headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ TRUNG PHONG BẢN DẠY CHÚNG

thienstrungphongbanHòa thượng tiên sư Cao Phong dạy người, chỉ dạy tham câu thoại đầu, ôm ấp trong lòng, đi tham như thế ngồi cũng tham như thế. Khi tham đến chỗ dụng lực không tới, lưu ý không được, chợt nhiên thấu đạt, mới biết thành Phật đã tự bao giờ. Một việc ấy, là do Phật tổ đã kinh nghiệm được cái tam-muội liễu sinh thoát tử vậy. Chỉ quý ở chỗ tin quả quyết và trải thời gian lâu xa không thối chuyển, quyết định sẽ được tương ưng.

Thiền sư Trung Phong Bản là đệ tử đắc pháp nơi thiền sư Cao Phong Diệu. Ở đây ngài nhắc lại cách thức, phương tiện dạy đạo của thầy mình. Người tu thì phải tận lực, nghĩa là phải quyết tử, gan dạ chịu đựng, nhất định sẽ gặt hái được kết quả. Kết quả không đi trái với tâm nguyện và công phu của mình. Cho nên từ tham đến chỗ dụng lực không tới, lưu ý cũng không được, thì chợt thấu đạt việc thành Phật đã tự bao giờ. Nghĩa là trong lúc mình dụng công tu hành đắc lực, tức là lúc đang ở trong Phật vị, đặt trọng tâm nơi công phu chứ không phải ngồi đó mong đợi được đầy đủ diệu lực, thần dụng phi thường, bay lên hay nhập Niết-bàn chẳng hạn.

Sự thành công ngài nói tới là sự gắng gổ tu hành ngay khi cật lực nhất. Tham đến chỗ dụng lực không tới, tức là tất cả những sự dốc lực tu hành không tới. Tuy nhiên không phải ngang đó rồi bỏ cuộc. Lưu ý cũng không được, thì khi đó chợt thấu đạt thành Phật đã tự bao giờ. Đây là giá trị, hương vị của người dụng công tu hành.

Thật ra ít khi nào chúng ta dám dốc lực đến một mức độ thân thể kiệt quệ. Giả sử mình ngồi thiền chưa được một tiếng đồng hồ, hôm nay do nhân duyên đặc biệt nên nhất định phải làm được. Thậm chí còn có thể kéo dài sự chịu đựng và tiếp tục ngồi thêm giờ. Nhưng tới ngang một tiếng, mình cảm thấy chơi vơi, không biết ngồi hơn giờ chuyện gì sẽ xảy ra. Vừa bước vào khu vực dụng lực, mình bắt đầu tưởng tượng: "Trời ơi, ngồi qua một giờ chắc chết, kiểu này gân nó liệt, chắc hư cái chân mất thôi!" Tưởng một hồi bung chân ra. Có thể hôm nay ngồi được một tiếng nhưng chưa chắc ngày mai cũng vậy. Lọ mọ tới nửa tiếng đã thấy muốn tháo chân chạy cho rồi. Thua trận. Cái gan dạ của mình không chắc thực. Cũng có nhưng không phải là cái gan của anh hùng, hưng phấn rồi bộc phát vậy thôi chứ thật ra không dám tiến thủ, cho nên tu hoài mà không tới đâu.

Âu cũng là khuyết điểm, lâu dần thành bệnh, không phải tại thời mạt pháp, tại thân bệnh, do ít học hay điều gì khác, mà là do mình tốt nghiệp trường tưởng tượng, hễ tới khúc đó là bắt đầu vọng tưởng. Ngồi đó mà tưởng cái này tưởng cái kia. Chẳng những bản thân mình cảm nhận như vậy, mà những huynh đệ đồng hành, gặp nhau trao đổi mức độ công phu, đều rơi vào trường hợp tốt nghiệp trường tưởng tượng.

Một vị nói, bữa đó sao mà tự nhiên tôi tụng kinh say sưa. Thường mỗi buổi sáng khoảng tiếng đồng hồ, bữa nay tôi thấy rõ ràng hơn một tiếng mà vẫn hứng thú muốn tụng, hồi lâu chưa thấy mệt. Nhưng tôi liền khởi suy nghĩ: "Không biết mình tụng thế này có bệnh không?" Nghĩ tới đó hạ mõ hoàn kinh. Ít người nào thấy hưng phấn rồi tụng đến một tiếng rưỡi hai tiếng lại muốn tụng tiếp, thử tụng hết một ngày.

Nếu được, tụng thêm một đêm coi sao, bằng chưa thấy mệt mỏi, tiếp tục một ngày nữa. Một ngày nữa chưa đói bụng, tiếp tục vài ba ngày nữa xem thử tới đâu. Nếu gan dạ như vậy chắc chắn sẽ thành công và sớm sáng đạo. Đây là phá được thành trì kiên cố cứng nhắc của bản ngã. Bản ngã chưa phá xong thì chưa thể thành tựu việc gì. Thậm chí chúng ta còn chưa rớ tới, chưa đụng được râu rìa, ba-vớ bên ngoài của bản ngã. Thí dụ, thấy đằng kia hai ông vác cây vác hèo đập nhau, ở đây ta lo né trước. Ba-vớ của bản ngã trong mình lòi ra. Nếu thấy hai ông ấy hướng về chỗ mình, mau mau lui đi nơi khác, lúc nào cũng muốn an toàn. Nhưng e rằng kế an toàn đó đôi khi trở thành thất bại.

Sáng hôm rồi có nhóm quay phim ở đài truyền hình nào đó đến viện, tôi cũng không biết trước kế hoạch của họ. Thọ trai xong, tôi đi ra hướng bên kia chỉ quý thầy cắt xén cây sa-la và sửa cây hoàng yến. Ra đến ngoài tôi thấy mấy vị quay phim vác máy đi theo, mình nghĩ họ quay cảnh chứ không phải quay người. Nhưng nghe léng phéng từ sớm là họ muốn lấy cảnh các hòa thượng của ta quét sân. Quả thật, hôm ấy đội ngũ quét sân của mình tăng lên. Không có sắp đặt trước, cũng không nghe thầy Phó tự, thầy Tri sự công bố gì trên Trai đường, nhưng huynh đệ làm việc có vẻ đặc biệt hơn ngày thường.

Bên đây, tôi nói Đắc Thành trèo lên cây sa-la, cắt mấy cành thòng xuống, chỉ chừa lại một số cho ra hoa. Anh quay phim tới ngay chỗ đó. Tôi đứng từ xa chỉ Đắc Thành làm nhưng biết anh đang quay mình. Lúc đó muốn hét cũng không dám hét, tự nhiên chánh niệm nói đàng hoàng, đứng ngay ngắn. Ở trên Đắc Thành cưa nhánh cây ngả xuống. Bình thường thấy vậy tôn giả nào cũng phải thối lui, rút chạy. Nhưng anh vẫn giữ máy quay tự nhiên, nhánh cây rớt xuống, sợt ngay mặt anh một cái "rốp". Tôi thầm khen: "Chà, tay nghề này khá, có bản lĩnh, nhất định chuyên sâu không khó!" Những hình ảnh ghi lại trong đó thập phần hãi hùng, đặc biệt không thể có nhân duyên lần hai.

Trở về với đời sống bình thường của mỗi người, đặc biệt là người tu chúng ta. Nói cho cùng, nếu mình nhát gan thì không tới đâu, không được gì hết. Luôn cả các vị tịnh nhân mới vào ở khu nhà khách tập sự xuất gia đang dần thâm nhập trên con đường đạo. Nếu huynh đệ ở đó một thời gian chừng nửa tháng hoặc một tháng, bắt đầu "nuôi thỏ" thì không thể tiến đi đâu, cuối cùng cũng thối lui thôi.

Nuôi thỏ là sao? Thí dụ, một vị tịnh nhân quyết tâm tha thiết tu hành, đối với việc đời bây giờ không còn thấy thích thú, luôn cả việc vợ con, nghe chuyện bên ngoài cảm thấy ngán ngẩm... Quyết liệt như vậy thì theo huynh đệ tu hành đâu có gì khó, rất giản dị. Quả cảm như vậy nhưng rồi sau mười ngày, nửa tháng tự nhiên "nuôi thỏ". Chỉ một tập khí bắt buộc phải bỏ mà không bỏ được, đó là hút thuốc, cuối cùng phải đi về.

Một việc nhỏ vậy thôi nhưng cũng nhắc nhở chung cho tất cả huynh đệ. Mỗi người chúng ta đều có rất nhiều ươn yếu riêng, phải tự chủ khắc phục nó. Đó là một cách nói hết sức bình thường, mạnh hơn nữa là phải có cách trị. Nếu chấp nhận nuôi dưỡng để nó phát triển sẽ rất khó tu. Điều này cần nhiều sự cố gắng, nhìn thẳng, tiến bước, gan dạ, cương quyết. Thêm một điều nữa là không nên hẹn, chớ nhớ lời ông thầy bói ở góc vườn: "Năm nay thầy hai chục tuổi, phải tu đến bốn chục tuổi mới hiểu đạo. Lúc thầy gần chết mới sáng đạo..." Huynh đệ không nên ghi nhớ lời tiên đoán đó. Trong vòng mười năm, năm năm hay một hai năm, nếu thấy mình có sức khỏe, điều kiện, lòng rỗng rang muốn tiến thì nhất định cứ cho nó tiến đừng ngần ngại.

Ngày xưa khi dịch tác phẩm Luận Phật Thừa Tông Yếu, tôi rất ấn tượng và nể trọng gương hạnh của đại sư Thái Hư, vị tổ trong phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc. Ngài xuất gia năm mười sáu tuổi, cuối năm đó được thọ giới Cụ túc nơi hòa thượng Ký Thiền. Là một giới tử nhỏ tuổi nhất trong giới tràng, cũng là người đối đáp lanh lợi nhất, được hòa thượng Đường đầu khen là Huyền Trang tái thế. Sau đó, ngài theo các bậc tôn đức học kinh điển Đại thừa, tham cứu thiền với hòa thượng Ký Thiền. Đồng bạn vô cùng thán phục sự lãnh hội phi thường của ngài.

Năm mười tám tuổi khi đọc đến kinh Đại Bát-nhã ở chùa Tây Phương - Từ Khê, bỗng nhiên ngài quên lửng thân cảnh, tâm rỗng rang sáng rỡ, vọng niệm vắng bặt, trải qua hàng giờ mà như trong chốc lát. Đến ngày hôm sau thân tâm vẫn nhẹ nhàng khoan khoái. Từ đó niềm tin đối với kinh điển Đại thừa càng sâu rộng, mỗi khi đọc đến đều thấu hiểu xuyên suốt như đã nằm sẵn trong lòng.

Thời kỳ đó Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa Tây phương, các luồng tư tưởng cách mạng nổi dậy, nhiều phong trào cải cách Tăng đoàn, xây dựng xứ sở được thành lập. Sau khi đọc các bài của ngài Khang Hữu Vi, ngài Lương Khả Siêu và các bài báo khác, ngài mới lập thệ dấn thân cứu đời. Từ đây trang sử vẻ vang của Phật giáo được mở ra. Năm ngài hai bốn tuổi, hòa thượng Ký Thiền tuẫn giáo vì cuộc vận động cho Phật giáo Bắc Kinh. Ngài cương quyết đi theo hạnh nghiệp của Hòa thượng, là người tiên phong trong chủ trương sự nghiệp cách mạng Phật giáo với ba nội dung: cách mạng giáo chế, cách mạng giáo sản và cách mạng giáo quyền. Nghĩa là cách tân, chỉnh đốn, sắp đặt lại hệ thống giáo hội Phật giáo. Phong trào này được đông đảo tăng ni thời đó hưởng ứng tham gia.

Hai năm sau ngài về thiền viện Tích Lân núi Phổ Đà kiết thất ba năm. Trong thời gian đó, ngài nghiên cứu rất nhiều các kinh luận của các tông phái Phật giáo, nhưng lưu tâm nhất là hai tông Duy thức và Tam luận. Nhập thất không bao lâu được thiền duyệt, định lực phát huy. Ngài kể lại: "Có một chiều nhập định, nghe chuông lúc đầu vào buổi hoàng hôn, tôi vào trong tam-muội. Lúc sau nghe chuông báo xả định, tôi xả ra mới hay trời đã sáng..."

Sau thời gian kiết thất, ngài ra làm Phật sự. Thành công lớn trong cuộc đời ngài là viết sách và giảng dạy. Thời kỳ này các tùng lâm rơi vào tình trạng suy thoái, sụp đổ. Trước đây chùa viện có tới hàng nghìn người, Phật tử mười phương tới lui học đạo tu hành, cơ viện đầy đủ, nội trang ruộng rẫy rộng rãi đến hơn một ngàn mẫu. Tăng ni vừa tu học vừa làm việc. Bây giờ mọi thứ lọt vào tay người không biết tu hành, bán đất, bán ruộng, tổ chức ca hát ăn chơi, phung phí của cải Tam bảo, chùa viện sụp đổ, đạo lý mất hết.

Đứng trước hoàn cảnh đó, đại sư Thái Hư rất đau lòng, đến nơi nào ngài cũng thuyết giảng về tầm quan trọng của Phật giáo cho tăng ni, cư sỹ Phật tử nắm được. Huy động mọi người bảo vệ chánh pháp, trùng hưng Phật giáo. Dần dần thành lập Hội cư sỹ Phật học, với số người tham gia đông đảo. Tổ chức hoạt động của hội ngày càng lớn mạnh, lan rộng và ảnh hưởng tới nhiều tỉnh thành trong nước và một số nước trên thế giới. Song song với Hội cư sỹ Phật học, ngài đã quy tụ được một số những vị xuất gia tản mác ở nhiều nơi.

Ngài giảng giải Phật pháp căn bản giúp học tăng ý thức được trách nhiệm của Tăng-già, trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh, phương cách tu học v.v... Về sau ngài thành lập Phật học viện, đào tạo thế hệ tăng tài góp sức cho công cuộc cải tổ, trùng tu xây dựng lại chốn già-lam, mở mang cơ sở tiếp độ người tu hành, hoằng pháp lợi sinh.

Thời gian ngài nhập thất công phu thiền định được kết quả là do sự quyết chí tu hành, nhất tâm hướng về Tam bảo, từ đó về sau dấn thân cứu đời, chấn hưng Phật giáo. Chúng ta chưa hề nghe nói ngài tốt nghiệp ở một trường đại học hay một phân khoa đặc biệt nào. Cuộc đời ngài tuy ngắn ngủi chỉ năm mươi chín năm nhưng đa phần là hành đạo, phụng sự, cống hiến cho Tam bảo. Một vị danh tăng lỗi lạc, thành tựu vượt bậc như vậy mà mất sớm, quả thật rất đáng tiếc.

Thời đó, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, chúng ta cũng vinh dự cung đón ngài tại Hà Nội. Cùng thời với ngài có tổ Ấn Quang là người trùng hưng Tịnh độ tông. Đại thiền sư Hư Vân sống trăm hai chục tuổi là người trùng hưng Thiền tông. Ngài thuộc về Giảng tông, tu Duy thức quán, nguyện sanh thế giới Đâu-suất của đức Phật Di-lặc.

Thời nhân tôn xưng ngài là Bồ-tát, thị hiện trong đời ác ngũ trược cứu độ chúng sinh.

Gương hạnh của ngài thật lý tưởng, tôi mơ một ngày nào đó mình cũng được như vậy. Nhưng thân bệnh hành dữ dội, nhất là cái xương sống làm cho tôi rất khó chịu. Tuy nhiên trong công phu, trong đời sống hằng ngày, lúc nào tôi cũng tâm niệm sẽ cố gắng, để tới lúc sắp sửa ra đi, gọi mấy anh em lại nói chuyện này kia, ngâm thơ rồi cười ha hả, xong đi.

Thực sự tôi cảm nhận được niềm vui từ công đức, sự hộ trì của Tam bảo. Như người ta hay nói: "Bệnh thoát vị đĩa đệm không dễ gì mà đi được. Bây giờ còn đi lê lết như thế cũng là có phước lắm rồi. Có người nằm không yên, ngồi không được, đi cũng không xong, thật là khổ!" Cho nên chư huynh đệ lúc còn tỉnh mạnh, luôn cả những vị lớn tuổi đều phải ráng lên. Tự mình nghiệm lấy rồi tự mình cương quyết mở ra một hướng sống cho ra sống, xứng đáng với tâm nguyện người xuất gia, đệ tử của Phật. Nhất là quý cụ dưới Lâm Viên, nhất định cương quyết tu hành thì đại chúng rất phấn khởi. Khi nào chúng ta thấy trong lòng mình ươn yếu chuyện này chuyện kia, sống lù mù lờ mờ, không tiến thủ được là biết thiếu công phu tu hành.

Qua những kinh nghiệm ít ỏi của bản thân, thực ra tôi thấy mình cũng có nhiều mộng mơ lắm. Theo Hòa thượng Ân sư, bậc thầy phước duyên lớn lao, đi khắp nơi bố giáo, mở mang Phật pháp, quy tụ tăng ni, tổ chức đời sống tu tập cho đại chúng, chúng tôi không sao bì kịp với ngài. Tuy nhiên, thời gian tôi cho ra một loạt các sách thiền như Tâm Thiền, Hương Thiền, Suối Reo Rừng Trúc... là giai đoạn tôi có cảm khái hứng thú, cố gắng phổ vào đời sống, trong sinh hoạt chút chút niềm tin về chánh pháp.

Thời mộng mơ đã có từ những năm ở đạo tràng Vạn Đức. Mình vọng tưởng sau này sẽ sống trên núi, cất cái cốc ở vùng không xa Thành phố lắm, xung quanh có nhiều cây ăn trái, vườn kiểng. Đừng nhiều lắm nhưng khi bụng trống cũng có trái mận ăn, hoặc trái gì đó một chút cho vui, cũng không thích bạt ngàn cây cối làm chi. Trong thất có đủ kinh tạng, hằng ngày đọc, dịch, sáng tác, làm thi, viết văn... sống như vậy thôi. Tránh xa việc quản lý cơ sở, tham gia công tác giáo hội mới đủ thời giờ, điều kiện thực hiện tâm nguyện của mình. Nhưng rốt cuộc có làm được gì đâu.

Như ngày hôm nay, sáng ra không ăn uống, sửa soạn xong mau mau đi họp. Họp xong ghé Trí Đức cũng mười một giờ, ăn chén cơm xong nằm queo đó. Thấy còn mười lăm phút nữa là một giờ chiều, ngồi dậy rửa mặt uống nước, kêu thị giả đi về cho kịp buổi học chiều. Bây giờ ngồi đây nói láp giáp với huynh đệ sắp hết giờ. Như vậy từ sáng đến chiều mình tu cái gì, đầu tư được gì? Trong đây nhiều vị không biết ngài Thái Hư là ai, nhưng mỗi lần được nghe là mỗi lần cảm nhận, in thành dấu ấn trong lòng chúng ta. Tới một lúc nào đó tự nhiên sẽ hưng phấn và thực hiện tốt tâm nguyện tu hành.

Chúng ta sống chung trong một đạo tràng, cùng nương nhau, nhận sự giáo dục của nhau, làm sao mỗi ngày mỗi tiến. Như thiền sư Trung Phong Bản dạy rằng: Chỉ quý ở chỗ tin quả quyết và trải thời gian lâu xa không thối chuyển, quyết định sẽ được tương ưng. Những lời dạy hết sức chân tình và dễ hiểu. Ngài là một trong số chư tôn trưởng lão rường cột của tông Lâm Tế. Với một đại nguyện lớn lao, quý ngài có mặt nơi đây khôi phục, phát huy tông phong.

Học theo gương hạnh này, chúng ta phải gầy dựng cho mình niềm tin quả quyết và không tính kể thời gian. Chính đức Phật cũng nói, bản thân ngài trải qua ba vô số kiếp tu hành. Không một nhà toán học hay thần đồng nào có thể tính ra được thời gian này. Vậy mà mình ngồi đó tính ở Chơn Không mấy năm, Thường Chiếu mấy năm, Trúc Lâm mấy năm hay công quả mấy năm, ngồi thiền mấy năm chẳng hạn. Đâu có dính dáng gì, chỉ là rờ voi tưởng tượng thôi.

Nhiều lúc tôi ngồi chơi, nghĩ đến điều gì đó cảm thấy thích thú: "À, à, cái đó như vậy!" Mình đúng là tên rờ voi, rờ trúng chân của con voi, nói nó như cột đình. Mò mẫm cái lý gì đó, nhận ra vui quá: "Ơ, nó như vậy nè!" Bữa nay mình rờ trúng lỗ tai con voi, nói nó là cái sàn chẳng hạn. Tất cả đều là tưởng tượng mà thôi. Cuối cùng rồi con voi không phải là cây cột, không phải là cái sàn, nó không phải là cái gì hết, con voi là con voi. Chỗ này đòi hỏi chúng ta phải tin quả quyết, trải qua thời gian lâu xa không thối chuyển mới thật sự đến gần con voi, mới mở sáng con mắt, thấy thực toàn thân con voi.

Khán thoại đầu thực hành công phu là chỗ đứng rất ổn đáng, gần gũi bờ giác ngộ. Dù đời này không ngộ, tín tâm vẫn không lui sụt, ắt đời sau hoặc đời sau nữa sẽ được khai ngộ.

Tin chắc đời này không ngộ, đời sau nhất định phải ngộ. Khán thoại đầu thực hành công phu là chỗ đứng rất ổn đáng, gần gũi bờ giác ngộ. Đây là công phu chuyên bên ngành thoại đầu. Nói theo pháp tu của chúng ta, Hòa thượng Trúc Lâm bảo mình làm chủ, đừng chạy theo những dấy niệm. Vừa khởi lên, bỏ đi, ai làm chưa được phải làm cho được. Sáng làm chưa được, trưa phải làm cho được. Trưa làm chưa được, tối phải làm cho được. Tối bữa nay làm không được, sáng ngày mai, trưa ngày mai, tối ngày mai tiếp tục làm cho tới bao giờ được. Lúc này trí tuệ hiện tiền, mình không còn theo vọng tưởng, không bị vọng tưởng kéo lôi, không chấp nhận vọng tưởng. Như vậy là thành công.

Hoặc hai ba mươi năm mà chưa khai ngộ, không cần tìm phương tiện nào lạ, chỉ giữ tâm không duyên cảnh khác, ý dứt các vọng, chăm chăm không bỏ, một bề chú ý vào câu thoại đầu đang tham, đứng thẳng tại cuối đầu, giữ vững sống cùng sống, chết cùng chết. Đâu quản ba đời, năm đời, mười đời, một trăm đời, nếu chưa triệt ngộ, quyết định không thôi. Có cái chánh nhân như thế rồi, lo gì đại sự không có ngày minh liễu.

Tóm lại ngài hun đúc, nhắc nhở chúng ta phải cương quyết, không ngán thời gian, không sợ vất vả, không nghĩ ngợi, nhất định phải tiến. Một đời, hai đời, ba đời, năm đời, một trăm đời, cương quyết khai ngộ. Ai biết mình bây giờ trong đời thứ mấy? Nếu vị nào thấy gần mé hố thẳm thì biết đây là đời thứ chín mươi chín. Nhích một chút nữa là xong việc, phải không? Một là xong việc, hai là rớt cái ình!...

Trong lúc bệnh thực hành công phu, không cần ông tinh tấn dũng mãnh, cũng không cần mày chau mắt trợn, chỉ cần tâm ông như cây như đá, tợ hồ như đống tro tàn. Đem thân tứ đại huyễn hóa này gửi tận thế giới bên kia. Dù nó bệnh cũng được chết cũng được, có người săn sóc cũng được, không ai săn sóc cũng được, thơm sạch cũng được lầy thúi cũng được, có thầy trị lành bệnh sống đến trăm hai chục tuổi cũng được, nếu như chết liền bị nghiệp trước lôi vào vạc dầu sôi, lò lửa đỏ cũng được.

Thật là những lời dạy vô cùng thống thiết, không còn chỗ nào chúng ta có thể xen vào được. Gan dạ, can đảm xem như mình đã chết, coi mình là đồ bỏ. Nếu chết mà bị nghiệp trước lôi vào vạc dầu sôi, lò lửa đỏ cũng chấp nhận. Thật là gan hết cỡ! Từ khi sanh ra cho tới bây giờ mình chưa hề gây tạo nghiệp mới nhưng nó cứ ỳ ra đó những thứ mùi vị quả báo. Đó là nghiệp tập dư thừa từ nhiều đời để lại. Biết vậy rồi thì chúng ta không hờn, cũng không phiền ai. Người ngoài không nhận ra điều này nên họ trách mắng nhau: "Trời ơi, từ ông già cho tới chúng tôi, ai cũng ăn hiền ở lành, con tôi cũng được dạy Mô Phật, nhưng nhà tôi gặp đủ thứ chuyện khổ sở. Phật ơi, sao không cứu con ?"

Người tu hành không nên than trách như thế. Gặp những cảnh duyên, cớ sự không hay, chúng ta biết nghiệp trước của mình còn, vì thế vui lòng trả. Hòa thượng Trúc Lâm nói: "Hễ trả thì hết." Hết nợ là người rỗng rang, không lo sợ.

Trong những cảnh giới như thế, đều không làm lay động được tâm, chỉ thiết tha đem câu thoại đầu (không cần xét ý nghĩa) để bên lò thuốc, gối trên đầu nằm, thầm thầm tham chiếu, không nên lơi lỏng.

Luôn luôn chỉ có nghi tình, cái nghi kết thành khối thì mới có ngày ngộ đạo. Người tham thoại đầu không đề khởi được nghi tình, không kết được khối nghi thì không có cơ gì để ngộ đạo. Nghi nhỏ ngộ nhỏ, nghi lớn đại ngộ. Nghĩa là do công phu đề khởi câu thoại đầu, khởi nghi, khối nghi kết lại. Ở trong cái nghi, nghi qua nghi về, nghi tới nghi lui, chừng nào chín muồi, tự nó vỡ ra, ngộ đạo. Không gầy dựng được như thế, không hề ngộ đạo. Tu thoại đầu là vậy.

Ai tu thoại đầu mà làm việc này việc kia, lăng xăng đủ chuyện thì phải xét lại, gầy dựng lại công phu. Người xưa đến chỗ này như ngu như ngơ, chỉ có một khối nghi. Khối nghi vỡ lẽ thì thùng sơn lủng đáy hoặc nhân duyên thời tiết đến thì nó vỡ ra. Cách tu này cũng không phải khó, chỉ làm sao đề khởi được cái nghi, kết được khối nghi, cứ ôm khư khư cái đó mà cương quyết thẳng tới, làm cho nó già dặn chín chắn, tới ngày vỡ tung là thành công.

Nhưng với hoàn cảnh như thế này, đề khởi cho được cái nghi không phải là chuyện đơn giản. Tại sao? Bởi vì người thời nay khôn lanh quá. Nói thiên nói địa, nói trăng nói cuội, nói cách nào cũng biết cũng hiểu hết. Người xưa giản dị hơn, không vớ vẩn, không tưởng tượng, không nuôi thỏ, không nuôi voi. Rất bình thường. Do vậy khi công phu chín muồi liền vào được chỗ đắc lực.

Một số tịnh nhân cư sỹ tuy chưa xuất gia làm thiền sinh nhưng đã thông suốt mọi việc. Thiền sinh trong viện ngày ăn mấy lần, làm công việc gì, học điều gì, ngồi thiền thế nào... họ đều nắm được. Luôn cả lý đạo, yếu chỉ của pháp môn cũng thông suốt. Do điều kiện sinh hoạt, giao lưu đối tác, làm mọi công việc nên họ không có nhiều thời gian công phu. Nếu dẹp được những thứ đó và bắt đầu hành trì, chắc chắn sẽ có kết quả tốt.

Hiện nay tất cả các băng giảng của chư vị tôn đức, chư vị hòa thượng trong nước, Phật tử xem nghe rất đầy đủ. Ngay cả những lúc ngồi trên xe hơi mấy tiếng đồng hồ, họ cũng tranh thủ nghe luôn. Nghe tới nghe lui nhuần nhuyễn, cách thức quảng diễn Phật pháp, lý đạo lý thiền, thậm chí có người thuộc lòng nữa. Đa số họ không có thời gian ngồi tu, cho nên cái tri giải, hiểu biết có thể đầy trời mà nghi thì thực sự chưa khởi được.

Trong thiền sử Trung Hoa, nơi pháp hội của tổ Quy Sơn, thiền sư Hương Nghiêm được Tổ khen là người hiểu biết, thông minh lanh lợi, trí tuệ tầm cỡ ngài A-nan, ngài Xá-lợi-phất. Khi vào cuộc, Tổ bảo: "Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh xem?" Ngài mờ mịt không đáp được. Quay về liêu, ngài đem hết tất cả kinh sách đã học ra kê cứu nhưng chẳng tìm được câu trả lời. Cuối cùng phải cầu Tổ nói phá, Tổ bảo:

- Nếu ta nói cho ngươi, về sau ngươi sẽ chửi ta. Ta nói là việc của ta đâu can hệ gì đến ngươi ?

Ngài buồn bã trở về đem hết sách vở ra đốt, than rằng: "Đời này chẳng học Phật pháp nữa, chỉ làm tăng cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần." Ôm mối nghi trong lòng, ngài từ giã Tổ đi đến Nam Dương. Một hôm đang cuốc cỏ trên núi, lượm miếng miểng ném trúng cây tre vang tiếng, khối nghi được vỡ, ngài hoát nhiên tỉnh ngộ. Thành ra từ chỗ không biết nên sinh nghi, ôm nghi mới có ngộ. Vậy mà hiện nay nhiều người nghe nói đừng vọng tưởng, đừng theo dấy niệm, hãy sống với cái hiện tại... dẫn thiền sư này dạy vậy, thiền sư kia dạy khác, cái gì cũng thông suốt cho nên không còn gì để nghi. Đó là trở ngại của người học đạo ngày nay.

Như những đứa trẻ thông minh, cái gì cũng thuộc cũng nhớ. Nhiều khi nó hỏi mà người lớn ứ hự không biết đường đáp. Giống như Độ Thành nói nhiều câu mẹ nó trả lời không được, khóc thôi. Bị rầy, nó bảo tại vì mẹ không biết, để con giải thích cho mẹ nghe. Hiểu, nói được nhưng bảo tu thì anh không tu được. Bảo tụng kinh thì làm biếng, bảo ngồi thiền thì không ngồi, bảo đừng chơi điện tử thì vẫn cứ chơi. Rõ ràng hiểu biết có đó nhưng nghiệp tập, chủng tử xấu từ sự tăm tối của vô minh làm chủ mạnh quá, nó dẫn đương sự đi. Nó cũng biết làm như vậy là sai, sẽ bị quở bị phạt này khác nhưng ngừng không được. Sáng ra đi học, mấy thầy đưa tới trường rồi quay về. Nó bắt đầu tìm cách vào chỗ chơi điện tử, ngồi dán con mắt vào đó, không có sức đối kháng nghiệp.

Từ xưa đến nay, các bậc tôn sư, chư vị thiện hữu tri thức khi công phu tu hành có được kinh nghiệm và giác ngộ, quý ngài đều chỉ dạy lại cho chúng ta. Những điều ấy đều do quý ngài có thân chứng, làm được nên nói được. Nếu chúng ta cố gắng áp dụng hành trì theo, thắng được nghiệp tập thì nhất định có kết quả.

Giả sử, thời khóa ăn sáng trong viện là năm giờ bốn mươi lăm phút, khi nghe tiếng bảng mọi người tập trung vào Trai đường, riêng mình từ năm giờ là bắt đầu ngồi ngáp. Đi lòng vòng vớ được nắm trà để vào trong cốc, chế nước sôi, uống vào một hớp sáng con mắt, hết ngáp. Cảm giác thoải mái hơn, hưng phấn hơn, thích thú hơn, nhẹ người hơn, sáng sủa hơn, dường như thông minh thêm một khúc, trí tuệ phát ra một thước. Nghe tiếng bảng biết là nếu không đi ăn cơm sẽ bị quý thầy lớn nhắc nhở quở phạt, không đồng ý cho mình làm như vậy. Nhưng ngồi uống trà thấy khoái hơn, thì thôi mấy thầy nói gì kệ mấy thầy, mình tu phải nhịn chứ sao. Ngày mai, ngày kia uống trà không còn thoải mái, phải uống tới cà phê mới tăng đô. Tuần đầu cà phê nghe cũng được. Tuần sau cảm thấy cà phê đắng quá. Chừng vài ba tuần sau, cà phê dở quá. Cuối cùng xuống dưới bếp coi tri khố lơ đễnh, mình vớ chiếc xe chạy lòng vòng, đi đâu cũng không biết, hồi về bỏ xe trơ đó. Vậy thôi mà cũng hưng phấn hơn nhiều.

Chỗ này ngày xưa cô Như Thủy giảng rất có duyên. Cô nói rằng chúng sinh theo nghiệp tập mà lầm lũi, trốn chui trốn nhủi trong luân hồi sinh tử. Cô kể lại chuyện ông vua tối mặc đồ thường dân đi chơi, bị mấy thằng du côn đánh xể mày xể mặt, vậy mà tối nào cũng lén đi. Có khi hai ba giờ khuya chưa muốn về, sáng ra thấy cái mặt thôi lem luốc! Chúng sinh là vậy đó.

Cho nên đức Phật, chư vị thánh nói rằng khi chúng ta chưa chứng thánh quả thì chưa thể tin tâm mình. Bởi vì tâm ấy là vọng tưởng, bóng dáng của tiền trần, nghiệp thức mênh mang, sự tăm tối dẫn chúng sinh đi mãi trong luân hồi sinh tử, không thoát ra được. Trong kệ kinh Pháp Cú 153 - 154 diễn tả tâm trạng đại hoan hỷ của đức Thế Tôn sau cuộc chiến đấu phi thường, vượt qua tất cả thử thách chông gai và trên hết là vượt qua chính mình:

Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi,
Như Lai lang thang đi, đi mãi.
Như Lai đi tìm mãi mà không gặp,
Như Lai tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà!
Như Lai đã tìm được ngươi.
Từ đây,
Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt,
Và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.

Đó là tâm trạng của một người đã giác ngộ. Căn nhà vô minh từ đây không thể dựng lên được, cột kèo trói buộc, đòn dông tăm tối đã không còn đủ lực hấp dẫn. Tự tại giã từ nó.

Hiểu điều này rồi, mong rằng chư huynh đệ phải cố gắng nhiều. Tùy phần mỗi vị, nếu còn đủ sự sáng suốt thì nên tự ổn định, sắp xếp, làm tròn tâm nguyện tu hành của mình một cách xứng đáng. Những lời chỉ dạy của bậc thầy, của thiện hữu tri thức rất cần thiết đối với chúng ta. Tuy nhiên, tự chúng ta phải xông pha giải quyết việc của mình.

Ngày xưa khi tôi mới về đây được một thời gian, có mấy anh em lên xin đi nơi khác tu, bao giờ sáng đạo mới quay về. Thật sự lúc đó tôi không dám nói điều gì hết. Bởi vì việc sáng đạo đối với bản thân tôi không phải là dễ dàng. Mấy huynh đệ ra đi, họ ghé chợ này xóm kia... Rốt cuộc loanh quanh xong rớt cái đùng trở lại. Thêm lem luốc, thêm buộc ràng chứ đâu có gì.

Có nhiều huynh đệ vui lắm, hiên ngang, tự tại. Đi đến vùng quê nghèo nói chuyện với bà con, người ta thích thú đem cơm gạo xúm lại cúng dường. Có người phát tâm cho cây, cột dựng am mời ở lại tu. Mình yếu lòng nên nhận lời người ta, dựng lên một cái am đề tên rất đặc biệt, mỗi ngày ngồi đó thuyết pháp. Được một năm hai năm, nhìn lại thấy mình có bệnh. Giờ muốn đi trị bệnh mà đi không được. Bởi vì Phật tử thương mình, họ nghĩ thầy đi rồi ai hướng dẫn tụi con, chính quyền thấy chùa bỏ, họ sẽ đến dẹp. Cho nên nấn ná thêm một hai năm, bệnh nặng, chết. Đi đâu? Loay hoay làm quỷ giữ thất. Nếu quày đầu lên được thì cũng làm thầy làm bạn với những người quanh đó thôi. Thay vì hồi kia mình sống tại Thủ đô, thành phố, bây giờ ở miền quê xa vắng, hẻo lánh, bà con nghèo... Chỉ là một sự thay đổi không tới đâu.

Chỗ này chúng ta phải thấy phải tỉnh, cương quyết nhất định phải làm tới, cần đứng dậy đi cứ đi. Cha mẹ, thầy tổ còn bỏ để đi thì mắc mớ gì chuyện một cái am nhỏ, với một số ít người thương mình mà đi không được? Lụi hụi, mờ mịt. Chưa xong việc. Tôi cũng bất lực vì mình không phải là người sáng đạo, thấy anh em rơi rớt chỗ này chỗ nọ, xót xa mà không làm gì được. Chỉ biết nương uy đức của Hòa thượng Ân sư, tiếp tục nhiệm vụ thừa hành, đưa thế hệ sau phát tâm hướng theo con đường của ngài. 

- HT Thiích Nhật Quang -

[ Quay lại ]