headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ MÔNG SƠN DỊ DẠY CHÚNG

58Tôi năm hai mươi tuổi mới hiểu đạo, đến năm ba mươi hai tuổi đi thưa hỏi mười bảy mười tám vị trưởng lão, thế nào thực hành công phu, đều không ai chỉ ra manh mối. Sau đến tham học với trưởng lão Hoàng Sơn, dạy khán chữ Không. Suốt cả ngày đêm chăm chăm khán nó như mèo rình chuột, như gà ấp trứng, không cho gián đoạn. Khi chưa thấu triệt phải như chuột khoét rương chưa phủng thì không dời chỗ khác.

Thực hành công phu như vậy nhất định có ngày phát minh. Tôi y lời dạy, ngày đêm chăm chăm thể cứu trải mười tám hôm, sau khi uống trà, chợt ngộ "đức Thế Tôn đưa cành hoa, ngài Ca-diếp mỉm cười", vui mừng vô hạn. Đi cầu bốn năm vị trưởng lão quyết nghi, các ngài đều không dạy một lời. Hoặc bảo dùng Hải ấn tam-muội (chánh định trong lặng, tâm suốt thấu vạn vật, như biển nước yên lặng vạn tượng đều in hình không sót), nhất ấn mà ấn định, ngoài ra chớ để lòng. Tôi tin lời này hơn hai năm.

Nhằm năm Cảnh Định thứ 5 tháng sáu, tại phủ Trùng Khánh - Tứ Xuyên, tôi bị bệnh kiết nặng, ngày đêm đi cả trăm lần, nguy kịch sắp chết. Tất cả công phu đều không đắc lực, đến hải ấn tam-muội cũng không dùng được. Những điều hiểu ngộ ngày trước dùng cũng không được, có miệng không thể nói ra lời, có thân không thể cử động, chỉ chờ chết mà thôi. Tôi cố sức gắng gượng làm chủ, phân phó mọi việc xong xuôi, bước lên bồ đoàn, sửa soạn một lò trầm, chậm rãi ngồi định. Thầm khấn: "Tam bảo long thiên chứng giám, con xin sám hối các nghiệp ác về trước. Nếu đại hạn con đã đến, nguyện nương sức Bát-nhã chánh niệm thác sanh, sớm được xuất gia. Nếu bệnh được lành, con xin xả tục làm Tăng, mau được giác ngộ, rộng độ những kẻ sau." Khởi nguyện này rồi, tôi đề khởi chữ Không hồi quang tự khán, không bao lâu nghe trong tạng phủ động ba bốn lần, không quan tâm đến nó, chặp lâu mí mắt không động. Lại lâu lâu không thấy có thân, chỉ có thoại đầu thầm thầm liên tục. Đến chiều mới xuất định, bệnh bớt được phân nửa. Lại tọa thiền đến cuối canh ba, các bệnh đều dứt, thân tâm nhẹ nhàng. Đến tháng tám, tôi sang Giang Lăng xuất gia.

Người phát tâm tu đắc lực phải khéo léo sắp đặt nhân duyên chung quanh. Có ý chí tu hành mà không khéo sắp đặt mọi việc thì cũng gặp lủng củng khó tu.

Cho nên đầy đủ nhân duyên, có ý chí tu hành, còn phải khéo dọn dẹp tất cả duyên sự chung quanh mới có thể tiến tu.

Chúng ta có thân, được gặp Tam bảo, bây giờ lại được xuất gia. Theo lời dạy của Phật tổ, mình tự sắp xếp một thời khóa, nghi cách tu hành để đảm bảo được giác ngộ giải thoát. Giai đoạn này đòi hỏi công phu khá nhiều, cho nên chư huynh đệ phải cố gắng chớ có xem thường. Những gì đang có tuy nó không thật, nhưng mất rồi muốn gầy dựng lại không phải là chuyện đơn giản. Vì nghiệp chủng quá dày, quá nhiều, chưa chắc mình tỉnh để gầy dựng một chủng thật tốt như thế này.

Tôi năm hai mươi tuổi mới hiểu đạo, đến năm ba mươi hai tuổi đi thưa hỏi mười bảy mười tám vị trưởng lão, thế nào thực hành công phu, đều không ai chỉ ra manh mối.

Lời Phật dạy nằm trong giáo điển kinh tạng nhiều, tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhưng xem pháp môn nào thích hợp thì chúng ta hành trì mới đắc lực. Những vị vào đạo từ thời bé thơ được gọi là hảo tâm xuất gia, thầy sẽ hướng dẫn những bộ môn Phật pháp sơ cơ. Bây giờ có hai năm học lớp giáo lý ban đầu, sau đó ba năm cấp tiểu học, bốn năm cấp trung học, bốn năm cấp đại học.

Có nhiều vị đang đi học mà đã giữ những chức vụ trong tùng lâm, những ngôi đạo tràng do thầy tổ của họ chủ hóa. Do vậy sau khi tốt nghiệp Trung cấp Phật học, các vị ra làm Phật sự, không lên Học viện cũng không có thời gian để dự vào lớp Cao đẳng Nội minh, Cao đẳng chuyên khoa... Sau khi tốt nghiệp Trung cấp rồi thì chia tay.

Chúng ta tu thiền không học theo trường lớp, nhưng có một giáo trình học rất rõ ràng, do Hòa thượng Ân sư vạch ra. Giáo trình đó tăng ni học suốt thời gian tự nguyện ở Thiền viện. Vừa được thực tập tọa thiền, vừa học giáo lý qua giáo trình ấy. Đồng thời chư huynh đệ còn nghiên cứu thêm trong Đại tạng. Viện chúng ta có rất nhiều tạng kinh, trong đó Đại Chánh Tân Tu là tạng được dùng phổ thông nhất. Ngoài ra còn có Tục Tạng Tân Toản, bộ này văn phong rất sáng, dễ đọc. Tạng Càn Long và nhiều loại khác nữa. Tôi giới thiệu để anh em thấy mình không thiếu tư liệu. Sở dĩ nghèo chữ nghĩa là tại mình.

Thiền sư Di đi hành cước thưa hỏi qua mười bảy mười tám vị thiện tri thức, nhưng chưa ai chỉ ra manh mối. Sau đến tham học với trưởng lão Hoàng Sơn, dạy khán chữ Không. Suốt cả ngày đêm chăm chăm khán nó như mèo rình chuột, như gà ấp trứng, không cho gián đoạn.

Sau khi ngài đến với trưởng lão Hoàng Sơn, được dạy khán chữ Không. Ở đây tu về thoại đầu, rất miên mật. Các ngài trong khoảng này đều khán thoại đầu. Mèo rình chuột mà cục kịch ngó chỗ khác thì con chuột chạy mất. Cho nên nó nằm thin thít, con chuột không biết nên mới bị chụp. Người tham công án cũng như mèo rình chuột, như gà ấp trứng, không cho gián đoạn.

Khi chưa thấu triệt phải như chuột khoét rương chưa phủng thì không dời chỗ khác. Thực hành công phu như vậy nhất định có ngày phát minh.

Con chuột không học trường kỹ thuật nào, cũng không từng học nghề với ông thợ mộc, thợ khoan, thợ hồ... nhưng khi nó khoét rương, không biết quan sát thế nào, đã quyết định dùi chỗ đó là dùi cho tới phủng mới thôi. Chưa phủng là chưa dừng. Trong nhà có thùng đựng đồ, cứ tối nghe chuột khoét, từ ngày này sang ngày khác, mình không thèm để ý, nó khoét tới lủng mới thôi. Con chuột thông minh và quyết liệt như vậy. Tu hành cũng thế, chăm chỉ chuyên cần không lơi lỏng phút giây mới có thể thành tựu.

Tôi y lời dạy, ngày đêm chăm chăm thể cứu trải mười tám hôm, sau khi uống trà, chợt ngộ "đức Thế Tôn đưa cành hoa, ngài Ca-diếp mỉm cười", vui mừng vô hạn. Đi cầu bốn năm vị trưởng lão quyết nghi, các ngài đều không dạy một lời. Hoặc bảo dùng Hải ấn tam-muội nhất ấn mà ấn định, ngoài ra chớ để lòng.

Nơi hội Linh Sơn, khi Phật giảng cho hội chúng, có một ngoại đạo đi tới, dâng lên đức Phật cành hoa. Thế Tôn mới đưa cành hoa lên, hội chúng ngồi lặng im, riêng tôn giả Ca-diếp mỉm cười. Liền khi ấy đức Phật nói lớn rằng: Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng vi diệu pháp môn, truyền cho Ca-diếp.

Ngài ngộ được ý chỉ đó, nhưng cầu giải nghi qua bao nhiêu vị trưởng lão đều không được dạy một lời. Quý ngài bảo dùng Hải ấn tam-muội, tức là chánh định trong lặng, tâm suốt thấu vạn vật, như biển nước yên lặng, vạn tượng đều in hình không sót. Đây là chánh định từ tâm yên lắng mà có. Dùng sức tu hành, chánh định của mình ấn chứng cho cái ngộ của mình, chỗ này không ai giải đáp được.

Tôi tin lời này hơn hai năm. Có những công phu huynh đệ trình lên, tôi nghe xong liền nhắc: "Tuy nhiên như thế nhưng phải tu tập liên tục, không phải thấy vậy là xong." Như bây giờ huynh đệ biết đường về Sài Gòn, nói đi Sài Gòn nhưng chưa đi, còn ở tại Thường Chiếu. Không bước đi mà cứ nói đi Sài Gòn thì dù cho một năm, hai năm, mười năm vẫn ở đây. Anh em thuộc bài đi Sài Gòn phải qua Long Thành, Biên Hòa, Thủ Đức rồi mới vào Thành phố. Từ đây tới đó bảy chục cây số chẳng hạn... biết hết, thuộc hết, nhưng cứ ở ỳ tại Thường Chiếu thì chừng nào mới tới. Cũng vậy, biết pháp tu, tứ đế thập nhị nhân duyên bát chánh đạo... thuộc hết. Nhưng không tu pháp nào, như vậy được cái gì ?

Vì vậy từ xưa tới nay, sau khi nghe đệ tử trình công phu, các bậc thầy liền hỏi: "Làm sao con bảo nhậm?" Đó chính là thời gian hạ thủ công phu thích đáng, quyết liệt, chí tử. Nhận được yếu chỉ rồi, phải vào được vị của nó. Đức Thế Tôn dạy tu hành phải trải qua ba vô số kiếp, không phải nói chuyện mười bảy mười tám vị trưởng lão hay năm ba pháp hội đâu đâu. Ba vô số kiếp mới hoàn toàn làm chủ, mới gột rửa hết những cù cặn, mới vững vàng bước lên đài vinh quang giác ngộ giải thoát. Không phải nói là đến, là được.

Nhằm năm Cảnh Định thứ 5 tháng sáu, tại phủ Trùng Khánh - Tứ Xuyên, tôi bị bệnh kiết nặng, ngày đêm đi cả trăm lần, nguy kịch sắp chết. Tất cả công phu đều không đắc lực, đến Hải ấn tam-muội cũng không dùng được. Những điều hiểu ngộ ngày trước dùng cũng không được, có miệng không thể nói ra lời, có thân không thể cử động, chỉ chờ chết mà thôi. Tôi cố sức gắng gượng làm chủ, phân phó mọi việc xong xuôi, bước lên bồ đoàn, sửa soạn một lò trầm, chậm rãi ngồi định. Thầm khấn: "Tam bảo long thiên chứng giám, con xin sám hối các nghiệp ác về trước. Nếu đại hạn con đã đến, nguyện nương sức Bát-nhã chánh niệm thác sanh, sớm được xuất gia. Nếu bệnh được lành, con xin xả tục làm Tăng, mau được giác ngộ, rộng độ những kẻ sau." Khởi nguyện này rồi, tôi đề khởi chữ Không hồi quang tự khán, không bao lâu nghe trong tạng phủ động ba bốn lần, không quan tâm đến nó, chặp lâu mí mắt không động. Lại lâu lâu không thấy có thân, chỉ có thoại đầu thầm thầm liên tục. Đến chiều mới xuất định, bệnh bớt được phân nửa. Lại tọa thiền đến cuối canh ba, các bệnh đều dứt, thân tâm nhẹ nhàng. Đến tháng tám, tôi sang Giang Lăng xuất gia.

Lúc còn cư sỹ, thiền sư đã tu đắc lực, khi gặp thầy hướng dẫn, càng phát huy ý chí tu hành. Việc xuất gia của ngài thật khác người. Bệnh duyên khiến cho thân thể kiệt quệ đến mức không nói được, không cử động nổi, kể như chết rồi. Nhưng tâm nguyện, ý chí tu hành không lay chuyển, ngài nhờ người đỡ dậy, ngồi ngay thẳng trong thế kiết-già phu tọa, tự tâm phát huy thiền định, sau đó thấy nhẹ nhàng.

Rõ ràng ngài không sợ chết. Chưa xuất gia mà đã nguyện nếu phải bỏ thân này, xin nương vào uy lực của Bát-nhã quay trở lại làm người tu sớm, ngộ đạo sớm để độ chúng sinh. Chỗ này không phải dễ. Bởi người có bệnh luôn muốn nằm, không công phu được. Có người chỉ bệnh một chút thôi là lợi dụng cái bệnh đó bỏ thời khóa rồi. Ngài bệnh thập tử nhất sinh, nhưng vẫn không quên nguyện tu hành. Cho nên ngài khởi nguyện rồi, trở lại công phu như lúc mạnh khỏe, hồi quang tự khán, luôn khán chữ Không. Chẳng bao lâu nghe trong tạng phủ động ba bốn lần, tức có máy động trong ruột. Tại sao? Vì đi cả trăm lần ruột nó đơ, không hoạt động nữa. Tuy nhiên sự tu hành hằng ngày có lực nên khi tập trung vận dụng thì nó máy động. Ngài quên thân, chỉ có thoại đầu thầm thầm liên tục. Đến chiều xuất định thì bệnh bớt được phân nửa.

Cuối canh ba là gần sáng. Đến tháng tám, ngài xuất gia thì đã lành mạnh. Nhân duyên đến với đạo, vận dụng công phu tu hành, hóa độ chúng sinh, cái nào cũng đặc biệt. Chư Phật, chư tổ từ bi nghĩ đến chúng sinh nên để lại những khuôn vàng thước ngọc, cách thức tu hành, chỉ chúng ta biết cách vận dụng thân này để tu hành.

Hằng ngày công phu chưa có nên chúng ta còn dính dáng, lăng xăng ngược xuôi chuyện này chuyện khác. Tới lúc bệnh hoạn bảo phải gắng gổ, phải tu tập là cả một vấn đề. Mỗi huynh đệ phải tự ý thức, tự sắp xếp cho mình. Biết tận dụng nhân duyên, phúc lành đang có và đầu tư thêm nữa. Thường xuyên vận dụng, phát huy trí tuệ Bát-nhã. Nếu không vận dụng Bát-nhã, sống bằng tình thức khi vô thường đến lấy gì chống trả? Cho nên ngay bây giờ cố gắng tu tập, nên nhớ không ai giúp được mình.

Có miệng không thể nói ra lời, có thân không thể cử động. Như vậy mà ngài gắng gổ công phu, chuẩn bị lên bồ đoàn sau khi đã sắp đặt hết mọi việc. Sắp đặt như thế nào? Sau khi xả thân tứ đại thì tất cả đồ dùng cúng dường cho Tăng đoàn. Ngày xưa thường có lễ chia phát đồ dùng của vị Tỳ-kheo xả thân tứ đại. Có món đưa ra bán, tiền đó cũng cúng dường Tăng đoàn, là của thường trụ tăng, thập phương tăng, không ai được quyền giữ riêng. Của thường trụ là thế nào? Là của chư tăng đang cùng tu học chung trong đạo tràng. Thập phương tăng là sao? Là chư tăng ở các nơi về đạo tràng, cũng được hưởng quyền lợi như nhau.

Người đến nếu ở lại học đạo thì sắp vào trong thường trụ, được sự chấp thuận của Hòa thượng đàn đầu. Nếu đến thăm viếng thì mời vào nhà khách, lo cơm nước đàng hoàng. Tăng đó là học trò của Hòa thượng Phương trượng, là bạn của Hòa thượng Phương trượng, hoặc là tăng đi hành cước... mỗi mỗi đều có pháp nghi xử sự rõ ràng. Cho nên trong mỗi công tác chư huynh đệ phải biết.

Anh em chớ xem thường nghi hạnh của mình, cứ lếu láo qua ngày, lớn lên trở thành ông thầy lếu láo. Mai mốt nhân duyên đưa đẩy lãnh chùa to, ai tới gặp cũng lạy dài, mà nghi cách không tốt thì thật khó coi. Cho nên phải học phải tu, phải thực hành những hạnh nghi cao đẹp. Như có vị ngồi thọ trai nghiêm chỉnh, mặt tươi, mắt không liếc ngó hai bên, cầm đũa cầm muỗng nhẹ nhàng thoải mái, thư thả không khua bát, khua chén, không đánh đũa đánh muỗng... Những hạnh nghi này mình học lẫn nhau, không bao lâu sẽ tốt đẹp.

Thiền sư trong lúc ngặt nghèo thân bệnh như vậy mà công phu được nên ngài phấn phát. Anh em nhập thiền tại thiền đường, khi nào quên thân mới vào định. Công phu miên mật, chợt thấy bẵng đi, tâm an lạc, đây là thiền duyệt. Tọa thiền vui vẻ an lạc sẽ thấy thời gian qua nhanh. Như vào thiền tám giờ ban sáng, bẵng đi một thời gian, nhìn lại thấy mười một mười hai giờ... Thời gian tùy theo mức độ công phu.

Ngài Thái Hư trong thời gian nhập thất tọa thiền suốt đêm. Vào thiền buổi chiều, bẵng đi một thời gian tới chừng nghe kẻng xả thiền là xả thiền sáng. Trong một lần như vậy, tuệ giác phát huy. Những vấn đề trong kinh trước kia chưa hiểu bây giờ sáng rực, như kinh Lăng-nghiêm, Bát-nhã... Ngài nói, những lúc thân thể ươn yếu khó chịu, ngài không uống thuốc, cầm bút viết liên tiếp năm ba bài thì khỏe ra, toát mồ hôi hạn hết bệnh. Thật đặc biệt!

Ngài xuất gia năm mười ba tuổi với thiền sư Chí Thiền. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, ngài đã đứng ra cải cách giáo chế, giáo sản, giáo lý, quy chế tùng lâm. Nhìn thấy người đương thời tu hành lười nhác, bê tha, ngài làm một cuộc cách mạng khôi phục lại. Thuyết trình, hướng dẫn tu tập, viết bài kêu gọi... để thức tỉnh tăng sỹ, gầy dựng trở lại quy chế tùng lâm. Việc gìn giữ quy chế từ đời này qua đời khác không phải dễ dàng đâu. Có khi thầy tổ lập ra như vậy, nhưng tới đời kế tiếp đệ tử cách tân liền. Giả tỷ thanh quy ấn định ba giờ khuya thức dậy, tới sau theo kiểu Tây phương cho rằng giờ đó tạng phủ nghỉ ngơi tốt nhất, dậy sớm trái khoa học nên ngủ tới năm giờ. Tùng lâm gọi là Tổ đình cuối thu lạnh lẽo, cho nên làm những điều sai trái.

Ngài Chí Thiền là người khởi xướng phong trào cách mạng, đánh đổ tất cả những tệ tình đương thời. Ngài Thái Hư kế thừa sự nghiệp của Thầy. Bây giờ chúng ta có trường Phật học, mở lớp dạy giáo lý cho cư sỹ là từ phong trào chấn hưng này.

Có một khoảng thời gian quý thầy lập gia đình, chuyên đi tụng đám sống, cả đời không hề biết Kinh tạng. Phật pháp suy đồi, thật đáng đau lòng. Ngài thuyết bộ luận Phật Thừa Tông Yếu, tôi đã dịch ra và rất tâm đắc tác phẩm này. Đây là bộ luận quan trọng của ngài Thái Hư. Ngài giảng về Phật học nhiều lần ở nhiều nơi, sau khi giảng xong, ngài tập hợp một số cư sỹ lại, lập thành nhóm tu học. Đối với chư tăng, ngài đưa ra chương trình phải học từ đâu. Như từ tứ đế tới thập nhị nhân duyên, bát chánh đạo... Từ đó mới có các trường Phật học ra đời, thành lập Giáo hội Phật giáo Trung Quốc. Cả một quá trình như vậy chứ không phải tự nhiên đâu.

Ở Việt Nam mình có ba miền, Phật giáo Bắc Kỳ được đề khởi từ tổ Vĩnh Nghiêm, chùa Vĩnh Nghiêm. Phía cư sỹ thì có hội cư sỹ Phật học, chư tăng có Giáo hội Tăng-già Bắc Việt, Giáo hội Tăng-già Trung Việt, giáo hội Tăng-già Nam Việt. Thiếu nhi có Gia đình Phật hóa phổ, tức Gia đình Phật tử bây giờ. Nghĩa là giới nào cũng phải học Phật. Trường Phật học có nguyên một cây thang giáo lý. Từ lớp Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học... thứ tự như vậy. Bây giờ chúng ta có trường Trung cấp, Học viện Phật giáo ba miền, nhiều lớp Cao đẳng Phật học... là từ quá trình hoằng pháp lợi sinh, chấn hưng Phật giáo của chư tổ. Suốt một dọc dài như vậy, công đức của quý ngài biết bao nhiêu mà kể.

Qua một năm, tôi rời đây đi hành cước, giữa đường dừng lại thổi cơm, hiểu được công phu một mạch liên tục không gián đoạn.

Sau một năm tu ở Giang Lăng, ngài rời nơi đó đi hành cước và bắt đầu nếm trải công phu. Giữa đường dừng lại thổi lửa nấu cơm, ngài thấy công phu của mình liên tục không gián đoạn.

Đến Hoàng Long vào tạm trú. Một hôm đang tọa thiền ma ngủ đến, liền tại tòa chấn chỉnh tinh thần, ma ngủ nhẹ nhẹ rút lui. Lần thứ hai ma ngủ lại đến, cũng làm như lần trước chúng thối lui. Lần thứ ba, ma ngủ rất trầm trọng, bèn bước xuống tòa đi lễ Phật, chúng liền tiêu tán. Lại lên bồ đoàn ngồi, y như nghi thức đã định trước, tinh tấn mãnh liệt đuổi bọn ma ngủ đi mất. Ban đầu khi ngủ dùng gối ngắn kê đầu, sau dùng cánh tay gối đầu, sau nữa giữ không cho thân xoay trở.

Ngài kể lại từng giai đoạn công phu. Ở Hoàng Long, bị ma ngủ tấn công khi đang tọa thiền, hai lần đầu chấn chỉnh tinh thần, ma ngủ từ từ rút lui. Đến lần thứ ba, ngài phải đứng dậy lễ Phật, lần này mới đánh tan được nó, sau trở lại tiếp tục tọa thiền, vận dụng ý chí liên tục.

Nhiều khi chúng ta lên thiền đường, chân bước mà mắt đã nhắm rồi. Tới nơi, kéo bồ đoàn ra ngồi ịch xuống một cái, vừa ngồi vào là con mắt nhắm nghiền. Chừng năm ba phút sau bắt đầu gục. Gục một hồi thấy khó chịu, lần tay kéo bồ đoàn bỏ ra ngoài. Có người ôm bồ đoàn tọa thiền kiểu chổng gọng. Ma ngủ thấy thế không sợ mà còn thích thú nữa. Hồi nãy nó đến hai ba đứa, bây giờ cả chục đứa bu lại, khiến hai mắt dính cứng. Ngồi chổng gọng tới chừng nghe lắc chuông xả thiền mới hay nãy giờ mình ngồi không giống ai. Ngủ ngang hông, ngủ bất hợp pháp, ngủ vô phép trước Tổ sư. Tu hành như vậy thì làm sao có thể tiến bộ được.

Ở đây thiền sư Mông Sơn Dị kể lại một cách rõ ràng những kinh nghiệm của ngài. Trong lúc bệnh hoặc thay đổi tư thế đi đứng, ngài vẫn tu liên tục. Ma ngủ tới, ngài tìm mọi cách đánh tan nó. Dùng gối ngắn kê đầu, nếu ngủ mê hơi lắc đầu là nó trật ra. Nhờ thế tỉnh giác thức dậy lo tu, không ham ngủ nghỉ. Sau dùng cánh tay gối đầu. Cách này dùng cho mấy người mạnh, chứ người yếu nằm chừng một lát tay tê cứng, phải ngồi dậy gỡ tay ra.

Sau nữa giữ không cho thân xoay trở. Đó là nói khi nằm nghỉ, chứ không phải lên chỗ ngồi thiền làm như vậy.

Qua hai ba đêm, ngày đêm đều nhọc nhằn mỏi mệt, dưới chân bức bách khó chịu, bỗng nhiên trước mắt như mây mù tan, tự thân như tắm mới ra nhẹ nhàng mát mẻ. Trong tâm nghi tình càng mạnh, không cần dụng công mà thầm thầm hiện tiền. Tất cả thanh sắc, ngũ dục bát phong đều không thể xâm nhập, trong sạch tợ như tách pha lê đựng tuyết, như bầu trời trong tạnh buổi sáng mùa thu. Tự suy nghĩ công phu tuy khả quan, nhưng không thể quyết trạch. Tôi liền từ giã đi Chiết Giang.

Đây là điều rất quan trọng của người tu tham thoại đầu. Trước nhất phải kết được khối nghi tình, càng nghi càng ngộ. Cho nên nghi tình càng mạnh, không cần dụng công mà thầm thầm hiện tiền. Tới một lúc nào đó khối nghi vỡ ra liền ngộ. Khi chỉ còn nghi tình, tất cả thanh sắc, ngũ dục bát phong đều không thể xâm nhập. Chỗ này giống như thùng sơn lủng đáy.

Trong sạch tợ như tách pha lê đựng tuyết. Pha lê và tuyết đều là hai thứ trong sáng, thấy được rõ ràng, không một vết gì có thể lầm được. Như bầu trời trong tạnh buổi sáng mùa thu. Bầu trời mùa thu trong trẻo sáng sủa. Tại những đất nước có đủ bốn mùa sẽ thấy rõ hình ảnh này. Ở miền Nam, mùa thu không được như vậy, vì trời hay chuyển mưa nên có nhiều mây, mất đi cái trong veo của bầu trời.

Tự suy nghĩ công phu tuy khả quan, nhưng không thể quyết trạch. Tôi liền từ giã đi Chiết Giang. Tại Hoàng Long, ngài tự nhận thấy công phu của mình được phần khá, có những bước tiến. Nhưng không tự quyết trạch được, nên phải nhờ bậc tôn đức quyết trạch, vì vậy ngài quyết định đi Chiết Giang.

Dọc đường quá nhọc nhằn nên công phu thối thất. Đến Thừa Thiên, tạm dừng chỗ hòa thượng Cô Thiềm. Tự thệ: "Nếu không hội ngộ, quyết chẳng đi đâu." Hơn một tháng công phu phục hồi như cũ.

Trên đường đi gặp nhiều khó khăn nhọc nhằn làm thối thất công phu. Nhưng sau đó ngài kiên thệ, quyết chí cho nên phục hồi lại được.

Bấy giờ khắp mình sanh ghẻ lở, tuy thế không để ý đến, quyết tâm liều chết sấn sướt công phu, tự nhiên được đắc lực. Thế là, thực hành được công phu trong lúc bệnh.

Khi nhọc nhằn quá thì bị thối thất, đến lúc phấn phát lại bị ghẻ lở. Tuy nhiên ngài không hề quan tâm, tiếp tục sấn sướt công phu. Cuối cùng ngay trong lúc bệnh cũng thực hành được công phu.

Một hôm nhân đi thọ trai, vừa ra khỏi cửa đề khởi thoại đầu, đi mà không hay mình đi cho đến nhà trai chủ. Lại thực hành được công phu trong lúc động.

Trong tất cả các thời, lúc bệnh, lúc nhọc nhằn, lúc ngủ gật, lúc động, ngài đều thực hành được công phu.

Công phu đến chỗ này như trăng hoa dưới đáy nước, tuy sóng gió ầm ầm ở trên mà vẫn không tan không mất, hoạt bát linh động.

Công phu của ngài đạt đến mức như trăng hoa đáy nước. Rõ ràng trên này gió ầm ầm nhưng bóng trong nước không động chút nào. Hoạt bát linh động, thật là bốn chữ siêu việt. Trên trời gió thổi cây cối rung chuyển, nhưng cái bóng dưới hồ linh động hiện tiền.

Ngày mùng sáu tháng ba, tôi trong khi tọa thiền đề khởi chữ Không, bỗng ngài Thủ tọa vào thiền đường thắp hương, đụng hộp nhang khua lên tiếng, hốt nhiên như dưới đất động một tiếng, chợt ngộ được chính mình, thấu đạt được ý ngài Triệu Châu.

Ngài ghi lại thời điểm rõ ràng. Lúc đó thầy Thủ tọa vào thiền đường thắp hương, đụng hộp nhang phát ra tiếng, ngài nghe chợt ngộ được chính mình.

Liền đắc ý một bài tụng:

Chớ bảo cuối đường cùng,
Dẫm ngược sóng là nước.
Lão Triệu Châu siêu quần,
Diện mục chỉ như thế.

     Âm:

Một hưng lộ đầu cùng,
Đạp phiên ba thị thủy.
Triệu Châu lão siêu quần,
Diện mục chỉ như thị.

Trong thiền sử có nói về thiền sư Hương Nghiêm, sau khi xả bỏ hết mọi việc, ngài về chỗ Quốc sư Huệ Trung kết một am tranh nhỏ, cam chịu phận làm tăng cơm cháo qua ngày. Một hôm đang làm cỏ trong vườn, ngài lượm được một miếng miểng, thẩy trúng vào cành trúc vang ra tiếng. Ngay đó ngộ đạo.

Trong chúng ta cũng có người nghĩ rằng: "Đời này tham thiền không xong rồi. Thôi kệ, làm tăng tu bình thường vậy." Chấp nhận cho mình giống như người học Phật tu nhân, nghĩa là tu gieo nhân. Người cư sỹ bên ngoài nói câu này được, còn chúng ta xuất gia rồi mà nói như vậy là kỳ lắm. Hòa thượng Trúc Lâm không chịu như thế. Xuất gia thì phải khác, bởi vì xuất gia là bậc thượng sỹ.

Khoảng mùa thu đến yết kiến các vị đại lão: An Kiến, Tuyết Nham, Thối Tỉnh, Thạch Khanh, Hư Chu. Hư Chu khuyên trở về Hoàng Sơn. Tôi y lời trở về Hoàng Sơn.

Sau khi ngộ, ngài đi cầu chứng minh. Đến yết kiến, các vị đại lão hòa thượng đều án binh, không chỉ vẽ điều gì. Vì quý ngài cẩn thận, nếu không khéo chẳng những học trò không xong việc mà còn ôm một khối si mê. Thay vì hồi trước người ta nhẹ nhàng ngộ đạo, bây giờ mình điểm vào một phát khiến người ta phải mang gông, đi mãi trong đời không ai gỡ ra được. Đó là cái khéo của người xưa.

Cuối cùng y theo lời khuyên của đại lão Hư Chu, ngài trở về Hoàng Sơn, bậc thầy cũ ngày xưa.

Vừa vào chùa gặp trưởng lão Hoàng Sơn hỏi: "Quang minh tịch chiếu biến hà sa, đâu không phải lời của Tú Tài Trương Chuyết?" Tôi vừa mở miệng, ngài nạt một tiếng, rồi đi.

Trưởng lão Hoàng Sơn dẫn lời của Tú tài Trương Chuyết hỏi, ngài vừa mở miệng bị thầy nạt rồi bỏ đi, không nói gì.

Từ đây, đi ngồi ăn uống... đều không còn ý tứ, trải qua sáu tháng. Đến năm sau vào mùa xuân, nhân ra ngoài thành trở về, lên bậc thang đá, bỗng nhiên nghi ngại trong lòng đều tiêu tan, không còn biết có thân đi trên đường.

Đây có lẽ là lúc thùng sơn lủng đáy. Tiêu tan hết, không còn biết có thân đang đi trên đường. Lủng chảy hết.

Tôi vào yết kiến Hoàng Sơn. Ngài hỏi lại câu trước. Tôi bèn lật ngược thiền sàng. Về trước những phương pháp thực hành, bao nhiêu công án, giờ này mỗi mỗi đều minh liễu.

Ngài Hoàng Sơn vừa gợi ý hỏi lại, ngài liền lật ngược thiền sàng. Dùng hành động để trả lời. Cũng như ngài Nam Tuyền với công án trảm miêu. Hai bên nhà Đông, nhà Tây tranh nhau con mèo. Ngài cầm con dao đứng đó bảo: "Nói được thì tha con mèo, nói không được thì trảm con mèo." Cả hai nhà Tăng đều không nói được, ngài trảm con mèo. Đó là một công án. Chiều ngài Triệu Châu về, thiền sư Nam Tuyền thuật lại chuyện hồi sáng, hỏi: "Ngươi thì thế nào?" Ngài Triệu Châu lấy một chiếc dép đội lên đầu rồi đi ra. Ngài Nam Tuyền nói: "Giá như khi sáng có ngươi ở nhà thì đã cứu được con mèo rồi."

Đây là chỗ không thể dùng lời để đáp. Khi bị hỏi mà giải thích là chết rồi. Nghĩa là thùng sơn chưa lủng, chưa thoát hết được, chưa minh liễu.

Chư nhân giả! Tham thiền rất là tinh mật, tôi nếu không bị bệnh nặng ở Trùng Khánh có thể một đời đã trôi xuôi. Cần thiết gặp bậc thầy thấy biết chân chánh. Cho nên, cổ nhân sáng tham học, chiều thưa hỏi để quyết trạch thân tâm, chăm chăm khẩn thiết tham cứu cho thấu đáo việc này.

Nói tóm lại, công phu như vậy, có bậc thầy như vậy, siêng năng chăm chăm như vậy mới tham cứu thấu đạt được việc này. Đó không phải là việc tầm thường, cũng không phải là việc bên ngoài, không phải là việc của riêng ai. Người tu hành thì công phu tu hành là việc của mình. Dù không tu theo thiền tham thoại đầu, tham công án nhưng chúng ta cũng cần có những công phu gắn bó tích cực, đặc biệt, khẩn thiết để tinh luyện, sáng tỏ việc của mình.

Thiền sư Đông Sơn Diễn quở: Có một bọn vừa lên bồ đoàn liền ngủ gật. Vừa bước xuống bồ đoàn thì dụm năm dụm ba bàn tán việc thế tục. Tu hành như vậy đến lúc đức Phật Di-lặc ra đời cũng không dính dáng. Từ thời điểm này đến lúc đức Phật ra đời không phải là mau. Mỗi kiếp phải trải qua bốn giai đoạn: thành trụ hoại không. Tới thời trụ, con người sống vô lượng vô biên tuổi. Đến khi giảm xuống dần cho tới mười tuổi thì đức Phật Di-lặc ra đời dưới cội Long Hoa.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thành đạo dưới cội Bồ-đề, còn đức Phật Di-lặc thuyết pháp dưới cội Long Hoa. Chánh pháp của ngài trụ lại trong giai đoạn trụ. Chúng ta đang sống trong thời kỳ mạt pháp, rốt sau giáo pháp của đức Phật Thích-ca. Giai đoạn này con người sống khoảng sáu bảy mươi năm, một trăm năm là hiếm. Như tôi bây giờ chết không phải là yểu, hơn bảy mươi cũng ngon rồi. Nhưng nếu mình không sáng đạo, nguyện nương Bát-nhã trở lại tiếp tục tu.

Chư huynh đệ chúng ta phải cố gắng học gương của người xưa, kiên quyết trui luyện để thành tựu cho chính mình. Đó là chỗ mong mỏi của bậc thầy tổ, không phải là chuyện cơm cháo của riêng ai. Do vậy những lúc bệnh hoạn chúng ta càng phải phấn đấu, cương quyết. Làm sao xứng đáng là bậc trượng phu như lời chư tổ ca tụng. Không nên để đời tu của mình trôi suông, uổng lắm! 

 - HT Thích Nhật Quang -

[ Quay lại ]