headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ THIẾT SƠN ÁI DẠY

thiensuthietsonSơn tăng mười ba tuổi biết được Phật pháp, mười tám tuổi xuất gia, hai mươi tuổi làm tăng. Trước đến Thạch Sương, được Am chủ dạy luôn luôn quán chót mũi trắng, tâm được thanh tịnh. Sau có vị tăng từ Tuyết Nham đến, trình bày phương pháp tọa thiền do ngài Tuyết Nham dạy. Xét lại công phu của tôi chưa từng được qua lối ấy. Nhân đó, tôi đến Tuyết Nham. Ngài dạy thực hành công phu chỉ đề một chữ Không. Tôi y đó tu tập, đến đêm thứ tư toàn thân mồ hôi ra ướt dầm, được mười phần trong sáng. Kế vào tăng đường, tôi không nói chuyện với ai, chỉ chuyên tâm vào sự tọa thiền.

 Thiền sư Thiết Sơn Ái rất chân tình khi kể lại công phu của bản thân. Năm mười ba tuổi, ngài cùng mẹ đi chùa lễ Phật, nhân đó biết được Phật pháp, mười tám tuổi xuất gia, hai mươi tuổi thọ giới Tỳ-kheo. Trước đến Thạch Sương, được Am chủ dạy luôn luôn quán chót mũi trắng, tâm được thanh tịnh. Chữ quán là soi rọi, thấy bằng sự soi rọi của mình. Quán một điểm trắng tập trung ở chót mũi, cô đọng lại một chỗ không bị phân tán ra bên ngoài, tâm được thanh tịnh.

Nhân một người bạn đạo trình bày công phu tọa thiền do ngài Tuyết Nham dạy, so sánh với công phu đang quán nơi chót mũi, ngài tự thấy mình chưa qua được lối ấy. Hồi đầu quán chót mũi trắng, sau khi đến với thiền sư Tuyết Nham chuyển sang công phu thoại đầu đề khởi chữ Không. Y theo lời chỉ dạy của ngài Tuyết Nham công phu được lợi ích. Vào đến tăng đường, ngài không nói chuyện với ai, chỉ chuyên tâm tọa thiền, khán một chữ Không.

Sau đến yết kiến Cao Phong Diệu. Ngài dạy: "Suốt cả ngày đêm thoại đầu chớ cho gián đoạn. Canh tư thức dậy theo đuổi thoại đầu sẽ được hiện trước mắt. Vừa biết ma ngủ đến, liền đứng dậy đi kinh hành vẫn giữ thoại đầu, khi đi mỗi bước không rời thoại đầu. Dọn đơn, rửa bát, cất muỗng, dẹp đũa, theo chúng làm việc... đều không rời thoại đầu. Ban ngày, ban đêm đều cũng như vậy, nhào nặn thành một khối, chắc chắn sẽ được phát minh." Theo lời dạy của ngài Cao Phong, tôi thực hành công phu quả nhiên kết thành một khối.

Thiền sư Cao Phong Diệu là một trong những vị thiền sư lớn thuộc tông Lâm Tế. Khi ngài Thiết Sơn Ái đến yết kiến, thiền sư Cao Phong Diệu dạy suốt cả ngày đêm không cho gián đoạn thoại đầu. Trong khi ngồi thiền nếu ma ngủ đến, đứng dậy đi kinh hành nhưng vẫn giữ pháp tu tham thoại đầu. Bước đi từng bước, làm bất cứ việc gì, trong tất cả các thời đều không rời thoại đầu. Theo lời dạy của ngài Cao Phong, tôi thực hành công phu quả nhiên kết thành một khối. Đây là chuyên môn bên ngành thoại đầu.

Ngày hai mươi tháng ba, ngài Tuyết Nham lên thiền đường bảo: "Chư huynh đệ! Nếu ngồi lâu trên bồ đoàn bị ngủ gật, nên bước xuống đất, đi một vòng, lấy nước lạnh súc miệng, rửa hai con mắt, lại lên bồ đoàn ngồi thẳng xương sống như vách đứng ngàn trượng, đề khởi câu thoại đầu. Dụng công như thế quyết định bảy ngày được ngộ. Lối đó là bốn chục năm về trước, Sơn tăng đã áp dụng công phu."

Đó là kinh nghiệm bản thân của ngài Tuyết Nham. Nếu bị ma ngủ tấn công, chúng ta nên rời khỏi bồ đoàn, đi một vòng, súc miệng rửa mặt, rồi tiếp tục lên bồ đoàn dựng thẳng xương sống, đề khởi câu thoại đầu. Dụng công như thế quyết định được ngộ. Tóm lại phải chuyên nhất một việc, chết sống như vậy sẽ thành công.

Tôi y lời dạy này thực hành, liền biết có công phu dị thường. Ngày thứ hai, cặp mắt muốn nhắm mà không thể nhắm. Ngày thứ ba, thân này như đi giữa hư không. Ngày thứ tư, không còn biết tới việc thế gian. Đêm ấy đứng dựa lan can một chút, lặng nhiên không biết, kiểm điểm lại thoại đầu vẫn không mất. Trở vào lên bồ đoàn ngồi chợt nghe từ đầu đến chân tợ như đầu lâu chẻ vỡ, in tuồng dưới đáy giếng sâu muôn trượng được đưa lên hư không. Khi ấy vui mừng vô hạn. Tôi đem việc này thuật lại ngài Tuyết Nham. Ngài bảo: "Chưa phải."

Ngài Thiết Sơn Ái kể lại giai đoạn thực hành công phu theo cách chỉ dạy của thiền sư Tuyết Nham Khâm. Ngày thứ nhất thấy công phu không bình thường. Đến ngày thứ tư thoại đầu không mất mà vẫn hiện tiền. Ngày hôm sau lên thuật lại với thầy, thầy nói chưa phải.

Qua công phu bên ngành thoại đầu, chúng ta học được gương công hạnh, sự quyết tâm của quý ngài. Từ những bài đầu tiên cho tới bây giờ, đâu có vị nào nói tu thiền liền thành thiền sư, muốn làm Phật liền thành Phật, thậm chí cả những nhân vật đặc biệt kiệt hiệt trong thời này. Trong đây đều là những vị tái lai để sùng hưng tông phái thiền nhưng cũng không có trường hợp đó. Vị nào cũng phải trải qua cam go trăm đắng ngàn cay, thiên ma bách chiết mới có ngày thành tựu. Chữ ma là mài, chữ chiết là chẻ ra. Thiên ma bách chiết tức là bị mài bị chẻ ra hàng trăm lần.

Huynh đệ cứ nghiệm lại coi, muốn thành tựu bất cứ việc gì cũng phải tập trung sức lực tâm lực, đâu phải muốn được là được. Tại giới đàn năm nay, chúng ta đã có một sự thành công về mặt tụng luật. Thời gian ở giới đàn, huynh đệ các viện, các Chiếu cũng như Trí Đức đều tuân thủ nề nếp tốt. Nhất là hôm tụng luật, tôi được ngồi dự cùng hòa thượng Trưởng ban. Ngài nhìn chư huynh đệ hồi lâu rồi hỏi:

- Chúng ở đâu vậy?

- Bạch Ôn, chúng ở Thường Chiếu.

- Thấy toàn là chúng Thường Chiếu không.

Chúng ta được một chút như vậy cũng đã cố gắng nhiều. Từ hôm huynh đệ được xuất gia, thọ mười giới, tiến liêu, làm thiền sinh trong viện, hằng ngày phải tụng luật trong hai ba năm mới được như vậy. Cho nên nói thiên ma bách chiết là đúng, không phải chuyện dễ dàng. Nhưng thực tế chúng ta đã làm được, đó là điều đáng mừng đáng phấn khởi.

Theo quy chế của Tỉnh hội, sau một hai ngày thọ giới, giới tử phải trở lại thiền đường của Tỉnh hội nhập hạ, học luật. Nhưng chúng ta được miễn điều này, bởi vì từ sự sắp đặt của Hòa thượng Trúc Lâm, các viện đủ điều kiện sẽ được giấy phép an cư tại chỗ. Mùa hạ năm nay, số lượng hành giả an cư trong đạo tràng Tổ đình lên tới (một ngàn hai trăm mươi bốn) vị, một số lượng chưa từng có. Các đạo tràng khác trong tông môn cũng an cư đông đảo. Chúng ta có Ban lãnh đạo, Ban tổ chức, chương trình sắp đặt mỗi ngày đều có học và công phu. Nhờ vậy các vị lãnh đạo trong Tỉnh hội hoan hỷ cho mình trở về trú xứ an cư.

Còn một việc huynh đệ phải làm, đó là những vị chưa thọ giới Tỳ-kheo tiếp tục tụng luật như trước đây. Những vị đã thọ giới Tỳ-kheo phải tụng luật Tỳ-kheo. Trì trệ lắm là tháng sáu tháng bảy lại có một kỳ thi về luật Tỳ-kheo, giới Bồ-tát. Tôi rất vui khi thấy vừa thức chúng, huynh đệ đã có mặt trên điện Phật chấn chỉnh công phu. Trên điện Phật nghe Sa-di tụng, dưới Tổ đường nghe Tỳ-kheo tụng. Huynh đệ giữ trang nghiêm thanh tịnh cho chính mình cũng là giữ trang nghiêm thanh tịnh cho đạo tràng.

Lại trở về thực hành công phu, mong được pháp ngữ. Chuyến sau, ngài bảo:

Nối dòng Phật tổ việc hướng thượng,
Sau ót trước đây thiếu một chùy.

Âm:

Thiệu long Phật tổ hướng thượng sự,
Não hậu y tiền khiếm nhất chùy.

Đây là kết quả giai đoạn ngài công phu tu tập. Sau khi nhận lời chỉ dạy của bậc thầy, ngài cố gắng hành trì, gầy dựng cho mình thật sự có một công phu đáng kể. Tuy nhiên khi đến trình bạch, chỗ nào thầy cũng nhận xét chưa đạt, chưa chín muồi. Vị thầy dạy tiếp:

Nối dòng Phật tổ việc hướng thượng,
Sau ót trước đây thiếu một chùy.

Gầy dựng công phu tu học như vậy là đúng rồi đó, song sau ót còn "thiếu một chùy". Chúng ta hiện giờ chưa có công phu nên chắc còn thiếu đến trăm chùy, phải không? Cảnh tham chúng ta chưa dừng được là biết chưa có công phu. Cảnh sân chúng ta chưa dừng được, nổi nóng la hét là biết chưa có công phu. Nếu có cũng chỉ ngoài da, chưa thấm vào cốt lõi bên trong xương tủy. Hà huống si mê điên đảo, cội gốc từ bao nhiêu kiếp lẽo đẽo theo chúng ta để tạo nghiệp. Luân chuyển mãi trong vòng mê tối, bị nghiệp dẫn tới chỗ khổ não, sinh tử luân hồi, trôi giạt lang thang.

Lời dạy của vị thầy rất khéo, sau khi nghe hai câu thơ trên, ngài biết thầy mình chưa chấp nhận. Nối dòng Phật tổ là việc làm cao thượng, nhưng còn thiếu sự quyết tử. Các thiền sư thường nói: "Đầu sào trăm trượng tiến một bước nữa." Đã lên tới đỉnh rồi mà còn tiến đi đâu? Nhưng tiến được chỗ này thì sống, không tiến được thì loay hoay tại đó, lầm mê, chết đứng một chỗ, có thể là như vậy.

Trong tâm tự hỏi, tại sao lại "thiếu một chùy?" Không tin việc này liền khởi nghi, không thể tự giải quyết được.

Khi nghe vị thầy dạy, ngài khởi nghi nhưng không thể tự giải quyết được. Mỗi ngày kiên quyết sấn sướt công phu không hề bỏ cuộc, khối nghi bỗng nhiên được phá vỡ.

Nếu là người chưa có công phu, nghe không hiểu chắc bỏ cuộc luôn, không còn giữ được thời khóa. Đây cũng là một căn bệnh chung của chúng ta, nên việc tu hành giống như người bị sốt rét cách nhật. Một ngày tỉnh chín mười ngày sốt, nửa ngày tỉnh hai ba ngày sốt. Đếm qua đếm lại, đếm tới đếm lui, lòng vòng một hồi tính ra vẫn sốt. Cái sốt nhiều hơn cái tỉnh. Cũng vậy, thấy mình công phu có vẻ vững vàng nghiêm túc, lúc nào cũng trừng con mắt sáng quắc như cọp, bước từng bước hiên ngang như trâu, chợt có chuyện khác xen vào, tâm thần bấn loạn, nửa tỉnh nửa mê. Đó là một thực tế không tốt trong việc tu học của chúng ta.

Năm xưa lúc Thiền viện mới xây dựng, trong giai đoạn chuẩn bị, tôi đều bám sát tất cả công việc. Dọn dẹp, chỉnh trang và sắp đặt cây cảnh là công tác hàng đầu. Tôi luôn luôn bỏ ăn sáng và có mặt tại vườn kiểng trước nhất. Quan sát, chỉ huy, sắp đặt, tạo địa hình thế này thế kia, hoặc dời đổi cây cảnh chỗ này sang chỗ khác. Rất nhiều vị phiền tôi do phải làm cực nhọc. Tôi im lặng không nói gì vì nghĩ rằng tâm của mình đối với Tam bảo, việc làm trước mắt mọi người đều thấy, long thiên hộ pháp thiện thần cũng thấy. Ai nói gì thì nói, tôi vui lòng.

Trong số những người bạn già cùng tu tại viện, có một ông rất tích cực, người gầy nhom nhưng sức khỏe tốt. Thời thanh niên trai tráng, ông là người làm việc tay chân, cũng từng biết chơi kiểng, sưu tầm cây kiểng. Do vậy có thể nói trong nhóm bạn, ông hợp với tôi nhất. Muốn làm gì chúng tôi cũng bàn với nhau, hai huynh đệ rất đồng tình, vui vẻ. Hồi năm 1975, tôi mới về xây dựng Thường Chiếu, lúc đó chùa tạm còn ở ngoài cội Bồ-đề, với một sân kiểng đủ thứ cây. Tôi muốn tạo cảnh mới cho chùa nên giải thể số kiểng đó, các thầy cô quanh xóm thích cây gì thì đem về trồng. Chỉ sau hai ngày tuyên bố giải thể, vườn kiểng sạch hết, còn lại mấy cây mai tứ quý mới gieo hột, nên không ai lấy. Hiện nay vẫn còn để ngoài chỗ tháp của Hòa thượng.

Ông bạn tôi vững vàng lắm, biết cách kiếm chậu trồng vào, không cho ăn phân nhiều để khống chế nó đừng lớn. Thỉnh thoảng chỉnh sửa xén bớt, coi thấy không ổn lại dời chỗ khác. Đang khỏe mạnh vậy đó mà nghe trong người hơi yểu yểu, đi bác sỹ phát hiện có u xơ. Về nhà, ông xìu làm hết nổi, nghỉ ban kiểng luôn, rồi lo trị bệnh cho tới lúc viên tịch. Nghe nói mình bị ung thư, bao nhiêu lực tu hành đều hư hoại. Đi không vững, ăn không được, nằm không yên, ngủ không xong. Bình nhật thấy dường như đắc lực nhưng thật ra chưa ổn.

Tôi muốn chia sẻ với chư huynh đệ rằng, việc tu hành cần chín chắn kiểm nghiệm. Đừng nói là bát phong: lợi suy hủy dự..., mà ba thứ tạp nham hàng ngày cũng đủ quật mình tan hoang rồi. Cho nên bao nhiêu lần ngài Thiết Sơn Ái trình công phu, sư phụ đều nói chưa được. Hai câu thơ tiếp theo cũng là phương thức dạy phát sinh nghi tình. Ngài không thể tự giải quyết được nhưng mỗi ngày vẫn giữ thời khóa, giữ vững công phu không hề bỏ cuộc. Học đến đây chư huynh đệ phải tự chỉnh đốn lại nề nếp của mình, nhất định giữ vững công phu tới lúc chết.

Trong tác phẩm Bách Trượng Thanh Quy, chúng ta thấy chủ thuyết của ngài Bách Trượng là Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực. Cho tới những năm ngoài tám mươi tuổi, tuy già yếu nhưng ngài vẫn đi làm công tác với chúng. Các vị chức sự thấy thương, giấu dụng cụ không cho làm. Tìm không được, ngài bảo: "Ta không có đức hạnh, đâu dám làm nhọc người."

Hôm đó không làm việc nên ngài không ăn, mới có câu Một ngày không làm, một ngày không ăn. Ngài kiên quyết giữ vững công phu cho tới hơi thở cuối cùng.

Sự quyết tâm tu hành, sấn sướt công phu của người xưa thật vững vàng. Chúng ta ngày nay tu chưa tới đâu mà sẵn sàng bỏ cuộc, bỏ tất cả. Có huynh đệ vừa được xuất gia thọ mười giới, tiến liêu nhập chúng, đùng một cái nghe tin bố bệnh, xin về. Tôi hỏi:

- Về làm gì ?

- Dạ, con về nuôi bố.

- Nhà có ai không ?

- Dạ, anh em đông.

- Ủa, anh em không nuôi được hay sao mà phải về ?

- Dạ, con thương bố lắm.

Thương bố là tốt, không có bố thì không có mình. Nhưng thầy tổ đang bỏ ra tâm huyết gầy dựng công phu cho mình, lo lắng, chuẩn bị, huấn luyện thuần thục cho xuất gia, truyền giới, nhập chúng, dạy dỗ tỷ mỷ. Vậy mà quyết định bỏ hết, nói qua nói lại nhất định đòi về. Tôi cũng thông cảm vì còn quá mới, nhưng về nhà không biết công phu ra sao, lại sống với chuỗi ngày thế tục. Tuy nhiên muốn về thì tôi đồng ý, sau đó anh về luôn không trở lại.

Cái dở, cái yếu của chúng ta là ở chỗ đó. Nghe quý thầy nói người xưa tu thành Phật, mình cũng muốn tu thành Phật. Nhưng không có một chút gan dạ, không quý trọng giới thân tuệ mạng, cứ chạy theo ngoại duyên thì tu bao giờ mới thành tựu.

Mỗi ngày chồng chập tọa thiền sắp được nửa năm. Một hôm, nhân nhức đầu chưng thuốc, gặp tri khách Giác Xích Tỷ, hỏi : "Thái tử Na Tra lóc thịt trả cho mẹ, cắt xương trả cho cha là sao?" Nghe hiểu mà không thể đáp, bỗng nhiên phá vỡ khối nghi.

Chưa hiểu lời thầy dạy, mỗi ngày thiền sư Thiết Sơn Ái chồng chập tọa thiền.

Gần được nửa năm như vậy, một hôm nhân nhức đầu chưng thuốc, gặp thượng tọa tri khách hỏi: "Thái tử Na Tra lóc thịt trả cho mẹ, cắt xương trả cho cha là sao?" Nghe hiểu mà không thể đáp, bỗng nhiên phá vỡ khối nghi.

Thái tử Na Tra là nhân vật trong truyện Phong Thần, tuy còn nhỏ nhưng quậy hết cỡ. Vốn mang cốt là thiên thần vì thế chuyện gì Na Tra cũng làm được. Xuống biển tắm làm dậy sóng, thấy rồng con bắt lại rút gân, đem dây gân về cho cha làm dây lưng. Vào cung đình thấy cung tên của triều đình, giương lên bắn. Mũi tên bay đến chỗ đạo tràng của bà Thạch Cơ Tử, làm chết một người đệ tử, bà nổi giận ầm ầm. Dưới biển Long vương đi kiện Na Tra rút gân con trai của ngài. Trên trời Thạch Cơ Tử đi kiện Na Tra bắn chết đệ tử của bà. Động trời động biển.

Ông cha hoảng hồn vì con trai mình quá quậy, nên bắt lóc thịt cắt xương trả lại cho cha mẹ. Na Tra làm liền. Quá gan dạ. Cuối cùng chỉ còn lại thần thức tấp vào am miếu, trở thành ma quỷ, chờ người ta cúng xôi chè cho ăn. Sống kiếp cô hồn vất vưởng nay đây mai đó. Một hôm Lý Tịnh đi ngang, thấy trên miếu đề tên thái tử Na Tra, ông liền đập bỏ. Không còn chỗ gá nương, thần thức Na Tra bay về gặp sư phụ là Thái Ất chân nhân. Sư phụ để bảy hạt linh đơn lên một đóa sen rồi nhốt hồn vào đó luyện, sau một thời gian thành hình Na Tra có thần lực rất tinh nhuệ, chỉ cần dưới chân gió tụ, bánh xe lửa sẽ nổi lên. Na Tra được dự vào hàng thần tướng giữ ngọc đảnh, có thể nói là một thiên thần cương quyết và gan dạ nhất.

Nghe hiểu mà không thể đáp, bỗng nhiên phá vỡ khối nghi. Thành công này có được là do ngài không sợ chết. Năm xưa khi còn tu học trên núi, Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng tôi: "Chết không sợ mà sợ cái gì." Tuổi thọ của chúng ta đâu có nhiều, bản án tử hình đã tuyên sẵn, có thân có hơi thở tất sẽ có ngày kết thúc. Đó là việc chúng ta phải tự gánh vác, không ai có thể thay thế cho mình.

Thái tử Na Tra sau khi trả hết thân cho cha mẹ, chỉ còn linh hồn gá vào miếu cũng bị ông già đập phá luôn. Cho nên một bề nương nơi thầy, được thầy luyện thành người phi thường bằng những tinh chất, với linh giác cực kỳ tinh vi siêu xuất. Nếu chúng ta cố gắng, cương quyết, thì thân này cũng có thể trở thành hữu dụng trong một phạm vi nào đó. Thật sự không ai biết trước mình sẽ bị bệnh gì, sống chết ra sao. Dù muốn sống lâu khỏe mạnh cũng không được như ý.

Như mấy cụ dưới Lâm Viên xuất gia muộn, lâu nay chỉ thấy đi trị bệnh. Thời thanh niên trai tráng sống ở đời đã sử dụng quá nhiều năng lực, sức khỏe. Cho nên bây giờ được xếp vào trong hệ già yếu của Thiền viện. Chưa có theo công tác của chúng mà đã thấy mấy cụ lết bết rồi.

Nay ông này đi thầy thuốc, mai ông kia đi bác sỹ, xiểng liểng. Thời gian có bao lâu, già bệnh dẫn tới chết, tu hành chưa được bao nhiêu.

Cụ nào biết rõ như vậy thì phải dốc sức, tranh thủ, cướp thời gian để lo việc của mình, cương quyết đối diện một cách hiên ngang. Vì quý vị không còn thời gian dài như mấy thầy nhỏ, hồn nhiên ca hát này kia. Nhưng dù già hay trẻ, ai rồi cũng phải đối diện với sinh lão bệnh tử. Anh em còn nhỏ, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Thí dụ trong nhóm các thiền sinh trẻ của viện có vị bị siêu vi B, mười năm mười sáu năm trời uống thuốc mà còn nguyên. Nó dở dở ươn ươn, theo chúng già thì không theo, theo chúng trẻ thì không nổi. Sống lượng sượng nửa này nửa kia không tới đâu.

Điều này mình phải tự kiên quyết định đoạt sinh mệnh của mình, chứ không ai có thể thế giùm. Mình phải tranh thủ, cướp thời gian, phải quyết định cho chính mình thì mới xong việc. Số huynh đệ lông bông khắp nơi, được bốc ra từ tổ đình Thường Chiếu đông lắm. Phần nhiều trôi giạt đầu này đầu kia. Trong điều kiện thế này mà thấy bệnh tu không được, nói đi ra làm gì đó để tu hoặc nhập thất. E rằng tự dối nói gạt mình. Tu hành quả thật không phải là chuyện đơn giản.

Sau đến tham học với ngài Mông Sơn. Sơn hỏi: "Tham thiền công phu đến chỗ nào là cùng tột?" Liền im lặng không biết mối manh. Sơn dạy: "Lại phải thực hành định lực công phu, gột sạch tập tục thế gian."

Đây là sự phấn đấu tột cùng của ngài. Đặc biệt quãng này ngài gặp những vị thượng nhân đều là bậc siêu xuất chỉ dạy. Đầu tiên, ngài Mông Sơn hỏi: Tham thiền công phu đến chỗ nào là cùng tột ? Đâu là chỗ có thể nói thùng sơn lủng đáy, đâu là chỗ có thể nói ngộ đạo. Im lặng không biết mối manh. Bởi vì chưa cùng tột, còn đang chơi vơi giữa đường nên không sao trả lời được câu này.

Sơn dạy: Lại phải thực hành định lực công phu, gột sạch tập tục thế gian. Dùng công phu định lực gột sạch tất cả tập tục thế gian. Ngày xưa, lần đầu tiên chúng tôi vào thất, Hòa thượng Trúc Lâm dạy: "Hãy coi như mình chết rồi." Thấy chúng tôi còn lớ xớ, ngài gạn hỏi thêm: "Có khi nào thấy người chết mà ngóc đầu dậy nói chuyện, làm việc không?" Nhân đó chúng tôi mới nhận ra. Coi như mình đã chết. Phải quyết định như vậy.

Mỗi khi vào thất chỉ nhớ "thiếu một chùy". Một hôm, từ ban mai tọa thiền đến suốt đêm, dùng định lực dồn ép, liền được thấy u vi. Khi xuất định gặp Sơn, bèn thuật lại cảnh này. Sơn bảo: "Cái ấy là bản lai diện mục của ông." Vừa muốn nói, Sơn liền đóng cửa.

Ngài công phu tiến đến chỗ thâm thúy. Thầy hạ cú như vậy nghĩa là thấy được rồi. Tuy nhiên đây không phải là chỗ giải thích. Vào đến điền địa này rồi không nên đi trình với thầy này, nói với thầy kia. Ông thầy điểm cho một phát, xong đóng cửa lại không cho nói. Tự mình trở về công phu.

Từ đây, công phu mỗi ngày càng đến chỗ mầu nhiệm. Bởi vì rời ngài Tuyết Nham sớm quá, nên thực hành công phu chưa từng đến chỗ tế mật. Rất may! Lại được gặp bậc thầy khuôn mẫu, mới đạt đến chỗ này. Lâu nay nhờ thực hành công phu khẩn thiết cùng cực, nên hiện tại giờ giờ ngộ nhập, bước bước sạch trong.

Ngài kể về công phu, sự gắng gổ quyết tâm, liều chết sấn tới tu hành của mình.

Một hôm, nhìn trên vách thấy bài minh Tín Tâm của Tam tổ rằng:

Về nguồn được ý chỉ,
Tùy chiếu mất chân tông.

Âm:

Quy căn đắc chỉ,
Tùy chiếu thất tông.

Tín Tâm Minh nghĩa là bài minh tin tâm mình. Về nguồn thì được ý chỉ, theo chiếu thì mất chân tông, tức là theo cái pha ra thì đi tuốt.

Lại gọt thêm một lớp nữa. Ngài Mông Sơn bảo: "Việc này in như mài giũa hạt châu, càng giũa thì càng sáng, càng sáng thì càng trong sạch. Giũa một lần, hơn nhiều đời khác thực hành công phu." Nhưng, tuy nói vậy, chữ "thiếu" vẫn còn ở trong tâm.

Công phu đến chỗ như vậy nhưng trên ót vẫn thiếu một chùy, trong tâm cũng còn canh cánh chữ "thiếu".

Một hôm trong định, chợt chạm đến chữ "thiếu", bỗng nhiên thân tâm rỗng rang, triệt xương thấu tủy, như tuyết đọng hốt nhiên chảy tan, siêu việt không còn ngăn ngại. Liền bước xuống đất tìm Mông Sơn thưa: "Tôi thiếu cái gì?" Sơn đánh ba cái, tôi lễ ba lễ. Sơn bảo: "Thiết Sơn chỉ một cái đó mà mấy năm rồi, đến nay mới liễu ngộ."

Nhờ thầy chỉ vẽ như vậy, ngài cố gắng công phu. Cuối cùng xong việc, hỏi thầy: Tôi thiếu cái gì? Đâu có thiếu cái gì. Vì thế ngài Mông Sơn khẳng định: Thiết Sơn chỉ một cái đó mà mấy năm rồi, đến nay mới liễu ngộ.

Chư huynh đệ! Nếu tạm thời câu thoại đầu không còn, có khác gì người chết.

Ngày xưa, có một lần vài ba huynh đệ ở đây bị động bởi thoại đầu. Bữa đó công tác phổ thỉnh, dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Ân sư, toàn lực chư tăng chư ni phải dọn dẹp sạch sẽ khu đất gần cầu Song Chiếu bây giờ. Nơi đó trước đây đầm sình, chúng tôi dọn cả năm trời mới sạch. Sau lại dời đất ở trên xuống, ban ra thành những khoảnh ruộng nho nhỏ.

Trên bờ mé bên đây trồng tràm, ra khỏi vườn tràm có bờ lớn tới ruộng. Ở đó chúng tôi làm chòi, xung quanh có mấy cây phượng lớn, coi cũng xinh. Anh em đặt tên là chòi phượng, mái lợp bằng lá, bên trong có sàn. Huynh đệ làm mệt vào chòi ngồi chơi hoặc uống nước.

Bữa đó tôi đi làm cỏ, đang ngồi nghỉ dưới chòi phượng, mấy huynh đệ tới đặt vấn đề "kiến tánh", nói lòng vòng một hồi giống như động viên mình:

- Tu thì phải kiến tánh chứ sao Ngài cứ đi làm ruộng. Ngài vỡ đất trồng trọt, làm ăn vậy chừng nào xong việc.

Tôi mới hỏi lại:

- Thưa quý thầy, kiến tánh là sao? Quý thầy có cao kiến gì nói cho tôi nghe để tôi tu theo.

Họ lòng vòng lẩn quẩn nói những điều gì đâu, chứ thật ra không phải kiến tánh. Khi đó tôi nghiêm mặt bảo:

- Tôi nói cho mấy thầy biết, nếu tự mình kiến tánh, nói được, hướng dẫn tôi được thì tôi đảnh lễ. Còn nghe người khác nói rồi đến thuyết với tôi, coi chừng cửa địa ngục mở.

Từ đó về sau họ không nói chuyện ấy nữa. Thật ra tôi không có kinh nghiệm bên ngành này. Nhưng tôi biết người tham thoại đầu nếu không đề khởi được câu thoại đầu, không kết được khối nghi thì trớt lớt, không dính dáng gì hết. Pháp tu này giống như một mũi tên bắn thẳng, đa nghi đa ngộ, càng nghi càng ngộ. Tu mà không khởi được nghi tình thì lấy gì ngộ ?

Tất cả cảnh giới đến bức bách thân, chỉ lấy câu thoại đầu chống lại. Luôn luôn kiểm điểm thoại đầu, xét trong động, trong tịnh và đắc lực hay không đắc lực. Trong định cũng không nên quên thoại đầu, quên thoại đầu thì thành tà định. Không được khởi tâm mong chờ được ngộ. Không nên tìm hiểu trên văn tự.

Đừng thấy xúc chạm chút ít cho là đã liễu ngộ. Chỉ nên như si như ngốc, Phật pháp thế pháp nhồi thành một khối. Thi vi động tác chỉ là tầm thường, chỉ cần thay đổi đường lối của ngày xưa. Cổ nhân nói:

Đại đạo xưa nay chẳng dụng lời,
Nghĩ bàn huyền diệu cách vực trời,
Chi bằng quên cả năng và sở,
Mới khá đói ăn, mệt nghỉ ngơi.

Âm:

Đại đạo tùng lai bất thuộc ngôn,
Nghĩ đàm huyền diệu cách thiên uyên.
Trực tu năng sở câu vong khước,
Thủy khả cơ xan khốn tắc miên.

Đây là những lời dạy cuối của thiền sư Thiết Sơn Ái.

Hồi xưa, trong thiền đường của các đạo tràng tu về ngành này, những vị tu hành đắc lực hay có biểu hiện khác thường.

Giả sử hành giả đang trong công phu đắc lực, nghe tiếng bảng đi thọ trai, có khi đang đi rồi đứng trơ không biết làm gì. Hoặc từ trong nhà xí đi ra mà không mặc đồ, rất tự nhiên. Trong đầu các ngài chỉ thầm thầm câu thoại đầu, chân nghi hiện tiền. Ngày xưa ở xứ mình có hòa thượng Duy Lực, người kế thừa bây giờ trong ngành này là hòa thượng Minh Hiền, cũng đang mở mang và phát huy.

Thiền Quan Sách Tấn là một quyển sách nói về những vị thiền sư tu thoại đầu, có công phu và cách ngộ đạo đặc biệt. Chúng ta học để thấy được ý chí, cách thức hành trì tu tập của người xưa. Dù là tông phong, hệ phái nào, công phu muốn đắc lực đều phải quyết tử. Như vậy mới có ngày sáng đạo.

Chư huynh đệ chúng ta còn điểm thiếu sót, kém yếu là chưa kiên quyết, còn lớ ngớ lắm. Nếu cứ như vậy hoài thì không đi tới đâu, uổng phí cả cuộc đời. Nhân lúc còn khỏe mạnh trai tráng sáng suốt, chúng ta cố gắng cương quyết. Một phen dứt khoát khi gặp cơ hội mới mong xong việc. Chúng ta đừng nghĩ mình trẻ khỏe mãi, nhiều khi đang vậy mà chết ngang cái đùng. Ba bốn loại quỷ sứ tới rước đi, quỷ si mê mạnh nó lôi mình vào địa ngục, quỷ sân hận mạnh nó lôi mình vào loài ngạ quỷ... không cách chi thoát được. Cho nên chúng ta phải cố gắng, nhất là những vị lớn tuổi.

-HT Thích Nhật Quang -

[ Quay lại ]