headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/11/2024 - Ngày 19 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Hy Thiên

tsthachdau7. Thiền sư Hy Thiên - (Thạch Đầu)
(695 - 785)


Sư họ Trần, quê ở Cao Yếu, Đoan Châu. Lúc thọ thai Sư, mẹ thích ăn chay, không ưa đồ mặn. Khi còn hài nhi, Sư tự sinh hoạt lấy, không phiền mẹ săn sóc. Đến lớn khôn, Sư tự an ổn vui tươi, không khi nào tỏ vẻ không bằng lòng người.

Ở thôn Động Liêu, dân chúng sợ quỷ thần nên lập nhiều miếu thờ, thường họp nhau mua rượu làm bò tế lễ. Một hôm, đi chơi thấy dân chúng tế lễ, Sư bèn phá miếu giật bò đem về. Đến tuổi vài mươi, Sư từ giã quyến thuộc đi xuất gia.

Đoạn này giới thiệu thời kỳ ấu thơ của ngài Hy Thiên. Ngài họ Trần, quê ở Cao Yếu, Đoan Châu. Lúc thọ thai Sư, mẹ thích ăn chay, không ưa đồ mặn. Đây là điềm lành, mẹ Ngài đã mang trong lòng thai nhi đặc biệt nên từ khi thọ thai không thích ăn gì khác ngoài thức ăn chay.

Thuở ấu thơ, Sư tự sinh hoạt lấy không phiền mẹ săn sóc. Đây cũng là một điều hết sức đặc biệt. Nghe qua có vẻ bình thường nhưng chúng ta không ai làm được. Trong sử các thiền sư, nhiều vị xuất thân cũng có hiện tướng đặc biệt. Có thiền sư lúc nhỏ thường ngồi ngay thẳng, hai tay xếp lại như Phật ngồi. Nhiều vị luôn hướng về phương Tây, phương của thế giới Cực Lạc. Tông Tịnh độ hay có những vị đặc biệt, có duyên với đức Phật A-di-đà nên khi còn hài nhi luôn nằm nghiêng bên phải, đầu tự quay về phương Tây.

Đến lớn khôn, Sư tự an ổn vui tươi, không khi nào tỏ vẻ không bằng lòng người. Lại thêm một điểm khó có ai trong chúng ta có được. Những đứa bé thường vòi vĩnh, không hài lòng với mẹ, còn Ngài không bao giờ có biểu hiện bất như ý.

Nghe Lục tổ Huệ Năng đang giáo hóa tại Tào Khê, Sư tìm đến thọ giáo. Lục Tổ độ Sư làm đệ tử. Sư chưa thọ giới Cụ túc, cũng chưa đạt đạo, Tổ đã báo tin sắp tịch, Sư hỏi Tổ:
- Sau khi Hòa thượng viên tịch, con phải nương tựa nơi ai?
Tổ bảo:
- Tầm Tư đi.
Tổ tịch rồi, mỗi ngày Sư đến bên cạnh tháp ngồi tư duy đến quên cả ăn ngủ. Có vị thượng tọa thấy thế hỏi:
- Thầy đã tịch, ngươi làm gì ngồi đây mãi?
Sư thưa:
- Trước khi thầy tịch, tôi hỏi chỗ nương tựa, thầy dạy tầm tư, nên tôi ngồi tư duy.
Thượng tọa bảo:
- Ngươi có Sư huynh hiệu Hành Tư đang ở núi Thanh Nguyên, nên đến đó nương tựa, thầy dạy đã rõ, ngươi còn nghi gì?
Nghe lời dạy này, Sư thu xếp đồ đạc, tìm đến núi Thanh Nguyên ra mắt Thiền sư Hành Tư([1]).

Khi đến đạo tràng Tào Khê gặp Lục tổ Huệ Năng, ngài Hy Thiên được Tổ độ xuất gia, thọ giới sa-di. Chưa thọ đến cụ túc, Lục Tổ báo tin sắp tịch, Ngài bình tĩnh thưa hỏi nơi mình sẽ y chỉ. Lục Tổ bảo: Tầm Tư đi. Sau đó, Sư ở hầu bên cạnh tháp thầy quên cả ăn ngủ. Điểm này thể hiện Ngài là người có ý chí. Nhưng vì lúc này quá nhỏ, chưa thể nhận được yếu chỉ của Tổ nên cứ y như lời thầy dạy, mỗi ngày ra tháp Tổ ngồi suy gẫm, quên cả ăn ngủ.

May thay, có một thượng tọa hỏi: Thầy đã tịch, ngươi làm gì ngồi đây mãi? Ngài liền đó thưa rõ sự duyên. Thượng tọa bảo: Ngươi có Sư huynh hiệu Hành Tư đang ở núi Thanh Nguyên, nên đến đó nương tựa, thầy dạy đã rõ, ngươi còn nghi gì? Nghe lời dạy này, ngài Hy Thiên thu xếp hành lý, lên núi Thanh Nguyên ra mắt thiền sư Hành Tư.

Khi Tổ còn trụ thế, được hầu bên cạnh Tổ, Ngài cũng hết sức bình thường. Đến ngày thầy báo tin sẽ không còn trụ thế, lúc này Ngài có lo nên đến hỏi thầy. Thầy dạy rồi, Ngài làm theo cũng với tâm bình thường, không hề cảm thấy hoảng sợ, lo lắng hay khóc than. Đây là điểm chung của những người tự tại trước sanh tử.

Mục đích của người tu thiền chính là đạt đến chỗ sanh tử tự tại. Chúng ta do sanh chưa tự tại nên khi báo tử cũng không tự tại. Chưa nói đạt đến Niết-bàn, những chỗ chứng đắc cao siêu hay cảnh giới đặc biệt nào, chúng ta chỉ cần tự tại trong cuộc sống, giữa đời thường để đến khi không còn mang thân tứ đại này nữa ta cũng tự tại ra đi. Cuộc sống hiện tại từng phút, từng giây đều đáng sống, nếu chúng ta an vui, làm chủ được thì đời sống tu hành sẽ rất có ý nghĩa.

Một hôm thiền sư Hành Tư hỏi:
- Có người nói Lãnh Nam có tin tức.
Sư thưa:
- Có người không nói Lãnh Nam không có tin tức.
- Nếu thế, đại tạng tiểu tạng từ đâu mà ra?
- Thảy từ trong ấy, trọn không thiếu việc lạ.
Thiền sư Hành Tư gật đầu.

Hai thầy trò ứng dụng lối đối đáp trung thành với Lục Tổ dạy để không mắc kẹt có và không. Nếu nói có thì dùng không đáp, nói không dùng có đáp. Người ở ngoài nghe không thể hiểu nhưng người trong cuộc cảm thông nhau dễ dàng.

Thiền sư Hành Tư nói nếu không có tin tức thì đại tạng, tiểu tạng từ đâu mà ra? Hy Thiên đáp: Thảy từ trong ấy, trọn không thiếu việc lạ. Thảy từ trong ấy, nói gọn là trong một tấc vuông, cũng tức là trong cả bầu trời. Thiền sư Hành Tư gật đầu, chấp thuận Ngài đủ tư cách vào cửa.

Đời Đường niên hiệu Khai Nguyên thứ 16 (728 TL), Sư đến La Phù thọ giới Cụ túc. Niên hiệu Thiên Bảo năm đầu (742 TL), Sư tìm đến Hoành Nhạc tại Nam Tự, cạnh chùa phía đông có gộp đá cao giống như cái đài, Sư lên đó cất am tranh ở. Thời nhân kính trọng Sư nên gọi là Hòa thượng Thạch Đầu.

Một hôm, thượng đường dạy chúng, Sư bảo:

- Pháp môn của ta do Phật trước truyền trao, không luận thiền định tinh tấn, chỉ đạt tri kiến Phật, tức tâm tức Phật. Tâm, Phật, chúng sanh, Bồ-đề, phiền não tên tuy khác mà thể vẫn đồng. Các ngươi nên biết, thể tâm linh của mình lìa tánh đoạn và thường, không phải nhơ sạch, lặng lẽ tròn đầy, phàm thánh ngang bằng nhau, ứng dụng không lường, lìa tâm ý thức, ba cõi sáu đường chỉ do tâm hiện, như trăng đáy nước, bóng trong gương, đâu có sanh diệt. Các ngươi khéo biết nó thì không gì chẳng đủ.

Pháp môn của ta do Phật trước truyền trao, không luận thiền định tinh tấn, chỉ đạt tri kiến Phật, tức tâm tức Phật. Chủ yếu của pháp môn này chỉ thẳng cho chúng ta thấy tức tâm là Phật.

Tâm, Phật, chúng sanh, Bồ-đề, phiền não tên tuy khác mà thể vẫn đồng. Cho dù có bao nhiêu tên, bao nhiêu tướng trạng nhưng xét về bản thể không khác.

Các ngươi nên biết, thể tâm linh của mình lìa tánh đoạn và thường, không phải nhơ sạch, lặng lẽ tròn đầy, phàm thánh ngang bằng nhau, ứng dụng không lường, lìa tâm ý thức, ba cõi sáu đường chỉ do tâm hiện, như trăng đáy nước, bóng trong gương, đâu có sanh diệt. Các ngươi khéo biết nó thì không gì chẳng đủ. Nhận ra cái đó rồi mới biết tất cả tam giới lục đạo đều từ trong ấy mà ra. Tam giới lục đạo chỉ là bóng trong gương, trăng đáy nước có gì là thật mà ta mắc kẹt, đắm chìm. Nhận được như vậy cái gì cũng sẵn đủ nơi mình, khỏi tìm kiếm đâu xa.

Ngài diễn tả chân thể thanh tịnh của mình chính là tâm thể rỗng rang sáng suốt. Nó không có hình thức, không phải một thứ gì có thể chỉ ra được. Tâm thể rỗng rang sáng suốt ấy được Hòa thượng Trúc Lâm nhiều năm giảng giải, chỉ vẽ cho chúng ta. Mình chỉ biết danh nghĩa, ý tư từ sự giảng giải đó, từ ngón tay chỉ mặt trăng đó nhưng mặt trăng thật thì vẫn chưa nhận được.

Năng dụng của ngón tay là để chỉ chân lý, tức là chỉ mặt trăng. Muốn biết mặt trăng thật phải nương theo sự chỉ dẫn của ngón tay. Hành giả nhận ngón tay cho là mặt trăng, như vậy không những làm hỏng ngón tay mà cũng không bao giờ biết được mặt trăng thật của chính mình.

Ngay trong thân chúng ta, ngoài những cái sanh diệt còn có cái bất sanh bất diệt. Nếu nhận thân này thật, là chúng ta đã lầm. Tu tập như thế nào để nhân nơi thân giả tạm này ta nhận ra được cái chân thật bất sanh bất diệt của chính mình. Chúng ta phải ráng tu, phải ngồi thiền. Không phải ngồi thiền mới nhận ra được, nhưng không thể không ngồi thiền. Tụng kinh, tọa thiền, học Phật pháp… những nghi biểu đó đều là phương tiện để dẫn chúng ta tới đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.

Lúc nào trong lòng cảm thấy buồn vui chất ngất, cảm thấy mưa nắng chịu không nổi, chúng ta càng phải phấn đấu. Đừng khởi suy nghĩ “Mình kể như không làm được gì rồi” mà càng phải cố gắng thì việc mới thành. Ngay hiện tại đây chúng ta phải làm chủ được sanh, phải an lạc đến khi tử mới làm chủ được. Bài học này ngày xưa huynh đệ chúng tôi học được nơi Hòa thượng Trúc Lâm trong những ngày tháng đầu ở trên núi.

Đệ tử Đạo Ngộ hỏi:
- Ý chỉ Tào Khê người nào được?
Sư đáp:
- Người hội Phật pháp được.
- Thầy được chăng?
- Ta không hội Phật pháp.

Qua đoạn thầy trò đối đáp nhau chúng ta thêm một chút hiểu biết về phương pháp thể hội chỗ đó. Câu nói Ta không hội Phật pháp thật ra là một câu khẳng định đã hội Phật pháp.

Đây là chỗ khéo của thiền sư. Nếu nói ta hội thì tất nhiên ta có được. Như vậy sẽ rơi vào sở đắc. Sở đắc là dã can kêu chứ không phải sư tử rống. Không bao giờ chấp nhận có cái được, nếu chấp nhận có cái được là bị kẹt.

Có vị tăng hỏi:
- Thế nào là giải thoát?
Sư đáp:
- Ai trói ngươi?

Ai trói mình mà đòi giải thoát? Tâm cảnh không dính nhau là giải thoát. Muốn giải thoát thì tự mình đừng cho dính mắc, chứ đâu có ai trói buộc mà đòi người ta cởi trói. Chỉ cần chúng ta thấy không bị trói buộc là giải thoát, còn trói buộc là còn trầm luân.

- Thế nào là Tịnh độ?
- Cái gì làm nhơ ngươi?
- Thế nào là Niết-bàn?
- Ai đem sanh tử cho ngươi?

Hỏi Niết-bàn lấy sanh tử đáp, hỏi tịnh lấy nhơ đáp. Ngài Hy Thiên rất khéo ứng dụng nguyên tắc của Lục Tổ.

Sư hỏi vị tăng mới đến:
- Từ đâu đến?
Tăng thưa:
- Từ Giang Tây đến.
- Thấy Mã đại sư chăng?
- Dạ thấy.
Sư bèn chỉ khúc cây bảo:
- Mã đại sư sao giống cái này?

Tăng không đáp được, trở về thuật lại Mã Tổ.

Vị tăng này còn một chút chưa thông nên khi bị gạn lại thì trả lời không được. Ngài hỏi Thấy Mã đại sư chăng? Dạ thấy. Mã đại sư là cái gì mà thấy, nên Ngài mới chỉ gốc cây nói Sao Mã đại sư giống cái này? Vị Tăng không trả lời được. Đây là những thuật đặc biệt của các thiền sư.

Tăng hỏi:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?
Sư đáp:
- Hỏi cây cột cái đi!
- Con không hội.
- Ta cũng chẳng hội.

Ý Tổ sư từ Ấn Độ sang mỗi người trả lời mỗi cách cũng đều theo kiểu điếc lỗ tai. Ngài Trí Nhàn ở Hương Nghiêm trả lời bằng cách giả sử như có người trèo lên cây cao, miệng ngậm cành cây, tay chân không bám vào đâu. Lúc đó chợt có người dưới gốc cây hỏi Ý Tổ sư từ Ấn Độ sang như thế nào? Người đó nên đáp làm sao? Vừa há miệng thì rớt xuống hố thẳm. Vậy nên đáp hay không nên đáp? Nếu không đáp thì phụ lòng người hỏi, còn đáp thì tan thân mất mạng.

Vì vậy ở đây ngài Hy Thiên bảo: Hỏi cây cột cái đi! Người kia nói: Con không hội. Ngài đáp: Ta cũng chẳng hội. Đây là lối đáp rất tài tình. Ai hiểu sao thì hiểu.

Đại Điên hỏi:
- Nói có nói không là hai cái đáng chê, xin Thầy trừ?
Sư đáp:
- Một vật cũng không, trừ cái gì?

Thật là câu đáp hay đáo để, đúng là bản lai vô nhất vật. Đã vô nhất vật thì trừ cái gì?

Sư lại hỏi:
- Dẹp bỏ cổ, họng, môi, lưỡi, ngươi nói đi?
Đại Điên thưa:
- Không cái ấy.
Sư bảo:
- Như thế là ngươi được vào cửa.

Ngài Hy Thiên hỏi ngài Đại Điên: Dẹp bỏ cổ, họng, môi, lưỡi, ngươi nói đi? Như vậy làm sao nói. Đại Điên thưa: Không cái ấy. Ngài bảo: Như thế là ngươi được vào cửa. Chúng ta thường dùng ngôn ngữ biện biệt lý phải quấy. Ngôn ngữ xuất phát từ cổ, họng, môi, lưỡi, đó là pháp nhân duyên sanh diệt. Mà pháp nhân duyên sanh diệt làm sao nói được cái bất sanh bất diệt kia. Cho nên khi bảo dẹp bỏ những thứ đó, nói một câu thì ngài Đại Điên bảo: Không cái ấy. Không cái ấy tức là không có những cái thuộc về sanh diệt. Nếu không có cái thuộc về sanh diệt, tất nhiên người đó vào cửa được.

Đạo Ngộ hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư đáp:
- Không được, không biết.
- Tiến lên lại có chỗ chuyển hay không?
- Hư không dài không ngại mây trắng bay.

Hư không dài không ngại mây trắng bay. Một câu trả lời đẹp như bầu trời buổi chiều mát mẻ. Đây là tâm thể rỗng rang sáng suốt mặc tình bay, hỏi cái gì?

Không được là vô sở đắc, không biết là không phân biệt. Không phân biệt và không sở đắc, đó là nắm được đại ý Phật pháp. Các tổ luôn tránh cái nói được, coi đó như một điều tối kỵ. Người học đạo bây giờ cứ vỗ ngực ta được cái này, cái kia. Vì vậy không qua khỏi cửa này.

Ngài Đạo Ngộ hỏi thêm: Tiến lên lại có chỗ chuyển hay không? Không được, không biết, chỗ đó coi như phủ nhận, bây giờ còn có chỗ chuyển hay không, tức là còn cái gì khẳng định trong đó hay không. Ngài đáp: Hư không dài không ngại mây trắng bay. Trong hư không có ngăn mây trắng bay không? Tự do mà bay. Như vậy trong cái không có sở đắc, không có phân biệt ấy, nếu chúng ta vượt qua rồi sẽ tự tại như mây bay trong bầu trời không.

Sư ở Nam Nhạc có nhiều vị thần linh hiện ra nghe pháp và xin thọ quy giới.

Những đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh đều có các vị thiện thần hộ pháp, hộ giáo, hộ giới ủng hộ đời sống sinh hoạt tu học, bảo vệ đạo tràng. Các vị này hiện ra nghe pháp và xin làm đệ tử của ngài Hy Thiên.

Đời Đường niên hiệu Quảng Đức năm thứ 2 (763 TL), đệ tử thỉnh Sư xuống Lương Đoan xiển hóa. Từ đây, hóa chủ Hồ Nam là Thạch Đầu, hóa chủ Giang Tây là Mã Tổ.

Thạch Đầu và Mã Tổ là hai vị thiền sư nổi tiếng nhất đương thời. Người ta coi đạo tràng của hai ngài ở Hồ Nam và Giang Tây là hai trường dạy làm Phật. Hai ngài thông cảm, hỗ tương nhau. Học nhân tới, các ngài thấy bên đây không phải duyên thì làm đệ tử bên kia, qua bên kia thấy không hợp thì làm đệ tử bên đây.

Đến ngày rằm tháng chạp niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ 6 (785 TL), Sư viên tịch, thọ 91 tuổi, 63 tuổi hạ. Vua sắc ban là Vô Tế đại sư, tháp hiệu Kiến Tướng.

Sư trước tác một thiên Tham Đồng Khế có chú giải lưu hành khá rộng, lại có làm một bài ca Thảo Am:

THẢO AM CA

Ngô kết thảo am vô bảo bối,
Phạn liễu tùng dung đồ thùy khoái,
Thành thời sơ kiến mao thảo tân,
Phá hậu hoàn tương mao thảo cái.
Trụ am nhân, trấn thường tại,
Bất thuộc trung gian dữ nội ngoại,
Thế nhân trụ xứ ngã bất trụ,
Thế nhân ái xứ ngã bất ái.
Am tuy tiểu, hàm pháp giới,
Phương trượng lão nhân tương thể giải,
Thượng thừa Bồ-tát tín vô nghi,
Trung hạ văn chi tất sanh quái.
Vấn thử am, hoại bất hoại?
Hoại dữ bất hoại chủ nguyên tại,
Bất cư nam bắc dữ đông tây,
Cơ thượng kiên lao dĩ vi tối.
Thanh tùng hạ, minh song nội,
Ngọc điện châu lâu vị vi đối,
Nạp bì mông đầu vạn sự hưu,
Thử thời sơn tăng đô bất hội.
Trụ thử am, hưu tác giải,
Thùy khoa phô tịch đồ nhân mãi,
Hồi quang phản chiếu tiện quy lai,
Khoách đạt linh căn phi hướng bối.
Ngộ Tổ sư, thân huấn hối,
Kết thảo vi am mạc sanh thối,
Bách niên phao phước nhậm tung hoành,
Bãi thủ tiện hành thả vô tội.
Thiên chủng ngôn, vạn ban giải,
Chỉ yếu giáo quân trường bất muội,
Dục thức am trung bất tử nhân,
Khởi ly nhi kim giá bì đại.

Dịch:

BÀI CA THẢO AM

Tôi cất am tranh không của báu,
Ăn xong thong thả ngủ ngon lành,
Khi thành nhìn thấy cỏ tranh xanh,
Lúc hỏng lại tìm cỏ tranh lợp.
Người chủ am vẫn mãi còn,
Không thuộc khoảng giữa chẳng ngoài trong,
Chỗ trụ người đời, ta chẳng trụ,
Chỗ yêu người đời, ta chẳng yêu (ưa).

Đoạn thứ nhất diễn tả cái am của Ngài ở, đoạn thứ hai diễn tả ông chủ trong am. Am tuy có mục có hư, có mới có cũ còn người chủ am không có mục hư, mới cũ. Người chủ am cũng không thuộc trong, ngoài, giữa, ba chỗ tìm không ra. Chủ am không trụ chỗ người đời trụ, không yêu chỗ người đời yêu.

Am tuy nhỏ, trùm pháp giới,
Lão già phương trượng mới hiểu tường,
Bồ-tát thượng thừa tin chẳng ngại,
Trung hạ nghe đây ắt lạ kỳ.
Hỏi am này, hoại chẳng hoại?
Hoại cùng chẳng hoại chủ mãi còn,
Chẳng ở đông tây hoặc nam bắc,
Nền móng vững vàng là rất chắc.

Đoạn thứ ba nói am đó không còn là am hoại như trước mà là am bất hoại. Dù hoại hay không hoại, chủ còn nguyên.

Dưới tùng xanh, trăng rọi song,
Điện ngọc lầu châu chưa dám đối,
Màn che chăn đắp muôn việc thôi,
Khi này sơn tăng toàn chẳng hội.

Cảnh nhàn hạ của người trong am, dưới tùng xanh, ở trong cửa sổ trăng rọi sáng. Am thanh tịnh mát mẻ, trăng rọi sáng ngời, dù cho ở thế gian đem lầu châu điện ngọc tới đổi cũng không bì không đổi. Khi đó nằm nghỉ có màn che, có chăn phủ, muôn việc đều nhàn hạ, cũng không có gì để phân biệt, hiểu biết nữa. Chúng ta có am đó hay không? Có thì lo gì nghèo, lầu châu điện ngọc đổi không nổi.

Ở am này, thôi khởi nghĩ,
Ai khéo trải chiếu mời người mua,
Hồi quang phản chiếu là trở về,
Đạt suốt linh căn không theo bỏ.

Ở trong am này chớ khởi ra cái hiểu biết. Nếu khởi tức là bệnh, không được ở trong am. Xoay ánh sáng chiếu lại nơi mình liền trở về linh căn, tức cội linh, rỗng suốt không có cái gì tiến tới, không có cái gì lùi lại. Hướng là nhắm đó mà tiến tới, bối là bỏ đó mà lùi lại.

Người nào muốn ở am ấy đừng có khởi hiểu biết, khởi phân biệt. Không khởi hiểu biết, phân biệt thì mặc tình cho ai có trải chiếu bán mời người mua. Trong nhà chùa, các nơi giảng đạo gọi là pháp tịch. Mỗi khi giảng đạo có mời đồ chúng tới nghe, kẻ khen hay, người chê dở v.v… chẳng khác nào cửa hàng, cổ động khuyến khích người mua.

Chúng ta chỉ có một việc là hồi quang phản chiếu, quay ánh sáng lại chiếu soi nơi mình, đó là chỗ nên trở về. Khi đó mình sẽ đạt được cội linh rỗng suốt không còn đối đãi.

Gặp Tổ sư, thân chỉ dạy,
Kết cỏ làm am chớ thoái lui,
Trăm năm bỏ sạch mặc tung hoành,
Buông thõng tay đi vẫn không tội.

Ngộ được lời dạy bảo của Tổ sư rồi, kết cỏ làm am không sanh lui sụt. Việc trăm năm ném sạch đi thì ta mặc tình tung hoành ngang dọc. Buông thõng tay xuống đi vẫn không có gì tội lỗi. Chúng ta sống ở đây ôm ấp việc trăm năm, giữ hoài không bỏ. Việc gì xảy ra năm nào cũng không quên, nhớ quá khứ, hiện tại, vị lai cho nên tâm điên đảo cả ngày. Tất cả những cái đó quăng hết đi thì mặc tình ngang dọc. Được như vậy là buông thõng tay đi không có gì tội lỗi. Còn nhớ còn ghi vẫn còn tội lỗi.

Ngàn thứ nói, muôn điều hiểu,
Chỉ cốt dạy anh thường chẳng muội,
Muốn biết không chết, người trong am,
Đâu rời đãy da hiện nay có.

Ngàn lời nói, muôn điều hiểu cốt yếu là chỉ dạy anh đừng có mê. Muốn biết người bất tử trong am đó ở đâu? Thật ra họ không rời đãy da hiện giờ.

Dưới tùng xanh, trăng rọi song. Mình ở trong am cỏ mà trăng rọi vào, các cõi thần tiên không dám đối.

Muốn biết không chết, người trong am, đâu rời đãy da hiện nay có. Tức là muốn nhận ra cái bất sanh bất diệt nơi mình thì không thể rời thân tứ đại mà tìm được. Thân này là đãy da hôi thối nhưng muốn giác ngộ thành Phật vẫn phải nương nó để tu hành. Vì vậy, có bệnh phải dùng thuốc, thuốc đắng hoặc khó uống cách nào cũng phải uống để có thân khỏe mạnh tu hành, thành tựu được thân bất sanh bất diệt là pháp thể của mình. Nếu người không hiểu rõ sẽ hủy hoại thân này. Người đời có khi mê muội, gặp thất bại, bế tắc, không có lối thoát liền hủy hoại thân. Chết rồi theo nghiệp dẫn đi trong tăm tối lầm lũi vào các đường khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, quay trở lại trả nợ cũ.

Chúng ta sẽ còn gặp rất nhiều những bài ca của chư tổ, các thiền sư. Hãy phổ những lời ca, lời kinh này vào trong âm điệu của sinh hoạt đời thường, để thay dần những âm ba lạc điệu trong bản hòa tấu của thiên niên tĩnh tại.
------------------------------------------
([1]) Phần đối đáp khi Sư đến núi Thanh Nguyên, xem lại bài Thiền sư Hành Tư.
 

[ Quay lại ]