headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHƠN KHÔNG NÔI THIỀN THẾ KỶ XX

tvchonkhongThiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX ra đời vào những năm 1970, khi Thiền viện Chơn Không có mặt trên núi lớn Vũng Tàu. Nhưng thật sự bắt đầu khởi sắc vào thập niên 80. Với chủ trương Thiền Giáo đồng hành, Hòa thượng Viện trưởng dần dần khai mở cho hành giả muốn tu thiền biết, thế nào là Thiền tông của Phật giáo. Bởi vì thiền là tâm Phật, kinh là lời Phật. Nếu người tu Phật mà ngôn hạnh không tương ưng thì đâu thể gọi là Thích tử. Thông qua Kinh, Luận, Sử, Ngài đã tạo được một niềm tin và một lối đi cho các Thiền sinh vững tiến. Có như thế mới mong khôi phục Thiền tông Việt Nam vốn đã chìm lặng non một thế  kỷ qua.

 Hòa thượng vẫn thường nhắc nhở:

- Hạ thủ công phu tu thiền cần phải khéo léo bền chí mới được. Sáng được việc lớn còn chưa thể gọi là xong, huống người tiểu căn tiểu ngộ, lại có thể lười biếng, giải đãi được sao? Xưa, ngài Trần Tôn Túc nói: - Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ - Chỗ này, cổ đức cũng có câu:

Đốn ngộ tuy đồng Phật,

Đa sanh tập khí thâm,

Phong đình ba thượng dũng,

Lý hiện niệm du xâm.

Nghĩa là:

Đốn ngộ tuy đồng Phật,

Nhiều đời tập khí sâu,

Gió dừng sóng còn gợn,

Lý hiện niệm vẫn lay.

Người tu chúng ta cũng như chiếc áo nhuộm. Nếu chiếc áo thấm mực quá đậm thì ta không có cách gì trong nhất thời mà có thể xóa sạch một cách dễ dàng được. Phải trải qua thời gian kiên quyết, bền tâm trì chí mới mong gột rửa sạch. Còn nếu được chút ít phúc duyên, chiếc áo của ta chỉ thấm mực sơ sơ thì dễ biết mấy. Một lần phủi rủ một lần xong. Đó, không có sự hay dở mau chậm, mà chỉ có ta gan dạ chịu đem chiếc áo dơ bẩn của mình ra tẩy sạch hay không ? Chủ yếu là tâm chứ không phải là cảnh bên ngoài. Nếu như một tâm đã quyết thì tiến cho rồi. Còn chần chừ nấn ná gì nữa. Chỉ khổ thêm !

Đối diện với thời gian, với muôn pháp cũng có nghĩa là đối diện với chính mình. Hạnh phúc của người chân tu có được hay không chính ở chỗ này. Ngay đó mà trực nhận cho nhanh. Còn cò kè thêm bớt là còn rước họa vào thân. Chỉ một niệm nhỏ xen vào là nguy khốn theo nhau. Cho nên trong nhà thiền rất kỵ do dự. Cần phải nhìn thẳng, phủng ngay. Nếu được điền địa này-Chơn không- rồi thì mọi thứ lăng xăng chỉ là trò ảo hóa. Hiện thực sinh động toàn bày, dứt bặt muôn duyên niệm lự, ta mới thật sự sống  trở lại. Bấy giờ, ta thênh thang, bình an, thống khoái:

Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang,

Chống gậy chơi rong chừ phương ngoại phương,

Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi,

Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương…

(Khúc hát ngao - Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Người xưa nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Quả thật tuyệt vời. Tuy nhiên cũng không phải dễ dàng gì. Lại phải một phen phấn phát. Bao giờ trong cuộc sống của một người tu đạo cũng phải ý thức đến hai chữ “phấn phát” để mà đoạn trừ tập khí trong nhiều đời. Sống khiêm cung giản dị trong hằng tỉnh giác ở mọi thời mọi lúc, là sự nghiệp của người tu thiền. Nói nghe thì dễ, nhưng kẻ lơ là không thể nào bảo nhậm nổi việc này đâu.

Có lần, một Lão Tổ nói “Đói ăn mệt ngủ, bụng dạ nào lo”. Lời này thấu thoát nhưng không người đảm đang. Vì sao ? Có thể nói rằng, chúng sanh đảo điên phiêu trầm trong sanh tử cũng chỉ vì một niệm bất giác. Đấy ! Nhưng tại sao ta lại bất giác ? Cũng chưa ai có thể một lần nhận ra cái gốc của loài quyến thuộc ma mị này. Bởi nó là cái gì đâu mà nhận? Cũng chỉ là một tuồng ảo hóa mà thôi. Nhưng chớ có xem thường. Vừa xem thường là ba cõi sáu đường mở ra lập tức. “Một phút sa chân hận ngất trời…” là thế. Vô minh nghiệp dĩ từ đây mà kéo lôi. Cho nên người tu thiền, nếu để tâm dễ duôi xem như là rơi vào quyến thuộc nhà ma.

Điều Ngự Giác Hoàng - Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - đâu không nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Thiền tăng phải ngay nơi đây mà nhận lấy. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần là sanh tử không hoa, mà cũng là Niết bàn vĩnh cửu-Chơn Không. Tùy ta thôi:

Chà chà, bóng ngày chừ qua khe cửa,

Ối ối, mây nổi chừ mộng giàu sang.

………

Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt,

Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.

(Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Chừng ấy thì, mọi sinh hoạt của ta, mọi giác quan của ta đều bình thản an nhiên, không thiếu vắng khi nào. Đây là ý nghĩa sâu thẳm nhất trong cuộc sống giản dị bình thường mà ít ai quan tâm. Bởi vì người ta cứ ngỡ rằng, phải làm một cái gì đó ghê gớm lắm, ta mới là ta. Lầm to ! Chính vì cứ chạy tìm những bóng hình giả bên ngoài nên không bao giờ ta chịu xoay đầu nhìn lại. Từ đó, phải làm kẻ phong trần lang thang, trôi giạt mãi.

Có lần, vua Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ: “Chỗ yếu chỉ của thiền là thế nào ?” Tuệ Trung đáp: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Lời này thật kỳ diệu. Ngày xưa đức Phật cũng từng dạy như thế. Trong hệ thống các kinh điển Nguyên thủy cũng như Đại thừa còn ghi lại rõ ràng và đây cũng chính là yếu chỉ, là đường lối chủ trương tu thiền tại các Thiền viện mà Chơn không là thiền viện đầu tiên do Hòa thượng Viện trưởng chỉ dạy trong hiện thời.

Trên tinh thần đó, Thiền tăng nơi đây phải từng phút từng giây chiếu soi lại mình. Nếu được qua cái nhìn hồn nhiên trực thị thì cuộc sống ngay bây giờ là an lành, là tự tại, là giải thoát. Còn gì phải khổ nhọc tìm cầu.

Từ chỗ lập cước này mà sống thì sáng nay, ta làm vườn hay ta nhổ cỏ, trồng rau xanh hoặc cuốc đất với đại chúng, cũng có nghĩa là ta đang niệm thân - Phản quan tự kỷ - Ta tọa thiền nghiêm trang trong thiền đường hoặc cùng đại chúng tụng kinh trên chánh điện, cũng không khác khi ta thỉnh chuông, dâng hương cúng Phật hay quét lá quanh sân chùa, hoặc xách nước, rửa chén, bửa củi… cho đại chúng, cũng là lúc ta niệm tâm - Phản quan tự kỷ - mọi việc đều trôi chảy trong yên lắng, thanh thản và bình an. Ta sống bằng sức sống của riêng ta, nhẹ nhàng mà lướt lên không trung như đại bàng tung cánh. Ôi chao ! Nói làm sao cho trọn vẹn hết cái hình ảnh:

Nhạn quá trường không,

Ảnh trầm hàn thủy.

Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Nghĩa là, con nhạn bay qua không có tâm lưu bóng hình mình dưới đầm. Và mặt nước lặng lờ kia cũng không có ý lưu giữ hình bóng nhạn. Đẹp làm sao ! Tâm cảnh như như. Được như vậy chính là trở về cội nguồn Chơn không, là sống Thiền.

Ồ ! Ta vừa nói gì. Một tiếng quát.

[ Quay lại ]