào pháp đường cầm chiếc búa gọi:

- Vừa rồi ai đẩy xe cán chân Lão tăng bị thương, hãy ra đây!

Sư bước ra đưa cổ trước Mã Tổ. Mã Tổ liền dẹp búa.

Thầy thì duỗi không rút, trò thì tiến không lùi. Nhà thiền gọi là thầy trò xổ cờ xông trận. Đây là một cách bố giáo, hướng dẫn đệ tử trực chỉ ngay lúc đó vào chỗ đó. Vào một cách không chút sợ sệt, nghi nghờ, toan tính.

Làm được như ngài Ẩn Phong không phải dễ dàng. Đừng nói là thầy, chỉ một người huynh đệ nào đó sáng mai ngồi duỗi chân, mình đẩy xe ngang nói: “Thưa huynh làm ơn rút chân vô.” Tôn giả không rút chân thì ta cứ tiến: “Nếu không rút chân thì tôi cán đó.” Nói xong liền cán. Quý vị dám không? Chắc chưa dám. Tại sao? Bởi vì trong đầu mình quá nhiều toan tính. Cán rồi ai đưa đi bệnh viện đây, tiền đâu đền bù.

Nhiều huynh đệ chưa bệnh đã tính chuyện trị bệnh. Nghe nói bệnh u xơ nguy hiểm không có thuốc trị, mình không muốn bị u xơ bao giờ. Nhưng nếu lỡ bị u xơ, làm sao tìm được nơi trị u xơ tốt nhất, đặc biệt nhất, điều trị thuốc gì cho hết bệnh?... Vọng tưởng đầy ắp, cuối cùng thành ra u xơ thiệt. Nếu không u xơ trong thân thì cũng u xơ trong tâm. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật nói “Tất cả các pháp từ tâm sanh.” Ban đầu không có gì nhưng cứ tưởng tượng, lo lắng, suy nghĩ về nó nên trở thành hiện thực.

Bác sĩ giải thích do mình ăn hủ tíu mì nhiều quá nên máu có dầu. Bợn dầu này không chịu đi luôn trong mạch máu mà dính lại nơi các thành mạch. Bữa nay dính một chút, ngày mai dính một chút thành cái ụ, cái mô. Khi cái mô cao lên thì một bên ách tắc, một bên lại khô kiệt. Bên ách tắc thì máu dâng lên, bên khô kiệt chết tiệt vì máu chảy qua không được. Sau một thời gian, chỗ đó xơ vữa rồi vỡ ra, gọi là tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim gì gì đó. Đều là những bệnh khiến chúng ta không thở nổi. Không thở nổi thì chết. Chúng ta thường lo sợ như thế mà lại không biết bảo vệ đời sống của mình. Thân cũng như tâm đều bị thương tổn hao hụt vì sự phóng túng buông lung.

Các thiền sư dạy ngoài thân sanh diệt, chúng ta có cái tâm bất sanh bất diệt. Mình ngộ lắm, nghe nói có cái bất sanh bất diệt, cứ nghĩ nó ở trong này. Nghĩ như vậy thì quả thật mình bị u xơ quá lớn. U xơ đó tên là bất sanh bất diệt. Chúng ta bị lừa từ cái này qua cái khác. Cuối cùng tu như thế nào? Trị cái ngã.

Thấy được chỗ đó là nhắm đúng hồng tâm. Nhắm đúng mục tiêu như thái tử Sĩ-đạt-ta khi bắn tên. Ngài vui vẻ bước ra cầm cây cung. Người ta tưởng thái tử yếu đuối không cách gì giương nổi dây cung, nhưng trong dáng điệu mềm mại tươi tắn, ngài cầm cung kéo, không cần nhắm, nhẹ nhàng thả. Một mũi tên bay ra xuyên thủng tất cả các hồng tâm. Bởi việc làm này ngài đã thành thục, đã thuộc lòng nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên muốn nhận ra pháp thân thanh tịnh cùng khắp, chúng ta phải soi vào bên trong, lặn sâu xuống từng ngóc ngách để phá vỡ tự ngã. Đó mới là chính yếu.

Tóm lại, người tu hành cốt điều phục được bản ngã. Đừng sợ sệt, hãy mạnh dạn đối mặt với nó. Nhận rõ đây là gốc gác làm mê hoặc, lôi dẫn mình đi lang thang lưới thưới khắp cả trời đất, lên thiên đường cũng có, xuống địa ngục cũng chẳng không. Bây giờ, một là chúng ta lủi thủi theo nó, hai là dứt khoát từ bỏ không theo nó.

Đức Phật đã diễn tả ngay sau khi ngài thành đạo:

“Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay phải tái sanh.
Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Ngươi không làm nhà nữa.
Đòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.”

                    Pháp Cú 153-154

Ngài nói đã biết người làm nên ngôi nhà rồi, hôm nay không còn dựng lại nữa. Kèo cột tất cả đều bỏ hết. Ta tự tại, giải thoát, viên mãn. Phải vào được chỗ đó mới thực sự an ổn.

Cho nên chớ nghe nói bất sanh bất diệt liền nghĩ mình có cái bất sanh bất diệt, nghe nói có cái gì thì tưởng tượng cái đó. Như thế thì quả thật mình vướng mắc trên hình thức ngôn ngữ. Thiền sư thường nói mọi thứ đều giả tạm. Chính xác. Do vậy chúng ta đừng bị kẹt, bị vướng bởi những thứ đó. Phải tháo gỡ.

Trở lại việc đẩy xe. Nếu mình đẩy xe cán chân của thầy bị thương thì sợ quýnh, phải không? Nhưng riêng ngài Ẩn Phong bước ra đưa cổ. Mã Tổ thấy vậy dẹp búa. Màn diễn tới đó vừa đủ. Khóc cười tới đó cũng vừa. Khóc thêm chút nữa thành khóc dối, cười chút nữa ra ba trợn.

Sư đến chỗ Nam Tuyền Phổ Nguyện, thấy chúng Tăng đang tham vấn. Nam Tuyền chỉ tịnh bình bảo:

- Bình đồng là cảnh, trong bình có nước, chẳng được động đến cảnh, đem nước đến cho Lão tăng.

Sư bèn nắm tịnh bình đem đến trước mặt Nam Tuyền đổ nước.

Nam Tuyền bèn thôi.

Đây là việc làm của người đã đạt đạo. Cách ngài Nam Tuyền đặt vấn đề: Bình đồng là cảnh, trong bình có nước, chẳng được động đến cảnh, đem nước đến cho Lão tăng. Cái bình là gì? Nó bằng đồng, là cảnh. Trong bình có nước. Bảo đừng động đến cảnh đem nước tới. Nước ở trong bình để đằng kia, không cho động tới cái bình, kêu đem nước tới. Sư nắm tịnh bình đem nước tới trước mặt Nam Tuyền đổ ra. Một việc làm bình thường. Nam Tuyền bèn thôi.

Sư đến Quy Sơn vào nhà Tăng, cởi y bát bỏ chỗ Thượng tọa. Quy Sơn nghe Sư thúc đến, sửa soạn oai nghi vào nhà Tăng chào. Sư thấy Quy Sơn đến bèn làm thế nằm ngủ. Quy Sơn trở về phương trượng. Sư ra đi giây lâu, Quy Sơn hỏi thị giả:

- Sư thúc còn đó chăng?

Thị giả thưa:

- Đã đi.

- Khi đi có nói lời gì chăng?

- Không nói lời nào.

- Chớ nói không nói lời nào, tiếng kia vang như sấm.

Quy Sơn là đệ tử của Bách Trượng. Bách Trượng cùng thầy với ngài. Cho nên Quy Sơn phải gọi ngài Ẩn Phong là sư thúc.

Ngài đến Quy Sơn, vào nhà tăng cởi y bát bỏ chỗ Thượng tọa tức là vào liêu dành cho các bậc thượng tọa. Quy Sơn nghe sư thúc đến sửa soạn oai nghi đến chào. Sư thấy Quy Sơn đến bèn làm thế nằm ngủ, nằm ngủ là vô sự tăng rồi. Quy Sơn trở về phương trượng, ngài thức dậy ra đi. Sư ra đi hồi lâu, Quy Sơn hỏi thị giả Sư thúc còn đó chăng? Thị giả thưa đi rồi. Khi đi có nói lời gì không? Thị giả thưa không nói lời nào. Quy Sơn bảo chớ nói không nói lời nào, tiếng kia vang như sấm. Hòa thượng Trúc Lâm bảo đây là một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa. Một bài pháp rất đặc biệt.

Sư mùa Đông ở Hoành Nhạc, mùa Hạ dừng nơi Thanh Lương. Đời Đường khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806 - 821 TL), Sư định lên Ngũ Đài Sơn, đi đường đến Hoài Tây gặp Ngô Nguyên Tế khởi binh chống triều đình. Quân hai bên đang đánh nhau chưa phân hơn thua. Sư nghĩ: “Ta phải cứu nạn này”, bèn ném tích trượng trong hư không, phi thân bay qua. Tướng sĩ hai bên trông thấy, tâm tranh đấu dứt sạch, liền rút quân. Sư đã dùng phép lạ, ngại làm mê hoặc quần chúng, bèn vào Ngũ Đài Sơn nơi hang Kim Cang thị tịch.

Đây là một sự kiện đặc biệt khác. Ngày xưa, lãnh thổ Trung Hoa quá lớn nên thường có những nhóm quân binh cát cứ mỗi thôn ấp, huyện lỵ. Khi lực lượng đủ mạnh, họ cất quân đánh triều đình để mở rộng lãnh địa hoặc soán ngôi vua.

Ở đây nói Ngô Nguyên Tế khởi binh chống triều đình. Ngài đi qua nhìn thấy hai bên đang sáp chiến, nghĩ thương cho quân lính tướng sĩ. Họ không biết do đâu mà lại có cái riêng để rồi đánh nhau, chém giết nhau. Ngài khởi tâm muốn cứu giúp nên quăng cây tích trượng lên, phi thân bay qua. Quân binh thấy thế sợ quá bỏ chạy tán loạn, không còn thiết đánh nhau nữa. Thế là mỗi bên tự lui quân.

Thiền sư triển dụng thần lực từ tấm lòng từ bi vì thấy chúng sanh đang đối đầu để hơn thua, tranh đấu, sát phạt, không có phút giây dừng nghỉ. Là người đã xong việc, đã vô sự, nhìn thấy những cảnh như thế không chịu nổi. Bởi chịu không nổi nên tâm từ bùng phát. Ngài phóng tích trượng lên rồi phi thân bay theo cây tích trượng để chúng nhân ở dưới nhìn thấy, khiến tâm tranh đấu nguội lạnh. Đó là một cách độ người.

Tuy nhiên, ngài tự biết việc làm này trái với quy định Phật dạy. Đức Phật cấm không cho đệ tử dùng thần thông để giáo hóa chúng sanh. Phải dùng giáo pháp kích dương, nhắc nhở, dạy cho họ nhận được Phật tâm của mình, tuyệt nhiên không được thi triển thần lực. Cho nên ngài thầm bảo: “Mình đã vi phạm quy chế, nên vào Ngũ Đài Sơn hang Kim Cang thị tịch cho rồi.” Hang Kim Cang là nơi nào? Tương truyền đây là chỗ Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi thường thị hiện. Ngài Đặng Ẩn Phong quyết định vào đó để tịch.

Trước khi thị tịch, Sư hỏi chúng:

- Tôi thường thấy các vị tiền bối khi tịch hoặc ngồi, hoặc nằm, có vị nào đứng tịch chăng?

Chúng thưa:

- Có.

Sư hỏi:

- Có vị nào lộn ngược tịch chăng?

- Chưa từng thấy.

Sư bèn lộn ngược mà tịch, nhưng y phục vẫn nguyên vẹn như đứng. Chúng định để vào áo quan trà-tỳ, mà xô không lung lay. Dân chúng xa gần đồn đãi nhau kéo đến xem đông vô số. Sư có cô em gái xuất gia làm Ni cũng có mặt tại đây. Cô Ni ấy nắm thân Sư, vừa trách:

- Lão huynh ngày trước chẳng giữ luật, khi chết lại làm mê hoặc người.

Trách xong, cô xô một cái, thân Sư ngã xuống.

Chúng đem trà-tỳ lấy xá-lợi.

Việc ngài thị tịch cũng là một màn diễn kỳ đặc. Trước khi tịch, ngài hỏi đồ chúng lâu nay có người ngồi chết, có người nằm chết, vậy có người đứng chết chưa? Đứng chết chứ không phải chết đứng, hai cách chết khác nhau dù đều là đứng mà chết. Trong nhà thiền cũng có vị thị tịch trong tư thế đứng như ngài Thiện Chiêu Phần Dương và thị giả, hay là con trai của cư sĩ Bàng Uẩn. Cho nên ngài Ẩn Phong hỏi có vị nào lộn ngược tịch chăng? Chưa từng thấy. Sư bèn lộn ngược mà tịch.

Điều đó để thấy lực dụng của các bậc đạt đạo tự tại vô ngại. Các vị chứng A-la-hán đều đầy đủ 18 cách thần biến. Ngài chổng ngược mà những nếp áo vẫn xuôi theo, không bị lộn ngược. Chúng nhân hiện diện không ai có thể đỡ ngài xuống được. Chỉ sau khi cô em gái đến nói Sư huynh sống đã vi phạm Phật chế, bây giờ chết còn mê hoặc thiên hạ. Cô nói đúng. Vì vậy ngài mới chịu ngã xuống.

Phong cách thiền sư Đặng Ẩn Phong thật là đặc biệt, thông qua nhiều hình ảnh sự kiện trong cuộc đời của ngài. Từ khi mới bước chân vào trường thi Phật Giang Tây rồi Hồ Nam, một dọc dài cho đến lúc thị tịch. Bởi vì ngài không nói mà thường biểu hiện. Mã Tổ đưa chân thì ngài cán, tổ cầm búa thì ngài đưa cổ ra. Đến Nam Tuyền ngài đổ nước, đến Quy Sơn ngài làm thế ngủ. Gặp can qua thì phi thân cứu độ, đến khi chết lại lộn ngược mà tịch. Một loạt những hình ảnh kỳ đặc. Cuộc đời của ngài thật đúng như lời tổ Quy Sơn nói: “Chớ nói không nói lời nào, tiếng kia vang như sấm.”
 

[ Quay lại ]