headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Bảo Thông

tsbaothong12. Thiền sư Bảo Thông
(Đại Điên)

Không biết quê quán và tên tộc của Sư. Chỉ biết buổi đầu Sư đến tham vấn Thạch Đầu. Thạch Đầu hỏi:

- Cái gì là tâm ngươi?

Sư thưa:

- Nói năng là tâm.

 Bị Thạch Đầu nạt đuổi ra.

Hơn một tuần, Sư lại đến hỏi:

- Trước đó đã chẳng phải, ngoại trừ cái này, gì là tâm?

Thạch Đầu bảo:

- Trừ bỏ nhướng mày chớp mắt, đem tâm lại!

- Không tâm có thể đem lại.

- Nguyên lai có tâm sao nói không tâm? Không tâm trọn đồng với không.

Nghe câu nói ấy, Sư đại ngộ.

Thiền sư Bảo Thông sống ở núi Đại Điên nên người đời gọi ngài là Hòa thượng Đại Điên. Trong sử liệu không ghi chép quê quán cũng như tên tộc của Ngài. Chỉ biết khi đến tham vấn, thiền sư Thạch Đầu hỏi: Cái gì là tâm ngươi? Ngài đáp: Nói năng là tâm, trả lời như vậy nên chưa vô được cửa, vì thế bị thiền sư Thạch Đầu nạt đuổi ra.

Cái gì là tâm ngươi? Câu hỏi này hiện giờ cũng nên dành cho chúng ta. Nếu Hòa thượng Ân sư còn khỏe mạnh như thời gian trước đây, Ngài sẽ hỏi: “Hàng ngày con tu tập như thế nào? Tâm có yên không? Phải điều chỉnh làm sao để yên ổn tu hành, không bị vọng tưởng kéo lôi?”… Những câu hỏi này là một trong những phương cách Ngài dẫn dắt chúng ta vào cửa thiền.

Hơn một tuần sau, ngài Bảo Thông lại đến hỏi: Trước đó đã chẳng phải, ngoại trừ cái này, gì là tâm? Trước bảo nói năng là tâm không phải, vậy trừ ngoài nói năng cái gì là tâm. Thiền sư Thạch Đầu đáp: Trừ bỏ nhướng mày chớp mắt, đem tâm lại!, tức là trừ bỏ hết phương tiện, đem tâm lại đây. Ngài Bảo Thông đáp: Không tâm có thể đem lại. Tổ bảo: Nguyên lai có tâm sao nói không tâm? Không tâm trọn đồng với không. Như vậy là đã quá rõ. Nếu cho suy nghĩ phân biệt là tâm trọn là sai lầm. Nếu cho trừ ngoài suy nghĩ phân biệt không có tâm lại càng không đúng.

Phải biết tâm chân thật không thể dùng ngôn ngữ, suy nghĩ phân biệt có thể chỉ bày. Nghe Tổ chỉ dạy, Bảo Thông liền ngộ được chỗ chân thật ấy. Thường chúng ta chạy theo hành động bên ngoài rồi suy tưởng phân biệt nên không thể nhận ra chân tâm. Nếu người ngay chỗ nói năng hành động thấy được cái thật bên trong, đó là người khéo nhận. Nếu không khéo thì lầm theo vọng tưởng điên cuồng, còn khéo thì ngay nơi nhướng mày chớp mắt nhận ra tâm.

Một hôm Sư đứng hầu, Thạch Đầu hỏi:

- Ngươi là tăng tham thiền hay là tăng châu huyện?

Sư thưa:

- Tăng tham thiền.

- Sao là thiền?

- Nhướng mày chớp mắt.

- Trừ ngoài nhướng mày chớp mắt, đem “bản lai diện mục” (bộ mặt thật xưa nay) của ngươi ra trình xem?

- Trừ ngoài nhướng mày chớp mắt, thỉnh Hòa thượng xem con!

- Ta trừ xong.

- Con trình Hòa thượng rồi.

Thiền sư Thạch Đầu hỏi: Sao là thiền? Ngài đáp: Nhướng mày chớp mắt. Ở trên Ngài đã ngộ được lẽ đó nên đến đây mới trả lời như vậy. Vì muốn trắc nghiệm lại chỗ thấy của Bảo Thông nên thiền sư Thạch Đầu hỏi tiếp: Trừ ngoài nhướng mày chớp mắt, đem “bản lai diện mục” (bộ mặt thật xưa nay) của ngươi ra trình xem? Ngài đã thực sự thấy rõ ngay nơi nhướng mày chớp mắt có bản lai diện mục ẩn bên trong nên đáp: Trừ ngoài nhướng mày chớp mắt, thỉnh hoà thượng xem con! - Ta trừ xong, tức là ta đã biết ngươi rồi. Con đã trình tương tự với Hòa thượng. Như vậy thầy trò đã cảm thông nhau.

- Ngươi đã đem trình, tâm ta thế nào?

- Chẳng khác Hòa thượng.

- Không quan hệ việc ngươi.

- Vốn không vật.

- Ngươi cũng không vật.

- Đã không vật tức vật thật.

- Vật thật không thể được. Tâm ngươi thấy lượng ý chỉ như vậy phải khéo hộ trì.

Ngươi đã trình tâm xong rồi, còn tâm ta thì sao? Tâm con và tâm Hòa thượng không khác. Không quan hệ việc ngươi, ta là ta, ngươi là ngươi. Vốn không vật, nghĩa là tâm con và tâm thầy đều không phải vật. Ngươi cũng không vật. - Đã không vật tức vật thật. Thiền sư Thạch Đầu liền ấn chứng: Vật thật không thể được. Tâm ngươi thấy lượng ý chỉ như vậy phải khéo hộ trì, nghĩa là ông được rồi đó, ráng mà hộ trì.

Sau, Sư từ biệt Thạch Đầu đến Linh Sơn - Triều Châu, ở ẩn. Học chúng bốn phương quy tụ về khá đông.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Phàm người học đạo chẳng biết bản tâm nhà mình, đem tâm chỉ nhau mới có thể thấy đạo. Thấy nhóm người hiện thời phần nhiều chỉ nhận nhướng mày chớp mắt, một nói một nín, chợt nhận ấn khả cho là tâm yếu, đây thật là chưa rõ.

Nếu chỉ thấy tướng trạng bên ngoài như hành động, ngôn ngữ cho là tâm yếu thật cũng chưa đúng.

Nay ta vì các ngươi nói trắng ra, mỗi người phải lắng nghe nhận lấy: “Chỉ trừ bỏ tất cả vọng động tưởng niệm xét lường, tức chân tâm của ngươi.” Tâm này cùng trần cảnh và khi kềm giữ lặng lẽ hoàn toàn không dính dấp.

Ở đây Ngài dạy trừ bỏ tất cả vọng động tưởng niệm xét lường, cái đó là tâm chân thật. Tâm này cùng tâm duyên theo trần cảnh hoàn toàn không dính dấp nhau. Ngay trong hành động đi đứng, nói năng mà nhận ra tâm đó, tức chỉ cho chân tánh. Còn kềm giữ lặng lẽ cũng chưa phải là tâm chân thật.

Vì thế Hòa thượng Trúc Lâm thường dạy chúng ta phải buông tất cả, vừa dấy niệm liền buông. Đây chính là tôn chỉ của Ngài. Nghĩa là vừa có một niệm dấy khởi, buông ngay, đâu cần xét lường suy tưởng thêm, nhất là không để nó kéo mình đi. Cách tu này giản dị, dễ dàng quá phải không? Nếu nhất tâm và kiên quyết thì làm được thôi, việc này không hề khó. Cho nên phải làm chủ các dấy niệm, vừa khởi niệm buông ngay. Buông không được cũng phải buông!

Hòa thượng cũng dạy chúng ta phải vận dụng quán chiếu, phân tích, phẫu thuật những dấy niệm gắn chặt, không chịu tha cho mình. Thí dụ niệm nhớ mẹ thương mẹ, đây là loại tưởng niệm xét lường. Tuy nó không có tội lỗi gì nhưng nếu chạy theo nuôi dưỡng, nó sẽ dẫn mình đi xa. Trước nhất nó dẫn về nhà, loanh quanh trong nhà. Nhớ lại kỷ niệm ấu thơ bên ba mẹ, nhớ cái này cái kia khiến mình không nhớ tu nữa. Giờ phải làm sao? Nó vừa dấy lên phải phẫu thuật liền. Nó không thật mà mê lầm chạy theo rồi phiền não có phải dở chưa?

Cách hành trì không khó, chỉ tại chúng ta chưa chịu sống, chưa chịu nhận lại để áp dụng thôi. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chưa biết thương mình, chưa ngán sinh tử nên còn mơ thích chạy ra tìm kiếm bên ngoài. Không bị vọng tưởng kéo lôi là người tỉnh sáng; sống được với tâm thể rỗng rang không vướng mắc, không chạy theo vọng tưởng, không lầm vọng tưởng đó là người trí tuệ.

Trong nhà thiền thường nói “tâm cảnh như như” hay “tâm cảnh nhất như”. Kinh Lăng-nghiêm nói tâm là cái năng suy, cảnh là cái bị biết, cái sở tưởng. Cảnh vừa có một chút dấy khởi mà tâm không máy động thì tâm ở trong vị trí của tâm. Tâm cảnh không dính nhau gọi là tâm cảnh như như, mỗi cái ở trong vị trí riêng của nó. Trong khi thực tập công phu, nếu biết áp dụng trong bất cứ mọi thời điểm thì chúng ta sẽ nhận hiểu rõ điều này.

Tức tâm là Phật không đợi tu sửa. Vì cớ sao? Vì hợp cơ tùy chiếu, lặng lẽ tự dùng, tột chỗ dùng kia trọn không thể được. Bảo là diệu dụng chính là bản tâm, cần yếu hộ trì chớ nên dễ ngươi.

Tức tâm là Phật không đợi tu sửa, chỗ này nói thêm cho chúng ta biết cách áp dụng trong công phu. Tuy nói tức tâm là Phật nhưng trong nhà thiền thường nói trọn không thể được, nghĩa là không có gì cố định hết. Theo tinh thần kinh điển Đại thừa, nhất là tinh thần thiền tông, không có pháp nào cố định và thật, chỉ tùy thời tùy lúc. Cốt yếu chúng ta làm chủ được mình, sáng suốt không chạy theo các duyên là ổn rồi.

Thí dụ vọng tưởng nhớ mẹ làm mất thời gian, tu không tiến. Trong lòng khởi niềm thương nhớ bi thống, dần dần nó sẽ kéo mình xuống không vươn lên nổi. Nó là vọng tưởng chí cốt, vậy phải tìm cách trị. Nhưng cách trị nào cũng đều không cố định. Vì thế tinh thần Bát-nhã nói các pháp không cố định, trọn không thể được. Cũng như đói bụng có thể lấy cơm làm thức ăn chính, nhưng ngoài cơm còn có nhiều thứ khác trị được bụng đói. Vì thế chúng sanh đa bệnh vì đa sự đa duyên cho nên cũng có đa phương tiện cứu giúp là vậy.

Hợp cơ tùy chiếu, lặng lẽ tự dùng, tức gặp cảnh tùy cơ chiếu soi nhưng cái tịch vẫn không mất. Tột chỗ dùng kia trọn không thể được, nó không phải là tướng trạng để dùng mà là thể tịch tĩnh. Bảo là diệu dụng chính là bản tâm, cần yếu hộ trì chớ nên dễ ngươi, nói diệu dụng hay bản tâm cũng đều chỉ cho cái thể linh tri lặng lẽ, rỗng rang sáng suốt, hàng ngày hàng giờ chúng ta phải hộ trì cái đó.

Có vị tăng hỏi:

- Trong kia, khi người thấy nhau thì thế nào?

Sư đáp:

- Trước chẳng có trong kia.

- Trong kia thế nào?

- Chẳng hỏi câu ấy.

Nói trong kia thì phải có ngoài này. Có trong có ngoài tức chưa phải là người tìm thấy chỗ chân thật, còn trong đối đãi hai bên. Cho nên Ngài đáp không có trong kia, trong kia cũng không thế này thế khác.

Hàn Văn Công hỏi Sư:

- Hòa thượng tuổi được bao nhiêu?

Sư cầm xâu chuỗi giơ lên bảo:

- Hội chăng?

Văn Công thưa:

- Chẳng hội.

Sư bảo:

- Ngày đêm trăm lẻ tám.

Văn Công không hiểu trở về.

Thông thường đối với các thiền sư, chuyện hỏi tuổi là một điều tối kỵ. Tại sao? Vì các ngài không còn lệ thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai. Xâu chuỗi tượng trưng cho sự lặng lẽ tịch tịnh. Đưa xâu chuỗi lên nghĩa là không có một niệm. Do đó đâu biết bao nhiêu tuổi mà đoán. Vì thế ngài Văn Công không hội được. Tôi nghĩ lúc đó nếu không phải xâu chuỗi mà là cây phất tử cũng vậy. Người vào cửa được thì ngay đó hội và sẽ có những biểu hiện cho thấy thầy trò đã cảm thông nhau.

Hôm sau, Văn Công lại đến, vừa tới cửa gặp Thủ tọa, Văn Công thuật lại câu nói hôm qua của Sư, hỏi ý kiến thế nào. Thủ tọa vỗ răng ba cái. Văn Công vào trong gặp Sư, hỏi lại ý kiến hôm qua. Sư cũng vỗ răng ba cái.

Văn Công thưa:

- Nguyên lai Phật pháp không hai thứ.

Sư hỏi:

- Là đạo lý gì?

Văn Công thưa:

- Vừa đến hỏi Thủ tọa cũng như thế.

Sư gọi Thủ tọa hỏi:

- Phải ngươi đáp như thế chăng?

Thủ tọa thưa:

- Phải.

Sư đánh đuổi ra.

Ngày hôm sau, ngài Văn Công lại đến tham vấn. Ông thuật lại chuyện hôm qua cho Thủ tọa nghe và hỏi câu Ngày đêm trăm lẻ tám ý là sao. Thủ tọa nghe xong vỗ răng ba cái. Ông vào gặp thiền sư Bảo Thông cũng hỏi ý hôm qua. Thiền sư vỗ răng ba cái. Nơi đây thầy trò giống nhau nên nói Nguyên lai Phật pháp không hai thứ. Thiền sư nghe vậy hỏi lại: Là đạo lý gì? Văn Công thưa, vừa đến hỏi Thủ tọa cũng trả lời như vậy. Thiền sư liền đánh Thủ tọa rồi đuổi ra. Tại sao vậy?

Văn Công hỏi tại sao thiền sư Bảo Thông nói ngày đêm trăm lẻ tám, Thủ tọa biết ý này nên vỗ răng ba cái. Đây là cơ phong đặc biệt của thầy tổ dùng để chuyển hóa người học trò đương thời, nếu nói toạc ra thì không còn gì để chuyển hóa nữa. Cho nên Thủ tọa bị đánh đuổi ra.

Lại một hôm Văn Công đến bạch Sư:

- Đệ tử ở quận châu nhiều việc, xin Thầy cho một câu tóm tắt hết Phật pháp.

Sư lặng thinh.

Văn Công mờ mịt.

Lúc ấy Tam Bình làm thị giả đứng hầu, bèn gõ giường thiền ba cái.

Sư hỏi:

- Làm gì?

Tam Bình thưa:

- Trước lấy định động, sau lấy trí nhổ.

Văn Công thưa:

- Môn phong Hòa thượng cao vót, đệ tử từ bên thị giả được chỗ vào.

Hôm khác Văn Công lại đến thưa hỏi, xin thiền sư cho một câu tóm tắt hết Phật pháp. Thiền sư lặng thinh không đáp vì thế ông mờ mịt không biết đường vào. Ngài Tam Bình thấy vậy gõ giường thiền ba cái, đáp: Trước lấy định động, sau lấy trí nhổ. Cách trả lời này gần nghĩa với chuyện ngài Thủ tọa vỗ răng ba cái. Văn Công nhận được ý chỉ từ ngài Tam Bình nên thưa: Môn phong Hòa thượng cao vót, đệ tử từ bên thị giả được chỗ vào.

Có vị tăng hỏi:

- Biển khổ sóng to lấy gì làm thuyền bè?

Sư bảo:

- Lấy cây làm thuyền bè.

- Thế nào được qua?

- Người mù nương kẻ mù trước, người câm nương kẻ câm trước.

Không biết Sư tịch lúc nào và nơi nào.

Hỏi: Biển khổ sóng to lấy gì làm thuyền bè? Đáp: Lấy cây làm thuyền bè, rất đơn giản. Hỏi tiếp: Thế nào được qua? Ngài đáp: Người mù nương kẻ mù trước, người câm nương kẻ câm trước. Nghe câu này chắc rằng chúng ta sẽ nói không tìm thấy đạo lý gì trong đó. Nhưng nghiệm lại thấy ý nghĩa rất hay. Người mù hàm nghĩa thấy mà không thấy, còn người câm thì nói mà không nói. Nghĩa là thấy biết, nghe biết thôi không khởi tâm phan duyên, phân biệt. Tự tại không vướng mắc thì an ổn. Do đó cần nương những người như vậy sẽ qua được biển khổ. Nếu không phải người nhạy bén khó mà nhận ra được ý chỉ của thiền sư qua các cách đối đáp như thế.

Sử liệu không ghi chép thời gian cũng như địa điểm nơi thiền sư Bảo Thông thị tịch. Ngài còn có hiệu khác là hòa thượng Đại Điên. Ngài vốn có chủng Phật sâu dày từ trước, ngay từ nhỏ đã thể hiện một nhân cách siêu xuất. Vì thế bước chân vào đạo sớm ngộ được tâm tông. Cách dạy thiền của Ngài cũng rất đặc biệt, qua những nhân duyên đối đáp dạy dỗ cho đệ tử môn hạ đã thể hiện được điều đó. Rất tiếc chúng ta không tìm thêm được nhiều sử liệu khác về Ngài.
 

[ Quay lại ]