headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 24/04/2024 - Ngày 16 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Hoài Nhượng

tsnamnhac2. Thiền sư Hoài Nhượng
ở Nam Nhạc 1 (677 - 744)

Sư họ Đỗ, quê ở Kim Châu, sanh ngày mùng 8 tháng 4 đời Đường niên hiệu Nghi Phụng năm thứ 2 (677 TL). Được 15 tuổi, Sư theo luật sư Hoàng Cảnh ở chùa Ngọc Tuyền đất Kinh Châu xuất gia.
Sau khi thọ giới Cụ túc, Sư học tập tạng Luật. Một hôm, Sư tự than: “Phàm người xuất gia phải vì pháp vô vi, trên trời và nhân gian không gì hơn được!”

Pháp vô vi tức tâm pháp, người xuất gia phải vì pháp vô vi nghĩa là phải đạt được giác ngộ giải thoát. Cho nên học Phật chính là học tâm.
Bạn đồng học là Thản Nhiên biết Sư có chí cao siêu, khuyên Sư cùng đi đến yết kiến hòa thượng Huệ An ở Tung Sơn. Hòa thượng Huệ An chỉ dạy và sau bảo Sư đến Tào Khê tham vấn Lục tổ Huệ Năng.
Ngài Huệ An là một trong những vị thiền sư nổi tiếng thời Lục tổ Huệ Năng.
Sư đến Tào Khê, Tổ hỏi:
- Ở đâu đến?
Sư thưa:
- Ở Tung Sơn đến.
Tổ hỏi:
- Vật gì đến?
Sư thưa:
- Nói in tuồng một vật tức không trúng.
- Lại có thể tu chứng chăng?
- Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.
- Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế. Tổ Bát-nhã-đa-la ở Tây Thiên có lời sấm rằng: “Dưới chân ngươi sẽ xuất hiện nhất mã câu (con ngựa tơ) đạp chết người trong thiên hạ. Ứng tại tâm ngươi chẳng cần nói sớm.”
Sư hoát nhiên khế hội. Từ đây, Sư ở hầu hạ Tổ ngót 15 năm.
Tổ hỏi: Lại có thể tu chứng chăng? Ngài đáp: Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được. “Chẳng không” tức có, nghĩa là tu có chứng. Nhiễm ô tức chẳng được, nghĩa là cái tâm đó rỗng rang sáng suốt nên không thể bị nhiễm ô. Tổ hỏi: Vật gì đến? Ngài khẳng định ngay: Nói in tuồng một vật tức không trúng. Tổ giải thích thêm: Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế. Rất giản dị. Cách hỏi và việc nhắc lại lời huyền ký của Tổ cho thấy giai đoạn đầu thiền sư Hoài Nhượng đã vào được cửa.
Đời Đường niên hiệu Tiên Thiên năm thứ 2 (713 TL), Sư đến Hoành Nhạc ở chùa Bát-nhã. Có vị Sa-môn ở viện Truyền Pháp hiệu Đạo Nhất hằng ngày ngồi thiền. Sư biết đó là pháp khí bèn đi đến hỏi:
- Đại đức ngồi thiền để làm gì?
Đạo Nhất thưa:
- Để làm Phật.
Sau đó, Sư lấy một cục gạch đến trên hòn đá ở trước am Đạo Nhất ngồi mài. Đạo Nhất thấy lạ hỏi:
- Thầy mài gạch để làm gì?
Sư đáp:
- Mài để làm gương.
- Mài gạch đâu có thể thành gương được ?
- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được ?
- Vậy làm thế nào mới phải?
- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải, đánh trâu là phải?
Ứng với câu sấm ký của tổ Bát-nhã-đa-la rằng dưới chân Ngài sẽ xuất hiện một con ngựa tơ đạp chết người trong thiên hạ. Con ngựa tơ này chính là thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, người sẽ gánh vác sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp của Ngài. Vì vậy Tổ mới tạo phương tiện lấy miếng gạch đến trước mặt ngài Đạo Nhất mài trên đá, nói để làm gương. Đạo Nhất hỏi:
- Mài gạch đâu có thể thành gương được?
- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?
Câu nói này rất dễ bị hiểu lầm bởi có những người lợi dụng nó để che lấp sự lười biếng của họ.
Ở đây, Ngài đưa ra vấn đề rất rõ ràng: Như trâu kéo xe, xe không đi nên đánh xe hay đánh trâu? Tất nhiên phải đánh trâu chứ không thể đánh xe. Nếu đánh trâu thì đúng là ngồi thiền không thành Phật, tuy nhiên không đánh trâu cũng không thể thành Phật. Nếu đánh xe, dù có đập tan chiếc xe cũng không đi tới đâu. Phải biết xe không đi, vấn đề từ con trâu. Bây giờ muốn trị con trâu phải như thế nào? Đây là cánh cửa mở ra một chân trời mới cho công phu tu hành hằng ngày của chúng ta.
Sống trong tập thể đại chúng, chúng ta phải tu học, làm tất cả các việc công đức, sống hòa hợp theo đúng biểu nghi và tư cách của một vị tăng. Những việc này tuy chỉ là phương tiện giúp chúng ta điều trị con trâu điên, nhưng không thể không có, vì từ đó mà ta sống trở về với tâm thể chân thật của mình. Dù biết rằng tu từ tâm, không phải ngày nào cũng tụng hoài một thứ kinh, năm này sang năm khác không đổi. Rồi lạy Phật, tọa thiền, bày ra nhiều phương tiện, nhưng nếu không có những hình thức tu tập như thế, làm sao biết được chỗ dụng công phu của mình đắc lực hay không? Nhiều vị không hiểu, càng tu càng sanh góc cạnh, hậu chứng lại buồn phiền. Thật vậy, nếu không nhận được cốt tủy bên trong, những hình thức đó sẽ dẫn đến phiền toái rắc rối, cuối cùng hành giả không biết ngả nào để tiến đạo.
Như khi đến một đạo tràng, nếu không có sự sắp đặt đàng hoàng từ trên xuống dưới thì sẽ rất ồn náo, phức tạp. Ngày xưa, đức Thế Tôn đã thấy được điểm này từ tổ chức của chúng ngoại đạo. Do vậy khi có đệ tử đông, Ngài lập Tăng đoàn và chế định giới luật rõ ràng. Nhờ áp dụng những điều luật Phật chế nên trong giáo đoàn hình thành một nếp sinh hoạt trang nghiêm, thanh tịnh. Thành quả đó có được là từ công đức, hào quang quý báu của đức Thế Tôn cộng với trí tuệ, đạo đức và công phu tu hành của các vị thánh đệ tử. Kinh A-hàm kể lại việc thưa thỉnh những chuyện hàng ngày phải theo thứ tự từ trưởng lão, đại đức tới các vị Tỳ-kheo, tân Tỳ-kheo. Đâu đó trật tự rõ ràng, đúng pháp, không hề có chuyện thầy lớn vừa thưa, thầy nhỏ đứng dậy tướng lên mà cãi. Không hề có.
Trưởng giả Cấp Cô Độc lần đầu tiên đến với đức Phật đã rất bất ngờ và cảm kích trước sự thanh tịnh của Tăng đoàn. Ông là một thương gia giàu có, thường đem tiền của giúp đỡ những người nghèo khó nên được mệnh danh là Cấp Cô Độc. Mỗi lần từ thủ đô Kiều-tát-la đến Ma-kiệt-đà buôn bán, ông thường nghỉ tại nhà người anh vợ là trưởng giả Tu-đạt-đa. Lần này, Tu-đạt-đa không thể tiếp đãi ông chu đáo như mọi khi, vì phải lo chỉ huy gia nhân dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn cho bữa cúng dường đức Phật và chư tăng thọ trai vào ngày mai. Lúc bấy giờ Phật đang ngụ tại Rừng Mát gần đó.
Tu-đạt-đa kể cho Cấp Cô Độc nghe về đức Phật là đấng giác ngộ bi trí tròn đầy. Đạo Phật là đạo từ bi hay cứu giúp chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi, nhờ các phép thiền quán và tu tập giới định tuệ. Vốn là người có thiện tâm lớn, vừa nghe đến đấng giác ngộ, trong lòng Cấp Cô Độc hứng thú lạ thường. Đêm đó, ông không ngủ được vì nôn nao muốn được gặp Phật. Khi trời chưa sáng, ông quyết định đến Rừng Mát cùng người anh vợ. Tu-đạt-đa biết chắc rằng nếu Cấp Cô Độc được đức Thế Tôn độ, sau này sẽ có lợi cho Phật pháp, cho giáo đoàn và làm được nhiều lợi ích cho mọi người nên rất hoan hỷ dẫn ông đi.
Nơi Phật và giáo đoàn cư trú rất yên tĩnh, không hề có một tiếng động. Càng gần tới nơi, ông càng lo sợ, không biết người anh vợ có tâm hại mình không. Hai người đến nơi vừa lúc Phật đang đi kinh hành. Bỗng đức Phật lên tiếng: “Cấp Cô Độc! Hãy tới đây!” Dung nghi và lòng đại từ bi của Phật đã xua tan mọi sợ hãi, ông vui mừng chắp tay đảnh lễ và vấn an Phật. Biết cơ duyên đã đến, Phật tùy phương tiện diễn giảng giáo pháp và cuối cùng ông đã đắc quả Tu-đà-hoàn.
Câu chuyện là một dẫn chứng so sánh sự nhóm họp ồn ào của ngoại đạo với nơi an trú trong thiền định của chư thánh đệ tử thời đức Phật. Ngày nay, tuy chúng ta không phải là thánh đệ tử Phật nhưng đạo tràng cũng nên học hỏi và sắp xếp tổ chức như vậy. Khi nào chúng ta lỡ ồn ào, nói lớn hoặc cười to là biết mình đã phạm lỗi, đã phá hỏng không gian yên tĩnh của đạo tràng. Chúng ta nên học theo hạnh của các ngài, lúc nào cũng “mặc nhiên như thánh”. Mặc nhiên như thánh đây không phải là khi bị thầy kêu lên hỏi, mình không nói vì “lúc này con đang mặc nhiên như thánh”. Không phải vậy. Thầy hỏi thì mình phải nói, nhưng tuyệt đối không nói lời thừa. Nói trong sự kiểm soát ba nghiệp, lời nói trong sáng, hoan hỷ, nhu nhuyến, từ ái. Đây là nghi cách tốt của người con Phật.
Đạo Nhất lặng thinh, Sư nói tiếp:
- Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.
Sư đưa ra công án, nhất thời ngay lúc đó ngài Đạo Nhất chưa trả lời được nên im lặng. Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Thiền không hạn định ở một hai tư thế mà trong tất cả các oai nghi. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định. Phật là giác tức tâm thể rỗng rang sáng suốt, không có tướng nhất định. Như mây trôi trên trời, không ai có thể dùng năng lực đóng đinh cho mây đứng lại. Đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia. Sư giải thích nếu còn chấp vào tướng ngồi, vào hình thức thì việc tu tập không đi tới đâu.
Tuy nhiên nếu không có những hình thức cho chúng ta nương theo tu tập thì đạo tràng sẽ mất trật tự nề nếp. Công huân tu tập vì thế khó mà thành tựu. Cho nên người biết tu thường ưa thích chỗ lặng lẽ để tọa thiền, để lắng tâm xoay nhìn lại mình. Một số người do chấp vào hình tướng rồi say mê trong chỗ lặng lẽ thường hay bị các bậc thầy mời đứng lên. Bởi các ngài biết đó chỉ là hình tướng thôi, không phải là điều cốt tủy bên trong. Sau này càng đi sâu vào công phu quý vị sẽ thấy được điều đó.
Đạo Nhất nghe Sư chỉ dạy như uống đề hồ, lễ bái hỏi:
- Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam-muội?
Ngài Đạo Nhất là bậc xuất cách nên vừa nghe Sư chỉ dạy đã hỏi ngay đến chỗ siêu xuất, con phải dụng tâm như thế nào mới đạt đến vô tướng tam-muội.
Sư bảo:
- Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy đạo này.
- Đạo không phải sắc tướng làm sao thấy được?
- Con mắt pháp tâm địa hay thấy được đạo. Vô tướng tam-muội cũng lại như vậy.
Người học đạo phải hợp duyên mới thấy và nhận ra được tâm yếu. Vô tướng là không hình tướng, tam-muội là chánh định. Vô tướng tam-muội là chánh định không có hình thức, tướng mạo. Chúng ta chưa ai vào được chỗ chánh định cho nên còn tướng ngồi đặc biệt là ngủ gà ngủ gật, phải không? Tướng này còn cách rất xa, không dính dáng gì đến vô tướng tam-muội. Chừng nào vào được chỗ vô tướng mới nhập được chánh định. Có ai biết chừng nào mình vào được chỗ này không? Hôm nào đó đến giờ tọa thiền, bày thiền sàng ra rồi như pháp ngồi trang nghiêm. Trước tiên điều thân, sau điều hơi thở. Qua điều hơi thở bỗng mình bẵng đi. Bẵng đi không có nghĩa là ngủ gật mà là bặt hết vọng động, không còn chạy theo bất cứ âm thanh nào xung quanh, chỉ một cái nghe hiện tiền thôi. Thời gian này có thể nói “nhất niệm muôn năm.” Rồi có khi vừa bẵng đi lại nghe tiếng lắc chuông báo xả thiền. Tuy nhiên những trường hợp này rất là hạn hữu.
Thời đại chúng ta đang sống có rất nhiều nhân duyên dẫn mình vào chỗ ồn náo. Thí dụ mở máy vi tính rồi lên mạng, chúng ta có thể nói chuyện với người quen cách mấy chục ngàn cây số, vậy là đã ồn náo rồi. Chuyện này ai mà không thích, không mê phải không? Cho nên trong chùa không cho lạm dụng việc lên mạng là vậy. Chúng ta phải thông cảm cho những vị chịu trách nhiệm. Không phải họ khó khăn gì, hay không muốn cho mình tiếp cận văn hóa văn minh của nhân loại. Chỉ vì thời gian trong đạo của chúng ta còn quá non nớt, công phu chưa vững, rất dễ nhiễm lại những tập khí cũ, vì thế mới đưa ra sự cấm chỉ này. Chúng ta nên cẩn thận, đưa mình trở lại đúng vị trí của người đang sinh hoạt tu học trong đạo tràng.
- Có thành hoại chăng?
- Nếu lấy cái thành hoại tụ tán mà thấy đạo là không thể thấy đạo. Nghe ta nói kệ:

Tâm địa hàm chư chủng,
Ngộ trạch tức giai manh.
Tam-muội hoa vô tướng,
Hà hoại phục hà thành?

        Dịch:

Đất tâm chứa các giống,
Gặp ướt liền nảy mầm.
Hoa tam-muội không tướng,
Nào hoại lại nào thành ?

Để kết thúc một vấn đề nào đó, chư vị tổ sư thường hay nói kệ tóm lại nội dung đã trình bày. Hoa tam-muội không tướng, tức nói rõ vô tướng tam-muội ở trên, nó không hình không tướng nên không thành không hoại. Nói kệ ngắn gọn cho hành giả tự nhận tự ngộ, mà bây giờ giải thích nhiều, e rằng trái với bản ý của Tổ sư. Vì thế ở đây tôi không giải thích nữa.
Đạo Nhất nhờ khai ngộ tâm ý siêu nhiên, theo hầu Sư suốt mười năm, mỗi ngày càng nhận sâu lý đạo.
Đệ tử nhập thất gồm có 6 người. Sư ấn khả rằng:
- Sáu người các ngươi đồng chứng thân ta, mỗi người khế hội một phần:
Người được chân mày ta, giỏi về uy nghi là Thường Hạo.
Người được mắt ta, giỏi về ngó liếc là Trí Đạt.
Người được tai ta, giỏi về nghe lý là Thản Nhiên.
Người được mũi ta, giỏi về biết mùi là Thần Chiếu.
Người được lưỡi ta, giỏi về đàm luận là Nghiêm Tuấn.
Người được tâm ta, giỏi về xưa nay là Đạo Nhất.
Sáu vị đệ tử của Ngài, mỗi người đều có điểm đặc biệt riêng. Mỗi đạo hiệu đều biểu trưng tính xuất cách của mỗi vị.
Thường Hạo giỏi về uy nghi, nhận tột đạo lý của thầy, luôn luôn sáng suốt tự tại, bình thường, an ổn.
Ngài Trí Đạt giỏi về liếc ngó tức thấu suốt đến chỗ vi diệu cùng tột mọi sự kiện trước mắt. Sự vật hiển hiện mọi thứ rõ ràng, không lầm một hào ly, không chạy theo, không vướng mắc.
Thản Nhiên giỏi về nghe lý, thâm nhập được đạo lý, thật giả phân minh, không lầm chạy theo cũng không bị các pháp kéo lôi, nên bình thản với tất cả các pháp.
Thần Chiếu giỏi về biết mùi, sáng suốt nhận thấu mọi lẽ thực hư của các pháp. Thấu triệt các pháp giữa đây, không lầm các hiện tượng bên ngoài.
Nghiêm Tuấn được lưỡi, giỏi về đàm luận, lúc nào cũng tĩnh tại rõ ràng, mọi mê mờ tan biến mất dạng, luôn sống an nhiên giải thoát.
Người được tâm ta, giỏi về xưa nay là Đạo Nhất. Cuối cùng Ngài giới thiệu vị đệ tử mà ngày xưa tổ Bát-nhã-đa-la đã huyền ký đây là người làm lợi ích rất lớn cho thiên hạ. Đạo Nhất là vị thầm nhận đến chỗ sâu nhiệm. Thầm mà thấu suốt, lặng mà an nhiên. An mà tĩnh tại vô lượng vô biên, xưa nay vốn không sanh diệt. Gì là mơ? Gì là thật? Sống thênh thang không một vật. Thảy an nhiên. Một cái quắc mắt thảy tiêu tan, bình tại không xưa nay. Mọi mộng mơ dứt sạch, con người thong dong bày hiện rõ ràng, không lầm xưa nay nữa.
Sư lại bảo:
- Tất cả các pháp đều từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ. Nếu được đạt tâm địa thì chỗ trụ không ngại, không phải bậc thượng căn dè dặt chớ nói.
Tất cả các pháp đều từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ. Hầu hết các vị thiền tổ đều vận dụng ý tư giống câu này để dạy đệ tử. Tất cả các pháp có mặt ở đây đều từ tâm sanh. Tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ, tức tâm bất động thì không có pháp. Khi tâm đã yên vị, không bị động bởi tất cả các hiện tượng, hình tướng bên ngoài nghĩa là đạt đến chỗ rỗng rang sáng suốt, nói cách khác là tâm trùm khắp cho nên pháp không chỗ trụ.
Nếu đạt tâm địa chỗ trụ không ngại, người sống được với tâm chân thật thì tự tại vô ngại nên việc làm nào cũng là đạo, đi đến nơi nào cũng là đạo tràng. Chúng ta học kinh Duy-ma-cật sẽ thấy, ông từ trong chợ đi ra, gặp một vị đại đệ tử của đức Phật hỏi: “Cư sĩ từ đâu đến?” Ông trả lời: “Từ đạo tràng đến.” Đối với ông nơi nào cũng là đạo tràng thanh tịnh, là tâm thể vô ngại sáng suốt. Không phải thượng căn dè dặt chớ nói, chưa sống được với cái tâm vô ngại đó, chớ nên nói rỗng.
Có vị đại đức đến hỏi Sư:
- Như gương đúc tượng, sau khi tượng thành không biết cái sáng của gương đi về chỗ nào?
Sư bảo:
- Như đại đức tướng mạo lúc trẻ thơ hiện thời ở đâu?
- Tại sao sau khi thành tượng không chiếu soi?
- Tuy không chiếu soi, nhưng dối y một điểm cũng chẳng được.
Sau Đạo Nhất đi giáo hóa ở Giang Tây, Sư hỏi chúng:
- Đạo Nhất vì chúng thuyết pháp chăng?
Chúng thưa:
- Đã vì chúng thuyết pháp.
- Sao không thấy người đem tin tức về?
Chúng lặng thinh.
Sư bèn sai một vị tăng đi thăm. Trước khi đi, Sư dặn:
- Đợi khi y thượng đường chỉ hỏi “Làm cái gì?”. Y trả lời, nhớ ghi những lời ấy đem về đây.
Vị tăng đi thăm làm đúng như lời Sư đã dặn. Khi trở về, vị tăng thưa:
- Đạo Nhất nói: “Từ loạn Hồ sau 30 năm, chưa từng thiếu tương muối.”
Sư nghe xong gật đầu.
Từ loạn Hồ sau 30 năm, chưa từng thiếu tương muối. Kiểu trả lời này giống với cách thức Lục tổ Huệ Năng dạy: hỏi sáng đáp tối, hỏi đứng đáp ngồi, hỏi có nói không … Câu trả lời thiệt khéo, thay vì nói: “Từ sau khi con gặp thầy được học pháp, ngộ đạo”, thì đáp: Từ loạn Hồ sau 30 năm, chưa từng thiếu tương muối. Đây là những ngữ cú đặc biệt, nhằm phá tan các thứ kiến giải tình chấp của người học đạo.
Đến ngày 11 tháng 8, đời Đường niên hiệu Thiên Bảo năm thứ 3 (744 TL), Sư viên tịch tại Hoành Nhạc, thọ 67 tuổi.
Vua sắc ban hiệu là Đại Huệ thiền sư, tháp hiệu Thắng Luân.
Qua hành trạng của các vị thiền sư, chúng ta học tập được hạnh nghi và công đức biểu hiện rõ nơi các ngài. Ngay bây giờ chúng ta có thể áp dụng giống như lời đáp: Như đại đức tướng mạo lúc trẻ thơ hiện thời ở đâu? Đó là chỗ đã thâm nhập được, bây giờ phát tiết ra. Hành giả nếu muốn đi tìm ngữ cú siêu việt, cấu trúc độc đáo qua những hành trạng này có khi sẽ bị thất vọng, bởi thời điểm các ngài cách xa và khác biệt với chúng ta. Do đó chúng ta chỉ có thể nhận được yếu chỉ từ việc làm, từ đời sống, từ sự bố giáo của các ngài.
Bài pháp đầu tiên thiền sư Hoài Nhượng dành cho Mã Tổ không nói nhiều nhưng đã làm chấn động và chuyển hóa được con người đặc biệt này. Khi đệ tử ngồi thiền, ông thầy lấy một miếng gạch tới phiến đá trước mặt mài, không nói gì hết. Đệ tử tự mở lời, ông thầy theo đó hướng dẫn. Hỏi:
- Mài làm gì?
- Mài làm gương.
- Mài gạch sao làm gương?
Người đệ tử đã từng bước, bước vào chỗ thầy muốn chỉ. Bài pháp kế tiếp Như trâu kéo xe, xe không đi, đánh xe hay đánh trâu, tuy chỉ có mấy câu giản dị bình thường như vậy nhưng đã mở rộng cửa từ bi, trí tuệ, giải thoát, thanh tịnh để mọi người nhận ra và vào được chỗ chân thật.
Học hành trạng Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma, chúng ta sẽ nhận được một yếu chỉ khác. Bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài dành cho vua Lương Võ Đế nói theo ý nghĩa thông thường hoàn toàn bị thất bại. Ngài được vua chuẩn bị đón về triều thuyết pháp rất long trọng, nhưng bài pháp đầu tiên giữa thầy trò bị chông chênh. Vua hỏi:
- Trẫm từ khi lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ tăng ni … không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng?
Ngài đáp:
- Đều không có công đức.
Vua hỏi những việc bình thường nhưng ông thầy mang chí cả cho nên thầy bay trên trời xanh, trò lội dưới đất cái. Ngài sang Trung Hoa vai mang pháp yếu cao tột, chỗ “chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng vi diệu pháp môn” của đức Phật trao cho ngài Ca-diếp. Ngài tuyệt nhiên không vì câu hỏi đó, dù là của bậc vua chúa mà làm mất đi cốt tủy Phật tổ, nên đã trả lời không. Cuối cùng Vua hỏi:
- Đối diện với trẫm là ai?
- Không biết.
Bởi thuyết pháp như vậy nên thầy trò không khế hợp.
Qua nghi cách của các vị thiền sư, chúng ta học để cảm nhận và nhận ra tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình, sống được chỗ chân thật chứ không nên chỉ sáo ngữ trên văn tự. Như ngày xưa khi chuẩn bị xuống núi, Hòa thượng Ân sư nói với chúng tôi: “Ai muốn theo tôi tu thiền thì xuống đó cạp đất mà ăn”. Chúng tôi vâng lời Thầy đào xới đất trồng rau quả tạo phương tiện nuôi thân, năm tháng theo Thầy học đạo, dần dần thấm nhuần Phật pháp, thành tựu nguyện tu hành. Cho tới bây giờ anh em có ai cạp đất mà ăn đâu!
-------------------------------------------------------------------------------------
(1) Người sau vì kính trọng Sư nên lấy chỗ ở mà gọi hiệu là Nam Nhạc.

[ Quay lại ]