THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ VÔ LƯỢNG THƯƠNG DẠY
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 25 Tháng mười hai 2015 13:59
- Viết bởi Super User
Suốt cả ngày đêm đều ôm câu thoại đầu mà đi mà đứng mà ngồi mà nằm, tâm dường như giẫm lên gai nhọn, không bị tất cả vô minh, ngũ dục tam độc... nuốt sống. Đi đứng ngồi nằm toàn thân là nghi tình, nghi qua, nghi lại, trọn ngày như ngây ngốc, thấy sắc, nghe tiếng, chỉ giữ một tiếng động ấy thôi.
Phần trên ngài Tố Am Điền dạy, tín tâm phải nặng nghi tình mới kết. Ở đây thiền sư Vô Lượng Thương dạy giản dị hơn, khi nghi tình phát khởi thành khối thì đi đứng nằm ngồi dường như chỉ có nghi tình. Lúc đó giống như đi trên mũi nhọn, nghĩa là phải luôn luôn tỉnh. Bằng mọi cách bảo vệ nghi tình không bị suy suyển, không rời một khối. Khối nghi tình đủ đắc lực vỡ ra mới thành tựu.
Cũng như câu chuyện về người tử tù, muốn thoát chết anh phải đi trên một con đường đê nhỏ hẹp, tay bưng đĩa dầu đầy tràn, ngang qua một đám xiếc mà không cho rơi một giọt. Trong tình cảnh ấy chỉ cần một chút lơ đễnh là mất mạng. Việc tu tập cũng thế, phải chuyên nhất, quyết tâm, buông hết mọi thứ chung quanh mới có thể thoát khỏi sinh tử.
Pháp tu của chúng ta không phải là tham thoại đầu hay khán công án, mà là vận dụng đến trí lực. Nhiều đời kiếp chúng ta bị vô minh cho nên lầm tạo nghiệp nhân, trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử. Cho nên phải dùng trí tuệ đối đầu với vô minh, đập tan vô minh. Thiền sư Vô Lượng Thương dạy phải tập trung kết thành khối nghi, điều này giống với vận dụng trí tuệ. Cách thức và sự hành trì tuy khác nhau nhưng chung một mục đích là phát huy được trí tuệ Bát-nhã. Thấy rõ sinh tử không thật, chẳng khác nào như hoa đốm trong hư không. Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ.
Thật ra việc tu không khó, khi làm tất cả các công việc mà chúng ta không bị dính mắc là người có trí tuệ. Điều này nói ra người ngoài không tin, nhưng người trong cuộc thì thấy biết rõ ràng. Thường nhật dĩ nhiên chúng ta phải sinh hoạt, đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, tiếp xúc... nhưng đừng để bị gục ngã bởi bất cứ cảnh duyên nào. Thí dụ ăn là một nhu cầu của thân. Nếu nó đòi hỏi nhiều thì chúng ta phải biết chia sớt, tính toán làm sao ăn vừa đủ sống, đảm bảo khỏe mạnh. Cốt phát huy được trí tuệ của mình chứ không nên vì ăn mà xao lãng việc tu hành. Cho nên chúng ta không nên tranh cãi hay đặt thành vấn đề trong ăn uống.
Các loại xe dù hai bánh, bốn bánh hay bao nhiêu bánh, cần xăng thì tới cây xăng đổ vào. Có xăng máy mới hoạt động, xe mới chạy được. Dù nó không chịu dùng xăng 95 của Campuchia, chịu dùng xăng 95 của Việt Nam chẳng hạn, nhưng không thấy chiếc xe nào lên tiếng. Nếu có nói là mấy anh tài xế nói. Cũng vậy, lý luận tranh chấp là từ cái ngã của chúng ta, nó không thật. Nhận được chỗ này thì cuộc sống nhẹ nhàng, thấy gì cũng là hoa đốm trong hư không, tạm có tạm không.
Con người khi sắp xả bỏ thân tứ đại, trong tâm phải xả trước. Nếu chấp thân chắc thật, quý báu đáng bảo vệ thì làm sao xả ? Nó là đồ bỏ, đồ hôi thối nên xả được. Chỉ cần một hơi thở ra không lấy lại là đi rồi. Khi sống thì ôm chặt, chấp trước, chịu nóng chịu lạnh, chịu khổ chịu đau đủ thứ, chết đi thân trả về các duyên, đâu còn gì mà giữ. Hồi xưa ngài Thiện Phát còn trụ trì ở đây, nói nhiều câu hồn nhiên lắm. Làm gì Thầy cũng nói: “Không nhằm nhò ai”... Đây là biểu hiện của một người có đức tu hành, làm chủ được các pháp.
Qua lời dạy của đại sư Tố Am Điền và thiền sư Vô Lượng Thương, chúng ta đúc kết được kinh nghiệm: Phải cố gắng gầy dựng tỉnh lực cho mình. Tỉnh lực mạnh thì tu hành đắc lực, bởi vì nó khai mở tuệ giác cho chúng ta. Ngồi nghĩ vớ vẩn, lăng xăng là điên đảo vọng tưởng, không phải tỉnh lực. Chư vị tổ sư, các bậc thầy tổ đã dạy chúng ta điều này. Cho nên chúng ta không thể nói mình chưa biết cách tu.
Trong chương trình tu học thiền, chúng ta sẽ được học ngữ lục của các vị thiền sư. Ngoài ra còn có một loạt những bài minh như Tín Tâm Minh, Quy Sơn Minh... Minh là lời ghi tóm gọn những điều các ngài đã dạy. Như trong tác phẩm Quy Sơn Cảnh Sách, phần trên là những lời văn, phần cuối cùng là lời minh:
Huyễn thân mộng trạch
Không trung vật sắc
Tiền tế vô cùng
Hậu tế ninh khắc...
Ngoài ra còn có các loại thi cảm, bài châm, bài văn... Thiền tuy nói bất lập văn tự nhưng trong Tạng đa số là ngữ lục của thiền sư. Nhất là trong Tục tạng có Cổ Tôn Túc.., ngữ lục từ nhiều đời của các vị thiền sư. Riêng về thiền học, người Trung Quốc đã soạn ra và in được hăm lăm tập dày. Chủ trương của tông phái thiền là Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, nhưng thực tế kho tàng thiền ngữ chư tổ để lại cho chúng ta thật quá đồ sộ.
Phần kinh luận giảng giải, thi phú ngẫu hứng của Hòa thượng Trúc Lâm phỏng chừng bốn chục tập dày. Chưa kể các vị đệ tử lớn của ngài, mỗi vị chừng vài mươi tập như vậy nữa. Nội tổ đình thiền viện Thường Chiếu, phần văn nghĩa để lại cho người sau khá nhiều. Điều cốt yếu là chúng ta phải vận dụng được cốt tủy bên trong, phát huy trí lực để tu hành. Đó chính là trí tuệ vô sư hay trí tuệ Bát-nhã. Đức Thế Tôn thành đạo cũng từ trí vô sư, bây giờ chúng ta tu pháp biết vọng không theo, buông vọng để trí tuệ hiện tiền. Sở dĩ trí tuệ không phát khởi là do điên đảo vọng tưởng, chấp trước si mê nhiều đời kiếp bu bám, sống bằng tình thức, lăng xăng hết chuyện này tới chuyện kia. Nghiệp này đòi hỏi người tu phải nỗ lực không ngừng mới mong chuyển hóa được.
Tin mới
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ ĐOẠN NHAI NGHĨA DẠY CHÚNG - 17/04/2016 14:17
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ THIẾT SƠN ÁI DẠY - 27/03/2016 12:50
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ CAO PHONG DIỆU DẠY CHÚNG - 12/03/2016 11:00
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ TUYẾT KHÂM DẠY - 20/02/2016 10:17
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ CƯƠNG NHUYẾN ĐÁP THƯ NGƯỜI - 17/01/2016 09:55
Các tin khác
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - ĐẠI SĨ TỐ AM ĐIỀN DẠY CHÚNG - 05/12/2015 08:42
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ MÔNG SƠN DỊ DẠY CHÚNG - 11/11/2015 13:53
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - SƯ ĐẠI HUỆ CẢO ĐÁP LỜI HỎI - 23/10/2015 11:29
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ DI AM CHÂN DẠY CHÚNG - 01/10/2015 11:32
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ ĐƠNG SƠN DIỄN TIỄN ĐỆ TỬ ĐI HÀNH CƯỚC - 13/09/2015 12:51